NHÀ THƠ VÕ VĂN TRỰC, NGUYÊN PHÓ TỔNG BIÊN TẬP BÁO VĂN NGHỆ QUA ĐỜI
ĐAU ĐÁU NỖI LÀNG QUÊ
( Chân dung Nhà văn)
VƯƠNG TRỌNG
Trong tiềm thức của nhà thơ Võ Văn Trực, đa không chỉ là một loài cây cổ thụ sống lâu năm, cành cao tán rộng… mà là hồn quê, là linh khí quê kiểng ngàn đời kết tụ. Ngót nửa thế kỷ sống giữa thủ đô Hà Nội, bao đêm ký ức đưa ông về làng Hậu Luật để nương náu dưới bóng mát của những tán đa xưa. Thuở ấy, khi ông chỉ là một cậu bé con nhà quê bảy tám tuổi, mặc quần đùi, đi chân đất, đầu trần khét nắng, hơn chục cây đa làng toả bóng mát từ xóm Bấc, xóm Trung ra tận đồng làng là những miền cổ tích, chứa bao điều tưởng tượng. Không có một kỷ niệm nào về bạn bè quê hương thuở ấy mà vắng bóng những cây đa. Bởi thế, ngày nay mỗi khi ai đó hỏi về những cây đa làng quê, là ông lặng người đi, nước mắt rơm rớm. Bởi tất cả những cây đa ấy chỉ còn lại trong kỷ niệm vì sự ấu trĩ một thời, cái thời mà người ta lầm tưởng cách mạng là xoá bỏ tất cả những gì đã có sẵn từ trước, đồng thời thực thi chính sách tiêu thổ kháng chiến một cách máy móc, tràn lan. Thế nên chỉ trong một thời gian ngắn, song song với việc tập trung thần, thánh, phật về một chỗ; chuyển mồ mả mọi người(kể cả mộ của thành hoàng làng cùng những nhân vật lịch sử và truyền thuyết) về chung một nghĩa địa, người ta chặt hạ hết tất cả các cây cổ thụ, trong đó có hơn một chục cây đa.
Mỗi lần xem ti vi gặp chương trình lễ hội ở một vùng quê nào đó, có đình đền đàng hoàng, trang nghiêm; và đặc biệt có những cây đa hàng trăm tuổi, là ông ngồi như hoá đá trước máy thu hình. Những lúc đó nếu có ai nói gì ông cũng không nghe thấy, thậm chí có lúc lay mạnh vào vai, một lúc ông mới tỉnh lại. Không phải chương trình kia quá hấp dẫn với ông, mà vì nó làm ông nghĩ về số phận những cây đa làng Hậu Luật quê mình. Có lần cùng ông một chuyến công tác xa, đêm nghỉ chung phòng trong khách sạn, tôi đã chứng kiến cảnh ấy. Khi tỉnh lại, ông như kẻ mất hồn, lạc lõng trước thực tại, hồi lâu mới định thần được. Tính ông vốn nghĩ nhiều, nói ít, thế nhưng sau những lúc như thế ông có nhu cầu giãi bày những uẩn khúc trong lòng. Thế là ông kể tôi nghe chuyện những cây đa làng ông, giọng trầm đục, buồn thương.
Thì ra làng Hậu Luật thuở ấy thật nhiều cây cổ thụ. Ngoài cây muỗm ở đền Bạch Y Thần cao hơn ba chục thước, còn mười một cây đa, trong đó có những cây đã lâu đời. Cây đa Cồn Rộng đứng sừng sững giữa đồng không mông quạnh, toả bóng xuống trên ba sào đất, là nơi nghỉ trưa của bà con nông dân để ăn cơm và tránh nắng trong trưa hè đổ lửa. Cây đa Đập Trùn toả tán rộng giữa cánh đồng màu; mùa dỡ khoai, trưa nắng, người quê có bóng cây che chở. Cây đa Xóm Bấc ở ngay đầu cổng xóm, dễ chừng đến ba, bốn trăm tuổi, được các cụ già gọi là "cây đa phù Lê" vì nó gắn liền với một truyền thuyết mà người làng không ai không biết. Với cây đa này, trong tập sách “Chuyện làng ngày ấy”, nhà thơ Võ Văn Trực đã viết: " Đêm trăng phường vải, trai các làng lân cận thường nhóm họp nơi đây rồi đi vào các ngả xóm hát đối đáp với những cô gái quay xa kéo sợi. Trưa hè nắng ngột ngạt, sau bữa cơm cà với canh mùng tơi, người ta kéo nhau ra hóng mát. Tán đa trở thành mái nhà thiên nhiên lồng lộng gió…". Có cây đa một phần bóng mát phủ lên con rộc nước trong mát, trưa hè bọn trẻ tắm, thi nhau bơi ngửa, há miệng chờ những con chim sáo từ lèn Hai Vai bay về chuyền cành ăn quả làm những quả chín nẫu rơi vào miệng. Đứa nào hứng được nhiều trái đa hơn sẽ thắng cuộc, có người lớn hóng mát trên bờ làm trọng tài!
Thường thường sau khi kể về những cây đa xong, ông lắc đầu, trút một hơi thở dài rồi nói: "Chẳng còn gì nữa, không đình chùa miếu mạo, không một bóng cây cổ thụ, cái làng có lịch sử trên năm trăm năm trở thành một cái ấp. Người già không còn nơi tụ họp, thanh niên không có nơi nào ngồi chơi, nghĩ mà thương". Có lần ông kể tôi nghe chuyện mấy đứa cháu ở quê ra Hà Nội thăm, khi leo lên sân thượng nhà ông gặp cây đa ông trồng( không với ý nghĩa cây cảnh mà là để đỡ nhớ đa quê), không đứa nào biết đó là cây gì, đứa thì bảo đó là cây mít, cây bàng! Ý tưởng phải trồng lại những cây đa ở làng Hậu Luật nẩy sinh trong ông từ đó. Ông đi khắp các chợ cây ở Hà Nội có gặp nhiều cây đa, nhưng không có cây nào đúng loài đa ông muốn tìm, vì chỉ gặp những cây đa cảnh, hợp với vườn bon sai chứ đâu hợp với làng ông. Nghe tin ở Hưng Yên có nhà chuyên ươm hạt đa để lấy cây con, ông tìm về và mua được bốn cây, về ươm tạm nửa năm trên sân thượng nhà mình, mỗi ngày leo lên tưới nước mấy lần. Đầu tháng Chạp năm Quý Mùi tôi đến nhà ông chơi, thấy ông vui vẻ và linh hoạt khác thường. Hỏi ra mới biết ông vừa đem bốn cây đa về quê bằng cách cho vào hai bao tải, mỗi bao hai cây, dùng đòn tre gánh ra bến xe ô tô để về làng. Đây là lần về làng hiếm hoi khi ông tới làng vào buổi trưa. Đã mấy chục năm ông chỉ về làng vào chập choạng tối, dù về đến Ngã ba Diễn Châu còn sớm thì cũng đợi cho muộn rồi mới về làng, vì ông không muốn nhìn rõ cảnh làng như một cái ấp, khác hẳn với ngôi làng trong ký ức. Lếch tha lếch thếch như dân làng ông năm đói lên miền ngược mua sắn trở về, ông gánh bốn cây đa về làng, rồi mời trưởng thôn, ông từ nhà thờ Đại tôn và mấy ông cụ quan tâm nhiều cảnh quan làng xóm đến nhà người cháu, cùng ăn bữa cơm rồi bàn chuyện trồng đa. Cuối câu chuyện, ông nói: "Bốn cây đa đã được trồng cẩn thận rồi đấy, nhưng không biết có giữ được không, và biết đến khi nào mới được như những cây đa ngày xưa"!
Cũng từ lần về trồng đa vừa rồi, ông nhận thêm một trách nhiệm với làng, đó là việc viết hương sử, tức là lịch sử làng Hậu Luật. Ông nói rằng, hương sử không dài, chỉ chừng một trăm trang đổ lại, nhưng văn phong cần cô đúc, chính xác nên cũng mất khá nhiều thời gian. Người làng tin ông rồi giao trách nhiệm cho ông, hơn nữa, "mình không làm thì ai làm cho".
Từ ngày bà cụ thân sinh qua đời, không phải tết nào ông cũng về thăm quê, nhưng tết này về vì đã hẹn với một người bạn chí cốt, thương nhau từ ngày cắt cỏ chăn trâu, cùng nhau trải hết những ngày đói khổ và biến động lớn của làng, mà bây giờ ông bạn ấy đang sống với con cái ở tận Tây nguyên. Ông bạn ấy tên là Bá mà trong nhiều tập sách viết về làng, ông vẫn quen gọi thân mật là thằng Bá. Ông với Bá thân nhau đến nỗi, có lần trên đường về thăm quê, ông gặp người làng ở Ngã ba Diên Châu, thì câu đầu tiên người làng nói với ông là: "Ông Bá vào Tây Nguyên rồi!", làm như ông về quê là chỉ thăm Bá! Tự nhiên ông thấy lòng hụt hẫng như vừa mất một cái gì. Về đến làng, sau khi đặt túi hành lý xuống góc giường nhà đứa cháu, ông dự định sẽ dạo loanh quanh một vòng. Ông nhận ra rằng, phần lớn những người quen trong làng, hoặc đã trở về cõi âm, hoặc tản mát các vùng đất nước và thốt lên:
" Mỗi lần về, một vắng thêm/ Lưa thưa bè bạn sao nghiêng cuối trời". Tưởng là chỉ lang thang trên đường làng, nhưng đi được một lúc, không ngờ đã thấy chân mình đang đứng trên sân nhà Bá! Rồi ông đẩy cánh cửa khép hờ bước vào nhà bạn, đứng lặng nhìn quanh, lòng nặng trĩu. Hè năm 2000, ông và ông Bá đã gặp nhau ở làng. Và dịp này không biết cuộc hẹn có thành không. Giá như quyển hương sử khi đó đã viết xong, người được đọc đầu tiên phải là “thằng Bá”.
Có người nói rằng, với nhà thơ Võ Văn Trực thì "Thân thể tại Hà Nội, tinh thần ở Nghệ An", hay cụ thể hơn là "Thân thể tại Yên Hoà, tinh thần ở Hậu Luật". Điều ấy không sai. Trong phòng khách nhà ông ở Yên Hoà, treo chỗ trang trọng nhất là bức ảnh chụp lèn Hai Vai. Bức ảnh không có chú thích, nên nhiều khách hỏi, ông buồn bã: Lèn Hai Vai ngày xưa đẹp thế, mà bây giờ chỉ còn như thế ! Có cơn mưa đêm đổ xuống mái phố, ông thức dậy mà hình dung nước sông Bùng lên cao, rộc nước bìa làng chảy mạnh, như nghe thấy tiếng ếch râm ran từ những rãnh khoai lang thúc giục người làng đốt đuốc. Và những vồng khoai lang gặp mưa, ngọn non mơn mởn bò qua rãnh. Thứ rau lang đó luộc lên chấm với nước mắm cáy thật hợp. Vâng, nước mắm cáy là món ăn quen thuộc của bao thế hệ người dân Hậu Luật và bà con vùng phụ cận. Các cụ còn kể chuyện rằng, Nguyễn Trung Mậu người làng Văn Tập, kề sát làng Hậu Luật, là một ông quan có công lớn vào đời Thiệu Trị. Khi cuối đời ông bị ốm nặng, nhà vua hỏi đại ý rằng, suốt đời phụng sự nhà vua, bây giờ ông có ao ước gì không. Nguyễn Trung Mậu chỉ ước vài điều, trong có ước được húp một thìa nước cáy của quê nhà. Nhà vua cho người tức tốc trở về quê Văn Tập để lấy cho được một bình nước cáy mang vào, nhưng khi nước cáy chưa tới Đèo Ngang thì ông đã từ trần ở Huế. Những con cáy bắt từ vùng nước lợ dọc sông Bùng, chỉ muối vài ba tháng là thành thứ nước chấm không có thứ nước chấm nào có thể sánh được. Nếu không chấm rau lang luộc thì hái những quả cà sung bánh tẻ - loại cà pháo quả tròn, mỏng vỏ - cắt đôi, bỏ hạt còn lại như cái thìa nhỏ, múc mắm cáy rồi cắn dòn tan cùng miếng cơm gạo quê. Trời, nghĩ lại lúc nào cũng thèm, ngay cả khi ngồi bên bàn tiệc lớn ở thành phố. Trong ký ức, ông không nhớ chuyện người làng đi chợ mua thức ăn bao giờ. Có cơm là tốt rồi, thức ăn là cái tự tìm lấy, vả lại thuở ấy thức ăn sao dễ tìm đến thế. Câu ca dao cả vùng đều biết: "Ai về Hậu Luật mà coi/ Bắc cơm lên bếp, mang oi ra đồng ". Và chỉ một chốc là tìm đủ cái ăn.
Có người khi rời quê ra thành phố ở, rất ngại hai chữ nhà quê, nhưng nhà thơ Võ văn Trực lại tự hào về cái gốc quê kiểng, tự hào về sự gắn bó của mình với làng quê và đặc biệt thích ăn những món quê mùa. Thứ khoai chiêm trên đồng Đập Trùn, đồng Cống không đâu có được mùi thơm đến vậy, luộc khéo là khi khoai vừa cạn nước, hơi sém lá chuối lót nồi thì khoai chín tới, bột nở nứt vỏ. Thứ khoai ấy ăn với cà muối xổi mới hợp làm sao, và tất nhiên sau khi ăn xong phải uống nước chè xanh nấu đặc, vởn khói trong chiếc bát chân voi... Có một thứ đặc sản mà ông chưa được gặp lại bất cứ nơi nào ngoài ở quê ông, đó là nếp rồng. Cũng gọi là nếp rồng, nhưng không phải như nếp rồng nơi khác, vì thứ nếp này thơm từ khi còn cây mạ, cái chổi rơm thơm đến khi dùng cùn tận cán. Chỉ một nhà đồ xôi là cả làng thưởng thức mùi thơm. Rồi món lươn om củ chuối, ếch nấu với cà, ông "nghiện" từ nhỏ, và sau này thi thoảng vẫn được ăn ở nhà " thằng Bá" mỗi chuyến ông về quê.
Ông nhớ có một lần được ăn cỗ do gia đình một anh bạn quê Bắc mời. Tất nhiên là có nhiều món quen thuộc của mâm cỗ thời kinh tế thị trường mà chúng ta chẳng xa lạ gì. Nhưng đặc biệt hôm đó có một món làm ông sững người như không tin ở mắt mình. Đó là món cà muối xào mỡ: mỗi quả cà muối được cắt làm đôi, moi hết hạt rồi xào mỡ. Món này ông chưa từng gặp bất kỳ nơi đâu, ở mâm tiệc cũng như ở bữa ăn bình thường, ngoài ở nhà ông, do bàn tay của mẹ ông làm, khi ông còn là một đứa trẻ. "Cái vị mặn lâu ngày được ngấm mỡ tạo ra một vị ngon đặc biệt quê kiểng", ông đã từng viết thế. Suốt bữa tiệc hôm ấy, hầu như ông chỉ ăn một món, khiến chủ nhà không biết bao lần mời ông các món khác. Ông ăn và suy nghĩ triền miên. Nếu được ăn món này ở vùng Nghệ Tĩnh thì ông đã ngạc nhiên, huống chi đây lại ăn tiệc giữa Hà Thành. Sau bữa tiệc ông nán lại hỏi bà chủ nhà về món ăn đặc biệt đó thì được trả lời rằng, khi đọc bài " Ngày mẹ qua đời " trong tập sách “Chuyện làng ngày ấy” của ông có câu: "Xa nhà lâu ngày tôi thấy nhớ món cà xào mỡ", nên bà chủ nhà làm thêm món này để ông ăn cho bớt nỗi nhớ quê!
Về dân ca ba miền, ông mê nhất, phải nói là "nghiện nặng", dân ca Nghệ Tĩnh. Mấy năm gần đây, dù đi công tác gần hay xa, mau hay lâu, thế nào ông cũng nhớ mang theo một máy ca-sét nhỏ để được nghe tiếng hát của Tiến Dũng, Lệ Thanh trước khi vào giấc ngủ. Tôi nhớ lần ấy cùng ông đi chấm thi thơ ở Đà Nẵng, đêm hội thảo về khá khuya nên anh em khẩn trương lên giường ngủ. Ông cũng lên giường, lấy ca-sét ra thì phát hiện hết pin. Ông nằm yên, ai cũng nghĩ là ông đã ngủ, nhưng sau đó khi tin bạn mình đã ngủ, ông lặng lén dậy, lần ra ngoài, đi mấy dãy phố mua cho kỳ được một đôi pin, dù lúc đó đã gần mười hai giờ khuya. Sau này tôi mới biết rằng, ít nhất mỗi ngày ông cũng nghe dân ca Nghệ Tĩnh hai lần trước khi ngủ trưa và ngủ đêm. Nếu nằm mà không được nghe, ký ức ông hành trình về quê hương, lang thang hết mọi xó xỉnh, lần gặp hết người này đến người khác, chẳng thể nào ngủ nổi.
Có thể khẳng định rằng, trong hội Nhà văn Việt Nam xấp xỉ 800 hội viên hiện nay, ít có một nhà văn nào yêu quê rồi viết về quê hương mình nhiều như nhà thơ Võ Văn Trực. Hầu như tác phẩm nào của ông cũng viết về quê hương, mà phần lớn có sự tham gia của người và cảnh làng Hậu Luật. Ta hãy nhắc tên một số tác phẩm của ông, những quyển sách là tiểu thuyết hay chuyện kể, sưu tầm: “Truyền thuyết núi Hai Vai”, “Chuyện làng ngày ấy”, “Vè làng Hậu Luật”, “Chuyện ma làng Hậu Luật”, “Những thi sĩ dân gian”, “Những ngày hội dân dã”, “Gốc đa làng, Sống giữa tình thương”…có những quyển dày ba bốn trăm trang. Thơ và trường ca của ông thì Trận địa quê hương, Người anh hùng đất Hoan Châu... Đó là chưa kể hình ảnh người làng Hậu Luật in đậm nét trong hàng chục bài thơ, đặc biệt những bài về mẹ, về chị… đọc lên lòng thấy rưng rưng.
Sang mùa xuân tới, nhà thơ Võ Văn Trực bước vào tuổi sáu mươi tám, nghĩa là sắp chạm lễ mừng thọ bảy mươi.Thế nhưng sức khoẻ ông vẫn tốt, vẫn còn ưa đạp xe đi thăm bạn bè văn chương, đặc biệt là những người đồng hương. Những buổi gặp nhau, chuyện văn chương chỉ điểm qua, hầu hết thời gian dành cho chuyện làng, chuyện quê. Mỗi ngày ông còn ngồi cạnh bàn ba, bốn tiếng đồng hồ để sáng tác, và tất nhiên phần lớn những dòng ông viết là để giãi tỏa nỗi niềm của một người con ly hương, lòng luôn đau đáu nỗi làng quê. Phải chăng ông là một con người rất Nghệ?