Chuyện văn chương

19/8
4:46 PM 2016

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: GIẢI THƯỞNG ĐỪNG LÀ NỖI BUỒN KHÔNG ĐÁNG CÓ

LƯU KHÁNH THƠ - Trong thời gian qua, xung quanh việc xét trao Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước đã gây băn khoăn, bức xúc không nhỏ trong suy nghĩ của nhiều văn nghệ sĩ, trí thức.

                                                                                        Nhà phê bình văn học Lưu Khánh Thơ

Một số người đã lên tiếng, bày tỏ quan điểm qua trả lời phỏng vấn báo chí. Nhà văn Bảo Ninh khi trả lời phóng viên báo An ninh thế giới đã chia sẻ: “Nói không buồn thì không đúng, vì tôi buồn. Tôi không nói cái buồn chỉ của riêng tôi mà tôi buồn cả về việc những người bạn, nghe nói, không được trong dịp này. Họ là những nhà văn tên tuổi trong thế hệ văn bút thời tôi: Văn Lê, Nguyễn Phan Hách, Hồ Anh Thái... Mặt khác, nói nhiều về nỗi buồn của chúng tôi thì vô hình trung lại là đang xúc phạm những nhà văn sẽ đoạt giải, trong số các anh chị mà tôi biết, theo tôi, rất xứng đáng”. Về điều này báo chí truyền thông cũng đã lên tiếng khá mạnh mẽ.

Ở đây chỉ xin đề cập đến mảng văn học nghệ thuật và khoa học xã hội nhân văn, là hai lĩnh vực tôi quan tâm và có sự hiểu biết nhất định. Văn học nghệ thuật và khoa học xã hội là di sản văn hóa phi vật thể thuộc lĩnh vực tinh thần, mà sự đóng góp thật khó đong đếm, xác định một cách cơ học. Trong một xã hội, các lĩnh vực, các ngành khoa học đều có tầm quan trọng, nhưng nói như một chính khách Pháp “văn hóa là cái còn thiếu khi có tất cả, là cái còn lại khi tất cả đã mất”.

Việc một số nhà văn có thành tựu, có tác phẩm được đồng nghiệp cùng giới chuyên môn, được bạn đọc trong nước và quốc tế đánh giá cao không được giải thưởng đợt vừa rồi (do không đủ số phiếu bầu ở vòng cuối cùng) là một sự thiệt thòi không chỉ cho riêng cá nhân nhà văn, mà còn là sự tổn thất trong việc tôn vinh những giá trị đích thực của nền văn hóa dân tộc. Người sáng tạo không kì vọng viết ra để đạt giải này hay giải kia. Nhưng cớ sao những người nước ngoài có cách nhìn, cách đánh giá về một tác giả Việt Nam lại công bằng hơn, chính xác hơn những người có trách nhiệm “cầm cân nảy mực” đánh giá, xếp hạng giá trị của nền văn học chúng ta?

Mục đích của giải thưởng là trao cho những người thực sự xứng đáng, nhằm ghi nhận tâm huyết và thành quả sáng tạo của người nghệ sĩ, của nhà khoa học, tôn vinh những đóng góp của họ đối với xã hội, đồng thời kích thích sức sáng tạo của cộng đồng. Chính giá trị của những người đoạt giải làm nên giá trị của giải thưởng. Một khi giải thưởng để sót những người xứng đáng sẽ gây ra sự bất bình, hoài nghi trong giới chuyên môn và xã hội. Chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng đến uy tín của giải thưởng.

Cách thức tiến hành qua 4 cấp Hội đồng với quy định tỷ lệ phiếu 90% là một con số quá cao. Và có nhất thiết phải duy trì tỷ lệ này ở các cấp không. Đặc biệt ở cấp thứ tư với nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau được cấu tạo vào chung một Hội đồng, thì tỷ lệ này chắc chắn sẽ gây thiệt thòi cho nhiều người xứng đáng. Việc phủ nhận hoàn toàn kết quả bỏ phiếu của 3 cấp (cơ sở, viện, trường và chuyên ngành) là điều nên xem xét lại. Việc xét giải thưởng cần lưu ý đến những tác phẩm đỉnh cao, đồng thời cũng cần xét đến cả quá trình đóng góp cho chuyên ngành khoa học trong tư cách chuyên gia của các ứng viên. Do đó, rất cần phải tôn trọng ý kiến của Hội đồng chuyên ngành, là nơi tập trung những người am hiểu lĩnh vực chuyên môn sâu. Theo tôi được biết, các tác giả được đề nghị xét giải thưởng ở lĩnh vực khoa học xã hội, đều là những người suốt đời gắn bó với hoạt động chuyên môn của mình. Họ đã cống hiến cho khoa học xã hội và nhân văn từ 40 đến trên 60 năm và đã có nhiều công trình khoa học được công bố. Các công trình đưa vào hồ sơ chỉ là một phần nhỏ theo quy định của giải thưởng.

Như trên đã nói, giải thưởng không chỉ dành cho cá nhân người được nhận mà còn liên quan đến cả đội ngũ văn nghệ sĩ trí thức, các nhà khoa học hoạt động trên lĩnh vực văn hóa tinh thần của xã hội. Quy chế, quy định do con người đặt ra. Do đó những điểm chưa hợp lý thì cần thay đổi. Hiến pháp, luật pháp cũng còn phải có sự sửa đổi, điều chỉnh cho phù hợp.

Nguồn: Báo Văn Nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *