NHỮNG BÔNG HOA TRÊN “CÁNH ĐỒNG THỜI GIAN”
Nhà văn Hà Quảng
“Cánh đồng thời gian” (NXB Hội Nhà văn, 2015) là tập thơ thứ sáu của nhà thơ Bùi Quang Thanh, Cựu chiến binh chống Mỹ cứu nước, hội viên Hội Nhà văn Việt Nam-cây bút đã từng đoạt giải thưởng của tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hội nhà văn Việt Nam, Hội VHNT Hà Tĩnh cùng nhiều giải thưởng văn nghệ địa phương và trung ương…
Đọc tập thơ này, thấy Bùi Quang Thanh vẫn đi nhiều, gặp nhiều khung cảnh, gặp nhiều số phận để chuyển vào nhiều tứ thơ đa sắc, đa màu. Anh viết về vùng Thạch Hãn, về các chàng trai Nam Yết, về hoàng hôn Ải Bắc, về hồ Trại Tiểu, về địa đạo Vĩnh Mốc, về đêm Cao Bằng, rồi suối Hương Ngàn, mùa màng Mộc Châu, em gái Tiền Giang, mùa hoa trẩu Phia Đén, về đền đài Angkovat, Angkothom… Vẫn một bút pháp truyền thống lấy cảm hứng trữ tình làm chủ đạo, tác giả bày tỏ những suy cảm của mình với con người, với thời cuộc. Bám sát đời sống, tập thơ trong niềm yêu thương quê hương đồng bào, có cái nét mới là anh bày tỏ niềm thông cảm với những số phận éo le, những nghịch lý trong đời sống người dân quê, những gợn u hoài nơi quê kiểng. Đây là hình ảnh người dân trong thời buổi khó khăn, phần do thiên tai bão lụt, phần bởi nhiều vấn nạn nhân sinh khiến bao người bỏ quê ra đi tha phương cầu thực:
Hết Tết rồi bà con lại tha phương
Tay xách nách mang, xe Nam, tàu Bắc
Vạt ruộng sau những ngày giá buốt
Nhỏn mạ trắng đồng như tay vẫy run run..
Bài “Về quê” là một khái quát tâm trạng của những người con xa quê lâu ngày trở về. Một nỗi buồn miên man. Cái nên thơ đầy kỷ niệm thì đã mất, cái mới sinh thì nhạt nhẽo rỗng tuếch. Nghèo cứ nghèo, khổ cứ khổ:
Làng tôi! Đò vẫn cắm sào
Mẹ già đầu thấp váy cao ruộng bùn
Một đời gan ruột rưng rưng
Mồ hôi lưng mẹ ngập ngừng mắt con
Những vần thơ có phần xót xa trong “Cánh đồng thời gian”, ta không nghĩ tác giả bi quan hay “bôi đen” cuộc sống đương đại mà ta cảm nhận được cái nhìn tỉnh táo đầy trách nhiệm trước những mặt tối cuộc đời mà bây giờ nổi rõ không còn chìm khuất đâu đó. Những vần thơ đầy tính phản biện, giàu cảm xúc nhưng cũng đầy suy tư.
Một mạch thơ không kém phần sâu sắc trong “Cánh đồng thời gian” là mạch thơ giàu xúc cảm của tâm hồn người lính, với cảm hứng lan tỏa nhiều phía trong đời sống thường nhật. Bùi Quang Thanh có nhiều năm trong quân ngũ, nếp nghĩ, tình cảm người lính được hòa nhập trong nhiều kỷ niệm. Gặp một anh lính trẻ đồng hương “tuổi mới tròn đôi mươi, đã hai năm giữ đảo” tác giả vô cùng xúc động: Gặp một nụ cười xứ biển / Ngẩn ngơ răng bắp trắng ngần / Tô điểm biển trời Nam Yết... Kỷ niệm đời lính dù năm tháng qua mau vẫn không nhạt phai trong ký ức đồng đội. Những gì được mất, cái chính là quãng đời đẹp nhất, được tô đậm, bồi đắp bằng xương máu tuổi trẻ: Xắn quần lội về quá khứ / Lật từng hạt đất mẩu bùn / Xới lên niềm đau một thuở / Máu mình máu bạn mà run? Viết về chiến tranh về sự hy sinh mất mát, tác giả không lướt qua , không thiên về mặt hào hùng, cũng như không bi lụy. Một cái nhìn tỉnh táo có nghĩ suy, một tình cảm đằm thắm đầy trách nhiệm, nhắc nhở những ai hưởng kết quả của bao sự hy sinh: Pháo hoa đỏ trời. Đèn trôi kín sông / Thạch Hãn đêm nay sóng vỗ nghẽn lòng / Vạn đèn hoa, vạn bàn tay vẫy…
Cảm hứng về lịch sử cũng là một nội dung khá nổi trội của tập thơ. Điều đáng ghi nhận là tác giả luôn đặt lịch sử trong mối quan hệ với hôm nay, tự hào về quá khứ phải có trách nhiệm với hiện tại. Từ nơi an nghỉ của vị Đại tướng Anh Cả của Quân đội ta, tác giả suy nghĩ: Nghe quốc kêu da diết những năm trường / Thấy nhà nát của kiếp dài nô lệ / Trang lịch sử xót dặm dài sông bể / Giã mái trường Thầy giáo hóa Tướng quân… Như thế, những người anh hùng của chúng ta trở thành anh hùng trong đời thường, nếu không có chiến tranh thì Đại tướng vẫn chỉ là Thầy giáo, cũng như: Nếu không vì họa giặc Ân / Chắc chàng Gióng vẫn nông dân suốt đời… Viết về những anh hùng trong quá khứ cũng như hiện đại, tác giả luôn nói đến cái gốc rễ bền chặt của họ với nhân dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân-dân tộc mà chiến đấu hy sinh không màng chút danh lợi. Như hình ảnh dẹp tan giặc rồi Gióng về Trời, để lại Mẹ già cánh võng cô đơn / Mắt mờ ngó đỉnh Trường Sơn lệ nhoà… và giờ đây nhớ Phù Đổng xưa, xóm làng với những cô Mận cô Mơ cầu mong Gióng trở về cùng với: Bao tráng sĩ tuổi tràn sức xuân / Bỏ mình vì nước vì dân / Họ tên còn khuyết mộ phần chưa xây... Lịch sử và đương đại, tập thơ đã kết nối lòng yêu nước của nhân dân trong quá khứ và hiện tại. Trong thời cuộc đầy biến động của hôm nay, lúc tình nghĩa bạn thù đầy xáo động, thử thách, một vấn đề rất nhạy cảm, nhưng tác giả đã chọn cho mình một chỗ đứng đầy thuyết phục để lên tiếng, đó là tấm lòng, là quan điểm của nhân dân. “Hoàng hôn Ải Bắc” là một bài thơ như thế. Nhắc lại chuyện xưa, tác giả nêu lên một tư tưởng đầy nhân văn mềm mại nhưng rất rắn rỏi, có ý nghĩa thức tỉnh:
Hoàng hôn này bên bệ đá nàng Tô
Vẳng tiếng trẻ khóc cha từ bờ kia biên ải
Sương hóa lệ. Cánh dơi chiều chững lại
Mã Yên Sơn vẫn dáng ngựa tung bờm…
“Cánh đồng thời gian” có một mảng thơ tình khá phong phú. Từ những tình cảm mơ màng thoáng qua nhân một cơ may gặp gỡ nào đấy trên đường công tác, một dịp thăm viếng bạn bè cho đến những kỷ niệm sâu sắc được gạn lọc qua thời gian đã để lại những dòng thơ chân thật mà sâu lắng được diễn tả bằng ngôn ngữ mộc mạc, chân thành. Vui làm sao: Bữa ấy nàng tiên trong áo tơi / Nghiêng nghiêng đuôi mắt ngó anh cười… nhưng cũng buồn da diết: Một mối tình vừa ruồng rẫy ta đi…/ Không thể ngủ, ta thức cùng với biển… Tình cảm có nhiều tình huống rất lạ, xáo trộn cả thời gian, trộn lẫn không gian. Những “nàng thơ” mà tác giả gửi gắm tình cảm thật hồn nhiên, đằm thắm. Từ một cô gái sông quê, một nàng Ni Na xứ bạn, đến một cô gái vùng cực Nam đất nước, họ đều mang hơi thở quê kiểng, hài hòa trong phong cảnh cũng như tình người. Một cô gái Mỹ Tho tác giả biết lần đầu nhờ chuyến thăm bạn Sông Tiền: Đêm men ủ. Trăng và sông lóng lánh / Sông Trăng ơi! Tình nghĩa tựa trăng rằm / Tôi - con thuyền buông neo về bến đợi / Rồi mai ngày lại rong ruổi xa xăm.
Ở tập thơ này, Bùi Quang Thanh tiếp tục sự tìm tòi đổi mới nghiêng nhiều về phía nội dung, đổi mới vấn đề hơn là ở cách thức. Khuynh hướng độc đáo trong thơ anh là đưa cách nói bỗ bã nhưng tinh tế của người dân xứ Nghệ gần với vè, giặm và những câu chuyện trạng diễn ra hàng ngày. Tự nhiên mà trau chuốt, ưa hài hước và có tính biểu tượng, ngụ ý. Một số bài thơ có tính truyện, có tứ lạ thể hiện bằng một ngôn ngữ rất dân dã được người đọc nhớ lâu. Bài thơ “Người đàn bà truột mấn” kể lại câu chuyện có thực thời Xô Viết Nghệ Tĩnh: Chị Trần Thị Hường đấu tranh chống sự đàn áp của lính Pháp bằng cách hô hào chị em cởi (truột) mấn (váy) xông lên và bọn lính từ ngơ ngác đến sợ hãi phải bỏ chạy: Những chiếc mấn nu của một kiếp đói nghèo / Được phất lên… và tất cả bọn Tây bỏ chạy… Có một cái gì ngộ nghĩnh hài hước ở đây, nhưng một triết lý ẩn dưới ngôn ngữ bài thơ mà không phải ai cũng nhận thấy: Tất cả có thể thành vũ khí, hãy vượt lên những mặc cảm bình thường để đi vào trận đánh!
Bùi Quang Thanh là một thi sĩ có nghề và… “đa năng”. Ngoài thơ anh còn viết báo và nhiếp ảnh, từng đạt nhiều giải thưởng địa phương cũng như quốc gia. Tập thơ mới “Cánh đồng thời gian” là thêm một cột mốc cho sự nghiệp sáng tác của anh, cũng góp phần làm phong phú thêm nền văn học địa phương và đất nước, bằng “kiểu” đóng góp rất riêng, rất… Nghệ!