Những lát cắt đời sống trong “Miền chầu văn”
Lê Đình Cánh viết bút kí đã hơn 40 năm, kể từ khi ông rời tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, về công tác ở Đài tiếng nói Việt Nam năm 1973. Công việc ở Đài giúp ông được đi nhiều, nghe nhiều, gặp nhiều cảnh đời, nhiều nhân vật bút kí trong chính môi trường sống và lao động của họ. Ông có giọng văn bút kí riêng, lúc rỉ rả tâm sự, khi ngẫu hứng dí dỏm, lúc lại bất chợt xen vào một đoạn trữ tình ngoại đề đầy biểu cảm. Thuộc nhiều ca dao tục ngữ, am hiểu phong thủy và những kiến thức lịch sử phong phú cũng mang lại cho văn ông một nét hấp dẫn đặc thù. “Miền chầu văn” là tập bút kí thứ 7 của Lê Đình Cánh, do NXB Hội nhà Văn xuất bản năm 2016. Sách gồm 2 phần: Phần bút kí và phần tản văn, tiểu luận văn học.
Nhà thơ Lê Đình Cánh
Trong “Miền chầu văn” có nhiều bài viết về những cựu chiến binh đã đi qua chiến tranh và những người lính thời bình hiện nay. “Biển thức” là một bút kí đẹp về những người lính Hải đội 2 Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Ninh Bình và mối tình quân dân khăng khít giữa các anh với bà con ngư dân trên biển. Một trong những chi tiết thú vị Lê Đình Cánh đã đưa vào “Biển thức” là câu chuyện (vui) về anh lính trẻ gặp bác ngư dân phanh áo nằm phơi bụng trên thuyền trong ấm áp nắng xuân. Thấy lạ, anh lính hỏi thì ông bảo là đang phơi sách. “Sách ở trên bàn, trên giá, trong tủ… là sách của thiên hạ. Sách ở trong bụng mới là sách của mình”… Trong chiến lược Biên phòng toàn dân, để bảo vệ biển trời Tổ quốc chúng ta đã có những ngư dân thật tuyệt vời. Câu trả lời hóm hỉnh mà sâu sắc của bác ngư dân là một chi tiết bất ngờ tăng thêm sức hấp dẫn cho bài kí.
“Ngàn Nưa” lại là một bút kí hay và đầy cảm xúc khác. Ở vùng linh đia xứ Thanh này không chỉ có làng mỏ crôm Cổ Định nằm giữa làng lúa ngàn tuổi nước trong xanh u tịch bốn mùa, có “Chỗ này bồng bềnh hoa súng tím. Chốn kia sen tròn mở lá đón gió Tây Nam đầu mùa. Xa hơn, mặt nước mênh mông lãng đãng bóng mây trôi”... Dưới tầng sâu của làng ấy, dưới tầng sâu của Ngàn Nưa không chỉ có crôm, niken, côban hay bạc trắng… mà còn có những tầng lịch sử “lương địa kỳ nhân khả dĩ dung thân”. Đoạn văn tác giả luận về anh hùng và kẻ sĩ, về Bà Triệu, ông Tu Nưa, cha con Hồ Quý Ly, về cái Thiện và cái Ác… là một đoạn văn thật hào hứng và sâu sắc.
Mỗi bài bút kí trong “Miền chầu văn” là một lát cắt cuộc đời, một mảnh ghép của cuộc sống. Ở “Bừng sáng Mường La” là những thay đổi của hoa học-kỹ thuật đã làm thay đổi nhiều quan niệm và cuộc sống con người. Nói tới công trường lâu nay người ta quen với những tiếng máy tiếng động cơ gầm rú, quen hình ảnh khói bụi mịt mù, xe tải lặc lè và lao động cơ bắp vất vả của con người. Nhưng tiến bộ của công nghệ đã làm thay đổi hoàn toàn hình ảnh tưởng như “vĩnh cửu” ấy. Nhờ công nghệ bê tông đầm lăn, công trường thủy điện Sơn La dù đang giữa mùa thi công vẫn thưa thoáng và “êm ả như có thể nghe được nhịp chảy của sông nhịp thổi của gió, nhịp thở phập phồng của trập trùng bốn bề núi đá”. Nhưng điều không thay đổi, đó là bản chất những con người đang ngày đêm lao động hết mình cho sự thay đổi của quê hương đất nước. Ở “Cầu Vĩnh Tuy” là vấn đề phát huy nội lực. Vĩnh Tuy là “cây cầu đầu tiên nguyên chất Việt Nam. Vốn Việt Nam. Việt Nam thiết kế và thi công. Bài “Vượt lũ” là vấn đề chăm lo đời sống người lao động-nhất là đời sống tinh thần-và chăm lo xây dựng con người mới. Trong “Cát phì nhiêu” lại là những thành quả của chương trình xây dựng Nông thôn mới ở xã Bình Minh của huyện Tĩnh Gia-Thanh Hóa. Ở đấy những “cánh đồng manh mún vá chằng vá đụp, chi chit những mảng xanh chật hẹp của các hộ gia đình đã đi vào dĩ vãng. Từng thửa ruộng tự mở rộng lòng vừa đủ thênh thang cho cơ khí nông nghiệp hiện đại tìm về”. Ở đấy, “Đường bê tông dẫn đến mọi thôn cùng ngõ hẻm”. Trong làng thì “Nhà này hoa cúc vàng đung đưa trong gió. Nhà kia hoa vi-ô-lét tím kề bên thược dược hồng tươi…”. Và ở đấy, bên cạnh những mô hình làm ăn mới như HTX gia đình hay “doanh nghiệp ông”, “doanh nghiệp bà”… vẫn còn “lá kè xanh nhẫn nại cổ xưa như thuở Đào Duy Từ biệt xứ ra đi. Trước đó nữa , Nguyễn Hoàng đã khăn gói ra đi…”. Nhưng bên cạnh những thành quả ấy lại là những vấn đề mới đặt ra. Đó là làng quê nhà nhà đều cửa sắt giống nhau, bề rộng mặt tiền giống nhau, mái bằng tôn kính giống nhau… Là đường ít cây xanh, làng vắng tiếng chim nhưng lại thừa hơi nóng xả ra từ các máy điều hòa…
Ngoài 17 bút kí “Miền chầu văn” còn có 7 tản văn và tiểu luận ngắn. Tài hoa và công phu như các tản văn “Hoa sen”, “Cây núc nác”, “Nụ tầm xuân”… hay “Miền chầu văn” và ý vị như ở “Góp phần hòa giải”... Một “mách nước” thú vị về nghệ thuật sống của cha ông với bát nước chén trà khôn ngoan tinh tế. Chỉ một từ “qua” với nghĩa ban đầu chỉ chuyển động của một chủ thể từ nơi này đến nơi khác trong không gian, Lê Đình Cánh đã viết thành một tiểu luận gần nghìn rưởi chữ (Đi qua còn đọng lại) thật thấm thía. Hay chỉ một cách dùng từ “đến” của dân gian cũng gợi ra bao điều thú vị. Khi đơn giản “đến” được sử dụng trong phạm trù một thời gian xác định: Bao giờ cho đến tháng hai / Con gái làm cỏ, con trai be bờ… Có lúc nó lại vượt ra ngoài thời gian, không gian xác định, đi vào thế giới trừu tượng của thế thái nhân tình như trong câu ca dao: Khi vui thì vỗ tay vào / Đến khi hoạn nạn thì nào có ai… Đó là những phát hiện tinh tế không chỉ về thi pháp mà còn là về đời sống nhân loại.
Lê Đình Cánh tuổi Tân Tỵ (1941), sinh ở Thọ Xuân, một làng bên sông Cầu Chày miền Tây Thanh Hóa. Năm 1965, ông vào Thanh niên xung phong và dạy học cho TNXP ở Trường Sơn. Mãi tới năm 1969 ông mới ra Hà Nội qua mấy cơ quan rồi về Ban văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông yêu Vật lý và từng mơ ước thành một thầy giáo đứng trên bục giảng, nhưng số phận lại đưa ông đến với văn chương. Tính đến nay Lê Đình Cánh đã có 4 tập thơ và 7 tập bút kí văn hoc được xuất bản, mà tập bút kí nào cũng trên dưới 200 trang cả. Ông đã ba lần đoạt giải thi thơ trên báo Văn Nghệ. Thỉnh thoảng tôi tới thăm nhà ông ở đường Trường Chinh-Hà Nội. Cả gia đình ông ở trong ngôi nhà cũ, vốn là tiêu chuẩn của nhạc phụ, một cán bộ quân đội. Ông từng nhiều lần tâm sự ước mơ dành dụm đủ tiền về quê mua lại mảnh vườn xưa ông bà, mảnh vườn ông gắn bó suốt tuổi thơ... Nhưng nay thì ông không thể thực hiện được nữa. Từ hơn 2 năm nay ông đang phải chống chọi với căn bệnh quái ác, mỗi ngày tốn đến bạc triệu để chạy chữa, nhưng tiên lượng vẫn mỗi ngày một xấu. Người bạn đời yêu quí của ông cũng mới mất gần năm nay vì bạo bệnh. Những ngày này ông vẫn thường xuyên vào Việt-Xô để lấy thuốc. Người có gầy hơn, da có sạm hơn, tóc có thưa hơn nhưng ông vẫn ham đọc, ham trao đổi và bình tĩnh đón đợi mọi bất trắc. Ông mới khoe với tôi là vừa có một bài tản văn về đôi đũa Việt Nam in trên báo Hải Dương. Xin chúc mừng ông với tập bút kí “Miền chầu văn” và chúc ông giữ được sức khỏe để có thêm nhiều cuốn sách mới…
Nhà thơ NGUYỄN TRÁC