HỒN KINH BẮC TRONG QUAN HỌ
Theo nhạc sĩ Đức Miêng, người đã có nhiều năm nghiên cứu dân ca quan họ, thì bài ca tiêu biểu nhất trong hàng loạt bài ca quan họ tiêu biểu là bài “Em là con gái Bắc Ninh”:
Đôi tay nâng lấy cơi trầu
Trước mời quý khách sau hầu đôi bên
Em là con gái Bắc Ninh
Kẻ Tấn người Tần
Gửi lên tỉnh Bắc cho gần yến oanh
Vui nay ngoài phố trong thành...
Nhạc sĩ Đức Miêng cho rằng đây là bài ca chính luồng nhất, hội tụ đầy đủ nhất các yếu tố âm nhạc chủ yếu trong dân ca Quan họ, là một đại diện tiêu biểu của âm nhạc quan họ. Chắc chắn, sự phân tích về mặt âm nhạc, về mặt giai điệu, khúc thức của Đức Miêng về tính tiêu biểu cho âm nhạc quan họ của bài ca này là hoàn toàn có cơ sở. Riêng về phần văn học, cũng có thể coi ca từ bài này là một cách xưng danh, một cách định danh đầy tự hào cho những giá trị nội dung dân ca quan họ. Không phải ngẫu nhiên mà bài này là bài duy nhất được chọn để trình bày theo đúng nguyên tắc thực hành dân ca quạn họ truyền thống là hát đôi, hát đối, hát khoing nhạc đệm trong đêm hội kỷ niệm 10 năm quan họ được UNESCO vinh danh.
TS Trần Đình Luyện, một nhà nghiên cứu văn hoá Kinh Bắc, trong quyển sách “Lễ hội Bắc Ninh” cũng hoàn toàn có lý khi cho rằng “Sinh hoạt văn hoá quan họ, trong đó đặc sắc nhất là ca hát quan họ, là một hoạt động gần như thể hiện một cách đầy đủ nhất truyền thống lịch sử văn hiến của mảnh đất con người Bắc Ninh – Kinh Bắc”.
Chúng ta có thể dễ dàng đồng ý rằng không ở đâu mà “chất” Kinh Bắc, “điệu tâm hồn” Kinh Bắc, phong cách văn hoá Kinh Bắc, phong vị văn hoá Kinh Bắc được thể hiện một cách rõ rệt cụ thể bằng ở sinh hoạt văn hoá quan họ, ở nghệ thuật dân ca quan họ.
Cho đến nay, chưa có con số chính thức cuối cùng về những văn bản lời ca quan họ đã sưu tầm được. Nhưng theo số liệu chúng tôi tạm tổng hợp từ công trình sưu tầm của nhạc sĩ Hồng Thao, của Trung tâm văn hoá quan họ, của Viện nghiên cứu âm nhạc, Đoàn dân ca quan họ Bắc Ninh, thì có trên 500 bản lời ca quan họ đã được sưu tầm, ghi chép lại. Tiếp xúc với nội dung 500 bản lời ca quan họ ta như được mở cửa đi vào thế giới tinh thần nhân ái phong phú, rộng mở, tinh tế, lịch duyệt lạ thường của con người quê hương quan họ.
Ta gặp ở đây một tình yêu quê hương mộc mạc, chân chất nhưng vô cùng đằm thắm, sâu nặng. Người quan họ rất tự hào về quê hương mình, dù nơi đó có là “Đồng Lịch Sơn, đồng chua nước mặn” nhưng vẫn là nơi “sơn thuỷ hữư tình”, nơi “Đầu làng có cái giếng khơi/Người ngoan rửa mặt, người hiền soi hương”, nơi “Cải mảnh tre già/Cái gốc tre già/Càng ngâm càng dẻo/Hột thóc hoa vàng/Hạt gạo hoa vàng/Thổi cơm càng dẻo/Cái hoa sói tầu/Càng héo càng thơm”. Đây là nơi mà chàng Từ Thức may mắn gặp tiên nhưng chỉ lên thượng giới mới có ba năm đã vội vã trở về bởi chẳng có xứ tiên nào bằng quê hương hạ giới thân yêu của mình. Đây là nơi bốn mùa đều có của ngon vật quý và các thú vui có thể tận hưởng “Mùa xuân chơi hội thung dung/Mùa hè tắm mát ở sông Lục Hà/Mùa thu rượu cúc ngâm nga/Mùa đông ngâm bạch tuyết, sương sa lạnh lùng”. Đây là quê hương của “Ba mươi sáu thứ chim” và “Một trăm thứ hoa”. Hãy thử nghe người quan họ kể về một trăm thứ hoa ở quê hương mình:
Trăm hoa nở cả tháng giêng
Còn một hoa cải nở riêng tháng mười
Khâm sai bách bộ tiên cung
Ở trên tam bảo phù dung đôi đường
Tứ vi dẫu dãi nắng sương
Hoa cam, hoa quít người thương hoa nào
Hoa mơ, hoa mận, hoa đào
Còn bông hoa cúc lọt vào tay ai
Người ơi đừng thắm chớ phai
Thoang thoảng hoa nhài nó lại thơm lâu
Xin người chớ phụ hoa ngâu
Những nơi phú quý đi cầu hoa đơn
Dù ai trăm giận nghìn hờn
Kìa hoa địa hợp nên cơn Tấn Tần
Trông thấy anh như nụ tầm xuân
Anh còn tơ tưởng đứng gần cội cây
Có yêu nhau thì dích lại đây
Anh còn tơ tưởng hoa mây, hoa bèo
Trèo lên hòn đá cheo leo
Thấy hoa chiêng chiếng mỹ miều tan sinh
Lẳng lơ hoa lý trên cành
Người còn tơ tưởng hoa chanh, hoa bìm
Ra đường hoa mái, hoa sim
Mặt giời đã tối đi tìm hoa na
Vào vườn hoa táo, hoa na
Bước chân xuống ruộng hoa cà, hoa bông
Chẳng tin người đứng mà trông
Ra lòng quân tải ra lòng ước ao
Khát khao hoa vối, hoa chè
Hoa lan, hoa đỗ, hoa tre, hoa vừng
Khát khao hoa quế trên rừng
Hoa sen dưới nước tỏ từng dở dương
Hoa nghệ thì giả nghĩa ân
Còn như hoa thuốc nên danh giá nào
Hoa chuối thì ở trên cao
Bốn mùa ấp nở không mùa nào không
Đố ai hái được hoa đèn
Thiên niên vạn đại tiếng khen trên đời.
Yêu thương, đắm đuối, gắn bó với thiên nhiên quê hương bao nhiêu, người quan họ càng tự hào, kiêu hãnh về con người của quê hương bấy nhiêu. Với người quan họ, quê hương mình là nơi “quý vật” sinh “quý nhân”, xứ sở của “người xinh người hiền”:
Cái hoa sen nở
Cái dọc sen rũ
Cái củ sen chìm
Những nơi quý vật đi tìm quý nhân...
Nhất ngon là mía Lan Điền
Người xinh ngồi đấy, người hiền ngồi đây.
Những “người xinh người hiền” ấy là những con người "như trúc mọc ngoài trời", có vẻ đẹp “Cổ tay người trắng/Như nón chuối tàu/Con mắt bồ câu/Lông mày lá liễu/Cổ kiêu ba ngấn/Răng đen hạt ấu”, có cái duyên trong nét cười "lúng liếng", trong vành nón ba tầm thao tua "mùi bông dâu", biết cần cù lao động, có thể biến đầm lầy thành nương dâu, biết làm cho "một nong tằm là ba nong kén... chín nén tơ...", , biết gắn bó đời mình với những "thửa ruộng năm sào... đôi tôi cấy, đôi người gặt...", biết chăm sóc, nuôi dạy con cái với ước mơ "đỗ liền ba khoa", coi "đèn sách văn chương" là một trong những chuẩn lớn của một tài trai, biết “Nghĩa người tôi bắc lên cân/Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười”.
Nội dung ca từ quan họ luôn nổi lên cái triết lý "trăm hoa đẹp nhất hoa người".
Trong văn học, thơ ca dân gian nước ta, không ở đâu chữ Người được dùng nhiều, tinh tế, đa nghĩa và ý vị lạ thường như trong ca từ quan họ.
Nhà nghiên cứu Vũ Ngọc Phan từng cho rằng chữ “Người” là một tiêu biểu cho phương pháp tu từ đặc trưng của ngôn ngữ quan họ.
Với ca từ quan họ, người có nghĩa là mình cũng có nghĩa là ta, là chàng mà cũng có thể là em, là một liền anh, liền chị, một người đã hẹn non thề biển hoặc đang gặp gỡ giao tiếp cụ thể nào đó mà cũng có thể là con người nói chung, con người viết hoa theo cách gọi của M.Gorki.
Ta hãy xem ca từ của một bài quan họ, bài “Trèo lên cây gạo”
Trèo lên cây gạo chon von
Trông xuống dưới đất thấy con người bò
Con người ấp trấu ấp gio
Tôi đi múc nước tắm cho con người
Có lẽ đây là bài thơ dân gian hết sức tiêu biểu cho tinh thần nhân văn, triết lý nhân sinh, tình yêu và sự trân trọng con người không những trong dân ca quan họ mà còn trong thơ ca Việt Nam nói chung.
Người ta thường nói “Thương người như thể thương thân” là một triết lý sống nhân ái tuyệt vời của con người Việt Nam được lưu truyền trong thơ ca tục ngữ dân gian. Nhưng với người Kinh Bắc, có khi “thương người” còn hơn cả “thương thân”. Lời ca bài “Hồ lên điếu rạn” có thể nói lên điều đó:
Cái điếu bằng trúc
Cái bát bằng trắc
Điếu kêu lanh canh cách
Điếu giòn lanh canh cách
Hút điếu thuốc lào
Ngon thật là ngon
Ngựa ô yên khấu
Dây cương bằng bạc
Bộ nhạc đồng đen
Hoa sen nhuộm thắm
Tôi sắm cho người
Một bộ quần áo người đi rong chơi
Trăm năm tôi chẳng nói năng nửa lời
Chàng trai Kinh Bắc này chắc chắn là một chàng trai lao động chẳng giàu có gì, hút thuốc bằng điếu trúc, điếu và bát lách cách cả ngày bên tai, chỉ một điếu thuốc lào đã thấy thoả nguyện, nhưng lại sẵn sàng “sắm cho người” những “ngựa ô yên khấu”, “bộ nhạc đồng đen/hoa sen nhuộm thắm” để “người” đi hội làng mùa xuân. Chữ “người” trong bài này không hẳn là người thương, người yêu, mà có thể là người thân, bè bạn. Hy sinh thầm lặng cho người, làm đẹp cho người là niềm vui của người quan họ. Ta hãy nghe bài “Ai lên Quán Dốc”:
Trèo lên quán dốc cây đa
Thấy cô mặc áo vỏ già khăn thâm
Khăn thâm có gí đôi đầu
Nửa thương bên nọ nửa sầu bên kia
Áo lương năm cúc viền tà
Ai may người mặc hay là tôi may
Chẻ tre đan nón ba tầm
Ai đan người đội hôm rằm tháng Giêng
Trong những lời ca trên kín đáo ẩn chứa nỗi hân hoan khi nhìn thấy những cô gái đẹp quê mình vào hội với những nét đẹp do mình góp phần tạo nên, những “khăn thâm”, “áo lương năm cúc viền tà”, những “nón ba tầm”. Những câu hỏi “ai may”, “ai đan” đã thầm sẵn câu trả lời “tôi đấy” đầy một niềm vui và hạnh phúc bình dị nhưng thật cao vời.
Có thể nói yêu mến thiên nhiên, thương người, vì người là cách sống, cách chiếm lĩnh cuộc sống, cách làm chủ cuộc sống của người Kinh Bắc được thể hiện trong nội dung sinh hoạt và ca hát quan họ. Đây là chiếc chìa khoá giúp chúng ta hiểu vì sao trong thế giới tinh thần của họ có sự gắn bó tha thiết, sự hoà hợp kỳ diệu giữa con người và thiên nhiên, giữa con người với con người, đầy ắp lòng kính trọng, biết ơn tổ tiên, thần linh, thắm thiết tình gia đình, tình bạn, tình yêu, tràn ngập sự thân thiện, lòng hiếu khách...
Bởi đơn giản: Người không phụ trời đất thì trời đất chẳng bao giờ phụ người và tình thâm sẽ được đền đáp bằng nghĩa dày như cha ông đã từng dạy.
Người Kinh Bắc tin thế và hạnh phúc trong sự gắn bó tha thiết, sự hoà hợp kỳ diệu ấy.