Đối mặt với thảm họa
ảnh: Internet
Đi kèm với đó là những thông tin về cứu trợ từ Chính phủ, tổ chức y tế, hội chữ thập đỏ và các tổ chức quốc tế, đang gấp rút được chuyển đến cho người dân các tỉnh đang chịu nạn với quyết tâm không để dân đói, dân khát. Thế nhưng, hạn hán và xâm nhập mặn vẫn chưa chịu dừng lại, bởi theo các chuyên gia đây mới chỉ là những khởi đầu của thảm họa kép từ biến đổi khí hậu, từ phân bổ nguồn nước giữa các bên thuộc Ủy hội sông Mê Kông. Điều đó đòi hỏi Chính phủ, người dân phải có những giải pháp hữu hiệu để không những có thể sống chung với lũ mà còn phải biết sống với hạn hán, xâm nhập mặn. Nếu không có những kịch bản cho sự phát triển bền vững thì không chỉ gần 1,5 triệu nông dân Việt Nam, những người sống ở khu vực hạ nguồn sông Mê Kông điêu đứng mà con số đó sẽ tăng lên theo cấp số nhân.
THẢM HỌA ĐƯỢC BÁO TRƯỚC
Một kịch bản cho đồng bằng sông Cửu Long trước biến đổi khí hậu và những tác động tiêu cực từ việc xây dựng các công trình thủy điện trên dòng chính của sông Mê kông đã được Chính phủ triển khai từ nhiều năm nay. Song, với tốc độ gia tăng đến chóng mặt của các đập thủy điện và sự không tuân thủ những quy tắc về chia sẻ nguồn nước của các bên liên quan cũng như những diễn biến phức tạp của quá trình đô thị hóa nông thôn tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã khiến cho những kịch bản này dù được kỳ vọng là có thể chủ động được nguồn nước, điều tiết sự xâm nhập mặn một cách khoa học và giữ thế ổn định cho vựa lúa lớn nhất cả nước đến thời điểm hiện tại đã bộc lộ không ít bất cập, hay nói đúng hơn là có độ vênh khá lớn so với thực tiễn và hậu quả là những tổn thất đang dồn dập xảy đến với người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long trong nhiều tháng qua.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chỉ tính riêng năm 2015, ảnh hưởng của hiện tượng El Nino đã trở nên trầm trọng đối với đồng bằng sông Cửu Long. Tổng lượng mưa trên lưu vực thiếu hụt 20-50% trung bình nhiều năm. Mực nước thượng nguồn sông Mê Kông tiếp tục xuống nhanh và thấp nhất trong vòng 90 năm qua. Dẫn đến mùa khô thiếu nước ngọt, mặn xuất hiện sớm 2 tháng và nhiều khả năng kết thúc muộn. Hiện, trên các hệ thống sông chính ở miền Tây, mặn xâm nhập sâu 40-93 km, tăng 10-15 km so với các năm trước. Gần 340.000 ha trong tổng số 1,55 triệu ha lúa đông xuân đang sản xuất tại miền Tây có nguy cơ bị xâm nhập mặn và hạn. Kéo theo 1,5 triệu nông dân không có thu nhập trong nhiều tháng qua.
Đói, khát và ô nhiễm môi trường, nguồn nước là bức tranh toàn cảnh của 11 tỉnh thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Đây là cái kết mà thế giới đã cảnh báo trước và chúng ta hoàn toàn có thể tiên lượng được để có giải pháp ứng phó. Song sự chậm trễ và bị động của chính quyền, tâm lý “ăn xổi” của người dân đã đẩy những tổn thất này tăng lên theo cấp số nhân, và hậu thiên tai sẽ còn là những gánh nặng về an sinh xã hội vô cùng nan giải. Để phát triển kinh tế, không ít người dân Cà Mau đã “lén” xẻ đê dẫn nước mặn vào ruộng nuôi tôm sú, không màng đến hậu quả sẽ làm cho đất bị mặn hóa, đe dọa trực tiếp đến độ an toàn của tuyến đê ngăn mặn; nông dân Hậu Giang thì “làm ngơ” trước khuyến cáo của ngành chức năng về sự xâm nhập mặn bất thường, xuống giống hàng ngàn hecta vụ lúa hè thu… tất cả chỉ với mục tiêu là lợi nhuận. Trong khi nông dân mạnh ai nấy làm, thì chính quyền lại tỏ ra đồng thuận. Tỉnh Cà Mau đã xin chuyển một phần đất lúa sang nuôi tôm, còn tỉnh Hậu Giang để đảm bảo an ninh lương thực đã xin trung ương cấp kinh phí để gia cố tuyến đê bao ngăn mặn. Đây là những việc làm không sai, nhưng nó cho thấy một phương thức làm ăn có phần manh mún, tiểu nông, thiếu tầm và không bền vững.
