Tác phẩm và dư luận

28/6
7:33 PM 2016

THAM LUẬN VĂN HỌC 30 NĂM ĐỔI MỚI: SỐ PHẬN CỦA DÂN TỘC VÀ NHÂN DÂN VẪN PHẢI LÀ MỐI QUAN TÂM HÀNG ĐẦU CỦA VĂN HỌC

Có người nghĩ rằng sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì vấn đề số phận dân tộc đã được giải quyết: nước đã hoàn toàn độc lập, nhân dân đã được chăm lo hạnh phúc vì đã cống hiến và hi sinh quá nhiều, lại được Đảng chân chính, người đã đồng cam cộng khổ với nhân dân suốt 45 năm (1930 - 1975) lãnh đạo.

                                                                                        Nhà thơ Đặng Hiển (ảnh: Internet)

Nhưng sự thực không đơn giản như vậy. Nền độc lập hoàn toàn của nước ta vẫn bị ngoại bang đe dọa. Hai cuộc chiếc tranh biên giới ác liệt khiến nhân dân ta mặc dù vừa trải qua 30 năm chiến tranh, chưa kịp phục hồi sức lực đã lại phải gồng mình lên để chiến đấu tự vệ. Vết thương trong mấy cuộc chiến tranh chưa hàn gắn được là bao mà lại phải tiếp tục chịu đựng gánh nặng của cơ chế quan liêu bao cấp thêm mấy năm nữa. Đến khi đất nước đổi mới, chuyển sang cơ chế thị trường, đời sống khấm khá hơn, lại vấp phải nạn suy thoái đạo đức diễn ra ngày càng nặng trong mọi tầng lớp xã hội, mọi lĩnh vực của đời sống. Đảng và nhân dân đã có những cảnh báo và biện pháp nhưng chưa chặn đứng được.

Hiện nay chiến tranh đã chấm dứt hơn 30 năm (tính từ 1984) nhưng chủ quyền của một số hòn đảo chưa giành lại được, chủ quyền trên lãnh hải thường xuyên bị xâm phạm (giàn khoan, tàu lạ chập chờn, một số tàu của ngư dân ta bị xua đuổi, cướp phá). Ngoài ra còn bị sự chèn ép về kinh tế (thương lái lũng đoạn thị trường, hoạt động gây ô nhiễm môi trường của một số nhà máy do nước ngoài đầu tư). Cuộc đấu tranh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ cũng như bảo vệ sự sống của dân tộc diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi phải có sách lược khôn khéo, nhưng mục đích, mục tiêu và quyết tâm chiến lược là không thể thay đổi. Nhân dân rất hoan nghênh và truyền tụng nhiều câu thơ trong các bài Tổ quốc nhìn từ biển (Nguyễn Việt Chiến) và Chúng tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình (Nguyễn Phan Quế Mai)... Cũng chủ đề này, trường ca Những đám mây hình người đi săn con chó (Thanh Thảo) là một sáng tạo mới tâm huyết, độc đáo.

Trong nội bộ nhân dân, quyền dân chủ tuy đã được tôn trọng và mở rộng hơn, nhưng vẫn còn bị vi phạm: nạn nhiễu dân diễn ra ở nhiều nơi, tham nhũng lớn đã bị đẩy lùi nhưng tham nhũng nhỏ vẫn phổ biến. Rừng bị tàn phá quá nhiều bởi lâm tặc và bởi những kẻ tiếp tay cho lâm tặc. Nhân dân cũng có một số người có lúc, có nơi vì lợi ích riêng của điều kiện sản xuất cũng tham gia phá rừng. Một số dòng sông, đoạn sông bị cạn kiệt do bị chặn ở trên nguồn hay do làm thủy điện không đúng cách, một số bị ô nhiễm nặng do không xử lý được nước thải đổ ra sông…Hình tượng dòng sông cạn đã trở thành hiện thân của nỗi đau trong nhiều bài thơ (trong tạp chí Tản Viên Sơn, tạp chí Văn nghệ Quân đội). Nhân vật Sáu Dân trong trường ca “Dạ, tôi là Sáu Dân” (Thanh Thảo) là biểu tượng cao đẹp của tư tưởng dân chủ, của lý tưởng vì dân.

Tội phạm và tệ nạn các loại ngày một nhiều thêm, con người mất đi sự thanh thản và niềm tự hào trong cuộc sống, khiến cho chính các nhà văn cũng cảm thấy day dứt khi đi vào những đề tài không bức thiết lắm với đông đảo quần chúng như đề tài tình dục hay đề tài thú chơi (dù lành mạnh) của con người.

Ngay cả đề tài có tính nhân đạo cao như phát huy cá tính cũng dường như chỉ có ý nghĩa quan trọng khi gắn với vấn đề quyền dân chủ, quyền sáng tạo của con người (để phục vụ đất nước, phục vụ dân sinh). Trước những  vấn đề thiết yếu của dân tộc và nhân dân thì những vô tình hay cố ý hạ thấp dân tộc, phủ nhận lịch sử, đã gây đau và có hại cho người đọc không kém gì thuốc độc và cũng trước những vấn đề có quan hệ sống còn với vận mệnh dân tộc và nhân dân, thì những suy tư triết học về đề tài muôn thuở như vấn đề cái chết bình thường theo quy luật sinh lão bệnh tử của tạo hóa, vốn giàu tính nhân bản, bỗng trở nên cao xa… Nói như thế không có nghĩa là lại thu hẹp đề tài của văn học. Không! “Tất cả những gì liên quan đến con người đều không xa lạ với văn học”. Văn học thời đổi mới phải mở rộng đề tài. Chỉ cần người viết có tâm thế đau đáu vì dân vì nước thì viết gì cũng có thể dẫn đến lòng yêu dân, yêu nước, hoặc cũng là những tình cảm cao thượng có khả năng nâng cao tâm hồn con người như tình yêu trong sáng thủy chung trong “Sóng” của Xuân Quỳnh sáng tác năm 1967 là lúc cuộc chiến tranh chống Mĩ cứu nước đã diễn ra trên đất nước. Đỗ Phủ xưa mái nhà gianh của ông bị gió thu làm tốc, trẻ con trong xóm đến lấy cướp đi, ông ước có căn nhà nghìn gian cho mọi người. Lỗ Tấn xưa cũng đã từng nói: “Vọt từ mạch máu ra là máu đỏ, vọt từ nước ra là nước lã”.

Văn học là nhân học, văn học phải quan tâm đến con người với tư cách là một cá thể sống nên giải phóng cá nhân vẫn phải là điều phải tiếp tục thực hiện và phấn đấu thực hiện cho được. Điều này, chúng ta đã đồng tình với Nguyễn Đình Thi trong Rừng Trúc khi ông nói lên qua lời nhân vật Lý Chiêu Hoàng: “Việc nước là lớn nhưng việc người với người không thể nhỏ hơn”. Chúng ta chủ trương phải bảo vệ quyền sống của cá nhân, phát huy cá tính của con người để con người được tự do phát triển tuy nhiên lí tưởng của chúng ta lại không phải là chủ nghĩa cá nhân. Lí tưởng của chúng ta vẫn là độc lập của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Hiện nay lí tưởng đó chưa hoàn thành. Thực hiện lí tưởng đó vẫn còn là một quá trình lâu dài, gian nan đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân gắng sức phấn đấu hết mình.

Văn học phải góp phần tích cực vào sự nghiệp đó. Văn học phải “ăn sâu vào xã hội”, văn học không thể là “tiếng nói lí nhí mà chỉ người viết nghe thấy” (ý của Biêlinxki). “Lí tưởng xã hội là mục đích cao nhất, là lẽ sống đẹp nhất của nhà thơ” (Hồ Sĩ Vịnh. Đồng hành với thơ đương đại HSV toàn tập, tập 3 trang 311).

Tôi nói thêm “ở bất cứ thời nào, thời đổi mới cũng vậy”. Nên tôi đồng tình với tiến sĩ khoa học Đỗ Văn Khang: “Sau thời xẻ dọc Trường Sơn” là thời “mỗi người phải tự cứu mình” mà cuộc đời trong kinh tế thị trường luôn là chiếc chăn hẹp, người này co thì người kia lạnh. Văn học có sứ mạng phải làm cho mọi đồng bào được ấm lòng. Văn học như thế là văn học phản tỉnh, kết quả của phản tỉnh là anh minh. Văn học phải làm cho mọi người đừng kéo nhau chìm xuống đáy mà cùng nhau vượt biển lớn, đó chính là văn học Việt Nam đương đại (Đỗ Văn Khang. Người đi giữa hai dòng chảy văn hóa - Hồ Sĩ Vịnh toàn tập, tập 3 trang 1033)

Đổi mới văn học phải tiến hành đồng thời cả về nội dung lẫn hình thức, trong đó đổi mới nội dung phải được đặt ra trước nhất trong tâm thức nhà văn. Đổi mới về hình thức không nên quá xa lạ với dân tộc và nhân dân, phải nâng cao dần thị hiếu của công chúng để công chúng có thể cảm thụ được nghệ thuật mới, đặng phát huy tác dụng của văn học đối với đời sống tinh thần của nhân dân.

Phấn đấu để có những đỉnh cao văn học, vì dân tộc, vì nhân dân, đó là nỗ lực phấn đấu của cả người Việt và người lãnh đạo như cố nhà văn Hà Xuân Trường trong Hội nghị lí luận phê bình của Hội Nhà văn năm 2004 cũng đã có những ý kiến khá xác đúng: “Tôi cho rằng một trong những nguyên nhân gốc của sự thiếu những tác phẩm tầm cỡ là do lực lượng cốt cán của văn nghệ ta không bám chắc vào những vấn đề lớn của xã hội. Về phía lãnh đạo, thiếu sự mạnh dạn khuyến khích nghệ sĩ dám xông xáo vào những vấn đề nóng hổi của cuộc sống, người nghệ sĩ còn thiếu tự tin, do đó phê phán những hiện tượng tiêu cực không đến tận cùng, cũng như ca ngợi chủ nghĩa anh hùng của nhân dân chưa đến đỉnh. Phê phán không đi đến tận cùng, ca ngợi không lên tới đỉnh thì không thể có đỉnh trong tác phẩm”. (Tạp chí Nhà văn 10/2003 trang 74).

Tôi xin nói thêm: không chỉ chủ nghĩa anh hùng mà cả tình thương, sự đau khổ và nỗi trăn trở cũng phải được thể hiện đến đỉnh. Ở đây có vai trò của người chỉ đạo, người quản lí, người biên tập; chỉ đạo, quản lí và biên tập mà “bảo hoàng hơn nhà vua” thì còn nhiều sáng tác phải cất vào ngăn kéo.

Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, nhân dân ta rất có ý thức “giết chuột” mà không đánh vỡ bình. Vì vậy những mưu toan mượn cớ giết chuột để đập vỡ bình, nhất định sẽ thất bại. Ngược lại đừng vì sợ vỡ bình mà ngăn cản nhân dân giết chuột bằng phương cách “an toàn”. Nhân dân ta thừa khôn khéo để vẫn giết được chuột mà không làm rạn vỡ bình quý, ngược lại còn làm cho bình sáng đẹp, thơm tho hơn.

Sự vật bao giờ cũng có hai mặt: mặt sáng, mặt tối, mặt tích cực, mặt tiêu cực. Ở sự vật này, sự vật kia, mặt sáng nhiều hơn mặt tối, mặt tích cực nhiều hơn mặt tiêu cực hoặc ngược lại. Phản ánh cuộc sống mà chỉ thiên về một mặt, đều không đúng. Tôi rất tâm đắc câu thơ xưa của tác giả Từ ấy “Tình thương vô ý gây nên tội” hay câu văn nay của tác giả Lão Khổ đại ý “mình định làm tốt cho người ta nhưng lại làm cho người ta khổ hơn”. Mỗi tiến bộ của loài người trong lịch sử đều phải trả giá bằng mất mát, sai lầm. Vậy phải công tâm để nhìn đúng tiến bộ và sai lầm, ưu điểm và khuyết điểm, ý định và kết quả, có thế thì mới rút ra bai học cần thiết cho con đường phía trước mà không làm mất niềm tin vào con người mà ai cũng biết rằng mất niềm tin ở con người, ở dân tộc, ở quy luật tiến hóa của lịch sử là mất hết.

Với tất cả tâm huyết của người cầm bút lấy số phận của dân tộc, của nhân dân làm cứu cánh và với tài năng sẵn có (năng khiếu, kiến thức, vốn sống), nhất định văn học đổi mới của chúng ta sẽ vươn tới tầm cao mới, có những đỉnh cao mới xứng đáng với lịch sử văn học dân tộc, một dân tộc ngàn năm văn hiến đã từng có những Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Chí Minh… và đã từng có những giai đoạn phát triển rực rỡ như giai đoạn văn học thế kỷ 18, 19, giai đoạn 1930 - 1945, giai đoạn chống Mỹ cứu nước…

ĐẶNG HIỂN  -  30/4/2016

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *