Từ đời vào văn

7/4
3:43 PM 2016

Nơi mùa hoa rừng ở lại

Bút ký của TRẦN ĐẠI - Có dịp vào buôn làng Tây Nguyên, tôi thích móc võng ở bến tắm ven rừng để nhìn cá đớp bóng, đàn kiến hợp lực kéo mồi và nghe tiếng chim non ríu rít khi mẹ về tổ...

                                                                                                 ảnh: Internet

Nơi ấy các con vật vô danh kia chắt chiu cuộc sống hàng ngày, chúng tựa vào nhau như hình với bóng. Cũng ở các dòng suối ven rừng, tôi từng là nạn nhân khi bất ngờ nhìn thấy những cuộc tình “nguyên chất”. Vì trong họ không ai để ý có người nằm võng yên lặng. Họ cứ tưởng giữa chốn hoang vu này chỉ có “đôi ta”.

Đã nhiều lần chuyện trò với bà con dân tộc có tuổi gốc Tây Nguyên. Khi được hỏi thời trai trẻ các cô chú thường tỏ tình ở đâu, ví dụ như trên rẫy, kho lúa, trên đường gùi củi, gùi rau về nhà… Đa số trong họ đều vui vẻ trả lời  “Ở bến tắm ven suối trong rừng chớ! Lúc đó mình thấy được thịt da nó mà!” Tôi vỗ tay đôm đốp vì nghe được chuyện tình bắt đầu bằng “thấy” rồi tiếp tục “Thấy xong rồi về nhà tưởng tượng, thà đừng thấy còn hơn”. Các cụ sờ đầu sờ cổ tôi thương hại “Mầy hỏi ngu như con heo, con nhím trong rừng. Mình thấy nó, nó thấy mình, cả hai bên đều cho thấy mà.”

Câu chuyện yêu nhau ngày xưa là thế. Chục năm trước, có dịp đến thăm các cổ tháp của các dân tộc thiểu số anh em, gần như phế tích nào cũng thờ tượng đá Linga và Yony. Mỗi khi đứng ngắm các linh vật này, tôi tự hỏi tại sao người xưa lại đem chúng đi thờ, điều mà ở đời thường người ta cố tình che đậy! Sau này tôi mới nhận ra, ngày xưa việc duy trì nòi giống để bảo tồn gia tộc và toàn vẹn lãnh thổ là tiêu chí hàng đầu. Cho đến bây giờ một số nước Bắc Âu, việc sinh đẻ bị chựng lại, có khá nhiều cặp vợ chồng vì lý do gì đó không chịu sinh con, đã báo hiệu dân số âm tính ở tương lai. Chính phủ của họ đúc cả tượng Yony ở công viên để khuyến khích việc duy trì nòi giống. Mới đây ở Nhật đã diễn lễ hội Linga cũng nhằm giữ mức tăng trưởng dân số vào năm 2050, vì trong vài thập niên gần đây người Nhật đã thờ ơ việc sinh con đẻ cái.

Đối với người Kờ Ho ở Nam Tây Nguyên, trước đây cho đến bây giờ vẫn xem việc sinh con là tiêu chí hàng đầu bằng cách cưới hỏi hai lần. Lần thứ nhất do cha mẹ tài trợ, lần thứ hai cả hai vợ chồng bỏ tiền ra. Theo luật tục khởi thủy, trai gái chỉ được phép cưới nhau chính thức khi đã có con, chung quy cũng duy trì nòi giống. Trong gia đình cha mẹ có đám cưới đàng hoàng mới có thể dựng vợ, gả chồng cho con cái sau này, không một gia tộc nào chịu cho bắt chồng lấy vợ khi bố mẹ hai bên chưa làm lễ cưới lần hai.

Lễ đi hỏi của nhà gái thường diễn ra lúc mặt trời đã khuất, vì họ quan niệm ban đêm con người sẽ được thần linh chứng kiến. Khi được sự đồng ý của nhà trai, hai bên đi đến bàn bạc và nghe nhà trai “ra giá” tiền và sính lễ. Đối với những chàng trai có học hoặc những gia đình giàu có thì “giá” cao hơn! Ngày xưa sính lễ trong một đám cưới thường là: Trâu, bò, heo, cồng chiêng, váy, khố, vòng, nhẫn... Còn ngày nay tất cả được quy ra tiền, vàng.