BIẾN NGẬP MẶN THÀNH CƠ HỘI LÀM GIÀU ĐƯỢC KHÔNG?
Và để hỗ trợ người dân chống chọi với thiên tai, Chính phủ đã thực hiện cùng lúc nhiều giải pháp đồng bộ như bằng con đường ngoại giao yêu cầu các nước trong Ủy hội sông Mê Kông cụ thể là Trung Quốc xả nước tại các đập thủy điện, yêu cầu Thái Lan có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, đồng thời ở góc độ trong nước, Chính phủ đã cấp phát lương thực, hỗ trợ kinh phí để địa phương, người dân nạo vét kênh mương, đào hồ trữ nước và khoan giếng tìm nguồn nước được cho là còn quý hơn vàng vào thời điểm hiện tại. Song đây chỉ là giải pháp mang tính tình thế, còn về lâu, về dài cần có sự chủ động trong ứng phó với biến đổi khí hậu và một chiến lược phát triển kinh tế đồng bộ hướng đến sự phát triển bền vững cho toàn bộ vùng đồng bằng sông Cửu Long chứ không chỉ miền Tây Nam bộ.
Theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, năm 2016, sản lượng lúa tại đồng bằng sông Cửu Long chắc chắn sẽ sụt giảm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến các hộ nông dân với hàng triệu người. Rất nhiều nơi nước mặn bao vây, cây ăn trái chịu ảnh hưởng; gia súc không có thức ăn, người dân buộc phải bán với giá rẻ, một số vùng nuôi thủy sản như ngao, tôm, do độ mặn quá lớn nên hầu hết đều bị chết. Về lâu dài, cần phải thay đổi thời vụ và đất canh tác... Tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu, từ các đập thủy điện tích nước trên dòng sông Mê kông và từ chính tư duy ăn xổi của người dân chính là những nguyên nhân tác động trực tiếp đến nạn hạn hán và xâm nhập mặn đang đe dọa đến tính mạng của người dân trong nhiều tháng nay. Song để giảm thiểu tác hại của thiên tai, vực dậy tiềm năng của một vùng đất trù phú vốn được coi là vựa lúa lớn nhất của cả nước vẫn còn là bài toán cần có sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị xã hội, trong đó vai trò của nhà khoa học, của truyền thông được xem là cần đi trước một bước. Để thích ứng với biến đổi khí hậu, việc lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với độ mặn, hạn hán là yêu cầu bức thiết đang được dặt ra hiện nay, bên cạnh việc thay đổi tư duy từ ăn xổi sang làm ăn khoa học, tuân thủ tuyệt đối yếu tố mùa vụ theo khuyến cáo của chuyên gia và Bộ chủ quản. Trong quy hoạch cho cây lúa cao sản của đồng bằng sông Cửu Long chỉ sử dụng lúa ngắn ngày hai vụ đông xuân và hè thu, để mùa lũ tự nhiên cho khai thác thủy sản thiên nhiên. Đồng thời, tại vùng ven biển nhiễm mặn trong mùa khô, nên đã bố trí một vụ lúa trong mùa mưa, và khi dứt mưa thu hoạch lúa xong, lúc ruộng lúa đang còn sình lầy thì nông dân cho nước mặn lên ruộng để nuôi tôm, cá kèo, cua, v.v… đạt lợi tức trên 3 lần lúa với nước mặn. Như vậy, chúng ta không cần chống mặn bằng những biện pháp quá tốn kém để cố trồng thêm vụ lúa. Và với hướng đi này chúng ta không cần phải xem nước mặn là kẻ thù phải chống triệt để. Đã đến lúc, nông dân không thể làm giàu bằng lúa gạo, như kinh nghiệm 40 năm qua để nhường nguồn nước ngọt quý hiếm cho nước sinh hoạt của người dân ven biển. Và hơn lúc nào hết, phải đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, quyết liệt hơn trong thay đổi tư duy sản xuất lúa bằng mọi giá kể cả khi phải trả bằng chi phí cao chỉ để đem bán rẻ cho thế giới thụ hưởng. Hơn lúc nào hết, bằng truyền thống cần cù, chịu khó “có sức người sỏi đá cũng thành cơm” nông dân Việt Nam sẽ biến khó khăn, địch họa thành cơ hội cho sự phát triển. Và cụ thể ở đây là biến ngập mặn thành cơ hội để làm giàu chính là lựa chọn sáng suốt cho người dân vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện nay. Bởi lẽ, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất bị thiệt hại bởi tình trạng khí hậu biến đổi không lường từ thập kỷ vừa qua. Hay nói như giáo sư Võ Tòng Xuân “ngập mặn chính là cơ hội ngàn vàng để nông dân miền Tây làm giàu”.
(Nguồn: báo Văn Nghệ, Hội nhà văn VN)