Tinh tuyển bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tưởng (ảnh: Internet)
Nhưng tôi thích gọi nhan đề phụ của nó là Tinh tuyển bút ký hay nhất, vì lẽ nó không trùng với tên tập bút ký thứ ba của anh, ra đời năm 1986, và quan trọng hơn, nó thể hiện đúng chất lượng nghệ thuật đã được “tinh tuyển” trong suốt cả một chặng đường dài hơn bốn mươi năm miệt mài với bút ký của Hoàng Phủ.
Chỉ cần nhìn lướt qua nhan đề, cũng dễ dàng nhận ra trong số 26 bút ký được tuyển chọn lần này, có đến 6 bút ký đã từng in dấu trên chặng đường anh đã đi qua, từng đứng tên làm nhan đề cho các tác phẩm, mà hầu hết đều là những tập sách đạt giải thưởng của anh trước đây: Rất nhiều ánh lửa (1979), Ai đã đặt tên cho dòng sông (1986), Hoa trái quanh tôi (1995), Ngọn núi ảo ảnh (2000), Cây đàn Lya của Hoàng tử bé (2005) và Miền cỏ thơm (2007). Đồng thời, không gian sông núi, hoa lá, nắng mưa làm nên chủ đề tập trung của tập sách này chủ yếu là Huế, là văn hóa Huế - một nền văn hóa liền mạch chảy xuyên suốt từ trong truyền thống quá khứ của vùng “phên dậu thứ tư”(Nguyễn Trãi) cho đến thắm đỏ trong máu và lửa trong chiến tranh và những hân hoan, có cả ưu tư trong những năm tháng hòa bình. Như trong lời đề tặng sách cho tôi (ngày 17.10.2010), anh ghi “tặng niềm thủy chung của mình với Huế”!
1.Hoàng Phủ Ngọc Tường là nhà văn / hóa Huế. Với tư cách nhà văn, anh không phải là người duy nhất, nhưng chắc chắn là người số một, người viết nhiều nhất và hay nhất về khí hậu, đất đai, sông núi, thiên nhiên và con người xứ Huế. Ở sưu tập dường như cô đặc đến mức sóng sánh chất Huế này, anh xoáy sâu ngòi bút vào sông Hương, núi Ngự (Rất nhiều ánh lửa, Ai đã đặt tên cho dòng sông, Sử thi buồn, Miền cỏ thơm, Hoa trái quanh tôi, Tuyệt tình cốc, Căn nhà của những gã lang thang), cũng có khi ngòi bút anh vươn xa đến Côn sơn, đến Quảng Trị quê xưa của anh (Thời ấu thơ xanh biếc, Hành lang của người và gió), lên đến đỉnh Bạch Mã (Ngọn núi ảo ảnh), hoặc những gian lao, buồn vui trong ký ức một thưở ở rừng núi chiến khu (“Diễm xưa” của tôi, Lý chuồn chuồn, Đời rừng, Rừng cười), nhưng đều gắn liền với không gian, cỏ cây và tâm thức con người xứ Huế. Bút ký là thể loại văn chương nằm vắt ngang giữa tư duy nghiên cứu và tư duy hình tượng, vừa là sản phẩm của văn chương lý trí vừa là sản phẩm của văn chương tưởng tượng, vừa tự sự vừa trruwx tình, người viết không chỉ thể hiện sự am hiểu tường tận một trữ lượng đồ sộ về tri thức văn hóa và đời sống của con người, không chỉ tri ngộ mà còn hạnh ngộ có ý nghĩa nhân loại, có khả năng xây dựng những biểu tượng, huyền thoại hóa cỏ cây hoa lá, cho nó đời sống tâm hồn hằng cửu với nhân gian. Nhà văn là nhà sáng tạo, không chỉ ở ngôn từ. Nhà văn hóa không chỉ nghiên cứu mà còn phát hiện, còn nhà văn không chỉ phát hiện mà còn sáng tạo. Lâu nay, không biết người ta tiêu tốn bao nhiêu giấy mực để viết về núi Ngự và câu chuyện về những đôi lứa yêu nhau không nên đưa đến chùa Thiên Mụ đã đi vào văn chương sách vở, đi vào đời sống dân gian, trở thành tâm thức tập thể không chỉ của con người xứ Huế, mà còn của cả những ai có chút đong đưa tâm hồn thổi qua miền cỏ thơm, miền gái đẹp nơi đây, nhưng nhà văn đã phát hiện, hoặc sáng tạo, thêu dệt nên huyền thoại về lời thề yêu đương chung lòng cùng núi Ngự: “Núi Ngự không chỉ là cảnh đẹp đứng bên ngoài, nó còn là một thực thể quấn quít rất sâu trong đời sống tình cảm riêng của nhiều thế hệ người Huế. Đó là hòn núi được trời đất ủy thác để làm chứng lời thề vĩnh cửu của những người yêu nhau. Không biết từ thời nào, có lẽ từ thời trường Đồng Khánh còn răng đen và say mê đọc Tố Tâm, các thiếu nữ Huế luôn giữ kín tình yêu của mình như một khu vườn bí mật, và những điều thiêng liêng nhất của cõi lòng giữa hai người, họ chỉ ngỏ riêng với núi Ngự Bình, rằng nếu phản bội lời thề trăm năm, họ sẵn sàng chịu nhận mọi trừng phạt dành cho số phận. Có một điều kiêng cử trong dân gian, có lẽ do chị truyền lại cho em, khiến con gái Huế tránh không lấy chùa Thiên Mụ để làm chứng cho cuộc thề nguyền, vì sợ bị nữ thần áo đỏ của ngôi chùa theo truyền thuyết, sẽ nổi cơn ghen và giáng xuống hạnh phúc của họ nhiều nỗi bất hạnh không tránh khỏi. Bao nhiêu đời người đã qua đi và gió đã thổi bay ai biết về đâu những lời thề ước, nhưng trong khát vọng thăng hoa của tâm hồn Huế, núi Ngự Bình mãi mãi là biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu. Nhiều người đã lấy làm lạ về cái thói yêu đương dai dẳng của người Huế, cứ như là trên đời này hoa chỉ nở một lần, thuyền chỉ về một bến, và chính thi sĩ quái kiệt Bùi Giáng đã phát hiện ra điều đó trong cái nhìn tinh nghịch luôn tìm cách “chọc tức bản thể” của ông: “Rằng thưa xứ Huế bây giờ / Vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương” (tr.258).
Cái “tạng” văn chương của Hoàng Phủ thuộc về tâm cảm, về niềm đau trần thế, nỗi buồn mênh mông và cơn mê dài xuyên qua nhiều số kiếp. Anh có nói về niềm vui, nhưng niềm vui rất ngắn, chỉ dừng lại trong ý niệm, hoặc chợt lóe sáng lên chỉ như một nỗi hân hoan rồi nhanh chóng tắt ngấm đi trong đêm trường miên viễn. Nhưng duy nhất trong tập này, có bút ký Rừng cười đầy ắp chất liệu tự sự và tư duy hài hước mang tính chất dân gian của người dân tộc thiểu số Cờ Tu, được hiện đại hóa, ít thấy ở anh. Câu chuyện ở rừng đói cơm lạt muối, thiếu thốn trăm bề nhưng đầy ắp niềm vui. Những chi tiết tự sự về Cu Lũ, Cu Vằn, Quỳnh Chum, và khát vọng được thoát ly lên chiến khu của các cô du kích vùng sâu… kể ra không thể nhịn được cười. Qua đó, tác giả còn khắc họa được tính cách của những đồng chí, đồng đội như nhà thơ Thanh Hải, nhà báo Ngô Kha. Tất nhiên, đây không chỉ dừng lại ở cái cười mà còn là cái hài, nó luôn thoát ra bên ngoài nhưng cũng có lúc nó ghim lại, lặn vào bên trong, mưng mủ thành nỗi đau thắt ruột con người. Cu Vằn, người đang làm hồ sơ để phong anh hùng, lại là một Đông Gioăng sinh bất phùng thời của núi rừng, người đã từng thừa nhận “Không được phong anh hùng miềng không chết. Còn không hủ hóa là miềng… chết liền!!!”. Hoặc một người hào hoa như Quỳnh Chum, sau hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, khi gặp lại, tư duy không hề thay đổi, chỉ có con người già đi: “Một buổi tối, mới đây thôi, Ngô Kha đưa một ông già người Thượng đến tôi chơi. Tôi nhận ra ngay là Quỳnh Chum, vẫn chân tay dài lêu nghêu, cái dấu tràm trên trán, chỉ tóc đã bạc trắng” (tr.275). Giống như trong “Diễm xưa” của tôi, người từng là đồng đội, người yêu một thưở ở rừng của tác giả, nay con gái đi thực tập chụp ảnh chung đưa về: “Trong ảnh, con gái tôi đứng cạnh một bà già gầy guộc, khổ sở, tóc bạc trắng, mắt đầy nếp nhăn. Tôi lắc đầu / Bà nói bà tên là Kan Sao, có quen với ba hồi xưa / Tôi thất kinh, nhìn kỷ lại tấm ảnh. Không thể nào nhận ra nổi, nhưng đôi mắt đen và sâu vẫn tỏa ra một cái nhìn lặng lẽ buồn thì đúng như in là Kan Sao. Kan Sao đã thực sự là một amế già nua, không phải do tuổi tác, mà là nỗi già nua của kiếp nghèo đói nhọc nhằn, cái lưng gù xuống vì những tháng năm cúi xuống trên rẫy, đôi vai xô tới trước vì điệu con, mặt đen xỉn bởi khói bếp. Nàng cũng như tôi, thuộc về những con người may mằn thoát chết trong chiến tranh…” (tr.63).
2.Hoàng Phủ Ngọc Tường “viết bài thơ cho thế hệ mong tìm” (Ngô Kha). Cùng giọng, cùng bè, cùng tông trong dàn đồng ca trữ tình thế hệ, quanh quẫn đâu đây niềm tự hào mang tên Hữu Thỉnh: “Không có sách, chúng tôi làm ra sách / Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình”. Hiếm có một thế hệ / tình bạn nào sâu đậm như những tài năng chơi thân với nhau, thường lui tới Căn nhà của những gã lang thang: Hoàng Phủ Ngọc Tường, Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Đinh Cường, Bửu Ý, nhất là mối tương liên giữa Hoàng Phủ và Trịnh. Ở tinh tuyển này, ngoài bút ký Như con sông từ nguồn ra biển, anh viết trên chiến khu năm 1971, có đến 10 bút ký khác viết sau khi Trịnh đã qua đời (2001), cũng có nghĩa là khi anh đã ngã bệnh vì “tai biến”(1998), phải nằm đọc cho người nhà ghi lại và đã từng in thành tập Trịnh Công Sơn-cây đàn Lya của Hoàng tử bé (2005). “Tôi cùng học với Trịnh Công Sơn, ngồi cạnh Sơn cùng một bàn ở lớp nhất Trường tiểu học Trần Quốc Toản. Sau đó mỗi người rẽ một ngả, tôi tiếp học bậc trung học ở trường Khải Định (lúc này cấp 2 của trường Khải Định đóng trụ sở ở trường Việt Anh), còn Sơn thì đổi sang học những trường Pháp ở Huể, Đà Nẵng và Sài Gòn (…). Tôi luôn luôn xếp hàng đi bên cạnh hoặc ngồi học nhạc ở hồ Tịnh Tâm kề bên Trịnh Công Sơn” (tr.337).
Gắn bó với Trịnh gần như suốt cả cuộc đời, thậm chí trong cả những năm hoạt động trên rừng, đều không ngừng theo dõi Trịnh qua hệ thống thông tin đại chúng như báo, đài, nên Hoàng Phủ là một trong những người hiểu rõ và có quyền phát ngôn về Trịnh. Có một kỷ lục không thể không nhắc là khi Trịnh qua đời có ít nhất mười cuốn sách viết về người nhạc sĩ tài hoa này (thành phố Hồ Chí Minh ba, Hà Nội hai, Huế hai và ba của các cá nhân nhà văn), trong đó có hai cuốn sách của hai người bạn thân là Hoàng Phủ và cuốn Trịnh Công Sơn, nhạc sĩ thiên tài của nhà nghiên cứu văn học Bửu Ý. Bằng sự am hiểu tâm tư đến tận cùng gan ruột và sự tài hoa về văn chương, Hoàng Phủ đã phân tích sự hình thành tư tưởng, quan niệm nghệ thuật, con đường Trịnh đến với phong trào sinh viên tranh đấu và điểm dừng của Trịnh cũng chỉ ở đây. Dừng ở đây, để Trịnh Công Sơn vươn đến đỉnh cao hơn là nhạc sĩ của tình yêu, của thân phận con người và hòa bình cho nhân loại: “Sau khi triển khai tất cả của một hiện hữu vào nghệ thuật Trịnh Công Sơn chỉ nhìn thấy còn lại trong tay mình một chút vôi kết tủa của nỗi cô đơn. Có thể nói rằng nỗi cô đơn là không khí tản mạn khắp trong nhạc Trịnh Công Sơn, và là “tội tổ tông” con người phải gánh chịu từ thưở sơ sinh, và không thể nói gì khác. Có thể nói ngay rằng nỗi cô đơn của phận người là một đóng góp quý báu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho cảm hứng âm nhạc Việt Nam một thời. Trong khi mãi dồn sức cho cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhiều người đã quen với những lời hô hùng tráng mà quên đi rằng con người là một gã lữ hành đi trong sa mạc. Nhưng một nền nghệ thuật đánh rơi mất nỗi cô đơn của phận người chưa phải là một nền nghệ thuật hoàn hảo” (tr.328). Hoàng Phủ còn chỉ ra trong ca từ của Trịnh có sự hòa quyện đến nhuần nhuyễn giữa chất thơ và chất triết học: “Chất thơ tỏa bóng dáng huy hoàng của chủ nghĩa lãng mạn trên ca từ Trịnh Công Sơn, chất triết học thì đem lại chiều sâu của tư tưởng hiện đại; cả hai quyện thành ý nghĩa của ca từ, giống như vị ngọt và vị đắng đồng thời của một tách cà phê” (tr.357).
Không chỉ dừng lại ở Trịnh Công Sơn, mà thông qua Trịnh, tác giả còn phác thảo chân dung của cả một thế hệ trí thức ở miền Nam. Trí thức, nghĩa là những người có trình độ nhận thức, trước hết là biết đau nỗi đau của đồng bào, đồng loại, những thân phận nhỏ bé trước bạo lực, bạo quyền, cũng chính là cái làm nên danh phận của mỗi người như Trịnh Công Sơn, Ngô Kha, Trần Quang Long, Lê Minh Trường, Đinh Cường, Bửu Ý…và bản thân tác giả. Hoảng Phủ còn chỉ ra cái căn nguyên từ việc tiếp thu chủ nghĩa hiện sinh dẫn đến hành động “trách nhiệm” và “phi lý”: “Không có gì đáng gọi là hợp lý cả, nhưng con người muốn sống xứng đáng thì phải “đoạt lấy trách nhiệm”. Điều này tỏ ra thích hợp hoàn toàn với Trịnh Công Sơn, và những bạn bè thân thiết của anh. “Phi lý” là cái lõi tư tưởng của nhân sinh quan của họ Trịnh cùng với các bạn của anh là Đinh Cường và Bửu Ý. Trong khi “trách nhiệm” là nguyên lý ứng xử của nhà thơ Ngô Kha và Hoàng Phủ Ngọc Tường” (tr.341). Con đường của người trí thức như các anh, đến với cách mạng vô sản, với liên minh công nông, dường như đã từng được nhà văn thời danh thuộc kỷ nguyên Xô-viết A.Tolstoi chỉ ra trong tiểu thuyết dài ba tập Con đường đau khổ (1919-1941). Ở đây, cũng cần phải nói ngay rằng, ở những bút ký viết sau ngày Trịnh mất, do phải đọc cho người khác chép, sức mạnh của cảm xúc có ít nhiều giảm sút, nhiều chi tiết bị trùng lặp…
3. Hoàng Phủ Ngọc Tường, đã chi chít những dấu chân. Ngay từ khi tập bút ký thứ hai Rất nhiều ánh lửa (1979) ra đời, đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường đã trở thành đề tài luận văn (nay gọi là khóa luận) tốt nghiệp đại học: Nghệ thuật viết ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường, do sinh viên Hoàng Nhật Tuyên (khóa 1, Đại học Tổng hợp Huế thời đó, nay là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, từng là Chủ tich Hội Văn nghệ Khánh Hòa) thực hiện. Mấy mươi năm qua, đã có không biết bao nhiêu khóa luận, luận văn cao học và cả luận án tiến sĩ nghiên cứu về anh, không biết có bao nhiêu công trình, bài viết của các nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình chuyên nghiệp đồng cảm với anh (và, tôi chợt nghĩ rằng, đã đến lúc cần phải có một sưu tập đầy đủ, cần có một cái nhìn về anh qua dư luận!). Vì vậy, trên con đường đã chi chít các dấu chân ấy, qua tinh tuyển lần này, tôi xin “đi bằng mắt”, xin ghé lướt nhìn qua bức thảm giọng điệu văn chương.
Giọng điệu khác với âm thanh giọng nói, cũng khác với ngôn ngữ là vỏ ngữ âm vật chất của ngôn từ. Giọng điệu là ngữ điệu tâm hồn, là khẩu khí, là cá tính, là phong cách sáng tạo của mỗi nhà văn. Giọng điệu văn chương của Hoàng Phủ là cốt cách tinh thần của người Huế, là hệ thống triết mỹ và bản mệnh của văn chương của đời anh: “Huế mãi mãi là một thành phố lạ lùng của đời tôi: mơ mộng, lười biếng như nàng công chúa sầu muộn, để chợt nhiên nổi giận, thách thức như một lời hịch tuyên chiến. Hình như trong mỗi người Huế-ham-chơi vẫn tiềm ẩn một “cái tôi thứ hai” sẵn sàng nhảy vào lửa” (tr.75). Xuất phát từ tính mâu thuẫn mà thống nhất giữa các trạng thái tâm hồn, cảm xúc và thái độ ứng xử ấy, lại được chắt lọc từ những gì tinh túy, tích cực nhất của các trào lưu triết học hiện sinh mang vóc dáng “thế hệ mong tìm”, đã hình thành nên cảm quan nghệ thuật và giọng điệu văn chương đặc sắc: “tôi chào sông để ra đi với niềm hy vọng xa tít tắp”, “cầm theo trong bàn tay bấy nhiêu sương khói tháng năm”, “mùi hương trốn tìm của hoa trái”, “giống như nụ cười nhếch mép của thời gian”, “vườn là cuốn tự truyện viết bằng cây cỏ”, “nỗi buồn có tính chất chung thẩm”, ….bản thân từng đơn vị như từ, cụm từ, câu dường như đã được nhà văn thổi hồn mình vào trong đó, trở thành sự sống, hằn nổi hình tượng, mang ý nghĩa nhân văn. Xâu chuỗi tất cả những sự kiện đông tây, kim cổ, những hình tượng đa màu, đa diện đó vào trong vóc dáng tâm hồn của một con người đa mang, đa đoan, bản thân nó làm nên một tiếng nói, một cách lập ngôn được xác lập ở đời: hình tượng tác giả sừng sững một nhân cách văn hóa nhân văn, cho dẫu cũng có khi anh khiêm tốn mà rằng: “Phần tôi, trong nhiều năm dài lang thang qua các cuộc rượu khắp nơi, tôi uống như một gã bất cần đời, nâng cốc chúc sức khỏe cho cả nàng Kiều và Sở Khanh, vua Nghiêu và Đạo Chích, cho cả Ga-li-lê lẫn Giáo hội. Kết quả là cơn dạ dày cấp tính kéo tới trừng phạt tôi, tôi phải nhịn khát nhiều ngày” (tr,260).
Hoàng Phủ Ngọc Tường không chỉ là người tài hoa về văn chương mà còn có kiến thức uyên bác về nhiều lĩnh vực triết học, văn học, văn hóa, lịch sử, địa lý, tôn giáo, sinh vật học…Những miêu tả về cây cối, hoa trái có thể sánh ngang bất kỳ một luận án tiến sĩ chuyên ngành nào. Tất nhiên, tôi không coi các học vị, học hàm là hơn nhà văn, nhưng tôi nhớ không nhầm là vào những năm đầu của thế kỷ XXI, khi nhà văn có nội công thâm hậu Kim Dung về nói chuyện một buổi sáng với sinh viên Đại học Bắc Kinh, ngày hôm sau Hội đồng khoa học nhà trường đã họp và cấp cho ông bằng Tiến sĩ danh dự, bởi kiến thức đồ sộ của ông về văn hóa, lịch sử, võ thuật, thậm chí về cây cỏ, về rượu, về tình yêu…Ở Việt Nam, chưa có trường nào làm được như vậy, vì họ còn đang lo cho việc “tích hợp” các môn học, đang cố xóa dần một số môn học để làm người (như môn lịch sử chẳng hạn), và tiến dần đến việc xóa các ngành đào tạo đó trong các trường đại học!
Trong mắt các nhà sáng tác bao giờ cũng coi công việc của người làm phê bình là thảnh thơi, ăn rồi chỉ biết đọc sách chứ có làm chi đâu. Ít ai hiểu nỗi nhọc nhằn phải đọc đi đọc lại nhiều lần. Với văn chương Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi đã đọc và đã từng có ba bài viết. Lần này, đọc tinh tuyển, cũng là đọc lại một cách hoàn toàn, tôi vẫn thấy hay và càng thấm sâu hơn sức nặng của trang văn. Đọc lại lần này, tôi mới hiểu một cách đầy đủ câu nói đơn giản mà thâm sâu của “đệ nhất võ lâm” thể ký Nguyễn Tuân, nói cách đây gần bốn mươi năm: “Ký Hoàng Phủ Ngọc Tường có “ rất nhiều ánh lửa”.
PHẠM PHÚ PHONG (nguồn: Tạp chí NV&TP)