TRANG VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI: NGHỆ THUẬT THUỘC VỀ NHÂN DÂN
Về điều này, chúng ta rất đỗi tự hào, trân quý và nhận thức rõ ràng trách nhiệm được nhân dân tin yêu, đặt lên vai chúng ta”[1]. Công thức ấy của của V. Kochetov tiềm ẩn một sự vô vọng nào đấy.
Độc giả, khán giả, thính giả xô viết chưa bao giờ chỉ đơn giản là người tiếp nhận và tiêu dùng nghệ thuật. Theo “thuyết cải tạo xã hội” được xem là nền móng của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa, họ là đối tượng cần được cải tạo, nhào nặn. Chính họ là một bộ phận của dự án tư tưởng - chính trị tổng thể mà rốt cuộc, chức năng của văn học xô viết (cũng như toàn bộ văn hóa xô viết) là “cải tạo chất liệu con người”. Định nghĩa mang tính giai cấp của Stalin xem nhà văn là “kĩ sư tâm hồn” nhấn mạnh định hướng cấp tiến ấy của hoạt động thẩm mĩ đối với người đọc. Tính cấp tiến thể hiện ngay ở ý hướng cải tạo ráo riết mối quan hệ giữa độc giả, thính giả, khán giả với tác giả.
Di huấn độc đáo mà truyền thống cổ điển đã để lại là quan niệm về người đọc được O. Mandelstam trình bày trong tiểu luận Về người đàm đạo (1913), trong đó ông bảo vệ quyền của nhà thơ được giao tiếp với độc giả xa cách ở thế hệ “hậu bối”. Quan niệm của Mandelstam về người đọc có cơ sở ở cách hiểu về sự đồng sáng tạo giữa tác giả và độc giả như những người tham gia đàm đạo (“người đàm đạo”). Thơ không thể sinh hạ bên ngoài cuộc đàm đạo ấy, và nhiệm vụ của nhà thơ là “ném âm thành vào kiến trúc tâm hồn”, bởi vì “thiếu đối thoại, không có trữ tình”[2]. Những suy ngẫm của Mandelstam cất lên thành tiếng nói vang vọng ngay trước ngưỡng cửa của nền “kiến trúc xã hội” mới, của thời đại mới, thời đại dường như đã tuyên bố rằng nó “chẳng có việc gì với con người, nó sử dụng con người như dùng gạch đá, như xi măng, cần xây dựng con người, chứ không phải dành cho con người, thời đại “thù địch với con người và nuôi nấng sự vĩ đại của mình bằng sự nhục nhã và sự hèn mạt của con người”[3].
“Người đọc thấu tỏ” của thời đại đồng phục[4]
Chiến lược đọc mới được sinh ra từ chiếc nồi hầm của cách mạng là kết quả của cơn đột quỵ văn hóa khi nền “văn hóa cũ” có người tiếp nhận mới. Độc giả, thính giả và khán giả mới hình thành lăng kính tiếp nhận của mình trong chính quá trình “tiếp xúc với văn hóa”. Đó là quá trình hết sức phức tạp và cực kì đau đớn. Nó kéo theo sự phá vỡ kinh nghiệm thẩm mĩ đã có từ trước của quần chúng và, như là hậu quả, hình thành thái độ tiêu cực của quần chúng với văn hóa nói chung: cả với “văn hóa cũ”, lẫn văn hóa tiên phong được khôi phục trên đống đổ nát của nó. Quá trình này dẫn tới việc cự tuyệt tiêu thụ nghệ thuật và khát vọng tự mình sáng tạo ra nghệ thuật, cự tuyệt hoạt động đồng sáng tạo và mong muốn sáng tạo: người tiếp nhận hóa biến thành tác giả. Trước hết, độc giả và khán giả ngộ ra rằng, nền “văn hóa cũ” không thuộc về mình. “Người ta diễn các vở kịch của Chekhov. Chỉ thấy rặt những thứ chẳng ích gì cho công nhân – vô bổ với cả tim, lẫn óc”[5]. “Người ta xem Giấc mơ của bác của Dostoievski…. Thử hỏi, liệu có cần đưa lên sân khấu một nhân vật quý tộc đã bị đánh đổ, một bá tước điển hình đã bước ra khỏi trí óc của chúng ta, bị chúng ta căm ghét? Giai cấp công nhân không cần một đề tài như thế”. “Mới đây, tôi được xem buổi sơ diễn nói về đời sống La Mã (Anthony và Cleopatra của Shakespeare) và tôi nghĩ – người công nhân suốt ngày lao động mệt nhọc cần gì phải xem thứ phế thải lịch sử đã mốc meo này”[6].
Những nhận xét của phóng viên công nhân về opera và ballet là đỉnh điểm của tình trạng bế tắc mà ý thức của quần chúng lạc vào trong ý đồ “làm chủ di sản văn hóa”. Ở đây không thể nói bất kì chuyện gì về chuyện “cải tạo văn hóa cũ”. Ở đây rõ ràng hiện lên hố sâu văn hóa: “Những chuyện đã lỗi thời từ thời tám hoánh, chẳng học hỏi được gì thì gười ta cho chúng tôi xem để làm gì? – một công nhân phẫn nộ sau khi xem opera của Tchaikovski.- Tất cả các quí ngài ấy (Oneghin, Lenski, Tachiana) sống trên cổ những người nông nô, chẳng hề làm gì và chẳng biết trốn vào đâu vì quá nhàn hạ!”; “Chúng tôi nghĩ rằng về nội dung, Con đầm pích đã quá cũ, đã đến lúc không cần đưa lên sân khấu nữa”; “Opera Quỷ sứ quá nhàm chán. Tất cả các nhân vật chỉ hát và cầu nguyện. Tamara suốt ngày than vãn và cầu nguyện, vị hôn phu Senodal của cô ấy cầu nguyện, đầy tớ của cô ấy cầu nguyện, các bạn gái của Tamara cầu nguyện và thậm chí cả Quỷ sứ cũng than vãn và định cầu nguyện”; “Nhiều công nhân băn khoăn, không biết các nhà hát Nga của chúng ta đang phục vụ ai và các nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú của nước cộng hòa đang biểu diễn cho ai xem”[7]. Tất nhiên, đã xuất hiện không ít khó khăn đối với việc tiếp nhận các vở diễn sân khấu theo hướng chủ nghĩa tiên phong ví như của Meyerhold hoặc Vakhtangov…
Khán giả đại chúng cực kì hứng thú với rạp hát xí nghiệp do các “lực lượng của mình” xây dựng, ở đó khán giả được tiếp xúc với tác phẩm qua tác quyền riêng và “cốt truyện gần gũi”. Phóng viên công nhân đã viết thế này đây: “Các rạp hát trung tâm hiện giờ chỉ phục vụ trung tâm thành phố, tức là phục vụ trí thức tư sản và trí thức xô viết. Quần chúng công nhân không xuất hiện trong những rạp hát “đích thực” ấy. Họ chỉ xem những vở kịch do các nhóm kịch trong các câu lạc bộ công nhân dàn dựng. Chính các vở diễn này đã gánh toàn bộ trọng trách của nhà hát phục vụ giai cấp công nhân… Đấy, thế mới thực sự là của chúng ta! Những người công nhân đã nói như thế”[8].
Để trình bày cốt truyện của những vở kịch từng cực kì nổi tiếng với khán giả công nhân tương tự như thế, xin dẫn ra đây đoạn tóm tắt được rút từ lá thư của một phóng viên công nhân: “Tôi xin kể cách dựng vở mà tôi đã được xem ở một trong những nhà máy thuộc da Moskva. Trên sân khấu có ghế sofa. Trên sofa, giám đốc nhà máy nằm ngủ và thế là ông mơ một giấc mơ. Ông mơ thấy da bò ra từ khắp các xó xỉnh. Сó những tấm đã thuộc xong, lại có những tấm vừa được xẻ ra, nói tóm lạị là da từ khắp các phân xưởng của nhà máy, bắt đầu từ kho nguyên liệu cho tới kho hàng thành phẩm. Những tấm da trò chuyện với nhau. Ai cũng bị kéo vào câu chuyện này, cả giám đốc, quản đốc, lẫn công nhân. Chúng vạch ra mọi khuyết điểm trong sản xuất và chỉ rõ ai là người có lỗi. Sau đó “giám đốc” (một công nhân hóa trang thành giám đốc) tỉnh dậy, cúi đầu và hứa sẽ sửa chữa mọi khuyết điểm. Vở diễn đã thành công rực rỡ trước khán giả công nhân”[9].
Mong muốn tự mình sáng tạo của quần chúng vốn là nguồn cung cấp dữ liệu thường xuyên cho tu từ học của Proletcult và tu từ học của Rapp sau này cho phép nhận ra vực sâu ngăn cách giữa người tiếp nhận đại chúng và vốn tiết mục văn hóa của thời đại. Nhiệm vụ văn hóa của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa là phải lấp đầy cái vực sâu ngăn cách ấy bằng cách siết chặt quần chúng và nghệ thuật lại với nhau, thúc ép cho bên này đến với bên kia, và điều đó đã làm nẩy sinh đặc trưng của nền văn hóa Stalin với nhiệm vụ sáng tạo cho bằng được những “Lev Tolstoi đỏ”.
Trong khi đó, muốn giải quyết nhiệm vụ nói trên, cần tiếp cận bằng chủ trương cấp tiến trong mục đích và phương pháp, nhưng điều này thì nền văn hóa cách mạng thiếu năng lực tổ chức. Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa đã nhận lấy “sứ mệnh lịch sử” ấy. So với các nhà cách mạng tiền bối của nó, nền văn hóa xô viết chín muồi đã “đón nhận quần chúng” hợp lí hơn bằng cách loại bỏ tổ hợp quần chúng kém giá trị truyền thống trước nền “nghệ thuật thông thái”.
Có một quá trình trung bình hóa diễn ra theo mô hình Stalin truyền thống: các nhóm soạn kịch được giữ nguyên làm cỗ máy cái và trở thành “khán giả xô viết” như họ được yêu cầu, sự suy đồi và bệnh suy nhược thần kinh mà cánh Proletkult gán cho những người sáng tác cũ giờ trở thành đặc điểm cố hữu của nghệ thuật phương Tây; nhà hát tiên phong chủ nghĩa chết hẳn, và thay vào đó là “nghệ thuật nhân dân” của phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, sự phản ứng của độc giả mới cũng đã được trù liệu một cách cơ bản. Trước lời kêu gọi “hãy nêu yêu cầu”, quần chúng đã đáp lại hết sức sôi nổi và trên thực tế đã tạo dựng nên cái sườn cho nền văn hóa mới.
Độc giả xô viết phổ thông vào những năm 1920, đầu những năm 1930 thích điều gì ở văn học. Chân trời đón đợi thẩm mĩ của họ là thế nào? Những điều ưa thích của họ là gì?
Sách phải mang lại lợi ích về nhận thức, phải dạy dỗ: “Cuốn sách có ích. Nó giúp tôi biết được những người nông dân thời xưa sống thế nào” (một người đàn ông 22 tuổi) - về tiểu thuyết Xóm liều Stenhkina của Al. Ạtaev; “Cuốn sách đã đưa ra những chỉ dẫn hữu ích về những cuộc nổi dậy của nông dân” (một thiếu nữ, 20 tuổi); “Rất có ích. Nhờ có cuốn sách mà tôi biết được thời trước, giai cấp nông dân đã đấu tranh giành tự do như thế nào” (thiếu nữ, 17 tuổi) – về tiểu thuyết Dưới lá cờ của Bashmak của A. Ataev); “Có ích. Nó dạy ta phải tin vào sự nghiệp do cách mạng khởi xướng” (thiếu nữ, 17 tuổi”); “Có ích. Nó dạy cho người phụ nữ sống thế nào cho đúng” (thiếu nữ, 18 tuổi) – về tiểu thuyết Người mẹ của M. Gorki; “Có ích. Nó dạy ta rượu vodka tai hại như thế nào” (thiếu nữ, 22 tuổi) – về vở kịch 4 hồi Cuộc đời của Avdotya của Aleksandr Nheverov; “Rất có ích. Nó chỉ ra nông thôn đã đau khổ thể nào vì mông muội” (thiếu nữ, 22 tuổi) – về cuốn Andron Nhepuchevyi của Aleksandr Nheverov[10].
Sách phải thể hiện sự đánh giá rõ ràng của tác giả đối với các sự kiện. “Tôi ghét nhất là những cuốn sách mà đọc, đọc mãi, cuối cùng vẫn chỉ thấy nói lấp la lấp lửng. Nhà văn không nói ra chứng tỏ anh ta là kẻ bất minh. Theo tôi, khi anh viết, thì không được viết mập mờ, cái gì cũng phải giải thích đến cùng để người ta hiểu được anh đang nghĩ gì, nếu không, tốt nhất là đừng viết nữa, đừng làm mất thời gian của bạn đọc” (nông trang viên, 28 tuổi)[11].
Sách phải có nội dung giáo dục: “Muốn viết những cuốn tiểu thuyết như Si măng, Gladkov phải dàn dựng, phải đưa ra những điển hình tích cực mang lại cho giai cấp vô sản khát vọng hoàn thiện”[12].
Văn học phải vẽ ra bức tranh “đời sống tương lai tốt đẹp” : “Về sách, chỉ xin nói một điều: hãy để chúng chỉ cho tôi thấy tận mắt người ta đã đưa kinh tế tiến lên phía trước và đời sống nông trang của chúng ta trong vòng ba, bốn năm nữa sẽ tốt đẹp như thế nào” (Đội trưởng nông trang)[13]; “Các bạn hãy nhìn về phía trước, giúp chúng tôi vui lên một chút. Khi đến với chúng tôi, những diễn giả xuất sắc, biết mô tả chủ nghĩa xã hội tương lai vô hình trung đã xốc dậy tinh thần của chúng tôi” (nột công nhân)[14].
Văn học cần lạc quan: “Văn học mới đầy nỗi buồn và sự chán nản, thế mà cuộc sống thì tràn ngập niềm vui. Ở các nhà máy không có loại tâm trạng tồi tệ như vẫn thấy trong nhiều cuốn sách của chúng ta”[15]; “Chúng ta không cần thứ quá khứ, cái thường nhật và xám xịt, mà cần sao để văn học buộc phải theo một cuộc sống khỏe khoắn và đẹp đẽ, ưu việt về đạo đức” (một nữ công nhân, 23 tuổi, nói về tiểu thuyết Si mămng của Fedor Gladkov)[16].
Văn học phải anh hùng và cao cả: “Tất cả các chiến công anh hùng trong đời sống của chúng ta cần được phản ánh vào trong các cuốn sách” (đoàn viên – nông trang viên); “Cách đây chưa lâu tôi đọc truyện Người cười của Hugo.. Có bao nhiêu cuộc phiêu lưu kỳ diệu, cao quý ở đó – tim tôi run lên vì thương xót. Hãy để họ viết về cuộc sống của chúng ta cũng đầy xúc động như thế, chẳng kém gì so với Victor Hugo”[17].
Nhân vật của tác phẩm phải là kiểu mẫu để bắt chước: “Tôi đọc quyển sách này với niềm khóa trá. Tôi rất mê cuốn sách …Khi đọc cuốn sách, bản thân tôi muốn được giống như các đồng chí Gorin, Fedor, cũng như Fenhia và chú bé liên lạc Kolia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình” (một công nhân nói về cuốn Những người Bolshevich của Alekseev)[18].
Tác phẩm phải chỉ ra vai trò lãnh đạo của tập thể và của đảng: “Tôi muốn chỉ ra một nhược điểm tiêu biểu không chỉ ở cuốn sách này, mà tiêu biểu với đa số tác phẩm viết về cuộc sống của giai cấp công nhân: ở đó thường vắng lãnh đạo nhà máy và tập thể đảng bộ. Chính các tổ chức này có ý nghĩa to lớn trong các xí nghiệp, và tôi thấy băn khoăn không hiểu vì sao chẳng thấy chỗ nào làm nổi rõ ảnh hưởng của họ”; “về phía nhà máy, không thấy rõ nhân vật chính yếu là quần chúng…Vai trò của đoàn viên komsomol cũng không rõ”[19].
Mọi điều trong tác phẩm phải “hệt như đời sống”: “Ostronov được mô tả rất sinh động, người được căm thù hắn giống như hắn là có thật; cũng có thể nói như thế về viên công chức quan liêu, về bí thư huyện ủy, - hành vi của hắn rất xấu xa. Tôi cảm thấy nhân vật Kondrat dễ hiểu và gần gũi hơn tất cả. Anh ấy là người quen, rất quen (nông trang viên – đoàn viên komsomol)[20].
Truyện kể phải phát triển hợp lí: “Một cuốn sách mỏng, chẳng có hệ thống nào cả: người ta trình bày một mảnh nhỏ trong đời sống của con người. Không rõ nhân vật đến từ đâu, và người ta thường không kể nhân vật ấy đang đi đâu. Làm như thế chẳng hay ho gì! Tác phẩm cần chỉ ra toàn bộ đời sống của con người, đừng nhảy cóc”[21]. “Tác phẩm mở ra bằng những chủ đề rời rạc, chẳng hiểu đâu là đầu, đâu là cuối” (thanh niên, 20 tuổi) – về tiểu thuyết Đám cháy của Dmitri Furmanov; “Chẳng hiểu gì cả, đồ nhảm nhí. Mọi chuyện rối tung rối mù” (thanh niên, 17 tuổi) – về tiểu thuyết Năm trần trụi của Boris Pilnhiaka[22]; “Đây là nhận xét của tôi về cuốn Kị binh (tập truyện ngắn – ND) của Babel. Tự bản thân nó, cuốn sách cũng tàm tạm, chỉ có những chuyện này là không hay: một số truyện ngắn hoàn toàn không thể hiểu được, và ở mức độ tôi đã đọc và ở mức độ tôi đã hiểu – hầu hết các chương bị rối tung, tức là không theo trật tự nào cả, và vì thế độc giả không thể hiểu nội dung chính của lời văn, xin kết thúc nhận xét của tôi như thế” (công nhân nhà máy sợi); “Chuyện có thật ở thảo nguyên của Shubina viết vụng về thế nào ấy. Mọi chuyện nhày cóc lung tung, khi thì tiến về phía trước, lúc lại lùi về sau” (phóng viên nông thôn)[23].
Tác phẩm phải dài và dày: “Nữ công nhân không thích loại sách viết ngắn, mỏng dính: “Chưa ngồi nóng đít, chưa được trải nghiệm điều gì, thế mà đã kết thúc rồi”[24]. “Tôi không thích cuốn sách. Ngắn quá (thanh niên, 16 tuổi) – về cuốn Cuộc sống thiên đường của Volkov”; “Cuốn sách rất hay. Tôi thích vì nó dàì (thanh niên, 16 tuổi) – về tiểu thuyết Chapaev của Furmanov[25]; “Điều quan trọng nhất là cuốn sách phải dày để trong đó có thể mô tả cuộc đời con người từ lúc nằm nôi cho tới khi xuống mồ”[26].
Ngôn ngữ phải có “tính nghệ thuật” và đồng thời phải “dễ hiểu”: “Một bức tranh nghệ thuật rực rỡ, rộng lớn…Chỉ Gorki mới viết được như thế. Ông viết bằng ngôn ngữ vừa giản dị vừa rực rỡ giàu tính nghệ thuật, nó là ngôn ngữ dân tộc và dễ hiểu” (công nhân, 48 tuổi)[27]; “Cuốn sách hay, sinh động, nhưng ngôn ngữ nặng nề (nông dân, 19 tuổi – về Kị binh của Isaaka Babel); “Thậm chí, tôi không đọc hết được – ngôn ngữ cứ ỳ ra (nông dân 18 tuổi – về Lễ hoan hỉ của Sergei Esenhin); “Cuốn sách dở quá! Ngôn ngữ buồn cười thế nào ấy. Không thể nào hiểu được” (nông dân, 17 tuổi – về Xe lửa bọc thép của Vsevolod Ivanov[28].
Không được in chuyện “thô tục”: “Khi đọc cuốn Suối thép, từ đầu đến cuối, thấy treo trước mắt là những tiếng “tục tĩu” vô liêm sỉ và “tục tĩu” trong những biểu hiện xấu xa nhất của nó. Theo tôi, đó là phương diện tiêu cực của cuốn sách, bởi vì, khi đọc, thanh niên sẽ học theo, trong đời sống thường nhật, làm sao có thể xem cách nói năng như ta thấy trong Suối thép là chuẩn mực, hợp lẽ”; “Tôi thấy nhược điểm thô thiển này ở tất cả, hoặc gần như tất cả nhà văn hiện nay của chúng ta”[29]; “Mọi thứ trong Đất vỡ hoang đều viết rất đúng… Nhưng có nhiều chỗ diễn đạt không tốt. Chẳng lẽ không có cách diễn đạt khác đi để vừa vui, vừa không thô tục?”[30]; “Lavrenhev đam mê chuyện khiêu dâm và đưa người đọc cho tới tận giường của Annuska; lại nữa, để miêu tả thật đúng người thủy thủy, ông sử dụng và thường đưa vào những cách diễn đạt chính xác của thủy thủ thành ra thô tục, thiết nghĩ, văn học mới không nên làm như thế; có thể không cần tục tĩu mà vẫn mô tả được người thủy thủ”[31]; “Nhiều nhà văn đang làm công việc có hại, hoặc đúng hơn là thu thập càng ngày càng nhiều hơn chuyện đồi bại từ cuộc sống tình dục và trình bày cho người đọc hiện nay bằng một hình thức quyến rũ ... lỗi lầm của họ là sau khi đọc, độc giả sẽ bị kích thích nhiều hơn, sẽ cảm thấy “thích thú” với đời sống tình dục chứ không phải ngược lại - không ghê tởm nó”[32].
Tình yêu phải “cao thượng”: “Cuốn sách yêu thích của tôi là Ruồi trâu…ở đó, tác giả nói rất hay về tình yêu: một tình yêu dũng cảm cao cả biết chừng nào! Chỉ có thể viết về tình yêu như thế. Còn khi nhà văn tả một cách chi tiết các nhân vật ôm nhau, hôn nhau, quyến rũ nhau, sống trác táng như thế nào, thì cái đó chỉ dẫn người ta tới những ý nghĩ xấu xa. Tôi biết nhiều đồng chí đã đọc nhiều thứ đó và bắt đầu làm những việc đáng hổ thẹn… Nhưng về tình yêu, giống như trong Ruồi trâu, đọc rất tốt. Tình yêu như thế làm người ta trở nên cao thượng”[33].
Không cần chuyện “hoang đường” và “huyễn hoặc”: “Đó là cuốn sách không tưởng. Một anh lập dị nào đó gửi về một bản thảo từ sao Hỏa, bản thảo mô tả cuộc đời của Marsians. Rặt những chuyện nhảm nhí (một công nhân nói về tiểu thuyết không tưởng Viên kĩ sư Menni của Alexander Bogdanov); “người ta bay trong không trung màg chẳng cần thiết bị gì cả… Nhiều chuyện hư cấu và không có thật. Không chứng minh được nó là có thật” (một nhân viên về tiểu thuyết Thế giới phát sáng của Alexander Greene)[34].
Chính quyền và sự hỗn loạn của sách
Cho tới giữa những năm 1930, toàn bộ quá trình sáng tác, xuất bản đều nằm dưới sự kiểm soát của nhà nước. Hàng loạt chỉ thị và nghị định từ năm 1918 xác định vị thế xã hội mới của sách. “Sách cần trở thành phương tiện mạnh mẽ nhất dùng để giáo dục, động viên và tổ chức quần chúng thực hiện các nhiệm vụ xây dựng kinh tế và văn hóa”[35]. Tất nhiên, các giới văn học được chính quyền tin dùng cũng ủng hộ “mối quan tâm về sách” như thế: “Khi nền kinh tế của chúng ta được kế hoạch hóa, đời sống đất nước chúng ta được định hướng, thì chúng ta cần phải quan tâm về văn học, thực hiện quyền kiểm soát của giai cấp công nhân đối với sách báo”, - một mặt trận văn học rộng lớn, từ Proletkult đến RAPP đã yêu cầu như thế[36].
Như đã biết, một trong những bước đi đầu tiên theo phương hướng nói trên là sắc lệnh thông quan vào đầu năm 1918 của Ủy ban bầu cử trung ương, theo đó, toàn bộ tập đoàn xuất bản của A.S. Suvorin cùng mạng lưới cửa hàng sách rộng lớn trên toàn nước Nga thuộc về ông, các kiosque sách báo và tạp chí của ngành đường sắt, các nhà in, các kho sách đã được quốc hữu hóa. Bước tiếp theo của chính quyền mới là hướng tới quốc hữu hóa các kho sách thuộc các tổ chức xuất bản và kinh doanh sách tư nhân, tiến tới thành lập Nhà xuất bản Quốc gia, một doanh nghiệp độc nhất vo nhị trong lịch sử.
Nhà xuất bản ngoài quốc doanh lớn nhất mang tên “Đất và nhà máy” thành lập theo sáng kiến của nghiệp đoàn ngành giấy chỉ sống được từ năm 1922 đến 1930; nhà xuất bản “Academia” khai trương năm 1922, bị quốc hữu hóa vào năm 1924 và tồn tại với tư cách là nhà xuất bản quốc doanh đến năm 1938. Các nhà xuất bản tư nhân như “Thời đại” của Z.I. Grzebin (1919 – 1923), “Vực xóay” (1924–1929), “Những vấn đề hiện đại” của anh em nhà M.B. và S.B. Sabashnhikov (1912–1930) yếu hơn rất nhiều so với các nhà xuất bản quốc doanh và không thể cạnh tranh thực sự trên thị trường sách. Nhưng trong thời kì Chính sách Kinh tế mới (NEP) sản phẩm sách của các cơ sở hợp tác xuất bản tăng vọt – Nhà xuất bản của các nhà văn ở Moskva (1912 – 1919), “Hiệp hội nhà văn Moskva” (1925 – 1934), nhà xuất bản “Vòng tròn” của các nhà văn ở Leningrad (1922 – 1929), nhà xuất bản “Văn học xô viết”, “Lòng đất” (1924 – 1932), “Thứ Bảy Nhikitina” (1922 – 1931), “Liên đoàn” (1926 – 1931).
Tới đầu kế hoạch năm năm lần thứ nhất, tất cả các nhà xuất bản tư nhân bị xóa bỏ. Một “hệ thống hoàn chỉnh” tập trung các nhà xuất bản chuyên biệt, điển hình và tổng hợp ở cấp độ liên bang và các nước cộng hòa. Ở những năm 1930, toàn bộ guồng máy xuất bản được đặt dưới sự kiểm soát của nhà nước. Chính sách xuất bản của nhà nước trở thành mối quan tâm hang đầu, vì với sức mạnh tổng lực, nó có ảnh hưởng quyết định tới “phạm vi đọc” và thông qua đó ảnh hưởng tới “công chúng độc giả”.
Vào những năm 1920, trong các giới văn học, những vấn đề của thị trường sách được bàn luận sôi nổi. Rõ ràng, các nhà hoạt động của OPOJAX đã tiến rất gần tới quan niệm xem thị trường sách như là vấn đề của văn học. Hiểu như thế, cuốn Nhà máy thứ ba (1926) của V. Shklovski, các bài báo Văn học và đời sống văn học (“Trên vọng gác văn học”, 1927, № 9) và Văn học và nhà văn (“Ngôi sao” 1927, № 5) của B. Eikhenbaum, Vấn đề về sự tiến hóa của văn học (“Trên vọng gác văn học”, 1927, № 10) của J. Tynhianov có ý nghĩa hết sức quan trọng. Có thể công nhận cuốn Văn học và Thương mại (M., 1929) của T. Grits, V. Trenin và M. Nikitin ", một cuốn sách được viết trên tư liệu lịch sử quầy sách của A.F. Smirdine, là sự thực hiện đầy đủ nhất những ý tưởng của Trường phái Hình thức trong lĩnh vực “tồn tại của văn học”. Các tác giả đã viết rằng, vào những năm 30 của thế kỉ XIX, bắt đầu diễn ra tiến trình thế tục hóa ở mức độ tương đối (so với Tây Âu) và, theo đó, thương mại hóa văn học Nga. Tình huống ấy đã phóng chiếu dễ dàng vào cả thời đại sau cách mạng. Nhưng ngay từ cuối những năm 1920 đã diễn ra tiến trình có thể gọi là phản thế tục văn học đối với hệ tư tưởng mới. Từ đây, đời sống văn học, nhà văn, độc giả, người làm công tác xuất bản đã thay đổi triệt để.
Mô hình thị trường sách Liên Xô ngay từ đầu đã được hình thành như là mô hình nhà nước độc quyền. Điều này trước hết có nghĩa là hoạt động cung cấp của nhà nước vượt trội hơn hẳn so với nhu cầu – sự tăng trưởng thiếu cân đối của bản in (tirage) và số lượng sách phát hành: số lượng sách tăng từ 3,5 nghìn tới 4,7 nghìn đơn vị in, tức là tăng 0,5 lần; số lượng bản in trung bình tăng từ 12,9 nghìn lên 44,6 nghìn bản, tức là tăng gần 3 lần (bản in tổng thể điều chỉnh tình huống ngả về tăng trưởng từ 45 triệu tới 22,8 triệu bản, tức là tăng 5 lần).
Về việc xuất bản văn học nói riêng, nay ngành thống kê thời “tan băng” của Liên Xô cũng đã thừa nhận rằng “qui mô to lớn của việc xuất bản sách sau chiến tranh đã bộc lộ chỗ yếu của nó… Việc ham xuất bản những ấn phẩm nhiều tập và nhiều bản in, việc tái bản vô tội vạ những tác phẩm kém cỏi tất yếu dẫn tới sự ứ đọng của thị trường sách, mặc dù nhu cầu về nhiều tác phẩm có giá trị vẫn không thỏa mãn. Trong thời gian từ 1948 đến 1955 chỉ xuất bản được hơn 5 nghìn ấn phẩm trong mỗi năm”[37]. Sau thời Stalin, các mặt hàng được mở rộng dần dần cùng với sự quay trở lại văn học của một số tên tuổi và sự mở rộng tương đối các cơ hội. Tình huống với các tạp chí nghệ thuật từng giữ vai trò then chốt truyền thống trong cấu trúc của tiến trình văn học thời tiền xô viết và thời xô viết: số lượng của chúng trong suốt 30 năm bị giảm sút thê thảm (nhất là trong giai đoạn thành lập Hội nhàvăn Liên xô và thời kì chiến tranh), cho đến đây vẫn chưa đạt được điểm tối thiểu – chỉ có 4 tạp chí dày trên toàn liên bang vào những năm sau chiến tranh. Đó là tiến trình giống như tình huống của điện ảnh Liên Xô: “… số lượng tiêu đề trong phát hành được thay bằng số lượng bản sao tiêu đề … số lượng nhà hát tăng lên, nhưng tần số thay đổi tiết mục thì giảm xuống đột ngột”[38].
Tuy nhiên, ở đây cần chỉ ra một tiến trình song song hết sức thú vị: sự gia tăng độ dày của sách: từ năm 1928 đến 1955, số trang in trung bình của mỗi cuốn sách tăng lên gần gấp đôi, đồng thời có sự gia tăng đột biến vào khoảng 10 năm sau chiến tranh. Điều này không chỉ thỏa mãn nhu cầu của quần chúng về “sách dày” (những thiên anh hùng ca đồ sộ, những cuốn “tiểu thuyết dài như chiếc bít tất”, theo định nghĩa rất hình ảnh của J. Trifonov). Đằng sau tiến trình nói trên là một kết quả không thay đổi: sự suy giảm nghiêm trọng mặt hàng xuất bản. “Hợp tuyển chính thức” (Robert Escarpit) bị co hẹp giống như tấm da lừa, trong khi độc giả (cũng như khán giả điện ảnh) chỉ còn một dư địa rất nhỏ.
Cuối cùng, thư viện quốc gia trở thành hệ thống độc quyền có ảnh hưởng tới độc giả và quyết định nhu cầu của họ. Nhu cầu lớn đối với sách là nhân tố tồn tại thực tế của nền văn hóa Liên Xô vào những năm 1930 – 1950. Xếp hàng - không chỉ là đặc điểm của tổ chức ở Liên Xô, mà còn là chỉ số thực tế của dòng độc giả vào thư viện: vào những giờ cao điểm (sau tan ca và các ngày nghỉ), một thủ thư phải phụ trách từ 50 đến 70 độc giả. Số lượng bản in khổng lồ của sách xuất bản ở Liên Xô được đưa ra thị trường rất ít, chủ yếu là để phân phối cho các “quỹ tiêu dùng xã hội”; nhiều triệu bản tái bản các tác gia kinh điển trong danh mục mặt hàng hoàn toàn trùng với khối lượng của chương trình trong nhà trường (phần lớn ấn phẩm về tác gia cổ điển được đưa thẳng vào các thư viện nhà trường phổ thông). Các thư viện đại chúng (quốc gia, công đoàn, nhà trường…) vẫn tiếp tiếp tục là “lò lửa của nền văn hóa mới” cho tới tận những năm 1960, khi “độc giả phổ thông” chưa từ bỏ chúng hoàn toàn để biến thành “nhiều triệu khán giả truyền hình Liên Xô”.
Độc giả Liên Xô, dẫu là ở đâu, - trong trường phổ thông, nhà máy, trong đại học hay phân xưởng sản xuất – đều được thư viện nhào nặn trước tiên, tất cả các loại người đọc đều lựa chọn sách theo chỉ dẫn của thủ thư và các danh mục chỉ dẫn. Vào giữa những năm 1920, nhu cầu đối với văn học của độc giả thanh thiếu niên hoàn toàn trùng với các “bộ tuyển chính thức” sau này.
Thư viện đại chúng Liên Xô có một lịch sử lâu dài: được sinh ra từ thư viện “nhân dân” ở thế kỉ trước, nó đạt tới sự phát triển cực thịnh vào những năm 1930 – 1950 và cuối cùng kiệt sức vào những năm 1960 do mất hết độc giả. Một phần cơ bản của sản phẩm sách thời xô viết đã bị sụt giảm ở chính những thư viện mà tổng số của chúng cho tới những năm 1950, trên phạm vi toàn quốc, đạt tới qui mô khổng lồ.
Không thể không nhận ra trong thư viện đại chúng một thiết chế tư tưởng – chính trị mà ở đó đã diễn ra tiến trình nhà nước hóa người đọc, giống như hội nhà văn Liên Xô là thiết chế nhà nước hóa các nhà văn.
“Súp bắp cải năm bảy loài”,
hay là “sự bảo hộ giản đơn lợi ích của độc giả đại chúng”
Sắc lệnh về tập trung hóa hoạt động thư viện của Liên bang xô viết xã hội chủ nghĩa Nga do chính Lênin hiệu đính và xuất bản ngày 3 tháng 11 năm 1920 không chỉ đơn giản kết nối toàn bộ thư viện của đất nước vào một mạng lưới và đặt chúng dưới sự điều hành của Ủy ban giáo dục – chính trị trung tâm. Sắc lệnh ấy còn cho thấy chính sách tập trung hóa yêu cầu điều gì. Ở đây không chỉ bàn về việc làm thế nào để “giúp nhân dân sử dụng mỗi cuốn sách hiện có ở chúng ta”[39], mà chủ yếu nói về việc xây dựng một hệ thống kiểm soát nhà nước thống nhất đối với sách thông qua việc tập trung hóa các sưu tập.
Nhưng chính quyền mới khởi sự không phải từ sự cung ứng, mà từ sự thanh lọc, không phải từ sự sưu tập, mà bằng việc trưng dụng, tịch thu. Những nguyên tắc tập trung hóa được hình thành chính trong tiến trình này.
Cần nhớ rằng những cuộc thanh lọc được bắt đầu ngay sau cách mạng tháng Hai và do chính những người Bolshevik xúc tiến. Đến mùa hè năm 1918, tiến trình này trở nên khốc liệt giống như một dòng thác – các quỹ thư viện bị sụt giảm gần 2 lần và mãi đến cuối năm 1919 mới quay trở lại với những con số chỉ tiêu thời trước cách mạng. Krupskaya đã nhìn thấy ở thực tế cuối cùng này những chỉ dẫn giúp tìm ra cách giải thoát khỏi tình trạng khủng hoảng: kết thúc “quá trình thanh lọc thư viện từ mớ đồ cũ bỏ đi và sau đó bổ sung bằng sách mua dự trữ”[40]. Tất nhiên, ở đây rõ ràng có sự bóp méo tình huống: nền văn học mới chỉ có thể lấp đầy về số lượng khoảng trống đã được tạo ra, vì phần lớn là loại sách mỏng và không thể nào thay thế đống “đồ cũ” đã bị tịch thu.
Người ta đã viết rất nhiều về những cuộc thanh lọc thư viện.Những cuộc trưng thu đồng loạt trên qui mô lớn lập tức và mãi mãi bước vào sổ ghi nhớ “tội ác Bolsheviks”. Điều quan trọng với chúng ta là tiến trình thanh lọc có logic của nó, và logic ấy có ý nghĩa đặc biệt. Chính logic ấy đã đặt nền móng cho chính sách mới về thư viện. Vào năm 1923, Krupskaya viết: “Có thể ví tri thức cơ bản giống như cái thìa. Thìa tiện lợi cho việc ăn súp bắp cải, nhưng nếu như không có súp bắp cải thì chắc là chả ai sắm thìa để làm gì. Công việc của thư viện là cung cấp bát súp bắp cải – kho báu tri thức – cho chủ sỡ hữu thìa, những người có kĩ thuật đọc… Nhưng đó chỉ là một phần nhiệm vụ trong lĩnh vực copong tác thư viện. Người năm bảy đấng, súp bắp cải năm bảy loài. Phải nấu súp bằng những những thứ có đủ dưỡng chất chứ không phải bằng cỏ khô, rác rưởi, cần làm ra món súp ngon lành, dễ tiêu hóa. Điều quan trọng không phải là đem sách xếp lên giá, mà phải xếp lên đó những cuốn sách tốt nhất, có giá trị nhất, cần thiết nhất, dễ hiểu nhất, đáp ứng được các nhu cầu của độc giả”[41].
“Món súp ngon lành, dễ tiêu hóa” mà chính quyền mới muốn dung để đọc là một sản phẩm rất phức tạp. Ở đây tạm chưa bàn về món “súp bắp cải” mới, mà chủ yếu nói về việc làm thế nào để tịch thu chiếc “bát cũ” khỏi tay ông “chủ sở hữu thìa”. Thế cho nên mới có bản chỉ thị đầy đủ nhất “về việc xét lại thành phần sách của các thư viện” do N. Krupskaya, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục – chính trị trung tâm, P. Lebedev-Poljánki, Chủ nhiệm ban điều hành trung tâm các vấn đề văn học và xuất bản và M. Smyshkova kí vào năm 1924[42].
Lại thấy có tuyên bố rằng không thể hoàn thành sự nghiệp chính trị và văn hóa – giáo dục, nếu không loại bỏ văn học phản cách mạng và độc hại”. Thực tế, bản chỉ thị nói trên đã mở đường đưa việc bảo vệ đặc biệt vào các thư viện. Chỉ loại sách ấn hành trong các nhà xuất bản Liên Xô và các nhà xuất bản của đảng mới có chứng nhận được bảo vệ. Toàn bộ sách triết học, tâm lí học, đạo đức học “bảo vệ chủ nghĩa tâm linh, thuyết huyền bí, thuyết về sự sống ở cõi âm, thuyết thần trí…” đều bị tịch thu vô điều kiện; ban tôn giáo giờ đây chỉ phải bảo quản sách phản tôn giáo và “phản giáo hội”.
Tịch thu sách văn chương nghệ thuật trở thành mối quan tâm đáng kể. Toàn bộ văn học đại chúng: truyện dân gian (Hoàng tử Bova, Eruslan Lazarevic, Quý ngài người Anh George v.v…), “những khúc ca dân gian”, loại “tiểu thuyết lá cải” (Nate Pinkerton, Nick Carter, Động Leuchtweiss), “tiểu thuyết hình sự” (Gaborio, Leblana, Ponson Du Terrail v.v…) đều bị xếp vào loại văn học “kích động, hình thành và phát triển tình cảm thấp kép, thú vật, phản xã hội ... sự mê tín, chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa quân phiệt (trong nhiều tiểu thuyết lịch sử)”; ngược lại, khi “danh sách thanh lọc” tiến tới các tác giả người Nga, thì đối diện với mỗi cái tên đều có dấu ngoặc đơn ghi rõ chữ: “toàn bộ”. Điều này áp dụng cho Arch. Averchenko, Apraksin, Burenin, A. Verbitskaya, M. Volkonsky, Công tước V. Meshchersky, Vs. Solovyov, L. Shakhovskoy (danh sách bao gồm 56 tên tác giả”[43]. Sự liệt kê chính xác tới mức khiến người ta nghĩ là chính quyền đang đấu tranh thực sự chống lại “thị hiếu tầm thường của công chúng độc giả”. Trong khi đó, đây là sự lựa chọn tuyệt hảo nhắm vào việc thay đổi “văn học đại chúng” bằng “văn học dành cho đại chúng”, chứ không nhằm mục đích giáo dục thị hiếu.
Các thư viện thiếu nhi bị tổn thất nặng nề do công cuộc trưng thu (ở đây thể hiện rõ ràng sự thiên lệch và tham vọng sư phạm của bà Krupskaya, không chỉ với tư cách “thủ thư trung tâm”, mà còn với tư cách “nhà sư phạm trung tâm” của đất nước). Khi công việc lan sang văn học thiếu nhi thì sự mơ hồ của các định thức đã dẫn tới thực tế là các cán bộ thư viện đều muốn tịch thu sao cho càng nhiều càng tốt (theo nguyên tắc “giết nhầm hơn bỏ sót”). Có những danh sách đặc biệt rộng rãi được áp dụng cho văn học thiếu nhi (có hai bản phụ lục yêu cầu tịch thu hết nhiều hạng mục văn học thiếu nhi). Trước hết là nói tới truyện cổ tích (truyện cổ tích của Afanasiev, Bông hoa Alenka của Aksakov thuộc loại bị tịch thu này). Chính quyền tại thời điểm đó hoàn toàn đồng ý với quan điểm của các nhà phê bình văn học và các nhà giáo dục cực đoan nhất, những người tin rằng những câu chuyện thần tiên “ảnh hưởng xấu tới ý thức chưa hoàn hảo của trẻ nhỏ”, giáo dục mê tín dị đoan, sự thần bí, làm lu mờ “bức tranh thế giới của chủ nghĩa duy vật”. Một thời gian sau, truyện cổ tích được “phục hồi”. Trước hết là phục hồi truyện cổ dân gian Nga, sự trở lại các “hợp tuyển chính thức” tượng trưng cho bước ngoặt của chính quyền trong việc hướng tới “giáo dục chủ nghĩa yếu nước”. Nếu truyện cổ tích được phục hồi, thì những truyện vừa và truyện ngắn dành cho thiếu nhi bị tịch thu theo sắc lệnh ở những năm 1920 (theo chỉ thị được xem xét năm 1924, có tới 97 tên nhà văn thiếu nhi) mãi mãi không thể quay trở lại với độc giả trẻ em. Danh mục riêng dành cho sách thiếu nhi về lịch sử và văn xuôi lịch sử (danh sách gồm 51 tác giả) và hàng loạt tạp chí thiếu nhi cũng trong tình trạng tương tự như vậy.
Đồng thời, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, loại văn học người lớn dành cho trẻ em này, đã nhanh chóng trở thành hành trang của thanh thiếu nhi thông qua “hợp tuyển chính thống” – chương trình học đường.
Chủ đề trưng thu hiện diện một cách thực tế trong tất cả các tài liệu chính thức về thư viện. Các môn đồ của tân chính sách về thư viện cho rằng, “người công nhân là con người toàn vẹn. Anh ta không hiểu được rằng trong nền chuyên chính của giai cấp vô sản, bên cạnh việc giáo dục chủ nghĩa cộng sản cho quần chúng với qui mô mạnh mẽ và rộng lớn chưa từng thấy, sách vở rao rảng cho chủ nghĩa thần bí, chủ nghĩa vô chính phủ cá nhân – tư sản và hệ tư tưởng chống cộng có thể đến với anh ta, lôi cuốn anh ta từ thư viện. Công tác thư viện là một phần trong công việc chung của đảng. Với người công nhân, trên mỗi cuốn sách đọc trong thư viện phải có dấu hiệu và thị thực của đảng Cộng sản. Anh ta có thể phê phán đảng ở những việc nhỏ, nhưng khi công việc liên quan tới những vấn đề cơ bản, thì ở đó, người công nhân phải tuyệt đối tin vào đảng. Ví như một công nhân ngồi vắt óc trước cuốn tiểu thuyết tiểu tư sản, anh ta nỗ lực khắc phục nó, rán sức tập trung chú ý, nhưng kết quả lại húc phải món “hổ lốn” chống cộng và hoang tưởng. Vậy mà, với mỗi công nhân, một cuốn sách đã được phát hành nghĩa là đảng Cộng sản bảo lãnh cho nội dung của nó. Kết quả là băn khoăn, phân vân. Người công nhân bị rối trí. Anh ta không hiểu và không dám thừa nhận điều đó và xấu hổ vì sự vô minh của mình. Tác hại mà văn học mang lại là hiển nhiên”[44].
“Mối quan tâm về công nhân” (hay theo lời của N. Krupskaya, “bảo vệ giản đơn lợi ích của độc giả đại chúng”), với bức chân dung tâm lí được mô tả như thế, buộc ta phải nhớ rằng, sáng kiến trong việc thanh lọc thư viện xuất phát từ bên dưới, chứ không phải từ bên trên. Trên tạp chí “Thủ thư đỏ” (1923, № 1, tr. 19), A. Pokrovski, một trong những nhà lí luận chủ chốt của chính sách mới đối với thư viện đã trình bày nhiệm vụ của thư viện như là thiết chế giáo dục xã hội: “Thư viện là một xưởng thợ có bộ công cụ đa dạng để làm những công việc thiên hình vạn trạng. Rìu không tốt cho việc gia công những sản phẩm mỏng manh, nhưng dùng để đẽo khúc gỗ thì rất tốt; cưa nhỏ không tốt cho việc xẻ ván, nhưng cưa gỗ ép thì rất tốt. Chúng ta sẽ giữ rìu và cưa nhỏ cho bản thân mình. Bây giờ trong các xưởng thợ của chúng ta có rất nhiều công cụ cũ, gỉ, xấu xí, cong queo, lừa dối bàn tay vụng về. Chúng ta sẽ cố gắng loại bỏ chúng để thanh lí xưởng thợ, thay từng cái cũ bằng cái mới, tốt hơn. Nhưng nếu gặp trường hợp không có công cụ mới tốt hơn để phục vụ một mục đích cụ thể, chúng ta sẽ giữ lại cả cái cưa đã gỉ, cái đục đã cùn, và ngay cả cái rìu đã tuột mất cán”.
Nhưng những “đề xuất táo bạo” ấy lập tức được che chắn bởi rất nhiều điều kiện. Khi “hướng dẫn thự hành”, A. Pokorovski gợi ý, chẳng hạn, để “bảng kê của một thư viện nhỏ dành cho độc giả phổ thông gần với danh mục sách được chỉ dẫn”, vì sự thu hút độc giả, vì sự hấp dẫn đối với họ, không nên đưa vào danh mục những cuốn sách vẫn còn lại trong thư viện nhưng kém giá trị về nội dung. Tuy nhiên “những thủ thuật khôn khéo vặt” như thế không cứu được A. Pokorovski thoát khỏi sự phê phán gay gắt. Thật thú vì vì nhiều thủ thư đã tranh luận với A. Pokorovski ở những vấn đề cơ bản, họ phê phán ông đã theo “chủ nghĩa tự do thối nát của trí thức”.
Rõ ràng các cuộc thanh lọc đã đạt được những mục đích đã vạch ra: nó đã tràn vào thư viện cùng với sự xuất hiện của loại độc giả mới (giờ đây không cần lừa dối họ nữa – họ chỉ đơn giản không biết, tỉ như Verbitskaya là ai). Chính tiến trình tan rã mạnh mẽ của phân tầng xã hội truyền thống, cuộc đấu tranh chống nạn mù chữ, sự ham muốn được học hỏi của quần chúng với hy vọng nhờ đó giúp các nhóm xã hội mới tìm được chỗ đứng trong cơ cấu hạ tầng xã hội đang biến đổi đã thúc đẩy họ đến với sách báo. Tất cả những điều đó đã làm thay đổi công chúng độc giả về chất và cấu trúc máu ở “độc giả đại chúng” của thư viện. Ngay cả chiến dịch sặc sỡ chống lại những cuộc tịch thu sách vào năm 1932 cũng là khả thể. Chiến dịch đó được tổ chức theo nguyên tắc “choáng váng vì thành tích” – “sáng kiến địa phương” bị hạn chế. Sự tù mù ở khái niệm then chốt “sách có hại về mặt ý thức hệ” đã thúc đẩy sự phát triển của sáng kiến ấy. Về mặt này, “thủ tiêu sách có hại” giống hệt “sự thủ tiêu tầng lớp ku-lắc như một giai cấp” do sự tù mù của khái niệm “ku-lắc”. Nhưng ở đây không bàn tời việc ngăn chặn những cuộc tịch thu mà vào đầu những năm 1950 từng dẫn tới sự sụt giảm thê thảm các quỹ sách của thư viện, trung bình, quỹ sách thư viện bị giảm 50%[45]. Chu kì đầy đủ của bước nhảy truyền thống theo chính quyền đã thực sự kết thúc – một bước lùi, hai bước tiến; công cuộc cải cách tổ chức ở các nông trang, bộ máy hành chính, đảng, quân đội, trong giới trí thức v.v… cũng diễn ra y hệt như vậy – tất cả đều tiến hành theo một phương pháp: đầu tiên gây áp lực thật mạnh từ chính quyền trung ương, sau đó là “quá đà” và “choáng váng”, mà lỗi lầm của sự thái quá này là do sáng kiến của địa phương và bản thân chính quyền trung ương phải đấu tranh để cứu vãn. Sau chiến dịch thư viện năm 1932, đoàn viên komsomol hè phố hoặc công nhân nông trang không thể can thiệp vào tiến trình thanh lọc; thanh lọc trở thành công việc thường xuyên, tập trung, còn danh sách thu hồi và loại bỏ trở nên cụ thể và chặt chẽ hơn.
Nhà nước hóa người đọc,
hay là từ người đọc kinh nghiệm đến người đọc lí tưởng
“Tính nhân dân” của thư viện Liên Xô, như đã nói, không phải do cách mạng sinh ra, mà đã lớn lên ở nước Nga từ trước đó rất lâu. Gốc rễ của nó nằm trong các “thư viện phổ cập” nhân dân. Ngay từ thế kỉ XIX, trong các nhóm quần chúng Nga, tính “phổ cập” ấy đã được hiểu theo kiểu riêng: sự biến đổi “dân chúng” thành “độc giả” một cách mạnh mẽ, có thể nói, mang tính cách mạng. Vì thế, nằm ở vị trí hàng đầu hóa ra không phải là thư viện cần phải (theo chuẩn mực phương Tây) trở thành phổ cập, mà là người đọc tiềm năng của nó – không phải là công chúng đọc, mà là quần chúng không đọc. Ở nước Nga, ngay vào nửa sau thế kỉ XIX đã hình thành, và sau này chiếm vị thế chủ đạo, quan điểm xã hội – sư phạm về công tác thư viện đối lập với quan điểm “chuộng sách” (bibliophilie) và “giáo dục – duy lợi” (giúp độc giả tự giáo dục).
“Thời kì xã hội – sư phạm” trong lịch sử thư viện trùng hợp một cách tự nhiên với thời đại sau cách mạng. Những quan điểm lí thuyết mới phù hợp với nó. Cho nên, N. Rubakin đưa ý thức và sự hiểu, chứ không phải tri thức, xem “tác động đến trí tuệ và sự phát triển tình cảm của độc giả”, chứ không phải phổ biến tri thức, lên vị trí hàng đầu. Đây là cơ sở của những khuyến nghị cụ thể cho việc hình thành cấu trúc sách của “hạt nhân thư viện”, tạo ra các “bảng tổng kê khuyến nghị” trong các thư viện đại chúng (không lâu sau đó chúng thay thế hoàn toàn các tổng kê truyền thống do “chủ nghĩa khách quan” của chúng) và các “hệ thống đọc”.
Trong thực tế, toàn bộ lí thuyết của Thư viện ở những năm 1920 - qua các đại biểu của nó như N. Krupskaya, Pokrovski, B. Borowicz, D. Balik, V. Nhevski, M. Smushkova, E. Khlebtsevich, I. Tzaregradski, E. Mendynski - đã đặt nền tảng, phát triển, “đưa vào đời sống” quan điểm xã hội – giáo dục về thư viện (trong bối cảnh trí thức – dân túy thuần túy ấy, cần đánh giá những cuộc thanh lọc thư viện: ở đây lí tưởng của giới trí thức trùng hợp với lợi ích của chính quyền), nó đưa nhiệm vụ nhào nặn độc giả lên bình diện thứ nhất, không xem sách và tri thức là mục đích mà chỉ thấy ở đó một phương tiện (“công cụ”) để giáo dục quần chúng.
Quan điểm xã hội – giáo dục có những kết quả phi lí: một mặt, sự sùng bái sách được thay bằng sự sùng bái độc giả, mặt khác, (ở “giai đoạn mới”) – độc giả với toàn bộ lợi ích của họ bị loại hoàn toàn ra ngoài hoạt động thực tiễn của thư viện, còn bản thân thư viện thì được biến thành một cái gì đó lớn hơn rất nhiều so với nơi lưu trữ và tiêu thụ sách.
Ở những năm đầu sau cách mạng, mối quan tâm lớn nhất ở các môn đồ của nền văn hóa mới là các “phòng - đọc”[46]. Những luồng sách khổng lồ đã được chuyển về đây. Vào những năm 1918 – 1923, N. Krupskaya đã cho rằng phòng – đọc chính là nguyên mẫu lí tưởng của thư viện trong tương lai và những nỗ lực lớn lao đã được dồn vào việc mở rộng mạng lưới của chúng: trong những năm 1920 – 1921, đã có tới hàng chục ngàn nhà - đọc như vậy.
Chuyển đổi các thư viện thành những trạm tuyên truyền giáo dục chính trị tại chỗ là đường lối nhất quán của chính quyền mới. Sự chuyển đổi này là một tiến trình lâu dài, bắt đầu ngay từ sau cách mạng. Trong bài báo có tính cương lĩnh Cán bộ thư viện là nhà tổ chức đời sống, ngay từ năm 1924, tạp chí thư viện trung tâm của nhà nước đã dạy: “Người cán bộ thư viện phải tạo ra trong thư viện tâm trạng gần như ở câu lạc bộ”. Trong thực tế, điều đó có nghĩa là không yêu cầu phải giữ trật tự trong thư viện- ngược lại, “mặc cho những cuộc trò chuyện với những người đàm đạo diễn ra thoải mái, không có hạn chế nào cả, không nên có định kiến và không cần phải nghĩ tới những người nghe còn lại”. Tất cả các nấc thang mà “công việc phải tiến lên từ thư viện tới chỗ hoàn tất của nó - ấy là câu lạc bộ”[47].
Nhưng cũng không nên nghĩ rằng vào những năm 1930, chính quyền cự tuyệt “cánh tả” để đưa thư viện quay về với dòng chảy trước kia: sự quay trở lại bức tường thư viện treo những bức chân dung của các tác gia kinh điển chỉ làm lu mờ những cách tân của thư viện xô viết như một thiết chế của nhà nước – đảng. Đến năm 1939, công cuộc xây dựng đã hoàn thành thắng lợi.
Sự thiếu phân hóa các chức năng của thư viện xô viết ở thời kì đầu (vừa là câu lạc bộ, vừa là trạm giáo dục tư tưởng chính trị) có thể giải thích bằng lí do sau đây: không thể thay nhà thờ bằng một tổ chức có chức năng hẹp. Không phải ngẫu nhiên mà thư viện thường trở thành một trọng tâm trực tiếp tuyên truyền chống tôn giáo. Trở thành “lò lửa của nền văn hóa mới”, thư viện nhanh chóng mất đi chức năng thư viện của nó. Nó làm việc “bên ngoài các bức tường thư viện” ngày càng nhiều hơn: tổ xây dựng tủ sách lưu động, mang sách đến nhà máy, công xưởng, tổ chức trạm bán sách, góc đỏ trong các nhà ăn tập thể, kí túc xã, các bệnh viện và dinh trại công nhân. Hội đồng thư viện là ý tưởng của L.Trotski được ông đưa ra tại Đại hội thư viện toàn Liên Xô vào tháng 7 năm 1924. Là cơ quan lãnh đạo tập thể đối với thư viện, Hội đồng thư viện dưới dạng lí tưởng cần hợp nhất người đọc với các thủ thư. Mặt khác, nó phải trở thành cơ quan kiểm soát thư viện. Trong công tác của các nhà xuất bản, đơn vị gánh vác chức năng tương tự như thế là Hội đồng biên tập công nhân – theo định nghĩa của tạp chí RAPP, nó là “cơ quan nối kết nhà xuất bản xuất bản với công chúng độc giả công nhân, cơ quan kiểm soát xã hội đối với công việc xuất bản nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của độc giả vô sản”[48].
Nhưng đến những năm 1930, “chế độ dân chủ vô bờ bến” như một sự lại giống của thời đại cách mạng đã thực sự sống hết tuổi đời của nó. Khẩu hiệu “tuyên truyền sách”, “thu hút bạn đọc đến với thư viện”, “đưa sách đến với quần chúng” giờ đây được thay bằng yêu cầu mới: chỉ đạo độc giả - giám sát sự đọc và kiểm soát phản ứng của độc giả.
Ý tưởng chỉ đạo sự đọc xuất hiện ngay từ những năm đầu tiên sau cách mạng. Nhưng trước những năm 1930, nó chưa trở thành phương pháp và chỉ được thực hiện dưới hình thức xem xét lại các quỹ sách. Đồng thời, lúc ấy quan niệm chỉ đạo sự đọc do các nhà lí luận tả khuynh nhất đặt nền móng. Chẳng hạn, “…khi độc giả được cung cấp không hẳn là cái mà anh ta muốn, mà chủ yếu là cái mà anh ta cần”, V. Nhevski ra sức bảo vệ cách tiếp cận như thế này đối với công tác thư viện: “Chẳng lẽ bác sĩ – trị liệu kê đơn thuốc theo khẩu vị và yêu cầu của bệnh nhân?”, ông nêu câu hỏi và tự trả lời: “Không! Đơn thuốc sẽ được kê theo công dụng khách quan của chúng. Đã đến lúc cung cấp sách – nó thuốc tâm lí mạnh nhất – theo dấu hiệu lợi ích khách quan của chúng, chứ không phải theo nguyên tắc “người ta muốn cái gì”[49]. Hệ thống quan điểm của V. Nhevski là kiểu mẫu hoàn chỉnh của tư tưởng nhà nước hóa sự đọc theo luật lệ cách mạng - giai cấp của nó. Trong bối cảnh của Liên Xô sau này, hệ thống quan điểm ấy không được thực hiện đầy đủ, nhưng nhìn đại thể, nó có nhiều ý nghĩa tích cực.
Trên cơ sở ấy, về sau này xuất hiện quan niệm được gọi là “đọc theo kế hoạch”, nó được áp dụng cho các “danh mục giới thiệu” và “chỉ dẫn giới thiệu thư viện” vào giai đoạn 1930 – 1950. “Đọc theo kế hoạch ấy là khi người đọc ghi tên mình vào một “kế hoạch” cụ thể và đọc “theo một hướng cần thiết”, dựa trên hiện tượng thực tế có thể xác định như trang giấy trắng của ý thức độc giả hoàn toàn vắng bóng chân trời đón đợi của người đọc. Kết cục, đọc không còn là tiến trình mang ý nghĩa tự thân, nó tìm thấy viễn tượng mục đích luận, dần dần vươn tới đỉnh cao - “văn học chính trị - xã hội”.
Trong thực tế, trước mắt chúng ta là mô hình không hẳn chỉ áp dụng trong thư viện, mà chủ yếu được áp dụng trong nhà trường xô viết. Từ những năm 1930, hệ thống hữu dụng lí tưởng dành cho tờ giấy trắng của ý thức trẻ thơ ấy đã được mã hóa trong chương trình của nhà trường. Vào những năm sau này, “sự chỉ đạo đọc”, “đọc theo kế hoạch” như là những đặc điểm quan trọng của độc giả mới, độc giả lí tưởng đạt tới hình thức hoàn chỉnh, đúc lại thành công thức dập khuôn: “Chỉ đạo đọc là bộ phận công việc quan trọng nhất, khăng khít nhất của mỗi cán bộ thư viện xô viết, người có trách nhiệm giúp độc giả nâng cao trình độ tư tưởng – lí luận và văn hóa, sở đắc các tri thức xã hội”[50]. Người ta đề nghị lấy “đọc theo kế hoạch” để giám sát hoạt động “tự giáo dục” và thanh thiếu niên vô học. Tiến trình tái giáo dục xem ra phù hợp với mĩ học của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa theo cách sau đây (theo kinh nghiệm của thư viện mang tên I.Z. Surikov ở quận Kominterski, Moskva): “Nữ đoàn viên Z.N. Solomatina 19 tuổi, học xong lớp 7, ghi tên vào thư viện cuối năm 1950. Thời gian ấy cô làm kiểm soát viên – phân loại sản phẩm tại phân xưởng khâu của nhà máy đóng giày mang tên Kapranov. Cô tốt nghiệp khóa học kĩ thuật và trở thành nhân viên phân loại sản phẩm – kiểm soát viên ở bộ phận tiếp nhận giày thành phẩm, một công việc đòi hỏi phải có kiến thức về toàn bộ tiến trình công nghệ. Z.N. Solomatina nói rằng thư viện đã giúp cô trưởng thành trong sản xuất và văn hóa chung.
Lần đầu làm quen với Z.N. Solomatina, nhân viên thư viện đã phát hiện rằng cô nắm vững các kĩ năng lựa chọn sách. Nữ độc giả biết sử dụng thư viện của nhà máy, nơi có thể đọc sách về công nghệ. Dần dần, nhân viên thư viện có ấn tượng rằng Z.N. Solomatina là độc giả biết suy nghĩ, quan tâm tới nhiều vấn đề, nhưng thiếu tính hệ thống.
- Cô có muốn biết thời gian gần đây cô đã đọc những gì không? Một lần N.I. Libedeva hỏi Z.N. Solomatina. Nữ độc giả tỏ ra vô cùng thú vị trước lời đề nghị ấy.
- Thực tế tôi đã mượn rất nhiều sách, nhưng không biết tôi đã thâu nhận được những tri thức gì? Nữ độc giả trả lời.
Cán bộ thư viện và Z.N. Solomatina cùng xem lại phiếu đọc của cô. Cô gái hiểu ra rằng cô đã đọc thiếu hệ thống và chẳng có kế hoạch gì cả. N.I. Libedeva đề nghị cô xem phiếu đọc của Bogomolov, một người đọc theo kế hoạch.
- Tôi sẽ cho cô xem phiếu yêu cầu của một độc giả quan tâm tới vấn đề về nguồn gốc của trái đất. Cô xem đây, người này mượn sách không nhiều, nhưng những cuốn sách ấy làm sáng tỏ chủ đề nhiều và rất sâu sắc. Z.N. Solomatina vô cùng hứng thú quan sát danh mục những cuốn sách chàng thanh niên đã mượn. Sự lựa chọn sách khéo léo đã thu hút sự chú ý của cô. N.I. Lebeda chỉ vào bản kế hoạch đọc đặt trong phiếu yêu cầu “Cái mới trong khoa học về nguồn gốc và sự phát triển của đời sống trên trái đất” mà đồng chí Bogomolov đã hướng dẫn trong việc chọn sách văn học. Sau đó cô kể cho nữ độc giả nghe về việc lập kế hoạch sẽ mang lại lợi ích to lớn cho độc giả như thế nào.
- Tôi cũng muốn đọc theo kế hoạch. Nhưng liệu ở đây có kế hoạch đọc cho các vấn đề khác không? Cô gái hỏi.
Cán bộ thư viện chỉ cho độc giả xem ấn bản đầu tiên của các kế hoạch đọc. Nữ độc giả chậm rãi lật hết tờ này đến tờ kia, cuối cùng dừng lại ở trang có in: “Con người xô viết phải là người thế nào?”. Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề ấy đã được lựa chọn. Nữ độc giả tỏ ra đặc biệt quan tâm tới các vấn đề này. Nhất là cô đã được ba cuốn trong số 11 cuốn sách được chỉ ra trong kế hoạch. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của việc chỉ đạo đọc – chọn kế hoạch đọc lần đầu tiên – thế là đã được giải quyết. Sau đó nữ độc giả đã nghiên cứu sách viết về các chủ đề: "Cuộc đấu tranh anh hùng của những người Cộng sản ở nước ngoài chống chủ nghĩa đế quốc trộm cướp" và "Trong công cuộc bảo vệ hòa bình”[51].
Đoạn trích dẫn từ tạp chí “Thủ thư” là kiểu mẫu tuyệt vời của văn bản hiện thực xã hội chủ nghĩa. Người đọc lí tưởng từ “đồng chí Solomatina” vụt lớn lên ngay trước mắt chúng ta chính là nhân vật hiện thực xã hội chủ nghĩa. Cô sống trong không gian của văn bản văn học – với các phần trình bày (miêu tả tính chất sản xuất), thắt nút (“Tôi sẽ cho cô xem phiếu yêu cầu của một độc giả…”), đỉnh điểm (Tôi cũng muốn đọc theo kế hoạch…), mở nút (“Nữ độc giả chậm rãi lật hết tờ này đến tờ kia, cuối cùng dừng lại ở trang có in: “Con người xô viết phải là người thế nào?”). Độc giả lí tưởng trưởng thành trong chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa nói chung như một nhân vật văn học trải qua tất cả các giai đoạn trưởng thành tư tưởng – từ vô thức tới giác ngộ tự giác – những mối nguy hiểm rình rập nó (“văn học giải trí”, quỷ kế của các “thủ thư tư sản”), người ta giáo dục nó (“chỉ đạo đọc”, “đọc theo kế hoạch”, “công tác thư viện” – mối quan tâm của đảng), và cuối cùng, nó bắt gặp thế giới của cái đẹp - “con người xô viết phải là người như thế nào”.
Nhưng đọc theo kế hoạch còn có bình diện quan trọng khác về mặt văn hóa: nó biến những tác phẩm khác nhau thành một chuỗi văn học, hệ thống hóa chủ đề văn học trong ý thức độc giả, và cuối cùng, mang đến cho quá trình đọc một mục đích nào đó (giống như “đồng chí Solomatina nêu câu hỏi: “Thực tế tôi đã mượn rất nhiều sách, nhưng không biết tôi đã thâu nhận được những tri thức gì?”).
Chính việc cải tổ hệ thống thống kê của độc giả, một hệ thống biến thủ thuật hình thức thành liệu pháp có chức năng tư tưởng – chính trị, đã giúp tăng cường chức năng “chỉ đạo” ấy của thư viện. Vào những năm 1940, các thư viện đã sử dụng cái gọi là “phiếu phân tích” ghi lại vô số thông tin về độc giả - “về mối quan tâm và yêu cầu của anh ta, về đánh giá của anh ta đối với sách thư viện, về thái độ của anh ta với những lời khuyên của cán bộ thư viện. Các bản ghi chép phải chỉ ra xu hướng chính trị trong việc chỉ đạo đọc và sự giúp đỡ của cán bộ thư viện đối với độc giả”[52]. Toàn bộ quá trình thay đổi sở thích của độc giả đã được lưu giữ trong các bản ghi chép ấy (tất nhiên, nếu anh ta tin tưởng). Chẳng hạn một độc giả trước kia thích đọc truyện viễn tưởng khoa học nước ngoài nay chuyển qua đọc văn học khoa học thường thức của Liên Xô. Hay một độc giả khác trước kia thích đọc truyện viễn du nay quay sang đọc những cuốn sách “về đất nước quê hương”…
Tất nhiên, không phải bao giờ sự chỉ đạo đọc cũng mang lại kết quả tốt đẹp; nó sẽ biến thành gánh nặng hình thức (đối với sách chính trị - xã hội) khi độc giả mượn cuốn sách theo mục “cần” cùng với cuốn sách anh ta “thích”. Kiểu mẫu tuyệt vời nhất trong việc chỉ đạo đọc ở các thư viện đại chúng là hệ thống tương ứng trong quân đội. Đánh giá theo thành phần sách được đọc nhiều nhất trong các thư viện của hồng quân, thì quân đội chính là nơi hình thành mô hình lí tưởng của hoạt động chỉ đạo đọc và tổng kiểm soát sách. Nhưng cũng chính mô hình ấy đã được mở rộng sang các thư viện đại chúng; như đã nói, các “hình thức làm việc” đều nhằm mục đích thu hút những khu vực không đọc cuối cùng chưa thể kiểm soát, “nhà nước hóa” giao tiếp (trên cơ sở sách”), làm thế nào để hình thức hóa được phạm vi giao tiếp ấy và, nhờ đó, thu hẹp nó xuống mức tối thiểu.
Nhưng thành tích hình thành độc giả mới tất nhiên được xác định không hẳn là bằng các hình thức tác động nào đấy, mà chủ yếu là bằng toàn bộ cơ chế hoạt động của sách trong những điều kiện của Liên Xô. Đơn giản, việc điều chỉnh cơ chế chỉ thấy rõ trong các bức tường của thư viện – hệ thống đọc chính yếu của nhà nước. Có thể ở mức độ lớn hơn so với mức độ trong hệ thống xuất bản hoặc hệ thống thương mại sách cảu Liên Xô. Chẳng hạn, xu hướng biến bẳng kê (catalogue) thành “giáo cụ hướng dẫn thư viện” xuất hiện ngay từ những năm 1920, rồi cuối cùng được đúc thành “lí thuyết mới về bản kê” và được tuyên bố là đỉnh cao của “khoa học thư viện xô viết”: “… Bảng kê của thư viện Liên Xô là phương tiện tuyên truyền sách và chỉ đạo đọc”. “Cuộc tuần hành bách chiến bách thắng” của lí thuyết ấy đã bắt đầu từ sau những nghị quyết tư tưởng hệ của Ban chấp hành Đảng cộng sản Liên xô (b) vào năm 1946. Theo lí thuyết này, “bảng kê hệ thống hóa dành cho độc giả thực chất là giáo cụ chỉ dẫn thư viện cơ bản dành cho độc giả thư viện”; “không có sựkhác nhau cơ bản nào cả giữa bản kê hệ thống hóa dành cho độc giả và thư tịch chỉ dẫn…”[53]. Tất nhiên, bước ngoặt ấy là kết quả của tư tưởng mà theo đó, không phải bảng kê mô tả sách báo có trong thư viện, mà ngược lại, sách cần phải tập hợp (ở dạng lí tưởng, phải được tạo ra và được xuất bản) phù hợp với yêu cầu của các phần bảng kê cụ thể; đó là cơ sở của nguyên tắc “lập bảng kê tập trung hóa”. Bảng kê (catalogue) không còn là tấm gương phản chiếu quỹ sách của thư viện, mà biến thành bộ lọc tư tưởng hệ, hoàn toàn không phù hợp với chức năng chỉ dẫn trước kia của nó. Đồng thời, đó là hệ thống thứ hai bảo vệ người đọc trước sách vở. Hệ thống thứ nhất là cơ chế sưu tập tập trung hóa của các thư viện.
Ở thế kỉ XIX, thư viện đại chúng của nước Nga cũng không thoát được sự sưu tập theo bộ. Sự điều chỉnh của nhà nước và sự kiểm soát việc bổ sung quỹ sách được thực hiện từ năm 1890. Tuy nhiên, hoàn toàn không có độc quyền trong việc sưu tập của các “phòng - đọc quần chúng”, mà có sự kết hợp chặt chẽ lợi ích của các cơ quan và các lực lượng chính trị khác nhau: trí thức tự do, nhà nước, hội đồng tự quản địa phương (trong đó đã có sự kết hợp chặt chẽ của hàng loạt nhóm và thiết chế khác nhau) – chính điều đó dẫn tới chỗ “các quỹ sách của thư viện toàn quốc đã có tính chất thỏa hiệp do mỗi quỹ trong số những quỹ có ảnh hưởng tới sưu tập đều muốn “nhập vào quỹ ấn phẩm đại diện cho giá trị của nó”[54]. Dẫu thế nào đi nữa thì sự kiểm soát sưu tập cũng không mang tính độc quyền. Ở đây chỉ là sự đấu tranh bình thường trong việc giành ảnh hưởng đối với người đọc.
Có thể tìm thấy một bức tranh hoàn toàn khác trong thư viện Liên Xô: “Sưu tập thư viện cần phải hướng tới một mục đích cơ bản buộc các mục đích khác phải phục tùng nó: động viên ý thức và tính tích cực của người lao động được thư viện phục vụ vào việc hoàn thành những nhiệm vụ đang được đặt ra trước đảng…”[55]. Vào những năm 1930, thắng lợi của các nguyên tắc như thế trong sưu tập cho phép “mở ra lối đi vào các giá sách” (nhưng sau chiến tranh đã bị hủy bỏ cho tới sát thời tan băng). Ở thời kì diễn ra trước sự mở rộng này, các thư viện đã hoàn toàn thay “thành phần máu” – “cái có hại” đã bị thu hồi, “cái có ích” đã được nhập thêm, còn “bản thân tổ hợp sách phải thực hiện chức năng điều chỉnh sự đọc ở mức độ lớn hơn rất nhiều so với sự điều chỉnh mà tổ hợp sách bị các quầy hàng tách khỏi độc giả từng phải đảm nhiệm”. Đồng thời, “tổ hợp sách được xem là “mở” trước người đọc phải rộng rãi về mặt đề tài, nhưng bị hạn chế số lượng tiêu đề trong phạm vi mỗi đề tài riêng lẻ”, cho nên “xu hướng mở rộng tổ hợp sách tất yếu sẽ dẫn tới hạ thấp yêu cầu đối với sách được nhập vào tổ hợp, và đến lượt mình, điều đó sẽ dẫn tới chỗ biến tổ hợp mở từ công cụ điều chỉnh sự đọc thành cực đối lập của nó”. Tất cả đều tập trung vào việc làm sao để “đưa các yếu tố ngẫu nhiên trong việc chọn sách xuống mức tối thiểu”[56].
Con đường chiến thắng trên mặt trận thư viện vì thế là con đường sáng tạo ra người đọc lí tưởng.
Hạnh phúc của Korchagin hay là Người đọc Lí tưởng.
Khái niệm “người đọc lí tưởng” được sử dụng ở đây hoàn toàn theo nghĩa đen, nghĩa thuật ngữ. Người đọc lí tưởng là một kiểu độc giả tương tự như tác giả, đó chính là người đọc được tác giả mô hình hóa giống như “người đàm thoại” với mình (trong sáng tác của Mandelshtam), “người bạn cùng thế hệ” (ở Boratynski). Nhưng trong trường hợp của chúng ta, tác giả là bản thân chính quyền, còn độc giả, tương tự như thế, là sản phẩm đồng sáng tạo của chính quyền và quần chúng, là “chân trời đón đợi” độc đáo của chính quyền. Người đọc lí tưởng loại này bị tước bỏ quyền miễn trừ văn hóa-phê bình, anh ta không thể tự đọc văn bản (cả hiện đại, lẫn cổ điển) “ngược với” kinh nghiệm thẩm mĩ quen thuộc và đã được hình thành ổn định, tức là đã được rập khuôn. Sự kết nối khối các “hợp tuyển chính thống” và những yêu cầu đối với độc giả mà chúng ta đã quan sát được là một trong những bằng chứng về điều trên.
Xin hãy xem tình hình đọc của thanh thiếu niên ở Moskva vào cuối những năm 1940. Năm 1948, khi kiểm tra hiệu quả “tuyên truyền của những tác phẩm tốt nhất trong văn học xô viết sau hai năm có quyết nghị của Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Liên Xô (b) về các tạp chí “Ngôi sao” và “Leningrad”[57], Văn phòng điều hành quản lí các cơ quan văn hóa – giáo dục của ngành thư viện Moskva đã gửi cho các thư viện Moskva một bản tự khai về tình hình đọc của công nhân trẻ, sinh viên các trường thủ công – kĩ nghệ và các trường đào tạo dành cho các xí nghiệp, nhà máy. Trong số 780 độc giả trẻ, có 390 gọi tên tác phẩm yêu thích của mình là Đội cận vệ thanh niên của A. Fadeev, 170 người nêu – Thép đã tôi thế đấy của N. Ostrovski, 108 người – Truyện về con người chân chính của B. Polevoi, 77 người – Hai viên thuyền trưởng của V. Kaverin, 38 người – Những người lương tâm trong sáng của P. Vershigor, 34 người – Bất khuất của B. Gorbotov, 23 người – Lữ thuận khẩu của A. Stepanov, 18 người – Chapaev của D. Furmanov, 15 người - Zoia của M. Aliger, 13 người – Pie Đại đế của A. Tolstoi, 12 người gọi tên các cuốn Những người đồng hành của V. Panova, Vasili Terkin của A. Tvardovski, Hành trình qua đau khổ của A. Tolstoi.
Trước mắt chúng ta là Vạn thần miếu của văn học chính thống: “tác phẩm kinh điển” xô viết cộng với tác phẩm giải thưởng Stalin. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ ở sự đề cử của độc giả, mà còn ở nhu cầu đọc được định hình bởi chương trình học tập trong nhà trường cũng vậy: các phiếu tự khai đã chỉ ra rằng độc giả muốn đọc: Truyện về con người chân chính của B. Polevoi (108 phiếu trả lời), Hai viên thuyền trưởng của V. Kaverin (105), Đội thanh niên cận vệ của A. Fadeev (88), Những người lương tâm trong sáng của P. Vershigor (80), Lữ thuận khẩu của A. Stepanov (67), Bão táp của I. Erenburg (38), Hành trình qua đau khổ của A. Tolstoi (31), Bất khuất của B. Gorbatov, Vòng quay của V. Panova, Ugrium – dòng sông của V. Shishkov (mỗi cuốn 29 phiếu), Những người đồng hành của V. Panova, Vasili Terkin của A. Tvardovski , Gió từ phương nam của E. Grin (18), Trường ca sư phạm của A. Makarenko, Hạnh phúc của P. Pavlenko (16), Họ chiến đấu bảo vệ tổ quốc của M. Sholokhov, Mười hai chiếc ghế của I. Ilfa và E. Petrov[58]. Thời bấy giờ, có một ý kiến được phổ biến rộng rãi: nói chung, không ai đọc văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa và toàn bộ sản phẩm đồ sộ của văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ là thứ quê mùa tăm tối. Như chúng ta thấy, các con số thống kê đã chứng minh điều ngược lại.
Dấu hiệu quan trượng nhất của người đọc lí tưởng là sự đồng nhất tuyệt đối bản thân mình với nhân vật, sự đồng nhất này hóa thành mong muốn thay nhân vật văn học bằng bản thân, mong muốn biến đời sống thành văn học. Khi viết rằng, độc giả “muốn tác phẩm văn học phải sinh ra tình yêu, lòng căm thù, ước mơ, khát vọng hành động, muốn đời sống đích thực hiện diện trong văn học, muốn các nhân vật của tác phẩm phải chi phối trí tưởng tượng của họ”[59], phê bình xô viết chỉ hoàn toàn lặp lại tiếng nói của bản thân độc giả: “Tôi rất muốn hành động cùng các nhân vật, xây dựng thành phố bằng bàn tay của mình, gánh vác tất cả khó khăn và trở thành đoàn viên komsomol chân chính”; “Bất giác tôi muốn ở với họ, sống với những nỗi đắng cay của họ, vui với niềm vui của họ”; “Chao ôi, muốn được lao động, vui chơi, đau khổ với những đoàn viên komsomol ấy biết chừng nào! Muốn đi đến Viễn Đông biết chừng nào! Nếu phải xây dựng thành phố mới ngay từ đầu, thì ngay bây giờ sẵn sàng làm việc ở đấy cùng những người xây dựng thành phố yêu đời, không gì lay chuyển” (về Lòng quả cảm của V. Ketlinskaya)[60]. Lưu trữ của các nhà văn xô viết (từ các “bậc thầy” cho tới tay ngang tỉnh lẻ), của các ban biên tập báo và tạp chí (từ trung ương tới địa phương) hiện vẫn còn lưu giữ hàng trăm nghìn lá thư độc giả như vậy.
Theo lời của M. Slonim, nhân vật Pavel Korchagin trong tiểu thuyết Thép đã tôi thế đấy của M. Ostrovski là mô hình tự đồng nhất đạt tới mức độ “thăng hoa”. Khi M. Slonim viết rằng “sự nổi tiếng của hình tượng ấy trước, trong và sau chiến tranh thế giới đã đạt tới mức độ của một bái vật đích thực”[61], thì ở đây không hề có một chút phóng đại nào. Việc tạo ra huyền thoại Korchagin, vốn đã trở thành một phần của huyền thoại anh hùng trong văn học Xô viết, mạnh mẽ và nhanh chóng đến mức một năm sau khi xuất bản tiểu thuyết, chúng ta đã chứng kiến “phép màu Korchagin” cùng sự nổi tiếng chưa từng có của cuốn tiểu thuyết và nhân vật chính trong môi trường độc giả rộng lớn nhất. Có thể tìm thấy những bằng chứng đầu tiên về việc đọc và bình luận mang tính toàn dân dành cho cuốn tiểu thuyết trong bài báo của N. Liubovich[62], trong đó tác giả trích dẫn vô số thư từ, lời tự bạch của độc giả ở những lứa tuổi và nghề nhiệp khác nhau, người ta nói rằng đã nhìn thấy ở nhân vật của N. Ostrovski môt “kiểu mẫu để bắt chước”, một “tấm gương sống động”. Tiểu thuyết của N. Ostrovski và Pavel Korchagin được xem là cuốn sách yêu quý và nhân vật yêu quý của thanh thiếu niên Liên Xô đã sống một đời sống độc giả.
Bởi thế mới xuất hiện hiện tượng mà sau S. Tregub và I. Bachelis có thể gọi là “hạnh phúc Kochagin”: “Trước mắt chúng ta nhân vật bước ra từ trang sách để đi vào đời sống và đi tiếp con đường của nó. Con người từ cuốn sách đã trở thành nhân vật thật trong cuộc sống thật của chúng ta. Chu kì đầy đủ của sự tác động qua lại giữa văn học và hiện thực đã được hoàn tất, nó biến cuốn sách của Ostrovski thành cuốn sách mang số phận lớn”[63]. Và thực tế, S. Tregub và I. Bachelis đã dẫn ra một bảng liệt kê tư liệu dài vô tận nói rằng nhân vật của tiểu thuyết đã “sải bước từ cuốn sách ra cuộc đời”: ngoài mặt trận, ban đêm, người ta đọc cuốn sách dưới ánh trăng, ban ngày người ta đọc dưới cảnh bom dội ác liệt, đọc dưới lòng đất, trong hầm trú ẩn, trong công sự, đọc to, đọc thầm như là sự mặc khải, người ta tìm thấy cuốn sách trong túi đồ của những chiến sĩ đã hi sinh, với những người này, cuốn sách là bùa hộ mệnh, với những người khác, nó là cuốn sách giáo khoa đời sống, các chiến sĩ viết về Korchagin trong thư từ, trong nhật kí như về một người thân thiết nhất, trân quý nhất, so sánh mình với mọi nhân vật văn học, tìm kiếm ở đó sự nâng đỡ vỗ về, nhìn thấy ở đó tấm gương đời sống… Trong những năm chiến tranh, chúng ta đã tìm được những độc giả lí tưởng si mê nền văn học xô viết đến như vậy.
Đến thời kì sau chiến tranh, bức chân dung khái quát về độc giả ấy đã mang tính sử thi triệt để. “Bây giờ hoàn toàn không thấy có sự khác biệt đáng kể nào giữa các loại độc giả (nhất là công nhân và trí thức), không thấy có sự khác biệt mang tính nguyên tắc trong việc thể hiện thái độ của độc giả đối với văn học nghệ thuật xô viết và những tác phẩm cơ bản, tác phẩm hàng đầu của nó… Có thể nói về sự thống nhất đang hình thành trong thị hiếu và sự thống nhất trong cách đánh giá các tác phẩm văn học. Nếu quan sát kĩ, chúng ta sẽ thấy rõ phẩm chất quí giá nhất ở nhân dân vĩ đại của chúng ta – phẩm chất chính trị - đạo đức của họ”[64].
Độc giả xô viết lí tưởng nói chung không phải là khách thể thụ động của sự tác động bên ngoài, mà là chủ thể có yêu cầu cao đối với sáng tác nghệ thuật. Sự can thiệp thường xuyên của nó vào công việc sáng tác của nhà văn có vẻ như được hướng vào chính bản thân mình; ở đây, nhà văn là một phần của công chúng độc giả, cho nên sáng tác của ông ta phải trở thành tấm gương phản ánh trình độ của tiềm năng sáng tác ở độc giả.
Không hẳn là sự thay đổi cấu trúc của độc giả, mà chủ yếu là sự thay đổi thái độ đối với các tác phẩm văn học nào đó sẽ nói cho ta rõ độc giả lí tưởng là gì. Ví dụ điển hình là số phận của cuốn Cuộc đời Klim Samgin của M. Gorki.
Dẫu Gorki từng là một trong số tác giả được đọc nhiều nhất từ rất lâu trước khi được phong thánh, ngang ngửa với sự nổi tiếng của L. Tolstoi, tiểu thuyết Cuộc đời Klim Samgin của ông được đón nhận hết sức lạnh lùng trong độc giả quần chúng. “Một cuốn sách rất chán” – trong hầu hết các ý kiến đánh giá thời ấy, ta đề bắt gặp một lời tuyên án như thế. Vậy mà 20 năm sau, chính Klim Samgin, một nhân vật ảm đạm nhất trong văn học Nga thế kỉ XX bỗng tìm thấy “người bạn cùng thế hệ”. Năm 1949, thư viện mang tên Gorki ở Moskva phát phiếu thăm dò cho các độc giả của mình. Từ 466 độc giả thuộc những nhóm độc giả khác nhau, Người mẹ có 451 người đã đọc. Thời thơ ấu – 441, Kiếm sống – 439, Sự nghiệp của gia đình Artamonov - 390, Những trường đại học của tôi - 368, Dưới đáy - 354, Forma Gordeev - 297. Điều trên gắn với khối lượng tác phẩm có trong chương trình của nhà trường trung học ở Liên Xô. Nhưng lập tức, đứng sau mốc giới này là Cuộc đời Klim Samgin, giờ đã có 239 người đọc. Mà tiểu thuyết ấy đứng ngay ở vị trí đầu tiên giữa những câu trả lời dành cho hai câu hỏi: “Bạn thích đọc những tác phẩm nào của Gorki?”, “Những tác phẩm nào của Gorki bạn muốn đọc lại lần nữa?”[65].
Độc giả quan tâm tới điều gì trong cuốn tiểu thuyết? Triết học hay sự phản đạo? Liệu có phải kinh nghiệm của Gorki, người từng mấy bận phản lại chính bản thân và đặt dấu chấm hết cho sáng tác cá nhân bằng tiểu thuyết – kinh nghiệm của mình chăng? Hay phê bình xô viết đã đúng khi giải thích hiện tượng ấy như thế này: “Công việc bền bỉ, độc lập của hàng triệu con người xô viết dành cho việc nghiên cứu lịch sử đảng, ảnh hưởng của Giáo trình giản yếu về lịch sử Đảng cộng sản Liên Xô (b) không thể không biểu lộ trong thái độ đã đổi khác của độc giả với một tác phẩm kiểu như Cuộc đời Klim Samgin”[66]. Trước hết, vị thế của Gorki trong “hợp tuyển chính thống” đã được biểu lộ. Xu hướng huyền thoại hóa con “chim báo báo của cách mạng” trong nhà trường Liên Xô cũng đã được biểu lộ. Cuối cùng, cuốn tiểu thuyết đã bị quảng đại độc giả đọc không đúng với những gì nền phê bình xô viết đã nỗ lực tạo ra, nền phê bình ấy đã thuyết phục, rằng trong tiểu thuyết của mình, Gorki vạch trần “những cách thức và phương pháp ngụy trang ở kẻ thù của chủ nghĩa bolsevich, kẻ thù của chủ nghĩa Mác – Lênin để thâm nhập vào phong trào giải phóng của nước Nga”[67], rằng điều cơ bản trong tiểu thuyết là “sự khám phá ra các tiền đề lịch sử của cuộc Cách mạng tháng Mười Xã hội chủ nghĩa vĩ đại và bóc trần chủ nghĩa cá nhân tư sản”[68]. Sự thay đổi hoàn toàn thái đội của độc giả đối với cuốn tiểu thuyết này của Gorki là minh chứng rõ ràng về khả năng tác động thực tế tới quảng đại quần chúng độc giả” thông qua hệ thống “đưa sách đến với người đọc”. Điều này càng trở nên quan trọng hơn, vì trong trường hợp này, chúng ta đang nó về một cuốn sách tuyệt nhiên “không được đọc” và càng không phải là một cuốn sách không có khiếm khuyết nhìn từ quan điểm về “sự tinh khiết của tư tưởng hệ”. Khả năng đài cử một tác phảm như thế không chỉ có tác dụng “đảm bảo an toàn” cho mình, mà còn biến nó thành sản phẩm “phục vụ sự nghiệp giáo dục lí tưởng cộng sản cho thanh thiếu niên”, nó nói lên sự “phản kháng” của độc giả đã bị suy giảm ghê gớm; vào những năm 1920 hẳn không thể nói tới sự suy giảm như thế và đây là một trong những đặc điểm cơ bản của người đọc lí tưởng như là sản phẩm của quyền lực.
Phạm vi mở rộng người đọc lí tưởng chính là những cuộc hội thảo độc giả mà những năm sau chiến tranh đã biến thành chiến thắng độc đáo của nền văn hóa hiện thực xã hội chủ nghĩa. Hệ thống hội thảo độc giả dường như đã xây dựng xong.
Sự giống nhau tuyệt đối giữa hội thảo độc giả và bài học văn học trong nhà trường đã thực sự gây chú ý. Cùng với thời gian, hệ thống hội thảo như vậy đã biến thành những khóa học diễn ra liên tục để bổ túc cho những học sinh hôm qua của nhà trường do bận sản xuất nên không theo dõi được “những điều mới lạ của văn học xô viết”. Chẳng hạn, với tư cách là những đề tài, người ta đã giới thiệu gần như trọn bộ “đề tài tự do” của các luận văn tốt nghiệp ở trường trung học (tất nhiên không tính những cuộc hội thảo về các tác phẩm cụ thể): “Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại trong văn học xô viết”, “Hình tượng các chiến sĩ bolsevich trong các tác phẩm của nhà văn Liên Xô”, “Diện mạo đạo đức của của con người thời đại Stalin”, “Thanh thiếu niên Liên Xô qua sự mô tả của các nhà văn xô viết”, “Hình tượng V.I. Lênin trong văn học”… Hội thảo được yêu cầu trở thành bài học dành cho các ý kiến phê bình chính xác”.
Nhìn chung, phải đến cuối những năm 1960, khi độc giả từ giã thư viện để đến với truyền hình thì pho tiểu thuyết về việc chính quyền dùng thư viện như thiết chế kiểm soát sách báo và việc đọc mới kết thúc. Các thư viện đại chúng bị chính quyền bỏ rơi và chúng tồn tại thoi thóp một cách thảm hại. Bị tất cả vứt bỏ và lãng quên, chúng trở thành nơi nương náu cuối cùng của những người hưu trí – những “cựu độc giả” đích thực từng không tìm thấy cho mình chỗ đứng trong các thư viện mới ở những năm 1920. Những “cựu độc giả” theo lứa tuổi, nhưng không theo kinh nghiệm sống và kinh nghiệm đọc! Khác với các “cựu độc giả” ở những năm 1920, “độc giả tích cực” cũ nhớ tới thư viện như nhớ tới nơi “của mình”. Họ không hề biết Verbitskaya là ai và sẵn lòng đọc văn học đại chúng xô viết và hấp thụ gần như tất cả - từ những tạp chí dày cộp đến xêri sách “Đời sống của những người phi thường”, từ An. Ivanov đến J. Semanov, từ I. Stadnyuk đến anh em nhà Weiner, từ K. Simonov đến J. Bondarev, từ E. Asadov đến R. Rozdestvenski – những người được ái mộ của thị trường sách xô viết vào những năm 1970. Tất nhiên, đó là thư viện của mình và nhà văn của mình.
Trước Đại hội nhà văn Liên Xô làn thứ nhất, N. Krupskaya gửi tới các nhà văn và nhà phê bình lời kêu gọi cần “học lắng nghe những ý kiến đúng đắn có tổ chức của quần chúng về sách báo”[69]. “Ý kiến đúng đắn có tổ chức – là ý kiến xuất phát từ một bản thể độc giả trừu tưởng, nói cách khác, từ độc giả lí tưởng. Năm 1933, vào lúc náo nhiệt nhất của cao trào “học văn học”, những lời kêu gọi ấy cực kì có tính cấp thiết. Liệu nhà văn xô viết có biết tới độc giả của mình không? Câu hỏi ấy đã được văn phòng nghiên cứu độc giả của văn học nghệ thuật trực thuộc Ủy ban Giáo dục tư tưởng – chính trị đặt ra vào năm 1929. Đã thu thập được ý kiến của 22 nhà văn. Chỉ có một vài người trong số họ cụ thể hóa được ý tưởng về độc giả riêng của mình. Chẳng hạn Novikov-Priboi nói độc giả của mình là công nhân, viên chức xô viết và thủy thủ, độc giả của Bogdanov là thanh thiếu niên công – nông; Lavrenhev phát biểu cụ thể nhất về vấn đề này: “Độc giả của tôi chủ yếu tập trung vào đội ngũ công nhân và viên chức có trình độ cao. Con số đặc biệt cao là các nghiệp đoàn thợ kim loại, ấn loát và công nhân xây dựng”[70]. Và nếu như đối với phê bình, ý kiến của những khuynh hướng văn học khác nhau nhất – từ A. Karavaeva, F. Gladkov đến E. Zamyatin – là thống nhất và hoàn toàn không tán thành, thì về ảnh hưởng từ nhận xét của dộc giả đối với sácng tác của mình, các nhà văn lại có cách nhìn khác nhau. Chẳng hạn, Vs. Ivanov nói “ông không bao giờ quan tâm tới độc giả”, Chapygin khuyên rằng tiếp xúc với độc giả không tạo ra nên xung lực sáng tạo và chỉ tổ mất thì giờ; Artem Veselyi thường tuyên bố ông chỉ tìm thấy trong những thư độc giả “sự nghèo nàn khó chịu” và những ý kiến ngớ ngẩn của độc giả. Nhiều nhà văn nói rằng, họ lắng nghe tiếng nói của độc giả nhưng không chịu ảnh hưởng của độc giả. E. Zamyatin và F. Gladkov, những người tìm thấy ở độc giả “chất liệu đời sống” đã nghĩ như thế; Shishkov và Leonov cũng viết về điều đó. Đa số các nhà văn khẳng định rằng nếu thiếu sự tiếp xúc với độc giả, họ không thể sáng tác. Nozova, Novikov-Priboi, Bogdanov, Karavaeva. Lyashko, Panferov, Lavrenev, Kolosov, Kataev, Xerafimovich đã phát biểu với ý nghĩa như thế[71].
Trong Ghi chép và suy ngẫm của mình, B. Eikhenbaum viết: “Nhà văn ở thời chúng ta, nói chung, là một nhân vật nghịch dị. Độc giả đọc anh ta thì ít, mà phẩm bình về anh ta thì nhiều, bởi vì anh ta thường nghĩ sai. Bất kì độc giả nào cũng cao hơn anh ta chỉ bởi một lẽ sau đây: theo nghề nghiệp, như một công dân, độc giả được cho là có một ý thức hệ nhất quán, vững chắc và rõ ràng. Về những người điểm sách (chúng ta không có nhà phê bình, vì không thấy có sự khác biệt trong nhận định), quả thật chẳng có gì để nói – quan tòa cao hơn và quan trọng hơn phạm nhân bao nhiêu, thì họ cũng cao hơn và quan trọng hơn bất kì nhà văn nào bấy nhiêu”[72]. Tính chất nghịch dị của nhân vật ấy khiến nó lúc nào cũng sẵn sàng “tự quất vào bản thân” (“phê bình của độc giả quần chúng” chính là những chiếc roi độc đáo): chạy trốn các nhà phê bình ý thức hệ chuyên nghiệp, nhà văn sẵn sàng trao thân cho “cho sự bảo lãnh của độc giả”.
Nếu vào những năm 1920, xu hướng biện hộ cho độc giả về cơ bản thống trị trong giới nhà văn vô sản, thì đến những năm 1930 việc tâng bốc người đọc trở thành dấu hiệu của hầu như tất cả mọi phát biểu của nhà văn và như thế hẳn nhiên cần phải thừa nhận là nhà văn có quan điểm nhân dân toàn diện trong nghệ thuật. Trong văn học xô viết “thái độ tốt” với độc giả là một phẩm chất mới – phẩm chất thẩm mĩ – và đó là nền tảng của tính nhân dân – một trong số những phạm trù quan trọng nhất của mĩ học hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Chính là ở những năm 1930, giới nhà văn không chỉ chứng kiến sự ra đời của một thế giới mới trong văn học, mà còn chứng kiến sự sinh hạ của một loại độc giả mới, độc giả lí tưởng “khác biệt với độc giả của toàn thế giới, độc giả xô viết, độc giả - chiến sĩ”[73]. Đây là bức chân dung của người đọc ấy: “Độc giả xô viết luôn rộng mở trước tất cả niềm hân hoan, mạnh mẽ, rõ ràng, minh bạch, nghiêm túc và vui tươi. Anh ta không bị nhiễm những định kiến của các hình thức cổ điển đã được áp đặt và cứng nhắc. Khi anh ta đọc thơ, trước mắt anh ta, “ông bác của những luật lệ tối khả kính” thơ Iambe không vỗ tay loách choách. Anh ta không hoảng sợ vì tác phẩm anh ta đọc “chẳng giống ai”. Mà anh ta cũng chẳng yêu cầu phải bằng mọi giá làm cho văn học “không giống…”. Anh ta không đau khổ vì sự buồn tẻ và sự trống rỗng của đời sống tới mức phải tìm kiếm một “bầu khí quyển” như bà mụ của Chekhov. Anh ta đánh giá cao một phong cách hay. Anh ta coi trọng lời văn rõ ràng, nhưng sẽ kinh tởm ngoảnh mặt đi khi phong cách tốt chỉ che đậy sự thiếu vắng tư tưởng. Nếu phát hiện ra sự cẩu thả, sai sót rõ ràng, lỗi lầm hay thất bại nào đấy, anh ta không chạy dọc phố, không lao vùn vụt cùng những tiếng kêu hoang dã giống như ở tỉnh lẻ người ta lao theo một thằng trộm. Anh ta rất bận việc, bận một cách ngiêm túc. Độc giả xô viết là độc giả bận nhất thế giới, anh ta biết công việc nào cũng khó tránh lỗi lầm, sai sót, thất bại. Anh ta biết không thể giúp đỡ điều đó bằng những tiếng kêu “lêu lêu” hay tiếng huýt gió của phường trộm cướp, mà phải giúp đỡ bằng tình đồng chí, bằng sự ủng hộ và tự phê bình. Anh ta không bảo thủ, không vô chính phủ, không loạn thần kinh. Anh ta chuẩn bị cho việc đọc cũng như nhà văn xô viết chân chính chuẩn bị cho việc viết. Anh ta muốn tác phẩm văn học xô viết phải có tư tưởng đủ sức nặng và những tình cảm có giá trị. Anh ta muốn có một sự khái quát nghệ thuật”[74]. Nhân vật văn học ấy cũng chính là độc giả xô viết lí tưởng.
Thực chất, người đọc lí tưởng đã khóa chặt, đóng kín chuỗi mĩ học hiện thực xã hội chủ nghĩa: “văn học đi vào đời sống” bằng cách tiếp đất ở người đọc, đến lượt mình người đọc tích lũy dòng điện dành cho sự sáng tạo nghệ thuật tập thể mới. Quá trình liên tục sáng tạo ra thế giới mới ấy nghiền nát không chỉ các số phận cá nhân, mà cả hàng loạt nền văn hóa dân tộc. Cái duy nhất có thể chống lại “sự sáng tạo đời sống” ấy chính là bản thân đời sống sáng tạo.
Durham (Hoa kì)
Người dịch: Lã Nguyên
Nguồn “Thế giới mới”, 1994, số 12.
[1] V. Kochetov – Nhà văn và người đọc. “Nheva, 1955, № 1, tr.175.
[2] O. Mandelstam. Tuyển tập, bộ 2 tập. M. 1990, T. 2, tr. 146, 149
[3] Nh.tr. Tr. 205 (Chủ nghĩa nhân đạo và thời đại hiện nay).
[4] Tiếng Nga: “Москвошвея”, nghĩa đen là “thợ may Moskva”. Năm 1929, theo quyết định của Đại hội Đảng cộng sản Nga, một xí nghiệp liên hiệp may mặc có nhiệm vụ sản xuất trang phục cho quân đội được thành lập và lấy tên là “Москвошвея”. Về sau “Москвошвея” trở thành ẩn dụ, giễu nhại “thời đại đồng phục”. Nên nhớ, “Москвошвея! Москвошвея” là từ đầu tiên của nhân vật Sarikov trong tiểu thuyết Trái tim chó của Bulgakov- ND.
[5] S. Krylova, L. Lebedinski, A. Bek, L. Toom – Những người công nhân nói về văn học, nhà hát và âm nhạc. L. “Priboi”, 1926, tr. 43.
[6] M. Alatyrtsev – Đất dưới chân (“Tuần báo văn học”, Petrograd, 1923, № 8, tr. 12.
[7]S. Krylova, L. Lebedinski, A. Bek, L. Toom – Những người công nhân nói về văn học, nhà hát và âm nhạc. Tr. 73 – 76.
[8] Tlđd, tr. 53.
[9] Tlđd, tr. 55-56. Bầu không khí của những ý kiến tương tự như thế được V. Shishkov kể lại một cách tuyệt vời trong câu chuyện Vở kịch ở làng Ogryzov.
[10] Các nhận xét được trích dẫn từ cuốn: B. Bank, A. Vilenkin – Thanh niên nông thôn và sách. M.- L., 1929, tr. 71 – 72.
[11] Nhận xét được dẫn từ bài báo: B. Brainhina – Độc giả nông trang nói về sách. - “Thế giới mới”, 1935, № 8, tr. 263.
[12] Nhận xét được dẫn từ bài báo: L. Poljak – Về phương pháp xử lí nhận xét của độc giả (Người đọc công nhân về Si Măng). – “Thủ thư đỏ”, 1928, № 9, tr. 56.
[13] Nhận xét dẫn theo bài báo: B. Brainhina – Đông giả nông trang nói về sách. “Thế giới mới”, 1935, № 8, tr. 262.
[14] Nhận xét dẫn từ sách: Nhà văn trước tòa án của độc giả công nhân. L., 1928, tr. 69.
[15] Nhận xét rút từ bài báo: Shipov – Độc giả công nhân về văn học mới. “Phóng viên”, 1927, № 2, tr.. 49.
[16] Nhận xét rút từ bài báo: L. Poljak – Về phương pháp… Tr. 56.
[17] Nhận xét rút từ bài báo: B. Brainhina,- Độc giả nông trang nói về sách. Tr. 264.
[18] Nhận xét rút từ bài báo: Veze – Người ta đang đọc những gì. Gương mặt độc giả công nhân. “Trên vọng gác văn học”, 1927, № 9, tr. 63).
[19] Nhận xét rút từ sách: Tiếng nói của độc giả công nhân. Văn học nghệ thuật xô viết hiện đại dưới ánh sáng phê bình của quần chúng công nhân. L.1929, tr.139 – 140
[20] Nhận xét dẫn theo bài: B. Brainhina – Độc giả nông trang nói về sách. Tr. 263.
[21] Nhận xét dẫn theo sách: Nông dân cần loại sách nào. M.-L., 1927. Tr. 21, 22-23.
[22] Nhận xét dẫn theo bài: Shipov – Độc giả công nhân nói về văn học mới. Tr. 48.
[23] Nhận xét dẫn theo sách: B. Bank, A. Vilenkin – Thanh niên nông thôn và sách. Tr. 76.
[24] Nhận xét dẫn theo bài: Độc giả công nhân nói về văn học mới. Tr. 48.
[25] Nhận xét dẫn theo sách: B. Bank, A. Vilenkin – Thanh niên nông thôn và sách. Tr. 81.
[26] Nhận xét dẫn theo bài: A. Levitskaia – Diễn đàn độc giả. Người đọc trong vai nhà phê bình. “Trên vọng gác văn học”, 1929, № 6, tr. 68.
[27] Nhận xét dẫn theo bài: E. Korobkova, l. Poljak – Độc giả công nhân về ngôn ngữ văn xuôi hiện nay. (Đặt vấn đề). “Trên vọng gác văn học”, 1929, № 14, tr. 60.
[28] Nhận xét dẫn từ sách: B. Bank, A. Vilenkin – Thanh niên nông thôn và sách, tr. 75 – 76.
[29] Nhận xét dẫn từ bài: Độc giả công nhân về ngôn ngữ văn xuôi hiện nay. (Đặt vấn đề). “Trên vọng gác văn học”, 1929, № 14, tr. 61.
[30] Nhận xét dẫn từ bài: B. Brainhina – Độc giả nông trường nói về sách, tr. 265
[31] Nhận xét dẫn từ sách: Tiếng nói của độc giả công nhân. Tr. 112.
[32] Nhận xét dẫn từ sách: Nhà văn trước tòa án của độc giả công nhân. Tr. 79 – 82.
[33] Nhận xét dẫn từ bài: B. Brainhina – Độc giả nông trường nói về sách. Tr. 265.
[34] Nhận xét dẫn từ sách: S. Krylova, L. Lebedinski, A. Bek, L. Toom – Những người công nhân nói về văn học, nhà hát và âm nhạc. Tr.24.
[35] Nghị quyết của Ban chấp hành ĐCS tòan liên bang (B) ngày 15/ 8/ 1931 “Về công tác xuất bản”.
[36] Xem: “Trang phê bình của công nhân”, “Lao động” (Baku), 1928, № 1-2, tr. 28.
[37] Ấn loát Liên Xô trong vòng 50 năm. Thống kê toát yếu. M.: “Sách”, 1967, tr. 101.
[38] M. Turovskaya - Sự tiến triển của sở thích của khán giả: quy luật của nhu cầu (trong sách: Điện ảnh trong nước: chiến lược sống còn. М. 1991, tr. 69.
[39] V.I. Lênin - В. И. Ленин – Về công tác của Ủy ban giáo dục nhân dân (Trong sách Lênin nói và viết gì về thư viện. M., 1932, tr. 22)
[40] N.K. Krupskaya – Tác phẩm sư phạm. Bộ 10 tập. M., 1960, T.8, tr. 21 (Sự phân bổ tài sản sách).
[41] Tlđd. T.8, tr. 68 (Nhiệm vụ của chúng ta).
[42] Chỉ thị về việc xét lại sách trong các thư viện. M.- L. “Đả đảo mù chữ”. 1926.
[43] Tlđd, tr.45 – 47.
[44] S. Krylova, L. Lebedinski, A. Bek, L. Toom – Những người công nhân nói về văn học, nhà hát và âm nhạc. Tr.30.
[45] Chẳng hạn, thư viện tỉnh Moskva đã tổ chức “giúp” các thư viện khác lập danh sách sách cần thu hồi. Theo danh sách này, được liệt vào loại văn học nghệ thuật cần thu hồi gồm các toàn tập tác phẩm của Andreev, Belyi, Bunin, Bryusov, Hamsun, Garin-Mikhailovsky, Hauptmann, Hugo, Hoffmann, Daudet, Żeromskiego, Giraudoux, Dickens, Leskov, Rostand, Sable, Wilde, Fet, G. Mann , Maeterlinck. Còn “tại địa phương”, từ trên giá, sách của các tác giả sau đây đã biến mất: Longfellow, De Bonfire, Flaubert, Schiller. Như một thủ thư ở Moskva đã tuyên bố, “có một phương châm thế này – “thanh tẩy quá lên tốt hơn thanh tẩy sót” (L. Rabinovich – Về sự lệch lạc trong việc xét lại thành phần sách trong thư viện.- “Thủ thư đỏ”, 1932, № 7, tr. 23 - 24.
[46] “Tiếng Nga: “изба – читальня” – trung tâm giáo dục ở nông thôn Nga, nó xuất hiện từ thế kỉ XIX, phổ biến rộng rãi ở những năm 1920 trong khuôn khổ thực hiện cuộc cách mạng văn hóa, đồng thời là một trọng những hình thức xóa nạn mù chữ và tuyên truyền chính trị - ND.
[47] A. Okhlyabinin – Thủ thư như là người tổ chức sáng tạo của đời sống. “Thủ thư đỏ”, 1924, № 10-11, tr.87, 88, 90.
[48] “Trên vọng gác văn học”, 1931, № 13, tr.46.
[49] V. Nhevski – Từ sổ ghi chép của hướng dẫn viên thư viện. “Thủ thư đỏ”, 1923, № 2-3, tr. 22.
[50] G. Babanov – Một số vấn đề về việc chỉ đạo đọc. “Thủ thư”, 1952, № 2, tr. 28.
[51] Тlđd, tr. 30.
[52] R. Kibrik – Về sự thống kê kinh nghiệm làm việc với độc giả. “Thủ thư”, 1950, № 6, tr. 41.
[53] L. Levin – Bảng kê hệ thống hóa như là giáo cụ chỉ dẫn thư viện. “Thủ thư”, 1953, № 5-6, tr. 31.
[54] A. Reitblat. Từ Bova đến Balmont. Sơ thảo lịch sử đọc ở nước Nga vào nửa sau thế kỉ XIX. М. 1991, tr. 174 – 175.
[55] Pavelkin – Vì tính đảng bolshevich trong công tác thư viện. “Thủ thư đỏ”, 1932, № 4, tr.12.
[56] B. Bank, A. Vilenkin – Vì công cuộc tái thiết công tác thư viện quần chúng. “Thủ thư đỏ”, 1931, № 1,tr. 24).
[57] Đây là Quyết nghị kỉ luật hai tạp chí “Leningrad” và “Ngôi sao”, ban hành ngày 14/8/1946, theo đó Anna Akhmatova và Mikhain Zoshenko bị khai trừ khỏi Hội nhà văn Liên Xô – ND.
[58] Số liệu dẫn theo: P. Gurov – Độc giả trẻ của các thư viện Moskva đọc gì từ văn học nghệ thuật xô viết. “Thủ thư đỏ”, 1948, № 8, tr. 33 – 35.
[59] J. Roshin – Tiếng nói của người đọc. “Tổng quan văn học”, 1939, № 11, tr. 70.
[60] Тlđd, tr.73.
[61] M. Slonim. Soviet Russian Literature: Writers and Problems 1917 – 1977. N.-Y. Oxford UP. 1977, p. 187
[62] N. Liubovich – N. Ostrovski và độc giả của ông. “Thế giới mới”, 1937, № 7.
[63] S. Tregub và I. Bachelis – Hạnh phúc của Korchagin. “Ngọn cờ”, 1944, № 4,tr.. 122. Có thể xem chi tiết hơn: E. Dobrenko - Ẩn dụ quyền lực. Văn học thời đại Stalin dưới ánh sáng lịch sử. München. Otto Sagner. 1993, S. 294 – 297.
[64] G. Lenoble – Độc giả Liên Xô và văn học nghệ thuật. “Thế giới mới”, 1950, № 6, tr. 208.
[65] Các số liệu được dẫn theo: G. Lenoble – Độc giả Liên Xô và văn học nghệ thuật. Tr. 226 – 227.
[66] Tlđd., tr.227
[67] Tlđd.
[68]. A. Dementiev, E. Naumov, L. Plotkin – Văn học xô viết Nga. L. 1954. Cách giải thích như thế đã trở thành khuôn mẫu trong toàn bộ sách báo của Liên Xô về Gorki.
[69]N.K. Krupskaya – Tác phẩm sư phạm. Bộ 10 tập. M., 1960, T.8, tr. 413(Thư viện hỗ trợ độc giả xô viết và phê bình văn học).
[70] E. Kopobkova, L. Polyak – Nhà văn nói về độc giả. “Trên vọng gác văn học, 1930, № 5-6, tr. 100.
[71]Тlđd. tr. 101 -103.
[72] B. Eikhenbaum - Người thời tôi. Văn chương. Khoa học. Phê bình. Tạp văn. L. 1929, tr. 133.
[73] Efim Zozulia – Để cho ai?. “Đất hoang đỏ”, 1931, № 8, tr.175.
[74] Tlđd, tr. 177.