NHÀ THƠ LÊ ĐÌNH CÁNH-CỦA RIÊNG CÒN MỘT CHÚT NÀY…
Vào khoảng giữa năm 1973, một người quê Thọ Xuân (Thanh Hóa) trạc tuổi 30 đến chơi, làm quen với anh chị em Phòng Văn học - Ban Văn nghệ - Đài Tiếng nói Việt Nam. Áo thanh niên xung phong bạc màu, dáng cao, mặt gầy, rắn rỏi. Anh tâm sự thích làm thầy giáo, nhưng bốn năm tham gia thanh niên xung phong, những ngày lửa đỏ, duyên phận đã khiến anh mê làm báo, làm thơ. Anh chị em trong phòng quý lắm. Anh đã trở thành đồng nghiệp phát thanh sau nửa tháng.
Thời gian chứng tỏ ông yêu thích nghề phát thanh thực sự, thời gian gắn ông vào các tiết mục văn nghệ dành cho thiếu nhi hoặc Tiếng thơ, Đọc truyện đêm khuya, Câu chuyện truyền thanh… Nhưng thời gian cũng chính là người giúp ông có điều kiện đọc nhiều sách báo. Ông cũng dành thời gian đi đây đi đó viết nhiều bút ký theo nhịp lao động chiến đấu của đất nước. Có lúc ông phụ trách phòng Văn nghệ thiếu nhi và sau này ông là Phó Trưởng Ban Văn học Nghệ thuật cho tới khi nghỉ hưu. Ông gắn bó với nghề báo, chẳng ai nghe ông kêu ca, phàn nàn chuyện này chuyện kia. Ông thường ngồi ôn lại chuyện đời, chuyện nghề: Chúng mình sống dưới cái cây phát thanh thì gắng vun đắp cho cái gốc ấy.
Thấm thoát, người thanh niên xung phong năm xưa đã trở thành nhà thơ Lê Đình Cánh nổi bật trong làng thơ, trong thểthơ lục bát truyền thống. Thơ ông ngày càng nhuyễn chất đời, chất xã hội, sâu sắc hơn. Nói đến thể thơ lục bát hiện nay, ông là một trong những tác giả được nhớ nhất. Những tập thơ chính của ông như “Đất lành”, “Người đôn hậu”… vẫn chủ yếu là dòng thơ lục bát truyền thống đậm đà. Dù thơ Việt Nam hiện nay có nhiều phong cách, bút pháp thể hiện hay, nhưng ông vẫn chung thủy với cây bút lục bát tài hoa của mình, khiến nó có sức lay động lòng người. Ông viết về chiến tranh với thắng lợi và mất mát, viết về người mẹ, viết về những số phận bị khuất lấp, đau đớn, viết về cái vui cái buồn trong cuộc sống hiện nay. Thơ ông san sẻ, cảm thông, kết nối, đôi khi mang giọng điệu châm biếm hóm hỉnh, ý vị mang hiệu quả bất ngờ. Ông là tác giả được 3 lần đoạt giải thơ Tuần báo Văn nghệ của Hội Nhà văn Việt Nam.
Trong tập thơ “Sông Cầu Chày”, ông trăn trở:
“Người xưa gửi lại điều chi
Người nay ký thác những gì cho sau”
Trọng bệnh đã cướp bớt thời gian của ông, nhà báo -nhà thơ Lê Đình Cánh. Ông không còn có thể trực tiếp tâm sự, giãi bày giữa thế gian những nỗi niềm. Nhưng thôi, dù đau xót, thương tiếc ông, chúng ta vẫn có thể thấy được con người đôn hậu, gắn bó với sự nghiệp báo chí, sự nghiệp thơ, gắn bó với đất nước, với Tiếng nói Việt Nam qua những tác phẩm ông để lại.
Lễ viếng nhà báo – nhà thơ Lê Đình Cánh bắt đầu từ 7h30 đến 8h45 ngày 08/03/2019 (tức 3/2 năm Kỷ hợi) tại Nhà tang lễ Bộ quốc phòng, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội
(Trần Nhật Lam)