Từ đời vào văn

18/8
8:40 AM 2016

NHÀ THƠ LIỆT SĨ LÊ ANH XUÂN: DÁNG ĐỨNG VIỆT NAM TẠC VÀO THẾ KỶ

Lê Anh Xuân tên khai sinh là Ca Lê Hiến, sinh ngày 05 tháng 06 năm 1940 tại xã An Hội, thị xã Bến Tre. Anh chào đời đúng vào những ngày Nam Kì khởi nghĩa trên mảnh đất nóng bỏng truyền thống cách mạng.

                                                                                              Nhà thơ Lê Anh Xuân

Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Quỳnh Linh- Đoàn Đức Phương - Diêu Lan Phương

 

Lê Anh Xuân tên khai sinh là Ca Lê Hiến, sinh ngày 05 tháng 06 năm 1940 tại xã An Hội, thị xã Bến Tre. Anh chào đời đúng vào những ngày Nam Kì khởi nghĩa trên mảnh đất nóng bỏng truyền thống cách mạng.

Lê Anh Xuân lớn lên trong một gia đình trí thức yêu nước. Anh là con trai thứ của nhà giáo dục, nhà nghiên cứu văn học - GS. Ca Văn Thỉnh. Lúc nhỏ Lê Anh Xuân sống với cha mẹ ở vùng kháng chiến miền Tây Nam Bộ. Cuối năm 1952, anh vào làm việc ở nhà in Trịnh Bình Trọng của Sở Giáo dục Nam Bộ. Lúc này Lê Anh Xuân mới 12,13 tuổi nhưng đã bắt đầu làm thơ đăng báo tường của nhà in.

Năm 1954, Lê Anh Xuân theo gia đình tập kết ra Bắc, học ở trường học sinh miền Nam (Hải Phòng), Trường cấp 3 phổ thông Nguyễn Trãi (Hà Nội) rồi thành sinh viên khoa Sử, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Tốt nghiệp đại học, Lê Anh Xuân được giữ lại làm phụ giảng một thời gian ngắn rồi được cử đi học tập, nghiên cứu thêm ở Liên Xô, nhưng anh tình nguyện trở về quê hương miềnNam(cuối 1964). Ban đầu, anh công tác ở Tiểu ban Giáo dục thuộc Ban tuyên huấn Trung ương cục, sau đó, tháng 07 năm 1965, anh chuyển sang công tác ở Hội Văn nghệ giải phóng.

Lê Anh Xuân hi sinh ngày 24 tháng 05 năm 1968 trong đợt II chiến dịch Mậu Thân tại ấp Phước Quảng, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, tỉnh Long An (phụ cận Sài Gòn).

Những tác phẩm đã xuất bản của Lê Anh Xuân gồm có: Tiếng gà gáy (thơ, 1965), Có đâu như ở miền Nam(thơ, in chung, Nxb Thanh niên,1968), Hoa dừa (thơ, Nxb Giải phóng, 1969), Nguyễn Văn Trỗi (trường ca, 1969), Chào anh giải phóng quân (tập thơ, in chung, Nxb Quân đội nhân dân, 1972), Thơ Lê Anh Xuân(tuyển thơ, 1981). Ngoài ra anh còn có tập văn xuôi Giữ đất (1966). Lê Anh Xuân đã được nhận giải nhì cuộc thi thơ của tạp chí Văn nghệ năm 1960 với bài Nhớ mưa quê hương. Với những đóng góp to lớn, anh đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001.  

 

Hồ sơ của Nhà thơ Lê Anh Xuân tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

Trong hàng vạn bộ hồ sơ của cán bộ đi B đang được lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III có một bộ hồ sơ giản dị, mã số 1429 mang tên Ca Lê Hiến. Đây chính là hồ sơ của nhà thơ, liệt sĩ Lê Anh Xuân, tác giả của bài thơ nổi tiếng “Dáng đứng Việt Nam” từng được đưa vào sách giáo khoa phổ thông đồng thời được phổ nhạc thành một khúc tráng ca ngập tràn xúc động:

“Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường

Chỉ có dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Anh là chiến sĩ Giải phóng quân”...

Bộ hồ sơ này gồm 61 trang, trong đó có Chứng minh thư, Lý lịch cán bộ, Lý lịch sinh viên, các quyết định qua các thời kỳ và một số giấy tờ khác. Tuy chỉ chứa những thông tin hết sức cơ bản và ngắn gọn nhưng người đọc cũng có thể hình dung rõ nét về một nhà thơ chiến sĩ mang trong lòng tình yêu Tổ quốc lớn lao, cháy bỏng  đặc biệt là với quê hương Miền Nam kiên cường anh dũng.

Sinh năm 1940 trong một gia đình trí thức tại Bến Tre - Nam Bộ, lúc còn nhỏ đi học trong kháng chiến và theo cha là Ca Văn Thỉnh ở cơ quan của Ủy ban kháng chiến hành chính Nam Bộ, Ca Lê Hiến sớm nhận thức được tư tưởng cách mạng và có ý chí rèn luyện, phấn đấu.

Tháng 11/1954 Ca Lê Hiến có mặt trong đoàn tập kết ra Bắc rồi theo học trường học sinh Miền Nam, cho tới năm 1959 thì vào học tại khoa Sử - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, sau đó tốt nghiệp và trở thành Giảng viên Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Trong những năm sống, học tập và làm việc ở miền Bắc, Ca Lê Hiến luôn mang nặng trong lòng nỗi nhớ thương đối với miền Nam, với mảnh đất Bến Tre quê hương ông. Được cử đi nghiên cứu sinh ở nước ngoài nhưng Ca Lê Hiến đã một mực từ chối, quyết tâm trở về Nam chiến đấu.

“Nguyện vọng và cũng là quyết tâm của tôi là được về Nam Bộ tham gia kháng chiến cùng bà con quê hương trong ấy.

Hiện nay chuyên môn của tôi là giảng dạy môn Lịch sử thế giới cổ đại ở Trường Đại học Tổng hợp nhưng về miền Nam tôi có thể dạy các môn khoa học xã hội cả Văn, Sử... Ngoài chuyên môn ra, tôi có khả năng tham gia công tác báo chí hoặc sáng tác thơ. Ngoài công tác giáo dục, tôi rất muốn được tham gia công tác về văn học nghệ thuật ở miền Nam, tôi có thể đi bất cứ nơi nào Đảng cần đến.

Nguyện vọng và quyết tâm của tôi là được về miền Nam, về lại quê hương tôi” (Tờ 25- Hồ sơ 1429, Phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ, TTLTQGIII)

Trong Lý lịch Cán bộ, phần khai về gia đình, Ca Lê Hiến còn ghi rõ: “ Tôi có vợ chưa cưới tên là Bùi Xuân Lan hiện đang học năm thứ ba Học viện Kinh tài Thượng Hải (Trung Quốc). Bùi Xuân Lan con gia đình liệt sĩ quê ở Cần Thơ, có anh ruột là nhà văn Bùi Đức Ái, hiện đang công tác ở trong Nam. Cả hai chúng tôi đều quyết tâm đi về Nam” ( Tờ 23- Hồ sơ 1429, Phông Ủy ban Thống nhất Chính phủ, TTLTQGIII)

Sau tất cả sự nỗ lực và quyết tâm ấy, ngày 16/9/1964, Ca Lê Hiến nhận được Quyết định điều động về Ủy ban Thống nhất Trung ương để lên đường về Nam công tác và chiến đấu. Từ đây, Ca Lê Hiến làm việc tại Ban Tuyên huấn Trung ương Cục Miền Nam sau đó là Hội Văn  nghệ Giải phóng Miền Nam; Nhà thơ sử dụng bút danh Lê Anh Xuân.

Những bài thơ hay nhất của Lê Anh Xuân là những bài thơ viết về miền Nam như: Tiếng gà gáy, Nhớ mưa quê hương, Trở về quê nội...

“Ơi quê hương xanh mát bóng dừa

Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại

Quê hương ta tất cả vẫn còn đây!”

Rồi:

“ Quê nội ơi, mấy năm trời xa cách

Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi

Nghe tiếng trời gầm xa lắc

Cớ sao lòng thấy nhớ thương”...

Khi trở về giữa lòng miền Nam yêu dấu và khói lửa, nhà thơ lại viết “Gửi miền Bắc” thể hiện nỗi khát khao về một đất nước thống nhất, hòa bình.

Năm 1966, được kết nạp vào Đảng, Lê Anh Xuân càng hăng hái công tác, nhà thơ liên tục xung phong đi khắp Nam Bộ tìm hiểu sâu sát thực tế để sáng tác. Mùa xuân năm 1968, lấy cảm hứng từ chiến dịch Mậu Thân, Lê Anh Xuân viết “Dáng đứng Việt Nam”:

 Anh ngã xuống trên đường băng Tân Sơn Nhất

Nhưng anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng

Và anh chết trong khi đang đứng bắn

Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng...

Anh tên gì hỡi anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng yên như bức thành đồng

Như đôi dép dưới chân anh dẫm lên bao xác Mỹ

Mà vẫn một màu bình dị sáng trong! ...”

Bài thơ ngay lập tức nổi tiếng bởi cái “dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ” ấy. Nhưng như là định mệnh, chưa đầy hai tháng sau, nhà thơ hy sinh khi quân đội Mỹ tổ chức một trận tấn công càn quét  tại Long An.

Hai mươi tám tuổi thanh xuân, chưa lập gia đình, có một người yêu xa xứ, nhà thơ chiến sĩ đã nằm lại chiến trường. Bảy năm sau, miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước hòa bình, thống nhất, độc lập.

 Hồ sơ của nhà thơ Lê Anh Xuân, người con của quê hương Nam Bộ được lưu cùng với những hồ sơ đồng đội của anh. Vẫn còn đó nét chữ nghiêng nghiêng mà rắn rỏi “quyết về Nam”, vẫn còn đó tấm hình anh trong cuốn Chứng minh thư với gương mặt trẻ trung và đôi mắt thẳm sâu như đang dõi về ngày chiến thắng. Còn đó những người ở lại, nhớ anh và yêu mến thơ anh nên viết về anh.

Ths. Nguyễn Thị Ngọc Diệp - Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III

 

 

THƠ LÊ ANH XUÂN

 

Nhớ cơn mưa quê hương

 

Quê nội ơi
Mấy năm trời xa cách
Đêm nay, ta nằm nghe mưa rơi
Nghe tiếng trời gầm xa lắc…
Cớ sao lòng thấy nhớ thương.
Ôi cơn mưa quê hương
Đã ru hát hồn ta thuở bé,
Đã thấm nặng lòng ta những tình yêu chớm hé.
Nghe tiếng mưa rơi trên tàu chuối, bẹ dừa,
Thấy mặt trời lên khi tạnh những cơn mưa.
Ta yêu quá như lần đầu mới biết
Ta yêu mưa như yêu gì thân thiết
Như tre, dừa, như làng xóm quê hương.
Như những con người biết mấy yêu thương.
Ôi tuổi thơ, ta dầm mưa ta tắm.
Ta lội tung tăng trên mặt nước mặt sông
Ta lặn xuống, nghe vang xa tiếng sấm
Nghe mưa rơi, tiếng ấm tiếng trong.
Ôi đâu rồi những trò chơi tuổi trẻ
Những tàu chuối bẹ dừa, những mảnh chòi nhỏ bé
Những vết chân thơ ấu buổi đầu tiên
Mấy tấm mo cau là mấy chiếc thuyền
Mưa cuốn đi rồi.
Mưa chảy xuống dòng sông quê nội
Sóng nước quê hương dào dạt chảy về khơi,
Chở những kỷ niệm xưa, chìm lắng bốn phương trời.
Và ta lớn tình yêu hòa bể rộng
Cơn mưa nhỏ của quê hương ta đã sống
Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sông,

 

Ôi cơn mưa quê hương.
Mưa là khúc nhạc của bài ca êm mát.
Những đêm ta nằm nghe mưa hát mưa ơi
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá,
Thầm thì rào rạt vang xa…
Có lúc bỗng phong ba dữ dội
Mưa đổ ào như thác dồn trăm lối.
Giấc mơ xưa có chớp giật, sấm gầm,
Trang sử nhỏ nhà trường bỗng hóa mưa giông.
Nghe như tiếng của Cha Ông dựng nước,
Truyền con cháu phải ngẩng cao mà bước
Nghe như lời cây cỏ gió mưa.
Đang hát tiếp bài ca bất khuất ngàn xưa…
Mưa tạnh rồi, như mùa xuân nhẹ trổi
Thấy sánh xanh trên những cành xanh nắng rọi
Mưa ơi mưa, mưa gội sạch những cành non
Mang đến mùa xuân những quả ngọt tươi ngon.
Ôi vui quá không thấy chim đâu cả
Mà bờ tre nghe giọng hót trong lành.
Nhà ai đấy nhịp chày ba rộn rã,
Làm hạt mưa trên cành lá rung rinh.

* * *

 

Mấy cô gái bên kia sông giặt áo
Tay rẩy nước. Bỗng mưa rào nho nhỏ
Cánh tay cô hay cánh gió nhẹ đưa
Rung cành tre rơi nhỏ một cơn mưa…
Ôi yêu quá mấy hàng dừa trước ngõ
Rễ dừa nâu, muờn mượt gân tơ
Đường tạnh ráo, đất lên màu tươi mởn
Đã yêu rồi sao bổng thấy yêu hơn…

 

Quê hương ơi, mấy năm trời xa cách
Đêm nay ta nằm nghe mưa rơi,
Nghe tiếng trời gầm xa lắc…
Cớ sao lòng lại xót đau…
Ta muốn về quê nội
Ta muốn trở lại tuổi thơ
Ta muốn nằm trên mảnh đất ông cha
Nghe mưa đập cành tre, nghe mưa rơi tàu lá…
Ôi tiếng sấm từ xa, bỗng gầm vang rộn rã…

 

 

Dừa ơi

 

Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ
Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ
Cứ mỗi chiều nghe dừa reo trước gió
Tôi hỏi nội tôi: “Dừa có tự bao giờ?”

 

Nội nói: “Lúc nội còn con gái
Đã thấy bóng dừa mát rượi trước sân
Đất này xưa đầm lầy chua mặn
Đời đói nghèo cay đắng quanh năm”

 

Hôm nay tôi trở về quê cũ
Hai mươi năm biết mấy nắng mưa
Nội đã khuất rồi xanh rì đám cỏ
Trên thân dừa vết đạn xác xơ.

 

Dừa ơi dừa! Người bao nhiêu tuổi
Mà lá tươi xanh mãi đến giờ
Tôi nghe gió ngàn xưa đang gọi
Xào xạc lá dừa hay tiếng gươm khua.

 

Ôi có phải nhà thơ Đồ Chiểu
Từng ngâm thơ dưới rặng dừa này
Tôi tưởng thấy nghĩa quân đuổi giặc
Vừa qua đây còn lầy lội đường dây.

 

Tôi đứng dưới hàng dừa cao vút
Cạnh hàng dừa tơ lá mướt xanh màu
Những công sự còn thơm mùi đất
Cạnh những chiến hào chống Pháp năm nao.

 

Vẫn như xưa vườn dừa quê nội
Sao lòng tôi vẫn thấy yêu hơn
Ôi thân dừa đã hai lần máu chảy
Biết bao đau thương, biết mấy oán hờn.

 

Dừa vẫn đứng hiên ngang cao vút
Lá vẫn xanh rất mực dịu dàng
Rễ dừa bám sâu vào lòng đất
Như dân làng bám chặt quê hương.

 

Dừa bị thương dừa không cúi xuống
Vẫn ngẩng lên ca hát giữa trời
Nếu ngã xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại đứng lên thân dựng pháo đài.

 

Lá dừa xanh long lanh ánh nắng
Theo đoàn quân thành lá nguỵ trang
Nếu rụng xuống dừa ơi không uổng
Dừa lại cháy lên ánh đuốc soi đường.

 

Đất quê hương nát bầm vết đạn
Đã nuôi dừa năm tháng xanh tươi
Ôi có phải dừa hút bao cay đắng
Để trổ ra những trái ngọt cho đời.

 

Nghe vườn dừa rì rào tiếng nhạc
Lòng nao nao tôi nhớ nội xiết bao
Tuổi thơ xưa uống nước dừa dịu ngọt
Tôi biêt đâu thuở chua xót ban đầu.

 

Tôi ngước nhìn mùa xuân nắng dọi
Bốn mặt quê hương giải phóng rồi
Tôi bỗng thấy nội tôi trẻ lại
Như thời con gái tuổi đôi mươi
Như hàng dừa trước ngõ nhà tôi.

                                                         1.1966

 

 

 

Trở về quê nội

 

Ôi quê hương xanh biếc bóng dừa
Có ngờ đâu hôm nay ta trở lại
Quê hương ta tất cả vẫn còn đây
Dù người thân đã ngã xuống đất này
Ta lại gặp những mặt người ta yêu biết mấy
Ta nhìn, ta ngắm, ta say
Ta run run nắm những bàn tay
Thương nhớ dồn trong tay ta nóng bỏng.

 

Đây rồi đoạn đường xưa
Nơi ta vẫn thường đi trong mộng
Kẽo kẹt nhà ai tiếng võng trưa
Ầu ơ… thương nhớ lắm
Ơi những bông trang trắng, những bông trang hồng
Như tấm lòng em trong trắng thủy chung
Như trái tim em đẹp màu đỏ thắm
Con sông nhỏ tuổi thơ ta đã tắm
Vẫn còn đây nước chẳng đổi dòng
Hoa lục bình tím cả bờ sông.

 

Mẹ lưng còng tóc bạc
Ngậm ngùi kể chuyện ta nghe
Tám em bé chết vì bom xăng đặc
Trên đường đi học trở về
Giặc giết mười người trong một ấp
Bà con khiêng xác chất đầy ghe
Chở lên Bến Tre đấu tranh với giặc
Làng ta mấy lần bom dội nát
Dừa ngã ngổn ngang, xơ xác bờ tre,
Mẹ dựng tạm mái lêu che mưa che gió.
Ta có ngờ đâu mái lều của mẹ
Dưới lớp đất kia ngọn lửa vẫn còn
Mẹ ta tần tảo sớm hôm
Nuôi các anh ta dười hầm bí mật
Cả đời mẹ hy sinh gan góc
Hai mươi năm giữ đất, giữ làng
Ôi mẹ là bà mẹ miền Nam.

 

Ta có ngờ đâu em ta đấy
Dưới mái lều kia em đã lớn lên
Em đẹp lắm như mùa xuân bừng dậy
Súng trên vai cũng đẹp như em
Em ơi! Sao tóc em thơm vậy
Hay em vừa đi qua vườn sầu riêng?
Ta yêu giọng em cười trong trẻo
Ngọt ngào như nước dừa xiêm
Yêu dáng em đi qua cầu tre lắt lẻo
Dịu dàng như những nàng tiên
Em là du kích, em là giao liên
Em chính là quê hương ta đó
Mười một năm rồi ta nhớ, ta thương

 

Đêm đầu tiên ta ngủ giữa quê hương
Sao thấy lòng ấm lạ
Dù ngoài trời tầm tã mưa tuôn
Tiếng đại bác gầm rung vách lá
Ôi quê hương ta đẹp quá!
Dù trên đường còn những hố bom
Dù áo em vẫn còn mảnh vá
Chỉ có trái tim chung thủy, sắt son
Và khẩu súng trong tay cháy bỏng căm hờn.

                                                                         9.1965

 

 

 Nguyễn Văn Trỗi

 

Khi Anh gọi Bác ba lần
Lòng anh như thấy được gần Bác thêm
Anh chưa được tận mắt nhìn
Nhưng hình ảnh Bác trong tim vẫn ngời
“Cháu yêu Bác lắm, Bác ơi!
Những năm kháng chiến từ hồi còn thơ
Trung thu gặp Bác trong mơ
Kính yêu cháu hát: “Bác Hồ Chí Minh”…
Giờ đây trước phút tử hình
Cháu như thấy Bác đang nhìn cháu đây
Bác hôn cháu, Bác cầm tay
Cháu hôn lại Bác sáng nay ba lần”
Muôn năm! Muôn năm! Muôn năm!
Triệu người đáp lại ầm ầm bốn phương
Tiếng hô gặp núi, núi vang
Gặp sông, sông hát, gặp rừng, rừng ca
Bác Hồ khi hiện vào ta
Như tên bật ná, thác sa khỏi ghềnh
Ôi ba tiếng Hồ Chí Minh!
Đã thành vũ khí, đã thành niềm tin
Đã thành lời hứa thiêng liêng
Lửa thiêu chẳng cháy, đá nghiền chẳng tan
Cổ gông cổ vẫn thét vang
Tay còng tay vẫy vẫn ngàn cánh tay
Bác là non nước, trời mây
Việt Nam có Bác mỗi ngày đẹp hơn
Còn cao hơn đỉnh Thái Sơn
Nghìn năm chung đúc tâm hồn ông cha
Điệu lục bát, khúc dân ca
Việt Nam là Bác, Bác là Việt Nam
“Việt Nam muôn năm!”
Việt Nam, Tổ quốc muôn năm
Nơi ta yêu quý muôn vàn của ta
Dù đây trường bắn Chí Hòa
Đất chân ta đứng vẫn là của ta
Sau lưng ta cả quê nhà
Nơi lưng ta tựa ấy là Trường Sơn
Là bờ ruộng, lối cỏ mòn
Đỏ tươi bông gạo, biếc rờn ngàn dâu
Là Thu Bồn mặt nước xao
Dòng sông tuổi nhỏ rì rào hát ca
Là hàng ớt đã ra hoa
Đám dưa trổ nụ, đám cà trổ bông
Là trưa tiếng mẹ ru nồng
Tiếng thoi lách cách bên nong dâu tằm
Là Việt Nam! Là Việt Nam!
Biển Đông một dải xanh lam cõi bờ
Việt Nam đất nhạc, đất thơ
Chân mây điểm trắng cánh cò quê hương
Đầm sen nở trắng, nở hường
Đêm trăng thơm dịu những đường sầu riêng
Việt Nam xứ sở thần tiên
Bốn mùa một sắc trời riêng đất này
Xóm làng, đồng ruộng, rừng cây
Non cao gió dựng, sông đầy nắng chan
Sum sê xoài biếc, cam vàng
Dừa nghiêng cau thẳng hàng hàng nắng soi
Có nơi đâu đẹp tuyệt vời
Như sông, như núi, như người Việt Nam
Đầu trời ngất đỉnh Hà Giang
Cà Mau cuối đất mỡ màng phù sa
Trường Sơn chí lớn ông cha
Cửu Long lòng mẹ bao la sóng trào
Mặt trời ánh sáng tự hào
Dáng đi cũng lấp lánh màu tự do
Bốn ngàn năm dựng cơ đồ
Vạn năm từ thuở ấu thơ loài người
Ôi Việt Nam! Việt Nam ơi!
Việt Nam, ta gọi tên Người thiết tha.

 

 

 

Dáng đứng Việt Nam

 

Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất
Nhưng Anh gượng đứng lên tì súng trên xác trực thăng
Và Anh chết trong khi đang đứng bắn
Máu Anh phun theo lửa đạn cầu vồng.

 

Chợt thấy anh, giặc hốt hoảng xin hàng
Có thằng sụp xuống chân Anh tránh đạn
Bởi Anh chết rồi nhưng lòng dũng cảm
Vẫn đứng đoàng hoàng nổ súng tiến công


Anh tên gì hỡi Anh yêu quý
Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng
Như đôi dép dưới chân Anh dẫm lên bao xác Mỹ
Mà vẫn một màu bình dị, sáng trong


Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ
Anh chẳng để lại gì cho Anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ:
Anh là chiến sĩ giải phóng quân.


Tên Anh đã thành tên đất nước
Ôi anh Giải phóng quân!
Từ dáng đứng của Anh giữa đường băng Tân Sơn Nhất
Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân.

 

3.1968

Chị gái nhà thơ Lê Anh Xuân nhớ lại...

Ngay khi mới gặp bà Ca Lê Du, tôi đã muốn gọi ngay là má, “má Bến Tre”. Cái gợi rất xứ sở từ má đã đến không phải bởi hình ảnh mái tóc dài vì má không còn búi tóc, hay vì giọng nói đặc Bến Tre. Nó đến từ chính bộ bà ba đen cùng chiếc khăn rằn quen thuộc mà má đã mặc và đặc biệt là những ký ức và nỗi nhớ khôn nguôi về người em ruột tên Ca Lê Hiến, có bút danh là Lê Anh Xuân. Nhà thơ Lê Anh Xuân là tác giả tác phẩm “Tiếng gà gáy”,  đặc biệt nổi tiếng với bài thơ “Dáng đứng Việt Nam”.

 
 
 

Tôi tên là Ca Lê Du, đến từ tỉnh Bến Tre, quê hương Đồng Khởi. - Má giới thiệu rõ là vậy khi bắt đầu trò chuyện cùng tôi. - Từ năm 1950, mới 16 tuổi, tôi đã tham gia hoạt động phụ nữ ở cơ quan phụ nữ Nam Bộ. Dòng máu cách mạng, tinh thần cách mạng ở sẵn trong tôi. Ba mẹ tôi cũng đều hoạt động cách mạng. Năm 1954, dù cả nhà đã tập kết ra Bắc, nhưng tôi còn trẻ, đang sôi sục, hừng hực, ham tiến bộ, ham đấu tranh nên sẵn sàng tình nguyện ở lại chiến đấu, không suy nghĩ. Tôi có thuận lợi là hội trưởng hội phụ nữ một xã của huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre nên trong các cuộc đấu tranh quy mô luôn có mặt. Tôi tham gia đấu tranh trong đội quân tóc dài. Gia đình của tôi, chồng cũng thoát ly tham gia cách mạng, ở nhà tôi vừa hoạt động vừa nuôi ba đứa con, phải làm sao vừa công tác được vừa sản xuất được. Tôi tính toán, sắp xếp trong ngày, ví dụ đi đấu tranh buổi sáng thì buổi chiều tôi ra đồng lao động làm 3 công ruộng, hoặc ngược trở lại. Nhờ vậy, tôi vừa nuôi con vừa đóng góp nuôi quân, nuôi bộ đội.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, má Ca Lê Du đã mất đi người chồng và một người em trai. Má đã vượt qua nỗi đau để tiếp tục chiến đấu. Người em trai đó là nhà thơ Lê Anh Xuân. Má tâm sự: Ca Lê Hiến là đứa em tôi thương nhiều nhất. Hai chị em đã cùng chứng kiến, cùng vượt qua bom đạn của kẻ thù. Năm 1965 em tôi về, đến năm 1968, em tham gia Chiến dịch Mậu Thân và hy sinh. Khi biết tin mất mát, tôi đau lắm. Sau 10 năm đi tập kết, khi đã là giảng viên đại học, chuẩn bị đi nghiên cứu sinh, nhưng em tôi đã kiên quyết trở lại miền Nam chiến đấu. Khi về tiểu ban văn nghệ ở quê hương, em đã tìm về quê nội ở tận Tân Thành Bình, tỉnh Bến Tre thăm nhà, thăm chị. Tôi không thể nào quên buổi chị em gặp nhau lần đầu tiên sau 10 năm xa cách ấy. Hồi đó, tôi là cán bộ phụ nữ, đi công tác, không có mặt ở nhà lúc em nó về. Đang làm thì có người gọi: Chị Ba ơi, chị về có khách. Tôi vội vã về liền. Về đến nhà, thấy nó đang đứng trước cửa, tôi sững lại. Rồi hai chị em tiến đứng cạnh nhau, không nói được tiếng nào. Một lúc sau, tôi mới nói: Hiến! Lúc ấy, hai chị em mới ôm nhau khóc. Vẫn biết là em nó về miền Nam rồi nhưng mình đâu có biết lúc nào được gặp. Người gọi tôi cũng không báo là ai đến nhà nữa nên tôi vừa thấy vui vừa xúc động. Nỗi xúc động quá đột ngột. Nó nhìn thấy ba đứa con của tôi, biết tôi vừa hoạt động vừa nuôi con nhỏ thì rất thương. Tính đến giờ đã là 50 năm mà sao kỷ niệm đó vẫn làm tôi nhớ hoài.

Hồi nhỏ, hai chị em tôi cũng rất gắn bó. Năm 1945, ba má tôi đi thoát ly, tham gia kháng chiến, để năm chị em tôi ở với ông bà nội, mà Hiến là nhỏ nhất, lúc ấy mới 5 tuổi. Hiến sinh năm 1940. Tôi khi ấy 12 tuổi. Chị em quấn quýt với nhau, thương nhau lắm. Chúng tôi thường cùng nhau leo trèo hái trái cây, nào là vú sữa, nào là khế, là dừa… Hiến là con trai nhưng hiền lắm, hiền nhất nhà, như con gái. Tôi thương và nhớ Hiến nhất trong số các em. Hiến từng làm bài thơ “Trở về quê nội” chính là từ tình cảm trong thời gian ở chung với ông bà nội đó. Sau khi thoát ly đi hoạt động về gặp ba tôi, năm 1949, má tôi mới sinh thêm một em nữa. Vậy là nhà tôi có 6 anh chị em. Anh hai là Ca Lê Dân, dưới tôi là Ca Lê Thuần (nhạc sĩ), Ca Lê Hồng (đạo diễn, NSƯT), đến Ca Lê Hiến (chính là nhà thơ Lê Anh Xuân) và út là Ca Lê Thắng. 

Dịp Hiến về, đồn bốt giặc giăng đầy, đêm đến, chúng tôi đi phá. Lần chúng tôi đi phá lộ cho giao thông đứt đoạn, Hiến bảo tôi: Chị Ba ơi, chị Ba dắt em đi phá với! Thấy em hăng hái quá, tôi đã đưa em đi cùng. Sau lần đó, Hiến đã sáng tác bài thơ “Phá hoại đêm trăng”. Tiếc là giờ tôi không còn nhớ câu nào của bài đó, nhưng những bài thơ khác Hiến đã làm thì tôi nhớ. Như bài “Dừa ơi!”. Tại sao phải nhớ là vì, chị em tôi ở quê hương có toàn dừa không à. Nên tôi nhớ dữ lắm. Hiến đã đọc cho tôi nghe bài này và tôi nhớ”.

Nói rồi má Ca Lê Du đưa tay xoắn lấy chiếc khăn rằn đang khoác ở cổ, đọc chậm, vẻ rất xúc động: Tôi lớn lên đã thấy dừa trước ngõ/Dừa ru tôi giấc ngủ tuổi thơ/Cứ mỗi chiều dừa reo trước gió/Tôi hỏi nội tôi: Dừa có tự bao giờ? Tôi cũng nhớ bài thơ cuối cùng Hiến làm, đó là bài "Dáng đứng Việt Nam". Bài thơ có đoạn thế này: Anh ngã xuống đường băng Tân Sơn Nhất/Nhưng anh gượng đứng lên, tì súng trên xác trực thăng/Và anh chết khi đang đứng bắn/Máu anh phun theo lửa đạn cầu vồng…

Tại sao tôi nhớ bài thơ đó nhiều biết không? Má Du hỏi tôi câu này, khi tôi cũng đang trôi mình trong hình ảnh oai hùng, bi tráng mà bài thơ mang lại. Má hỏi mà không đợi trả lời và giải thích ngay rằng, vì bài thơ này ca ngợi anh chiến sĩ Giải phóng quân đã chết trên đường băng Tân Sơn Nhất cho nên má nghĩ đến người em, cũng là chiến sĩ, là nhà thơ đã ngã xuống vì Tổ quốc… Má cũng nhớ chồng, người đã hy sinh năm 1970, sau nhà thơ Lê Anh Xuân 2 năm. Khi đó, chồng má là ủy viên Ban công vận tỉnh Bến Tre. Trên đường đi công tác, ông đã bị trúng rốc-két từ máy bay địch. Hai nỗi đau thương mất mát của gia đình má đã khiến má chảy không biết bao nhiêu nước mắt. Nhưng rồi má suy nghĩ lại rằng: “Ba đã tập kết ra Bắc, là một chiến sĩ cách mạng, còn tôi cũng tham gia phong trào Đồng Khởi, hoạt động phụ nữ, giờ phải gạt nước mắt, cố gắng kiên định lập trường cách mạng của bản thân. Tôi tham gia lực lượng đấu tranh chính trị, làm công tác chỉ huy, cái kiên cường đã có sẵn trong lòng rồi. Tôi nghĩ phải ráng giữ vững để khi đất nước thống nhất, ba má trở về, sẽ hãnh diện khi có một đứa con trai, là nhà thơ Lê Anh Xuân, đã đóng góp xương máu cho đất nước, còn con gái, 20 năm ở lại miền Nam, công tác chiến đấu, không bị gục ngã trước bom đạn của kẻ thù… ”.

Trước khi chia tay, má Du có nhắc đến người yêu từ ngày còn ở miền Bắc của nhà thơ Lê Anh Xuân. Đó là Bùi Xuân Lan, em của nhà văn Bùi Đức Ái (Anh Đức), tác giả tác phẩm “Hòn đất”. Hai người xa nhau khi Lê Anh Xuân trở về Nam, Xuân Lan đi học ở Trung Quốc. Trong nhật ký của Lê Anh Xuân có nhắc đến mối tình này. Giờ đây, mỗi năm vào dịp làm đám giỗ cho người em, má Ca Lê Du luôn nhận được cuộc gọi hỏi thăm của bà Xuân Lan. Và cũng ngày ấy, hằng năm, bà Xuân Lan vẫn đến viếng mộ nhà thơ Lê Anh Xuân ở Nghĩa trang Thành phố Hồ Chí Minh.

QUỲNH LINH (BÁO QĐND)

 

Giới thiệu Nhật kí Lê Anh Xuân

Vào những ngày cuối năm 1964, có một giảng viên sử học của Đại học Tổng hợp Hà Nội cùng đoàn cán bộ gồm các ngành văn hoá, giáo dục, y tế, điện ảnh… lên đường vào Nam. Trong đoàn cán bộ dân sự đi B năm ấy, anh thuộc số trí thức tình nguyện cầm súng lên đường nhưng không phải "xếp lại bút nghiên". Ba lô vào trận của anh nặng vì sách giáo trình, chuyên luận. Anh lên đường với tư cách một nhà sư phạm, một nhà sử học để cùng các chuyên gia trong đoàn đảm nhận một trọng trách chung, là: Phát triển giáo dục cho các địa phương vùng giải phóng và xây dựng đội ngũ giảng viên cho một trường đại học chuẩn bị thành lập trên căn cứ địa của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Nhiều người nhận ra anh. Đó là Ca Lê Hiến - tác giả bài thơ Nhớ mưa quê hương, năm 1960 đã đoạt giải Nhì cuộc thi thơ báo Văn Nghệ. Con đường đi bộ vượt Trường Sơn vào Nam cheo leo, trùng điệp nhưng chính là con đường trở về quê mẹ. Cuộc chiến đấu gian lao và hi sinh phía trước buộc mỗi người phải chọn một mật danh hoặc một bút danh và anh đã chọn Lê Anh Xuân làm bút danh cho mình. Là người con của quê hương Bến Tre, theo cha tập kết ra Bắc, được học hành, đào tạo chu đáo, Lê Anh Xuân rất sớm trưởng thành. Tốt nghiệp khoa Lịch sử, anh được giữ lại trường, trong bộ môn Lịch sử thế giới. Là một cán bộ giảng dạy trẻ, thông minh, tài hoa thiên bẩm, anh đã được Nhà nước chọn đi nghiên cứu sinh nước ngoài. Con đường thành đạt cá nhân và một sự nghiệp khoa học đã mở ra thênh thang trước mặt, nhưng Lê Anh Xuân lại từ chối. Anh chọn con đường thứ hai bí mật vượt Trường Sơn, trở về quê mẹ. Đường ra trận, trong lòng anh, đã thành con đường hội tụ của hai tình yêu lớn: Tình yêu quê hương và tình yêu đất nước. Năm 1965, Mĩ ồ ạt đổ quân vào miền Nam, châm ngòi cho một cuộc chiến tranh cục bộ hết sức khốc liệt. Cục diện chiến trường thay đổi, Trung ương Cục Miền Nam quyết định gác lại kế hoạch xây dựng trường đại học. Từ Tiểu ban Giáo dục, Lê Anh Xuân chuyển sang Tiểu ban Văn nghệ, bắt đầu làm việc với tư cách một nhà báo, một phóng viên mặt trận. 
Từ năm ấy, những nẻo đường giao liên, những lòng thông hào chiến trận bắt đầu in dấu giày nhà báo Bến Tre yêu nước. Nhờ cảm quan sử học và trái tim thi sĩ, Lê Anh Xuân nắm bắt được rất nhanh cái chiều sâu triết học và chiều sâu thơ ca của hiện thực cách mạng miền Nam. Viết báo, làm thơ, viết kí, kể chuyện các anh hùng, bút danh Lê Anh Xuân đã thành cái tên quen thuộc, yêu thương đối với độc giả Tạp chí Văn nghệ giải phóng và đồng bào hai miền Nam, Bắc. Các tập thơ Tiếng gà gáy (1965), Không có đâu như ở miền Nam (1965), trường ca Nguyễn Văn Trỗi (1968) tập truyện kí Giữ đất, các bài thơ sau này in trong tập Hoa dừa (1971)… đã làm đồng bào và chiến sĩ cả nước xúc động và nhận ngay ra phong cách của một tài năng đã từng báo hiệu qua Nhớ mưa quê hương năm xưa. Lê Anh Xuân vẫn rong ruổi trên các nẻo đường chiến trận. Các bài thơ Dừa ơi, Về Bến Tre, Trở về quê nội, Không đâu như ở miền Nam… liên tục được phát trên làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam đã lay động tâm hồn đồng bào, chiến sĩ cả nước. Khát khao cống hiến, khát khao khám phá hiện thực và sáng tạo nghệ thuật, nhà thơ không chịu ngồi yên trong căn cứ địa. Anh tìm mọi cơ hội tham gia các trận đánh, không bằng lòng với chỗ đứng an toàn, tuy rất chính đáng của một nhà thơ. Anh không muốn chỉ làm người đứng ở đằng xa, làm chứng nhân lịch sử. Năm 1968, Lê Anh Xuân lên đường, bước vào đợt II của chiến dịch Tổng tấn công Mậu Thân. Trước khi xuất phát, anh gửi lại cho Ban biên tập Tạp chí Văn nghệ Giải phóng một bài thơ anh đã thức viết thâu đêm. Đó là bài thơ viết về cái chết anh hùng, hiên ngang và bi tráng của một chiến sĩ vô danh trên sân bay Tân Sơn Nhất: Bài thơ Dáng đứng Việt Nam. Thật đau lòng, tác giả đã không bao giờ trông thấy bài thơ của mình in trên mặt báo nữa. Ngày 24 tháng 5 năm 1968, Lê Anh Xuân đã hi sinh trên mặt trận phía tây Sài Gòn. Lê Anh Xuân ra đi nhưng Dáng đứng Việt Nam của anh ở lại. Bài thơ nhanh chóng trở thành bài ca yêu thích đầu lòng của lớp lớp những người cầm súng. Khi hình dung, tưởng tượng về người giải phóng quân hi sinh trong tư thế đứng bắn ở đường băng, ra đi không để lại tên tuổi…, nhiều cán bộ đồng nghiệp và bạn bè đồng khoa thuộc Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội lại tưởng nhớ tới dáng người thanh mảnh, khuôn mặt tươi sáng của thầy Ca Lê Hiến năm nào trên đất Bắc. Vì Tổ quốc cần, anh đã gác lại một sự nghiệp khoa học. Nhưng bù vào đó anh đã tạo cho mình một sự nghiệp thi ca. Và điều quan trọng nhất, là bằng thơ ca và bằng tấm gương chiến đấu hi sinh, anh đã góp mình "làm nên lịch sử". Nửa thế kỉ qua, trong tâm niệm của hàng triệu học sinh, sinh viên và độc giả thơ Việt Nam, Lê Anh Xuân là một anh hùng. Để tri ân và lưu giữ những kỉ vật tinh thần vô giá của các liệt sĩ vốn là cán bộ, sinh viên của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm xưa, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đã xuất bản cuốn Còn lại với thời gian. Trong danh sách tiểu sử và các trang văn liệt sĩ, bên cạnh các tên tuổi: Nhà văn, Anh hùng LLVT - Liệt sĩ Chu Cẩm Phong, Nhà báo - Liệt sĩ Hồng Tân (người hi sinh bên cạnh Lê Anh Xuân), Nhà thơ - Liệt sĩ Nguyễn Trọng Định, Nhà thơ - Liệt sĩ Vũ Dũng … tên tuổi Lê Anh Xuân đã khai trang, sáng lên với tư cách một nhà giáo - nhà thơ chiến trận. Ngày 18 tháng 5 năm 2011, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức cuộc toạ đàm về cuộc đời và sự nghiệp Lê Anh Xuân. Tại diễn đàn văn hoá và thi ca này, cán bộ và sinh viên Nhà trường rất xúc động và phấn khởi khi biết tin Thành uỷ và UỶ ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Thành phố xây dựng hồ sơ để đề nghị Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Liệt sĩ Lê Anh Xuân. Cũng chính từ cuộc toạ đàm này, những trang nhật kí của Lê Anh Xuân, qua giọng đọc của nhà giáo, NSUT Ca Lê Hồng (người chị gái của Liệt sĩ) đã làm hội trường xúc động. Các cán bộ khoa học, cán bộ giảng dạy, sinh viên và Lãnh đạo nhà trường ý thức ngay rằng, Nhật kí Lê Anh Xuân là một kỉ vật vô giá. Công việc được khẩn trương triển khai. Nhờ những nỗ lực sưu tầm, tìm kiếm, liên lạc của Hội Cựu chiến binh, của Ban Giám hiệu Nhà trường, nhờ sự hợp tác giúp đỡ của gia đình Liệt sĩ, của Bảo tàng tỉnh Bến Tre, bản thảo Nhật kí Lê Anh Xuân đã lên khuôn chữ ấn loát. Việc xuất bản Nhật kí là đáp ứng nguyện vọng, mong mỏi chung của nhiều cơ quan văn hoá, khoa học, các tổ chức chính quyền địa phương và độc giả yêu thơ cả nước. Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh tình nguyện xuất bản cuốn nhật kí này. Ngoài mục tiêu giới thiệu một di sản văn hoá - tư tưởng, đối với Nhà xuất bản, cuốn sách còn có ý nghĩa như một sự tri ân đồng nghiệp. Bởi vì Tạp chí Văn nghệ Giải phóng, nơi nhà thơ Lê Anh Xuân làm việc, chính là tổ chức văn hoá tiền thân của Nhà xuất bản Văn hoá - Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh hôm nay. 

Trong lần xuất bản này, chúng tôi chưa thật yên tâm về phương diện văn bản học. Lí do là vì trong nguyên bản Nhật kí còn rất nhiều quãng thời gian bỏ trống (có thể do cuộc chiến đấu căng thẳng mà việc ghi nhật kí bị gián đoạn hoặc cũng có thể những khoảng thời gian này được ghi ở những cuốn sổ khác?). Bên cạnh đó, còn khá nhiều câu chữ tác giả viết theo kiểu kí hiệu, không thể giải mã. Khi ghi nhật kí, tác giả không thể biết những chuyện riêng tư, "độc thoại" của mình lại có ngày ra ngoài ánh sáng, thành chuyện chung cho triệu người cùng biết. Tuân thủ quy luật đặc thù của thể loại nhật kí và tôn trọng tính chân thực của nguyên tác, chúng tôi đề nghị Nhà xuất bản giữ nguyên nội dung hiện trạng. Nhân dịp Nhật kí Lê Anh Xuân ra mắt bạn đọc, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xin trân trọng cảm ơn Nhà xuất bản Văn hoá văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh vì sự thịnh tình hợp tác, chân thành cảm ơn gia đình Liệt sĩ đã hết sức giúp đỡ, cảm ơn sự phối hợp, hỗ trợ thông tin và các tư liệu lịch sử của các nhà văn: Anh Đức, Lê Văn Thảo, Viễn Phương, Từ Sơn, Lê Quang Trang, đặc biệt là các cán bộ Bảo tàng Bến Tre - tỉnh Bến Tre trong quá trình biên tập cuốn sách này. Nhân dịp xuất bản cuốn nhật kí, chúng tôi thiết tha mong mỏi tiếp tục được nhận về phòng Truyền thống Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội (336 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội) các kỉ vật, ảnh lưu niệm, các trang văn di cảo của Liệt sĩ Lê Anh Xuân có thể còn đang được lưu giữ rải rác trong sổ tay các nhà văn, nhà báo và các đồng chí, đồng nghiệp cùng công tác, chiến đấu với Liệt sĩ năm xưa. Trong khi chờ đợi cơ hội sẽ được bổ sung thêm những tư liệu và những trang nhật kí mới, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xin trân trọng giới thiệu Nhật kí Lê Anh Xuân với các cán bộ, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội và bạn đọc gần xa.

 

LIỆT SĨ LÊ ANH XUÂN: NHÀ THƠ, NGƯỜI CHIẾN SĨ

Trong những lớp nhà thơ trẻ xuất hiện từ những năm tháng chống Mỹ cứu nước, Lê Anh Xuân là một tác giả được đông đảo bạn đọc yêu thơ chăm chú theo dõi với một cảm tình đặc biệt.

Vốn xuất thân trong một gia đình giàu truyền thống, yêu văn học và làm thơ từ nhỏ, ngay từ những bài thơ đầu tiên ra mắt người đọc Lê Anh Xuân đã được đánh giá cao. Bài thơ "Nhớ mưa quê hương" được giải Nhì cuộc thi thơ do tạp chí Văn nghệ tổ chức năm 1960 đã đánh dấu những thành công bước đầu của anh.

Lê Anh Xuân đại diện cho một thế hệ thanh niên say mê lý tưởng, chiến đấu hy sinh vô điều kiện cho sự nghiệp cách mạng. Mặc dù chỉ sống vỏn vẹn 28 năm, nhưng 28 năm đó anh đã cùng dân tộc nếm trải hai cuộc kháng chiến vĩ đại chống thực dân Pháp rồi chống đế quốc Mỹ. Những biến động của lịch sử góp phần hoàn thiện thêm hồn thơ và lòng yêu nước trong người thanh niên trẻ tuổi. Thơ anh và chính cuộc đời anh đều thể hiện sự gắn bó máu thịt với quê hương đất nước, với nhân dân, với đồng đội. Có thể nói anh là người ghi lại lịch sử bằng thơ. Lịch sử đấu tranh anh hùng của dân tộc trong kháng chiến chống Mỹ được anh phản ánh một cách sinh động, trong đó nổi bật là hình ảnh quê hương Bến Tre và những người đã dũng cảm ngã xuống vì sự trường tồn của Tổ quốc. Dù chưa đủ thời gian và điều kiện để rèn luyện, gọt giũa, tạo nên những đột phá mới cho thơ nhưng với hai tập thơ chính "Tiếng gà gáy", "Hoa dừa" và tập trường ca "Nguyễn Văn Trỗi" đã đủ để chúng ta thấy được một phong cách riêng, một tiếng thơ say sưa trong trẻo ngợi ca đất nước, một giọng điệu nhỏ nhẹ tâm tình mà không kém phần sâu sắc.

Năm 1954, Lê Anh Xuân theo gia đình tập kết ra Bắc. Có thể nói 10 năm sống ở miền Bắc đã để lại dấu ấn sâu sắc trong anh. Miền Bắc thân yêu cũng là chất liệu và là cảm hứng chính để anh viết nên tập thơ đầu tiên - "Tiếng gà gáy", tập thơ chủ yếu viết về miền Bắc đang xây dựng chủ nghĩa xã hội. Lê Anh Xuân có những cảm xúc say sưa, ngỡ ngàng trước cuộc sống bộn bề sôi động, trước bao đổi thay nhanh chóng của cuộc sống. Hiện lên trong thơ anh là những công trường, những con đường, những vùng đất, những mùa gặt… cuộc sống mới đang thay da đổi thịt từng ngày. Sự chuyển mình của miền Bắc thật mạnh mẽ và đầy chất thơ. Bất cứ nơi nào đặt chân đến ta cũng có thể nhìn thấy sự "bừng nở" của cuộc sống mới:

"Thái Nguyên bừng nở khu gang thép

Việt Trì khói trắng như mây trôi…"

Anh "Lên Bắc Sơn" chứng kiến sự đổi thay nhanh chóng, xuống "Đêm Uông Bí" tưng bừng ánh điện công trường, vui mừng trước "Con đường cũ" giờ thênh thang rộng mở, tấp nập những đoàn xe qua lại... Tình yêu của Lê Anh Xuân với miền Bắc được thể hiện trực tiếp, rất sôi nổi và hào hứng:

"Miền Bắc ơi! Sao tôi yêu quá!

Như yêu em, yêu má, yêu ba

Xa quê hương miền Bắc là nhà

Tôi như lá xanh chen trong cành biếc".

(Mười năm)

Có thể nói tình cảm trong trẻo, trẻ trung đã tạo nên sức lôi cuốn đặc biệt cho tập thơ đầu tay, cũng như cho bài thơ được giải báo Văn Nghệ - "Nhớ mưa quê hương" của anh. Bài thơ tuy giản dị, nhưng là những tình cảm tha thiết và chân thực, thuần khiết và sâu sắc về quê hương:

"Mưa cuốn đi rồi

Mưa chảy xuống dòng sông quê nội

Sóng nước quê hương dào dạt chảy về khơi

Chở những kỷ niệm xưa, chìm lắng bốn phương trời

Và ta lớn tình yêu hoà bể rộng

Cơn mưa nhỏ của quê hương ta đã sống

Nay vỗ lòng ta rung động cả trăm sông."

Trong tập "Tiếng gà gáy", ngoài hình ảnh miền Bắc luôn thường trực, hồn thơ Lê Anh Xuân còn luôn hoài niệm, nhớ nhung, ưu tư về miền Nam, về quê nội, về hàng dừa trước ngõ, về những đêm mưa, những dòng sông mà tuổi thơ anh đã từng tắm mát. Nỗi nhớ thương miền Nam vô hạn đã được thể hiện ngay trong những bài thơ day dứt viết trên quê hương miền Bắc:

"Mưa vẫn đang trút nước

Gió vẫn đạp cửa phòng

Quê hương có mưa không?"

(Đêm mưa)

Lòng thương miền Nam chưa được giải phóng đã khiến anh khao khát được "Trở về quê nội" để tham gia chiến đấu ("Ôi ta thèm được cầm khẩu súng. Đi giữa đoàn quân cùng với bạn bè. Nằm chờ giặc trên quê hương anh dũng. Ta say nồng mùi lá rụng bờ tre"). Tập thơ "Hoa dừa" được anh viết trong thời gian làm việc và chiến đấu ở miền Nam. Trực tiếp cọ xát với hiện thực, trực tiếp tham dự, chứng kiến hiện thực khốc liệt mà anh dũng, cảm hứng về quê hương đất nước của Lê Anh Xuân được phát triển lên một tầm độ mới. Không còn là những tưởng tượng, nhớ nhung trong xa cách, những bài thơ giờ đây có khói lửa của cuộc chiến, có cái chết của những anh hùng, có sự gồng mình lên của toàn dân tộc. Những nghĩ suy, những ý tưởng được trải nghiệm qua thực tế trở nên sâu sắc và chín chắn hơn. Tập thơ ghi lại những chặng đường mà nhà thơ đã đi qua, đó là những miền đất ("Qua ấp Bắc"; "Nhìn về An Đức", "Anh đứng giữa Tháp Mười", "Mùa xuân Sài Gòn", "Mùa xuân chiến thắng"…); những người anh hùng mà nhà thơ đã gặp, đã nghe thấy ("Gửi anh Tư", "Gặp những anh hùng", "Bài thơ Áo trắng", "Em gái đưa đò", "Lão du kích", "Người mẹ trồng bông"…). Tập thơ bộc lộ sự ngỡ ngàng, khâm phục, tự hào trước những đổi thay kỳ diệu và sự anh dũng của miền Nam.

Là một nhà thơ - chiến sĩ, thơ Lê Anh Xuân thể hiện cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Anh tốt nghiệp Khoa Lịch sử, và có thể đó là một lý do để giải thích cảm hứng lịch sử nồng đậm trong thơ anh. Những vùng đất, những con người dù vô danh hay hữu danh đều mang tư thế và tầm vóc lịch sử. Trong thơ anh không có hình ảnh của cá nhân, tất cả những tình cảm tốt đẹp nhất nhà thơ đều dành cho đất nước. Dù có "ta yêu em", có hình ảnh anh, em, có bao cung bậc cảm xúc của tình yêu …thì tất cả đều là hiện thân của hình ảnh đất nước:

"Yêu biết mấy khi nghe em hát

Tiếng của em - tiếng quê hương bát ngát

Tiếng của đồng bào đồng chí chúng ta

Trong đau thương vẫn cất lời ca."

(Ta yêu em)

Cái tôi nhà thơ đã hoà chung với cái ta dân tộc. Anh muốn dựng lên những dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ. Hình ảnh anh giải phóng quân hy sinh trên sân bay Tân Sơn Nhất trong bài thơ cuối cùng "Dáng đứng Việt Nam" như một tượng đài hùng vĩ hiện lên trên cái nền bát ngát của không gian Tổ quốc và thời gian thế kỷ. Anh là biểu tượng của dáng đứng Việt Nam:

"Anh tên gì hỡi anh yêu quý

Anh vẫn đứng lặng im như bức thành đồng

Như đôi dép dưới chân anh giẫm lên bao xác Mỹ

Mà vẫn một màu bình dị sáng trong

Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ

Anh chẳng để lại gì cho riêng anh trước lúc lên đường

Chỉ để lại dáng đứng Việt Nam tạc vào thế kỷ

Anh là chiến sĩ giải phóng quân".

Cũng như anh chiến sĩ trong thơ, ngoài khẩu súng và một tập nhật ký chiến trường, Lê Anh Xuân không mang theo gì cho riêng mình. Đồng đội liệm anh trong cánh võng, cánh võng theo anh đi suốt chặng đường Nam Bắc vượt Trường Sơn. Ngoài anh giải phóng quân, ta còn bắt gặp rất nhiều anh hùng trong thơ Lê Anh Xuân. Đó là một mảng đề tài anh tâm huyết và dành rất nhiều tình cảm. Đến dự Đại hội anh hùng chiến sĩ thi đua toàn miền Nam lần thứ I (5.1965) anh viết "Gặp những anh hùng". Bài thơ tuy còn dàn trải nhưng cảm xúc hồ hởi, trẻ trung, tự hào, say mê yêu nước thì như muốn tràn ra khỏi con chữ:

"Tôi ngồi giữa bốn bề đỏ rực

Giữa những chiếc hoa trên ngực anh hùng

Thấy mặt mình hồng thêm sắc đỏ

Thấy ngày mai rực rỡ trời hồng".

Sau "Gặp những anh hùng", Lê Anh Xuân còn khắc họa các anh hùng như Nguyễn Văn Tư ("Gửi anh Tư"), anh hùng Huỳnh Việt Thanh ("Anh đứng giữa Tháp Mười"), chị Nguyễn Thị Châu ("Bài thơ áo trắng"), "Em gái đưa đò", "Ông lão du kích", "Người mẹ trồng bông", mười hai cô gái Bến Tre lấy vai đỡ cầu cho bộ đội qua sông ("Qua cầu"), "Cô xã đội"… Có thể nói, Lê Anh Xuân biết ơn và khâm phục tất cả những con người đã cống hiến sức mình cho đất nước. Anh biết chính những con người anh dũng vô song, chính tầm vóc của miền Nam, của dân tộc ta trong thời đại đánh Mỹ ấy đã nâng cánh cho hồn thơ anh. Anh làm thơ về họ như một sự tri ân, như sự ghi chép hối hả cho kịp với những chiến công để "Tổ quốc bay lên bát ngát mùa xuân", để dáng đứng của họ được tạc vào lịch sử. Vậy nên, anh làm thơ trước hết không phải để cho thơ, thơ với anh là vũ khí, là sự cổ vũ chiến đấu, là sự ghi nhận công lao của tất cả những con người Việt Nam anh hùng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Trên cơ sở cảm hứng lãng mạn sử thi, Lê Anh Xuân rất có ý thức phát hiện, khái quát những phẩm chất cao đẹp của dân tộc. Một số bài ở tập "Hoa dừa" đã mang giọng "trữ tình lớn", thể hiện khá rõ xu hướng này trong thơ anh ("Không ở đâu như ở miền Nam", "Gửi miền Bắc", "Chào Hà Nội", "Chào Thăng Long"). Bài thơ cuối đời "Dáng đứng Việt Nam" có lẽ là bài thơ tiêu biểu trong quá trình vận động tư duy nghệ thuật đó. Mặt khác, Lê Anh Xuân luôn tìm tòi những hình thức thể loại để cố gắng thể hiện khái quát nhất, xứng đáng với tầm vóc của con người Việt Nam vĩ đại trong chiến đấu. "Trường ca Nguyễn Văn Trỗi" là một thể nghiệm thành công của anh trong thể loại trường ca - thể loại có khát vọng ghi lại những chiến công, những con người anh hùng mang tầm dân tộc. Chất hùng ca và tình ca trong tập trường ca này đã hoà quyện và được thể hiện một cách xúc động. Tuy thuật lại câu chuyện có thật nhưng bút pháp của tác giả ở đây thiên về lãng mạn hoá; và dù chưa thật đa dạng, biến hoá trong giọng điệu thơ, dù có những đoạn kể lể dài dòng nhưng bản trường ca về người anh hùng đã lôi cuốn người đọc bởi chính cuộc đời anh, cũng như bởi cảm xúc dạt dào, tình cảm chân thành của tác giả. Chúng ta hiểu vì sao hay nhất trong bản trường ca là những đoạn ca ngợi Tổ quốc giàu đẹp, những đoạn viết về mối tình trong sáng, thuỷ chung, về tình yêu quê hương Thu Bồn của người anh hùng bất tử. Trường ca "Nguyễn Văn Trỗi" là tác phẩm chứng tỏ sự tìm tòi sáng tạo nghệ thuật không ngừng của Lê Anh Xuân ngay cả trong hoàn cảnh chiến đấu gian khổ. Hơn nữa, nó thể hiện tư duy có xu hướng khái quát hoá về nội dung và hình thức trong thơ anh cũng như trong nền thơ ca chống Mỹ nói chung.

Từ "Tiếng gà gáy" đến "Hoa dừa", từ truyện ký "Giữ đất" đến trường ca "Nguyễn Văn Trỗi", cảm hứng chủ đạo của Lê Anh Xuân vẫn là tình yêu quê hương đất nước quyện chặt với tình yêu nhân dân và lý tưởng cách mạng. Trong thơ Lê Anh Xuân có lúc trong nỗi nhớ ("Nhớ dừa"), có lúc trên đường chiến đấu ("Dừa ơi", "Đuốc lá dừa"), có lúc trong suy tưởng ("Hoa dừa"), nó cho ta thấy tình cảm sâu sắc của nhà thơ với mảnh đất mà mình đã sinh ra. Hình ảnh dòng sông và mưa quê hương gắn với hồn thơ trong trẻo đầy sức sống của Lê Anh Xuân. Đó là những kỷ niệm, là những giọt nước tắm mát tâm hồn, là những niềm hy vọng đang thắp sáng.

Lê Anh Xuân là nhà thơ tiêu biểu cho cảm hứng sử thi cách mạng. Anh đã cất tiếng ca tươi trẻ ngợi ca Tổ quốc anh hùng. Dù chưa đủ thời gian để hoàn thiện thêm, để những bài thơ mang tầm triết lý cao hơn, dù sự nghiệp vẫn còn dang dở, anh vẫn chưa nói hết được những gì muốn nói, nhưng trong dòng văn học cách mạng nói riêng và văn học Việt Nam nói chung, anh vẫn có một vị trí không thể thay thế. Anh đã đặt nền móng vững chắc cho một lớp nhà thơ hùng hậu sau này như Phạm Tiến Duật, Nguyễn Duy, Hữu Thỉnh, Nguyễn Đức Mậu, Thanh Thảo có được những cách tân mới cho thơ. Đồng thời, cùng với hình tượng con người Việt Nam anh dũng, thông điệp của anh đã đến được với nhân loại. Theo bài báo "Thơ Việt Nam khởi sắc ở châu Á"(1), Lê Anh Xuân đã được giới thiệu trên tạp chí Shi Phyeong (Thi bình), một tạp chí chuyên về thơ và các thành tựu thi ca châu Á cấp tiến ở Hàn Quốc. Trong các từ điển và các công trình nghiên cứu văn học Việt Nam anh cũng luôn có một chỗ đứng xứng đáng. Khi nhớ về Lê Anh Xuân, GS. Vũ Dương Ninh đã nói: Nếu kể đến một người học trò cụ thể mà tôi nhớ nhất, đó là trường hợp Ca Lê Hiến, tức nhà thơ - liệt sĩ Lê Anh Xuân. Lê Anh Xuân học rất giỏi, thông minh, được giữ lại làm giảng viên Bộ môn Lịch sử thế giới, chuyên về lịch sử văn hoá Hy Lạp, La Mã. Những năm 60, Anh Xuân vào Nam công tác theo nhiệm vụ được phân công và hy sinh trong đó. Đến nay, Khoa Lịch sử vẫn tự hào vì có người học trò - nhà thơ - liệt sĩ này.

Đoàn Đức Phương - Diêu Lan Phương

Từ Wb. Đại học Quốc gia Hà Nội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *