“NHỌN SẮC ĐÁ TAI MÈO CỨA VÀO THƯƠNG NHỚ”
Bản nhạc ca khúc Khau Vai
Có thể dùng chính câu thơ trong bài thơ “Khau Vai” của thi sĩ Trần Hòa Bình, cũng là nốt nhạc cao, sang trọng và xa xót nhất trong ca khúc cùng tên mà nhạc sĩ Nhị Độ đã phổ thơ để nói về chính ca khúc này!
1/ Nhà văn Văn Giá nói một ý về người đồng nghiệp, người anh thân thiết của mình: “…Trần Hòa Bình - người chuyên tâm những khúc ru tình. Anh hát ru người tình đang trong xa cách. Anh hát ru người tình vừa mới bỏ nhau. Anh hát ru người đàn bà không yêu chồng. Anh hát ru cho người tình cũ đi lấy chồng… Và cũng là lời hát tự ru mình, tự an ủi niềm đơn lẻ của chính mình. Vì thế, âm hưởng chính ở những bài thơ này là sự hòa điệu của “dịu dàng cay đắng” - vừa có cái chất ru vỗ dịu dàng, vừa là nỗi tự cảm đắng cay. Với mạch chảy tâm tình ấy, Trần Hòa Bình có một số bài thơ hay đột xuất: “Bài hát ru hoa sen”, “Bắt chước dân ca Mông”, “Mai em về nhà chồng”... và đặc biệt là “Khau Vai”.
Nhạc sĩ trẻ Nhị Độ - Dương Trọng Nghĩa đã đồng cảm với mạch chảy ấy khi nâng trên tay tập thơ của thi sĩ Trần Hòa Bình, trong ngày giỗ đầu của thi sĩ gần chín năm trước. Sự đồng cảm giữa nhạc sĩ và thi sĩ ru tình không phải chỉ với bài thơ “Khau Vai”. Dường như, đó là sự va chạm linh thiêng giữa những người nghệ sĩ. Sự giao cảm vang lên, nhanh và đẹp, để ca khúc “Khau Vai” được vang lên cùng bè bạn và trong nhiều người yêu mến thi sĩ Trần Hòa Bình.
2/ Bài thơ “Khau Vai” viết về những ngọn núi chất chồng trong hồn người, là tiếng gọi người âm vọng núi đời, là lời tỏ tình cầu khẩn tha thiết và tuyệt vọng. Cảm xúc và âm hưởng đó được nhạc sĩ nắm bắt và thể hiện rất tình cảm qua giai điệu âm nhạc. Nếu lời thơ có thể ví như những giọt máu đỏ luôn thổn thức mà thi sĩ chắt lọc thì giai điệu đã giúp cho lời thơ ấy bay lên, vang xa và chạm đến một điều bí mật của bao con người: “Trời ơi... Khau Vai buồn như đá... Ai trong đời chẳng có một Khau Vai/Nhọn sắc đá tai mèo cứa vào thương nhớ”.
Cảm nhận về ca khúc, TS ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ chia sẻ: “Phần ca từ gần như bảo đảm sự nguyên vẹn so văn bản bài thơ, nên giá trị tinh thần, nội dung tư tưởng được giữ vững. Về mặt giai điệu, nhạc sĩ khai thác hiệu quả chất liệu dân ca Mông trong phần đầu của tác phẩm, gợi âm hưởng vùng miền, không gian thiên nhiên, văn hóa. Phần sau của ca khúc, chất ngũ cung được chấm phá, dồn trọng tâm vào việc tạo cao trào cho tác phẩm. Chất bi kịch, bi tráng là nét độc đáo của ca khúc này. Nhờ đó, một bài thơ về thân phận con người, về tình yêu buồn thương đã được hát lên, thấm sâu vào người nghe và trở thành một ấn tượng mạnh mẽ “.
3/ Còn nhạc sĩ, thì tâm sự về “Khau Vai”: “Với mình, bài hát là một bước dài về phong cách. Nếu trước đó mình thường chỉ nghĩ về Rock, Pop... thì với “Khau Vai”, chất ngũ cũng đã thấm đượm. Rất nhanh mình đã viết xong phiên khúc 1 với âm giai gợi không khí rừng núi. Tiếp đó là phiên khúc 2, rồi đến phần nhạc ngựa - “Em kìa những cây sa mộc lặng lẽ/Trong thung đang nghĩ gì…”. Khi đó, mình nghĩ đến những bước chân của con ngựa trên núi đồi, cứ lặng lẽ bước đi, và mình đưa vào tạo nét của đoạn này. Và sau đó mình viết nốt đoạn Coda - để kết, hoàn thành bản nhạc. Có lẽ đây là một sự ưu ái của tự nhiên, của chính tác giả bài thơ đối với mình, khi mà bài hát sau đó được nhiều người tâm đắc...”.
Sự tĩnh lặng lạ lùng của ca khúc đầy vang động “Khau Vai”, cho người nghe nghĩ về một miền đá sắc, tưởng như lặng lẽ, tưởng như lạnh lùng... mà niềm thương nỗi nhớ cứ kéo dài mãi tới miên man! Trong sự tĩnh lặng của cao nguyên đá xa xôi ấy, như vẫn có những bước chân thi sĩ ru tình đã ghé qua. Và cuộc sống, may mắn thay có một nhạc sĩ, đã tìm thấy những vết chân ấy trong khuông nhạc của mình!
Nhật Minh