Với người Kờ Ho, tại lễ cầu hôn thường diễn ra một cuộc đấu trí giữa gia đình hai bên. Vì nếu bên trai từ chối lời cầu hôn sẽ làm tổn thương danh dự nhà gái, buộc nhà trai phải bồi thường bằng tiền hoặc sản vật trị giá từ 500.000 đến 1.000.000 đồng. Và cũng theo luật tục, con trai đang trong thời gian có người con gái hỏi về làm chồng sẽ không được để ý đến người khác, cũng không cho phép bất kỳ con gái nào đến đặt vấn đề bắt về làm chồng.

Các gia đình Kờ Ho thường không cấm đôi lứa yêu nhau. Khi đã ưng bụng trai gái có thể được tự do chung sống như vợ chồng. Trong quá trình “ăn nằm” ở bến tắm, người con gái phải lấy được một tín vật gì đó như đồng hồ, cái áo, đôi dép... để đối phó với các chàng trai mang dòng họ Sở. Theo một số người lớn tuổi kể lại, đã từng xảy ra trường hợp con trai “xù” bằng cách chối bay việc đã ngủ với cô gái, khi cô gái quên lấy bằng chứng. Còn nếu người con trai công nhận đã ngủ với cô gái nhưng không chịu cho bắt, sẽ bị buôn làng phạt rất nặng thường là trâu, heo, rượu cần. Nếu không chịu nộp phạt sẽ khó sống yên với buôn làng và người con trai này sẽ bị nhà gái xem là “đĩ đực”, bị xem thường khinh rẻ, không ai dám bắt về làm chồng nữa.

CHUYỆN CỦA “HOT BOY”

K’Preỏh người Kờ Ho là bạn tôi, nhà anh không giàu lắm nhưng bù lại anh có 3 đứa con trai, đứa nào cũng cao ráo, da nâu, tóc xoăn, thân hình cường tráng. Thỉnh thoảng anh chạy xe máy đến nhà tôi bảo đi uống cà phê với gương mặt buồn buồn. Chơi với nhau lâu ngày nên tôi biết, lúc nào K’Preỏh có tiền rủng rỉnh trong túi, anh đến nhà huýt sáo một cách yêu đời tiền cà phê ăn sáng bao sân, còn lúc nào màng túi bị “viêm” anh yên lặng, mặc dù anh mời. Tôi quý anh vì tính cách thật thà. Lần này đến nhà trong tâm thức không vui, thấy bạn buồn, tôi hỏi “ Lại chuyện thằng K’Juin phải không!” “Còn chuyện gì nữa, đàng gái đêm qua mang 3 cây vàng đến cầu hôn, nhưng ngặt nỗi thằng Juin không chịu, nó đòi bỏ nhà đi, ông ơi!” Anh lầu bầu. Tôi chặt lưỡi “ Có người thương nó là tốt rồi, động viên nó ưng đi, không khéo họ cho mình “đĩ đực” thì khổ! Mà hai đứa đã dẫn nhau ra suối “ăn nằm” chưa!”  “Chưa! tôi gặng hỏi nó rồi.” Anh nói với tôi như mếu.

Ba thằng con đẹp trai của gia đình K’Preỏh đứa nào cũng học hết phổ thông. Đối với người Kinh là niềm vui, còn với Kờ Ho là nỗi buồn. Vì với họ, con của trai mình là cháu ngoại còn con của con gái mới là cháu nội, sau khi có vợ phải về ở rể, con cái mang họ mẹ. Khổ nỗi 3 đứa con của anh trở thành tầm ngắm của con gái, một tuần có vài người bắn tiếng sắp có người đi hỏi. Chính vì thế vợ chồng anh lo lắng. Mới đây tôi hỏi Ka Gụt vợ anh, chị nói  “Thấy họ quyết tâm quá, mình đòi 3 cây vàng cho họ bỏ ý định nhưng cuối cùng họ cũng ráng chạy vạy để giao đủ, thế có chết mình không, mình gả con, mong cho nó có đôi có bạn làm ăn, sinh con đẻ cái chớ đâu phải mua bán như con trâu, con dê !”

