NHÀ THƠ ANH CHI: LAO ĐỘNG MỞ CỬA CHO TÂM HỒN TÔI
Khi viết bài này trong miền ký ức của tôi nở òa bao nỗi nhớ thời tuổi mới 20 sống gian lao ở thị xã Thanh Hóa ngày đánh Mỹ. Nhớ cửa hiệu sửa đồng hồ nhỏ của nhà thơ Anh Tuấn mà Anh Chi, Đặng Ái, và tôi ngồi nhâm nhi chén trà “3 hào” sôi nổi đọc thơ, đọc truyện vừa viết cho nhau nghe.
Anh Chi sinh năm 1947, ở xóm Tân An nay là phường Tân An, thành phố Thanh Hóa. Gia đình có bốn anh em, cha mất sớm, mẹ gốc người Hậu Lộc bươn chải, làm đủ việc, kiếm tiền nuôi con. Anh cả Lê Văn Chi nghỉ học ở nhà giúp mẹ, chăm em. Nhà thơ Anh Chi tên thật là Lê Văn Sen - tên loài hoa thanh khiết, yêu mến cảm phục người anh, nên lấy bút danh Anh Chi cho trang viết của mình. Năm 16 tuổi học xong cấp II, chàng trai Lê Văn Sen không theo học cấp III, vào làm công nhân nhà máy Tia sáng của Ty Công nghiệp. Anh thợ Sen ham công việc, yêu lao động, mê kỹ thuật nên chỉ vài năm đã thành thợ giỏi. Những năm 70 cuộc chiến tranh chống Mỹ ác liệt, miền Bắc dồn tâm sức vào tuyến giao thông vùng cán xoong Thanh Nghệ. Người thợ giỏi Lê Văn Sen được điều về Hợp tác xã vận tải Quang Vinh để củng cố lực lượng sản xuất, sửa chữa các phương tiện giao thông. Ở đây Lê Văn Sen hòa mình vào cuộc sống khốc liệt, gian khổ của giai cấp công nhân trong cuộc chiến chống Mĩ thần thánh. Làm việc bằng hai, bám xưởng, bám mặt đường, người thợ Lê Văn Sen gầy sắt lại, da sạm nâu rắn rỏi, ánh mắt nheo lại tia lửa hàn sáng tắt trong đêm. Năm tháng đầy mồ hôi, nước mắt và máu ấy tôi luyện người thợ Lê Văn Sen sống bản lĩnh nghị lực với tình yêu giai cấp, quê hương đất nước. Đó là ngọn nguồn cội gốc cho tư tưởng, cảm xúc đưa người thợ Lê Văn Sen thành nhà thơ - nhà lý luận Anh Chi.
Những năm tháng đó, Anh Chi có thơ in ở báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí Văn nghệ quân đội, Tác phẩm mới... gây dấu ấn với công chúng. Nhiều nhà thơ ở Hà Nội yêu mến, theo dõi giọng điệu trẻ trung của cây bút mới xứ Thanh, trong đó có nhà thơ Chế Lan Viên. Năm 1972 nhà thơ Chế Lan Viên trực tiếp vào Thanh, gặp Bí thư thị ủy Hồ Văn Huấn xin anh công nhân Lê Văn Sen đi học lớp bồi dưỡng nhà văn trẻ của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức ở Quảng Bá. Năm 1973 học xong Anh Chi về công tác ở Ban thành lập Hội văn nghệ tỉnh nhà. Đây là bước ngoặt trong đường đời của Anh Chi. Từ người thợ Lê Văn Sen thành nhà thơ chuyên nghiệp Anh Chi. Từ cây búa sang cây bút, từ bàn máy tiện đến bàn phím máy tính, một quá trình lao động bền bỉ, tâm huyết của đời văn.
Năm 1978 Anh Chi đi học Trường Viết văn Nguyễn Du khóa I cùng thế hệ các nhà văn chống Mỹ: Hữu Thỉnh, Nguyễn Trí Huân, Lâm Thị Mỹ Dạ... Học xong Anh Chi ở lại Hà Nội công tác qua các cơ quan: Nhà xuất bản Công an, báo Người Hà Nội, Tạp chí Diễn đàn, cán bộ theo dõi bồi dưỡng văn nghệ sĩ trẻ của Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cho đến ngày nghỉ hưu năm 2007.
Hơn 50 năm theo nghiệp văn chương, Anh Chi chỉ có làm chuyên môn, nghề bếp núc của nhà văn: Biên tập viên mảng văn học ở các nhà xuất bản và tờ báo văn nghệ. Cũng như khi làm thợ, nghề biên tập cũng cần cẩn trọng, có tâm để tìm được những tác phẩm hay ra mắt bạn đọc. Nhiều cây bút trẻ những năm cuối thế kỷ trước được biên tập viên Anh Chi đọc, góp ý, trên từng trang bản thảo. Họ học hỏi được gì, cảm nhận được gì từ con người dong dỏng cao, gầy, giọng nói dứt khoát, trầm, kiến văn rộng Anh Chi. Tôi cũng vậy, ngày ở Thanh Hóa, Anh Chi thường nhiệt tình góp ý từng câu chữ của những bài thơ: Anh Chi nghiêm khắc dặn: “Muốn có thơ trước hết phải có cảm xúc đầy đặn, nồng nàn, sau đó phải có hình tượng nổi cộm trên trang giấy, ám vào người đọc!”. Ngày thường Anh Chi giao du rộng, thích tụ họp bạn bè. Ông chơi thân với nhiều tầng lớp: Bằng Việt, Hữu Thỉnh, Trịnh Thanh Sơn, Nguyễn Trọng Tạo, họa sĩ Hồng Lam, nhà nghiên cứu Tạ Ngọc Liễn, tiến sĩ toán Nguyễn Tiến Quang, Giáo sư Nguyễn Xuân Tấn. Đó là tình cảm văn chương và ân nghĩa bạn bè trong những năm tháng vất vả, gian khó, lập thân và lập nghiệp của đời người.
Con đường văn chương của Anh Chi gian truân, khổ luyện, vươn lên bằng tự học. Đọc, đọc, đọc nhiều nữa là tâm nguyện của người thợ - nhà thơ Anh Chi, để bổ khuyết kiến thức mình thiếu, để vươn lên cái cao đẹp chân, thiện, mỹ của nhân loại. Anh Chi là mẫu mực của một người tự hoàn chỉnh mình cả về kiến thức và nhân cách. Ông mê cảm Êxênhin, say đắm Olga Bergon, ngưỡng mộ Chế Lan Viên, yêu mến Bằng Việt, Lưu Quang Vũ. Những năm 70 thế kỷ trước sách báo hiếm, thế mà trên giá sách của ông xếp đầy đặn sách của các nhà thơ yêu mến. Tôi nhớ hồi đó không hiểu bằng cách nào ông có được bản thảo chép tay tập thơ Loorca do Hoàng Hưng dịch. Anh Chi cho tôi mượn một ngày, bảo tôi chép lại vào sổ tay để đọc dần. Ôi cái giọng thơ mê cảm của đất nước Tây Ban Nha xa xôi hút hồn chúng tôi suốt một thời bấy giờ.
Trong cuộc đời mỗi người cần có ba điều: Thầy giỏi, bạn tốt, sách hay. Anh Chi đã tìm được trên các cuốn sách hay cả thầy giỏi, bạn tốt cho mình.
Nguồn cảm hứng, hồn cốt thơ Anh Chi là từ lao động. Lao động sinh ra con người, lao động dựng lên xã hội, lao động nuôi dưỡng tình yêu mọi thời đại của cõi nhân gian này. “Lao động mở cửa cho tâm hồn tôi” và:
Lao động tôi với bạn bè
Qua đông sương gió, qua hè nắng nung.
Anh Chi là thế hệ thứ hai của giai cấp công nhân cầm bút viết về giai cấp mình. Sau Võ Huy Tâm, Nguyễn Dậu, Xuân Cang là Yên Đức, Đào Cảng, Anh Chi... Thi cảm của họ là sự dẻo bền cơ bắp, giọt mồ hôi mặn chát, hòn than đen bóng, ngọn lửa lò nung, phôi bào nhảy múa và ánh mắt, nụ cười của người thợ. Lao động là hiến dâng sức lực, ước mơ của mỗi cá nhân với Tổ quốc, quê hương:
Là vỉa than âm thầm quyết liệt
Dâng lên đời làm xi măng
Đất đỏ quánh đòi thành gạch ngói
... Tổ quốc - chẳng thề thốt nhiều
Xin được nhận đôi bàn tay
Có vết chai cộm là điều giản dị.
(Từ lao động)
Những năm cuối thế kỷ XX, thơ Anh Chi đã có giọng điệu riêng, cách cảm mới, mới về tư tưởng và nghệ thuật. Những câu thơ như lời thủ thỉ tâm tình mà có sức thuyết phục lôi cuốn. Đúng như nhà thơ Trịnh Thanh Sơn nhận xét: “Thơ Anh Chi thật giản dị, thật chân thành, cách lựa đề tài, lựa từ, lựa chữ cũng chẳng giống ai... Nó cường tráng và lực lưỡng, nó mãnh liệt nhưng dịu dàng. Nó là sự tiếp nối của Hồng Nguyên, Trần Mai Ninh, Hữu Loan đấy thôi” (Dọc cánh đồng thơ).
Những bài thơ vạm vỡ, mạch thơ phóng khoáng đằm thắm tình yêu quê hương đất nước, con người ôm chứa trong các hình tượng thân quen đẹp đẽ, từ ngữ, cách ngắt câu điệu nghệ làm nên dòng chảy thơ Anh Chi. Liên tiếp những chùm thơ của Anh Chi xuất hiện trên báo chí làm mê say bạn đọc. Các bài Đất, Từ lao động, Đời cây kim cang, Tháng năm, Thuyền than lại đậu bến than... rồi các tập thơ Tôi yêu (1972), Điệu hát (1979), Thành lời tôi hát (1982), Cây xương rồng khô khan (1995) tạo nên vóc dáng, thơ Anh Chi. Nhà thơ Chế Lan Viên đã chép vào sổ tay bài thơ: Thuyền than lại đậu bến than”kèm theo câu hỏi như một lời khen: “Một đời thơ viết được mấy bài như thế này?”. Nhà thơ Vân Long là người kiệm lời thế mà khi đọc chùm thơ Anh Chi in ở Tác phẩm mới năm 1971 đã xuýt xoa “Giỏi quá!”.
Anh Chi viết chậm, kỹ, chọn từ độc đáo, trong gần 30 năm ông chỉ in 4 tập, trong đó có 2 tập in chung với Võ Thanh An, Yên Đức, Thạch Quỳ. Ông nhận hai giải thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động và Hội Nhà văn Việt Nam giải thưởng cuộc thi thơ báo Văn nghệ năm 1982, giải thưởng truyện dài Buồm nhỏ viết cho thiếu nhi của Hội văn nghệ Việt Nam 1977. Thơ là cuộc sống của Anh Chi, là nghiệp một đời lao động có đau khổ và hạnh phúc:
Thơ như người như số phận vậy
Đôi khi đẹp đau lòng như một vết thương.
(Tưởng nhớ Đào Ngọc Vĩnh)
Nhưng trường lực văn chương của Anh Chi đâu dừng ở đó. Hai mươi năm gần đây nhà thơ Anh Chi trở thành cây bút lý luận phê bình uy tín. “Một nhà nghiên cứu văn học Anh Chi đúng với nghĩa của nó” (Phạm Ngọc Chiểu). Ngót ba ngàn trang trong sáu đầu sách khảo cứu, bình luận và nhiều bài báo công bố đều đặn hàng năm khiến ta kính nể sức lao động, hiệu quả công việc của nhà lý luận phê bình Anh Chi. Anh Chi khảo cứu gì, viết gì về nền văn học, văn hóa nước nhà. Ông không đi theo lối mòn của nhiều nhà lý luận phê bình hiện nay là viết, bàn những việc, tác giả đã định danh, sáng rõ. Còn Anh Chi lục tìm trong tư liệu, phủi lớp bụi thời gian, đưa ra những sự việc, con người văn tài bị chìm lấp, quên lãng hoặc cố ý vô tình quên lãng. Những bài viết đầy ắp dữ liệu, chứng cứ, luận chứng khoa học, sâu sắc tính nhân văn.
Hãy đọc qua tập Bảy người hiền và ba việc cũ (Nxb Thanh Niên 2006) ta thấy công sức nhà nghiên cứu kiếm tìm các tư liệu về tờ Tiểu thuyết thứ 5, về Lê Trang Kiều, về Quỳnh Dao. Nó thăm thẳm một miền thương cảm, ân nghĩa của hậu thế với các văn tài tiền nhân. Viết về Lê Trang Kiều Anh Chi đắng đót: “Chúng ta muốn nói với Lê Trang Kiều một câu thôi rằng những gì ông đã làm được trong suốt cuộc đời, trong suốt ngoài Nam trong Bắc, một đời hành động đâu có chết được và những ý nghĩa của nó càng không thể bị chìm vào hư vô”.
Đánh giá về Hữu Loan, Anh Chi viết thật minh triết: “Thi sĩ tiền chiến Nguyễn Nhược Pháp để lại một dấu ấn tuyệt đẹp trong một thời đại thơ ca rực rỡ của nước Việt bởi 12 bài thơ. Còn Hữu Loan là một ấn tượng đặc sắc trong thời đại tiếp theo cũng rực rỡ như thơ ca Việt Nam và chỉ với 10 bài thơ”.
Đọc những trang lý luận phê bình như vậy ứa nước mắt. Đó là bài thơ văn xuôi giỏi về duy lý, đẹp về duy mỹ và tràn đầy duy cảm. Duy cảm mới là hồn vía cho một bài viết ra đời đến với trái tim bạn đọc.
Xưa là cây bút cày trên trang giấy, nay là bàn phím làm cánh đồng cho con chữ gieo mầm, công sức lao động của người viết, bao giờ cũng thấm đẫm mồ hôi. Chao ơi! Nghiệp văn chương, nghề gieo chữ mới khó học truân chuyên như cày bừa trên đồng ruộng, quai búa trong xưởng máy. Thêm một mùa xuân đến, lại có những tin vui của nhà thơ Anh Chi cho bè bạn và công chúng. Ông vừa cho ra mắt tập tiểu thuyết Hành trình khổ ải đầy đặn được bạn đọc đón nhận. Một thành công mới của người cầm bút nhiều năng lực và lao động cần mẫn ở độ tuổi U70 này.
Dòng chảy văn chương của nhà thơ - nhà nghiên cứu văn học Anh Chi mới liên tục, vạm vỡ tha thiết, trong trẻo làm sao. Đó là khát vọng của mỗi người cầm bút mong sao cho mỗi con người trên trái đất này có được bến đỗ tình yêu ở tương lai đẹp hơn, thiện tâm hơn, nhân ái hơn.
Có lẽ vì tôi yếu đuối quá chăng
Hay vì mình sống thật bảo thủ
Nhưng vì yêu quý tương lai thì thực lòng tôi có
Và lòng tôi thật day dứt vô cùng.
(Nghĩ về tương lai)
Nguồn Văn nghệ số 50/2018