NHỮNG GIỚI HẠN CỦA PHÊ BÌNH VĂN HỌC HIỆN NAY
Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy (ảnh: nguồn Internet)
Nếu làm một nhát cắt đồng đại, thì có thể thấy phê bình văn học hiện nay tồn tại cùng lúc cả ba hệ hình tiền hiện đại, hiện đại và hậu hiện đại. Sự đồng tồn này chẳng những làm rối loạn các giá trị, mà còn cản trở phát triển của văn học qua sự thay đổi hệ hình. Trước hết có thể lấy ví dụ từ khái niệm nội dung/ hình thức, một khái niệm của phê bình tiền hiện đại. Thực ra, nội dung/ hình thức vốn không phải là một khái niệm của văn học, mà mượn từ triết học, nên cũng mượn luôn cả các nguyên tắc của nó là nội dung quy định hình thức, nội dung thay đổi sẽ kéo theo sự đổi thay của hình thức. Từ đó phê bình văn học chỉ chú ý đến nội dung, mà chủ yếu là cái nội dung xã hội được phản ánh vào tác phẩm, thậm chí cái xã hội bên ngoài mà tác phẩm phản ánh. Còn hình thức tác phẩm thì chỉ nói đến một cách chiếu lệ, một thứ thừa mà không thể thiếu. Điều này đã là một trong nhiều nguyên nhân dẫn văn học tiền - Đổi mới đến hiện trạng “sáng tác thì suy nghệ thuật, phê bình thì suy học thuật”. Phê bình hiện đại coi tác phẩm văn học là nghệ thuật ngôn từ nên đã xóa bỏ sự đối lập nhị nguyên giữa nội dung và hình thức, để tiến tới coi nội dung chính là hình thức, hình thức chính là nội dung. Hoặc chí ít thì: nội dung của hình thức = hình thức của nội dung = nghệ thuật. Vậy mà phê bình văn học hiện nay, nhất là trong nhà trường, vẫn kiên trì lưỡng phân nội dung/ hình thức, trong khi chỉ nên đi sâu vào phân tích những vấn đề của tác phẩm, mà vấn đề nào chả là sự cuội kết của những cái vốn được coi là nội dung/ hình thức của một văn bản.
Phê bình hiện đại dựa trên lối tiếp cận từ văn bản, đã chiến thắng giòn giã phê bình tiền hiện đại dựa trên lối tiếp cận từ tác giả. Những phương pháp phân tích văn bản dựa trên ngữ học cấu trúc, phong cách học, thi pháp học, tự sự học, ký hiệu học, cấu trúc luận… mang lại nhiều thành công cho những phê bình một số tác phẩm, tác giả cụ thể của văn học Việt Nam. Đa số nhà phê bình lại đồng thời là những nhà giáo, nên họ đã đưa được lối tiếp cận trên vào các trường đại học. Bởi vậy, nhanh chóng được phổ cập, thậm chí trở thành quy chuẩn, một thứ quy chuẩn ít nhiều có tính thời thượng. Sự thành công của thế hệ phê bình văn bản đầu tiên, càng khiến các thế hệ đi sau phải đào sâu vào văn bản bằng những lý thuyết khác nhau, nhưng chủ yếu vẫn là thi pháp học và tự sự học. Cứ như vậy, vô hình trung họ bị cấu trúc văn bản cầm tù. Ngoài những vấn đề của/ cho văn bản ra, họ không còn biết đến những gì khác ngoài văn bản nữa. Đọc phê bình hôm nay người ta thấy dày đặc những thuật ngữ khó hiểu, không chỉ với bạn đọc thông thường, mà nhiều khi với cả bạn đọc chuyên môn. Phê bình văn học, vì thế, trở thành cuộc trò chuyện của/ giữa những người cùng nghề với nhau. Tính chất “ê - lít” khép kín, đặc tuyển này làm cho nó càng ngày càng trở nên xa lạ với những vấn đề cấp thiết của đương thời. Phê bình văn học, như vậy, không chỉ cách xa với cuộc sống, tách rời với nhiều ngành khoa học xã hội nhân văn, mà còn cách sau nghiên cứu phê bình văn học thế giới. Thống kê tài liệu tham khảo của một số công trình có uy tín của các học giả nước ngoài viết về Việt Nam và khu vực, thì có thể thấy số lượng tài liệu phê bình văn học được trích dẫn ít hơn hẳn, thậm chí không có, so với các tài liệu xã hội học, nhân học, sử học, dân tộc học… Điều này không phản ánh sự chênh lệch trình độ giữa các ngành với nhau, mà sự chênh lệch về tiến độ. Để xóa bỏ sự chênh lệch này, đưa tiến trình phê bình văn học Việt Nam song hành cùng với các ngành khác, và quan trọng hơn, với thế giới, phê bình văn học phải mau chóng chuyển trọng tâm sang lối tiếp cận từ người đọc, tức phê bình hậu hiện đại.
Nếu phê bình tiền hiện đại là ngoại quan, hiện đại là nội quan, thì phê bình hậu hiện đại là nội - ngoại quan. Nhưng cái ngoại quan hậu hiện đại rất khác với cái ngoại quan tiền hiện đại. Phê bình tiền hiện đại lấy những yếu tố bên ngoài như con người xã hội và tính dục ấu thời của tác giả, trình độ văn hóa - văn minh của thời đại tác giả, tình trạng kinh tế và mâu thuẫn giai cấp của xã hội trong đó tác giả sống, như là các yếu tố đã biết, coi đó là nguyên nhân để nhìn vào tác phẩm, lý giải tác phẩm như là kết quả. Còn phê bình hậu hiện đại, sau khi phá vỡ tính tự trị của văn bản, giải cấu trúc văn bản, thì nhìn ra các vấn đề ngoài văn bản. Các phương pháp phê bình dựa trên thông diễn học, nữ quyền luận, hậu thực dân/ thuộc địa… đều đề cập đến các vấn đề văn hóa, xã hội, chính trị, giới tính…, nhưng không phải là cái đã biết trước tác phẩm, mà như là cái chưa biết, đúng hơn cái chỉ biết sau khi tác phẩm dẫn đến. Như vậy, cái ngoại quan hậu hiện đại này không phải là những vấn đề ngoài tác phẩm, mà là vấn đề trong tác phẩm, không phải ngoài văn học, mà vẫn thuộc về văn học vì nó gắn bó chặt chẽ với nghệ thuật, với mỹ học của tác phẩm cụ thể.
Phê bình hậu hiện đại, vì thế, không chỉ không xa cách với công chúng, hay nói theo cách nói đã trở thành nhàm chán là đã “đi vào cuộc sống”. Bởi, từ góc độ của mình, nó tham dự vào cuộc sống, dự báo, đánh động và góp phần giải quyết những vấn đề mà đương đại đặt ra. Hơn nữa, làm như vậy, phê bình văn học không còn đứng độc lập theo kiểu “hàn kê” nữa, mà liên lập với cách ngành khoa học xã hội và nhân văn khác. Nó đóng góp tư liệu và, quan trọng hơn, cái nhìn theo kiểu “trí tuệ của trái tim” cho sử học, khảo cổ học, dân tộc học, nhân học, xã hội học, kinh tế học, phát triển học, là những khoa học nghiêng về “trí tuệ của trí tuệ”. Ngược lại, nó cũng nhận được chừng ấy thứ của các ngành trên. Nếu nói liên ngành thì đây chính là một thứ liên ngành sơ khởi, vì nó tạo ra một tri thức liên ngành, mộtcái nhìn liên ngành. Văn học không chỉ là một sự kiện thẩm mỹ, mà còn là sự kiện lịch sử, xã hội, chính trị…, nên tiếp cận liên ngành là một việc làm hiển nhiên. Nhưng, còn một thứ liên ngành cao hơn, đó là cùng nhau giải quyết những vấn đề của Việt học. Đến với Việt học, trở thành Việt học, xa hơn Việt Nam học, theo cách riêng của mình là con đường để vượt qua những giới hạn kể trên, con đường đầy triển vọng của phê bình văn học và sáng tác văn học.
(Nguồn: Tạp chí Sông Hương 2016)