Tác phẩm và dư luận

19/7
6:48 PM 2016

Nhà thơ PHẠM NGỌC CẢNH về nơi ba con sông chảy đến

Phạm Ngọc Cảnh sinh năm Tuất (1934) ngay bên bờ con sông Cụt, giữa những ngày mưa lụt chưa từng thấy trước đó. Mang mệnh hỏa, lọt lòng mẹ cạnh dòng sông giữa mùa thủy cường, ông trời khéo chọn một trường hợp để thử thách ý chí của con người chăng?

                                                                                                 Nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh (ảnh VNQĐ)

  1. Sông Cụt, như tên gọi của nó, chỉ là một khúc sông nhỏ, bắt nguồn từ ngay trong lòng thị xã Hà Tĩnh (tôi muốn dùng từ thị xã thay cho thành phố), ngay mép chợ Tỉnh, chảy lững lờ loanh quanh qua con phố nhỏ có cái cầu nhỏ mang tên Cầu Sở Rượu, tiếp theo một con phố nhỏ khác có chiếc cầu nhỏ khác mang tên Cầu Mương, trước khi hòa vào sông Phủ. Nói đến núi Nài và sông Phủ thì dân thị xã không ai không biết, nhưng sông Cụt thì không phải ai cũng biết. Từ sông Cụt thẳng hướng đông nam đến núi Nài rồi nhằm hướng tây qua sông Phủ, làm thành cái tam giác mỗi cạnh cách nhau dăm ba cây số, vậy nhưng khoảnh đất nhỏ hẹp này đã sinh ra những tên tuổi Nguyễn Phan Chánh, Văn Linh, Cẩm Lai và Phạm Ngọc Cảnh. 

  2. Phạm Ngọc Cảnh sinh năm Tuất (1934) ngay bên bờ con sông Cụt, giữa những ngày mưa lụt chưa từng thấy trước đó. Mang mệnh hỏa, lọt lòng mẹ cạnh dòng sông giữa mùa thủy cường, ông trời khéo chọn một trường hợp để thử thách ý chí của con người chăng? 

Ngỡ như mẹ muốn con là Sơn Tinh/ Năm ấy lụt(Năm Tuất mẹ sinh con). Từ con sông nhỏ này, mười ba tuổi Phạm Ngọc Cảnh xa nhà gia nhập Vệ quốc đoàn, bắt đầu cuộc đời binh nghiệp, rồi cuộc đời của một chiến sĩ văn nghệ với những chuyến đi mút mùa không hạn định. Mẹ dìu con đi men qua cầu sông Cụt/ Rồi một đời hun hút trông theo (Năm Tuất mẹ sinh con).

Mẹ và khúc sông này, rộng ra là mảnh đất miền Trung gió Lào cát bỏng này, chiếm một góc lớn trong tâm hồn Phạm Ngọc Cảnh, sâu trong vô thức, đầy trong ý thức và luôn trong trực giác. Mắt quen nhìn rừng rực nắng miền Trung (Những sân ga, những chuyến tàu). Quê hương Hà Tĩnh với cái nghèo đeo đẳng, cái nắng héo tàn, cái cơ cực muôn đời, và cả cái tình sâu nghĩa nặng làm thành một chữ thương không phải miền quê nào cũng có được, đã ngân nga trong tâm hồn biết bao thi nhân, nhạc sĩ. Chữ thương ấy là ngọn nguồn của khát vọng sáng tạo, ngọn nguồn của trữ tình trong câu chữ, lãng mạn trong tâm hồn, lắng sâu trong tình cảm, như thể càng khó khăn càng phải rắn rỏi để lập thân, càng phải bay bổng để vượt thoát, càng phải thương yêu để xử sự. Phạm Ngọc Cảnh cũng bắt đầu nơi chữ thương ấy.Biết thương sâu/ Chiều cũ trốn xa rồi/ Nhặt tuổi thơ mình thoảng mờ sương trôi (Chiều). Tổ tôn bầm cháy lưng trần/ Lum khum dáng cuốc mờ chân núi Nài/ Vại cà mặn thấm nương khoai/ Nuôi nhau đủ tiếng thở dài mà đi (Lục bát trước nhà thờ họ Phạm).

Quê hương, đất đai tổ tiên không quên ai bao giờ, cho dù suốt một đời đi hun hút ấy, đôi khi con người ta vẫn thường lơ đãng. Cái tội của con là ít về bên nội/ Sớm mai này cha lặn lội đường ra/ Tàu vừa dừng xanh bóng nắng sân ga (Cha ra Hà Nội thăm con). Cái vùng đất đai nắng nôi ấy cứ trở đi trở lại trong thơ Phạm Ngọc Cảnh như một vết cắt không lành qua thời gian. Cát hằn nguyên nếp cam go/ Nắng vô tư cũng tròn vo nỗi niềm/ Vết da chém lỉa đôi miền/ Miền Trung ơi thịt da liền vẫn đau (Tản mạn miền Trung). Phạm Ngọc Cảnh tâm sự: “Như cả đời tôi lấy cái cầu bé nhỏ gọi là cầu Mương bắc qua sông Cụt làm vật chuẩn, làm cột mốc để dù có nới rộng bán kính lãng du tận đến đâu vẫn túc trực một tâm thức để hướng về” (Phạm Ngọc Cảnh, Tác phẩm tuyển chọn, Nxb Hội Nhà văn, 2015, tr.276). Ân nghĩa ấy cho Phạm Ngọc Cảnh đôi mắt của linh cảm, đồng cảm trong nhận mặt đồng hương. Em không phải Thạch Hà/ Em cũng là Can Lộc/ Đi đến chóp cuối cùng của Trường Sơn anh vẫn gặp/ Mặt trận mở trăm nhánh đường nghìn nghịt người vào ra anh vẫn gặp/ Nét riêng này quê hương (Nét riêng). 
 
2. Số phận gắn cuộc đời và sự sáng tạo của Phạm Ngọc Cảnh với sông Đuống. Mọi buồn vui, hạnh phúc và đau khổ, sự sống bắt đầu sinh sôi và cái kết thúc tịch diệt đều gắn với con sông này. Đây là khoảng thời gian anh từ Đoàn văn công Tổng cục Chính trị về Tạp chí Văn nghệ Quân đội, là giai đoạn thực hành chữ nghĩa (trả nghĩa) với những gì anh đã nhận từ cuộc đời. Tôi mang phận kiếp con tằm/ Ăn xanh màu lá khuya nằm nhả thơ. Ở cạnh sông Đuống có ngôi nhà nhỏ trong khu tập thể cơ quan Nhà máy gỗ Cầu Đuống, che anh gần cả một đời người. Nhà đầu hồi một gian, nhìn ra mấy thửa ruộng đủ để lắng nhịp hải hà vẫn đi qua màu sắc của đám lúa tưởng như giơ tay là với được. Xa kia là sông Đuống lấp lánh trôi. Đêm nằm, xa là sóng vỗ óc ách bờ sông Đuống, gần là tiếng lá lúa khẽ cọ vào nhau rì rào. Cái xa là tiếng gọi đi, cái gần là tiếng gọi về. Cái gần gọi về với hạnh phúc giản dị trong ngôi nhà có ngọn lửa ấm, cái xa là để nối với những rộng dài các con sông khác, những chân trời thi ca. Tháng năm này giỗ mẹ, tháng chạp này giỗ cha/ Này lật ải đồng gần, bừa ngấu đồng xa/ Quét sân phơi trang bùn gieo mạ/…Này bơi thuyền sang sông/ Về bên ngoại vay sắn khô ăn độn/ Này ngăn nắp từng đồng tiêu pha/ Như chiến tranh không xáo trộn được/ Ngọn lửa bao đời ấp ủ bếp nghèo ta (Cô Tấm trong nhà).

Biết có cô Tấm đảm đang trong nhà, từ góc nhỏ con sông này, Phạm Ngọc Cảnh như loài chim di cư, coi đây như cõi tạm, như chỗ dừng chân bất chợt, như trạm giao liên những ngày chiến tranh. Anh về làm rể thầy thương/ Mười năm, những chín năm thường đi xa (Con rể làng Bưởi). Phạm thi sĩ lấy sông Đuống làm tọa độ, làm điểm tựa để rong chơi, lãng du gần như trọn một kiếp người. Gần hết đời thấp thỏm dọc rừng hoang (Đêm nay mình ngủ cuối Phong Châu). Phạm Ngọc Cảnh đi đến tận ngọn nguồn sông từ Na Mèo, sang Viêng Xay, đến Sầm Nưa, tận chóp núi khuất như Lũng Cú, Bản Phiệt, Mường Lò. Và bám trụ Huế, Quảng Trị những ngày chiến tranh ác liệt. “Cả đời người, đặt bàn chân lên mặt đất mà bước đi. Cao thì trèo. Lên đến bản Mèo trên Lũng Cú Hà Giang. Xa như dốc cầu tàu ngoài Côn Đảo.

Nhưng dấu bước tôi đi, dày nhất, đậm nhất là ở Quảng Trị này” (Tác phẩm tuyển chọn, sđd, tr.207). Anh ngang dọc như không giữa bom đạn. Mỗi bước ta đi xoay chiều gió nắng/ Dốc Miếu, La Văng, An Lỗ, Sịa, Niêm Phò/ …Bên bờ sóng Tam Giang rào rạt cát Phong Chương/ Sóng bước cùng ta vào Huế đó (Đêm xuân Huế đỏ cờ bay). Phạm Ngọc Cảnh sớm ở Sầm Nưa chiều về Pakxế (Lăm vông); vừa ở Ba Lòng hôm trước đã lại có mặt ở Phong Lai hôm sau; vừa qua sông Pơlin xanh như mắt Kan Lịch tuần trước lại về thăm bà mạ ở làng Cùa vùng sâu tuần này; vừa ở Ấm Vách, A Sầu tháng trước đã lại vượt thác Đa Krông tháng này. Ngày vượt suối băng rừng đến các mặt trận, đêm cặm cụi viết. Câu thơ bới bới đào đào trắng tinh bùn đất (Cây với người). Với bút danh Vũ Ngàn Chi, sau những ngày bám địa bàn đất lửa với ngọn bút ta cài trước cửa tim (Điềm ơi), anh có tập thơ Đêm Quảng Trị (Nxb Giải phóng, 1972) từ miền Nam gửi ra tươi tắn cảm xúc, nóng hổi hơi thở chiến trận. Kể từ đó, cần mẫn như một nhà nông thạo ruộng đồng, cứ vài ba năm sau hàng chục chuyến đi về, anh lại gom in một tập và lần lượt hơn mười tập thơ, văn xuôi và hàng trăm lời bình phim tài liệu ra đời: Ngọn lửa dòng sông (1976),Xamaki (1981), Lối vào phía Bắc (1982), Trăng sau rằm (1985), Đất hai vùng (1986), Miền hương lặng (1993), Nhặt lá (1996), Khúc rong chơi (2000), Góc núi xôn xao (1999), Cát trinh nguyên (2003), Bút kí (2006)...

Thơ Phạm Ngọc Cảnh là kí ức tinh thần của những ngày tháng chiến tranh cực kì gian khổ nhưng rất đỗi hào hùng. Mở đầu bằng tập thơ Gió vào trận bão (Nxb Văn học, 1967, in chung với Ngô Văn Phú và Hoài Anh). Phần thơ của Phạm Ngọc Cảnh có tên Hành quân như bắt đầu bằng một chuyến đi lớn, chuyến đi của những sư đoàn. Phạm Ngọc Cảnh trình diện một giọng thơ rất hào sảng, cái hào sảng đặc trưng như đang trên những đại lộ với những tình cảm lớn của thời đại không thể khác của thơ ca và âm nhạc thời ấy. Hành quân, hành quân/ Trùng điệp những sư đoàn/ Đi lên phía Bắc/ Tràn về hướng Nam/ …Này đây/ Doi cát Cửu Long xanh/ Sư đoàn châu thổ/ Giữa bãi sú rừng tràm/ Vụt đứng dậy sư đoàn Nam Bộ/ Sư đoàn Tây Nguyên/ Từ hầm chông, bẫy đá, cung tên/ Này đây cực Nam Phan Rang, Phan Thiết… Và anh khẳng định: Lại có một ngày/ Mọi cửa ô Sài Gòn hớn hở/ Như Hà Nội mười năm trước đây/ Ba mươi sáu đường hoa tung sóng đỏ (Sư đoàn). Hà Nội mười năm trước và Sài Gòn mười năm sau đó, chiều dài một cuộc chiến mà những lứa tuổi, sớm là Phạm Ngọc Cảnh, Ngô Văn Phú, Lê Anh Xuân, Thu Bồn…, muộn là những Hoàng Nhuận Cầm, Vũ Đình Văn… phải đương đầu.
Thơ Phạm Ngọc Cảnh tràn ngập không khí chiến trận. Chớp ngầm trong mây giăng/ Mưa tháng bảy rập rình ngoài Cốc - muộn/ Đêm cao điểm/ Vòng vây ta ép mỏng/ Rót vào giấc ngủ quân thù/ …Đồng chí ta lật nắp hầm nổ súng/ Trước giờ ngã xuống/ …Tiếng thét cả sư đoàn ép mỏng thời gian/ Mỗi đường đạn xoáy vòng cao điểm (Nhật kí 935). Một lớp học em ta rung trong tầm đại bác/ Gọi lòng ta vót nhọn mũi lê đâm/ …Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh (Đêm Quảng Trị). Xốc lại đội hình/ Hàm răng nghiến chặt/ Sáu viên đạn lao đi (Chuyện không bao giờ dứt ở tiểu đội)… Súng đạn thay cho lời nói: Điều muốn nói nằm trong bụng súng (Điềm ơi); thay cho ý nghĩ: Nghĩ về tương lai đã có súng/ Những gì xốn xang, những gì lắng đọng/ Trang trải mặt chiến hào (Giấc ngủ), Phủi bụi áo ra đi mắt ngầm lửa giận/ Đêm trên sông Pơlin (Sông Pơlin rất xanh)…

Thơ Phạm Ngọc Cảnh cũng thấm thía nỗi buồn thế sự những năm đất nước hòa bình nhưng gian lao. Chiến tranh gối chiến tranh. Đường chia ba nhánh ngầm đau/ Dồn ba hút gió vò nhàu mép sông/ Gót chân chú lính biên phòng/ Giẫm lên vết hận bềnh bồng dưới mưa/ Bao nhiêu máu nhuộm cho vừa/ Ngàn lau cúi mặt bóng thưa hồn về (Ngàn lau bản Phiệt). Đôi đũa chúng ta cầm/ Gắp được cả tháng ngày cay đắng/ Cả tháng ngày gian nan (Anh ấy sẽ sang chơi). Đối mặt với những khát khao là cái đói nghèo/ Trộn giữa bát cơm đơm, nằm trong áo mặc/ Ẩn náu suốt đời ta đánh giặc/ Bây giờ nó rập rình theo (Đêm nằm võng bạt). Lãng du và đa tình hình như là cách thế để Phạm Ngọc Cảnh vượt thoát cái “đau nỗi người”. Mưa nắng nhuộm mòn tóc râu (Buổi sáng). Rong chơi chín khúc mà đau nỗi người (Khúc rong chơi). Đã rình rập giữa hai ta/ Một tầng khí vặn phong ba dữ dằn (Dự báo thời tiết). Nước mắt lặng thầm đêm cuối chạp(Cháu nội II). Nhưng khi gió thổi lắm điều/ Tôi buồn hết cả ba chiều không gian (Lục bát cho mình). Khi thương khi giận/ Khi đuổi khi mời/ Khi cơn cớ thất thường thác đổ/ Khi nước mắt đắng vào huyệt mộ/ Bát canh nghèo/ Em nuôi (Lá đắng nuôi chồng)…
 
3. Trong bút kí Sông Mã và tôi, Phạm Ngọc Cảnh viết: “Không có con sông Việt nào mà tôi chưa từng qua” (Tác phẩm tuyển chọn, sđd, tr.215). Nhưng sông Mã là con sông nhiều lần anh đi qua và dừng lại. Nắng gió bờ Nam Ngạn đã níu chân lãng du. Cảm ơn gió trời thổi mãi tóc em/ Mùi hương dẫn dắt không bao giờ lạc/ …Cảm ơn em yêu đã gọi anh về/ Cảm ơn chén nước đầu tiên… rửa sạch quãng dài quên lãng (Em xa, em xa).
Người đàn bà ấy trước vì mê thơ Phạm Ngọc Cảnh, sau vì thương anh khó nhọc mà nguyện gắn bó và chia sẻ với anh những năm cô đơn cuối đời và làm thành một khúc vĩ thanh của bản hòa tấu khi dòng sông ra đến cửa biển. Phạm Ngọc Cảnh về đây lúc tuổi đã cao, sông cũng đã đến khúc hiền hòa. Anh đã có thể an nhàn sau suốt gần tám mươi năm một cuộc đời sôi nổi. Nhưng với một kẻ lãng du lấy xê dịch làm niềm vui sống ở đời thì hình như khó dứt hẳn những dư ba còn đâu đó xa thẳm. Những im lặng trong anh còn ngún lửa (Em xa). Vậy là hình như vẫn chưa đến hồi yên tĩnh, vẫn còn đó những lo âu của một tâm hồn đa cảm, đa sự, đa nghĩ.Nụ hôn cuối ngày gặp gỡ/ Con đường là bão giông/ Em gói kĩ một thời thiếu nữ vào tấm áo mỏng/ Lội qua chỗ cuối cùng ướt ngập (Em xa, em xa, em xa). Vẫn còn đó những cô đơn của một kiếp làm thi sĩ, nhất là đến tuổi bệnh tật, ốm đau. Mùa đông tận ngoài sông xa/ Gió và cát thổi đêm mờ lạnh/ Sóng cũng hoang vu/ Bờ cây anh trút lá/ Vầng trăng bỏ anh vầng trăng đi rồi(Còn gì cho nhau). Dầu sao, sự bù đắp cho những tháng ngày cuối cùng kia cũng đã làm anh có lúc vui và trẻ lại. Yêu em như gió hát sau vườn (Em xa, em xa, em xa).
 
4. Những ngày cuối cùng, như con từ quy nhớ nhà, anh muốn được trở về sông Đuống và ra đi, chuyến đi dài nhất của đời mình, tại đó. Đến đưa tiễn anh một buổi sáng tháng mười, gió từ sông Đuống thổi đến se lạnh, trời như cũng dâng một màu xám chì buồn thương. Bàn chân từng ngang dọc khắp thế gian giờ đã đến lúc dừng lại, nghỉ ngơi thanh thản. Nhưng anh còn có một tâm nguyện khác, sẽ được về yên nghỉ tại nghĩa trang núi Nài, sông Phủ. Xin thần tổ gọi con về/ Lắng cùng sông Phủ le the bóng chiều (Trước nhà thờ họ Phạm). Đến lúc đó là xong vòng đi của một hạt bụi, hạt bụi một đời đam mê lãng du và cần lao sáng tạo.
Từ sông Cụt trở về sông Cụt, nhưng đây chắc chắn là nơi ba con sông chảy đến. Nơi trở về hạnh phúc

                                                                                                                                                   LÊ THÀNH NGHỊ (Văn nghệ Quân đội)                                 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *