Tác phẩm và dư luận

23/8
12:29 PM 2016

NHÀ THƠ TRẦN ĐĂNG KHOA TRẢ LỜI PHỎNG VẤN BÁO ĐẠI ĐOÀN KẾT: SỢ NHẤT NHỮNG ANH TRẺ MÀ LẠI TẺ NHẠT

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Thơ ca chẳng là cái gì ghê gớm đến nỗi cả bố với con đều phải đam mê. Gia đình tôi chỉ có ông anh tôi, nhà thơ Trần Nhuận Minh và tôi kẽo kẹt văn chương đến trọn kiếp. Còn hai cô con gái tôi và ba đứa cháu tôi, con nhà thơ Trần Nhuận Minh đều chẳng có đứa nào theo nghiệp văn chương. Thậm chí chúng đều nhìn bố với bác như hai lão già hâm hâm.

Hồng Thanh Quang:

- Ngày 21/3 từ không chỉ một năm nay đã được UNESCO công nhận là Ngày Thơ thế giới. Thế nhưng, xem ra ở ta, vào ngày đó đã không có hoạt động gì đáng kể để kỷ niệm ngày này. Anh nghĩ thế nào về chuyện đó?

Trần Đăng Khoa:

- Cám ơn anh đã cho biết thông tin này. Như thế thơ ca đã thành lễ hội mang tầm vóc Quốc tế. Ở ta có Ngày thơ tổ chức vào đúng Rằm tháng Giêng. Càng ngày càng bài bản hơn, sinh động hơn. Nhiều nước đã biết đến mỹ tục này của chúng ta và họ đã đặt vấn đề với Hội Nhà văn và cử nhà thơ đến tham gia. Rằm tháng Giêng vừa rồi có hai nhà thơ Pháp và Bỉ đến dự và đọc thơ với các nhà thơ ta ở sân Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Họ đánh giá rất cao Lễ hội Thơ của chúng ta. Họ bảo ở nước nào thơ ca cũng được yêu mến, nhưng tổ chức thành Lễ hội trên phạm vi toàn quốc và làm rất hay, rất sinh động thì chỉ có Việt Nam. Tôi nghĩ chúng ta làm được điều đó vì thơ ta có rất nhiều phương thức thể hiện, người ta có thể ngâm thơ, đọc thơ, hát thơ-hát theo làn điệu chèo, chầu văn, ca trù, bài chòi. Rồi hát hiện đại, là những bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc. Ấy là chưa kể còn nhiều biến tấu khác từ thơ thành các trò chơi rất sinh động. Ở các nước thơ chỉ có đọc. Nếu chỉ đọc không thôi thì tẻ lắm. Hoặc cùng lắm họ hát những bài thơ được phổ nhạc. Không thể sinh động phong phú như chúng ta được. Có lẽ vì có riêng một Ngày thơ tưng bừng như thế, nên chúng ta ít có những hoạt động hưởng ứng Ngày thơ Thế giới. Nhưng cũng có thể chúng ta chưa nắm được thông tin. Hội Nhà văn ta cũng nên hưởng ứng Lễ hội này. Ví như ta có thể có những hình thức nào đó giới thiệu những thành tựu của thi ca thế giới, hay các xu hướng phát triển của thi ca nhân loại chẳng hạn. Sẽ rất hay.

- Dịch là phản. Thơ không thể dịch được. Đó là hai quan niệm phổ biến trên thế giới. Nếu những điều đó là đúng thì làm sao để nối liền được những nền thơ khác nhau, theo anh?

          - Có chuyện “Dịch là phản” thật. Bởi có những bản dịch so với nguyên bản, hoá ra chúng chẳng có họ hàng gì với nhau, thậm chí chúng còn là kẻ thù không đội trời chung của nhau. Nhưng đó là những bản dịch tồi của các dịch giả tồi. Còn với những bản dịch hay, chúng lại là hai tấm gương cùng soi vào nhau và cả hai cùng sáng lấp lánh. Chúng ta có rất nhiều bản dịch như thế, đặc biệt các cụ ta dịch thơ Đường chẳng hạn. Nhiều bản dịch hay không thua nguyên bản, thậm chí có câu thơ dịch còn hay hơn. Ví như câu thơ trong bài thơ nổi tiếng thế giới Hoàng Hạc Lâu: “Nhật mộ hương quan hà xứ thị”, (Trời tối rồi mà không biết quê hương ở đâu), cụ Tản Đà dịch thành “Quê hương khuất bóng hoàng hôn” thì tài vô cùng. Câu thơ rất ảo. Tôi cho rằng, để có được bản dịch hay, người dịch phải hội tụ được đủ ba yếu tố: Phải rất giỏi ngoại ngữ. Giỏi tiếng Việt. Không phải người Việt nào cũng giỏi tiếng Việt đâu. Và yếu tố thứ ba là phải có tài thơ. Thiếu một trong ba yếu tố này thì dịch sẽ thành phản. Thơ nước ngoài đến với chúng ta rất tốt, vì chúng ta có rất nhiều dịch giả tuyệt vời. Nhưng thơ ta hầu như vẫn chưa ra được với thế giới, không phải vì thơ ta không hay, mà chúng ta chưa có được những bản dịch tốt. “Ánh sáng và phù sa” của Chế Lan Viên, dịch sang tiếng Nga thành “Ánh sáng và bùn”. Bài thơ “Nhớ” rất hay của Phạm Tiến Duật: “Cái vết thương xoàng mà đưa viện/ Hàng còn chờ đó, tiếng xe reo/ Nằm ngửa nhớ trăng, nằm nghiêng nhớ bến/ Nôn nao ngồi dậy nhớ lưng đèo…”. Bài thơ này, sang tiếng Nga, nếu dịch ngược lại, theo thật sát nghĩa: “Cái vết thương xoàng. Tôi vào bệnh viện. Tôi nhớ trung đoàn/ Nằm bằng lưng, trăng nhìn vào mặt tôi/ Nằm bằng bụng, những bờ bến xa đốt trong tim tôi ngọn lửa”. Chẳng còn thấy ông Duật đâu. Có câu lại rất ngớ ngẩn. Dịch là chuyển cái tinh thần, cái hồn vía của thơ, từ một ngôn ngữ này, sang một ngôn ngữ khác, chứ không phải dịch chữ ra chữ. Câu thơ rất ấn tượng của nhà thơ Nguyễn Duy miêu tả sự tinh khiết, trinh trắng của tuyết: “Ngoài kia gò đống phập phồng/ Bao nhiêu con gái ngủ trong tuyết dày”. Khi sang tiếng Nga: “Nơi xa kia có nhiều gò đống/ Bao nhiêu cô gái đẹp đang ngủ ở đấy”. Rất sát nghĩa nhé. Nhưng câu thơ không còn tả tuyết nữa mà thành tả nghĩa địa mất rồi. Thế đấy!

- Thời anh đi học ở trường viết văn Gorky, Moskva, anh có những mối quan hệ  thân hữu nào với các bạn đồng nghiệp tới từ các quốc gia khác không? Ai là người mà hiện nay anh vẫn duy trì được quan hệ?

- Tôi có nhiều bạn bè nước ngoài cùng học với tôi và chúng tôi vẫn “gặp” nhau trên thư điện tử, như nhà văn, nhà viết kịch Đemit Đeonhin, người Ethiopia, nhà thơ Bulgari Elena Elecova, nhà thơ Mông Cổ Batomur Patosi. Vừa rồi, tôi qua Mông Cổ, gặp lại ông bạn vàng này. Ông bạn cũng như tôi: Trưởng ban Văn nghệ Đài phát thanh Truyền hình Mông Cổ. Vui nhất là anh bạn nhà thơ Triều Tiên. Anh này tôi biết nhưng không thân, vì học trước tôi một năm. Vừa rồi tình cờ gặp lại nhau ở Thái Lan. Anh hỏi: “Các cậu đánh Mỹ thế nào rồi? Bao giờ thì giải phóng Miền Nam”. Khi tôi bảo, chúng tớ đã thống nhất đất nước gần nửa thế kỷ rồi, anh bạn vẫn nghĩ tôi nói đùa…

- Có người nói Việt Nam là cường quốc thơ ca. Anh đồng tình với ý kiến này không?