Chuyện bị cưới vợ và được cưới vợ trong cộng đồng người Kờ Ho cũng xảy ra trong tiếng cười và nước mắt. Em Thanh Bình nhà báo người Kinh, chuyên viết về đề tài nông thôn mới của đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên. Bình là một “hot boy” tốt nghiệp đại học báo chí, sau 2 năm lặn lội trong buôn làng cùng ăn cùng ngủ, cuối cùng Bình cũng có mặt ở bến tắm rồi cùng “tâm sự” với một góa phụ Kờ Ho đã có hai con. Thanh Bình bằng lòng với sự chọn lựa của mình, kể ra em hạnh phúc vì trong đời không có gì vui bằng lấy được người mình yêu. Hai năm trước gặp em với mái tóc nghệ sĩ bồng bềnh, nụ cười duyên dáng nói năng nhỏ nhẹ quần áo phảng phất mùi nước hoa. Gần đây những sự thể trên dần dần biến mất. Hôm qua gặp em, tôi hỏi  “Chuyện tình thơ mộng túp lều tranh hai trái tim vàng của chú mày tới đâu rồi!” Bình gãi đầu nhỏ nhẹ “Em sắp lên chức bố, vợ em có bầu bốn tháng rồi” “ Vậy tốt quá, mừng em lên hàm bố, khối người mong thế nhưng chưa lên được.” Tôi bắt tay em vui vẻ một cách thực lòng. Sau đó Bình mời tôi làm một sị rượu đế để gỡ rối tơ lòng. Em nói “Cuộc đời thường không giống như trong sách vở. Lúc đầu em nghĩ, lấy nhau xong, cô ấy làm vườn, em làm báo cả hai góp sức xây dựng một tổ ấm bình thường như những cặp vợ chồng Kờ Ho khác. Tiền lương hàng tháng em mang về đủ để vợ chăm lo nhà cửa con cái, nhưng phụ nữ Kờ Ho không giống như mình, có nghĩa là khi có tiền trong tay, ở nhà ăn cho hết sau đó mới đi làm. Trong khi nhiều thứ phải lo như con ốm, bà con, bạn bè bệnh đau mình phải thăm hỏi… lương của một nhà báo trơn như em không kham nổi, nhiều lúc xảy ra xung đột vì tiền, có lúc em thất vọng lắm, nếu như!”. “Trong đời không có giá như, người ta phải chịu trách nhiệm hình sự việc mình làm, nhất là những người được ăn học bài bản như em, mình phải có lòng vị tha mới giữ được hạnh phúc gia đình. Ai cũng khó khăn bước đầu”  tôi giải thích động viên em. Bình cười mãn nguyện. Ông “hot boy” mong muốn trở thành một nhà Kờ Ho học sau này, không biết em có thành công nổi không nhưng trong tâm thức tôi vẫn mong em có đời sống hạnh phúc giữ được ước vọng của mình. Hiện nay em là người Kinh duy nhất cầm viết trong cộng đồng Kờ Ho.

Chuyện đám cưới thời nay trong các buôn làng dần dần chuyển sang xã hội hóa. Tuần rồi tôi được mời dự lễ cưới của gia đình Kờ Ho ở buôn Bờ Nớ. Tiệc cưới được đặt từ A đến Z, có nghĩa là từ dựng trại, thức ăn, ban nhạc đều do nhà thầu mang đến. Nước uống được bên nhà gái chiêu đãi là bia Sài Gòn xanh chất cao tới đầu. Ẩm thực toàn các món nhà hàng không còn thịt trâu dê như vài chục năm trước, sau màn ăn uống là nhảy đầm từ các điệu kinh điển như Tango, Cha cha cha đến Valse.. các em gái mặc đầm nhảy như điên, dẫm chân trên nền đất bình bịch, bụi bay mù trời. Tôi đưa máy ảnh ghi hình được các em gái trai le lưỡi chào mừng như một niềm kiêu hãnh, có em đưa hai ngón tay mang hình chữ V như trên TV.

CHUYỆN TÌNH KHÔNG BIÊN GIỚI

Hai ngày trước lên thăm Pangtin Mút, người bạn Kờ Ho sống ở chân núi Langbian tỉnh Lâm Đồng. Anh Mút có một vườn  hồng, loại cây ăn trái đang là thế mạnh của cao nguyên. Vườn hồng của nhà anh ở lưng chừng núi nhìn về hướng gió. Mùa đông mười năm trước ngôi nhà vườn của anh chưa có phòng vệ sinh, nên ban đêm phải mò ra ngoài “giải quyêt nỗi buồn” với nhiệt độ  xuống đến 3 độ C cộng với gió thổi vù vù trên núi cao, đến bây giờ tôi vẫn còn sợ.

Lần này lên thăm, vợ chồng anh đã có cháu nội. Bên chiếc võng, chị Mút đang ru cháu với dân ca Kờ Ho, nội dung bài hát nói về nhứng cuộc tình chờ nhau bến nước, gùi rau, gùi củi về nhà…. Nhìn chị hát, tôi bỗng nhớ về một thời xa vắng, thời bà con làm rẫy, mang gùi đi tuốt lúa, cả chục người đi về trong yên lặng... Thấy tôi đứng ngẩn ngơ nhìn bà cháu, chị nhỏ nhẹ bằng tiếng Kinh “Ở buôn Bnơr có một thằng Mỹ lấy vợ Kờ Ho, nó ru con bằng tiếng dân tộc, giọng ngộ lắm. Anh có thích đến viết về đôi vợ chồng này không, tôi nói anh Mút dẫn đi!”

Tôi với Mút giống nhau, da đen, mặt tròn, râu rậm nên khối người lầm tưởng. Đã có lúc ngồi cà phê ở tận Sài Gòn đã có người đập vai “Anh Mút mới xuống núi hả!” Tôi ngơ ngác mất mấy giây rồi trả lời bằng tiếng Kinh giọng lớ lớ như người Kờ Ho “Mới xuống mà, mình phải đi thay đổi không khí chớ, anh mạnh giỏi chớ!” Người bạn bắt tay tôi vồn vã, kể lể năm trước hai thằng mình trèo lên đỉnh Langbian về nhà uống rượu cần say đến nỗi lọt hố. Tôi biết anh nhầm nhưng đã lỡ đóng vai Pangting Mút phải diễn cho trót. Những ngày sau gặp Mút tôi kể, Mút cười ngả nghiêng vỗ tay đôm đốp. Vợ anh lúc này mới nhìn kỹ tôi rồi tủm tỉm “ Đúng là hai ông giống nhau, ông nào cũng đen, mang kính, râu ria xồm xàm” Tôi và Mút thân nhau từ dạo đó.

Trên đường sang buôn Bnơr, Mút kể “Mẹ! Mấy thằng Mỹ uống cà phê đen không có đường ông ơi! Nó uống cả ly cối, thấy mà sốt rét. Chú Mỹ  này hay lắm à nha, nó tên là Joshua 32 tuổi, vợ là Rolan 28 tuổi, con trai là Lee Henry 1 tuổi! Joshua chịu khó, nó đi hái, làm cỏ, làm bồn cà phê, tới mùa nó vác cả bao cà phê trèo đồi ngon ơ. Cặp này ngộ lắm, chúng nó thương nhau thiệt tình, thằng cu con Mỹ- Kờ Ho nghe được cả tiếng dân tộc lẫn tiếng Anh ông ơi! Vì lúc chúng nó bán cà phê ở đồi Mộng Mơ, gởi con cho bà ngoại nói tiếng Kờ Ho, đến chiều cha mẹ đón về nói tiếng Anh, kể cũng hay.”

Hai giờ chiều, khi chúng tôi đến vợ chồng Rolan vừa về, điệu cả con đi theo. Joshua mời chúng tôi vào nhà một cách lịch sự. Anh vui vẻ pha cà phê không đường, nói tiếng Việt rụt rè như con gái quê mới về nhà chồng ở thành phố. Để thoải mái cho cuộc chuyện trò tôi đề nghị nói tiếng Anh, vì mọi người nói tiếng Anh của Rolan rất tốt. Joshua vui vẻ hẳn lên. Anh vừa pha cà phê vừa kể lại chuyện tình không biên giới của mình “Lần đầu tiên đến Việt Nam, tôi làm việc cho Công ty Green Energy, chuyên tổ chức các chuyến du lịch bằng Vespa cho khách nước ngoài. Năm 2010, khi dừng chân tại đồi Mộng Mơ, gặp được Rolan. Cô ấy là hướng dẫn du lịch đồng thời là diễn viên múa cồng chiêng của đội Kờ Ho. Chỉ đôi lần gặp gỡ, nhưng chúng tôi dường như đã quen nhau từ lâu rồi. Ban đầu, bố mẹ Rolan chưa tin nhưng sau một thời gian, thấy tôi theo Rolan vào vườn cà phê tỉa cành, bón phân ra bến tắm bờ suối như người Kờ Ho nên bố mẹ cô ấy dần dần đổi ý. Đầu năm 2014, chúng tôi cưới nhau, hôn lễ được tổ chức ở buôn Bnơr, mời đến 400 khách. Đó cũng là lúc tôi đã chính thức chia tay thành phố Michigan để gắn bó cuộc đời mình ở dưới chân núi Langbiang”.

Bây giờ Joshua và Rolan sống trong căn nhà gỗ nhỏ ấm áp do chính anh thiết kế, ngôi nhà nằm giữa lưng chừng đồi cà phê đầy gió lộng nhìn ra thung lũng xanh chập chờn cây lá.

Joshua là một kỹ sư nông nghiệp, khi đến buôn Bnơr một vùng đất cà phê núi đồi cao và lạnh nhất Tây Nguyên, nên hai vợ chồng tự sáng tác ra một thương hiệu cà phê riêng. Với kiến thức khoa học cộng với nguồn nguyên liệu có sẵn từ rẫy nhà Rolan, đôi vợ chồng Kờ Ho-Mỹ tự mình đi thu hoạch, xay vỏ, tuyển chọn và phơi hạt, sau đó rang thử và xay thành bột cà phê Arabica nguyên chất. Mẻ cà phê đầu tiên hoàn thành trong sự hồi hộp, nhấp ngụm cà phê, Joshua thốt lên “This is the best coffee” (Đây là loại cà phê ngon nhất). Cũng từ đấy thương hiệu K’Ho Coffee bắt đầu xuất hiện.

Năm 2012, hai vợ chồng đã bán được 10kg cà phê Arabica theo phương pháp rang tay đầu tiên với giá 500 ngàn 1 ký. Đến năm 2013, đã tăng lên 1 tấn. Sau đó hai người thu mua cà phê của bà con trong buôn chế biến theo phương pháp trên.

Để tạo dựng thương hiệu cà phê của mình, Joshua đã mang K’Ho Coffee tham dự Hội chợ “Organic Famers’ Market” tại Tp. HCM. Anh trải lòng: “Mục đích của chúng tôi là chế biến cà phê Arabica chất lượng cao, từ thu hoạch đến chế biến đều phải tuân thủ một quy trình nghiêm ngặt. Thay vì chỉ bán cà phê thô, chúng tôi bán thành phẩm được chế biến ngay tại Langbiang. Logo của K’Ho Coffee là hình hạt cà phê trên nền họa tiết thổ cẩm.”

Năm 2014, Công ty Coffee Real Speciality Coffee Roasters đã sang khảo sát quy trình sản xuất K’Ho Coffee và đặt hàng vợ chồng Joshua 20 tấn/năm.  Tuy nhiên, do quy mô sản xuất nhỏ nên vợ chồng Joshua đã từ chối vì sợ không thực hiện được.

*

Chia tay hai vợ chồng “cà phê Kờ Ho” trong tâm thức tôi cứ nghĩ những cuộc tình lãng mạn nơi bến tắm, từ ông nhà báo Thanh Bình đến chàng kỹ sư Mỹ. Khi tình yêu được đánh thức bởi con tim thì mọi trở ngại trở về số zero. Họ sống với nhau trong tiếng cười với ước mơ lớn. Tôi nhớ tiếng nói đặc quánh giọng Mỹ của Joshua “Tôi yêu vợ con tôi và mọi thứ ở miền đất này. Tôi cũng thích những ngày làm việc như người nông dân ở vườn cà phê kia, hoặc những ngày mưa ngồi nhâm nhi K’Ho Coffee nhìn những khu vườn cà phê  bạt ngàn xanh màu lá ở buôn Bnơr. Tôi nhận ra nơi đây có tình yêu của chúng tôi trong đấy”.

(Nguồn: Báo Văn Nghệ- HNV)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *