VĂN HỌC MẠNG: THẾ MẠNH VÀ HẠN CHẾ
Ảnh minh họa (nguồn: Internet)
Trong bài viết Đi tìm bản thể luận và nhận thức về ý nghĩa văn học mạng, Âu Dương Hữu Quyền nêu lên ba điểm mạnh, có thể xem là đột phá của văn học mạng. Thứ nhất, văn học mạng “giải phóng quyền diễn ngôn văn học, thể hiện xu thế của văn học thời đại khoa học kĩ thuật cao quay về với ý thức thẩm mĩ dân gian”. Thứ hai, “văn học mạng thể hiện tinh thần tự do nghệ thuật”. Tinh thần này thể hiện ở chỗ văn học mạng “phá vỡ các lề thói văn học truyền thống”. Thứ ba, “văn học mạng phá bỏ thông lệ cũ từ nhiều phương diện khác nhau, cung cấp cho diễn tiến lịch sử của thể chế văn học một khả năng mới và sự lựa chọn mới”. Trong bài viết này, chúng tôi làm rõ hơn không chỉ thế mạnh mà còn cả hạn chế của văn học mạng.
Trước hết, lợi thế của văn học mạng đến từ chính môi trường sinh thành. Một số nhà nghiên cứu đã bàn đến vấn đề sự lai ghép giữa yếu tố văn học với yếu tố mạng như là hai thành tố cấu thành thực thể văn học mạng. Tuy vậy, văn học mạng, như đã nói, không phải là văn học được đưa lên mạng, văn học trong không gian mạng… mà đó là thứ văn học được sinh thành, phát triển, vận động hoàn toàn trên nền tảng mạng. Nếu nó có trước hoặc rời xa môi trường mạng sẽ không còn là chính mình nữa. Do vậy, mạng trở thành quy chiếu, có vai trò xác lập đặc tính loại hình chứ không đơn giản chỉ là khái niệm về môi trường.
Một phân tích sâu hơn từ quá trình theo dõi các trang cá nhân của Trang Hạ, Trần Thu Trang, Keng, Gào, Kawi Hồng Phương, Nguyễn Ngọc Thạch, Nguyễn Phong Việt, Lương Đình Khoa, Born – Trần Minh Trang… với những lợi thế hiển nhiên của môi trường mạng cho phép chúng ta hình dung về những khả năng của văn học mạng trong kỉ nguyên công nghệ. Không ai có thể phủ nhận những ưu việt của mạng internet trong đời sống hiện nay. Không chỉ văn học mà tất cả mọi hoạt động của con người, văn hóa, lịch sử, chính trị... đều đang diễn ra một cách rất nhanh chóng, phong phú trên mạng. Từ chuỗi sản xuất, quảng bá, lưu thông, in ấn, phát hành, phân phối và phản hồi các sản phẩm văn học trên mạng, có thể xem văn học mạng là hình thái nguyên thủy của các sản phẩm văn học tiếp theo (ăn theo). Và, không nghi ngờ gì khi ta nói rằng, những tác phẩm văn học mạng khi in thành sách giấy được chú ý chính nhờ nó đã được đông đảo bạn đọc truyền tụng trên internet. Sách giấy, đôi khi chỉ là một thứ quà tặng, một sự cụ thể hóa niềm yêu thích tác phẩm trên mạng. Nếu để ý đến số lượng phát hành những cuốn sách có nguồn gốc từ mạng, chúng ta sẽ giật mình vì số lượng rất đáng mơ ước đối với các tác giả văn học sách giấy - kể cả tác giả lớn. Từ những tương tác này, một vấn đề hoàn toàn có thể được đặt ra đó là sự gắn kết hay nương tựa vào nhau của hai hình thức xuất bản: mạng và giấy in. Các tác phẩm được khai sinh trên mạng trước khi xuất hiện dưới dạng giấy in bằng truyền thông, quảng bá sẽ đến với đông đảo công chúng, qua đó nâng cao mức đọc của người dân. Và, từ giờ sẽ chẳng có lí do gì để lo lắng khi một tác phẩm có giá trị lại không thể tìm được con đường đến với công chúng hay tìm được công chúng của mình.
Nhận định về vai trò của người đọc và hình thức công bố trên mạng, tác giả Hà Thanh Phúc cho rằng: “Văn học mạng có lợi thế là đến rất nhanh với người đọc và nhận được sự phản hồi liên tục, tạo được một không khí rất sôi nổi giữa người viết và độc giả. Vì vậy, trước khi ra sách, một phần tác phẩm được đưa lên mạng cũng giống như “trailer” giúp sách khi ra mắt chính thức sẽ bán chạy hơn. Phúc nghĩ hai hình thức này tồn tại song song và hỗ trợ nhau rất hiệu quả. Bên cạnh đó, việc nhận được nhiều comment của độc giả sẽ khiến tác giả có cái nhìn nhận đa chiều hơn về tác phẩm của mình. Mục đích của việc chuyển thể văn học mạng sang văn học truyền thống nhằm mang tác phẩm mạng đến với nhóm độc giả không thích đọc online. Và từ đó, sẽ khiến văn học mạng gần gũi hơn với đông đảo người đọc”. Không chỉ Hà Thanh Phúc mà nhiều tác giả khác đều thừa nhận tính chất nhanh chóng trong kết nối là thế mạnh của văn học mạng. Trong không gian mạng, trong thời đại kĩ thuật số… con người không có nhiều thời gian, do vậy, việc chia sẻ, thể hiện, bày tỏ, tiếp nhận một cách nhanh chóng trở thành đòi hỏi có tính chất đặc trưng. Cư dân mạng cần được bộc lộ, bày tỏ, được sống với thời điểm hiện tại. Đúng như Gào đã chia sẻ trong một diễn đàn trực tuyến về văn học mạng: “Việc viết vốn dĩ chỉ đơn thuần như một sự chia sẻ trải nghiệm. Viết nhiều vì cảm xúc tràn đầy cần phải được sẻ chia. Gào không có ý định tạo dựng nên những điều kì vĩ, Gào chỉ đơn giản nghĩ về những thứ gần gũi, thân quen, những tình cảm lỏi len trong cuộc sống. Văn của Gào là sự kết tinh thô mộc của tất cả những thứ đó. Người ta có thể đọc nó để khóc, để cười, để giải khuây hay để thấm, để ngấm, thì tùy người đọc, họ có quyền”. Theo dõi facebook của Gào, có thể thấy độc giả đọc và comment ngay, có những comment về câu chuyện, lại có những bình luận cho rằng đó chính là câu chuyện của tác giả, thậm chí có người động viên, an ủi lúc buồn, chúc mừng khi có chuyện vui - tưởng là chuyện vui buồn của tác giả. Nghĩa là, trên diễn đàn đó câu chuyện vừa là trung tâm, vừa là cớ, vừa là hư cấu, vừa là (như) thật. Có trường hợp, độc giả còn chia sẻ (share) cho người khác, như một món quà, một lời nhắn gửi, một thông điệp hay một tâm trạng. Rồi cũng có khi, từ câu chuyện của Gào, dẫn dắt đến những câu chuyện khác không được viết ra của những người khác vốn đồng cảm với câu chuyện trên facebook của Gào.
Đa phương tiện, tương tác và siêu văn bản là đặc trưng của không gian mạng nói chung và nghệ thuật mạng nói riêng. Thực ra, những đặc trưng này đều thể hiện sự liên hệ mật thiết trong cơ chế vận hành của internet. Có thể thấy, siêu văn bản chính là hệ quả của sự tương tác đa phương tiện trong không gian mạng. Văn học mạng sử dụng và thể hiện đầy đủ những đặc trưng này, vì thế, như Cynthia Freeland đã lập luận, sự vận hành của nghệ thuật mạng đã phá bỏ tính tuyến tính của giao tiếp kiểu truyền thống (sách giấy hoặc giao tiếp bằng lời nói). Kiểu giao tiếp đa chiều, đa điểm, thậm chí không thể tiên đoán do các hiệu ứng hyperlink (chữ, hình, biểu tượng, chương trình nằm trong văn bản sẽ xuất hiện nếu chúng ta click chuột vào đó), pop-up screen (màn hình phụ chứa thông tin quảng cáo sẽ nhảy ra màn hình chính khi ta click chuột ở màn hình chính) khiến cho giao tiếp trên mạng luôn tiềm tàng khả năng bị “quyến dụ”. Đây là thế mạnh nhưng cũng tiềm tàng những hạn chế của không gian mạng nói chung và văn học mạng nói riêng.
Hạn chế của văn học mạng
Không phủ nhận thành tựu to lớn mà kỉ nguyên công nghệ mang lại cho nhân loại, trong đó có văn học. Tuy nhiên, trong một hình dung mà tâm lí bất an của thời hiện tại luôn hiện diện, chúng ta buộc phải đặt ra vấn đề: đâu là hạn chế của văn học mạng, mặt trái hay những hiểm hoạ, nguy cơ và giới hạn của nó?
Văn học mạng bị giới hạn bởi chính nền tảng phát triển của mình – nền tảng internet và các điều kiện vật chất khác tương ứng với nền tảng này: máy tính, điện thoại thông minh, modem, đường truyền, năng lượng… Như Jean - Claude Carriere và Umberto Eco đã bàn luận trong Đừng mơ từ bỏ sách giấy, các thiết bị tối tân, những tưởng là giải pháp bền vững cho sự phát triển hay lưu trữ, kì thực là một hạn chế, một điểm yếu. Tuổi thọ của các thiết bị tương ứng (bao gồm các thiết bị đầu vào, đầu ra, phần cứng, phần mềm) luôn ở trong trạng thái rất dễ rơi vào lạc hậu và bị vượt qua. Phân tích của Carriere và Eco đúng đến nỗi người ta phải giật mình. Tốc độ phát triển của công nghệ càng nhanh thì thiết bị công nghệ càng sớm lỗi thời, lạc hậu. Điều này dẫn đến việc khả năng lưu trữ, bảo toàn dữ liệu không được bền vững. Nếu không có điện, không có mạng, không có máy tính hay các thiết bị tương thích với nền tảng mạng, người viết, người đọc sẽ chẳng làm được gì cả. Cũng như thế, khi sự cố xảy ra, tất cả tài nguyên của môi trường mạng có thể sẽ không thể sử dụng, truy xuất, thậm chí có thể hoàn toàn mất đi. Như thế, môi trường mạng vừa là tự do, là điều kiện tốt cho sự phát triển nhưng cũng lại là hạn chế lớn nhất của xã hội văn minh. Văn học mạng phát triển trong môi trường internet nên dĩ nhiên mang toàn bộ ưu và nhược điểm của không gian này. Chưa nói đến chất lượng hay những giá trị nghệ thuật khác của văn học mạng, chỉ riêng việc bị phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ khiến cho cư dân của cộng đồng mạng tưởng là rộng lớn nhưng thực chất là bị thu hẹp so với môi trường giao tiếp xã hội thật sự hoặc cộng đồng người viết - đọc sách giấy. Để có thể tham gia giao tiếp trong không gian văn học mạng, trước hết, phải được trang bị các thiết bị công nghệ. Thứ hai, phải là những người biết sử dụng công nghệ - đây là câu chuyện đau đầu nhất đối với con người khi không phải ai và lúc nào cũng có thể cập nhật công nghệ từng ngày từng giờ, từng giây… Có một sự thật là, nếu không nắm được công nghệ, trong môi trường mạng, bạn là một kẻ mù chữ. Thứ ba, yêu cầu đăng kí sử dụng, khai báo thông tin, đăng nhập, mật khẩu… điều này cũng đã được cảnh báo về tình trạng mất an toàn thông tin cá nhân và những câu chuyện riêng tư trên mạng.
Mặt khác, sự tương tác nhanh, ngắn gọn, dễ hiểu, kịp thời giữa tác giả, tác phẩm và người đọc, giữa những người đọc với nhau đôi lúc cũng gây ra những hệ lụy, mâu thuẫn đáng tiếc. Khảo sát facebook của một số tác giả văn học mạng, có thể nhận thấy các biểu hiện này. Tình trạng xóa comment, antifan, bị chặn… có thể diễn ra nếu gặp phải những tương tác trái chiều. Đối với tác giả, có thể do đặc tính viết ngay trên mạng nên đôi lúc đã dẫn đến những nhầm lẫn không kịp sửa chữa. Trên facebook của Kawi Hồng Phương, trong một đoạn của Bí mật người yêu cũ, khi đang kể chuyện ở ngôi thứ ba - Giang Thanh, tác giả lại nhầm sang ngôi thứ nhất - Tôi. Ở một truyện ngắn khác (Anh trai và em gái), tác giả mới viết một đoạn đã quên tên nhân vật. Ở trên là Minh Nguyên, một đoạn sau là Kim Nguyên. Khi độc giả hỏi, tác giả trả lời: do bị nhầm. Ngay cả một tác phẩm, trong những phần post khác nhau, tiêu đề của chap cũng thay đổi. Chẳng hạn ở Khúc mưa tan: Chap 5, lần post 1: Mưa tan dẫn lối cầu vồng/ Phần tiếp: chẳng hạn ở Mưa tan gọi cầu vồng (12/10/2014)… Điều này cũng là những câu chuyện của văn mạng, không có trong các ấn phẩm xuất bản giấy in (trừ tác phẩm văn học mạng được xuất bản dưới dạng giấy in).
