Từ đời vào văn

1/5
9:03 AM 2016

Thưa nhà thơ, Việt Nam đã hết chiến tranh

Vào lúc 11 giờ 31 phút ngày 23 tháng 08 năm 2007, tôi nhận được thư của nhà thơ Mỹ, Kevin Bowen, thông báo: Grace Paley, Thi bá New York, "Bà mẹ của phong trào phản chiến" đã từ trần ở tuổi 84. Thi bá Gray Paley cùng tuổi với mẹ tôi. Mẹ tôi cũng mất vào tháng 11 năm 2007. Đó là năm tôi đã mất hai người phụ nữ vĩ đại : Mẹ tôi và Thi bá Grace Paley.

Tháng 4 năm 2007, hai cha con tôi và một số nhân sỹ Hà Đông đã đến thăm bà trong khu trang trại của vợ chồng bà cách thành phố Boston chừng 200 cây số. Ở tuổi 84, bà đã yếu đi rất nhiều. Nhưng bà vẫn nấu một nồi súp khoai tây rất ngon để đãi khách. Bà nói đó không phải là súp Mỹ mà là súp châu Âu mà mẹ bà đã dạy cho bà từ hơn 70 năm trước. Vì mẹ bà là một người Mỹ gốc Ucraina. Ông bà nội của bà đã di cư từ Ucraina đến Mỹ từ khi họ còn rất trẻ. Mỗi lần đến Mỹ, nhà thơ Kevin đều lái xe đưa tôi đến thăm bà. Có những buổi tôi chỉ ngồi im lặng trong sân nhà bà và nhìn mãi vào cánh rừng rộng ngút ngàn hoặc nghe bà kể những chuyện rời rạc về nơi vợ chồng bà đang ở.

Nhà thơ Grace Paley (tóc bạch kim) cùng các văn nghệ sĩ Việt Nam (ảnh: NQT)

Vào đầu tháng 4 là lúc cây cối bắt đầu nẩy lộc đâm chồi. Cả cánh rừng thông đường của vợ chồng tỏa hương thơm. Cứ vào đầu xuân, chồng bà, ông Bob, cũng là một nhà văn, khoan những lỗ nhỏ trên thân các cây thông. Từ những lỗ nhỏ đó, nhựa thông tràn ra và cứng lại màu hổ phách. Đây chính là đường của một loại thông đặc biệt, một loại đường tự nhiên nhưng vô cùng quí. Loại đường thông này thường đắt gấp mười đến mười lăm lần đường mía tinh chế. Người ta dùng đường thông uống trà và làm một số loại bánh.

Tháng 4 nhưng ở đó vẫn còn khá lạnh. Sương vẫn phủ mờ trong các vòm cây cho đến gần trưa mới tan. Bà kéo tôi sát bên bà và thì thào: “Đêm qua chúng đã về rồi đấy”. Tôi không hiểu câu nói của bà và hỏi lại: “Ai về cơ?”. Bà vẫn thì thào như đang thông báo một sự kiện quan trọng: “Lũ hươu. Đêm qua tôi nghe thấy tiếng chúng gọi nhau khi đi qua đây”. Rồi bà dẫn tôi ra khu vườn trước nhà và chỉ cho tôi dấu chân những con hươu từ dãy núi gần đó kéo nhau về khu rừng và những khu vườn quanh đó ăn lộc non. Lúc đó, trên gương mặt của một người già 84 tuổi tràn ngập cảm xúc và sự háo hức như của một cô bé lần đầu tiên phát hiện ra một điều kỳ lạ cho dù năm nào cứ vào mùa này là bây hươu lại trở về và chúng đi qua khu vườn nhà bà.

Trong những năm đầu người Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Giữa một ngã tư đường phố ở New York, một người đàn bà đứng một mình với một tấm biển phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam. Những người Mỹ lúc đó đi qua và nhổ nước bọt vào người bà. Họ cho bà là một kẻ điên và chống lại quyền lợi và sứ mệnh của nước Mỹ. Có ngày trở về nhà, quần áo bà thấm ướt và nồng hôi mùi nước bọt. Nhưng bà vẫn đứng đó và nói không ngưng nghỉ về đất nước Việt Nam mà bà tìm hiểu qua sách báo và về tội lỗi của cuộc chiến tranh này.

Bob, chồng bà kể cho tôi rằng: cứ sáng sáng, bà lại ăn mặc rất đẹp những không phải đi đọc thơ, không phải đến nơi làm việc mà đến một điểm công cộng nào đấy trong thành phố với tấm áp phích chống chiến tranh. Bà dựng tấm áp phích bên cạnh mình và nói. Nhưng ngày đầu có khi chẳng có ai nghe bà trừ một hai người vô gia cư. Nhưng bà cứ nói. Chồng bà có những lúc đứng kín đáo gần đó nhìn vợ và ông vô cùng lo lắng cho vợ. Nhưng ý chí, sự chân chính và tình yêu của bà đã cảm hóa con người. Cuối cùng, vây quanh bà là một biển người chống lại cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam.

Cho đến một ngày hàng ngàn người Mỹ tiến bộ đã đứng bên bà ở New York để phản đối cuộc chiến tranh. Và nước Mỹ đã gọi bà là Bà mẹ của phong trào phản chiến từ ngày ấy. Trong những năm tháng chiến tranh, bà đã đến Hà Nội. Bà là một trong những người đến Hà Nội để đưa những phi công tù binh Mỹ đầu tiên trở về Mỹ khi được phía Việt Nam trao trả.

Trong suốt chuyến bay từ Việt Nam về Mỹ, bà đã nói cho những phi công Mỹ được Việt Nam trao trả lần đầu tiên về sự sai lầm của chính phủ Mỹ trong cuộc chiến tranh và về văn hóa, con người và đất nước Việt Nam. Sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, vợ chồng bà rời New York trở về sống trong ngôi nhà gỗ đơn sơ do cha mẹ để lại bên cạnh một cánh rừng cách thành phố Boston chừng 200 ki-lô-mét.

Trong chuyến thăm bà lần thứ hai, tôi đã lái chiếc máy cày của vợ chồng bà và đã cày được gần hết thửa ruộng của bà. Khi gặp lại tôi lần này, bà dẫn tôi ra chiếc máy cày đã hỏng. Cả hai vợ chồng bà đã già và từ lâu không điều khiển chiếc máy cày nữa. Bây giờ, họ chỉ có thể trồng vài luống rau mùa hè. Chồng bà cũng là một nhà văn. Cả hai người đã dời bỏ thành phố từ khi còn rất trẻ để về vùng quê này sống và viết văn. Bà nói với tôi rằng bà chỉ ở thành phố khi chiến tranh còn để kêu gọi mọi người chống lại cuộc chiến tranh ấy.

Chiến tranh kết thúc, bà trở về sống với những cánh rừng, những ngọn núi và những cánh đồng và viết văn. Với bà, đời sống đô thị đôi lúc cũng tàn khốc như một cuộc chiến. Một năm, họ chỉ lên thành phố dăm lần để đọc thơ. Bà đã hai lần được phong Thi bá. Mỗi lần được phong Thi bá là kèm theo năm mươi ngìn đô la. Nhưng số tiền đó vợ chồng bà không tiêu. Họ ủng hộ cho một quỹ nhân đạo. Họ làm ruộng và viết văn. Họ sống thanh đạm như chưa bao giờ biết đến nền văn minh vật chất.

Năm 2003, trong một buổi đọc thơ ở một Thánh đường ở thành phố Boston dành cho ba nhà thơ, tôi vinh dự là một trong ba nhà thơ đó cùng đọc với bà. Sau buổi đọc thơ bà bảo tôi hãy ở lại Mỹ lâu hơn. Bà muốn tôi về sống với vợ chồng bà một thời gian trong ngôi nhà cạnh cánh rừng ấy để có thời gian yên tĩnh mà sáng tác. Và bà cười bảo tôi rằng Bob (tên gọi thân mật của chồng bà ) sẽ dạy thêm cho tôi cách cày ruộng bằng máy.

Nhưng tôi đã không có điều kiện ở thêm. Tôi quyết tâm sẽ trở lại và sống trong ngôi nhà ấy. Bây giờ bà không còn sống trong ngôi nhà ấy nữa. Một ngôi nhà đơn sơ như muôn vàn ngôi nhà cũ kỹ của những người nông dân nước Mỹ. Tôi đã mang giấc mơ sống trong ngôi nhà ấy để cùng vợ chồng bà cày ruộng và trồng ngũ cốc. Và để mỗi khi mùa xuân về lại được nghe tiếng bầy hươu gọi nhau khi chúng từ dãy núi trở về và sáng sớm ra vườn lại được nhìn thấy dấu chân chúng đi đan vào nhau trên đất lạnh nhưng lại có cảm giác ấm rực của sự sống. Nhưng tôi không thực hiện được giấc mơ ấy.

Bây giờ Grace Paley đã về với cõi vĩnh hằng. Nhưng đêm nay, tôi vẫn nghe thấy giọng nói của bà trong ngôi nhà đơn sơ và cũ kỹ bên một cánh rừng nước Mỹ và tôi vẫn cảm thấy mùi súp khoai tây Ucraina. Và tôi vẫn nuôi giấc mơ trở lại ngôi nhà ấy để được nghe thêm một lần nữa câu hỏi của bà, một câu hỏi mà tôi biết là của một người đã có những lúc đã lẫn: “ Việt Nam hết chiến tranh rồi phải không?”.

Trong lí trí thì đó là câu hỏi của một người già đã lẫn. Nhưng trong ký ức thì đó là câu hỏi của một tâm hồn khát vọng hoà bình và tự do cho mọi dân tộc mãi mãi vang lên như một bản thông cáo và như một lời nguyện cầu. Và lúc này, từ một nơi cách xa phần mộ của bà hàng ngàn cây số, tôi vẫn ghé sát bên bà và nói: “Thưa nhà thơ, Việt nam đã hết chiến tranh".

 

NGUYỄN QUANG THIỀU

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *