Những giai thoại văn chương (1)
BÁC HỒ SỬA THƠ TỐ HỮU
Tướng Văn Phác (tức Tám Trần) kể, năm 1964 lúc ông đang làm Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội và phụ trách báo Quân đội nhân dân thì được cấp trên cử đi chiến trường Nam Bộ, đi bí mật bằng đường biển (từ bãi biển Đồ Sơn - Hải Phòng vào thẳng cửa sông Cổ Chiên thuộc tỉnh Trà Vinh) Cùng đi có bốn đồng chí nữa. Trước hôm lên đường, Bộ Chính trị tổ chức chiêu đãi đoàn tại Nhà khách Bộ Quốc phòng (33 Phạm Ngũ Lão - Hà Nội). Trong buổi tiễn đoàn, cùng với các đồng chí trong Bộ Chính trị và các tướng lĩnh cao cấp, Bác Hồ đến rất đúng giờ hẹn. Người ân cần hỏi thăm từng cán bộ, nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng của đoàn công tác và yêu cầu nhà thơ Tố Hữu đọc thơ tiễn đoàn. Nhà thơ bị bất ngờ nhưng đã “ứng khẩu” kịp thời hai câu như sau:
Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay
Bạn về chúc bạn ngày ngày thành công
Bác tỏ ra hài lòng nhưng đề nghị nhà thơ sửa chữ về bằng chữ đi. Rồi Bác đọc lại:
Tiễn đưa nhớ buổi hôm nay
Bạn đi chúc bạn ngày ngày thành công
Mọi người rất vui vẻ. Bác đi một vòng xem xét chỗ ngồi và thức ăn của mọi người đâu vào đấy, rồi trở về chỗ của mình. Bác lại chỉ Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói: "Bây giờ đề nghị đồng chí Văn hô “xung phong”.
Đại tướng đứng dậy vui vẻ: Tối nay các đồng chí được Bộ Chính trị và Quân uỷ trung ương cử đi làm nhiệm vụ ở chiến trường. Vậy theo lệnh của Bác, tất cả “xung phong”….!
BẮC CẠN, ĐẠI TỪ… RỒI HẴNG VÕ NHAI
Nhà văn Vũ Sắc và nhà thơ Tạ Hữu Yên kể: từ khi nhận được sổ hưu bận bịu tối ngày với công việc ở phường ở xã, vườn tược, cháu chắt và viết thơ, làm sách nữa, thành thử ít khi có dịp trở lại với các đơn vị bộ đội. Mãi gần đây mới thực hiện được một chuyến “du xuân” xuống mấy đơn vị của binh đoàn Quyết Thắng. Hôm xuống trung đoàn Lũng Lô, các ông được đón tiếp rất nồng nhiệt chân tình, chả là người cũ của sư đoàn đã lâu lắm mới về lại nhà mà. Thôi thì đủ chuyện, từ kỷ niệm xa xưa tới cuộc sống thường nhật, từ chuyện bôn tập tuyển quân tới chuyện thơ văn, đàn địch. Hai nhà văn cựu chiến binh vui, các sỹ quan trẻ và anh em bộ đội càng vui hơn bởi đã lâu lắm, như người xưa nói “văn kỳ thanh bất kiến kỳ hình” hôm nay mới tường “dung nhan” hai bậc “trưởng lão”. Và thế là “cây nhà lá vườn” mở tiệc thiết hai ông.
Bữa cơm lính đạm bạc thôi, nhưng vì trong ngày nghỉ, lại tiếp khách “đặc biệt” - khách văn - nên chỉ huy trung đoàn mạo muội giở bình rượu thuốc ra “đãi” hai bậc cao niên. Mở đầu, các sĩ quan trung đoàn nâng chén “Mời hai bác… Bắc Cạn” tức là 100%. Vốn không phải ở diện “tửu đồ”, hai nhà văn khước từ một cách lịch lãm: “Thôi, các cậu để tớ Võ Nhai”, tức là ăn cơm thôi. Chỉ huy trung đoàn Lũng Lô: “Ấy, các bác, sao lại Võ Nhai ngay, phải Bắc Cạn đã, các bác không Bắc Cạn được, thì Đại Từ - tức là từ từ nhấm nháp, sau hẵng Võ Nhai”. Dẫu không thể qua Bắc Cạn được, chỉ theo tới Đại Từ mà vẫn thấy “đoạn đường” đến được Võ Nhai dài quá xá. Thế là hai nhà văn càng hiểu thêm cuộc sống, cũng như sức trẻ của thế hệ lính hôm nay. Đêm đó, ở nhà khách trung đoàn, Tạ Hữu Yên bảo Vũ Sắc: “Phải viết lại về người lính thôi ông Sắc ạ. Với bọn mình, không dễ gì bỏ qua đoạn đời làm lính dài tới 40 năm được”.
BẬT MÍ VỀ TÁC GIẢ THOONG B.C
Gần bốn mươi năm trước, trên tờ Văn nghệ quân đội xuất hiện liên tục các bút ký Bun Chămpa, Giữa cánh đồng Chum, Theo bước tiểu đoàn 2 và được Hội nghị bạn đọc đánh giá là những tác phẩm hay nhất được in trong năm 1960. Sau đó ít tháng tờ Trung lập - một tờ báo khổ lớn của công đồng người Việt xuất bản ở Phnômpênh (thủ đô Cam-phu-chia) in lại toàn bộ ba bài ký nói trên với lời tòa soạn giới thiệu về tác giả: “Thoong B.C là một sinh viên Lào đang học ở Hà Nội”. Hai mươi năm sau (1980) trong cuốn Tiểu đoàn 2 Phthét Lào, nhà văn Lào Xu-van-thon Buphanuvông phỏng đoán “Thoong B.C hồi đó có lẽ là một chiến sĩ liên lạc của tiểu đoàn”… Và ba mươi bảy năm sau (1996), một bạn đọc còn có thư về Tạp chí Văn nghệ quân đội hỏi: “Thoong B.C, ông là ai?”. Câu hỏi thật không dễ trả lời đối với những biên tập viên trẻ của tòa soạn; thậm chí ngay cả các cựu chiến binh quân tình nguyện Việt Nam từng tham chiến ở Lào những năm chiến tranh trước câu hỏi ấy cũng phải lắc đầu “không rõ”. Mãi đến những ngày kỷ niệm 40 năm Tạp chí Văn nghệ quân đội và 50 năm Nhà xuất bản Quân đội vừa rồi thì bí mật về Thoong B.C mới được bật mí.
Chả là mùa thu năm 1959, nhà văn Víchto Pêtơ rôvích (biệt danh của nhà văn Văn Phác – nguyên chủ nhiệm tạp chí VNQĐ, từng là Bộ trưởng Bộ văn hóa) bí mật trao nhiệm vụ cho một nhà văn đi thực tế ở chiến trường Lào để viết về sự kiện “Tiểu đoàn 2 Phthét Lào vừa vượt vòng vây ở Cánh đồng Chum ra được vùng giải phóng”. Nhà văn đó là ai, theo đường nào không ai rõ. Một năm sau thì thấy xuất hiện chùm bút ký Bun Chămpha, Giữa cánh đồng Chum... trên báo với tên tác giả là Thoong B C. Thoong B.C, ông là ai? Ông chính là nhà văn Ngọc Tự, con người của “nhà số 4” nguyên Trung tá biên tập viên sách văn nghệ của Nhà xuất bản Quân đội nhân dân; vốn là một chiến sĩ của Sư đoàn 316 từng chiến đấu ở chiến trường Lào từ những năm kháng chiến chống Pháp; với bút danh Hoàng Điệp từng đoạt giải nhất tại các cuộc thi truyện ngắn do Báo Vệ Quốc quân tổ chức những năm 1958, 1959 với các tác phẩm như Vết xe lăn trên tường, Quán nước bên đường. Nhà văn Ngọc Tự - nhà văn Thoong B.C- là người Hà thành chính hiệu, nay đã vượt tuổi “cổ lai hy” và vẫn đang sống khỏe, sống vui ở Hà Nội.
NGÔ VĨNH BÌNH