Từ đời vào văn

15/4
10:09 AM 2016

Một chút miền Trung- ký của LƯƠNG NGỌC AN

Ngày nhỏ, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, trong những giờ học môn Địa lý, không hiểu sao tôi cứ có liên tưởng về đất nước Việt Nam nhìn trên bản đồ với một người nông dân tần tảo cần mẫn cúi mình trên mảnh ruộng, lưng quay ra phía biển, nhẫn nại, dẻo dai trước mọi phong ba để che chở cho những cánh đồng đang ấp ủ trong lòng như ấp ủ những ước mơ của đời mình…

Về sau, trong những chuyến công tác dọc ngang chiều dài đất nước, xuôi ngược trên những con đường cheo leo miền cao Tây Bắc, Việt Bắc, hay lang thang miệt mài trên con đường Thiên lý năm xưa; có những chuyến đi tưởng chừng như vô định, lại có những chuyến đi đau đáu một nỗi niềm…, lần nào và ở đâu tôi cũng lại hình dung ra cái dáng hình tảo tần đang cúi mình bên bờ biển, và cảm giác thèm được chở che, iu ấp lần nào cũng khiến tôi cảm thấy mình như trở nên bé nhỏ trước vóc dáng của một người mẹ suốt đời tận tụy, bao dung.

Và nếu quả có một con người như thế thì mảnh đất miền Trung này chính là một “Tấm lưng trần đen sạm…” với “Những đốt sống Trường Sơn lởm chởm giăng màn…” (Miền Trung – Thơ Hoàng Trần Cương) đang vươn ra để gánh vác, để vén vun, đắp điếm cho cuộc đời với bao cực nhọc, nhưng lại cũng đầy độ lượng, bao dung… 

Ấy là cảm nhận của riêng tôi. Còn cũng nói về miền Trung, lại có người bảo cái mảnh đất cong cong kéo dài bên bờ biển Đông ấy giống như một chiếc đòn gánh vươn ra để gánh hai đầu đất nước, với những tiềm năng dồi dào ấp ủ... Nói vậy cũng đúng. Đúng cả về hình hài lẫn bản chất. Song nói gì thì nói, ví gì thì ví, dù là chiếc đòn gánh hay tấm lưng trần đen sạm thì cuối cùng cũng đều là những hình ảnh gợi nên sự nhẫn nại, tảo tần, côi cút giữa cuộc đời… Và cứ vậy ám ảnh đã bao năm…

Thế rồi vật đổi sao dời, thế gian biến cải. Vạn vật cũng lớn dần lên từng ngày theo năm tháng… Trong những năm qua kể từ sau ngày đất nước thống nhất, đặc biệt là sau hơn 30 năm Đổi mới, ở hai đầu chiếc đòn gánh ấy, bao nhiêu tiềm năng đã được đánh thức, bao nhiêu nỗ lực đã được khơi dậy, đất nước đã trở mình, vươn vai phương trưởng để làm nên một diện mạo, một tầm vóc Việt Nam vạm vỡ, bề thế và tự tin hôm nay... Chỉ còn chiếc đòn gánh muôn đời cặm cụi bỗng một ngày chợt nhận ra tự khi nào mình đã trở nên nặng nề trong hành trang cất cánh… Đấy là cách nói hình tượng của ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư & Phát triển Việt Nam – BIDV, trong cuộc Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc – Nam Trung Bộ”, vừa được 4 cơ quan, là Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch, Ban Kinh tế Trung ương, Tỉnh Nghệ An, và BIDV phối hợp tổ chức tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An vào ngày 20/2/2016 vừa qua. Ông bảo: “Phát triển gì thì phát triển, nhưng nếu chiếc đòn gánh mà không cất lên được thì cả đất nước cũng không thể gọi là cất cánh được…”. Trong thẳng thừng và có chút gì như là hơi gay gắt ấy, vẫn không khó để nhận ra chút chạnh lòng chua chát…

Nhưng công bằng mà nói thì trong suốt mấy chục năm qua, cả miền Trung nói chung và từng địa phương trong khu vực nói riêng, đều đã có những bước chuyển mình đáng kể về mọi mặt trong đời sống kinh tế, xã hội… Miền Trung, cái địa bàn bao gồm cả Bắc và Nan Trung bộ, gồm 13 tỉnh và 1 thành phố trực thuộc Trung ương, có tổng diện tích gần 96 triệu km2, chiếm hơn 28% diện tích cả nước; dân số (năm 2014) gần 20 triệu người, chiếm 21,5% dân số cả nước; vốn không chỉ chứa đựng trong mình nhiều giá trị và tiềm năng vô giá về thiên nhiên, con người, mà thêm vào đó, nơi đây còn là mảnh đất được ban tặng cho nhiều danh thắng hấp dẫn, kỳ thú và đầy quyến rũ. Mặc dù được phân chia thành hai vùng Bắc và Nam Trung Bộ theo những quy ước hành chính từ lâu, nhưng các địa phương trong vùng lại có nhiều điểm tương đồng mang tính lịch sử, cùng với những tập quán và giá trị văn hóa truyền thống, cũng như sự thống nhất về điều kiện tự nhiên và con người... Đặc biệt là một dải bờ biển dài với nhiều bãi biển, vũng, vịnh đẹp nhất Việt Nam, nhiều di tích, danh thắng có giá trị mang tầm quốc tế… Đây chính là những điều kiện rất thuận lợi để từng địa phương trong vùng, bên cạnh việc đẩy mạnh đầu tư khai thác các tiềm năng, thế mạnh của chính mình, còn mở ra cơ hội để thúc đẩy mối liên kết phát triển trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là phát triển du lịch...

Tiềm năng là vậy. Cơ hội cũng không phải là không có. Vậy mà sao bao năm qua miền Trung vẫn chưa “phất” lên được đúng với tầm vóc của những gì đang có, đặc biệt là ở những lĩnh vực vốn là thế mạnh “trời cho”, là thiên nhiên, là con người, là văn  hóa, là lịch sử?... Trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này cũng chính là một trong những mục đích của chương trình Hội thảo này. Chính vì thế mà người ta đã không ngại nói thẳng, nói thật nhiều vấn đề, trước mặt nhiều vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ cũng có mặt tại đây. Có thể nhận thấy tư duy cởi mở và thái độ cầu thị đã thực sự trở thành mối quan tâm sâu sắc của tất cả các thành phần, các đại biểu tham dự Hội thảo… Và cũng tại đây, một ý kiến tuy ít nhiều mang màu sắc hài hước, song lại có thể xem như là “chìa khóa” của vấn đề, đã đã được GS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, chỉ ra một cách thẳng thắn: “Thế mạnh của các tỉnh miền Trung thì rất nhiều, nhưng mạnh nhất, và không đâu có được, lại là… mạnh ai nấy làm… Trong du lịch mà mạnh ai nấy làm thì không thể tạo nên được đẳng cấp, không thể tạo nên sự chuyên nghiệp và đồng bộ được…”

Mạnh ai nấy làm! Nghe thì buồn cười. Nhưng cười rồi lại thấy đúng quá. Đúng mà đau. Đau thì phải sửa. Đương nhiên là thế. Vậy nhưng không phải chỉ đến lúc này, và tại diễn đàn này, vấn đề mới bắt đầu được đặt lên bàn trước mặt tất cả những người có trách nhiệm và tâm huyết. Có chăng thì đây là lần đầu tiên người ta đã nhìn vấn đề, nhìn địa bàn miền Trung trong một mối quan hệ tổng thể, thống nhất và hệ thống, chứ không phải đơn lẻ đến cô độc như trước đây. Và tất nhiên điều này cũng hoàn toàn có căn cứ của nó…

Nói đến du lịch thì điều kiện tự nhiên vốn là những giá trị nhìn thấy được, nó “đập ngay vào mắt” người ta, từ khách tham quan đến những nhà quản lý, thậm chí là cả những người làm quy hoạch chiến lược cho du lịch, nên cái sự “mạnh ai nấy làm” không phải là chuyện gì quá khó hiểu. Song nếu nhìn thấy tiềm năng của du lịch ở những góc độ khác, như góc độ của văn hóa, của lịch sử… thì lại là chuyện khác, và đó mới được gọi là “Tầm” của người làm quy hoạch. Cái tầm không phải chỉ ở “nhãn lực” mà là ở tâm thức, ở tư duy.

Dải đất miền Trung Việt Nam là nơi hội tụ của 3 nền văn hóa: Văn hóa Đông Sơn, văn hóa Sa Huỳnh và văn hóa Chăm Pa. Đây cũng chính là những giá trị, những tiềm năng cần biết cách khơi dậy, không phải chỉ là để khai thác, mà còn để trân trọng, nâng niu; mà cái gọi là “cách” ở đây không thể là gì khác ngoài việc phải được bắt đầu từ một tư duy kết nối, bằng thái độ nắm lấy tay nhau, chứ không phải là “mạnh ai nấy làm” như trước đây. Kết nối các khu vực và kết nối các giá trị… Và rồi ông Trần Bắc Hà lại tiếp tục đưa ra một ví dụ minh chứng về điều này: “… Nếu thế giới có Con đường rượu vang nổi tiếng ở Pháp, Con đường tự do ở Mỹ, và Con đường lãng mạn ở Đức… thì Việt Nam có Con đường di sản độc đáo, đặc sắc không chỉ ở trong nước mà còn trên thế giới, với nhiều danh thắng tầm cỡ quốc tế... Con đường đó trải dài suốt miền Trung với 5/8 di sản vật thể, cùng nhiều di sản văn hóa phi vật thể khác của thế giới trong cả nước đã được UNESCO công nhận… Có thể nói đây là con đường kết nối, hội tụ những tinh hoa văn hóa độc nhất vô nhị tại Việt Nam, không chỉ bao gồm những cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mà còn là con đường của những nét văn hóa giàu truyền thống dân tộc…”.

Tiềm năng là vậy, còn về chủ trương và cơ chế thì ngay từ Đại hội VII của Đảng cách đây 25 năm, ngành Du lịch đã được xác định là một ngành kinh tế mũi nhọn trong tương lai. Song từ định hướng về mặt chiến lược cho đến xác định mục tiêu để phấn đầu là cả một vấn đề về thời gian và giải pháp. Tuy nhiên cho đến Đại hội XII vừa rồi, chủ trương ưu tiên đầu tư phát triển du lịch như một thế mạnh cần được quan tâm một lần nữa được Đảng ta khẳng định lại…  Ông Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã phát biểu tại Hội thảo như vậy. Không những thế, ông còn cho biết rất có thể tới đây Bộ Chính trị sẽ có một nghị quyết hoặc một quyết định chi tiết nào đó về vấn đề này… Thông tin nói trên từ một vị lãnh đạo cao cấp của Đảng thực sự đã đem đến một tiếng thở phào nhẹ nhõm cho tất cả những ai còn phân vân…   

*

BIDV là một ngân hàng thương mại lâu đời nhất ở Việt Nam, cũng là một trong 30 ngân hàng lớn nhất trong tổng số trên dưới 600 ngân hàng được xếp hạng của các nước ASEAN hiện nay. Với gần 60 năm xây dựng, trưởng thành và phát triển, cho đến nay thương hiệu BIDV thực sự đã trở thành tài sản, thành một thứ “vốn xã hội” có giá trị của một ngân hàng TMCP, một định chế tài chính có quy mô hàng đầu cả nước trong thực thi chính sách tiền tệ, kinh doanh, và thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng… Với chủ trương phát triển ngành du lịch nói riêng, và phát triển kinh tế - xã hội nói chung ở khu vực miền Trung, BIDV có mối quan tâm đặc biệt. Điều này có lý do sâu xa của nó, mà bài viết này sẽ đề cập đến ở phần sau. Nhưng nhìn vào những chỉ số cụ thể, có thể thấy riêng trong giai đoạn 2011-2015, bên cạnh các hoạt động kinh doanh chính, BIDV đã hỗ trợ nhiều địa phương khu vực Bắc và Nam Trung Bộ để có những hoạt động thiết thực nhằn quảng bá, thúc đẩy ngành du lịch của mình; tổ chức thành công nhiều cuộc Hội thảo phát triển du lịch, như Phú Yên (tháng 11/2011), Khánh Hòa (tháng 06/2013), Bình Định (tháng 03/2015), Quảng Bình (tháng 08/2015)... qua đó đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế xã hội nói chung và du lịch nói riêng của từng địa phương trong vùng, cũng như đối với toàn khu vực. Và cuộc Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ” lần này cũng là chương trình do BIDV khởi xướng, đồng tổ chức và tài trợ…

*

Không phải cho đến hôm nay BIDV mới bắt đầu có mặt ở Nghệ An với những hoạt động sôi nổi như thế này. Ngược lại thời gian cách đây 8 năm về trước, cũng vào đầu tháng 2 năm 2009, tại đây đã diễn ra Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Nghệ An năm 2009. Đây là hội nghị xúc tiến đầu tư mang quy mô lớn, được Đảng uỷ Khối doanh nghiệp Trung ương, tỉnh Nghệ An, và BIDV đồng tổ chức. Trong khuôn khổ diễn đàn có tính chất “mở màn” này, BIDV tham gia với 3 vai trò, tư cách quan trọng: Là đơn vị đồng tổ chức, nhà đầu tư, và là ngân hàng thu xếp và cung cấp vốn, sản phẩm dịch vụ ngân hàng cho các dự án, doanh nghiệp trên địa bàn…

Sự vào cuộc của một ngân hàng thương mại tầm cỡ tại một địa phương đồng nghĩa với sự có mặt của khá nhiều các Tập đoàn, Tổng Công ty, doanh nghiệp lớn đã và đang là khách hàng, là đối tác của nó, cùng tham gia đầu tư vào địa bàn sau đó. Năm 2009, trước mắt, ngay sau khi kết thúc Hội nghị, đã có 31 thỏa thuận hợp tác được ký kết. Sự khởi đầu này có thể nói là một kết quả rất khả quan, tạo điều kiện để tỉnh Nghệ An phát triển và phát huy được tiềm năng, thế mạnh của mình... Từ đó đến nay, Hội nghị xúc tiến - Ngày hội đầu tư đã trở thành hội nghị thường niên, góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư vào Nghệ An để tạo ra một số vùng động lực kinh tế mới của tỉnh. Cho đến nay, sau bảy lần tổ chức, Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh Nghệ An đã thu hút 663 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 229.945 tỉ đồng. Trong đó 626 dự án đầu tư trong nước với 70.347,80 tỉ đồng, và 37 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với 157.597,40 tỉ đồng (khoảng 7.163 triệu USD). Nhiều dự án lớn, sử dụng công nghệ cao đã đi vào hoạt động có hiệu quả…

Chủ tịch BIDV, ông Trần Bắc Hà, người đã có những phát biểu khá mạnh mẽ về “chiếc đòn gánh miền Trung” tại cuộc hội thảo khoa học về liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ nói trên, cũng chính là người có sáng kiến tổ chức và duy trì Hội nghị xúc tiến thường niên ở Nghệ An suốt 8 năm qua. Theo ông thì hoạt động xúc tiến đầu tư vào một địa phương nếu làm tốt sẽ không chỉ góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội trong trước mắt, mà còn mang lại lợi ích to lớn, lâu dài. Đó là sự tin tưởng của các nhà đầu tư trước sự ổn định của nền tảng pháp lý, và sự năng động của môi trường đầu tư mà ở đó các doanh nghiệp và chính quyền địa phương không ngừng có sự gặp gỡ, đối thoại và hỗ trợ nhau để có được những tiếng nói chung, lợi ích chung…

Vậy nên Hội thảo khoa học “Liên kết phát triển du lịch vùng Bắc - Nam Trung Bộ” được tổ chức ngay trước ngày gặp mặt các nhà đầu tư xuân Bính Thân, ngày hội đầu tư lần thứ 8 của tỉnh Nghệ An, hẳn không phải là không có dụng ý. Không những tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử. Ngược lại thời gian, các địa phương khu vực Bắc – Nam Trung Bộ đã từng có mối quan hệ tình cảm gắn bó keo sơn từ nhiều năm nay. Theo báo cáo đề dẫn của người chủ trì Hội thảo, thì ngay từ năm 1960, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết nghĩa hậu phương và tiền tuyến, cũng như phong trào kết nghĩa Bắc – Nam; nhiều địa phương khu vực Bắc Trung Bộ đã kết nghĩa với các địa phương Nam Trung Bộ, như Thanh Hóa – Quảng Nam, Nghệ An – Quảng Ngãi, Hà Tĩnh – Bình Định… qua đó góp phần động viên dân và quân miền Bắc thi đua sản xuất và chiến đấu bảo vệ quê hương hậu phương lớn – miền Bắc, và chi viện cho tiền tuyến lớn – miền Nam theo tinh thần “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”… Sau ngày miền Nam giải phóng, tình cảm gắn bó và tri ân đó vẫn thường xuyên được duy trì và bồi đắp. Đến năm 2015, các địa phương trên đều đồng loạt tổ chức lễ kỷ niệm 55 năm kết nghĩa với nhiều hoạt động có ý nghĩa. Điều này cho thấy mối quan hệ và tình cảm giữa nhân dân các tỉnh miền Trung thực sự đã trở thành những giá trị truyền thống và ngày càng trở nên gắn bó, nghĩa tình. Chính điều này đã trở thành động lực góp phần tích cực cho sự phát triển Kinh tế - Xã hội của từng địa phương nói riêng và của toàn vùng nói chung… Bài học từ những thành công của chính sách đối thoại thẳng thắn giữa các bên trong hoạt động xúc tiến đầu tư của tỉnh Nghệ An những năm qua chắc chắn sẽ là cơ sở để mục tiêu liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương vốn có nhiều mối tương đồng và truyền thống đoàn kết trong khu vực đạt được kết quả như mong muốn…

Và dẫu ai cũng hiểu rằng đầu tư cho du lịch để phát triển xã hội cũng chính là nhằm tạo ra một môi trường kinh doanh tốt cho hoạt động tín dụng và đầu tư tài chính của ngân hàng. Song ở cuộc hội thảo này, đặc biệt là thông qua hàng loạt những hoạt động đi kèm với nó ngay trong dịp đầu xuân, có thể thấy ngoài mục đích nhằm tạo một cú huých tích cực cho công tác quy hoạch và chiến lược phát triển du lịch khu vực miền Trung, thì cuộc hội ngộ của khá nhiều quan chức cao cấp của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, cùng lãnh đạo các địa phương, với đội ngũ các nhà doanh nhiệp và nhà khoa học trong khu vực lần này còn có thể xem như một cuộc hội ngộ của tình cảm và trách nhiệm với văn hóa và lịch sử trên mảnh đất miền Trung da diết này…

*

… Muốn ăn bánh ít lá gai

Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi…

Câu ca dao ấy từ lâu đã trở nên quen thuộc với người dân Bình Định nói riêng và với cả dải đất Nam Trung Bộ nói chung. Quen thuộc không phải chỉ ở một thứ đặc sản rất đặc trưng của xứ dừa Bình Định, là bánh ít lá gai, mà còn ở tâm tư của người con gái muốn về làm dâu xứ "nẫu"… Ngày ấy, mảnh đất nằm vò võ dưới chân con đèo Cù Mông đầy rẫy những truông phá trên đường Thiên lý ấy, đúng là xa xôi, là “dài đường đi” thật. Dài đường đi để rồi “dài” cả tình người, để rồi cám cảnh như trong câu ca nọ… Thế nhưng đó là nói chuyện xa xưa chứ đến giờ thì đã khác. Mà cũng chẳng phải đợi đến giờ…  

Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong

Ông đồ Nghệ đeo khăn gói đỏ

Vượt Đèo Ngang kiếm nơi cần chữ

Cha Đàng Ngoài, mẹ ở Đàng Trong

Hai phía Đèo Ngang một mối tơ hồng.

… 

Bài thơ ấy kể về cuộc viễn du phương Nam của chàng thanh niên xứ Nghệ ở phía Bắc đèo Ngang từ hơn trăm năm trước, đến một ngày chợt dừng lại ở bên kia đèo Cù Mông, sánh duyên cùng cô thôn nữ đất Thang Mộc để cho ra đời một đứa trẻ tâm hồn thấm đẫm tiếng vi vút ngang tàng, phóng khoáng của những cơn gió từng thả sức tung hoành dưới chân thành Đồ Bàn, còn lòng thì nặng những ưu tư lầm lụi của sông Nghèn chảy dặt dìu qua đất Trảo Nha dưới chân Hồng Lĩnh… Những kết tinh ấy sau này đã trở thành tài sản tâm hồn, thành hành trang vào đời của một thi nhân nổi tiếng khắp hai đầu đất nước:

Quê cha Hà Tĩnh đất hẹp khô rang

Đói bao thuở, cơm chia phần từng bát 

Quê mẹ gió nồm thổi lên tươi mát

Bình Định lúa xanh ôm bóng tháp Chàm

Có thể nói Xuân Diệu không chỉ là sự kết hợp của một lương duyên thuần túy, mà ông còn là sự hòa trộn của hai dòng máu đầy cá tính, của hai miền đất đầy trầm tích văn hóa và những huyền thoại, và của cả những day dứt mong manh đầy nhân thế… Mùa Xuân này cũng vừa tròn trăm năm ngày sinh của nhà thơ. Trong đêm kỷ niệm sự kiện này tại quê nội, thị trấn Can Lộc – Hà Tĩnh, bên cạnh sự có mặt của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, đại diện các cơ quan đoàn thể, cùng đông đảo nhân dân trong họ ngoài làng của nhà thơ, còn có sự tham gia của đại diện chính quyền và nhân dân tỉnh Bình Định… Sự hòa chung của những giọng nói hai miền giống như trong câu thơ Rứa, mô, chừ? cha hỏi điều muốn biết/ Ngạc nhiên gì, mẹ thốt: úi chui cha!... mà Xuân Diệu tả khi xưa, đêm nay nghe sao mà vui, mà ấm áp, mà mở lòng đến vậy…

Con trong võng êm lành kêu kẽo kẹt 

Ru tuổi thơ theo hai điệu bổng trầm. 

Mẹ thảnh thót: qua nhớ thương em bậu; 

Cha hát dặm bài "Phụ tử tình thâm". 

Chương trình giao lưu ấm cúng mà ý nghĩa này cũng là sự tri ân của BIDV đối với quê hương đã sinh ra nhà thơ vốn là mối nhân duyên của hai vùng đất, xem ra có gì vừa trân trọng lại vừa gần gụi, giống như sự lại qua của hai phía thông gia…

*

Chuyến du Xuân về mảnh đất miền Trung lần này còn có Lễ khởi công tôn tạo đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp ở huyện Can Lộc, Hà Tĩnh. Chuyện về La Sơn phu tử thì có thể tóm lại một cách giản đơn thế này: Ông còn có danh hiệu Lạp Phong Cư Sỹ, sinh năm 1723 tại làng Nguyệt Ao, huyện La Sơn, trấn Nghệ An, nay thuộc huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ông được coi là một nhà giáo có công lớn đối với nền giáo dục nước nhà cuối thế kỷ thứ XVIII. Công lao lớn nhất của ông là chấn hưng, đề cao chữ Nôm, đưa chữ Nôm trở thành văn tự chính thức của nước Việt. Mặc dù là một “ẩn sĩ” nhưng uy danh của La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp vẫn lan tỏa khắp nước, khiến cho Nguyễn Huệ ngay khi vừa khởi nghiệp đã nhiều lần cất công chiêu mộ ông về với nhà Tây Sơn. Năm 1788, sau một lần gặp gỡ Nguyễn Thiếp đã nhận lời giúp Nguyễn Huệ xây dựng thành Phượng Hoàng trung đô, và đến năm Kỷ Dậu 1789, Sau đại thắng quân Thanh, Nguyễn Thiếp mới bắt đầu ra giúp nhà Tây Sơn làm Viện trưởng Viện Sùng chính. Năm 1802, khi triều Tây Sơn bị sụp đổ, Nguyễn Thiếp lui về lại trại Bùi Phong, ở lại trên núi Thiên Nhẫn, tự lấy làm vui, không bận lòng đến việc trần ai nữa...

Nguyễn Thiếp mất năm 1804. Đền thờ ông được nhân dân xây dựng tại xã Kim Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đến nay qua nhiều năm đã xuống cấp. Khi được hỏi vì lý do gì mà BIDV lại hỗ trợ cho chương trình này thì nhận được câu trả lời hết sức đơn giản: La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp chính là, người đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng đối với sự nghiệp của nhà Tây Sơn… À. Thì ra là vậy. Lại vẫn là sự tương ngộ của những ân tình, là sự tri ân của hai miền quê, hai vùng đất một võ một văn ở hai đầu miền Trung dằng dặc…

Thảo nào…

*

Trên con đường lang thang suốt dọc chiều dài đất nước, lắm lúc tưởng chừng như vô định, tôi đã bao lần qua lại dải đất đằng đẵng ân tình này này. Có những nơi không thể không dừng lại, bỏ giày để tận hưởng cái cảm giác mịn màng, êm ái đến như ve vuốt của cát dưới chân, lại có những phút giây nấn ná đến quên cả lòng trong những rừng phi lao cổ thụ rộng ngút ngàn, mơ hồ và cổ kính như huyền thoại ven bờ biển, hay lãng đãng bước chân xuống một con thuyền ra khơi câu cá Bò gù trong những ngày mưa Chín chiều não nề da diết... Miền Trung đã dần trở nên một điều gì rất khó phai nhạt trong cuộc sống mỗi ngày đang trôi qua của mình, từ vị cay của ớt đến hương nồng của men, từ giọng nói nằng nặng chân tình đến ánh mắt trầm ngâm lưu luyến, từ những câu chuyện ngang tàng, hóm hỉnh đến những lời ca ai oán dặt dìu… rồi nắng, rồi gió, rồi cả những cơn mưa dầm dề, dai dẳng não lòng... tất cả đều đã thành thân thiết, vấn vương đến vô cùng. Ứng xử của người miền Trung với nhau, và cả với mình bao giờ cũng thế, trọng ở cái tình, cái thẳng mà thường bỏ qua mọi khách khí, rườm rà. Nhưng phải đến lần này, được chứng kiến cái cách ứng xử bằng sự lịch duyệt, bằng tinh thần trách nhiệm, và cả bằng những tình nghĩa thẳm sâu trong mỗi con người, thì mới hiểu ra rằng còn nhiều thứ, nhiều nơi trên mảnh đất này đáng để đi, để nhìn, để ngẫm nghĩ và chiêm nghiệm lắm. Thế nhưng bây giờ thì mong muốn ấy không còn xa với như ngày xưa nữa. Từ dư âm của những gì vừa nghe, vừa thấy, từ câu chuyện mà người ta vừa kể trên những diễn đàn hôm qua, miền Trung như đang thức dậy đầy tha thiết, đầy bồn chồn và đầy náo nức từ những tiềm thức ngày nào…

 

 

LƯƠNG NGỌC AN

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *