CHUYỆN VỀ HƯU CỦA NHÀ VĂN TRUNG TRUNG ĐỈNH
Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam
Vanvn.net - Mấy ngày qua, trên một số tờ báo giấy và báo mạng có đăng bài về chuyện về hưu của nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc NXB Hội Nhà văn với nhiều ý kiến trái chiều nhau. Để rộng đường dư luận và làm rõ chính kiến của Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam về vấn đề này, Vanvn.net xin đăng bài trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ của nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó chủ tịch Hội nhà văn VN, phụ trách công tác tổ chức của Hội.
- PV Tuổi Trẻ: Với tư cách là phó chủ tịch Hội nhà văn Việt Nam và là người mang quyết định bàn giao công việc cho giám đốc NXB Hội nhà văn Trung Trung Đỉnh, xin nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết lý do vì sao Hội nhà văn Việt Nam có quyết định được cho là "khá gấp gáp" như vậy?
-Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Xưa nay cứ đến tuổi hưu thì nghỉ hưu. Cả nước có hàng triệu người nghỉ hưu. Ở Hội nhà văn cũng có bao nhiêu nhà văn nghỉ hưu. Nào có gì đâu. Ai chả đến lúc như vậy. Tuổi hưu theo luật công chức là 60 với nam và 55 với nữ. Quy định của nhà nước như vậy. Hội nhà văn là Hội nghề nghiệp, nên có sự du di, thành X+2. Nghĩa là tuổi hưu cộng thêm 2 năm nữa. Nam là 62, nữ là 57. Ban Chấp hành đã thống nhất như vậy. Nhà văn Trung Trung Đỉnh sinh năm 1949. Như thế, năm nay, anh đã 67 tuổi. Quyết định Nghỉ hưu của anh Đỉnh vừa rồi không phải là quyết định đầu tiên. Cách đây 6 năm, ngày 1-4-2010, Chủ tịch Hữu Thỉnh đã ký quyết định cho anh Đỉnh về hưu. Nhưng rồi, anh Thỉnh đã rút lại. Hiện quyết định vẫn được lưu trong công văn ở Ban Tổ chức cán bộ.
- Về việc nhà văn Trung Trung Đỉnh trả lại Quyết định của Hội nhà văn, ông có bình luận gì về điều này? Quan điểm của Hội nhà văn về việc này ra sao?
- Với câu hỏi như trên, bạn đọc rất dễ hiểu lầm anh Đỉnh tham quyền cố vị. Anh ấy hoàn toàn không phải là một người như thế. Chính anh ấy cũng đã vài lần chủ động đề xuất về việc này, gần đây nhất là một văn bản như một thư ngỏ, gửi Ban Chấp hành và Chủ tịch Hữu Thỉnh, xin được nghỉ hưu. Và như thế là rất đàng hoàng. Trong đó, anh cũng đã đề xuất những người thay thế anh ấy. Và anh Đỉnh cũng yêu cầu cùng nghỉ hưu với anh Đỉnh là anh Trần Quang Quý, Phó giám đốc và chị Nguyễn Thị Anh Thư. Chính vì bức thư này, Đảng uỷ Hội nhà văn, rồi Ban chấp hành Hội nhà văn đã họp, thảo luận, bàn bạc và bỏ phiếu kín. 100% đảng uỷ viên của Đảng bộ, 100% thành viên Ban chấp hành đã đồng ý, để anh nghỉ theo nguyện vọng của anh. Ban chấp hành cũng đồng ý với đề xuất của anh, đồng ý để chị Thư nghỉ hưu từ 1-10 này, vì chị cũng đã 57 tuổi, đúng tuổi X+2 theo quy định của Ban chấp hành. Trước đó, Nhà xuất bản Hội nhà văn cũng đã nhận con chị Thư vào làm việc. Ứng xử như thế là rất phải. Anh Quý cũng nghỉ hưu, nhưng thời gian chỉ lui lại mấy tháng. Anh Quý sinh tháng 2-1955. Như thế theo X+2, thì tháng 3-2017 anh Quý mới đến tuổi nghỉ. Trong Quyết định, Chủ tịch Hữu Thỉnh cũng đã nói rõ: “Quý II năm 2017, anh Quý sẽ nhận Quyết định của Ban chấp hành”. Quyết định ấy là quyết định nghỉ hưu cũng như anh Đỉnh, chị Thư. Tôi cũng đã nói rõ ý Ban chấp hành như thế trong buổi chuyển Quyết định của Ban chấp hành do Chủ tịch Hữu Thỉnh ký ở Nhà xuất bản. Anh Đỉnh cứ hỏi: “Tại sao tôi với chị Thư có quyết định nghỉ hưu mà anh Quý lại không có quyết định nghỉ hưu”. Câu trả lời tôi đã nói ở trên, còn 7 tháng nữa anh Quí mới đến hạn. Không ai lại ký trước quyết định nghỉ hưu cho người vẫn còn thời hạn làm việc đến 7 tháng.
- Xung quanh việc về hưu của nhà văn Trung Trung Đỉnh, trong thời gian tới, Hội nhà văn sẽ có hướng giải quyết như thế nào?
- Nếu “có hướng giải quyết như thế nào”về việc trên thì là Quyết định của Ban chấp hành và Chủ tịch Hội. Việc nghỉ hưu của anh Đỉnh, Chủ tịch Hội cũng đã kí rồi. Ai trong chúng ta rồi cũng đến lúc nghỉ. Anh em nhà văn còn vung vinh thêm đến hai năm. Chỉ trừ Ban Chấp hành do Đại hội bầu, nên không tính tuổi theo tiêu chuẩn ấy. Nhưng ngay cả Ban Chấp hành, có người cũng đã nhận sổ hưu. Anh em tín nhiệm bầu thì họ gánh vác công việc của Hội. Họ làm việc của Hội, nhưng có lương của Hội đâu. Chỉ có chút phụ cấp. Vậy thôi. Ngay anh Đỉnh, chị Thư, nếu Nhà xuất bản yêu cầu, vẫn có thể mời làm hợp đồng một số công việc cụ thể. Hôm chuyển quyết định cho anh Đỉnh, tôi cũng đã gặp trước anh ở tại phòng anh, hỏi nguyện vọng của anh, và tôi cũng đã nhã ý mời anh làm biên tập cho cổng điện tử Văn Việt.nét mà Hội giao cho tôi phụ trách. Nhưng anh bảo, anh đã nghỉ là nghỉ. Trong tâm tư, tôi lấy làm tiếc về việc đó, nhưng tôi tôn trọng quyền được nghỉ của anh.
- Nhưng nhà văn Trung Trung Đỉnh không muốn bàn giao cho anh Trần Quang Quý mà chỉ bàn giao cho Ban Chấp hành…
- Tôi nghĩ, nếu Ban chấp hành có 15 người như khóa trước thì BCH có thể nhận bàn giao của anh rồi cử 1 ủy viên về phụ trách. Nhưng hiện nay BCH chỉ có 7 người, trong số đó, anh Nguyễn Bình Phương trụ ở Văn nghệ Quân đội, anh Trần Văn Tuấn ( mới được bổ sung) trụ ở TP Hồ Chí Minh, nên các việc cụ thể hằng ngày, trông vào chỉ có 5 người. Cái hạn chế này về số người lại mở một khả năng mới là tạo điều kiện cho anh em ngoài BCH tham gia vào công việc quản lí một số cơ quan cấp 2 của Hội, bởi Hội là của tất cả các hội viên. Chả lẽ chúng ta có hơn ngàn hội viên mà không tìm được người đảm trách ư? Ban giám đốc, anh Đỉnh nghỉ thì còn hai người, anh Quý và chị Hằng. Anh Quý làm chuyên môn một thời gian nữa rồi đến tuổi nghỉ thì nghỉ, còn chị Hằng là kế toán. Công việc của NXB văn chương nếu không giao cho nhà thơ Trần Quang Quý đương kim Phó giám đốc phụ trách thì chả lẽ giao cho cô kế toán ư? Dù việc chị Hằng hiện đang làm là một chuyên môn riêng, rất vất vả, cũng là chuyện “sinh tử” của NXB. Anh Quý vẫn còn 7 tháng nữa, và hiện vẫn đang là Phó giám đốc. Trưởng giao cho Phó là đúng quá. Rồi trong 7 tháng, thì tìm Giám đốc mới. Đấy là việc của Ban chấp hành và của Chủ tịch Hữu Thỉnh. Tất nhiên nếu tìm được người trẻ ở lứa tuổi 40, 50, hay ít nhất cũng một khóa là tuổi 55 đối với nam, hay 50 đối với nữ thì tốt nhất. Nếu trẻ hơn thì càng hay. Nếu họ làm tốt thì bồi dưỡng để họ gánh vác công việc của Hội, chứ không phải chỉ dừng lại ở đấy. Tôi nghĩ, các bạn báo Tuổi trẻ, báo Thanh niên, hay Tiền phong cần ủng hộ chủ trương này của Ban Chấp hành Hội nhà văn. Đừng đấy nó lên thành một chuyện bất thường. Cũng đừng dị biệt hóa Hội nhà văn. Vì thực chất, nó không phải như vậy.
- Chân thành cám ơn nhà thơ Trần Đăng Khoa.
PV: Vũ Viết Tuân, báo Tuổi Trẻ.