Thi thoại tản mạn (VIII)
Nhà phê bình Hồng Diệu (ảnh Internet)
1. Hồi còn làm biên tập phần lý luận - phê bình ở tạp chí Văn nghệ quân đội, có lần tôi nhận được bài của một nhà nghiên cứu, viết về nhà thơ Chế Lan Viên, trong đó có dẫn mấy câu thơ này của nhà thơ:
Buổi ấy khi hy sinh chỉ có nụ cười, không có lời rên rỉ
Nguyễn Văn Trỗi thế mà Bế Văn Đàn lấp lỗ châu mai vẫn thế
Rõ ràng, ở câu thứ hai đã có một chi tiết sai: Bế Văn Đàn không phải là người lấp lỗ châu mai mà là người lấy thân mình làm giá súng. Phan Đình Giót mới là người lấp lỗ châu mai. (Hai anh Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn đều là anh hùng quân đội trong chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ).
Do không tiện cắt hai câu thơ trong mạch văn bình luận của tác giả, tôi đã để nguyên khi đưa in bài viết ấy, và ghi chú về sự nhầm lẫn của nhà thơ Chế Lan Viên (và cả tác giả bài báo) ở cuối trang.
Nhà thơ Chế Lan Viên nổi tiếng về tích lũy tư liệu. Ông có hàng chục quyển sổ ghi chép. Thế mà vẫn có lúc nhầm. Chuyện này nhắc những người viết văn chúng ta: vẫn cần phải cẩn trọng nữa, đừng quá tin vào trí nhớ của mình!
2. Quyển sách Tác phẩm được giải thưởng Tự lực văn đoàn do Bích Thu, Lưu Khánh Thơ, Thủy Liên sưu tầm - Nhà xuất bản Văn học in năm 2001.
Trong hơn 1.000 trang, những người làm sách cho in trọn những tác phẩm đã được giải thưởng Tự lực văn đoàn, từ giải chính thức đến giải khuyến khích; gồm thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, của các tác giả: Đỗ Đức Thu, Phan Văn Dật, Thế Du, Vi Huyền Đắc, Nguyên Hồng, Nguyễn Khắc Mẫn, Anh Thơ, Tế Hanh, Kim Hà và Mạnh Phú Tư.
Tuy nhiên, có một tác phẩm được giải thưởng Tự lực văn đoàn là tập thơ Tâm hồn tôi của nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) thì không hiểu sao, quyển sách không hề nói đến.
Có lẽ, sớm nhất là Hoài Thanh (và Hoài Chân) trong quyển Thi nhân Việt Nam 1932-1941 in từ lần đầu năm 1942 (đến nhiều lần trong những năm về sau) đã viết, khi giới thiệu về Nguyễn Bính: được giải khuyến khích về thơ của Tự lực văn đoàn năm 1937. Nhà văn Tô Hoài - người bạn lâu năm của nhà thơ Nguyễn Bính - trong hồi ký của mình cũng khẳng định: Nguyễn Bính được giải thưởng về thơ của Tự lực văn đoàn.
Còn có thể kể ra dăm sáu chục đến... một trăm bài báo, quyển sách - hơn nửa thế kỷ nay - xác nhận điều này; trong khi đó, chưa thấy một chỗ nào hoặc phản bác, hoặc nói ngược lại! (Mà nếu có chăng nữa, cũng phải nêu nguyên cớ).
Vì vậy, tôi nghĩ, chừng nào những người làm sách Tác phẩm được giải thưởng Tự lực văn đoàn chưa chứng minh một cách thuyết phục rằng: tất cả những người nói Nguyễn Bính được giải thưởng Tự lực văn đoàn đều sai, thì chừng ấy, họ còn mắc một sai lầm cũng không phải là nhỏ.
3. Tôi chưa được gặp nhà thơ Chu Hoạch bao giờ, và cũng biết về anh rất ít. Không rõ anh bao nhiêu tuổi, làm nghề gì, sống ở đâu, đã in riêng một tập thơ nào chưa... Hình như anh viết không nhiều, và mới qua đời cách đây mấy năm. Tôi chỉ đọc vài ba bài thơ của Chu Hoạch đăng báo, thấy bài nào cũng để lại ấn tượng, trong đó ấn tượng nhất là bài Bốn mùa, viết năm 1992, mà ngay sau khi đọc, tôi đã có mấy lời bình luận (trên báo Văn hóa). Có điều, không thấy ai nhắc đến bài thơ này. Cũng không thấy một tuyển tập thơ nào chọn in bài thơ này - mặc dù mấy chục năm nay không ít những tuyển tập thơ được xuất bản.
Bài thơ của Chu Hoạch:
Bốn mùa
Xuân - là cái cớ để yêu
Hè - là cớ để chiều chiều ra sông
Thu - là cớ để bềnh bồng
Bềnh bồng sắc áo
Bềnh bồng khúc ru...
Đông - là cớ để hong khô
Người hong khô tóc
Trời hong khô trời
Tôi hong khô lại nụ cười
Mà mưa Thu với sương rơi ướt đầm...
Thế rồi
Hết tháng
Hết năm
Lại Xuân!
Xuân đến thì thầm xui yêu...
Theo tôi, chỉ một bài thơ này thôi, Chu Hoạch đã đáng được gọi là thi sĩ. Tôi còn cho Bốn mùa là một trong những bài thơ hay nhất của các nhà thơ Việt Nam cổ kim viết về các mùa trong một năm.
Không biết đã có ai nghĩ đến việc sưu tầm, tuyển chọn một tập toàn những bài thơ viết về các mùa ở ta? Chắc đây sẽ là một quyển sách lý thú, bổ ích. Và trong số đó, với cách nói rất riêng của nó, Bốn mùa của Chu Hoạch có thể sánh với bất cứ một bài nào khác, của một tác giả nào khác.
4. Một lần, nhà thơ Xuân Diệu (1916-1985) bảo tôi: Làm thơ, cũng có khi phải ăn cắp! Anh ngừng một lát, rồi thêm: Nhưng ăn cắp rồi, phải biết phi tang!
Sau đó khá lâu, trong một lần trò chuyện với các thầy giáo khoa văn trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ở nhà riêng giáo sư Huỳnh Lý, mà tôi có dự, nhà thơ đã nhắc lại ý này.
Có lúc, tôi đã thử đi tìm xem Xuân Diệu đã "ăn cắp" và "phi tang" như thế nào trong thơ. Xin kể ở đây mấy trường hợp:
a) Trong bài thơ dài Trường hận ca rất nổi tiếng của nhà thơ đời Đường, Trung Quốc, là Bạch Cư Dị (772-846) khi nói tâm trạng Đường Minh Hoàng thương nhớ Dương Quý Phi, có câu:
Phù dung như diện liễu như mi
(Hoa sen như mặt, lá liễu như lông mày)
Không biết trước Bạch Cư Dị đã có ai nói đảo ngược như thế chưa; nói như thế vừa để lạ hóa câu thơ vừa để tạo ấn tượng mạnh - dù trong trường hợp cụ thể, văn cảnh bài thơ dễ gợi cho Bạch Cư Dị viết như thế.
Rất có thể, Xuân Diệu đã... học cách nói này của Bạch Cư Dị, khi viết nhiều câu như thế này, trong các bài thơ của anh:
- Huy hoàng trăng rộng, nguy nga gió
Xanh biếc trời cao, bạc đất bằng
- Tuyệt vời biếc núi xanh non
- Em cười đôi ngọc mắt đen
- Biếc trời, trong nước, xa thanh núi
Cao rộng tình ta, rực ráng chiều
- Bồi hồi sóng nước, thơm thơm gió
Đầm đậm cá chuồn, thơm thơm khoai v.v...
b) Cũng không phải ai khác, mà chính nhà thơ Xuân Diệu đã từng nhắc lại câu nói của nhà thơ và nhà cách mạng Thổ Nhĩ Kỳ Nadim Hítmét (1902-1963):
Anh yêu em như thể anh xiết chặt trái tim anh trong lòng bàn tay, khác nào mảnh kính vỡ đâm chảy máu ngón tay anh, khi anh bóp nát điên cuồng...
Tôi đoán mà không sợ sai rằng Xuân Diệu đã... học ý này của nhà thơ Thổ Nhĩ Kỳ để viết được một bài thơ tình tuyệt hay, đúng với chất của thơ tình Xuân Diệu:
Nhớ em
Nhớ em như một vết thương
Trong lòng; như vỡ mảnh gương trong lòng.
Như cầm cốc thủy tinh trong
Trong tay bóp nát, máu dòng dòng sa.
Em là vui sướng của ta;
Mến yêu vô tận, em là nỗi đau,
Sống trên quả đất tìm nhau,
Nhớ em như nước xoáy sâu đập bờ.
Hỡi người yêu mến muôn xưa,
Yêu muôn sau, với bây giờ đang yêu,
Những ai lướt sóng cưỡi triều,
Biển ân tình - có trải nhiều xót xa?
1959
Hình như những cách phi tang của nhà thơ Xuân Diệu trên đây cũng là một nghệ thuật?
HỒNG DIỆU (Nguồn: Tạp chí Thơ- HNV)