Đôi điều về truyện Kiều với hôm nay
Hiếu là hết lòng thờ kính bố mẹ. Đạo Phật cũng coi trọng chữ Hiếu, trong kinh Thiện Sinh, bản kinh nguyên thủy trong bộ kinh Trường A Hàm ra đời đã 26 thế kỷ ghi lại lời Phật dạy, có nêu 5 điều con cái phải kính thuận cha mẹ. Phật coi "cha mẹ là phương Đông" có thể hiểu đó là phương mặt trời mọc, có mặt trời mới có sự sống.
Văn hóa Việt Nam nâng chữ Hiếu thành đạo - Đạo Hiếu, coi đó là giá trị cốt lõi của Đạo làm người. Đạo Hiếu được cụ thể hóa thành các hình tượng văn học. Đó là Lang Liêu, hoàng tử thứ 18 của Vua Hùng, hiếu thảo, chăm chỉ, khéo léo đã dâng Vua Cha phẩm vật bánh chưng bánh dày biểu tượng của Trời Đất. Cũng là ý nghĩa coi công lao Cha Mẹ như trời cao đất dày, sinh ra, nuôi dưỡng, chở che con cái lớn lên, trưởng thành. Đạo Hiếu thành tâm của Lang Liêu đã làm Vua Cha cảm động mà truyền ngôi. Về sau con cháu Lang Liêu thường tết bố mẹ và dâng cúng tổ tiên bằng thứ bánh này, thứ bánh của Đạo Hiếu truyền thống.
Đó là tấm gương hiếu hạnh trong truyện Nôm Thoại Khanh - Châu Tuấn. Châu Tuấn là chồng đi thi, nàng dâu Thoại Khanh ở nhà bắt ốc, hái rau chăm mẹ. Vượt qua bao điều tủi nhục đắng cay của nạn cường hào, nàng dắt mẹ tìm chồng. Lại gặp Dâm thần, nàng thà chịu khoét mắt mình để được có mẹ ở bên...
Đó là những lời đạo lý trong ca dao: "Một lòng thờ mẹ kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con", dù có thể "Đói lòng ăn hột chà là" nhưng "Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng...".
Chữ Hiếu trong Truyện Kiều kết tinh những nét tích cực của chữ Hiếu trong Nho giáo, Phật giáo và đặc biệt là kế thừa, kết tinh và nâng cao Đạo Hiếu trong văn học dân gian. Đây cũng là một lý do để người Việt ta ưa thích, say mê Truyện Kiều mà gọi đó là "tập đại thành" của văn hóa Việt. Tác phẩm không phải là một văn bản đạo lý, thuyết lý về đạo đức mà là một tòa lâu đài văn chương được sáng tạo bởi một thiên tài. Truyện Kiều chảy ra từ mạch nguồn văn hóa dân tộc để rồi, đến lượt mình trở thành mạch nguồn cho đời đời người Việt sau này tiếp thu, thưởng thức. Tố Hữu đã nói rất đúng về kiệt tác, là "Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày".
Hình tượng lung linh mang tính lý tưởng trong quan niệm con người đạo lý của Nguyễn Du là nhân vật Thúy Kiều. Đã có cả gần nghìn công trình bài viết nghiên cứu về Truyện Kiều, giới học giả cũng nâng tầm tác phẩm là ngành nghiên cứu riêng: "Kiều học". Chúng tôi chỉ xin nhìn nhân vật như là tấm gương soi về Đạo Hiếu cho thế hệ hôm nay.
Cô Kiều có tài và có sắc. Nhưng không vì thế mà cô thiếu trách nhiệm như những kẻ cậy tài, cậy sắc tầm thường vị kỷ. Nguyễn Du muốn có một nhân vật mẫu mực, qua đó để khẳng định con người ta quý trước hết là ở chữ tâm, "chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài". Cơ sở và động lực của chữ hiếu là chữ tâm. Một nhà nghiên cứu đã nói rất đúng, chữ tâm giục nàng đến với Kim Trọng. Chữ tâm khiến nàng khóc Đạm Tiên. Chữ tâm khuyên nàng bán mình chuộc cha, nhờ em trao duyên, chữ tâm đẩy nàng tự sát, khiến nàng chạy theo Sở Khanh, cam phận làm lẽ, chọn Từ Hải làm chồng, chữ tâm cho phép nàng báo ân báo oán phân minh, rạch ròi... Nguyễn Du là một nhà giáo dục lớn với quan điểm: chữ tâm phải mang tính nền móng để xây dựng ngôi nhà nhân cách. Không chỉ xưa, mà cả nay, đều đúng: muốn giáo dục một con người có hiếu, trước hết phải giáo dục con người đó có tâm, biết yêu thương đồng loại, biết san sẻ trách nhiệm, biết vì người khác... Một người có hiếu với mẹ cha sẽ là người có trách nhiệm với xã hội.
Hành động Kiều bán mình cũng không nằm ngoài chuẩn mực đạo đức truyền thống "Làm con trước phải đền ơn sinh thành". Nguyễn Du muốn hoàn thiện hơn chữ "hiếu" bằng chữ "đễ". "Đễ" có nghĩa là tình anh em nhường nhịn. Thời trước người con trai là trụ cột gia đình quyết định việc đại sự. Vì cha già mẹ yếu, Vương Quan là con trai còn nhỏ, Kiều rất ý thức mình là chị cả nên đứng ra giải quyết mối oan khiên thấu trời. Chữ "hiếu" là vì mẹ cha, chữ "đễ" là vì các em. Cần hiểu rộng rãi hơn hai chữ "hiếu đễ" của Kiều không chỉ là với gia đình mình, mà còn là sự vượt lên trên, thách thức quy định bảo thủ của lễ giáo phong kiến là chỉ con trai mới làm được việc lớn. Như vậy Kiều là người đi trước thời đại mình, rất đáng kính trọng, đáng học tập, đáng noi gương.
Biểu hiện cao nhất của chữ "hiếu" ở Kiều là việc bán mình cứu cha. Trước tai biến nàng không nghĩ đến mình mà chỉ nghĩ đến cha mẹ: "Vẻ chi một mảnh hồng nhan/ Tóc tơ chưa chút đền ơn sinh thành". Ý thức của nàng đấu tranh giữa bổn phận (Hổ sinh ra phận má đào) và trách nhiệm (Công cha nghĩa mẹ kiếp nào trả xong), và trách nhiệm của người con gái ấy đã thắng. Nàng nhận thức việc bán mình là bất đắc dĩ: "Thà rằng liều một thân con/ Hoa dù rã cánh, lá còn xanh cây". Nàng hiểu nỗi lòng cha mẹ đang nát tan nên nàng giãi bày, không muốn cha mẹ đau lòng hơn, phận con đã vậy thì "Cũng đừng tính quẩn lo quanh/ Tan nhà là một, thiệt mình là hai". Nguyễn Du đã rất mới khi để cho nhân vật của mình sống với trách nhiệm, mà người có trách nhiệm luôn là người tử tế.
Hình như nhà thơ muốn đưa ra một định nghĩa về chữ "hiếu" hoàn chỉnh nên ông đi theo sát nhân vật từng bước, nhập hồn mình vào tâm trạng nhân vật để cùng nhớ về mẹ cha. Kiều thấu hiểu lòng cha mẹ thì Nguyễn Du thấu cảm nỗi lòng Kiều. Trước lầu Ngưng Bích nàng nhớ mẹ cha với bao lo lắng bồn chồn "Xót người tựa cửa hôm mai". Ở lầu xanh "khi tỉnh rượu, lúc tàn canh", cha mẹ cứ hiện lên trong tâm trạng thảng thốt của người con gái luôn có cảm giác không tròn chữ hiếu: "Trân cam ai kẻ đỡ thay việc mình?". Khi làm vợ Từ Hải, nàng "Xót thay huyên cỗi thung già"... Bảy lần Kiều nhớ nhà là nhớ về cha già mẹ yếu trong nỗi đau khôn tả. Và nhớ về "cố quốc", xét đến cùng cũng là nhớ nhà, nơi đó có cha mẹ nàng: "Bốn phương mây trắng một màu/ Trông vời cố quốc biết đâu là nhà"...
Tấm gương đạo hiếu của cô Kiều được muôn người và muôn đời soi chung, vì ở đó hội tụ ánh sáng tình thương và trách nhiệm đến quên mình trong đạo lý dân tộc. Truyện Kiều là tác phẩm "nói mãi không cùng" vì đó là tòa lâu đài văn chương có nhiều cửa, mỗi người sẽ đi vào cái cửa mình thích. Không chỉ có cô Kiều, còn là những nhân vật như Kim Trọng, Từ Hải, là mụ quản gia, vãi Giác Duyên... như lăng kính vạn hoa, mỗi người tự tìm ở đó thứ ánh sáng phù hợp để nhân lên ánh sáng của nhân cách mình. Ở nhà trường hôm nay có lẽ không chỉ nên giảng dạy Truyện Kiều trong môn Văn, mà có thể là tham chiếu ở nhiều môn khác như Đạo đức học, Tâm lý học, Xã hội học, Giáo dục công dân..., vì cô Kiều không chỉ là nhân vật văn học, còn là nhân vật tư tưởng, nhân vật tâm lý, là hình tượng đạo đức sống động.
2. Nguyễn Du xây dựng nhân vật Kiều là một tiêu chuẩn về tài năng, sắc đẹp, đức hạnh, một nhân cách khao khát tự do. Kiều như một hạt ngọc trong lịch sử văn học Việt Nam mà thời nào con người cũng có thể soi vào đó để tìm cho riêng mình một cách sống, một quy tắc ứng xử, nhất là trong lĩnh vực tình yêu.
Một người con gái rất mực hồn nhiên sống trong cảnh: "Êm đềm trướng rủ màn che/ Tường đông ong bướm đi về mặc ai". Kim Trọng xuất hiện như một sự đăng đối, hô ứng với vẻ đẹp của Kiều: "Trông chừng thấy một văn nhân". Văn nhân ấy được đặc tả bằng những chi tiết bay bổng, hào phóng mang tầm vũ trụ: "Đề huề lưng gió túi trăng". Con người như thế thì phải là "Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa".
Phải có nhân cách mới hiểu được nhân cách. Phải có tài năng mới hiểu được tài năng. Chỉ có trái tim mới đến được với trái tim. Nên Kim Trọng là người tình duy nhất cũng là người tri âm với Kiều. Nàng chủ động đến với Kim Trọng cũng là một cách chống lại giáo lý phong kiến "cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy". Không ngẫu nhiên hình tượng bức tường được nhà thơ nhắc lại nhiều lần một cách cố ý. Chàng Kim thì: "Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông". Kiều thì: "Quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ". Bức tường đã mang tính biểu trưng cho lễ giáo khắt khe, lạnh lùng, vô cảm. Thế mà Kiều đã vượt qua bức tường ấy "Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình" để đến với tình yêu. Nhưng nàng vẫn đủ tỉnh táo không cho chàng Kim "vượt quá giới hạn" khi chàng quá yêu. Nàng ngăn lại, dứt khoát mà tế nhị: "Đã cho vào bậc bố kinh/ Đạo tòng phu lấy chữ trinh làm đầu/ Ra tuồng trên bộc, trong dâu/ Thì con người ấy ai cầu làm chi". Thì ra dù có tự do, dù có là chống lại lễ giáo, điểm tựa tình yêu của nàng vẫn là chuẩn mực đạo đức. Vì thế mà Kim Trọng đối với Kiều vừa yêu vừa kính, trân trọng, quý mến. Chàng về quê hộ tang chú dặn Kiều: "Gìn vàng giữ ngọc cho hay/ Cho đành lòng kẻ chân mây cuối trời". Coi người mình yêu là vàng, là ngọc. Thế là rất yêu. Nhưng vẫn có thể đấy là cách nói ước lệ của người xưa. Cái thần thái toát ra từ lời dặn là sự lo lắng cho người yêu. Hay nhà tâm lý thiên tài Nguyễn Du đã gửi vào tâm trạng ấy một dự cảm bất an chỉ có ở những trái tim đang yêu mà phải xa nhau?!