          - Cường quốc thơ ca thì không phải. Nhưng quả có rất nhiều người làm thơ và có cả những người bị thơ làm. Ngày xưa ra ngõ gặp anh hùng. Bây giờ đi đâu cũng gặp nhà thơ. Nhà văn Nguyễn Khắc Trường có bài thơ chế tác rất tếu: “Nhà nhà làm thơ/ Người người làm thơ/ Khéo vè sẽ thắng/ Thơ đành chào thua”.

- Tôi nói chuyện này không phải để nịnh anh mà chỉ muốn kể lại một sự thật. Tôi đã không chỉ một lần bị rơi vào tình huống này: tới một vùng nông thôn nào đó, gặp các bà các chị. Thấy tôi, họ ồ lên ngay, anh đúng là nhà thơ có phải không? Tôi cười cười chưa kịp trả lời thì có người trong số họ khẳng định ngay: Anh đúng là nhà thơ Trần Đăng Khoa rồi!... (cười). Xin nói với anh là câu chuyện như thế đã diễn ra không chỉ một lần với tôi, ở không chỉ một vùng quê… Thế mới biết cái tên Trần Đăng Khoa và câu chuyện thơ của đời anh đã in hằn vào cảm nhận của người Việt như thế nào…

- Bây giờ có rất nhiều Trần Đăng Khoa. Gần đây, anh bạn Trần Đăng Khoa rất đẹp giai là Giám đốc một công ty truyền thông, kiêm nhà dịch giả, nhà hùng biện có rất nhiều người hâm mộ, đến gặp tôi, tặng tôi mấy cuốn sách rất ăn khách mà anh đã dịch: “Tôi tài giỏi, bạn cũng tài giỏi”. Anh bảo: “Mẹ cháu ngày xưa mê thơ bác lắm, nên lấy tên bác đặt cho cháu. Thế là cháu thành Trần Đăng Khoa. Có mấy lần cháu diễn thuyết, mọi người đến đông lắm, lại tưởng cháu là bác, đến nơi hoá không phải. Cháu bảo: Không, tôi là Khoa khác, tôi trẻ hơn, đẹp giai hơn. Bác Khoa nhà thơ già lắm rồi!”. Tôi bèn ứng tác tặng anh bạn ấy một bài thơ ghi lại cuộc trò chuyện giữa Khoa già với Khoa trẻ:

Trần Đăng Khoa với Trần Đăng Khoa

  • Mẹ cháu lấy tên bác


Đặt tên cho cháu mà


  • Cháu là Chính Khoa nhé


Còn bác là…Phụ Khoa.

 

- Thế bây giờ, trên cương vị sự vụ hiện nay, nhà thơ Trần Đăng Khoa còn bao nhiêu thời gian để dành cho sáng tác thơ mỗi ngày?

- Tôi vẫn kẽo kẹt mỗi ngày. Nhưng chủ yếu là viết văn xuôi. Thơ cũng vẫn viết, nhưng ít hơn. Bây giờ cả nước làm thơ thì mình lại phải viết văn xuôi cho bạn đọc đỡ tẻ

- Anh làm thơ sớm, thành công sớm và cũng phải gánh trên vai những vinh quang từ rất sớm. Nhìn từ một góc độ, đó là điều may mắn lớn. Nhưng nhìn từ góc độ khác, có thể chưa hẳn đã vậy. Anh chọn góc độ nào để nhìn vào cảnh huống riêng tư này của đời mình?

- Cuộc sống nhiều khi giản dị lắm. Nó chỉ rắc rối khi người ta cứ làm cho nó rắc rối. Vì “Trái đất quay” mà. Và đó cũng là quy luật của tự nhiên:

Cái đến thì sẽ đến

Cái qua thì phải qua

Chẳng cần chi phấn đấu

Ta cũng thành cụ già”…

Tôi cũng đồng cảm với ý tưởng của thi sĩ Nguyễn Duy: “Cứ chìm nổi với đám đông/ Riêng ta xác định ta không là gì”. Khi mình đã xác định mình “không là gì”, thì chẳng nên quan tâm đến những chuyện xa lăng lắc lại ở ngoài mình, là niềm vinh quang hay sự bất hạnh. Vinh quang hay bất hạnh thì cũng chỉ là một sự quan niệm mang tính chủ quan. Cuộc đời nhiều khi giản dị lắm.

- Anh có nhớ lần đầu tiên được ra Hà Nội và lần đầu tiên được đưa vào gặp nhà thơ Tố Hữu không? Nếu bây giờ để lại kể lại những gì anh đã kể về nhà thơ Tố Hữu trong tập “Chân dung và Đối thoại”, anh thấy có cần phải làm rõ thêm chi tiết gì không?

- Ấn tượng trong lần gặp đầu tiên với Tố Hữu, tôi đã viết trong bài thơ “Kính tặng chú Tố Hữu” rồi. Còn chuyện “Tố Hữu với bài thơ Hoan hô chiến sĩ  Điện Biên” ở “Chân dung và Đối thoại” thì tôi cũng đã kể trong cuốn sách rồi. Không có gì phải nói thêm nữa. Tôi cũng hơi ngạc nhiên và thấy rất buồn cười khi có người lại bảo tôi phủ nhận hoặc hạ thấp thơ Tố Hữu. Tố Hữu cũng như mọi nhà thơ khác thôi. Nghĩa là ông có nhiều bài hay và cũng có cả bài dở, câu hay và câu dở. Nhưng trong bài viết này, tôi không bàn chuyện hay dở ở thơ Tố Hữu, nên không có chuyện đề cao hay phủ nhận. Tôi chỉ bàn về một bài thơ viết về Điện Biên của Tố Hữu thôi. Lúc đó, chúng ta đang kỷ niệm 40 năm chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhà văn Nguyễn Trí Huân, TBT tạp chí VNQĐ có giao tôi đến phỏng vấn Tố Hữu về bài thơ này. Nếu như mọi nhà báo khác, tôi chỉ cần hỏi chuyện Tố Hữu. Ông nói sao thì ghi lại. Thế là xong. Nhưng tôi không làm một cách tẻ nhạt như thế. Nhân một bài thơ cụ thể của Tố Hữu, tôi bàn về thơ ông, về nghệ thuật tạo dựng tác phẩm của ông. Tôi rất thú vị biết Tố Hữu viết bài thơ này khi ông chưa hề đến Điện Biên. Vậy mà tại sao ông lại viết về Điện Biên hay như thế. Tôi cũng nói rằng, có rất nhiều người đến Điện Biên, thậm chí chiến đấu ở Điện Biên và viết về Điện Biên, nhưng vẫn không vượt qua được bài thơ của ông? Vấn đề là tài năng chứ không phải thực tế. Nhiều khi chính thực tế lại khuôn bó chúng ta, cầm tù chúng ta trong một hiện thực cụ thể, khiến chúng ta không thể bay lên được bằng đôi cánh tưởng tượng. Phùng Quán khi viết Vượt Côn Đảo cũng có biết Côn Đảo ở đâu đâu. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ có ca khúc rất hay “Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó” nhưng ông vẫn chưa hề đến Pắc Bó. Phạm Tiến Duật có chùm thơ đặc sắc giành Giải Nhất báo Văn Nghệ, và đến nay cũng vẫn là cái Giải thưởng chuẩn xác nhất, sang trọng nhất: “Lửa đèn”, “Nhớ”, “Gửi em cô thanh niên xung phong”. Cả ba bài thơ này, ông lại viết ở… Hà Nội. Viết trong lán phòng không của Đỗ Chu ven vùng Hồ Tây. Sau đó ông chép chùm thơ này vào sổ tay Xuân Quỳnh, tặng chị vì thấy chị thích mấy bài thơ ấy. Sau đó ông trở lại chiến trường. Khi có cuộc thi thơ ở báo Văn Nghệ, Xuân Quỳnh đem chùm thơ này tham dự và giành Giải Nhất. Mãi sau này qua Đài Tiếng nói Việt Nam tường thuật buổi trao giải, ông mới biết mình dự thi và giành được giải cao. Chuyện bếp núc sáng tác, nhiều khi thú vị thế đấy.

- Ngay cả đối với một người đã trưởng thành, việc được xung quanh đặt vào mình niềm kỳ vọng lớn cũng tạo ra sức ép tâm lý rất không dễ chịu. Với một cậu bé như “thần đồng thơ Trần Đăng Khoa” của những năm 60-70 của thế kỷ trước thì có lẽ mọi chuyện càng trở nên khó khăn hơn. Bây giờ nhớ lại, anh nghĩ thế nào?

- Tôi thấy tất cả đều rất bình thường. Tôi sống rất hồn nhiên và không hề ảo tưởng về mình. Tôi cũng đã làm được nhiều việc, viết được nhiều cuốn sách mà thuở bé tôi cũng không dám nghĩ đến. Giả sử nếu cậu Khoa không viết gì thêm, mà dừng lại như bạn bè của cậu, như Hoàng Hiếu Nhân, Chu Hồng Quý, Cẩm Thơ, Nguyễn Hồng Kiên…thì cậu ấy cũng đã xong tốt đẹp nhiệm vụ của cậu ấy rồi. Nhưng cậu ấy không dừng lại ở đấy mà vẫn tiếp tục đi, tiếp tục mở ra nhiều nhánh khác và lại còn tưng bừng, ầm ĩ hơn thời cậu ấy còn là trẻ con. Thế thì còn mong gì hơn nữa.

- Tôi không phải là người tò mò nhưng với tư cách là người yêu thơ anh và yêu quý anh, tôi rất muốn cùng độc giả của mình biết thêm về cuộc sống của anh hiện nay. Anh có cảm giác anh là một người may mắn và hạnh phúc trong đời sống gia đình không?

- Trong đời sống riêng tư, tôi là người hạnh phúc. Hạnh phúc vì tôi không có tham vọng gì cả. Tiền bạc, chức vụ và cả danh tiếng, với tôi đều vô nghĩa. Trong bài thơ tặng ông anh trai mình, là nhà thơ Trần Nhuận Minh, tôi có nói:

Giờ thì em đã chán

Những vinh quang hão huyền

Chỉ muốn làm mây trắng

Bay cho chiều bình yên…

Tôi lấy vợ rất muộn nhưng được cái bà lão nhà tôi sống cũng rất đơn giản. Lại rất chỉn chu công việc gia đình. Vợ chồng tôi chênh nhau rất nhiều về tuổi tác, lại rất khác nhau về tính cách sở thích, nhưng chúng tôi chưa từng nói nặng với nhau một lời, chứ đừng nói đến chuyện cãi nhau. Sợ nhất vớ phải bà vợ ham tiền, ham danh vọng, lại cứ muốn chồng làm to thì thật kinh khiếp. Ngay vớ phải bà mê văn chương, mê thơ, cứ suốt ngày đọc thơ như ve thì cũng hãi lắm. Tôi hãi nhất về nhà vợ chồng lại đàm đạo văn chương, rồi lại tranh luận với nhau câu này hay, câu kia dở. Thật kinh hoàng.

- Anh có kỳ vọng gì đặc biệt vào tương lai của hai cô con gái của mình không? Nếu các cháu muốn nối nghiệp thi ca của bố thì anh nghĩ như thế nào?

- Thơ ca chẳng là cái gì ghê gớm đến nỗi cả bố với con đều phải đam mê. Gia đình tôi chỉ có ông anh tôi, nhà thơ Trần Nhuận Minh và tôi kẽo kẹt văn chương đến trọn kiếp. Còn hai cô con gái tôi và ba đứa cháu tôi, con nhà thơ Trần Nhuận Minh đều chẳng có đứa nào theo nghiệp văn chương. Thậm chí chúng đều nhìn bố với bác như hai lão già hâm hâm.

- Có người bảo, không có gì tẻ nhạt hơn một nhà thơ về già. Anh có cảm thấy thế không? Cá nhân tôi thì tôi thấy tôi đang trở nên tẻ nhạt hơn theo năm tháng. Vì không còn được cảm hứng say đắm như xưa, vì nhát hơn xưa dưới gánh nặng công vụ, vì đỡ lãng mạn hơn vì phải đối diện với trăm mối tơ vò của cuộc sống đời thường… Anh có bí quyết gì để duy trì sức thanh  xuân trong tâm hồn như hiện nay?

- Người già mà tẻ nhạt thì có gì phải buồn. Vì nó là quy luật của tự nhiên. Sợ nhất những anh trẻ mà lại tẻ nhạt. Tẻ nhạt mà có sức khỏe thì kinh lắm. Vì cái nhạt ấy sẽ rất khủng khiếp. Điều đó cũng đáng sợ như những lão già mà lại không chịu già. Tôi chẳng có bí kíp gì để giữ độ thanh xuân trong tâm hồn mình. Tôi thấy mình đã là một lão già. Già từ khi còn bé. Tôi đi trên đường. Cái xe máy cứ rì rì vừa đi vừa ngửi đất. Các cô gái mặc sooc lửng cắt vút qua: “Đi cẩn thận nhé bố già nhé!”. Tôi cũng hét lên: “Ừ bố nhớ rồi! Bố cũng hãi chết lắm!”

- Anh đã có điều kiện trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện, thậm chí là gần gụi với không ít những nhà thơ lớn của thời hiện đại. Nhiều người trong số họ nay đã trở thành người thiên cổ. Bây giờ, sau những khoảng lùi thời gian, liệu anh cho thể giúp cho độc giả và những người yêu thơ hiện nay có được thêm những cảm nhận và hiểu biết về họ được không? Thí dụ, anh nhớ gì nhất về nhà thơ Xuân Diệu, người mà chúng ta vừa mới kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông?

- Tôi tiếp xúc với khá nhiều nhà thơ, trong đó có nhiều nhà thơ rất lớn. Xuân Diệu là thày dạy nghề của tôi, là một trong những tác giả tôi đề cập đến trong cuốn “Chân dung và Đối thoại” với lòng tôn kính và ngưỡng mộ sâu sắc. Tôi cũng đã viết khá nhiều về ông ở nhiều thời điểm khác nhau.

- Có người lo rằng cảm xúc yêu đương như trong thơ Xuân Diệu có thể sẽ trở nên không hợp nữa với tình yêu của lớp trẻ bây giờ. Anh nghĩ như thế nào?

- Đúng vậy. Người phát hiện rất sớm điều này không phải chúng ta mà là nhà phê bình Trần Đăng Suyền. Ngay từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước, ông Suyền đã chê thơ Xuân Diệu cổ, không còn phù hợp với tư duy hiện đại. Xuân Diệu bực lắm: “Cái cậu Suyền ấy, cậu ấy chẳng biết gì. Giả sử bây giờ bà Chúa Chè bà ấy sống lại, bà ấy mặc cái yếm thắm đi thỗn thện trước mặt các cậu, liệu các cậu có mê không? Trong tình yêu làm gì có chuyện cổ hay không cổ. Gớm tôi chỉ mong cổ để thành cổ điển đây!”. Xuân Diệu rất giỏi đánh tráo khái niệm. Cổ với cổ điển là hai khái niệm khác nhau. Trong tình yêu, có thể không có chuyện cổ hay không cổ, nhưng thơ thì có đấy. Đây là thơ về tình yêu chứ không phải tình yêu. Xuân Diệu làm thơ tình. Ông tạo ra một thế giới yêu đương. Thế giới ấy là của riêng ông, do ông tưởng tượng chứ đời sống có khi lại không phải như thế. Chúng ta thấy thơ ông không còn phù hợp với lớp trẻ bây giờ cũng là bình thường. Mà không phải lớp trẻ, ngay cả người già cũng không yêu như ông yêu và làm thơ về tình yêu như ông. Đấy là một thế giới tưởng tượng của riêng ông. Ngày Xuân Diệu qua đời, tôi dường như tê liệt mọi cảm xúc. Trên mộ Xuân Diệu chất đầy hoa. Một núi hoa. “Vô cùng thương tiếc nhà thơ lớn Xuân Diệu”. “Kính viếng Viện sĩ Xuân Diệu”…Bao nhiêu lời thương tiếc ông. Tên ông luôn gắn với chức danh: “Nhà thơ”, “Nhà thơ lớn”. “Viện sĩ”…Chỉ duy nhất một vòng hoa trắng. Trắng đến tinh khiết. Đó lại là vòng hoa của Nghệ sĩ nhân dân Bạch Diệp , người vợ yêu của ông. Trên đó, không có chức danh. Cũng không có tên ông.  Chỉ vẻn vẹn ba chữ “Vĩnh biệt Anh” trên vòng hoa trắng. Khi người ta ấp vòng hoa đặc biệt ấy lên mộ ông, thú thực, tôi đã khóc. Nói lại điều này, ta chỉ thấy thương ông thôi. Thương vô cùng …

 

- Với nhà thơ Huy Cận, anh có những kỷ niệm gì sâu sắc?

- Huy Cận ở với Xuân Diệu một nhà. Huy Cận ở tầng trên. Xuân Diệu ở tầng dưới. Tôi hay đến chơi với Xuân Diệu, thi thoảng gặp Huy Cận. Có lần Xuân Diệu tặng tôi tuyển thơ. Tôi trêu ông: “Tập thơ chú thiếu quá nhiều bài hay và thừa không ít bài… chưa hay”. Xuân Diệu bảo: “Cái cậu này buồn cười nhỉ. Đây có phải tuyển đâu. Rồi sau này thời gian nó sẽ tuyển. Còn bây giờ mình cứ đưa ra đã. Cậu đang cháy nhà. Nhà đang cháy thì có cái thúng, cái nia, cái váy đụp gì cũng cứ quăng ra đã, rồi sau mới chọn lọc lại. Nhà cậu đang cháy mà cậu lại còn lẩn mẩn so đo chọn cái này hay chọn cái kia à?”. Đúng thế thật. Tôi thấy mình ngu quá. Xuân Diệu rất tài trong việc ứng biến. Trước ông, tôi thấy mình hoàn toàn u mê. Đạp xe đi một đoạn, tôi mới tỉnh ra và nhận thấy rằng, cháy nhà và tuyển thơ là hai việc hoàn toàn khác nhau. Nhà Xuân Diệu đâu có cháy. Tôi lộn trở lại. Muốn nói to lên với Xuân Diệu điều ấy, nhưng thấy Xuân Diệu ra mở khóa cổng: “Có chuyện gì thế? Vào đây!”. Ông niềm nở. Thế là đầu óc tôi lại mụ mị: “Cháu, cháu có quên cái…mũ ở đây không?”. Xuân Diệu phì cười: “Thế cậu đang đội cái gì trên đầu đấy?”. Đúng lúc ấy, Huy Cận ở Hội Liên hiệp về. Xuân Diệu bảo: “Cận ơi, Cận xem có cách gì giúp Khoa mua một cái vé xe ô tô về Hải Dương?”. Huy Cận xé một tờ lịch bàn, rồi viết vào phía sau: Kg các đồng chí phụ trách Bến xe Bến Nứa! Giới thiệu với các đồng chí, người cầm giấy này là cháu Trần Đăng Khoa, nhà thơ “hậu sinh khả úy”. Các đồng chí tạo điều kiện giúp cháu, cho cháu mua một vé về Hải Dương”. Rồi ông ký tên: Cù Huy Cận, lại còn mở ngoặc “Thứ trưởng Bộ Văn hóa”. Rồi ông giải thích cho tôi hiểu “hậu sinh khả úy” có nghĩa như thế nào. Ông bảo: “Cháu đưa mảnh giấy này cho người phụ trách bến xe. Tất nhiên, nếu họ hiểu thì sẽ rất tốt. Nếu không chịu đọc thì họ cũng sẽ chẳng biết Trần Đăng Khoa là ai và Huy Cận là ai!”. Tôi tìm đến Ban điều hành bến xe Bến Nứa. Ông phụ trách mừng quýnh, không bắt tôi phải chờ mà đưa thẳng tôi ra chiếc xe đang xếp khách. Bác lái xe không lấy tiền, lại xếp tôi ngồi ở ghế phụ. Rồi bác khoe với cả xe, lại bắt tôi đọc thơ cho mọi người nghe. Tôi đọc hết bài này đến bài khác, cứ nhem nhẻm như anh bán thuốc hôi nách. Mới biết Huy Cận có sức mạnh thật!

- Khi nhắc lại tình bạn thơ giữa Xuân Diệu và Huy Cận, có người thở dài và than rằng, hình như ngày xưa các nhà thơ đối xử với nhau chân tình và tử tế hơn thời hiện đại. Anh có đồng ý với nhận định đó không? Cá nhân tôi cũng nghĩ rằng, thời nào cũng có cái hay và cái chưa hay. Thời nào cũng có những người cầm bút tốt và những người không tốt. Thời trước đã thế. Thời nay cũng thế. Có điều, bây giờ, cách thể hiện tình cảm của các nhà thơ đối với nhau cũng đã khác. Và cách kết bạn của họ cũng thế. Bây giờ, nếu tự nhìn lại, nhà thơ Trần Đăng Khoa thấy mình có những bạn thân nào trong giới làm thơ? Họ là ai, nếu không phải là điều bí mật?

- Tình bạn giữa Huy Cận và Xuân Diệu thì tôi cũng đã kể nhiều lần rồi. Đúng là ngày xưa các cụ đối với nhau rất đẹp. Tôi có nhiều bạn thân là các nhà văn nhà thơ. Nhưng tôi cũng còn có rất nhiều những người bạn rất thân mà họ không dính dáng gì đến văn chương chữ nghĩa. Những người ấy cũng đông lắm, không thể kể hết được...

- Tôi biết anh hiện nay đang giữ một cương vị quan trọng trong Hội Nhà văn Việt Nam. Theo anh, còn cần phải làm gì hơn nữa để nâng cao vai trò và độ hữu ích của cơ quan Hội đối với đời sống văn học nước nhà?

- Đây là câu hỏi rất lớn. Trả lời câu hỏi này, phải là nhà lãnh đạo cao nhất của Hội Nhà văn, là nhà thơ Hữu Thỉnh. Còn tôi chỉ là người giúp việc cho bác ấy. Người giúp việc thì chỉ biết những chuyện loong toong thôi..

- Dự dịnh tương lai gần và xa của nhà thơ Trần Đăng Khoa?

- Ối giời, làm sao bàn chuyện xa xôi thế. Thay cho trả lời, tôi xin gửi đến bạn đọc bài thơ này; “Trái đất quay”: Chẳng có gì mới lạ/ Trái đất tít mù quay/ Nóng chán rồi sẽ lạnh/Buồn vui đều thoảng bay/  Cái đến rồi sẽ đến/  Cái qua thì phải qua/ Chẳng cần chi phấn đấu/Ta cũng thành... cụ già/ Coi đời như cát bụi/ Muốn yên mà chẳng yên/ Thế giới còn chao đảo/ Thì có chi vững bền? / Hãy làm một việc thiện/ Kịp trao nhau lúc này/  Ngày mai nào ai biết/ Cõi người mù mịt quay...

- Xin cảm ơn anh!

Nguồn: Báo Đại đoàn kết - Hồng Thanh Quang (thực hiện)

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *