TRUYỆN CỔ GRIMM - THẾ GIỚI KỲ ẢO CỦA NIỀM VUI SỐNG VÀ NHỮNG KHÁT VỌNG THẤM ĐẪM CHẤT NHÂN VĂN
Sự công nhận ấy đồng nghĩa với việc đánh giá rất cao ý nghĩa xã hội cũng như giá trị văn học của truyện cổ Grimm. Có thể xếp nó ngang hàng với truyện cổ Andersen, một tên tuổi lớn của đất nước Đan Mạch.
Từ nhiều năm nay, ở nước ta, truyện cổ Grimm đã được dịch từ nguyên bản tiếng Đức và xuất bản với một số lượng khá lớn. Có thể nói rằng, hầu hết các nhà xuất bản ở trung ương đều ấn hành truyện cổ Grimm, trước hết là Nhà xuất bản Kim Đồng, rồi các nhà xuất bản Thanh Niên, Văn học, Văn hóa, Phụ nữ..., tiếp đến là các nhà xuất bản ở địa phương. Dường như gia đình nào, em bé nào cũng có ít nhất 1-2 cuốn truyện Grimm trong tủ sách của mình. Có những tập được minh họa và trình bày khá hấp dẫn.
Người có công lao lớn nhất trong việc sưu tầm, dịch và giới thiệu truyện cổ Grimm ở nước ta là Lương Văn Hồng, cử nhân ngôn ngữ Đức, thạc sĩ văn học Đức, đã tiến hành dịch Truyện Grimm cổ từ năm 1978 và công bố toàn bộ trên 200 truyện cổ Grimm, lúc đầu chia thành 5 tập (tập đầu tiên in năm 1981). Cho đến năm 1994, sau 15 năm lao động âm thầm trên đất Đức và trên đất Việt Nam, ông đã giới thiệu toàn tập Truyện cổ Grimm.
Cho đến nay, hơn 200 năm đã trôi qua kể từ khi xuất bản lần đầu truyện cổ Grimm. Mỗi gia đình Đức đều có trong tủ sách một bộ truyện Grimm, nhưng có lẽ bộ hoàn chỉnh nhất là bộ do Nhà xuất bản Aufbau (Xây dựng) ở Berlin ấn hành năm 1989, mang tít Truyện cổ tích kể cho trẻ em và trong nhà - do hai anh em Grimm sưu tầm (gồm 2 tập). Lời nói đầu ở trang nhất vẫn dùng lại nguyên bản của Wilhelm Grimm viết ngày 3 tháng 7 năm 1819 tại thành phố Kassel (tròn 170 năm trước đó). Nói là hoàn chỉnh nhất, nhưng chưa chắc đã đầy đủ, vì tới gần đây vẫn tìm được những truyện chưa từng công bố. Xin nêu ví dụ: Cách đây không lâu, một gia đình bên Mỹ có gửi cho cơ quan sưu tầm văn học tại Đức một truyện Grimm bằng nguyên bản chép tay. Được biết, sinh thời ông Jacob Grimm đã chép tặng người yêu truyện này. Về sau, người yêu ông sang Mỹ, mang theo nó như một kỷ niệm của tuổi thanh xuân và vẫn được các thế hệ con cháu của bà lưu giữ đến ngày nay.
Trong Lời nói đầu viết năm 1819, Wilhelm Grimm cho rằng, đã đến lúc cần giữ lại những truyện cổ tích đó, bởi những người kể chuyện cứ ngày một vắng bóng trên đời này. Họ thuộc và kể một cách say sưa, nhưng không hề nghĩ rằng các truyện đó hay hay dở, chúng có nên thơ không, quả là họ không cần biết điều đó, chỉ kể như họ biết và yêu thích chúng. Họ đã tiếp nhận chúng thế nào, vui mừng với nội dung câu chuyện ra sao, hoàn toàn rất tự nhiên, không cần biết vì sao họ tiếp nhận chúng và vui mừng về chúng. Ông cũng cảm nhận: “điều tuyệt diệu là những người kể đều truyền đạt lại một cách sống động, cứ như là họ “sống” với những gì được kể ra, và nhờ thế mà “chất thơ” càng đậm nét hơn, ít nhiều mang dấu ấn tâm hồn họ. Tuy nhiên, nhìn chung, “chất thơ” ấy chưa đáng kể. Hai anh em Grimm, vốn là các nhà nghiên cứu, ban đầu đã giữ các nguyên tắc cứng nhắc trong việc xuất bản cuốn sách là: Nghe được thế nào cứ để nguyên như vậy, không thêm bớt, tưởng rằng người đọc cũng hiểu những chuyện ấy như họ hiểu chúng vậy.
Trong tác phẩm Anh em Grimm - Cuộc đời - Sự nghiệp - Thời đại của Gabriele Seitz, do nhà xuất bản Winkler (Muenchen) ấn hành, có nhắc đến tên tuổi, nghề nghiệp và một ít hình ảnh những người từng kể chuyện cho J. và W.Grimm nghe. Trong số đó có người chăn cừu trên đỉnh núi Brunsberg ở Hoerter, người chăn ngựa tại một làng nhỏ xứ Kassel hoặc những người thân quen với anh em Grimm như Marie Mueller, Dorothea Viehmann… Họa sĩ Ludwig Emil Grimm đã vẽ bức tranh bà Viehmann đang ngồi kể chuyện. Có một điều thú vị là trong quá trình ghi chép truyện cổ, Wilhelm Grimm đã từ chỗ quen thân mà yêu nàng Dorothea và năm 1825 họ đã làm lễ thành hôn.
Quan điểm ban đầu của anh em Grimm là cứ để nguyên như những gì họ nghe và chép được hoàn toàn không đạt hiệu quả như mong muốn. C.Brentano, một người họ hàng của gia đình Grimm, cũng từng hoạt động văn học, tỏ ra không hài lòng với văn phong của quyển sách xuất bản lần đầu. Brentano và Arnim, cũng là một nhà văn và là em gái của Brentano, có trao đổi thẳng thắn với anh em Grimm. Jacob và Wilhelm đã vui vẻ tiếp thu ý kiến và dồn sức biên tập lại, làm cho văn phong sinh động, trau chuốt hơn…
Thoạt đầu, việc sưu tầm truyện cổ tích đối với anh em Grimm chỉ là nguồn vui khi nhàn rỗi, song qua nhiều năm tháng, được dư luận đánh giá cao, hai anh em tiếp tục sửa chữa, nâng cao, nó đã trở thành một công việc nghiêm túc, theo đuổi hai ông trong suốt cuộc đời. Những nỗ lực của hai ông được đền đáp bằng tấm lòng trìu mến của công chúng. Ai cũng thừa nhận rằng, cho đến năm 1857, lần xuất bản thứ 7, bộ sách đã được tiếp tục bổ sung, sửa chữa ngày thêm hoàn hảo. Thế là, từ những câu chuyện rời rạc, không nhất quán ban đầu, lời văn có phần tẻ nhạt, giờ đây các câu chuyện trở nên súc tích, dí dỏm, giàu chất thơ, giàu hình ảnh, đến mức như nhiều nhà nghiên cứu văn học đánh giá, chúng trở thành các tác phẩm cổ điển trong văn học thế giới! Hans Christian Andersen (1805-1875), nhà văn Đan Mạch nổi tiếng về truyện kể cho thiếu nhi, từ tiếp xúc với thành tựu khoa học, sáng tạo và con người trong đời sống, đã viết: “Anh em Grimm là những nhân vật mà ai cũng phải yêu mến và gắn bó!”. Từ những truyện ấy, nhiều bộ phim, vở kịch, bức tranh, nhạc khúc… đã ra đời và mang đến cho người xem cảm giác toát lên niềm vui sống và những khát vọng thấm đẫm chất nhân văn.
Không phải ngẫu nhiên mà ở Đức và nhiều nơi, các dân tộc khi tiếp nhận Truyện cổ Grimm, đều có sự đồng cảm. Giáo sư Chu Xuân Diên, nhà nghiên cứu văn học dân gian Việt Nam lý giải:
“Đọc truyện cổ Grimm, độc giả không những thấy lòng mình ấm áp hẳn lên vì nội dung nhân đạo của nó, trí óc mình sắc sảo thêm lên vì những kinh nghiệm về cuộc sống dồi dào của nó, cảm quan thẩm mỹ được thỏa mãn vì nghệ thuật kể chuyện trong sáng mà hấp dẫn của nó. Đọc Truyện cổ Grimm độc giả Việt Nam còn được hưởng một niềm vui thích đôi khi đến ngạc nhiên, vì thấy trong nhiều chuyện của nhân dân hai nước Đức và Việt Nam, có nhiều điểm giống nhau, thậm chí giống nhau đến kỳ lạ.
Cảm giác ấy thấy rõ nhất trong chúng ta khi so sánh truyện Cô Lọ Lem (Đức) với truyện Tấm Cám (Việt). Hai truyện ấy giống nhau không những cả về chủ đề, cốt truyện, mà cả về nhiều chi tiết. Có thể coi đó là hai dị bản của cùng một kiểu chuyện về đề tài dì ghẻ con chồng. Sự giống nhau về kiểu truyện như thế này chúng ta còn gặp giữa truyện Cứu vật vật trả ơn, cứu nhân nhân trả oán (Việt) và truyện Những con vật biết ơn (Đức)... Sự giống nhau nói trên có thể do nhân dân lao động hai nước cùng có những nét chung về kinh nghiệm sống, cùng có chung những ước mơ về một cuộc sống tốt đẹp, trong đó cái thiện thắng cái ác, sự thật thắng gian dối, trong đó lao động sáng tạo và lòng tốt đối với nhau là cơ sở của mối quan hệ giữa con người với con người. Chính sự giống nhau này cũng là nguyên nhân làm cho độc giả Việt Nam từ lâu và mãi mãi sẽ vẫn còn yêu thích Truyện cổ Grimm như đã từng yêu thích kho tàng truyện cổ tích của chính dân tộc mình”.
Như vậy, nói một cách chung nhất, các truyện mà anh em Grimm ghi lại và nâng cao đều mang nội dung chủ yếu là những ước mơ, niềm khát vọng của con người thuở xa xưa. Đó cũng là nét chung nhất trong các truyện cổ của mọi dân tộc mà Maxim Gorki từng chỉ ra. Những ước mơ được vui sống, những khát vọng chất phác nhưng thấm đẫm chất nhân văn của con người trong lao động, trong cuộc sống bình thường. Nó chất phác, bình dị, song cũng là khởi nguồn cho nhân loại từ xa xưa đến hôm nay, mãi mãi không hề thay đổi: Chính nghĩa thắng phi nghĩa, cái thiện thắng cái ác. Bọn xấu phải bị trừng trị, lên án. Những người tốt, dù phải trải qua bao tai ương, thử thách, cuối cùng cũng được đến với hạnh phúc, hưởng sự công bằng. Các quy luật của đạo đức, niềm khát vọng ấy được lưu giữ, phát triển như nguồn nước trong lành, tinh khiết trong các truyện cổ Grimm cũng như trong kho tàng văn học dân gian nói chung. Đương nhiên, không phải tất cả các truyện cổ Grimm đều chứa đựng nội dung cơ bản đó. Ngược lại, có truyện không nhằm mục đích giáo dục mà chủ yếu gây tiếng cười hóm hỉnh, thích thú.
Cuối cùng, xin nói một đôi điều về hai ông Jacob và Wilhelm Grimm. Đây quả là một trường hợp hiếm hoi: Họ sinh ra cùng một chốn, cùng lớn lên, làm việc bên nhau, cùng sở thích, cùng chí hướng và cuối cùng đều yên nghỉ tại một nơi. Ngoài truyện cổ là công trình chung, mỗi người trong hai anh em đều có tác phẩm riêng, đề cập về các vấn đề lịch sử ngôn ngữ Đức, nghiên cứu văn học Đức thời cổ và Trung cổ, về ngữ pháp Đức. Hai anh em đều là nhà bác học, từng làm Giáo sư đại học, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học Berlin. Thời trai trẻ, họ đều thích vẽ và để lại một số tác phẩm hội họa có giá trị được giới thiệu trong công trình sưu tập, biên soạn của Gabriele Seitz. Họ còn là tác giả của bộ Từ điển tiếng Đức, gồm bốn quyển, xuất bản năm 1851. Hai ông đã sáng lập khoa Ngữ văn Đức (Germanistik). Nêu cao tấm gương dũng cảm của người trí thức, năm 1837, họ đã cùng năm vị giáo sư có tên tuổi khác ở trường Đại học Goettingen ra Bản Tuyên bố phản đối vua xứ Hanover định xé bỏ Hiến pháp. Chính vì hoạt động đó, họ bị trục xuất.
Cuộc đời và sự nghiệp của hai anh em Grimm, những nhà bác học, nhà ngôn ngữ học và nhà văn Đức, mãi mãi được tôn vinh như những tấm gương sáng chói về lao động nghiêm túc, xác thực và kỷ luật, về tình yêu thương máu mủ và tình yêu dân tộc mà người ta gọi là “hồn Đức”.
Nguồn Văn nghệ số 22/2019