Mối tình đẹp nhất trong văn học trung đại Việt Nam để lại cho bạn đọc tấm gương soi về tình yêu tự do, chủ động, tha thiết, quý trọng lẫn nhau, hết mình và vẫn giữ mình, vượt qua cái ràng buộc bảo thủ nhưng vẫn nằm trong văn hóa truyền thống.
Để mối tình này thêm đậm chất thơ lý tưởng nên nhà thơ luôn để cho Kim Kiều ở giữa thiên nhiên thanh khiết, trong sáng vô cùng. Chuẩn bị cho cảnh gặp gỡ "người quốc sắc kẻ thiên tài" là một không gian đẹp như một bức tranh được phối màu hòa sắc theo nguyên tắc viễn cảnh và cận cảnh tương ứng, hài hòa đến tuyệt đối: "Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa". Họ chia tay trong không gian cảnh vật dường như cũng lưu luyến: "Dưới cầu nước chảy trong veo/ Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha". Khi họ thề nguyền dưới ánh trăng: "Vầng trăng vằng vặc giữa trời/ Đinh ninh hai mặt một lời song song". Nguyễn Du đã học tập ca dao luôn đặt tình yêu trong khung cảnh trữ tình: "Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng...". Đấy là quy luật tâm lý: không gian thơ mộng như chất men say để chưng cất tình yêu thêm nồng đượm!
Có cảm giac, hình như biết sau mình hai trăm năm mươi năm nhiều lứa đôi yêu nhau sẽ thay ánh trăng vàng bằng ánh sáng... đèn điện trong bốn bức tường khô cứng, mà nhà thơ đã miêu tả tinh tế như thế! Để mong muốn được họ tình tự trong không gian vũ trụ giao hòa. Đấy mới là tình yêu, tinh khiết, nguyên thủy, tình yêu nở hoa, lãng mạn, bay bổng, vì được tắm trong mê đắm chất thơ của trời đất!!!
Tai họa ập đến, Kiều bán mình cứu cha và cũng là cứu cả gia đình. Giữa hiếu và tình, nàng chọn chữ hiếu. Sau quyết định lấy thân mình "làm thân trâu ngựa đền nghì trúc mai", trong cái đêm bi kịch mở đầu cho bi kịch mười lăm năm chìm nổi, dĩ nhiên Kiều đau khổ cho tình yêu đẹp mà sớm tan vỡ. Nàng sẽ nghĩ về Kim Trọng, cố nhiên. Nhưng cái làm người đọc ngạc nhiên là Kiều như muốn nhận lỗi hết về mình, như muốn xin lỗi người tình, vì mình mà dở dang: "Vì ta khăng khít, cho người dở dang/ Thề hoa chưa ráo chén vàng/ Lỗi thề thôi đã phũ phàng với hoa". Thì ra Kiều đau, nhưng đau cho mình một thì đau cho người tình mười. Đi suốt cùng cô Kiều quãng đời lưu lạc truân chuyên, rồi quay trở lại cái đêm bi kịch này ta càng thấy Nguyễn Du có lý, càng thấy rõ một con người "hiếu nghĩa đủ đường" như vậy, thì ta lại không còn ngạc nhiên nữa. Trong bi kịch luôn le lói cái mầm sự sống. Trong nỗi đau tận cùng của Kiều bạn đọc thấy phát ra ánh sáng của lòng vị tha, của đức hy sinh vì người khác. Các nhà triết học kinh điển đã nói đúng: bi kịch có tác dụng "thanh lọc", nâng đỡ tâm hồn. Càng đúng với bi kịch của Kiều!
Nàng trao duyên cho em Thúy Vân "Chiếc thoa với bức tờ mây/ Duyên này thì giữ vật này của chung". Kiều nói với em mà như nói với người tình: "Phận sao phận bạc như vôi/ Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng/ Ôi Kim lang hỡi Kim lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây". Kiều trao duyên chứ không trao tình. Tình với Kim Trọng nàng vẫn giữ. Trao duyên nhưng kỷ vật gắn với lời thề hẹn thì làm sao trao hết được! Trước lầu Ngưng Bích, người đầu tiên nàng nhớ đến là chàng: "Tin sương luống những rày trông mai chờ". Nàng thương người yêu chưa biết mình đã bị vào tay kẻ khác nên ngày trông đêm ngóng. Yêu người mà hối hận với người: "Biết thân đến bước lạc loài/ Nhị đào thà bẻ cho người tình chung". Sau này màn đoàn viên sum họp nàng giãi bày với tình xưa: "Người yêu ta xấu với người/ Yêu nhau thì lại bằng mười phụ nhau... Chữ trinh còn một chút này/ Chẳng cầm cho vững lại giày cho tan". Trước sau nàng vẫn thế, tự trọng, đúng mực, vị tha. Nàng vì chàng Kim, vì Thúy Vân, và cũng vì cả chút mình nữa. Còn Kim Trọng, thật bao dung: "Chữ trinh kia cũng có ba bảy đường". Ta lại nhớ về câu ca dao: "Ra đường nhặt cánh hoa rơi/ Hai tay nâng lấy cũ người mới ta". Nguyễn Du đã bắt cái mạch quý người, trọng người từ trong ca dao rồi nối vào tác phẩm. Dân gian ví người phụ nữ lỡ làng như "cánh hoa rơi", dù có "rơi" vẫn là hoa, luôn đẹp, luôn thơm, vì thế mà trân quý "hai tay nâng lấy". Thật tuyệt vời nhân văn! Còn chàng Kim, sống giữa xã hội quan niệm cực đoan về một chữ trinh "đáng giá ngàn vàng" mà vẫn có một suy nghĩ như vậy thì thật đáng quý biết bao. Nó đi trước thời đại, thậm chí đi trước cả hôm nay, khi ta vẫn thấy có những chàng trai ở thế kỷ XXI này lạc hậu, xưa cũ đến mức đặt chữ "trinh" lên trên cả hôn nhân, không còn "trinh" thì không có hôn nhân. Thế là yêu chữ "trinh" chứ không phải yêu người. Tức không bằng chàng Kim Trọng ngày xưa...
Mối tình Kim Kiều như định nghĩa cho một tình yêu đích thực, trong sáng, thánh thiện, hy sinh cao cả, vượt qua mọi định kiến hẹp hòi. Ở ngày hôm nay có được bao tình yêu như vậy!?
3. Kiều là hiện thân của cái đẹp "Một hai nghiêng nước nghiêng thành". Nàng còn rất tài: "Sắc đành đòi một tài đành họa hai". Đó là cái tài ở phương diện nghệ thuật: "Pha nghề thi họa, đủ mùi ca ngâm". Qua hai nhân vật mang tính lý tưởng Thúy Kiều, Kim Trọng nhà thơ muốn đưa ra một quan niệm hoàn chỉnh về người nghệ sỹ. Chế Lan Viên khái quát "Chạnh thương cô Kiều như đời dân tộc/ Sắc tài đâu mà lắm nỗi truân chuyên" là cũng có ý nói về phẩm chất nghệ sỹ ở nhân vật này mang tầm tâm hồn nghệ sỹ của dân tộc.
Bẩm sinh con người là một nghệ sỹ, nghĩa là ai cũng vậy, cũng muốn đẹp, hướng về cái đẹp, sở hữu cái đẹp. Con người sẽ nhân ái hơn, sống tích cực hơn nhờ có phẩm chất này, mà thiếu nó con người mới chỉ tồn tại, vẫn có thể thông minh nhưng sẽ vô cảm, lạnh lùng. Một khía cạnh nhân văn của Truyện Kiều là giáo dục con người phẩm chất nghệ sỹ ấy.
Mối tình Kim Kiều là sự "đồng thanh tương tứng", tài năng tìm đến với tài năng, cái đẹp tìm đến với cái đẹp. Nàng gặp Kim Trọng là gặp được cái đẹp. Hành động "nghé theo" (Khách đà lên ngựa, người còn nghé theo) không chỉ là "nghé theo" một người mình có ấn tượng mà còn là "nghé theo" cái đẹp. Vì thế mà nhà thơ đã vẽ sẵn và tiếp tục đưa bút theo cái nhìn ấy của nàng để đặc tả một khung cảnh trữ tình với dòng nước uốn lượn chảy dưới chân cầu như ngập ngừng phân vân, với hàng tơ liễu lơ thơ buông mành như vương vấn. Phân vân vì chưa hiểu cái đẹp ở chàng Kim. Vương vấn vì cảm cái đẹp. Nàng thao thức, nhung nhớ, trân trọng và quý mến người yêu, giữ mình trước tình yêu cũng là biểu hiện của con người nghệ sỹ yêu, trân trọng, giữ gìn cái đẹp.
Truyện Kiều là thế giới của những người tài, "Dập dìu tài tử giai nhân". Đạm Tiên là người "nổi danh tài sắc". Kim Trọng là "bậc tài danh". Từ Hải là "đấng anh hùng". Sở Khanh đểu cáng cũng biết làm thơ, Thúc Sinh hèn nhát cũng làm thơ. Hồ Tôn Hiến "mặt sắt" nhưng cũng "kinh luân gồm tài"... Trong đó Kiều là tài năng tiêu biểu nhất, được nhiều người thừa nhận nhất. Cả thảy có 11 người từ Kim Trọng, Thúc Sinh, Từ Hải đến Hoạn Thư... đều coi Kiều là người tài (1). Kim Trọng rất trân trọng người tài, trân trọng giá trị cái đẹp nên chàng luôn thấy Kiều là một giá trị, một biểu tượng của cái đẹp, lúc nào chàng cũng thấy Kiều là "bóng hồng" của tình yêu, tài năng: "Bóng hồng nhác thấy nẻo xa"... Con người nghệ sỹ luôn biết lắng nghe tiếng lòng của người khác, thấu hiểu và thấu cảm. Người xưa gọi đó là "tri âm", "liên tài". Kim Trọng là mẫu người như thế. Chàng thấu hiểu tiếng đàn: "Rằng hay thì thật là hay", thấu cảm tâm trạng người chơi đàn: "Nghe ra ngậm đắng nuốt cay thế nào". Có những người tài sắc, lại ở lĩnh vực nghệ thuật thường hay kiêu ngạo, nhưng Kiều không thế, mà ngược lại, rất khiêm tốn. Nghệ sỹ ấy đã quen với phong cách: "Rằng quen mất nết đi rồi". Nhưng theo đề nghị của vị khán thính giả đặc biệt, nàng đã điều chỉnh: "Lời vàng vâng lĩnh ý cao/ Họa dần dần bớt chút nào được không". Bao nghệ sỹ hôm nay được như Kiều?!
Đau đớn nhất của người nghệ sỹ là phải đem cái tài của mình để phục vụ kẻ vô lương. Kiều chỉ hạnh phúc với tư cách nghệ sỹ khi một lần đánh đàn, một lần làm thơ với Kim Trọng, còn trong mười lăm năm lưu lạc nàng phải đánh đàn, làm thơ cho Mã Giám Sinh, cho viên quan xử kiện, cho Hồ Tôn Hiến "mặt sắt"... Con người nghệ sỹ gửi hồn mình vào tiếng đàn, người vui đàn vui, người suy nghĩ đàn cũng nghĩ suy: "Trong như tiếng hạc bay qua/ Đục như tiếng suối mới sa nửa vời", người khóc đàn khóc, người đau đàn đau: "Bốn dây như khóc như than"; "Một cung gió thảm mưa sầu/ Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay". Bốn dây nhỏ máu hay năm đầu ngón tay nhỏ máu? Câu thơ không phân biệt được đâu là chủ ngữ để nói về sự hòa hợp tuyệt vời giữa tiếng đàn với tâm trạng đớn đau đến tột cùng của bi kịch người nghệ sỹ. Tất cả đều nhỏ máu. Trái tim đau tiếng đàn cũng đau. Tiếng đàn tái hợp cũng là lòng người tái hợp: "Khúc đâu đầm ấm dương hòa... Khúc đâu êm ái xuân tình...".
Người nghệ sỹ luôn thể hiện bằng cái tôi riêng, sống với thế giới nội cảm đầy cá tính. Kiều là người như vậy, luôn ý thức về bản thân mình. Biểu hiện chữ "thân" ở Kiều khi thì là hai chữ "một mình" (21lần); chữ "mình" (96 lần): "Biết duyên mình, biết phận mình, thế thôi"; chữ "riêng" (37 lần): "Nỗi riêng riêng chạnh tấc riêng một mình" (2). Cả xã hội vô nhân đạo ấy muốn bóp nghẹt ý chí khao khát tự do ở Kiều, nàng đành tự đào sâu vào bản thể nghệ sỹ mình, tìm ở đó điểm tựa tinh thần mà vươn lên. Điều này cũng lý giải Kiều luôn sống trong dự cảm, suy tư: "Trăm năm biết có duyên gì hay không?". Nàng mang trái tim nhạy cảm luôn đong đầy bao âu lo, trăn trở: "Mối sầu khi gỡ cho xong còn chầy"; "Một ngày nặng gánh tương tư một ngày"...
Cô Kiều nghệ sỹ giàu lòng trắc ẩn, nghe kể về một kiếp người lênh đênh tội tình: "Thoắt nghe nàng đã đầm đầm châu sa". Chiều tối về nàng băn khoăn day dứt về phận người "Rộn đường gần với nỗi xa bời bời". Nàng thổn thức: "Nghĩ đòi cơn lại sụt sùi đòi cơn". Nàng đau đớn: "Màu hoa lê hãy dầm dề giọt tương"... Nước mắt Kiều thấm đẫm trang sách với "nước mắt đầy" và các biến thể "lệ hoa", "giọt lệ", "giọt riêng", "giọt hồng", "giọt ngọc", "giọt châu", "dòng thu"... Cũng vì thế mà ở Kiều giàu có phẩm chất liên tưởng, tưởng tượng, mơ gặp Đạm Tiên, tỉnh giấc mà còn như thấy: "Hương thừa dường hãy ra vào đâu đây".
Con người có phẩm chất nghệ sỹ sẽ không vô cảm trước nỗi éo le, trái ngang của cuộc đời, trước nỗi đau bất hạnh của đồng loại. Giáo dục phẩm chất nghệ sỹ cũng tức là giáo dục đạo đức.
Nghệ sỹ có tâm hồn trĩu nặng tình thương. Kiều thương những kiếp người mong manh phận bạc mà tài sắc như Đạm Tiên. Tức cũng là thương cái đẹp, cái tài mà không được trân trọng. Kiều thương cha mẹ, thương em. Kiều thương người tình Kim Trọng. Và thương mình: "Giật mình, mình lại thương mình xót xa". Cũng tình thương đã giúp nàng báo ân báo oán. Lúc này Kiều là hiện thân của công lý, nhưng con người nghệ sỹ ở nàng vẫn hiện lên rất rõ. Nàng báo ân hào phóng, báo oán phân minh. Nàng tạ ân Thúc Sinh, hậu tạ mụ quản gia, vãi Giác duyên. Chỉ nhìn từ góc độ tình thương mới giải thích được việc nàng tha bổng Hoạn Thư. Hoạn Thư khôn ngoan, lọc lõi bao biện tội lỗi giày vò, đày đọa Kiều, đã đánh đúng vào tình nhân ái "đánh kẻ chạy đi không ai đánh người chạy lại" ở Kiều.
Tác phẩm có cách kể chuyện của nhiều nghệ sỹ trong một nghệ sỹ: họa sĩ, nhạc sỹ, thi sỹ... và tất nhiên có nghệ sỹ ngôn từ thiên tài Nguyễn Du. Có những câu thơ, cũng là bức tranh, cũng là bản nhạc đánh thức ở người đọc những cảm nhận về cái đẹp ở mọi giác quan: "Dưới trăng quyên đã gọi hè/ Đầu tường lửa lựu lập lòe đâm bông". Truyện Kiều đánh thức phẩm chất nghệ sỹ ở bạn đọc, xuyên thời gian, xuyên không gian. "Bậc" Phó Tổng thống Mỹ "lẩy Kiều": "Trời còn để có hôm nay/ Tan sương đầu ngõ vén mây cuối trời". Nàng Kiều Việt Nam sẽ "đối" lại bằng cảnh sum họp đoàn viên: "Huệ lan sực nức một nhà/ Từng cay đắng lại mặn mà hơn xưa"!
NGUYỄN THANH TÚ (nguồn: Tạp chí Thơ- HNV)