Sử nghề- Chuyện đời 60 năm ấy
Nhà báo Lê Khắc Hoan
Sau TRĂM MĂM LY HỢP , nhân vật Văn Trí lại xuất hiện trong Làm báo – Mực mài nước mắt. Văn Trí chính là Lê Khắc Hoan, là hiệu trưởng một trường tiểu học vào năm mới 21 tuổi, rồi lần lượt làm 6 tờ báo giáo dục, mà có lúc chỉ để viết 1 bài báo phải “7 ngày trèo núi, vượt “suối sâu đèo cao”, phải đạp xe xuyên Việt, phải thâm nhập thực tế tới 80 ngày. Ông còn làm báo ở tuổi 80 hôm nay, kiên định niềm tin đã gắn với “Tờ báo Người giáo viên nhân dân, ra đời năm 1959, thực sự là bạn đồng hành thân thiết của phong trào thi đua Dạy tốt Học tốt”.
Tập sách chẳng những là sử nghề, mà còn là chuyện đời 60 năm ấy. Chuyện những trí thức lớn, giáo sư tiến sĩ văn chương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Huyên, cùng Thứ trưởng, giáo sư viện trưởng Nguyễn Khánh Toàn và nhà văn Trần Thanh Mại, trưởng phòng Tuyên truyền và Báo chí của Bộ, đã có công khai sinh tờ báo ngành. Chuyện một nhà báo, rất tự tin lệnh cho in bài báo dài 8 trang của mình vào tờ báo chỉ có tổng số… 8 trang in, mà ông làm tổng biên tập. Cũng chính tổng biên tập này, dám khen một tin ngắn, khi tin ấy được viết dài thành… thơ.
Chuyện ngày ấy “…một anh lính trẻ gầy gò hay tới 14 Lê Trực thăm Phát. Cứ một hai tuần tới một lần. Chuyện trò tâm đắc. Đưa từng tứ thơ, câu thơ ra phân tích mổ xẻ”. Nhà 14 là tòa soạn báo Người giáo viên nhân dân, Phạm Phát là một biên tập viên, còn anh lính trẻ gày gò chính là nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam hôm nay.
Trở lên là những chuyện vui, chuyện người làm báo còn được làm báo bằng chữ nghĩa. Thời ấy, có khi phải nắm taythành qủa đấm, xuống chưởng mà làm báo: “Giám đốc Hải Phòng nổi tiếng nóng tính, mặt đỏ phừng phừng, đập bàn đánh chát rồi mới bắt đầu phê phán Báo sai. Đối lại, nhà báo cũng đập bàn cái chát, lần lượt bẻ từng luận cứ của giám đốc”.
Ngày ấy có nhà báo phải ngưng ngang sự nghiệp viên chức báo chí mẫn cán của mình, với một dấu chấm hết bằng nước mắt: “…mười ngày sau khi bài báo ấy “ló mặt”, Bộ tổ chức một cuộc họp toàn thể cán bộ báo ngành. Ông Thứ trưởng phụ trách tổ chức, mặt lạnh như tiền, trịnh trọng công bố quyết định đình chỉ chức vụ Tổng biên tập của[…]. Đương sự bàn giao công việc ngay để về hưu”. Quá bất ngờ ông tổng biên tập, bật khóc!
Chuyện “mực mài nước mắt” căng như bi kịch kể trên không ít, riêng chương VII – Đấu tranh này là trận cuối cùng chương kể chuyện các nhà báo chống tiêu cực đã có đến 4 nhà báo vì những lí do không đâu, mà lận đận, thậm chỉ có người phải vào tù. Nhưng, chuyện như hài kịch cũng nhiều, những hài kịch nay xem lại, cười rồi muốn khóc! Những kí giả phải đi buôn thật “…3 tạ muối, chất một đống chình ình giữa hai chiếc ghế bọc da mềm chạy dọc ô tô… Buôn từ tạ muối tới điếu thuốc lá, cũng chẳng tự xóa đói giảm nghèo được thì “ăn dè, hà tiện”, có nhà báo dồn sức bút viết sách và “ẵm nhuận bút tới 5.500 đồng, có thể mua liền hai ngôi nhà giữa lòng Hà Nội khi ấy (mỗi căn tương đương 5 tỷ đồng bây giờ). Nhưng số …không giữ được của. Anh trích mua một máy chữ xách tay Optima để “đầu tư cho sáng tác” và mua một xe đạp bằng khung Sài Gòn, lắp ráp phụ tùng gia công, còn lại gửi tiết kiệm. Nào ngờ, năm 1985 đổi tiền, khối tài sản nhuận bút khổng lồ … thành mớ giấy lộn”...
Cả khi làm báo chí ngoại giao cũng phải đi buôn: “cả đoàn sáng sáng nhận thuốc đều đặn. Ngày cuối cùng, nghỉ ngơi mua sắm, gộp thuốc là chung vào một túi, xách ra chợ Sáng ở Viêng Chăn, “cho đi ở”. Tiền chia đều làm ba phần. Trường Giang “đánh thông” cho thuộc viên, nói: ôi dào, mấy cụ cấp trên cũng thế, có ngài ra nước ngoài còn bỏ luôn hộp thuốc đánh răng dùng dở vào va ly mang về!”
Lấy đơn vị trang viết mà quy đổi thì lần 365 ngày, nhà báo Văn Trí – Lê Khắc Hoan đã có 21.900 nhật trình và đấy là bột để ông gột, thành Làm báo – Mực mài nước mắt. Nhờ từng trải ấy, lưng vốn ấy, và nhờ tính đa thanh của bút pháp, tác giả đã đưa đến cho bạn đọc chúng ta, nhiều chân dung nhân vật, nhiều giai thoại văn bút, chữ nghĩa, và đặc biệt nhiều kinh nghiệm nghề báo, từ triết lý báo chí, tới bếp núc tòa soan, từ sự kiên định cho cả đời người cầm bút, tới sự linh hoạt từng chữ trong mỗi bài… tất cả chỉ để bạn đọc mỗi ngày được đọc các tờ báo “Uyên thâm phong phú mà không dàn trải khô cứng. Cuốn hút đa dạng mà không câu khách rẻ tiền” như Kí giả tay mơ Văn Trí-Lê Khắc Hoan đã mơ ước, từng làm, đang làm và kêu gọi các đồng nghiệp trẻ cùng làm.
Trần Quốc Toàn