Tốc độ là đặc tính của công nghệ số, do vậy, đời sống trên mạng phụ thuộc vào khả năng tương tác và tạo dựng giá trị có tính thời điểm, ngắn hạn thay vì chiến lược dài hạn như trước đây hoặc trong môi trường văn học giấy in. Các bên tham gia hệ thống này buộc phải có ý thức: nhanh, gọn, tập trung, tạo hiệu quả ngay, chiếm lĩnh và khẳng định trong thời gian ngắn. Theo phân tích của Jakob Nielsen, một trang mạng chỉ có khoảng 10 đến 20 giây để thu hút sự quan tâm của độc giả. Như vậy, tốc độ có thể là thế mạnh, nhưng đồng thời chính là căn nguyên của tình trạng nông nổi, hời hợt, chạy theo thị hiếu dễ dãi, đáp ứng các yêu cầu có tính tức thời của công chúng. Ta hiểu vì sao những trang viết chất lượng, sâu sắc, với hàm lượng tri thức, nghệ thuật cao có thể bị đào thải ngay trong môi trường mạng, thậm chí ngay trong đời sống hiện nay. Không khó để nhận ra điểm hạn chế này trong không gian văn học mạng. Sự thật, những tác phẩm văn học mạng có nội dung khá dễ dãi, đơn giản, phục vụ thị hiếu của công chúng vốn là những người trẻ tuổi. Đọc một số tác phẩm của Trần Thu Trang (Phải lấy người như anh, Nhật ký tình yêu TIO), Hồng Sakura (Xu Xu đừng khóc), Gào (Cho em gần anh thêm chút nữa, Nhật ký son môi, Yêu anh bằng tất cả những gì em có, mất anh bởi tất cả những gì em cho), Kawa Hồng Phương (Shock tình, Anh trai em gái), Hà Thanh Phúc (Cảm ơn người đã rời xa tôi), thơ trên facebook của Nguyễn Phong Việt, những tản văn và thơ dưới dạng videos hay blog radio của Lương Đình Khoa (Tuổi thanh xuân đôi chuyến tàu đi lạc)… có thể thấy một hệ giá trị khác, một hệ thống tiêu chí, quan niệm khác đã được xác lập, khác với hệ giá trị mà giới hàn lâm, tinh hoa đang cổ suý. Rõ ràng, với nguyên lí đề cao tốc độ, người viết, người đọc không có thời gian để đọc cái gì quá dài, quá khó, mất thời gian, tâm sức… Đây có thể là một hạn chế, nhưng trước hết đó là một cơ chế, một nguyên lí đảm bảo cho sự tồn tại của loại hình văn học này. Bởi thế, nếu xem đó là hạn chế lại cũng là cách nhìn từ một quy chiếu khác. Dẫu như vậy, hệ lụy của tốc độ chính là con người thiếu đi tính kiên nhẫn, sự bình tâm cần thiết, thậm chí là không có thời gian để suy ngẫm thấu đáo một vấn đề. Chính tốc độ là nguyên nhân dẫn đến những nôn nóng, cáu bẳn khi tương tác, nối kết chậm diễn ra.
Những hiệu ứng tương tác trên môi trường mạng vô tình đã làm phiền người đọc, người xem, thậm chí dẫn người đọc, người xem đi chệch khỏi mục đích ban đầu của việc truy cập, đăng nhập vào một địa chỉ. Với vấn đề này, Jakob Nielsen cho rằng, độc giả mạng nói chung đọc theo hình chữ F. Nghĩa là từ trên xuống dưới (quan sát), từ trái sang phải (quan tâm). Tuy nhiên, trong môi trường mạng, người đọc luôn có nguy cơ bị dẫn đi chệch hướng bởi các ứng dụng xuất hiện, các link phụ, liên kết, dẫn dắt rời xa mục đích truy cập ban đầu. Điều này dẫn đến những than phiền về việc mất thời gian trên mạng mà bất cứ người dùng nào cũng có thể hơn một lần vướng phải. Việc đọc và bình luận trên mạng, có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát của người bình luận, người viết. Có khi, nội dung bình luận đi ra ngoài vấn đề, câu chuyện của tác phẩm, xuất phát từ một chủ đề nào đó. Vì thế, trên mạng thường xuyên diễn ra tình trạng “bị quyến dụ”. Mặt khác, tính chất “đám đông”, sự a dua cũng trở thành một hạn chế không nhỏ của văn học mạng nói riêng và đời sống online nói chung.
Cho đến nay, văn học mạng không còn là điều xa lạ với công chúng, nhất là giới trẻ và bộ phận độc giả biết sử dụng internet. Văn học mạng là hiện tượng có tính tất yếu trong bối cảnh con người có được những thành tựu to lớn từ công nghệ. Internet trở thành một không gian sống, do vậy, những gì có khả năng kiến tạo một đời sống đều có thể tìm thấy hoặc được tạo nên trong môi trường này. Văn học mạng, trước hết là một hiện tượng xã hội. Do vậy, việc xem xét những khả năng, ưu điểm cũng như hạn chế của nó là cần thiết, tương tự như những suy xét về các hiện tượng khác của đời sống, lịch sử, văn hóa
Nguồn: Văn nghệ Quân đội