Giới thiệu 2 truyện ngắn của nhà văn trẻ Nguyễn Lam Thủy viết ở Hunggari
Thủ đô Hunggary (ảnh minh họa- Internet)
Piroska
Truyện ngắn của NGUYỄN LAM THỦY
Người Hung gọi chị ta là “thiếu phụ quàng khăn đỏ”. Nhưng chị ta chẳng bao giờ quàng khăn đỏ, bởi tên chị ta là Piroska. (Piroska tiếng Hung khi còn bé gọi một cách trìu mến có nghĩa là “cô bé quàng khăn đỏ”, khi lớn lên đi lấy chồng thì gọi “thiếu phụ quàng khăn đỏ”).
Piroska mới chuyển về ở cạnh nhà Zoli chưa được 3 năm.Khi Piroska chưa chuyển về, khu phố lúc nào cũng thật yên tĩnh. Khi chuyển về, chị ta mang theo một người đàn bà giúp việc tên là Maria và cả trăm con mèo, đủ các giống mèo, đủ các màu: đen có, trắng có, tam thể, vàng, mun... Kể cả nhà chủng loại sinh học cũng khó mà phân loại được. Không biết chị ta thu gom từ đâu, kể ra cũng tài. Ban đầu Zoli nghe tiếng mèo kêu giữa phố xá vào đêm vắng, cũng vui vui như mình đang được sống ở miền quê xa vắng. Nhưng nghe qua nhiều ngày, nhiều mùa đâm ra chán, lắm lúc lại bực mình, nhất là khi Zoli muốn tập trung suy nghĩ một việc gì đấy. Tiếng chim hót vào sáng sớm cứ thưa dần, những con chim rẽ đất chẳng dám sà xuống bãi cỏ sau vườn nhà Zoli để tìm kiếm thức ăn. Chỉ có đôi chim cu vẫn làm tổ trên ngọn thông cao, vẫn gù mỗi sớm, mỗi chiều. Nhưng bực nhất là gara để xe của Zoli không có cửa. Tối nào cũng như tối nào từng đàn mèo cứ leo lên nóc xe để vờn nhau. Những ngày nắng ráo thì cũng để lại những vết bẩn, chẳng sao. Những ngày mưa, xe bẩn như mới đi từ đầm lầy ra. Cửa kính trước sau và hai bên dính đầy đất bùn bởi đuôi mèo, lông mèo cứ quệt lên. Có những sáng vội đi làm Zoli lại phải chùi xe hàng chục phút. Zoli bực lắm, nhưng vì tôn trọng công việc và sở thích của người khác nên chẳng dám than phiền với ai.Nhưng phiền toái cứ lặp đi lặp lại nhiều lần Zoli đành nói với Maria.Bao nhiêu lần nói chẳng giải quyết được việc gì.Zoli đành gọi Piroska ra than vãn, chị ta cứ lờ đi như không nghe thấy gì. Có lần không kìm mình được Zoli phàn nàn với giọng cáu gắt, Piroska liền trợn mắt thét lên:
- Đó là những đứa con yêu quí của ta. Ta không nhốt chúng bao giờ. Nếu Ngài giỏi thì hãy dạy cho chúng nó giúp ta: Nơi nào là đất của ta, nơi nào là đất của Ngài. Nếu chúng biết được điều đó tôi sẽ trả công rất hậu cho Ngài. Mà kể ra Ngài là một người vô tâm không biết yêu động vật! Ta là chủ tịch hội nuôi mèo của xứ này, Ngài không biết à?
Nghe Piroska nói vậy, Zoli cắn răng đành chịu. Nếu đánh mèo, hay đặt bẫy thì sẽ phạm tội tra tấn súc vật, Zoli có thể bị truy tố và lãnh án tù ít nhất năm năm. Có lần Zoli đặt một hình nộm bằng người, không những đàn mèo chẳng sợ mà kéo nhau đến đông, ngày đêm cứ gầm gừ vờn quanh hình nộm. Lần đi du lịch Việt Nam không biết ai mách bảo Zoli tìm đến quán ăn tiểu hổ, mua một tấm da mèo đem phơi khô đưa về treo lên gara, từ đó không có con mèo nào bén mảng đến nữa. thế là Zoli trừ được một tai hoạ.
Ở lâu cả khu phố mới biết Piroska không có chồng và cũng chẳng có con. Kể cũng lạ, Piroska bảo cả đàn mèo là những đứa con yêu quý, nhưng chưa một ai thấy Piroska nâng niu bồng bế và cho mèo ăn hoặc uống, kể cả lúc những con mèo bị bệnh, việc gọi bác sỹ thú y cũng là Maria. Tất cả mọi việc trong nhà ngoài vườn đều do Maria làm cả. Piroska đối đãi với Maria như người chủ và kẻ nô lệ ở thể kỷ 18, chỉ cần Maria làm không đúng ý lại bị Piroska chửi mắng thậm tệ, chỉ sợ pháp luật nên không dám dùng gậy đánh mà thôi. Cổng ô tô ra vào có khóa điều khiển từ xa, nhưng Piroska không bao giờ mang theo, dù ngày hay đêm khuya về muộn, kể cả mùa đông tuyết rơi lạnh lẽo, mỗi lần nghe tiếng nhạc, Maria cũng phải mở và đóng cửa. Có lần Piroska về rất muộn, Maria để quên khóa ở đâu, không kịp mở, Piroska nổi giận lôi đình gào thét ầm lên cả khu phố, mọi người tưởng có chuyện xảy ra chạy đến thì thấy Piroska đang nôn thốc, nôn tháo ra cả xe và xuống vệ đường. Thức ăn, dịch nôn hằn sâu trên đống tuyết bốc lên hơi nước lờ mờ sặc nồng mùi rượu.Mọi người thấy vậy lặng lẽ tản ra xa. Hầu như tuần nào Piroska cũng ít nhất nôn ra phòng khách, phòng ngủ 2 lần do say xỉn. Mỗi lần nôn như thế Maria cũng phải lau chùi cả tiếng.
Thoạt đầu Zoli cứ nghĩ Piroska chắc sinh ra từ một dòng dõi quý tộc giàu có ở Hung, sau chiến tranh Thế giới thứ hai, cả nhà di cư qua Ý, Piroska được sinh ra và lớn lên ở đấy. Sau 1989, Hung thay đổi thể chế chính trị, cả nhà lại trở về Hung. Quần áo Piroska thường đặt may những hạng thời trang đắt tiền ở Milan(Ý) hay Paris(Pháp). Nhưng người đã quá xấu xí khi mặc quần áo đẹp và sang trọng lại càng thêm kệch cỡm diêm dúa. Piroska có một chiếc xe Mercedes mui trần màu đen bóng lộn loại đắt tiền thường đỗ trong gara dưới ngôi biệt thự sang trọng đầy tiện nghi. Cứ mỗi lần đi đâu về cách cả trăm mét, Zoli đã nghe tiếng nhạc ầm ĩ cả khu phố, toàn là nhạc vùng Nam Mỹ, nhạc Pop và nhạc Roch, càng đến gần nghe càng chói tai, nhức óc... đành phải đóng kín cửa nhà mình lại. Nhất là những ngày cuối tuần thường dẫn trai về.Toàn là những thằng đàn ông dở hơi, dở hồn, nửa người nửa ngợm - mà có lẽ là những thằng làm tiền (đĩ đực). Đèn thì bật sáng trưng, cửa mở toang, khi làm tình cứ rên gào lên như trên đời này chỉ chúng nó mà thôi! Sao mà trên đời này Piroska xấu xí, khốn nạn, dâm đãng... lại có những thằng đàn ông khốn nạn và ngu ngốc đến thế; mà chúng nó chẳng ngu ngốc đâu mà vì tiền! Nếu không vì tiền thì kể cả những thằng ngu, mù mắt, dâm dục nhất thế gian này cũng không thể nào làm được việc đấy. Bởi Piroska xấu đến mức, hơn nửa đời đi khắp thế gian Zoli chưa từng gặp ai xấu như thế!
Không biết Piroska người gốc dân tộc nào.Chưa đến tuổi bốn mươi, tóc đã hoa râm, lưa thưa, dựng cứng như lông nhím, dài không ra dài, mà ngắn cũng không ra ngắn, cũn cỡn nom đến buồn cười. Mi mắt trên và dưới đã lồi như mắt hà mã, nhưng mắt ti hí nằm chìm sâu xuống giữa hai mi mắt, màu nâu cũng chẳng phải màu nâu mà đen cũng không ra đen, lòng trắng đầy những tia máu. Khoảng nhìn hạn chế bởi hai mi mắt lồi cao, nên mỗi khi nhìn hai mi mắt cứ cố mở to ra. Lông mày thì rụng hết, những vết xăm màu đen chỗ lồi, chỗ lõm theo những khối mỡ ở trán, mũi khoằm, răng rụng hết, cả hai hàm đều răng giả, ban đêm phải tháo cả hai hàm, đôi môi bơm căng phồng suốt ngày trát một lớp sơn đỏ chót nom lại càng kinh, trông như là phù thủy. Còn thân người to quá cỡ khoảng 130 kg mà người thì không phải cao. Tuần nào cũng như tuần nào, xe thực phẩm chở đến không biết bao nhiêu thuốc lá Mỹ, bia Hà Lan, rượu Whisky của xứ Scotch, rượu vang đỏ, trắng của Pháp, loại fomát ngon hảo hạng của vùng thượng nguồn sông Rhone của Pháp, xúc xích, ba tê gan ngỗng hảo hạng đắt tiền nhất của Hung... Piroska cứ thế ăn, uống và hút thỏa thích không hề kiêng khem.
Có lần tình cờ cửa sổ nhà Zoli mở, nghe tiếng nhạc Rock cứ nổi lên xập xình inh ỏi. Ánh sáng cứ nhấp nháy mờ ảo đủ các màu đỏ tím xanh vàng... Zoli không thấy ai nhảy cả, nhìn xuống sàn thấy Piroska nằm ngửa, bụng, đầu, chân, tay cứ rung theo nhạc. Zoli cứ tưởng Piroska ngã không tự ngồi dậy được. Không, Piroska đang nhảy, do người to và nặng quá không thể nào nhảy được, mà cứ nằm ngửa rung theo nhạc và ánh đèn. Cả đàn mèo ngơ ngác quây xung quanh cứ kêu meo meo như muốn giúp chủ của chúng ngồi dậy mà không thể nào giúp được.Zoli kể cho mọi người nghe nhưng chẳng ai tin được điều đó. Kể cả mắt Zoli thấy mà cũng không thể tin vào mắt mình!
Piroska thường tìm đàn ông ở những quán bar sang trọng, hoặc khi nào muốn đi tìm người tử tế hơn để cùng đi du lịch xa thì nhờ qua văn phòng dịch vụ hoặc đăng báo tìm bạn đời. Cứ mỗi lần tìm được lại có tuần trăng mật, thường đi nghỉ những nơi đẹp và sang trọng nhất dọc dãy Alpo, nơi có những hồ nước rộng trong veo nằm giữa những rặng thông tuyệt đẹp bên cạnh những ngọn núi cao, tuyết trắng phủ dày suốt quanh năm. Mỗi lần đi chơi về các bạn trai lại cao chạy xa bay, không ai dám quay trở lại. Đi đâu cũng đi bằng chiếc xe của mình, chưa bao giờ Piroska đi du lịch đâu bằng máy bay hoặc tàu lửa. Có mùa hè Piroska không tìm được bạn trai nên tự lái xe đến Venice (Ý), rồi từ đó đi bằng tàu du lịch sang trọng cả tháng trời vòng quanh biển Địa Trung Hải, qua Sicillia (Ý), Marseille (Pháp), Barcelona (Tây Ban Nha), Tunisie, Alexandria (Ai cập)... Piroska có cuộc sống thật là vương giả.
Zoli nhớ một lần vào tối thứ bảy đã hơn chín giờ tối ánh nắng mùa hè vẫn chói chang, dòng sông Da-nuyp vẫn lững lờ chảy. Tàu du lịch vẫn lượn trên sông, đàn hải âu cứ bay lên sà xuống tìm thức ăn trên bọt sóng trắng ngầu phun ra sau những đuôi tàu. Gió từ phía tây thổi đến đưa làn không khí trong lành, mát rượi từ những cánh rừng bạt ngàn xanh ngát. Như mọi ngày Zoli đi bộ tập thể dục qua một quán bar, nằm trên bờ sông cách nha hơn ba km. Bỗng nhiên nghe tiếng người gọi, Zoli giật mình quay lại thì thấy Piroska ngồi một mình ở một bàn ngoài vỉa hè của quán bar, trên bàn có hai vỏ chai rượu Martin X.O va vỏ bao thuốc dẹt Eve màu trắng của Mỹ. Piroska mặt đỏ, mắt cứ lờ đà lờ đờ, môi lắp ba lắp bắp nói không ra tiếng; lại vừa nói vừa khóc:
- Chào ngài hàng xóm của tôi. Ngài làm ơn đưa giúp tôi về nhà được không?
Zoli đang lúng túng khó xử vô cùng, chưa kịp phản ứng thế nào thì mụ liền dí chùm chìa khóa xe vào tay Zoli - Sao hôm nay mình lại xui thế! Tối nay Piroska không kiếm được thằng đàn ông nào - Dẫu sao mụ ta cũng là hàng xóm, đành giúp đưa mụ ta về. Hơn nữa xe của Piroska là loại đắt tiền, mui trần không thể để đây qua đêm được. Zoli và hai người phục vụ quán bar vất vả lắm mới giúp đưa mụ ta ngồi vào trong xe, người to quá cỡ choán hết ghế xe. Xe nhìn ngoài thì sang trọng, trong xe thì bẩn, đồ đạc, giấy lau, giày dép... vứt lung tung, dù đã dùng nước hoa nhưng không át nổi mùi mồ hôi nách của Piroska, cộng thêm mùi rượu bia, mùi thuốc lá,... làm Zoli muốn phát oẹ, may mà kìm lại được. Về đến nhà chị ta, Zoli cho xe đỗ ngay cửa ra vào, cùng Maria dìu Piroska vào nhà.
Zoli đã chuyển về đây gần chục năm nay nhưng bây giờ mới biết trong nhà đẹp và sang trọng, trang trí theo trường phái cổ điển. Phòng khách có bộ sa lông loại cổ bằng nỉ màu đỏ sẫm rất đẹp và đắt tiền. Dưới sàn nhà có những tấm thảm rất to thêu những hoa văn thật tỉ mỉ và cầu kỳ. Trên tường treo những bức tranh của những danh họa nổi tiếng ở Hung và của Châu Âu thời Phục hưng. Những con vịt trời, chim trĩ, diều hâu, sóc... màu lông vẫn đẹp và sặc sỡ như chúng còn sống đứng trên nóc tủ. Những bóng đèn được giấu sau những tường hắt ánh sáng mờ ảo. Bên cạnh phòng khách là một phòng bar nhỏ, trong tủ có rất nhiều loại rượu đắt tiền như cognac, rượu vang đỏ, vang trắng của Pháp, Whisky Scotch, Vodka của Nga và Phần Lan...
Piroska mời Zoli ngồi xuống phòng khách và bảo Maria giúp việc bê lần lượt ra ba chiếc khay bằng bạc. Khay thứ nhất đủ các loại ly; ly có chân để uống sâm banh, rượu vang đỏ, ly lùn ngắn không có chân để uống Whisky, cognac... Khay thứ hai đủ các loại rượu. Khay thứ ba có đĩa chanh vàng đã thái những nhát mỏng, đĩa hạt dẻ đã bóc vỏ nướng mùi thơm bùi. Một đĩa nữa là fomát và một tập giấy ăn.Tất cả được bày lên mặt bàn chạm trổ rất cầu kỳ.Maria thận trọng và ý tứ rót rượu Whisky vào hai ly mời Piroska và Zoli. Piroska lịch sự nâng chạm ly với Zoli, chúc sức khỏe và buổi gặp nhau, nhưng giọng vẫn run run và sặc mùi rượu. Ngụm rượu đầu tiên, mùi thơm và men nồng làm Zoli choáng váng. Có lẽ như mỗi lần đưa đàn ông về Maria đều phải làm như thế, làm xong bổn phận của mình bà liền rời khỏi phòng khách. Maria vừa đi khỏi cửa, Piroska giống như con quỉ dâm dục, giật tung hết quần áo, đòi làm tình với Zoli. Từ trước tới nay Zoli chỉ nhìn thấy Piroska từ xa đã thấy xấu nhất trần gian này.Bây giờ lại càng thấy kinh hoàng vô cùng.Trước mặt cặp vú dài lủng lẳng như hai tổ ong rừng ở châu Phi, hai núm vú thâm xì như da trâu.Cả thân hình như một bị thịt đựng trong một bao bố đã sờn rách, chỗ phình ra, chỗ lõm vào.Cái bụng to quá cỡ xệ xuống đến nửa đùi che hoàn toàn phần dưới.Da đầy những vết nứt nhăn nheo. Lúc đó Zoli cảm thấy mình đã ăn uống thịnh soạn quá no say, bây giờ người ta lại bắt Zoli uống một bát mỡ đầy vừa đặc, vừa loãng - đến ông cụ bảy mươi đời sống lại giúp Zoli cũng không thể nào làm được! Không còn đường lựa chọn, Zoli đẩy Piroska sang một bên, đóng sầm cửa rồi chạy ra khỏi nhà. Đó là một buổi tối dở hơi, nhưng cũng là điều may đối với Zoli là sống trên thế gian đã gặp và biết rõ hơn thêm một hạng người.
Thật kỳ lạ, trên con người của Piroska có được, kể cả hình thức hay đạo đức cái gì cũng đạt đến đỉnh điểm của cái xấu. Lúc đầu chưa hiểu biết về Piroska, Zoli cứ suy nghĩ miên man theo hiểu biết của mình. Ừ, nếu theo thuyết duy tâm: Con người khi chết linh hồn sẽ bay về Trời rồi sẽ đầu thai vào kiếp sau, và cứ thế linh hồn không bao giờ mất. Không lẽ nào Piroska lại có nhiều linh hồn xấu nhập vào đến thế! Nếu theo học thuyết sinh học hiện đại lại càng khó giải thích hơn: Sao trên một con người lại có tần xuất tập trung nhiều “gen trội xấu” đến thế! Cả hai học thuyết này Zoli không thể lý giải được những cái gì có ở con người Piroska. Sao mà tạo hóa lại tàn nhẫn với Piroska đến thế! Nhưng đâu phải tạo hóa, cái chính tại ở Piroska và cái thời thế khốn nạn, cái thập kỷ cuối cùng của thế kỷ hai mươi!
Piroska sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức nghèo ở tỉnh lẻ, bố mất sớm vì căn bệnh ung thư, mẹ dạy cấp II ở trường làng. Mẹ rất mực thương yêu và chăm sócPiroska, Piroska ngoan ngoãn, hiền lành, học giỏi và khá xinh đẹp. Quê của Piroska ở Erdély* - đó là một miền quê đẹp nhất của nước Hung, một vùng lãnh thổ rộng lớn có rừng rậm, núi cao nhiều khoáng sản và đất đai phì nhiêu màu mỡ giàu có, nơi con sông Tisza êm đềm thơ mộng chảy qua. Sau chiến tranh Thế giới thứ I, Đế quốc Áo - Hung thua trận, phần đất đó được chia cho Rumani - đó là mot nỗi đau và mất mát lớn nhất của lịch sử dân tộc Hung. Piroska cũng như bao người dân Hung sống ở Erdély khác luôn hướng về đất mẹ thân yêu. Sau năm 1989 sự sụp đổ cua chế độc tài gia đình trị Ceausescu, biên giới Hung mở cửa đón hàng vạn ngươi Hung di tản, trong đó có Piroska và Pêter - người yêu của Piroska. Đến Hung hai năm, sinh sống bằng đủ mọi nghề.Mùa đông đi quét tuyết, mùa hè đi hái trái cây ở các nông trang, làm vệ sinh đường phố đến đi buôn ở các chợ trời, nhưng cuộc sống vẫn đầy thiếu thốn, vất vả. Piroska cùng Pêter đành phải di tản sang Ý kiếm sống. Nhờ biết tiếng Rumani (tiếng Rumani giống tiếng Ý) và tấm bằng phổ thông trung học nên cả hai đều tìm được việc làm. Piroska làm bồi bàn ở một quán bia ở một thành phố nhỏ nằm bên hồ Garda** - là một những hồ tự nhiên đẹp nhất của thế giới nằm miền Bắc nước Ý, nước trong veo. Một nửa phía Bắc của hồ nằm trong dãy Alpho hùng vĩ, có những đỉnh núi cao quanh năm đầy tuyết trắng. Một nửa phía Nam là vùng đồi thoai thoải và đồng bằng màu mỡ, phì nhiêu, những trang trại trồng chanh, hồng, nho và ô liu như những dải lụa màu xanh quấn lấy mặt hồ.Đây là nơi du lịch nổi tiếng nên khách rất nhiều.Piroska không được tiền lương từ chủ tiệm, mà chỉ được nhận tiền khách cho mà thôi. Nhưng thu nhập cũng rất khá so với ở Hung. Pêter điều khiển máy nâng bốc hàng ở một siêu thị của thành phố Verona. Xong việc, cứ đêm đêm Pêter đi đón Piroska bằng chiếc xe Vespa cũ. Chưa được sung túc, nhưng họ sống thật hạnh phúc. Khi mùa xuân đến, cuối tuần Pêter đưa Piroska lên phía bắc, nơi có những ngọn núi thấp tuyết tan nhanh dưới ánh nắng mặt trời tạo ra hàng ngàn con suối nhỏ chảy róc rách bên những bãi cỏ xanh rờn và những khóm hoa rừng đủ các màu sắc sặc sỡ. Những ngày nghỉ dài họ lại đưa nhau đi xuống Napoli, Sicillia... để tận hưởng ánh nắng chói chang của miền nam nước Ý, thoả thích ăn cá tôm mà ở xứ Erdély không có.
Piroska quên sao cái đêm khuya định mệnh ấy, tuyết rơi rất dày, đường trơn cheo leo ngang sườn núi, để tránh xe camion đi ngược chiều, xe lao xuống vực. Một tháng sau Piroska tỉnh dậy mới biết mình đang nằm trong phòng cấp cứu của bệnh viện thành phố Verona và người yêu Pêter đã mất. Sau khi ra viện, nỗi đau khổ, mất mát lớn nhất cuộc đời, Piroska không thể vượt qua, đành trở về Hung, lại được tin mẹ mất, cuộc sống tinh thần và vật chất không còn ai chở che, đau khổ, buồn chán, tuyệt vọng... Piroska mắc bệnh trầm cảm và hận đời, rồi sinh ra chứng nghiện rượu và thuốc lá để những cơn say triền miên quên đi nỗi đau đớn, phiền muộn của cuộc đời. Rồi cơ may mắn gặp một người bạn thời trẻ học cấp I làm chức khá to ở ngành Đường sắt của Hung. Lúc đó, ngay toà nhà của nhà ga do chính kỹ sư Eiffel người Pháp xây ở cuối thế kỷ 19, có khu gian nhà rất rộng năm trăm mét vuông, rất đẹp và sang trọng, trước đây là nhà Bank Erste của Áo thuê, nay họ không thuê nữa. Người bạn giúp Piroska thuê khu nhà đó và cho vay tiền. Piroska nhờ kỹ sư thiết kế xây thành 20 cửa hàng - chỗ này làm cửa hàng bán lẻ thì thật tuyệt vời, có thể nói chỗ bán lẻ đẹp nhất của cả nước Hung. Nơi đây hàng ngày lưu lượng người qua lại phải tới vài trăm ngàn người vì đây là trung tâm đầu mối giao thông quan trọng nhất Budapest. Chỉ có những người làm ăn khá giả biết buôn bán sành sỏi mới thuê nổi những cửa hàng ở đây. Piroska thuê của nhà ga giá một, cho người ta thuê lại phải gấp năm lần.Hàng tháng Piroska kiếm được ít nhất 15.000 USD. Khi có tiền chứng nghiện rượu và thuốc ngày càng thêm nặng, lại học làm sang cùng với lối ăn chơi trác tráng và trụy lạc, lòng tham vô đáy lại nổi lên, khi nào cũng muốn kiếm thêm tiền của những người thuê. Lấy cớ tiêu chuẩn châu Âu, lúc thì sửa hệ thống điện chiếu sáng, phòng cháy, lúc thì thay lò sưởi, sửa đường khí lưu thông,... cứ mỗi lần sửa Piroska kiếm cả chục ngàn USD. Tệ hại nhất đến dịp Noel - đây là vụ làm ăn quan trọng nhất trong cả năm của những người buôn bán. Thế mà năm nào cũng vậy, trước Noel là Piroska cứ ra kiếm chuyện để vòi tiền. Cứ một biển quảng cáo đặt ra ngoài lối đi, Piroska bắt người thuê phải trả cả trăm USD, nếu không trả bắt dẹp vào trong. Việc nào mà Piroska chưa thu được tiền thì lại thuê công an hay những người nhân viên bảo vệ đường sắt quấy rầy và hoạnh họe, kiểu gì người thuê cũng phải trả tiền thêm cho Piroska; chưa kể đến hàng năm cứ tăng tiền thuê lên 10 - 15% lấy lý do đồng tiền mất giá. Nhưng trên thực tế đồng tiền Forint của Hung hàng năm chỉ mất giá 4 - 5% mà thôi.Mấy năm nay kinh tế thế giới khủng hoảng, ảnh hưởng trầm trọng đến nền kinh tế của Hung, buôn bán càng trở nên ế ẩm. Piroska lúc nào cũng triền miên trong trạng thái no say, sách báo chẳng bao giờ đọc, ti vi, internet không xem... Những người thuê than phiền buôn bán ngày càng khó khăn, thậm chí không bằng một nửa như trước đây nhưng Piroska vẫn không chịu biết điều đó, tham thì thâm, thấy đào được cứ đào mãi.
Hơn cả tuần, Zoli không thấy Piroska và Maria ló ra khỏi nhà.Những đêm khuya tiếng xập xình nhạc không còn nổi lên.Xe chở thực phẩm cũng không còn đỗ trước nhà Piroska nữa. Cả đàn mèo cứ nháo nhác đêm ngày, gào inh ỏi, chạy tán loạn khắp cả khu phố đào bới thùng rác, cào bới lung tung... Té ra Piroska bị bắt, Maria cũng phải về quê.Đã 10 năm nay tiền thuê cửa hàng Piroska không hề trả cho ngành đường sắt Hung một xu nào.Dù họ đã thông báo cả hai năm rồi, nhưng Piroska vẫn không trả.Cả dãy hai mươi cửa hàng phải đóng lại.Những người thuê cửa hàng ai cũng điên lên muốn xé xác Piroska bởi vì tháng nào họ cũng trả đầy đủ. Piroska bị bắt tạm giam vi tội chiếm đoạt tài sản và lừa đảo, toàn bộ tài sản, xe ô tô, nhà cửa bị niêm phong - lúc này mọi người mới biết cả nhà biệt thự và xe của Piroska đều mua trả góp đã hơn năm nay cũng không trả cho ngân hàng. Tất cả tiền cho thuê cửa hàng Piroska chi vào ăn chơi trác táng, sa đọa... cho cuộc sống điên loạn. Sao ở trên đời này có con người ngu ngốc đến thế, chỗ kiếm tiền dễ và nhiều như thế mà không biết giữ! Mà cũng chẳng phải ngu ngốc. Có lẽ Piroska muốn sớm kết liễu cuộc đời mình, để được sớm sang thế giới bên kia về với bố mẹ và Pêter.
-------------------------
* Erdély tiếng Latin: Transsylvania, có diện tích 57 ngàn km vuông, dân số 4,2 triệu người, hiện nay nằm ở tây bắc của Rumani.
** Hồ Garda ở miền bắc Ý, có chiều dài hơn 51,6 km, chỗ rộng nhất 17,2 km, chỗ sâu nhất 346 m.
Ngày cuối cùng ở Budapest
Truyện ngắn của NGUYỄN LAM THỦY
Ra viện, bạn chở Long về nhà.Nhẹ nhàng đặt túi lên chiếc giường thân yêu sau hai tháng vắng Long.Long lặng người thắp nén nhang lên chiếc bàn nhỏ có ảnh Bố.Những nén nhang vẫn cháy chưa tàn, nước mắt Long lại tuôn trào. Bạn Long thấy vậy đành rủ Long đi thăm Budapest lần cuối cùng.
Qua quảng trường Những người Anh hùng, Nhà Quốc hội, Thành Những người đánh cá, đảo Margit, núi Gellért… nơi nào cũng sạch đẹp, tráng lệ, đủ các màu hoa rực rỡ. Khách du lịch nườm nượp đi lại.
Có lẽ Budapest là thành phố đẹp nhất của xứ Đông Âu.Người ta vẫn ví nó là Paris thứ hai.Giữa lòng thành phố có sông Đanuyt trong xanh chảy từ Bắc xuống Nam chia thành phố làm hai phần.Bên tả ngạn là thành phố Pest bằng phẳng với bao nhiêu nhà kiểu cổ, đa dạng về hình thức và kiến trúc. Bên hữu ngạn là thành phố Buda, núi đồi nối tiếp nhau, thấp thoáng bao nhiêu biệt thự sang trọng đầy tiện nghi.
Nhà thờ Matyás cao vút nằm cạnh khách sạn Hilton cùng với Thành Những người đánh cá sừng sững in bóng xuống dòng sông Đanuyt chứng kiến bao nhiêu thăng trầm của lịch sử Hung. Buda và Pest được nối liền bởi 9 chiếc cầu, cầu nào cũng đẹp và có kiến trúc độc đáo riêng biệt. Dưới lòng sông không biết bao nhiêu tàu du lịch, nhiều tàu dài cả trăm mét đầy đủ tiện nghi cho du khách đi hàng tháng dọc con sông mấy ngàn cây số...
Đã 7 năm sang Hung, lần đầu tiên Long mới cảm nhận cái đẹp tuyệt vời của Budapest, nhưng anh sắp phải xa rồi và mãi mãi không bao giờ trở lại.
Sau cùng, Long nhờ bạn đưa đến bờ sông Đanuyt phía dưới hạ nguồn ở Budapest. Năm nay mùa thu đến sớm, chưa đến độ giữa thu mà hai bên bờ sông cây cối đã chuyển sang màu vàng, thỉnh thoảng có những cây táo dại cho một màu đỏ rực. Chỉ những hàng bạch dương cao vút vẫn một màu xanh thẳm xào xạc với gió chiều hắt bóng xuống dòng sông lấp lánh dưới ánh nắng chiều thu rực rỡ. Thỉnh thoảng, những chiếc lá vàng rơi theo sông trôi về với biển Đen. Dòng sông lúc nào cũng lặng lẽ, êm đềm, nước trong xanh, những đàn hải âu cứ bay lên lượn xuống, đàn vịt trời chằm bẫm tìm thức ăn, trên trời cao những đàn quạ đen nháo nhác từ phương bắc đi tránh rét. Những chiếc xà lan chở đầy quặng mang cờ Đức hay Thụy Sĩ chậm chạp ngược dòng lên phía Bắc.
Long nhớ đến tuổi thơ, những chiều chăn trâu, thả diều trên bãi bồi sông Hồng, những nương dâu mượt mà xanh ngát, bãi ngô xanh, trổ cờ, phấn hoa cứ bay nhè nhẹ. Nước sông Hồng cuộn đỏ phù sa… Nhìn dòng sông nước mắt Long lại tuôn trào, những tiếng nấc nghẹn trào qua cổ họng. Cái chết đang chờ Long từng ngày! Cái triết lý sống chết là một chuỗi liên hoàn theo một vòng khép kín, giống như mùa thu lá phải rơi để mùa xuân nẩy lộc đâm chồi. Ai cũng sinh ra từ cát bụi rồi lại trở về với cát bụi. Vẫn biết thế, nhưng cõi lòng Long tan nát khi nghĩ và nhớ thương mẹ.
Lớn lên Long không biết mặt bố.Hàng xóm vẫn bảo Long giống bố. Long cứ mường tượng bố theo bức ảnh mặc quân ngũ đặt trên bàn thờ. Khi chưa tròn một tuổi mẹ ẵm Long tiễn bố ở chân đê đầu làng.chưahết chiến tranh biên giới Tây Nam lại chiến tranh biên giới phía Bắc, bố mãi mãi ra đi chẳng bao giờ trở lại!
Mẹ Long cả một đời khốn khó, vất vả gian nan. Ông bà ngoại mất sớm, mấy chị em côi cút nuôi nhau.Đến tuổi đi lấy chồng, chồng cứ biền biệt đi xa và mất khi Long chưa đầy 3 tuổi.Mẹ vẫn còn trẻ nhưng ở vậy, chẳng đi bước nữa để nuôi Long khôn lớn. Năm nào cũng vậy, trước ngày giỗ bố, mẹ hái những nhàng hoa huệ trắng và cam quýt trong vườn, hai mẹ con đi tàu đêm lên Lào Cai, tiếng sình sịch, tiếng còi tàu xé tai cứ vang mãi trong đầu. Đến nghĩa trang còn sớm lắm, sương chưa tan, mẹ lặng lẽ chia những nhàng huệ trắng, trái cây cho chồng và đồng đội của chồng, khấn vái xin các anh phù hộ cho hai mẹ con mạnh khỏe, an lành, học giỏi!
Long học khá, nhưng nhà nghèo quá, cái xe đạp mẹ cũng không mua nổi, trường cấp III ở phố huyện xa lắm. Long thương mẹ, ráng học mỗi ngày đi bộ hàng chục cây số. Những ngày giáp tết Long nghỉ học, thức dậy 1 giờ sáng cùng mẹ và bà con xóm giềng lội bì bõm nước sông Hồng lạnh giá dưới mưa phùn gió bấc đưa gạo, từng củ su hào...lên thuyền ngược sông lên Hà Nội, bán ở gầm cầu Long Biên, công an thuế vụ lại đuổi bắt… Bán được hàng mẹ mua cho Long quần áo mới, sách vở… mừng lắm!
Tốt nghiệp cấp III không thi đại học, Long thương mẹ chăm chỉ làm ruộng vườn, đóng gạch sửa lại căn nhà rách nát. Có đợt xuất khẩu lao động đi Iraq, mẹ chạy chọt vay mượn 50 triệu đồng, qua bao nhiêu cửa xin cho Long đi được, mừng vô cùng. Sang đến nơi chưa đầy một tháng, đang bập bẹ học tiếng thì Mỹ đánh Iraq, lật đổ chế độ Saddam Hussein. Cả đội đi bộ hàng tuần trên sa mạc cát, ban ngày nóng 40-50 độ, ban đêm lại xuống âm độ, vừa đói vừa khát đến Kuwait chờ Liên Hiệp Quốc mua cho vé về nước.
Vê đến nhà, Long lại buồn chán lang thang không có tiền, không có công ăn việc làm mà nợ thì vẫn còn nguyên. Như cái trò đánh bạc, càng thua, càng cú.Nghe có dịch vụ đi Hung, Long lại nhờ mẹ vay tiền.Một lần nữa mẹ lại cố chạy vạy, vay 100 triệu đồng lãi suất 3% tháng.May mà chuyến đi trót lọt. Sang Budapest một tháng là hết hạn visa vì tiền ít Long không xin được visa lao động, nên không xin được giấy cư trú, Long đi bán hàng hiệu giả như Adidas, Nike… ở chợ trời Bốn Con Hổ, Budapest. Cứ mỗi lần thuế vụ, hải quan, công an đến là hồn lên tận trời xanh, vì chẳng có giấy cư trú và giấy phép bán hàng.
Có lần họ “đi càn”, không kịp chạy đành chui vào tủ bán hàng, nhờ bạn khóa tủ lại. Ngồi trong tủ như ngồi trên chảo lửa, người run bần bật, mồ hôi ướt đầm đìa, hồi hộp nghe tiếng chân bước thình thịch, rồi đến tiếng máy cưa điện réo lên như xé tai. Khóa tủ bị cưa, toàn bộ hàng hóa hải quan tịch thu còn Long bị bắt, lại phải ngồi cả tuần trong nhà giam công an quận. Long thấy cuộc đời quá vô lý.Người dân nghèo không đủ tiền mua hàng hiệu thật, họ chấp nhận mua hàng nhái mác, họ hoàn toàn biết, họ đâu bị lừa. Thế mà nhà chức trách lại cấm! Trong khi đó bọn chủ Adidas, Nike… là những nhà tư bản kếch xù lại được pháp luật bảo vệ, người đi kiếm từng bữa ăn thì lại bị bắt. Toàn cầu hóa đúng là một chính sách thực dân không cần đội quân xâm lược! Dòng chảy lợi nhuận cứ tuôn về những siêu cường, những nước nghèo lại càng thêm bần cùng.
Cũng có lần tan chợ đi về nhà, đang đứng ở bến xe buýt, bất ngờ nghe tiếng phanh ken két, hai công an nhảy ra khỏi xe tiến thẳng đến phía Long. Chưa kịp phản ứng, mà chạy thì cũng chẳng kịp. Họ hỏi giấy tờ cư trú, không có… đang ấp úng trả lời thì bị lôi lên xe công an luôn. Tưởng họ đưa Long về đồn, ít nhất 1 tuần bị giam ở đó! Không ngờ họ chở Long đến đoạn đường vắng, đuổi ra khỏi xe, cả hai người công an thi nhau khám từ đầu đến chân, bắt phải cởi cả giày. Có bao nhiêu tiền trong túi và một số giấu ở bít tất cũng bị lột sạch! Không hề có biên bản, không một lời giải thích. Họ thả Long ở đó, đúng vào lúc cơn mưa chiều ập đến, ướt sũng cả người. Sao mà đời đắng cay thế! Uất ức, căm giận nhưng biết kêu ai. Trên đời này ở đâu cũng có những kẻ đốn mạt, khốn nạn hơn nữa là người lẽ ra phải giữ gìn kỷ cương pháp luật lại đi trấn lột những kẻ cùng đinh! Đông Âu đã 20 năm thay đổi thế chế chính trị nhưng người dân vẫn ngỡ ngàng, bâng khuâng và tiếc nối.
Đã bảy năm sang Hung, nhưng Long chẳng biết nơi nào. Sáng sớm ra chợ, tối về nhà.Làm sao biết về văn hóa Hung, bởi tiếng chẳng sành.Bán hàng chỉ cần cầm máy tính tiền và chỉ trỏ là đủ, quan trọng là biết cách đếm tiền. Long quên sao được những mùa đông gian nan, vất vả, cực khổ… có những ngày giá rét âm 25ºC tuyết ngập đến đầu gối, mặc 4 quần, đi 5 đôi tất lại còn phải quấn 1 lớp nylon mỏng để chống nước thấm vào, đi giày lớn hơn 2 số mới xỏ chân vào được. Phải uống rượu vodka nhảy lò cò suốt ngày để chống lạnh.Mặt Long nhiều lần bỏng lạnh ứa máu, thâm sì. Nhưng mỗi lần khách đến là quên tất cả, lao đi như con thiêu thân tìm hàng cho khách. Cả mùa đông như thế từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều làm việc quên cả mệt nhọc, ngay cả người Hung ngàn đời quen chịu lạnh, họ cũng không làm thế được!
Cách đây 7 tháng Long cảm thấy phần bụng bên phải cạnh mạn sườn cứ nằng nặng, không đau, sờ gan không to, ăn uống vẫn tốt, da không vàng, mọi sinh hoạt bình thường. Nhưng linh cảm thấy có điều gì xấu đang đến với Long, thấy lo lo.Nhưng đi khám bệnh không có giấy tờ cư trú, không có bảo hiểm sức khỏe. Nếu đi khám mất cả trăm đô là chuyện bình thường, còn nằm viện mỗi ngày mất cả mấy trăm đô Long đâu có tiền, xoay mãi bạn thương tình cho mượn giấy cư trú và bảo hiểm. Đi thử máu mới biết Long bị viêm gan siêu vi B, nhưng chức năng gan vẫn bình thường, bác sĩ bảo với Long phải đi siêu âm. Kết quả gan hơi to, lá gan bên trái có khối u 3 cm. Bác sĩ quyết định cho Long chụp MR (chụp cắt lớp cộng hưởng từ) và sinh thiết tế bào gan - kết quả Long bị ung thư tế bào gan nguyên phát trên bệnh nhân viêm gan siêu vi B.
Khi biết vậy, Long đã gào khóc thảm thiết, thương mình thì ít, thương mẹ thì nhiều.Hai khoản nợ mẹ vay cho Long đi Iraq và Hung chưa trả hết.Bảy năm chưa về được thăm mẹ, 34 tuổi đầu chưa được một lần yêu, mà năm nào mẹ cũng giục về quê lấy vợ để giúp mẹ tuổi già.Để mẹ vui, Long cứ hứa hoài. Trong cơn đau tuyệt vọng những kỷ niệm vui, buồn, hạnh phúc, đau thương, vất vả, đắng cay… lại hiện về, nhưng bây giờ đối với Long tất cả đều đẹp, bởi đấy là cuộc sống! Cuộc sống thật đáng quí vô cùng! Long cầu khấn ông trời cho Long được sống, được tồn tại trên thế gian này, được về với mẹ. Không lẽ nào ông trời lại tàn nhẫn, phũ phàng với mẹ con Long đến thế!
Cái đêm chờ mổ dài như mấy chục năm, Long trằn trọc không hề chợp mắt, nhìn chai dịch truyền treo lơ lửng cứ chảy đều đều… Long thầm gọi mẹ nhiều lần.Mẹ ơi, lại một lần nữa mẹ lại phải vay tiền để tiễn con về nơi vĩnh hằng. Con sẽ không xa mẹ, nằm lại bên chân đê sau lũy tre làng…
Chín giờ sáng Long được đưa lên bàn mổ, thuốc mê truyền vào Long lịm đi trong giấc ngủ. Mãi 8 giờ tối Long mơ mơ màng màng thấy mình đang nằm trong phòng hồi sức cấp cứu. Cái bụng đau như dao đâm, chân tay đều bị trói vào giường, Long không còn sức để rên nữa, răng cắn lấy môi cố chịu đau, không cựa mình, Long nhớ lời bác sĩ dặn trước ca mổ qua chị phiên dịch:
- Sau khi mổ 3 ngày không cử động mạnh, cố đừng ho, đừng nấc… chỉ cần một cái nấc mạnh chỗ gan mới khâu có thể bục ra và chết ngay trong giây lát.
Bác sĩ, y tá thường xuyên ở bên cạnh Long. Máy đo nhiệt độ, điện tim, huyết áp, nhịp thở… cứ chạy đều hiện lên trên màn hình. Máu và dịch truyền cứ chảy liên tục.Thỉnh thoảng y tá, bác sĩ bơm thuốc giảm đau, chống nôn, chống nấc và kháng sinh vào chai dịch. Cái ống xông luồn vào trong ổ bụng cứ rỉ từng giọt máu tươi, nó đâm vào ruột gan hơn cả dao đâm…
Mổ được 2 tuần Long ra viện.Một tháng sau lại vào viện điều trị hóa chất.Mỗi lần truyền hóa chất, cả ngày lẫn đêm cứ nôn thốc, nôn tháo, đau cả ruột gan, váng đầu, trời đất cứ chao đảo xung quanh.Suốt cả đêm phải ngồi bệt gục đầu xuống toilet, có lúc lịm đi. Cũng sau mỗi lần truyền hóa chất được mấy ngày người lại sốt li bì, rũ rượi toàn thân, bạch cầu tụt xuống dưới 1.000. Bác sĩ lại tiêm cho Long những ống thuốc nhỏ 1 ml mà đắt gần 1.500 đô-la để nâng bạch cầu. Qua 6 tuần điều trị hóa chất, Long trông như một cái xác không hồn, đầu trọc lốc không còn một sợi tóc, mắt thâm quầng sâu hoắm, đờ đẫn, da tái nhợt, chân tay run lẩy bẩy.
Sau mổ gần 6 tháng, bác sĩ cho Long chụp Pet-CT (chụp cắt lớp có đánh dấu đồng vị phóng xạ) họ tìm ra những khối di căn nhỏ ở phổi và não. Những bác sĩ, y tá điều trị thương Long lắm. Bác sĩ trưởng khoa gọi Long vào phòng, ân cần nói:
- Bệnh của Long không thể chữa khỏi, Long nên về Việt Nam sống thêm một thời gian nữa. Nếu ở lại đây thêm một thời gian nữa, lúc đó Long không còn sức để về được nữa. Vả lại giấy tờ cư trú và thẻ bảo hiểm sức khỏe không phải của Long. Lúc Long làm sao, người bạn cho Long mượn giấy tờ sẽ rất phiền toái, mà chẳng những phiền toái mà còn rất phức tạp trước pháp luật.
Long cảm động òa khóc.Không ngờ tất cả khoa đều biết chuyện Long mượn giấy tờ để vào điều trị, nhưng họ đã không ngần ngại, đã dùng tất cả phương pháp và thuốc men đắt tiền nhất để cứu chữa cho Long. Chỉ tiếc họ bất lực trước căn bệnh hiểm nghèo của Long.
Long gọi điện nhờ bạn xin giấy thông hành của Đại sứ quán để đi qua cửa khẩu Hung và mua vé về cho Long. Mấy ngày cuối cùng ở bệnh viện, bác sĩ, y tá đã tận tâm săn sóc Long, truyền dịch, máu, thuốc bổ… để Long đủ sức bay chặng đường mười ngàn cây số.
Trước mắt Long dòng sông cứ chảy, nó lặng lẽ hững hờ như dòng sông Hồng quê Long vào độ tháng ba. Còn một đêm nữa thôi, đường về sao mà thăm thẳm thế, hun hút gió heo may, tiếng sào sạc của bờ tre, có bóng mẹ gầy đang đứng ngóng trông...Ôi cái làng nhỏ êm đềm ven sông ấy sao mà duyên nợ, nghĩa tình với Long đến thế, nơi sinh ra và nuôi Long lớn lên nay lại chờ Long, để mãi mãi ru Long giấc ngủ ngàn đời.
NGUYỄN LAM THỦY