Ống kính phê bình

9/8
5:42 PM 2016

GS TS LIAM C KELLEY: NGHIÊN CỨU PHI LỊCH SỬ HAY THỰC HÀNH “CHỦ NGHĨA THỰC DÂN TINH THẦN”?

Nguyễn Hòa

                                                                                     Nhà phê bình Nguyễn Hòa (ảnh:Internet)

Năm 2006, một trang điện tử của người Việt ở nước ngoài công bố bài Thay đổi cách nhìn về quan hệ văn hóa Việt - Trung (bản dịch của Lê Quỳnh) giới thiệu một số quan điểm của GS TS Liam C Kelley - giảng viên Đại học Hawaii ở Manoa (Hoa Kỳ), về lịch sử Việt Nam và quan hệ văn hóa Việt - Trung trong quá khứ. Từ việc đọc các bài thơ của sứ thần Việt Nam, Liam C Kelley không chỉ coi: “Chúng không bộc lộ bất kì cảm giác nào về sự kháng cự chống Trung Quốc, mà lại mô tả một sự khẳng định toàn diện về một trật tự thế giới mà quan hệ triều cống dựa vào và về vị trí phụ của Việt Nam trong thế giới ấy”, mà ông đi xa hơn bằng việc coi luận điểm về bản sắc dân tộc, văn chương chống ngoại xâm,... chỉ là “phóng chiếu các ý niệm và cảm xúc hiện tại vào quá khứ”, và “cái nơi mà chúng ta giờ đây gọi là Việt Nam đúng hơn đã từng là một vùng của sự giao tiếp văn hóa, một khu vực biên nơi mà việc anh là ai không quan trọng bằng việc anh làm gì?”. Thậm chí, GS TS Liam C Kelley còn không tin vào ý thức tự chủ, lòng tự tôn dân tộc của người Việt Nam, như đã cho rằng Bình Ngô đại cáo “không hẳn thể hiện niềm tự hào của người Việt trước người Trung Quốc, Bình Ngô đại cáo lại là sự cảnh cáo nghiêm khắc với những người Việt đã hợp tác với quân Minh chiếm đóng”! Vì thế với bút danh Hà Yên, tôi viết và công bố bài Từ một góc nhìn “xưa cũ và bảo thủ” về quan hệ văn hóa Việt - Trung, lạm bàn với Liam C. Kelley nhằm chứng minh Liam C Kelley đã nghiên cứu một cách chủ quan, như: khu biệt các sự vật hiện - tượng khỏi bối cảnh lịch sử và không gian sinh tồn, không quan tâm tới các nội dung có tính “ngầm ẩn”, “phi văn bản” của lịch sử - văn hóa,...

Từ đó đến nay, qua bản dịch của Hoa Quốc Văn, tôi đã tiếp xúc với một số bài nghiên cứu Việt Nam của Liam C Kelley, như: “Tự sự về một mối quan hệ bất bình đẳng: Các trí thức Việt Nam tiền hiện đại lý giải quan hệ giữa vương quốc của họ với ‘phương Bắc’ thế nào”, “Bản địa hóa” và các “thế giới tri thức” trong quá khứ và hiện tại của Đông Nam Á, Từ ngữ Thái (Tai) và vị trí của Thái trong quá khứ Việt Nam, Tưởng tượng về “quốc gia” ở Việt Nam thế kỉ XX, Việt Nam là một “văn hiến chi bang”, Bách Việt và sự thiếu vắng sử học hậu thuộc địa ở Việt Nam, “Hồng Bàng thị truyện” như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại,… Càng đọc tôi càng nhận ra Liam C Kelley rất quan tâm tới lịch sử Việt Nam từ cổ đại tới trung đại. Ông khai thác nhiều tư liệu Đông - Tây, và có lẽ vì muốn “thay đổi cách nhìn” nên ông có xu hướng xới xáo, phản biện, bác bỏ một số luận điểm, giá trị văn hóa - lịch sử vốn là khá thống nhất trong giới nghiên cứu, cũng như trong tâm thức cộng đồng ở Việt Nam. Điều này không có gì đáng trách, vì đó là quyền của nhà nghiên cứu, và nếu phản biện có lý còn giúp chúng ta cẩn trọng hơn khi xem xét lịch sử - văn hóa của dân tộc mình; như bài Từ ngữ Thái (Tai) và vị trí của Thái trong quá khứ Việt Nam đã đưa tới một số gợi ý cần tham vấn. Đáng tiếc, đọc tác phẩm của Liam C Kelley, tôi nhận thấy một số phản biện, kết luận rất thiếu thuyết phục, nếu không nói là rất đáng ngờ. Lối nghiên cứu chỉ dựa trên văn bản, thoát ly hoặc ít chú ý tới các mối liên hệ, các bối cảnh của lịch sử một đất nước từng trải qua nhiều biến thiên phức tạp như Việt Nam đã đưa Liam C Kelley tới một số kết luận không thể tin cậy. Vì Liam C Kelley đề cập tới nhiều nội dung, đưa ra nhiều luận điểm, nên khó bao quát trong một tiểu luận. Do đó ở đây, tôi chỉ đề cập tới một số luận điểm theo tôi là cần thiết. Và cũng xin lưu ý, qua một số diễn đạt khác nhau, các luận điểm này được nhắc lại nhiều lần trong các nghiên cứu về Việt Nam của GS TS Liam C Kelley.

1. Trong bài “Tự sự về một mối quan hệ bất bình đẳng: Các trí thức Việt Nam tiền hiện đại lý giải quan hệ giữa vương quốc của họ với ‘phương Bắc’ thế nào”, sau khi trình bày nhiều lập luận rối rắm, Liam C Kelle viết: “Thực ra, đối với hầu hết các học giả Việt Nam ngày nay, không nghi ngờ gì nữa “Việt Nam” luôn luôn độc lập. Bất chấp một thực tế là khái niệm “độc lập” chỉ du nhập vào tiếng Việt ở đầu thế kỉ XX, các học giả ở Việt Nam ngày nay được thuyết phục rằng có một vương quốc độc lập ở đồng bằng sông Hồng trong thiên niên kỉ đầu trước Công lịch, và rằng sau một ngàn năm Bắc thuộc, vương quốc độc lập đó tái xuất hiện và làm ra vẻ một nhà nước triều cống trong 1000 năm tiếp theo từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX… Ở đầu thế kỉ XX, các trí thức cải cách, trong một thực thể đã trở thành Đông Dương thuộc Pháp trước đó không lâu, bắt đầu tiếp xúc với các khái niệm về quá khứ từ châu Âu và châu Mỹ khi họ được giới thiệu các “tân thư” của các nhà canh tân người Hoa như Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu, những người lại chịu ảnh hưởng bởi trước thuật của các trí thức khác người Nhật. Được gợi hứng bởi những cái nhìn mới, và khiếp sợ những cảnh báo của thuyết tiến hóa xã hội rằng các quốc gia có thể biến mất dễ dàng nếu chúng không đủ mạnh, các trí thức cải cách ở đầu thế kỉ XX này bắt đầu viết lịch sử Việt Nam bằng những cách thức mới triệt để. Đó là giai đoạn mà những ý tưởng về độc lập và sự khác biệt văn hóa bắt đầu giữ địa vị chủ chốt”.

Xét từ diễn trình du nhập và tiếp nhận tri thức, tới cuối TK XIX đầu TK XX ở Việt Nam mới manh nha và từng bước hình thành cách thức tư duy, phương pháp nghiên cứu theo học thuật phương Tây. Đã diễn ra một quá trình đầy khó khăn đối với việc du nhập, sử dụng, phổ biến một kiểu tư duy mới trong xã hội với tính cách là công cụ khám phá tự nhiên, xã hội, con người. Với văn hóa nói chung, với khoa học nói riêng, phải tới khi tầng lớp trí thức trải qua một quá trình thâu nạp, tìm hiểu nhất định thì chấm phá đầu tiên mới xuất hiện. Và ở Việt Nam, cần nói tới vai trò của Tân thư (tên gọi chung của sách vở, tài liệu giới thiệu các tư tưởng mới của Âu - Mỹ xuất hiện ở Nhật Bản, Trung Hoa, Việt Nam từ cuối TK XIX tới đầu TK XX. Tân thư là khái niệm được sử dụng để phân biệt với Cổ thư là sách vở mang nội dung văn hóa - tư tưởng truyền thống, chẳng hạn như sách vở Nho giáo). Qua Tân thư, giới trí thức Việt Nam tiếp xúc và tiếp nhận tri thức mới. Sự tiếp xúc có được vừa do mối giao lưu truyền thống, vừa do có liên quan mật thiết với tình trạng cùng cảnh ngộ của Nhật Bản, Việt Nam, Trung Hoa - những dân tộc vốn “đồng văn đồng chủng” đang cùng phải đối mặt với chủ nghĩa thực dân có âm mưu thôn tính không chỉ về lãnh thổ, mà cả về văn hóa. Trong bối cảnh đó, sự phát triển của Nhật Bản, biến động tư tưởng theo xu hướng tiến bộ ở Trung Hoa không thể không tác động tới tư tưởng - tình cảm của các trí thức tiến bộ ở Việt Nam lúc bấy giờ. Họ hy vọng tìm thấy hướng đi mới cho dân tộc từ phong trào Duy tân ở hai quốc gia này và với Tân thư, tinh thần khai sáng và nhiều công trình nghiên cứu lịch sử, chính trị, triết học,... của phương Tây đã có mặt ở Việt Nam, đưa tới sự ra đời của phong trào Tân học, cho thấy một khát vọng mới, một sự thức tỉnh mới trong nhận thức xã hội đã chi phối những đầu óc tiên tiến của Việt Nam khi đó.

Về chính trị, nếu giai đoạn trên đặt nền móng cho việc tìm kiếm con đường giành độc lập, thì về khoa học cũng tạo tiền đề quan trọng để giới trí thức Việt Nam đi bước đầu tiên trên con đường khoa học theo đường hướng phương Tây. Do vậy trong sinh hoạt xã hội và trong học thuật, người Việt Nam bắt đầu làm quen các khái niệm từ máy bay, tàu hỏa, ôtô (automobile), xe máy - môtô (motocyclette), áo vét (veston), dầu tây,… đến tự do, bình đẳng, bác ái, dân quyền, độc lập, yêu nước, dân tộc,… Nếu Liam C Kelley cẩn trọng nghiên cứu các khái niệm mới xuất hiện ở Việt Nam ở đầu TK XX và suy xét sâu xa, ông sẽ thấy đó không thuần túy là sản phẩm từ tiếp biến văn hóa, mà còn là một cách thức hun đúc tinh thần dân tộc trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ. Nhưng, ý muốn “thay đổi cách nhìn” lại tự trói buộc vào văn bản đã làm cho Liam C Kelley thoát ly khỏi diễn biến và bối cảnh lịch sử - văn hóa của vấn đề, không phân tích (không cần phân tích?) sự xuất hiện, tình trạng sử dụng các khái niệm trong tính lịch sử - cụ thể. Nói cách khác, Liam C Kelley đã bỏ qua vai trò của yếu tố khách quan, không phân loại khái niệm để xem xét, mà dồn tất cả vào một “rọ” rồi lấy đó làm cơ sở phân tích, kết luận (đôi chỗ dường như hàm ý giễu cợt!?). Nếu nghiên cứu thật sự khách quan, chí ít ông phải thấy đầu TK XX, đã có hai kiểu loại khái niệm được du nhập vào Việt Nam: 

a. Các khái niệm liên quan tới văn hóa vật chất, như: máy bay, tàu hỏa, ôtô, xe máy, áo vét, dầu tây,… Đây là kiểu loại khái niệm biểu thị cho sự phát triển văn minh khoa học kỹ thuật phương Tây mà người Việt Nam chưa đạt được (thậm chí còn chưa từng xuất hiện trong quan niệm truyền thống), nhưng giá trị mà các khái niệm này mang tải đã chứng tỏ tính hữu dụng của chúng trong sinh hoạt xã hội, nên người Việt Nam nhanh chóng chấp nhận, sử dụng.

b. Các khái niệm liên quan tới văn hóa tinh thần, như: tự do, bình đẳng, bác ái, dân quyền, độc lập, yêu nước, dân tộc,… Với kiểu loại khái niệm này, người Việt Nam không chỉ phải làm quen trong tư cách khái niệm, mà còn phải làm quen với thao tác xây dựng nội hàm. Điều đó có nguồn gốc từ lịch sử, hàng nghìn năm ở Việt Nam đã tồn tại những sự kiện - hiện tượng liên quan đến tự do, bình đẳng, bác ái, dân quyền, độc lập, yêu nước, dân tộc,… nhưng chưa được khái quát và thể hiện bằng khái niệm. Các trí thức tiến bộ ở Việt Nam đầu TK XX không chỉ tiếp nhận mà khi xem xét quá khứ, họ sử dụng các khái niệm này làm công cụ nghiên cứu, khái quát các sự kiện - hiện tượng từng tồn tại trong lịch sử Việt Nam để xác lập nội hàm các khái niệm đó với nội dung cụ thể, gần gũi; đây là công việc mà các thế hệ đi trước, do hạn chế lịch sử, vẫn chưa làm được.

Tiếp cận một cách bản chất và trên diện rộng, GS TS Liam C Kelley sẽ thấy không phải mọi khái niệm, tư tưởng từ phương Tây vào Việt Nam ở đầu TK XX đều có thể bắt rễ vào đời sống tinh thần xã hội Việt Nam. Tất nhiên khi du nhập một khái niệm nào đó, người ta không thể ít nhiều chịu ảnh hưởng từ nội hàm của nó, nhưng dù sao thì khái niệm không thể tạo ra thực tiễn, vì nó ra đời từ quá trình khái quát về thực tiễn. Do đó để xem xét, cần phải khảo sát, phân tích từ lý thuyết tiếp nhận với quan niệm về tầm đón nhận, về tương thích văn hóa,… chứ không thể khảo sát, phân tích từ cảm quan của nhà nghiên cứu có xu hướng “hiện đại hóa quá khứ” bằng việc tách văn bản khỏi bối cảnh, tách câu chữ khỏi văn cảnh rồi suy luận phải thế này, không phải thế kia. Bên cạnh đó, với các khái niệm Liam C Kelley đề cập, phải xem xét từ phương diện cơ bản hơn, vì chúng có khả năng đáp ứng được yêu cầu cấp bách nhất của người Việt Nam khi đó là giành lại Tổ quốc. Việc chứng minh nội hàm các khái niệm độc lập, yêu nước, dân tộc,… đã tồn tại trong lịch sử đất nước là một cách thức quan trọng giúp người Việt Nam có thêm hiểu biết về đất nước, tổ tiên, đánh thức lòng tự tôn, và hướng tâm thế xã hội theo tinh thần kế tục. Liam C Kelley không nhận ra điều này, chỉ vì thấy tới đầu TK XX khái niệm độc lập mới xuất hiện ở Việt Nam, mà ông vội kết luận là “gợi hứng bởi những cái nhìn mới, và khiếp sợ những cảnh báo của thuyết tiến hóa xã hội rằng các quốc gia có thể biến mất dễ dàng nếu chúng không đủ mạnh” rồi cho rằng các học giả ở Việt Nam ngày nay khẳng định về nền độc lập của đất nước mình là: “Bất chấp một thực tế là khái niệm “độc lập” chỉ du nhập vào tiếng Việt ở đầu thế kỉ XX, các học giả ở Việt Nam ngày nay được thuyết phục rằng có một vương quốc độc lập ở đồng bằng sông Hồng trong thiên niên kỉ đầu trước Công lịch, và rằng sau một ngàn năm Bắc thuộc, vương quốc độc lập đó tái xuất hiện và làm ra vẻ một nhà nước triều cống trong 1000 năm tiếp theo từ thế kỉ X đến thế kỉ XIX”. Liam C Kelley có thể không đồng tình với kết luận của các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa ở Việt Nam về sự hình thành nước Việt Nam thời cổ đại (như ông trình bày trong một số tiểu luận tôi không đề cập ở đây), song không thể vì thế mà sổ toẹt bằng chứng lịch sử cho thấy người Việt sớm có ý thức về độc lập, sớm có lòng yêu nước. Chẳng lẽ sau hơn nửa thế kỷ, quan niệm về “sứ mạng khai hóa văn minh” của chủ nghĩa thực dân vẫn đeo bám, chi phối, ngăn trở, không giúp Liam C Kelley vượt qua tầm nhìn thiển cận?

Theo tôi, việc lấy triều cống làm tiêu chí kết luận về quan hệ độc lập hay phụ thuộc giữa Việt Nam với Trung Hoa từ thời TK XX về trước, là việc làm kỳ quặc; chứng tỏ người nghiên cứu hoặc đi theo xu hướng sai lạc, hoặc không hiểu bản chất quan hệ triều cống giữa Trung Hoa với Việt Nam nói riêng, và giữa Trung Hoa với một số nước ở châu Á nói chung. Nếu coi triều cống là sự thần phục, liệu Liam C Kelley có thể từ hiện tượng triều cống của các triều đại phong kiến Nhật Bản, Triều Tiên, Thailand,… để cho rằng Nhật Bản, Triều Tiên, Thailand,… từng thần phục Trung Hoa? Hàng nghìn năm phải chấp nhận triều cống, phải tỏ vẻ thần phục để đất nước ổn định và phát triển, giữ yên bờ cõi, đồng thời vẫn khẳng định “nước ta” là một thực thể có tư cách riêng,… thiết nghĩ đó là lựa chọn khôn ngoan (thậm chí là duy nhất đúng?) với một nước nhỏ sinh tồn cạnh một nước lớn… Với ý niệm “sách trời” trong câu thơ “Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, Liam C Kelley nhận xét: “khó mà nói chắc chắn rằng nó biểu thị cái gì”. Đúng vậy, và nếu chỉ bằng tinh thần duy lý, Liam C Kelley sẽ không thể lý giải được sự huyền bí của “sách trời”, bởi đó là điều chỉ có thể cảm nhận, khó có thể chứng minh theo tinh thần thực chứng. Nhưng oái oăm là ở Việt Nam một thời, sự huyền bí này lại chứa đựng một sức mạnh to lớn giúp khẳng định chủ quyền, và khích lệ người Việt Nam giữ vững chủ quyền. Tương tự, không thể lấy hiện tượng người Việt Nam thờ Khổng Tử ở Văn Miếu để đặt câu hỏi về thần phục. Trong một xã hội coi Nho giáo là “quốc giáo”, việc thờ phụng người khai sinh ra Nho giáo là điều rất bình thường, không phải là bằng chứng chứng minh sự thần phục. Đặt câu hỏi như thế, liệu khác gì vì thấy trước thế kỷ XV ở Việt Nam Phật giáo thịnh hành, nhiều vị cao tăng giữ trọng trách tại triều đình, thậm chí vua Trần Nhân Tông còn là người sáng lập một dòng Thiền,… để khẳng định Việt Nam đã từng… thần phục Nêpan! Trong lịch sử nhân loại, hiện tượng chấp nhận, tôn kính và thờ phụng một biểu tượng - con người có ý nghĩa tinh thần vượt ra ngoài phạm vi cộng đồng xuất thân không phải là đặc biệt, dị thường. Hàng tỷ người trên thế giới vẫn tôn thờ Jesus nhưng không mấy ai băn khoăn về quốc tịch của Jesus để buộc mình phải lựa chọn “tin hay không tin, theo hay không theo?”. Nghiên cứu lịch sử - văn hóa mà không quan tâm, thiếu khả năng nắm bắt tính chất “ngầm ẩn”, “phi văn bản” của một số vấn đề - sự kiện trong quá khứ vốn không được lưu trữ bằng các tài liệu, mà được truyền bá trong văn hóa dân gian, đã in dấu ấn vào vô thức cộng đồng, sẽ khó tìm được lời giải thuyết phục, dễ bị cuốn theo xu hướng suy đoán chủ quan.    

Sau hàng nghìn năm bị đô hộ, các văn bản ghi chép (nếu có?) về đất nước, con người Việt Nam hầu như không còn, và văn hóa dân gian trở thành nơi lưu giữ thông tin về nhiều sự kiện - hiện tượng lịch sử - văn hóa. Tất nhiên, không thể lấy văn hóa dân gian làm chuẩn mực định tính lịch sử nhưng chí ít thì căn cứ vào đó có thể hình dung câu trả lời về quá khứ đất nước và dân tộc được lưu giữ, trao truyền qua ký ức tập thể của người Việt Nam như thế nào. Trong lịch sử, ký ức ấy là “phi văn bản” nhưng mang tải các biểu tượng được thừa nhận như là lẽ tất yếu của điều kiện sinh tồn, có ý nghĩa liên kết cộng đồng. Nên có thể nói trong bài “Hồng Bàng thị truyện” như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại, khi đặt ra câu hỏi: “Ai đích xác là nhân dân / dân gian…”, “nếu những thông tin cốt lõi trong một câu chuyện như Hồng Bàng thị truyện bắt nguồn trong các câu truyện dân gian được lưu truyền từ thời viễn cổ, thì các học giả cần phải giải thích làm thế nào có thể xảy ra điều đó, và những sự lưu truyền nào đã chuyển tải các thông tin khi ngôn ngữ tiếng Việt phát triển qua các thế kỉ và khi những thông tin truyền miệng này rốt cuộc được dịch sang tiếng Hán cổ”,… GS TS Liam C Kelley cố tình trình bày một thách đố hơn là tự chứng tỏ nhãn quan khoa học của nhà nghiên cứu. Xem xét từ toàn cảnh, Liam C Kelley sẽ thấy văn học thành văn ở Việt Nam vẫn có tài liệu để tham khảo, như câu hỏi trước khi bị Trung Hoa xâm lược, người Việt có chữ viết hay chưa (?) chẳng hạn. Đặt sang một bên ý kiến khác nhau về tác giả của Thánh Tông di thảo, đọc truyện Mộng ký (Truyện một giấc mộng) sẽ thấy một câu chuyện đặc biệt. Truyện kể: Một hôm Lê Thánh Tông “dàn sáu quân thân hành đi kiểm soát” thì gặp trời mưa to, ông nghỉ lại bên hồ Trúc Bạch. Đêm ấy trong giấc mơ, ông thấy hai người con gái hiện lên bày tỏ oan ức rồi dâng “một tờ giấy trắng ngang dọc đều độ một thước, trên có 71 chữ ngoằn ngoèo như hình giun dế, không thể hiểu được. Dưới có hai bài thơ”. Vua đem tờ giấy về triều, vời học thần nội các đến xem, giải nghĩa. Sau ba năm, mà học thần nội các không ai giải nghĩa được. Lê Thánh Tông lại nằm mơ, thấy có người hiện lên giảng cho ông hai bài thơ chữ Hán. Vua hỏi âm và nghĩa của 71 chữ ngoằn ngoèo, người này bảo: đó là “lối chữ cổ sơ của nước Nam. Nay Mường Mán ở các sơn động cũng có người còn đọc được. Nhà vua triệu họ đến, bắt đọc thì khắc biết”. Dù Lê Thánh Tông hay ai đó là tác giả Thánh Tông di thảo, vẫn có thể liên tưởng tới việc truyện mang theo nỗi trăn trở về chữ viết riêng của dân tộc ở thời xa xưa. Nếu vua Lê Thánh Tông là tác giả Thánh Tông di thảo thì có lẽ khác biệt ở chỗ, là một ông vua, nên Lê Thánh Tông đã “thần bí hóa” nỗi trăn trở thành một vấn đề chỉ nhà vua mới được báo mộng?

Phương thức canh tác nông nghiệp lúa nước và cuộc sống phụ thuộc vào tự nhiên đã làm nảy sinh trong lịch sử hàng nghìn năm của Việt Nam hiện tượng “cái thiêng” trở thành một bộ phận quan trọng của đời sống tinh thần. “Cái thiêng” - qua việc thờ cúng và sự kính trọng các biểu tượng “thánh, thần”, không chỉ là yếu tố chi phối cung cách ứng xử với tự nhiên để cầu mong mưa thuận gió hòa, được phù hộ, mà còn mang tải các giá trị khác, như: tưởng nhớ công ơn, xác định tấm gương để noi theo; mà hiện tượng các thế hệ trao truyền cho nhau truyền thuyết về anh hùng dân tộc, “thần thánh hóa” nhân vật có công với nước là ví dụ. Nghiên cứu lịch sử - văn hóa ở thời kỳ truyền thuyết, biểu tượng giữ vai trò quan trọng và “cái thiêng” không chỉ là “cái thiêng” mà còn có ý nghĩa thế tục, rồi văn bản thành văn sơ sài,… nếu đòi hỏi phải có thời gian xác định, phải có văn bản để phân tích để so sánh một cách duy lý, không đặt mình vào quá trình “nhập thân văn hóa” sẽ không hiểu được điều này. Dẫu xác thực hay chưa, thì lịch sử lâu đời của việc thờ phụng Lạc Long Quân - Âu Cơ, Hùng Vương, Bà Trưng, Bà Triệu, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông, Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát,… và hàng trăm vị Thành hoàng, đều không thuần túy là tín ngưỡng, phong tục. Chỉ dựa vào văn bản, thấy cái này có thì công nhận, cái kia không có thì phủ nhận,… thì không những chứng tỏ thiếu hụt khả năng tư duy khoa học mà còn là sự xúc phạm. Chẳng nhẽ theo Liam C Kelley, những điều được lưu truyền như: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư - Tiệt nhiên định phận tại thiên thư”, “Như nước Đại Việt ta thuở trước - Vốn xưng nền văn hiến đã lâu - Bờ cõi, cương vực đã chia - Phong tục Bắc Nam cũng khác”, “Ta thà làm quỷ nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc”, “Bao giờ Tây nhổ hết cỏ nước Nam mới hết người Nam đánh Tây”,… lại không phải là biểu thị cụ thể về ý thức về độc lập, lòng yêu nước của người Việt Nam? Cuối TK XIX đầu TK XX, chỉ nhắc đến tên tuổi Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Trương Công Định, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám,… là thấy hành động, sự hy sinh của những con người ưu tú ấy đã chứng minh họ có ý thức rất nghiêm túc về độc lập, yêu nước, sẵn sàng hy sinh tính mạng vì các giá trị này. Đến nửa cuối TK XX cũng vậy, hàng triệu người Việt Nam suy nghĩ và hành động theo khẩu hiệu “Tất cả cho Điện Biên Phủ”, “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” đã tiếp tục chứng minh ý thức về độc lập, lòng yêu nước được kế tục như thế nào. Chẳng lẽ Liam C Kelley không quan tâm?

Do đó, không thể nói chỉ tới khi người phương Tây du nhập các khái niệm độc lập, yêu nước tới Việt Nam thì người Việt Nam mới biết thế nào là độc lập, yêu nước. Có thể hàng nghìn năm người Việt Nam chưa biết các khái niệm này với tư cách khoa học, nhưng suy nghĩ, hành động của họ cho thấy khát vọng độc lập, lòng yêu nước không phải là sản phẩm hư cấu, chỉ nhờ vào học thuật phương Tây mới nhận thức được. Đó là sự thật để chí ít trước khi đặt vấn đề nghiên cứu, Liam C Kelley cũng nên tự vấn bằng câu hỏi: Tại sao, điều gì làm cho một dân tộc, trong hàng nghìn năm có thể đánh bại rất nhiều kẻ thù xâm lược, gần đây nhất là Pháp, Hoa Kỳ? Đó cũng là sự thật để Liam C Kelley cẩn trọng hơn, không tiếp tục coi phương Tây có “sứ mệnh khai hóa văn minh” đối với phương Đông, rồi biến mình thành tín đồ của “chủ nghĩa thực dân tinh thần” đã lạc lõng so với lịch sử, lạc lõng so với sự phát triển của khoa học. Hay, như Nguyễn Thị Minh Thương viết trong tiểu luận Lý luận dịch thuật hậu thực dân là: “cường điệu hóa về một “kẻ khác” suy yếu, ấu trĩ, lười biếng, mê muội, tất cả chỉ để hiển thị rõ hơn một văn hóa phương Tây ưu việt bội phần” (phebinhvanhoc.com.vn, ngày 21.7.2012).

2. Trong bài Việt Nam là một “văn hiến chi bang”, GS TS Liam C Kelley viết: “có lẽ cũng giống như mọi dân tộc khác trên trái đất, người Việt cũng phải tưởng tượng ra rằng quốc gia của họ có tồn tại, một quá trình được hoàn thành với những khó khăn đáng kể. Tuy nhiên, có những “mối liên hệ với quá khứ” đã giữ vị trí cầm chịch lúc bấy giờ, giữa chúng là một cảm quan dai dẳng về sự kém cỏi ở chỗ không sống xứng đáng để thiết lập những chuẩn mực [riêng] và một sự bàn luận qua loa về hành động của các thế hệ học giả trước. Có lẽ, cái sự “nở rộ” trong những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam phần nhiều không phải là từ một ý thức tiền quốc gia mà là từ một nỗi sợ hãi day dứt về sự khiếm khuyết”. 

Tôi coi kết luận trên đây của Liam C Kelley là kết quả của lối tư duy tư biện, và cảm tính hơn là tư duy khoa học trên cơ sở thực tiễn. Bởi, khi triển khai văn bản Việt Nam là một “văn hiến chi bang” nhằm “cố gắng soi rọi những cách nghĩ mâu thuẫn với các ý tưởng dân tộc chủ nghĩa phương Tây”, dường như tinh thần phương Tây, phương pháp thực chứng triệt để, và logic coi sự vật - hiện tượng chỉ có thể ở trong tình trạng “hoặc A, hoặc B” không có tình trạng “vừa A, vừa B” của vị Giáo sư Tiến sĩ này đã không đem tới cho ông một cái nhìn thấu đáo về các sự vật - hiện tượng mà bản thân chúng là tập hợp của nhiều giá trị được đặt trong các mối liên hệ (trong đó có một số quan hệ mang tính chất mờ - nhòe) nếu chỉ dựa trên văn bản sẽ rất khó có thể (thậm chí là không thể) làm sáng tỏ? Thí dụ, nếu chỉ với tinh thần duy lý phương Tây, không tìm hiểu cụ thể điều kiện sống, cách thức tổ chức cuộc sống của người Việt Nam, GS TS Liam C Kelley sẽ không thể lý giải được một điều ngỡ là nghịch lý như: người Việt Nam vừa khẳng định: “Một giọt máu đào hơn một ao nước lã” lại vừa khẳng định: “Bán anh em xa mua láng giềng gần”!? Thêm nữa, khi viết rằng: “Cho đến thế kỉ XV, trí thức Việt đã tuyên bố một cách tự hào rằng mảnh đất của họ là “văn hiến chi bang”…” (phải chăng là Liam C Kelley căn cứ vào câu “Duy ngã Ðại Việt chi quốc thực vi văn hiến chi bang” trong Bình Ngô đại cáo?), chẳng nhẽ Liam C Kelley không biết, hay ông lờ đi một sự kiện cần tham khảo là theo Dư địa chí thì “văn hiến chi bang” là do Minh Thái tổ “ban” sau khi sứ giả nhà Minh là Dịch Tế Dân sang thông hiếu và nhà nhà Trần cử sứ thần sang đáp lễ; trong Đại Việt sử ký toàn thư, sự kiện này tương ứng với năm Mậu Thân - 1368? 

Để trở thành quốc gia có tên gọi, lãnh thổ, văn hóa, dân tộc (hoặc cộng đồng các dân tộc),… riêng biệt như ngày nay, hầu như mọi quốc gia trên thế giới đều trải qua một quá trình lịch sử lâu dài với nhiều biến thiên phức tạp. Vì thế, qua thời đại của người Gaule, người Frank đến năm 508 Clovis I mới định đô ở Paris; tương tự phải sau mấy nghìn năm, trên vùng đất từng xuất hiện Văn hóa Beaker mới ra đời Vương quốc Anh… Và sau những biến thiên phức tạp đó, không phải mọi quốc gia đều có thể ghi lại, lưu giữ, truyền bá các văn bản chứa đựng thông tin, sự kiện, số liệu, thời gian về nguồn gốc, lịch sử. Chỉ các vùng đất (về sau hình thành nên quốc gia, dân tộc như Hy Lạp, Ai Cập, Ấn Độ, Trung Hoa,…) sớm có nền văn hóa - văn minh phát triển với sự ra đời của chữ viết, có ý thức ghi chép về các sự kiện - hiện tượng liên quan tới cộng đồng,… mới có thể lưu giữ tài liệu để trao lại cho hậu thế. Song, với những biến thiên phức tạp sau nhiều thế kỷ (như: chiến tranh xâm lược, thiên tai, tranh chấp quyền lực giữa các phe nhóm thống trị, thái độ kỳ thị…) ngay cả các vùng đất trên cũng khó có thể trao truyền các tài liệu một cách toàn bộ và hệ thống. Với các quốc gia trong lịch sử có thể từng xây dựng được nền văn hóa - văn minh với chữ viết riêng nhưng về sau bị xâm lược, bị đồng hóa, hay các quốc gia mà điểm xuất phát ở thời xa xưa còn ở trình độ thấp, chưa có khả năng ghi chép thành văn, thì tư liệu về nguồn gốc, lịch sử hầu như rất sơ sài, thường lưu giữ trong các truyền thuyết, huyền thoại, biểu tượng,… được truyền bá từ đời này sang đời khác. Do đó, không thể vì chỉ được lưu giữ trong những truyền thuyết, huyền thoại, biểu tượng,… mà phủ nhận ý nghĩa, vai trò của chúng trong lịch sử một quốc gia, dân tộc. Thực tế ở Việt Nam cho thấy, truyền thuyết, biểu tượng về cội nguồn và tổ tiên, huyền thoại về người anh hùng dân tộc,… được lưu giữ trong ký ức cộng đồng từng góp phần rất lớn trong việc hun đúc ý chí để cộng đồng tồn tại, vượt qua mọi biến cố. Với một quốc gia ra đời muộn và lại đúng vào thời kỳ văn hóa - văn minh nhân loại đã phát triển như Hoa Kỳ, việc ghi chép và trao truyền tư liệu lịch sử có phần sáng rõ hơn; nhưng dù vậy, không thể lấy lịch sử hình thành Hoa Kỳ để quy chiếu lịch sử hình thành các quốc gia, dân tộc khác, rồi đòi hỏi phải như thế này phải như thế kia, hoặc phủ nhận vì thấy còn mơ hồ. Như với nước Israel ngày nay, không thể lấy thời điểm ra đời năm 1948 của quốc gia này mà bỏ qua lịch sử hàng nghìn năm trước Công nguyên của người Do Thái; cũng không thể từ phương pháp thực chứng để phủ nhận niềm tin về “cây gậy” quyền năng trong tay Moses - một biểu tượng của không biết bao nhiêu thế hệ người trong hàng chục thế kỷ.

Không quan tâm tới ý nghĩa ngầm ẩn trong các tác phẩm văn hóa dân gian, không chú ý tới vai trò và ý nghĩa của ký ức tập thể, không xem xét những mối liên hệ quá khứ, thoạt nhìn thì rất mơ hồ, nhưng xét kỹ lại cực kỳ bền chặt, không nhìn nhận biểu tượng như là kết quả tổng hòa của nhận thức cảm tính và nhận thức lý tính,… nên Liam C Kelley không hiểu tại sao một dân tộc có thể đặt niềm tin vào biểu tượng Rồng - Tiên, tại sao họ có thể nỗ lực hết mình vì tin rằng bản thân có trách nhiệm tiếp nối sự nghiệp của vua Hùng, sẵn sàng hy sinh bảo vệ Tổ quốc theo gương Thánh Gióng. Điều GS TS Liam C Kelle cho rằng lịch sử Việt Nam chỉ là “tưởng tượng” thực ra thể hiện hết sức sống động, xin không dẫn lại, không phân tích, bởi chắc chắn không phải Liam C Kelle không biết. Phải chăng vì lịch sử Hoa Kỳ không có những con người sẵn sàng xả thân cho đất nước vì muốn noi theo tấm gương các anh hùng da đỏ như Crazy Horse (Ngựa điên), Mishikinakwa (Rùa nhỏ), Geronimo (Người ngáp ngủ),… nên GS TS Liam C Kelle không tin ở Việt Nam lại có những con người sẵn sàng hy sinh để không hổ danh con cháu vua Hùng? Nhìn rộng ra thử hỏi, với phương pháp thực chứng máy móc và thái độ võ đoán, Liam C Kelley lý giải sao đây một sự thật là từ ngày xưng “thiên tử” con cháu của “nữ thần Mặt trời” (Thái dương thần nữ) mang tính chất thần thánh trong hiển thị con người, Thiên hoàng (Nhật hoàng) lại luôn luôn nhận được sự tôn kính của người Nhật Bản trong suốt bao nhiêu thế kỷ?

Năm 2006, tôi có lưu ý Liam C. Kelley rằng: “trước khi đưa ra các kết luận về lịch sử - văn hóa Việt Nam, cần thiết phải đặt nó trở về với bối cảnh phức tạp của các biến thiên lịch sử ở một quốc gia không có truyền thống làm sử chính xác và cập nhật, thêm vào đó là tình trạng thất lạc, mất mát do giặc giã, thiên tai... Lại nữa, sự tồn tại và chen lấn của truyền thuyết, của huyền thoại, của các thành phần folklore khác không chỉ mang ý nghĩa bổ sung các nội dung lịch sử - văn hóa “bác học” mà đôi khi còn làm tăng thêm tính “mờ, nhòe” của một số sự kiện, dù có hoặc không được ghi chép”. Nhưng có lẽ Liam C. Kelley không quan tâm tới lưu ý này, ông tiếp tục nghiên cứu lịch sử - văn hóa Việt Nam theo một cung cách theo tôi có màu sắc không lương thiện. Nói có “màu sắc không lương thiện” có thể là nặng lời, nhưng tôi không thể đưa ra kết luận khác nhẹ nhàng hơn vì thấy khi nghiên cứu lịch sử - văn hóa Việt Nam, Liam C. Kelley thường đòi hỏi bằng cớ xác thực, bất chấp hoàn cảnh lịch sử - cụ thể của các vấn đề. Nghiên cứu ý thức độc lập, tinh thần yêu nước của người Việt Nam, ông ít quan tâm tới niềm tôn kính người Việt Nam dành cho Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Bôn, Triệu Quang Phục, Phùng Hưng,… Mà mỗi khi đề cập, ông lại đòi hỏi đâu là sử liệu chứng minh đó là con người với sự nghiệp xác thực. Nghiên cứu văn bản ở thời cổ - trung đại của người Việt Nam, ông không đặt câu hỏi: Nếu trước thiên niên kỷ I người Việt có văn tự, có ghi chép lịch sử - văn hóa thì sau 1.000 Bắc thuộc, liệu các ghi chép đó còn được bao nhiêu để tìm câu trả lời, mà ông soi mói, chộp lấy một vài văn bản không được biết tới rộng rãi, không được xem là ý kiến chính thức, phổ biến trong đời sống tri thức ở Việt Nam, rồi lấy bộ phận thay cho toàn thể, biến văn bản ít được chú ý thành phổ quát. Trước đây, từ mấy câu thơ của Nguyễn Huy Túc - một vị quan của triều Lê bày tỏ niềm vui khi thấy quân Thanh vào Việt Nam, GS TS Liam C. Kelley tỏ ra nghi ngờ tính xác thực của dòng văn chương chống ngoại xâm ở Việt Nam; thì chỉ mấy năm sau, trong bài Việt Nam là một “văn hiến chi bang”, ông lại lấy ý kiến của Hoàng Đức Lương, Lê Quý Đôn đánh giá về sự yếu kém trong sách vở, thi ca để nghi ngờ vấn đề Việt Nam là một “văn hiến chi bang”!

Chẳng lẽ, một Giáo sư tiến sĩ như Liam C. Kelley lại không thấy việc đòi hỏi văn chương, học thuật Việt Nam thời trung đại phải có được tầm vóc văn chương, học thuật Trung Hoa cùng thời kỳ là đòi hỏi bất khả, vô lý? Tuy điều này có thể là mặc cảm xuất hiện trong tâm thức một bộ phận trí thức Việt Nam song trên thực tế nó không giữ vai trò chi phối, cũng không nghiêm trọng đến mức trở thành “một nỗi sợ hãi day dứt về sự khiếm khuyết”. Ý kiến phê phán của Hoàng Đức Lương và Lê Quý Đôn cũng vậy, Liam C. Kelley có thể coi đó là biểu thị của mặc cảm, song là một nhà nghiên cứu, lẽ nào ông lại không liên tưởng tới một chiều nghĩa khác: đó là Hoàng Đức Lương, Lê Quý Đôn tổng kết và đánh giá, từ đó các ông yêu cầu học thuật, văn chương Việt Nam cần phải vượt khỏi “cái bóng” của học thuật, văn chương Trung Hoa, phải làm phong phú văn chương, học thuật của nước nhà? Có thể coi là thái độ khoa học nghiêm túc như khi đọc điều Lê Quý Đôn viết: “Không chỉ những tập tác phẩm mà chúng ta làm ra nhỏ nhoi, mà những nỗ lực bảo tồn của chúng ta cũng tùy tiện” Liam C. Kelley chỉ khai thác nội dung đáp ứng mục đích và kết luận của ông là “tác phẩm mà chúng ta làm ra nhỏ nhoi”, rồi tảng lờ nội dung “những nỗ lực bảo tồn của chúng ta cũng tùy tiện”? Chẳng nhẽ với ông, sự tùy tiện trong việc bảo tồn văn bản không phải là một khiếm khuyết đáng quan ngại?

Theo tôi, chỉ từ ý kiến của Hoàng Đức Lương, Lê Quý Đôn để kết luận “cái sự “nở rộ” trong những năm đầu thế kỷ XX ở Việt Nam phần nhiều không phải là từ một ý thức tiền quốc gia mà là từ một nỗi sợ hãi day dứt về sự khiếm khuyết” là thiếu lương thiện. Khi nghiên cứu, chí ít Liam C. Kelley cũng phải quan tâm tới các tài liệu trong đó chứa đựng thông tin cho thấy tình trạng ít ỏi tác phẩm văn chương, học thuật của Việt Nam ở thời trung đại còn bị chi phối bởi một số lý do khác. Như Lý Tử Tấn viết trong bài tựa Việt âm thi tập: “Về sau, vì binh lửa, số thơ còn lại chỉ được một hai phần nghìn”, hay Bùi Huy Bích viết ông làm tuyển tập “sau cơn binh hỏa” trong tiểu dẫn của Hoàng Việt thi tuyển,… Hơn nữa, Liam C. Kelley cần quan tâm tới điều Việt kiệu thư của Trung Hoa viết rằng, hoàng đế nhà Minh ra chỉ dụ yêu cầu: “Một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách kinh và bản in của đạo Phật, đạo Lão thì không thiêu hủy; ngoài ra hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến cả những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ, như loại sách có câu “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều giữ gìn cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá sạch hết thảy, một mảnh một chữ chớ để còn”, “Nhiều lần đã bảo các ngươi rằng phàm An Nam có tất thảy những sách vở văn tự gì, kể cả các câu ca lý dân gian, các sách dạy trẻ, như loại “Thượng đại nhân, khưu ất dĩ” một mảnh một chữ đều phải đốt hết, và tất thảy các bia mà xứ ấy dựng lên thì một mảnh một chữ hễ trông thấy là phá hủy lập tức, chớ để sót lại. Nay nghe nói những sách vở do quân lính bắt được, không ra lệnh đốt ngay, lại để xem xét rồi mới đốt. Quân lính phần đông không biết chữ, nếu đâu đâu cũng đều làm vậy thì khi đài tải sẽ mất mát nhiều. Từ nay các ngươi phải làm đúng như lời sắc trước, truyền cho quân lính hễ thấy sách vở văn tự ở bất kỳ nơi nào là phải đốt ngay, không được lưu lại”. Theo Liam C. Kelley, với một chính sách như vậy, sau 20 năm đô hộ của nhà Minh, nếu có thì liệu sách vở học thuật, văn chương của Việt Nam còn được bao nhiêu?

3. Trong bài Bách Việt và sự thiếu vắng sử học hậu thuộc địa ở Việt Nam, GS TS Liam C Kelle viết: “Tuy nhiên, điều thú vị là trong khi “viết lại” để chống những ý tưởng mà những kẻ thực dân đã tạo ra, người dân thuộc địa cũ đã sử dụng chính các khái niệm mà những kẻ thực dân đã tạo ra, mà chỉ đơn giản là đảo ngược chúng lại, biến mình thành ưu việt còn những kẻ thực dân cũ thì thấp kém hơn. Đây là hiện tượng mà các học giả gọi là “sự thực dân trong tinh thần”. Bởi vì người dân thuộc địa cũ vẫn dùng những khái niệm mà những kẻ thực dân trước đây đã tạo ra. Những người không thể vượt qua được những khái niệm mà những kẻ thực dân tạo ra vẫn đang “bị thuộc địa về tinh thần”… Cho đến nay, như tôi được biết, chưa có lí thuyết gia hậu thuộc địa người Việt nào xuất hiện. Không giống như ở Ấn Độ và ở Thái Bình Dương nơi lí thuyết hậu thuộc địa đã phát triển rất tốt, ở Việt Nam, đây vẫn là vùng đất chưa được khám phá. Kết quả là, những cái đầu thuộc địa tiếp tục sản sinh ra học thuật thuộc địa. Bằng cách đảo ngược lại những gì thực dân đã nói, họ nghĩ rằng họ đang làm cái mới, nhưng bằng việc đi theo chính những khái niệm do những kẻ thực dân tạo ra, họ vẫn bị thuộc địa về tinh thần và học thuật của họ vẫn mang tính thuộc địa”.

Tôi nghĩ, có thể coi đoạn văn trên đây là thí dụ điển hình cho các kết luận phi khoa học, phi lịch sử của GS TS Liam C. Kelley khi nghiên cứu Việt Nam. Trước hết, không thể nói ở các quốc gia từng là thuộc địa và có ý thức về con đường phát triển sau thời kỳ thực dân, việc tiếp tục sử dụng các khái niệm do thực dân mang tới là “thực dân trong tinh thần”. Với khoa học nào cũng vậy, hệ thống khái niệm, nguyên lý, phạm trù, phương pháp nghiên cứu,… là luôn thống nhất. Không phải vì khoa học đó ra đời ở một nước thực dân mà sau khi giành độc lập, quốc gia từng là thuộc địa phải lập tức xóa bỏ để xây dựng hệ thống khái niệm, nguyên lý, phạm trù, phương pháp nghiên cứu,… riêng của mình. Nếu có quan tâm, Liam C. Kelley nên xem xét việc làm đó đưa tới kết quả như thế nào. Kết luận như vậy, Liam C. Kelley tự chứng tỏ ông không có khả năng phân biệt sự khác nhau giữa chủ nghĩa thực dân với ý nghĩa toàn nhân loại của các ngành khoa học (lẽ nào ông lại không biết điều đó?). Như Hoa Kỳ chẳng hạn, xét đến cùng, những thành tựu quốc gia này đạt được sau hơn 200 năm, chính là sự tiếp nối, sáng tạo, phát triển từ những gì châu Âu đã có từ trước. Cứ như Liam C. Kelley nghiên cứu, liệu đến một ngày nào đó, Giáo sư Tiến sĩ có thể kết luận: ảnh hưởng của triết học Khai sáng ở châu Âu, ảnh hưởng từ tư tưởng triết học của John Locke (1632 - 1704),… trong Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ (1776) cũng là biểu hiện của hiện tượng “bị thuộc địa về tinh thần”!?

Xem xét một cách toàn diện, điều Liam C. Kelley cho rằng “người dân thuộc địa cũ đã sử dụng chính những khái niệm mà những kẻ thực dân đã tạo ra, mà chỉ đơn giản là đảo ngược chúng lại, biến mình thành ưu việt còn những kẻ thực dân cũ thì thấp kém hơn” là rất phiến diện. Trong khi phê phán chủ nghĩa thực dân, nhiều tác giả ở các nước cựu thuộc địa khẳng định chính quyền thực dân đã bóp nghẹt tự do, gây bất bình đẳng, vi phạm dân quyền,… đâu phải để chứng tỏ các giá trị của dân tộc mình ưu việt hơn, mà việc làm này để chỉ đích danh tính chất phi nhân tính của chính quyền thực dân, đồng thời trực tiếp khẳng định tính chính nghĩa của sự nghiệp giành độc lập. Bên cạnh đó, ở thời thực dân, công trình nghiên cứu của một số nhà khoa học đến từ “chính quốc” đã góp phần tạo dựng, đánh giá, lưu giữ nhiều tài liệu về sau bị mai một,… thì việc các nước cựu thuộc địa tiếp thu thành quả của họ đâu phải “bị thuộc địa về tinh thần”. Trên thực tế, người Việt Nam có thái độ rất trân trọng đối với kết quả nghiên cứu Việt Nam của Henri Maspéro, Albert Sallet, Madeleine Colani, Georges Condominas, Yersin… Đó là hành xử lương thiện trí thức đâu phải là “để chống những ý tưởng mà những kẻ thực dân đã tạo ra, người dân thuộc địa cũ đã sử dụng chính những khái niệm mà những kẻ thực dân đã tạo ra, mà chỉ đơn giản là đảo ngược chúng lại, biến mình thành ưu việt còn những kẻ thực dân cũ thì thấp kém hơn” như Liam C. Kelley đã suy diễn. Như là kết quả từ vô thức lịch sử, ở một số nước thuộc địa, chính quyền thực dân đã góp phần hình thành đội ngũ trí thức người bản xứ “kiểu mới”. Ở Việt Nam, những người này đã đặt nền móng cho sự ra đời tầng lớp trí thức hiện đại, đoạn tuyệt với lối học hành, thi cử truyền thống, tiếp thu quan niệm, phương pháp của một số ngành khoa học đến từ phương Tây để thực hành nghiên cứu. Việc họ kế thừa, thậm chí “không thể vượt qua được những khái niệm mà những kẻ thực dân tạo ra” là biểu hiện năng lực nghiên cứu của họ còn hạn chế, chứ không phải “bị thuộc địa về tinh thần”!      

Nghiên cứu một cách khách quan, toàn diện sẽ thấy về mặt hình thức với các quốc gia từng trải qua thời kỳ bị thực dân đô hộ, có thể phân kỳ lịch sử theo logic thời gian: tiền thuộc địa - thuộc địa - hậu thuộc địa, nhưng về nội dung xã hội lại phức tạp hơn rất nhiều, không phải mọi quốc gia ở thời kỳ “hậu thuộc địa” cũng phải đối diện, phải giải quyết các vấn đề tương tự như nhau. Nghĩa là không thể vì thấy ở Ấn Độ và Thái Bình Dương là nơi có lý thuyết hậu thuộc địa phát triển mà đòi hỏi Việt Nam cũng phải có lý thuyết gia hậu thuộc địa.

Tới các thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, các khái niệm thuộc địa, nửa thuộc địa hầu như chỉ còn là đối tượng nghiên cứu hơn là thực tế hiện tồn. Nhưng với lịch sử mấy trăm năm, với sự bành trướng, ảnh hưởng trên hầu hết các lục địa, thậm chí với một số trường hợp, chủ nghĩa thực dân còn giữ vai trò quyết định trong sự biến chuyển kinh tế - chính trị - xã hội - văn hóa,… của một số quốc gia cho nên khó có thể nói chủ nghĩa thực dân không để lại dấu vết trong đời sống. Và vấn đề còn phức tạp hơn khi điểm xuất phát của các nước trước khi bị thực dân hóa lại ở trong các trình độ khác nhau. Nếu trước khi người Anh tới Ấn Độ, người Tây Ban Nha tới Peru, các nước này có nhiều thành tựu văn hóa - văn minh (như văn hóa - văn minh Ấn Độ, văn hóa - văn minh Inca); thì trước khi người Tây Ban Nha tới miền đất nay là Brazil, người da đỏ ở đây vẫn sinh sống bán du mục, chưa có chữ viết. Tương tự là tình trạng kém phát triển của cư dân bản địa trong thời kỳ “tiền thuộc địa” ở Bắc Mỹ, Australia. Còn phải kể tới tình huống sau khi xâm chiếm vùng đất mới, chính quyền thực dân còn tìm cách tận diệt cư dân bản địa, hay đẩy họ tới những vùng đất hoang vu; từ đó, những người vốn là thực dân lại xây dựng nên các quốc gia mới với tên gọi riêng, nhà nước riêng, như Mỹ, Australia, Canada,

Tựu trung sau khi giành độc lập, sự khác nhau trong điểm xuất phát vật chất và tinh thần ở thời kỳ tiền thuộc địa; sự tồn tại của nhiều giá trị văn hóa - văn minh mang bản sắc riêng ra đời trước khi bị đô hộ; sự khác nhau trong quá trình tiếp biến các giá trị văn hóa - văn minh tiến bộ hơn mà chủ nghĩa thực dân vô tình gieo cấy vào đời sống; sự khác nhau trong cách thức tổ chức và cai trị xã hội mà mỗi nước thực dân đã thực hành ở từng thuộc địa; mối liên hệ khăng khít hoặc lỏng lẻo với “mẫu quốc”; nền tảng tinh thần mới, sự lựa chọn con đường phát triển,… đã không đưa tới mẫu số chung, mà còn đẩy tới sự phức tạp, tính đa dạng của thế giới sau khi chủ nghĩa thực dân đã cáo chung. Vì thế kết thúc thời thuộc địa, dù đa số quốc gia - dân tộc đều xây dựng chính thể cộng hòa thì không phải ở đâu cũng xây dựng được một xã hội phát triển. Thậm chí sau khi giành lại độc lập, nhiều quốc gia còn tự đẩy mình vào tình huống bi đát hơn, độc lập chưa trở thành động lực giúp vào sự phát triển, mà xã hội bị thao túng để trở thành biến thể của chế độ người bóc lột người. Trong bối cảnh đó, nhìn vào các quốc gia cựu thuộc địa, một số nhà nghiên cứu ở phương Tây không chỉ nhận ra sự chi phối từ cái nhìn “đàn anh” của phương Tây đối với phương Đông, mà còn nhận thấy tại nhiều nước, tình trạng bóc lột và bị bóc lột vẫn tồn tại dưới nhiều hình thức, người nghèo vẫn chưa có vị trí, vai trò xã hội; rồi tệ phân biệt chủng tộc, các vấn đề nữ quyền, quyền và xu hướng “ngoại vi hóa” các nhóm thiểu số, bên lề,… đồng thời họ cũng nhận ra hạn chế của các lý thuyết phương Tây trong khi nghiên cứu, tìm hiểu, đánh giá, kết luận,… về các vấn đề văn hóa (trong đó nổi lên là văn học) ở các nước từng là thuộc địa. Và từ đó, Chủ nghĩa hậu thực dân ra đời. Trong cuốn sách Đông phương học (Orientalism), E. Said đặt vấn đề xem xét quan hệ văn hóa giữa phương Đông với phương Tây sau thời thuộc địa, mà ở đó thái độ tự thị văn hóa của phương Tây đưa tới quan niệm về vị trí “bên lề”, “ngoại vi” của văn hóa phương Đông. E. Said cho rằng phương Tây thường nhìn về phương Đông như “trung tâm” nhìn “ngoại vi” và coi phương Đông như là “cái khác”. Có thể chia sẻ với quan điểm của E. Said và các tác giả của Chủ nghĩa hậu thực dân khi họ đặt vấn đề nghiên cứu, nhưng từ việc Đông phương học của E. Said chủ yếu đề cập tới Trung Đông, sự chú ý của G.C. Spivak chủ yếu dành cho Ấn Độ,… thì khó có thể phóng chiếu kết quả nghiên cứu của họ trên phạm vi thế giới. Thêm nữa, không thể từ hiện tượng đa số tác giả của Chủ nghĩa hậu thực dân xuất thân từ một nước cựu thuộc địa (như E. Said đến từ Palestine, A. Césaire đến từ Martinique, F. Fanon đến từ Algérie, G.C. Spivak, H. Bhabha đến từ Ấn Độ,…) mà đẩy tới lập luận cho rằng, ở các nước cựu thuộc địa khác cũng phải xuất hiện lý thuyết gia hậu thuộc địa. Bởi xuất hiện hay không, trước hết là phụ thuộc vào bối cảnh và tính chất xã hội của mỗi quốc gia sau khi giành độc lập.

Tính chất phức tạp của quá trình thực dân hóa đã đẩy tới sự phức tạp của quá trình “giải thực dân” trên phạm vi thế giới. Xét từ góc độ văn hóa, có thể nói tính đa dạng văn hóa của các cộng đồng dân tộc trước khi bị đô hộ, ảnh hưởng văn hóa - văn minh do chủ nghĩa thực dân đem tới làm cho tâm thế văn hóa ở các nước cựu thuộc địa trở nên phức tạp, khó có thể tìm mẫu số chung cho tâm thế văn hóa của mọi quốc gia. Do đó người nghiên cứu cần đáp ứng yêu cầu về tính lịch sử - cụ thể, xa rời yêu cầu này, dễ đẩy tới tình trạng nghiên cứu, xét đoán chủ quan, áp đặt. Chỉ có đáp ứng yêu cầu đó, mới chấp nhận một sự thật với người nghiên cứu là: không có logic (dù là logic hình thức) các nước từng bị thực dân đô hộ đều phải trải qua thời kỳ “hậu thuộc địa” với những đặc điểm chung. Chỉ có như thế mới thấy trong khi nhiều quốc gia phải loay hoay tìm con đường phát triển, thoát khỏi “cái bóng” của chủ nghĩa thực dân, thì không chờ đến Tuyên ngôn về thủ tiêu hoàn toàn chủ nghĩa thực dân của LHQ, dân tộc Việt Nam đã tự thân hành động, và tự mình đấu tranh để giành lại độc lập từ năm 1945. Tình huống lịch sử đó cung cấp cho người Việt Nam một tư cách khác, mà nổi bật nhất là từ sau năm 1945 đến nay chưa bao giờ người Việt Nam xem mình là “kẻ bại trận”; sau hơn nửa thế kỷ, “tâm lý thuộc địa” có lẽ chỉ còn là ý nghĩ mơ hồ trong một số người.

Cần nhấn mạnh rằng, ở Việt Nam, quá trình “giải thực dân” được thực hiện nhanh chóng và triệt để, các tiêu chí cơ bản để xây dựng xã hội mới được xác định từ trước khi giành lại độc lập, thậm chí hệ thống giá trị của nền văn hóa mới được khẳng định từ năm 1943 qua Đề cương văn hóa Việt Nam. Như vậy, cái gọi là “hậu thuộc địa” nếu có ở Việt Nam cũng chỉ có ý nghĩa là phân kỳ lịch sử, không phải là thực tế xã hội cần nghiên cứu để ra đời “lý thuyết gia hậu thuộc địa người Việt”. Tất nhiên, thoát khỏi “cái bóng” của chủ nghĩa thực dân không thể diễn ra một sớm một chiều. Nhưng cùng với thời gian, khi mà “ông toàn quyền, ông sứ” vắng bóng, khi cái thời Hoài Thanh viết “ở nhà tây, đội mũ tây, đi giày tây, mặc áo tây” chỉ là chuyện của quá khứ, thì với người Việt Nam hôm nay, có lẽ chỉ còn một số công trình kiến trúc ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, một vài nhân vật trong Số đỏ (Vũ Trọng Phụng), Sống mòn (Nam Cao), Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Sống mãi với Thủ đôLũy hoa (Nguyễn Huy Tưởng),… là gợi nhớ tới một thời thực dân. Thế hệ đương đại biết về thời “Pháp thuộc, Mỹ thuộc” chủ yếu qua sách báo, phim ảnh, qua lời kể của số chứng nhân ít ỏi thuộc thế hệ trước. Và nhiều người Việt Nam hôm nay vẫn nói xích lô (cyclo), ghi đông (guidon), xi lanh (cylindre), xi măng (ciment),… mà ít quan tâm tới việc các khái niệm này xuất hiện vào thời thực dân. Bên cạnh đó, liệu tâm lý nhược tiểu, thói vọng ngoại có phải là hệ quả của chủ nghĩa thực dân? Khó có thể kết luận như vậy khi từ rất sớm, người Việt Nam đã tiếp xúc với các nền văn hóa - văn minh phát triển, như văn hóa - văn minh Ấn Độ, Trung Hoa. Hàng nghìn năm sinh tồn bên một quốc gia tự nhận là “thiên triều”, nếu tâm lý nhược tiểu, thói vọng ngoại có nảy sinh trong một số người thì cũng không ngạc nhiên. Điều đáng nói là tâm lý ấy, thói ấy chưa bao giờ chi phối nhận thức chung của xã hội.

Sau khi giành được độc lập, dù phải trải qua hai cuộc kháng chiến, trong thời đoạn nhất định vẫn còn một bộ phận dân cư chịu sự đô hộ thực dân (nơi thực dân Pháp quản lý từ năm 1946 đến 1954, nơi chính quyền Sài Gòn quản lý từ năm 1954 đến năm 1975) thì về nguyên tắc, chế độ người bóc lột người đã bị xóa bỏ ở Việt Nam, Việt Nam đã lựa chọn một con đường phát triển hoàn toàn khác. Như vậy, nghiên cứu về Việt Nam sau khi giành được độc lập là việc mọi nhà khoa học có thể tiến hành, nhưng nếu sử dụng quan niệm của Chủ nghĩa hậu thực dân để nghiên cứu, sẽ rất dễ nhầm lẫn, từ đó có thể đưa ra yêu cầu phi lịch sử, và đưa tới kết luận có tính áp đặt. Nói cách khác khi nghiên cứu, không thể đánh đồng các tình thế, bối cảnh xã hội - con người khác nhau về bản chất. Vì hơn nửa thế kỷ nay, ở Việt Nam đâu còn tình trạng bóc lột và bị bóc lột, đâu còn chuyện người nghèo chưa có vị trí và vai trò xã hội; đâu có tệ phân biệt chủng tộc, đâu có các vấn đề nữ quyền, quyền và xu hướng “ngoại vi hóa” các nhóm thiểu số, bên lề,… Yêu cầu như vậy khác gì thấy ở Hoa Kỳ có tình trạng phân biệt đối xử với người Mỹ da đen, từng có hiện tượng xử tử do đám đông bạo hành (lynching) mà lại đi yêu cầu Việt Nam cũng không được phân biệt đối xử với người da đen, không thực hiện “lynching”, bất chấp sự thật là ở Việt Nam không có người da đen, không có “Ku Klux Klan”!

Lời kết:

Đọc bài viết này, có thể Liam C. Kelley sẽ xếp tôi vào nhóm người theo chủ nghĩa dân tộc (mà dường như qua một số bài viết, ông không có nhiều thiện cảm khi đề cập tới chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam?). Nếu ông nhận xét như vậy, tôi cũng không băn khoăn. Bởi theo chúng tôi, chỉ có người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan tự thị về dân tộc mình, bảo thủ, kỳ thị, coi thường dân tộc khác, rồi bức xúc không cần biết đúng - sai khi người khác giúp phân tích nhược điểm,… mới đáng quan ngại. Hơn nữa, muốn đất nước đổi mới, tiếp tục phát triển, cùng với nỗ lực tự thân, người Việt Nam cần phải tiếp tục học hỏi mở mang trí tuệ, vậy không có gì xấu hổ khi người khác bằng cách thức tiếp cận khoa học và thiện chí giúp chỉ ra hạn chế.

Tôi trân trọng lựa chọn nghiên cứu của GS TS Liam C. Kelley, nhưng không có nghĩa phải trân trọng một số kết luận ra đời từ khảo sát thiếu tính lịch sử, suy đoán chủ quan, áp đặt, dựa trên một số tư liệu không có ý nghĩa phổ quát,… từ đó đào xới, bác bỏ. Phương pháp thực chứng và tư duy trên cơ sở văn bản có thể giúp Liam C. Kelley rút ra kết luận khả dĩ về đối tượng nghiên cứu nào đó, song phương pháp và tư duy ấy sẽ là trở lực với ông khi nghiên cứu các vấn đề lịch sử - văn hóa có khoảng cách rất xa về thời gian và tư liệu sơ sài, đòi hỏi người nghiên cứu phải nhập thân vào đó mới có cơ may đưa ra kết luận hữu lý. Vì thế, từ các phân tích trên, xin đặt câu hỏi: Khi GS TS Liam C. Kelley không chú ý nghiên cứu lịch sử - văn hóa từ góc nhìn toàn diện - lịch sử - cụ thể, thì phải chăng, bằng cố gắng nghiên cứu để hạ thấp ý nghĩa một số giá trị lịch sử - văn hóa vốn đang là niềm tự hào của người Việt Nam, Liam C. Kelley muốn thực hành một “chủ nghĩa thực dân tinh thần” trong thời hiện đại?

Cuối cùng, các nội dung trên đây là khá xa công việc chuyên môn của tôi. Nói như thế không phải muốn “chặn trước” ý kiến phản biện, mà vì tôi không trả lời được câu hỏi: Tại sao trong khi quan điểm của GS TS Liam C. Kelley tỏ ra có ảnh hưởng tới một vài tác giả Việt Nam đương đại (như ý tưởng và luận điểm của Liam C. Kelley trong bài “Hồng Bàng thị truyện” như một truyền thống được kiến tạo của người Việt Nam thời trung đại dường như đã được một vị Tiến sĩ mô phỏng để viết bài Kinh Dương Vương - ông là ai? đăng trên Tia sáng tháng 9.2013?), thì một số tác giả chuyên sâu về lịch sử - văn hóa lại im lặng trước một số kết luận của Liam C. Kelley? Nếu họ không biết, đó là điều đáng tiếc! Nếu họ biết nhưng im lặng, phải chăng họ đồng tình với Liam C. Kelley? 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *