Chân dung văn

19/8
5:02 PM 2016

ĐOÀN VĂN CỪ, NGƯỜI LƯU GIỮ HỒN QUÊ

VŨ QUẦN PHƯƠNG - Thuở ấy, giữa lúc chín rộ của phong trào Thơ mới, thi đàn tràn ngập thơ lãng mạn tình ái thị thành, Đoàn Văn Cừ chủ trương một lối thơ hiện thực và chuyên về đề tài nông thôn.

                                                               Chợ quê- ảnh minh họa (nguồn:Internet)

 Quanh đề tài này còn quần tụ Nguyễn Bính, Bàng Bá Lân, và sau một chút là Anh Thơ. Nông thôn trong thơ Nguyễn Bính là nông thôn của cõi mộng với những mối tình trai gái e lệ đẹp như mơ. Nông thôn của Đoàn Văn Cừ là nông thôn của đời thực với chuyện gặt hái lam làm, ma chay, cưới xin, chợ búa, rồi cháy nhà, bắt cướp, với những ông lái, ông đội, bác bán thuốc ê, cả những đàn trâu, đàn vịt... Bút pháp tả thực của Đoàn Văn Cừ kết hợp được cả quan sát lẫn tưởng tượng. Quan sát  tinh tế, sắc sảo, lại hóm hỉnh. Ông rất mạnh về cảm quan thị giác, rất thích màu sắc, ở bài Chợ tết đếm được hai mươi ba màu. Hoài Thanh, trong Thi nhân Việt Nam, ví thơ ông là nụ cười ngũ sắc có lẽ vì ông hóm và cái thị hiếu “cu-lơ” đó.

 

Thơ ông, dày đặc chi tiết, cụ thể, chính xác như phóng sự báo chí, nhưng đọc không thấy rậm vì những quan sát ấy đầy phát hiện Có những cảnh ai cũng thấy, cũng quen, nhưng dưới bút ông nó mới mẻ như lần đầu người ta được thấy. Ông tả phiên chợ tết có đủ cảnh đi chợ, họp chợ và vãn chợ. Cảnh nào cũng có những nét bất ngờ thú vị. Cho nên kể việc mà không khô khan, cảnh quen mà gây sửng sốt. Tả  chợ đang đông rất dễ rậm lời. Vậy mà chỉ với hai mươi ba câu thơ ông tả được không những cái đông đúc, ồn ào, nhốn nháo thượng vàng hạ cám, lại cho thấy rõ hình ảnh từng loại người, từng loại tâm lý tính cách, đến cả phong tục tập quán, lối sống của một thời.

Thơ Đoàn Văn Cừ có thể góp vào việc nghiên cứu nông thôn với tư cách là những tư liệu tin cậy. Những tư liệu được nhìn với con mắt thơ. Con mắt biết tìm ra cái ý vị của đời. Đây cụ lý, ông to nhất làng, đi chợ:

Áo cụ lý bị người chen sấn kéo

Chợ mà, nó có chừa ai, lên đến chức cụ lý rồi nó vẫn không tha. Nó chơi cụ bằng ba cái động từ rất chợ búa chen, sấn, kéo đến nỗi cái thứ nghiêm chỉnh nhất trên đầu cụ là cái khăn cũng không yên:

 Khăn trên đầu đang chít cũng tung ra.

Chỉ là tả thực mà đã có sức lôi cuốn, đã tạo được chất thơ, đấy là tài quan sát của Đoàn Văn Cừ. Cao hơn nữa, ông đưa tưởng tượng vào  trong quan sát:

Con trâu đứng vờ dim hai mắt ngủ,

Để  lắng nghe người khách nói bô bô

Trâu dim mắt, người bô bô nói là tả thật, là quan sát tinh. Nhưng nối được hai quan sát ấy vào với nhau lại là tưởng tượng của Đoàn văn Cừ: Trâu dim mắt vờ ngủ để lắng nghe người bộc lộ chân tướng. Thế là trâu thành bậc hiền triết ngẫm nghĩ về sự tham tiền của cái thằng người nông cạn, nói bô bô.

Tưởng tuợng trong thơ Đoàn Văn Cừ chính là phút thăng hoa của quan sát, từ quan sát mà thành. Đang tả thực những người mua người bán nét nọ tiếp nét kia, bút pháp nhẩn nha như người đi bộ đường trường bỗng nhiên ông cất cánh:                           

Bà cụ lão bán hàng bên miếu cổ

Nước thời gian gội tóc trắng phau phau

Vẫn là tả nhưng đã có cái nhìn ảo về một việc thực. Người đọc được tiếp nhận một triết lý về năm tháng đời người rất trực giác. Ai bây giờ đang chủ trương “khó hiểu” mới là thơ thì nên ngẫm nghĩ về câu thơ dễ hiểu và không dễ làm này của Đoàn Văn Cừ mà luận ra ưu thế bút pháp cho tư duy hiện đại.

Tôi đã đọc nhiều bài viết khen thơ ông. Lời khen nghiêng về các bài trước 1945. Tôi có ngẫm nghĩ về sự khác biệt này. Sao thơ ông phần Ngày xưa viết trước cách mạng lại nhiều bài hay mà phần sau, câu hay thì có mà bài hay lại không nhiều.          

Phải chăng phần trước ông viết như lưu giữ lại kỷ niệm. Phần sau ông viết để ca ngợi hiện tại và tương lai. Xưa nay trước những vẻ đẹp sắp không còn, lòng người thường lưu luyến, tình cảm thường lắng lại, sâu sắc. Lợi thế ấy  được ông phát huy bằng những quan sát tinh tế, hóm hỉnh làm bật lên những nét lạ, nét vui. Thơ ông khi ấy đóng vai một bảo tàng tâm hồn mà ông là người sưu tầm hiện vật tài năng, độc đáo. ở chặng sau, hiện tại và cả tương lai trong hình dung của ông lại chung nét đặc thù với văn báo chí, cổ động. Ông không phát huy được sở trường khám phá của thị giác, khứu giác, thính giác và cả linh giác như trước kia. Cảm quan hiện thực ở thơ ông, cả chi tiết lẫn hơi văn, ngỡ như quen gặp ở đâu rồi. Phải chăng do quá quyến luyến với bút pháp từ thuở ban đầu, đôi khi ông như nhập vào hồn xưa, níu lại cách cũ mà nhìn cảnh mới:

Năm nay xuân mới quê bà

Trời thôn cờ đỏ dệt hoa sao vàng

Đu ai bổng ngọn tre làng

Gió nô tíu tít áo nàng, áo anh

Đoàn Văn Cừ đã không tận dụng được lợi thế của những cách tân thơ trong nước và thế giới. Đặc biệt là cách cấu tứ mở rộng tầm khái quát, tạo tư tưởng cho thơ, như Chế Lan Viên, Huy Cận từng làm, hầu như không được ông vận dụng.

Ông lành quá, ông kiêng khem quá, cứ quanh quẩn “tương cà gia bản” mà nuôi thơ nên thơ mới gầy guộc, hay do ông nặng tai, yếu chân, nên nghe không thấu, đi không xa để thấy được đủ chuyện đời mà làm phong phú cho thơ. 

Ngay từ những bài thơ đầu Đoàn Văn Cừ đã bộc lộ cái tình sâu đậm của ông với thôn quê. Các bài Trăng hè, Đường về quê mẹ...đã cho thấy chính cái tình tạo nên hồn của cảnh.

Bên giếng dăm cô gái xứ quê

Từng đàn vui vẻ rủ nhau về,

Trên vai nạng trĩu đôi thùng nước,

Kĩu kịt đi vào lối cổng tre.

Cái tình tạo nên ma lực níu giữ lòng người ngay ở nhưng câu thơ miêu tả rất chân phương:

Tôi nhớ đi qua những rặng đề,

Những dòng sông trắng lượn quanh đê,

Cồn xanh bãi tía kề liên tiếp

Người xới cà ngô rộn bốn bề

Một điều lưu ý: tình cảm quê hương trong thơ Đoàn Văn Cừ có xu hướng vươn tới khoảng rộng truyền thống của tình tự dân tộc. Đề tài có thể khuôn trong tình cảm riêng tư  nhưng khi bài thơ phát triển thì tình cảm cá thể nhường chỗ cho tình cảm dân tộc. Bài thơ Đường về quê mẹ là một điển hình. Ban đầu hình ảnh người mẹ là kỷ niệm riêng của tác giả. Nhưng rồi người mẹ cụ thể ấy chuyến dần thành người mẹ khái quát, người phụ nữ Việt Nam truyền thống. Trong bốn câu thơ

Thúng cắp bên hông nón đội đầu

Khuyên vàng yếm thắm áo the nâu

Trông u chẳng khác thời con gái

Mắt sáng môi hồng má đỏ au

Chỉ hai câu trên là tả bà mẹ cụ thể của tác giả, hai câu dưới đã chuyển sang tả bà mẹ khái quát. Chứ con tả mẹ, ai lại mang giọng khen bằng vai phải lứa thế. Hai câu cuối bài thơ càng xác nhận tính khái quát ấy:

Dẫu phải theo chồng thân phận gái

Đường về quê mẹ vẫn không quên

Đó không còn là tình mẹ con nữa mà đúng hơn đã là lời bình luận của ông nhà thơ, nhà văn hóa biểu dương người phụ nữ Việt Nam truyền thống trong môi trường gia đình, họ hàng nội ngoại. Sự chuyển hướng trong tình cảm ấy nhiều khi tác giả không ngờ tới. Nó đã thuộc vào tạng cảm xúc.

Ai trò chuyện với ông Cừ cũng có ấn tượng ông hiền, chất phác, có phần ngây thơ nữa. Lần đầu tôi được diện kiến ông, tới nay đã hơn nửa thế kỷ. Hồi ấy ông làm biên tập ở nhà xuất bản Phổ thông, phố Tô Hiến Thành, Hà Nội.  Tôi là sinh viên ngành Y đang tập làm thơ, đến chơi với Tô Hà, Nguyễn Mỹ, cũng làm ở đấy, mà được gặp ông. Thơ ông dạo ấy chủ yếu ca ngợi nông thôn mới, Giếng xây, đường gạch, cây đa .Tường tô khẩu hiệu, chim ca rộn ràng. Ông hay trực tiếp biểu lộ cảm xúc bằng những câu trữ tình cảm thán Lòng ơi!  (kiểu như: Còn không lòng hẹn với lòng / Đánh Tây quyết giữ đến cùng thôn Vân). áp tết, cơ quan mổ lợn liên hoan, ngồi vào mâm, Nguyễn Mỹ nhìn đĩa lòng lợn, đọc với Tô Hà, trêu ông Cừ: Lòng ơi! lòng hẹn với lòng / Có gan có tiết mà không có dồi. Ông Cừ nghe đủ nhưng không nói gì. Bọn kia tưởng hay, cười ha hả. Hôm sau tôi đến, Tô Hà làm như kết tội Nguyễn Mỹ để có cớ đọc lại. Lại thích chí cười. Ông Cừ cũng ngồi đấy. Thấy tôi e dè, không cười theo hai tên kia, ông nhìn tôi vẻ đồng tình và lắc đầu: Bọn này nó không hiểu thơ trữ tình. Sợ tôi cũng không hiểu, ông giải thích: Thơ trữ tình chứ không phải thơ tình yêu đâu. Nó là “lia rích”. Bọn này...Ông Cừ lại lắc đầu nhìn hai ông trẻ kia đang cười, tỏ ý thất vọng. Còn tôi lúc ấy chỉ thấy mừng vì được gặp, được nghe ông Đoàn Văn Cừ. Chả là năm 12 tuổi (1952), khi học lớp nhất trường tiểu học, tôi đã được học thuộc lòng bài Đường về quê mẹ. Năm lớp đệ lục trung học lại được nghe giảng bài Chợ tết. Tôi thích cả hai bài thơ và cứ tưởng tượng về người viết ra nó. Hôm đó, với tôi, ông Cừ như người trong cổ tích bước ra. Nghe ông Cừ trò chuyện, tôi lại ngạc nhiên về sự thật thà đến ngây thơ của ông. Sau này nghe Tô Hà kể về cách ứng xử luôn luôn đôn hậu, kính cẩn của ông đối với bất cứ ai, thì tôi nhận ra tính nghiêm cẩn rất “kẻ sĩ” của ông đối với việc, với người và với chính bản thân ông. Ông tự hào với những gì mình đạt được nhưng ông cũng rất khiêm nhường. Cả tự hào lẫn khiêm nhường đều hồn nhiên, chân thật, rất cảm động. Các bạn trẻ đến thăm ông, bằng tuổi con rồi bằng tuổi cháu ông, ông coi họ như bạn và tự xưng là Cừ: Cừ mới viết bài này..., Cừ rất lúng túng về việc đó...Với thơ, ông cũng luôn thành kính, trân trọng, rụt rè như thuở ban đầu cầm bút. Đó là một ưu điểm, một sự trọng nghề nhưng cũng có phần gây trở ngại cho sự thể nghiệm, cho những đổi thay thi pháp.

Tạng cảm xúc Đoàn Văn Cừ rất mạnh tình cảm công dân. ở chặng sáng tác trước tình cảm ấy không nói ra thành văn mà bàng bạc trong cảm xúc. ở chặng sau ông biểu lộ rõ bằng câu chữ. Lập trường công dân, nhiệt tình công dân được xác định nhưng có lẽ vì thế mà sức mê hoặc của câu thơ lại vơi đi.       

Cái tình trong các bài thôn ca trước 1945 thường mang mang một hơi hướng đặc trưng thời cuộc. Không gian nông thôn nước ta hồi ấy, trong cảnh sắc, trong con người luôn luôn chất chứa nỗi gì như lo âu, như phiêu bạt, ly tán. Nhà thơ có cái nhìn hóm, hay tìm ra nét vui, nét ngộ của đời nhưng ẩn trong ngay nét ngộ nghĩnh, hóm hỉnh ấy người đọc vẫn nghe ra tiếng thở dài buồn thảm. Bốn câu thơ tả điệu bộ mấy ông kèn sáo đám ma, khôi hài mà thê thàm, vô cảm mà thật sự bi thương:

Bọn người cử nhạc lạnh lùng đi

Thỉnh thoảng dừng chân ngoái cổ nghe

Kẻ ghé nghiêng mồm đưa tiếng sáo

Người phồng má thổi giọng tò te

Khôi hài, vô cảm là ở nhân vật trong thơ. Nhưng thê thàm, bi thương là tình thế của cuộc đời,nó trùm lên tất cả.

Sau cách mạng nét buồn ấy không còn, thơ Đoàn Văn Cừ là tiếng reo vui. Có điều niềm reo vui này của Đoàn Văn Cừ hơi đơn giản. Ông reo nhưng người đọc chưa thấy vui để reo cùng. Hồi trẻ thơ ông hóm:

Mấy cô gái ôm nhau cười rũ rượi,

Cạnh anh chàng bán pháo dưới cây đa

Đúng là tâm lý các cô gái choai, muốn xác định sự có mặt của mình bên anh chàng bán pháo, chuyện chả đáng cười cũng rũ rĩ mà cười. Bút pháp hóm, hồn nhiên, hài hước nhưng không ác ý. Cái hóm khi ấy rất hàm súc trước chuyện đời. Sau này, không biết có phải do tuổi lớn hay do nếp sống của xã hội đổi thay, ưa đạo mạo nghiêm trang, thơ ông Cừ mất đi dáng đùa vui mà đâm ra long trọng. Ông long trọng thì lại không hợp. Cốt lõi của hồn ông là gần đời, là hồn nhiên, là kế thừa triết lý sống bình dân nghịch ngợm mà sâu sắc.

Vui, hóm là một đặc sắc của nòi thi sỹ Thành Nam, tính từ Tú Xương. Một bạn thơ ông đã phát hiện trong chữ Cười có trọn vẹn tiếng gọi tên ông: Cừ ơi! viết liền lại thì thành Cười. Để mất nét cười, nét vui, nét hóm là làm mất một khía cạnh trữ tình đặc sản ở nơi ông.

Từ khi nghỉ hưu, về sống lại với căn nhà xưa mà ông gọi là thảo lư sông Ngọc, ông nghiền ngẫm nhiều về thi pháp nhưng vẫn trong quỹ đạo xưa, nghi lễ cũ. Tấm lòng thành kính trân trọng với đời, với thơ của ông làm chúng ta xúc động.   

Vận hội Đổi mới có làm câu thơ ông tươi lên Lòng ơi sao lạ thế lòng Bỗng nhiên đi nhớ người không nhớ mình nhưng ông biết, chính ông tự biết:

Còn như một tập thi ca

Là ghi tích cũ nói ra thêm buồn

Từ ngày vắng bạn tâm hồn

Thơ ta cũng mất cả nguồn vui xưa.

Nhưng trên nỗi buồn ấy lại là niềm vui, niềm tự hào trước những gì ông để lại. Không nhiều nhưng đặc sắc. Bà Huyện Thanh Quan sống mãi với hậu thế chỉ bằng sáu bài thơ mà hai bài còn trong diện tồn nghi. Một nhà thơ đồng tuế, đồng thời với Đoàn Văn Cừ là Vũ Đình Liên, chúng ta vừa kỷ niệm trăm năm, vẫn đồng hành với hậu sinh chỉ  bằng một bài Ông Đồ. Đoàn Văn Cừ có cả  một tập, Còn như một tập thi ca. Hơn thế, những gì ông lưu giữ và trao lại cho chúng ta lại thuộc về những thứ gia bảo ngày càng quý hiếm. Nó là hoài niệm của nhiều thế hệ bạn đọc, càng xa càng nhớ. Thơ ông đã là bảo tàng tâm hồn của mọi người Việt nặng lòng hồi cố, nhớ quê, thương lại cội nguồn. Mạch bút Thôn ca góp phần làm giàu văn mạch thi ca dân tộc.     

Nguồn Báo Văn nghệ 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *