CHU VĂN SƠN, NGƯỜI LỤY…ĐẸP
Nhà phê bình văn học Chu Văn Sơn
Tôi thoáng nghĩ, hóa ra ông này bắt đầu “nhiễm thói điền viên” rồi đây. Sau nghĩ lại, suýt oan cho ông bạn. Ừ, thú điền viên thì có sao. Nó chẳng phải là một sinh thú tao nhã thanh sạch bậc nhất của các bậc hiền triết phương Đông xưa đó ư? Nhất là trong bối cảnh không gian sống của chúng ta đang bị thu hẹp lại, tình trạng đô thị hóa, ô nhiễm môi trường đang ngày một trầm trọng, thì thú điền viên lại được xem như một giá trị sống trân quý và xứng đáng được cổ súy.
Thì ra, giữa cái mầm cây đang cựa mình trong nắng sớm mai với bài thơ hay có quan hệ với nhau nhiều lắm. Nó là sự sống. Nó đang ngời lên sự sống, đang hiển hiện với tất cả hình sắc và hồn vía của mình. Nó đang thì thầm cất tiếng nói với con người về vẻ đẹp kỳ diệu, có phần bí ẩn, tuyệt đối thanh khiết và cao nhã. Nó mang tên: Cái Đẹp.
Chu Văn Sơn là kẻ cả đời tôn thờ Cái Đẹp như thế!
Trong nhiều thứ mà con người phải lụy, hoặc tự nguyện lụy, tự chuốc lấy, có cái lụy hay mà cũng có cái lụy dở. Cái lụy mà chả được ai ca ngợi ấy là lụy tiền, lụy quyền. Có khi được tán thưởng, hoặc lại bị chê bai, ấy là lụy tình, tình đây theo nghĩa rộng, nhân tình và ái tình. Lụy tài là thứ được người đời nể nhất. Và sau đấy, có lẽ là lụy đẹp, lụy mỹ, nói theo mỹ học là lụy Cái Đẹp. Hoa mai là một Cái Đẹp. Chả thế mà cụ Chu Thần Cao Bá Quát đã từng thốt lên “Nhất sinh đê thủ bái mai hoa”.
Cái Đẹp là một khái niệm lắm khi rất mơ hồ. Nhưng nó cũng có những đặc điểm cơ bản của nó. Ít nhất, có 4 điểm cốt lõi: i, là cái đem lại khoái thú cho con người; ii, một niềm khoái thú tuyệt đối phi vụ lợi; iii, mang tính lịch sử, mỗi thời mỗi khác; và iv, mang tính cá thể, tùy thuộc ở mỗi người.
Quan sát trong đời sống thường nhật của Sơn, thấy lắm khi anh đối xử với vật dụng, không gian, với môi trường sống theo cái cách rất kỹ lưỡng, tỉ mỉ, nâng niu. Khi uống rượu vang, nhất thiết phải là ly chân cao, miệng ly thu lại. Anh bảo phải đồng bộ, complete, nếu cọc cạch sẽ mất thú. Thí dụ cái ly tại sao người ta lại làm thu miệng vào cho nhỏ lại, bởi vì như thế mới giữ được hương của rượu vang trong khi uống, và trước khi nâng ly đưa lên miệng, phải cầm ly rượu lắc nhẹ theo vòng tròn rồi hà hít, thưởng thức cái hương thơm đặc hiệu đã…Tôi là kẻ phàm ăn tục uống. Có hôm lên nhà Sơn chơi, mâm bát đã dọn, chai rượu đã bày, bụng thì đã đói, chỉ chờ bộ chén mang ra là xong. Nhưng Sơn cứ lững thững mở tủ tìm, lúc mang ra lại chậm rãi vừa lau vừa ngắm nghía, rồi hạ một câu: “Rượu nào cứ phải ly/chén nấy, uống thế nó mới sướng”. Tôi thấy sốt cả ruột mà không dám than phiền gì, ngại bạn chê cười là đồ háu đói.
Trong văn chương nghệ thuật, Chu Văn Sơn thuộc diện khó tính. Đối với những người mang danh nhà văn, nghệ sĩ mà có những tật xấu, tệ hơn là tính xấu, tính ác, anh tránh xa, không chơi với mà cũng không động bút viết về họ một dòng. Với tác phẩm cũng vậy, nếu chưa đạt đến độ hay, chưa tạo ra khác biệt, nghĩa là chưa có đóng góp riêng thì anh cũng không bao giờ động bút. Người muốn Chu Văn Sơn viết cho thì nhiều, nhưng một mặt sức thì có hạn, mặt khác anh không thấy có cảm hứng thì viết làm sao được. Thôi đành tìm cách thoái thác sao cho êm, tránh để mất lòng. Mỗi khi nghe ai hỏi, giục bài, anh thường có cái giọng: “Viết rồi, được 2/3 rồi, chỉ chút nữa là hoàn chỉnh thôi”, hoặc “Viết xong rồi, nhưng chưa ưng một đôi chỗ. Có lẽ phải chờ nghĩ thêm chút nữa”…Nhưng tôi biết tỏng là anh đã viết chữ nào đâu, khổ thế! Âu cũng là cách thoát hiểm an toàn. Không rõ một số bạn văn từng có nhã ý nhờ Chu Văn Sơn viết bài phê bình đã bao giờ biết nông nỗi này ở họ Chu không?
Ngày Chu Văn Sơn quyết định rời phố lên ở nhà vườn là cả một công phu. Phải có lòng yêu thiên nhiên lắm mới có thể. Cũng còn do quan niệm nữa. Xa đô thị, xa thế giới tiện nghi, xa lánh chốn “lao xao” toàn những người là người, xa các quần tam tụ ngũ mà kèm theo nó là các hội chứng đám đông…không hề dễ. Nhìn chung phải đạt tới một cảnh giới nào đó mới sống được tự tại chốn nhà vườn “xa phủ xa huyện” như thế. Thỉnh thoảng đến nhà, tôi hay bắt gặp hình ảnh ông chủ, có khi thêm bà chủ, cả hai trong bộ bảo hộ lao động, chân đi ủng, đầu đội nón, tay cầm thuổng tay cầm thúng, đang đào hố trồng cây; có khi lại lăm lăm cái kéo cái cuốc trong tay đang tỉa cành đánh gốc. Anh cho biết cây gì trồng đơn, cây gì trồng theo cụm, theo hàng; cây nào đứng cạnh được với cây nào; cây nào ưa ẩm cây nào ưa khô…Trồng cây không chỉ cần kỹ thuật, mà còn là cả một nghệ thuật. Mỗi loài cây, tự nó và trong tổng thể không gian mà chúng đứng cứ phải đẹp, phải quyến rũ. Đặc biệt là người trồng cũng phải biết lắng nghe, nâng niu, chăm chút chúng như người. Mỗi lần khách đến chơi nhà, lựa khi mát mẻ, Sơn thường mời đi dạo thăm vườn. Dọc các lối đi, anh nhẩn nha kể tên, lai lịch, tính nết của từng loài cây, loài hoa một cách say sưa, thích thú. Mỗi khi như thế, Chu Văn Sơn mang dáng dấp của một hiền sĩ thưở nào.
Căn nhà mới của Sơn có kiểu dáng biệt thự châu Âu, cửa sổ các phòng to rộng, trổ ra không gian vườn xanh mát quanh năm, đầy ắp những loài hoa muôn sắc. Cạnh cửa sổ phòng làm việc trên tầng hai, với tay là có thể chạm cành hoàng lan. Có đôi lần, đứng từ cửa sổ này nhìn ra, tôi thoáng nhớ đến nhà văn Thạch Lam yểu mệnh với thiên truyện “Dưới bóng hoàng lan” ngày trước rồi vội nghĩ sang chuyện khác, không dám dừng lâu với liên tưởng có phần ủy mị này. Có lần tôi trêu: “Chu Văn Sơn gay rồi…Ở đẹp thế này cũng là một áp lực. Viết không hay lên là có tội với ngôi nhà này đấy”. Nói cho vui thế, chứ một người viết bản lĩnh dày dặn như họ Chu, nơi sống, nơi viết, tiện nghi cũng chả ảnh hưởng gì cho lắm. Người ta đến độ nào rồi, có thể thoát ra khỏi sự chi phối của vật ngoại thân. Ngôi nhà biệt thự ấy chính thức được vợ chồng anh ở từ khoảng tháng 5-2017. Cho đến giờ mới gần được hai năm. Đó là một ngôi nhà đẹp ẩn mình trong một không gian vườn đẹp, đẹp trong tổng thể, đẹp trong chi tiết. Với Chu Văn Sơn, sống hay viết cứ phải Đẹp trước đã.
MÊ MẢI KIẾM TÌM CÁI ĐẸP
Đã là người nặng nợ với Cái Đẹp, thế tất phải đi tìm Cái Đẹp, tìm như một khoái thú, một đam mê, thường trực. Đối với Chu Văn Sơn, khi tìm ra được Cái Đẹp, anh gọi là “được sống”, được “tự tình”. Đi tìm Cái Đẹp là một ý hướng tự nhiên, song cũng là một sứ mệnh, một việc trong đời mà anh đảm nhiệm. Anh làm nghề dạy học. Anh còn là một nhà nghiên cứu phê bình (NCPB) văn học. Tìm đến Cái Đẹp trong cuộc đời, về cơ bản và trước hết là để thưởng thức, để thụ hưởng, và có khi còn để tìm cảm hứng sáng tạo. Tìm Cái Đẹp trong văn chương, nghệ thuật, ngoài cái nghĩa thụ hưởng, chia sẻ, lên tiếng trong tư cách của một nhà NCPB, còn giúp cho công việc giảng dạy của anh nữa.
Với những giá trị văn chương đích thực, anh đeo bám đến cùng. Về trường hợp Thơ mới chẳng hạn, anh trở thành một chuyên gia hàng đầu. Bởi đó chính là chuyên đề anh đảm nhiệm ở trường Đại học, mà giảng dạy ở Đại học, thực chất là dạy những cái mà người thầy đã nghiên cứu chuyên sâu. Đó cũng là lý do quan trọng. Tuy nhiên, lý do chính nằm ở chỗ Thơ mới là hiện thân của Cái Đẹp thuộc về văn chương, tiếng Việt, văn hóa Việt. Vì thế, nó đã chinh phục, thôn tính một người lụy đẹp. Tác phẩm “Ba đỉnh cao Thơ mới: Xuân Diệu-Nguyễn Bính-Hàn Mặc Tử” thật tầm vóc, nhiều bài viết lẻ khác của Chu Văn Sơn về khu vực Thơ mới cũng luôn sắc sảo, tài hoa. Không chỉ có vậy, ngòi bút phê bình này còn tìm đến những đối tượng thẩm mỹ độc đáo khác là các nhà thơ mà anh tâm đắc như Hoàng Cầm, Ý Nhi, Xuân Quỳnh, Y Phương, Nguyễn Duy, Thanh Thảo và một số không nhiều nữa. Ở đây, thơ ca của họ là hiện thân của những Cái Đẹp khác biệt. Nhiệm vụ của nhà phê bình là gọi lên và cắt nghĩa được những vẻ đẹp độc đáo khác biệt đó. Ngòi bút phê Chu Văn Sơn đã thật xuất sắc khi lên tiếng về các tác giả này.
Anh thường băn khoăn về các giá trị trong đời, những “giá trị sống” đích thực. Cái gì làm nên các sáng tạo của mỗi nhà văn? Anh cho rằng đó là cái mà nhà văn cả đời tha thiết với nó, băn khoăn về nó, biến nó thành lẽ sống của mình. Một người nghệ sĩ, nếu không thực sự băn khoăn, tha thiết một điều gì thuộc về giá trị sống, người đó sẽ không có sáng tạo lớn, độc đáo. Anh bảo: Xét trên đại lượng lớn, suy cho cùng có hai giá trị chi phối mạnh mẽ đến sáng tạo của các nhà văn, đó là YÊU và THƯƠNG. Yêu là một giá trị thường hướng tới cái đẹp, quan tâm cái đẹp, nghiêng về cái đẹp. Còn thương thường hướng tới cái khổ, nỗi khổ của con người. Yêu mang tinh thần nhân văn, còn thương mang tinh thần nhân đạo. Vậy thì ngược lại với yêu và thương là gì? Đối lập với yêu là ghét, là muốn chống lại, muốn xóa đi; còn đối lập lại với thương là giận, tủi, hờn. Dĩ nhiên, ở trong mỗi một người nghệ sĩ có cả hai phẩm chất đó, nhưng không bao giờ đồng đều, có người nghiêng về, thậm chí nghiêng hẳn về một trong hai thứ đó. Thí dụ, so sánh giữa Nguyễn Tuân với Nguyên Hồng chẳng hạn. Một người nặng về chữ YÊU, hướng về cái đẹp thuộc nghệ sĩ, mỹ thuật, về thú chơi, thưởng lãm cảnh sắc, hương vị của cuộc đời, của đất nước, và ghét tất cả những cái xấu xí, dung tục, cơ giới, tầm thường; còn một người nghiêng hẳn về chữ THƯƠNG, về những con người lam lũ, bần hàn, dưới đáy, quây quần sống với nhau bằng lòng thương cảm, gắng sống và hy vọng vào sự sống đổi thay; và giận lũ người ác độc, táng tận lương tâm, gây hại gây khổ cho người khác… Cũng theo quy chiếu ấy, Cái Đẹp trong thơ Nguyễn Duy chính là cái Khổ, “cái khổ thảo dân”, chỉ có cái khổ mới chạm được đến thi cảm của nhà thơ này, thấy khổ nên thương, biết thương nên mới tìm đến khổ…
Thật ráo riết, nhà phê bình đã khu biệt giữa yêu và thương, tiếp nữa, chỉ ra yêu và thương ở mỗi nhà thơ cũng lại mỗi người mỗi khác. Theo Chu Văn Sơn, đó là chỗ cần phải đến của phê bình văn học. Đó là gì nếu không phải là một nỗ lực khám phá, lý giải theo cách sơn cùng thủy tận về Cái Đẹp nghệ thuật!
Gần đây, Chu Văn Sơn cho công bố một số tùy bút trên các báo/tạp chí này khác. Người ta mới bỡ ngỡ về một cây tùy bút đầy cá tính, với những suy tưởng sâu sắc, vạm vỡ và bằng một văn phong trác tuyệt. Đó là những bài viết về đền Angko, về hoa lau, về kiếp phận con cò, về tượng nhà mồ Tây Nguyên…Sau, anh tập hợp thành một bản thảo sắp ra mắt mang tên “Tự tình cùng Cái Đẹp”.
Đối với công việc dạy-học văn, anh cũng vẫn trung thành con đường đi tìm Cái Đẹp, trao truyền, đánh thức niềm cảm hứng về Cái Đẹp cho các thế hệ học trò. Anh lên tiếng phản đối tình trạng hàn lâm hóa trong cách dạy-học văn ở các trường phổ thông hiện nay. Anh cho rằng, đối với học sinh, điều quan trọng nhất là phải biết cảm thụ Cái Đẹp của văn chương, chứ không phải là các tri thức xơ cứng, máy móc. Cái Đẹp văn chương nằm trong hình tượng ngôn từ, nhưng không chỉ có vậy, mà phải là cái vầng sáng của hình tượng ngôn từ, là cái “hơi thở”, “sinh khí” tỏa ra từ ngôn ngữ …Anh cho rằng một trong những nguyên nhân làm cho học sinh hiện nay chán học văn bởi vì học trò không được đánh thức năng lực cảm thụ văn chương, cảm thụ nghệ thuật đích thực. Dĩ nhiên anh không chống hàn lâm, ngược lại, tri thức hàn lâm là rất cần thiết, nhưng phải được chuyển hóa thành cảm thụ nghệ thuật. Nhờ đó mới có thể chạm được vào phần tế vi nhất của mỗi sinh thể nghệ thuật. Mỗi giờ giảng của nhà giáo Chu Văn Sơn đều kiên định đi theo con đường như vậy, nên đã chinh phục mạnh mẽ đông đảo người nghe, cả trò lẫn thầy ở phổ thông và đại học.
Đúng là như vậy, Cái Đẹp tiềm ẩn trong đời sống thực tại, trong văn chương nghệ thuật. Phải chờ con mắt xanh, Cái Đẹp mới được phát lộ. Chu Văn Sơn đã trao cho chúng một sự sống quyến rũ bằng tài năng phê bình và sáng tạo của mình. Cả đời Chu Văn Sơn mê mải kiếm tìm Cái Đẹp trong cuộc đời và trong những trang văn.
NGƯỜI SINH NỞ CÁI ĐẸP
Tôn thờ Cái Đẹp, kiếm tìm Cái Đẹp, không tất yếu dẫn đến khả năng sinh nở ra Cái Đẹp. Năng lực này thuộc về nghệ sĩ. Nhưng đối với Chu Văn Sơn, anh có được cả điều này.
Với phê bình, anh cho rằng mỗi bài phê bình cũng phải là một áng văn hay. Trên thực tế, những bài phê bình hay đều có thể gọi là “tác phẩm”, tác phẩm phê bình. Ở đó, cùng với phẩm chất khoa học như một đảm bảo cho bài phê bình không rơi vào cảm tính thì cần phải có phẩm tính văn chương; đến lượt mình, phẩm tính này làm nhiệm vụ chuyển hóa những ý tưởng khoa học thành những rung cảm nghệ thuật, làm nên một “chất văn” đặc sắc, cái mà ta vẫn thường nghe nói: Phê bình phải có văn.
Ở cây bút phê bình Chu Văn Sơn, người ta nhận thấy có sự kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa nhận diện, phân tích, khái quát sắc sảo, lý tính với những thẩm bình tinh tế, tài hoa. Anh cho rằng mỗi một người nghệ sĩ phải có một quan niệm thẩm mỹ riêng về Cái Đẹp, từ đó chi phối toàn bộ hoạt động kiến tạo thế giới nghệ thuật của mình. Như trên kia đã nói, cái/điều gì được coi là niềm tha thiết lớn nhất, mối bận tâm nhất về sự sống, về giá trị sống thì đó chính là quan niệm thẩm mỹ về Cái Đẹp. Người làm phê bình, trước mỗi tác giả, tác phẩm phải nhận ra cho được điểm này, nếu không, mọi nhận định sẽ rất dễ tản mạn, chệch hướng. Tiếp nữa, Chu Văn Sơn cho rằng, trong bản thể, Cái Đẹp được cấu thành bởi nhiều đối cực, hài hòa giữa các đối cực, trong đó có một cặp đối cực làm trung tâm. Chúng chung sống, tương giao tương tranh sống động để làm nên một sinh thể nghệ thuật. Tác phẩm nghệ thuật càng vạm vỡ, càng có nhiều đối cực tồn tại và chuyển hóa lẫn nhau theo cách như thế. Cái quan trọng của người làm phê bình là phải biết gọi ra các cặp đối cực đó và xác định được đâu là cặp quan hệ nòng cốt. Chẳng hạn, thơ Ý Nhi, theo anh là “những vần thơ xao xác giữa ngày yên”; thơ Nguyễn Duy “khắc chế cái khổ và vượt lên cái khổ”, “đơn sơ mà kỳ diệu”; ở Xuân Quỳnh cứ phải “cánh chuồn trong giông bão”, “khắc nghiệt và yên lành”…Ngoài các tiểu luận đặc sắc về một số tác giả thơ Mới, các bài phê bình về thơ Hoàng Cầm, Ý Nhi, Nguyễn Duy, Thanh Thảo, Xuân Quỳnh… đã xác lập một uy tín chắc chắn cho tư cách nhà NCPB Chu Văn Sơn.
Tôi muốn nói riêng về tập Tùy bút “Tự tình cùng Cái Đẹp” của nhà văn này. Chu Văn Sơn là người được đi nhiều, nhưng phần lớn đi vì công việc chứ không phải đi chơi. Mà việc ở đây chủ yếu là giảng dạy. Trong thời gian lưu giảng, nếu không gấp gáp quá, có thể tranh thủ đi thăm thú đó đây, nước non cẩm tú. Cách đi như thế không thể gọi là kỹ được, và càng không thể gọi là đã “được sống” với nơi chốn mình đã đến. Với Sơn, đi nghĩa là phải được sống. Khao khát ấy chỉ thực sự có được trong mươi năm trở lại đây, khi mà cái gánh mưu sinh đối với anh cũng đã nhẹ nhàng. Có lần, vào cái đận thầy Nguyễn Đăng Mạnh nằm chữa bệnh, gặp tôi, Chu Văn Sơn bảo: “Bây giờ mình đi đâu được cứ tranh thủ mà đi. Cứ nhìn cụ Mạnh đấy, một người thích đi, thích chơi như thế mà phải nằm một chỗ thì mới thấy tiếc. Không đi bây giờ, đến lúc có muốn cũng không đi được nữa”.
Từ bấy, Chu Văn Sơn có ý thức dành thời gian hơn để đi như là chuyến đi chơi trọn vẹn, không vướng bận công việc, không bận lòng những thứ lâu nay tưởng là quan trọng mà thực ra không phải thế. Anh cùng với vợ đi một chuyến khám phá Sơn Đoòng. Anh cũng lại sóng đôi như thế có những chuyến đi dài ngày ở châu Âu, ở Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Butan, một loạt các nước Đông Nam Á khác. Ở nội địa, anh có ý thức đi để lấp khoảng trống dấu chân mình trên bản đồ nước Việt. Và thế là từ các chuyến đi, anh đã cho ra đời hàng loạt các tùy bút tầm cỡ. Tôi có vinh dự được viết lời giới thiệu cho tập sách này. Chỉ xin nêu lên mấy điểm lớn mà tác phẩm tùy bút này có được. Trước hết, nói về thể tùy bút, phải nói tới một cá tính sắc nét - cá tính của tác phẩm, của lối viết. Nếu không thể hiện được cá tính của một lối viết sẽ thất bại. Tùy bút Chu Văn Sơn đã có được điều này một cách xuất sắc. Thứ hai, tập tùy bút là kết quả của một năng lực quan sát tinh tế, sâu sắc, và tầm tri thức xã hội, văn hóa sâu rộng. Thứ ba, một thái độ dấn thân có trách nhiệm của một tinh thần kẻ sĩ. Và thứ tư, có một trữ lượng ngôn từ đầy cá tính, giàu có, biến hóa, hiệu nghiệm, tài hoa. Chu Văn Sơn viết tùy bút không nhiều, nhưng cất bút là thành tựu ngay từ cái viết đầu tiên. Có thể kể tên năm tác phẩm của Chu Văn Sơn thuộc loại đỉnh cao, đứng vào hàng tuyệt bút: Angko-vẻ đẹp của các đối cực; Kiếp tượng nhà mồ, Sơn Đoòng, Phận hoa bên lề, Ở Đầm Vạc viết cho cò. Với các tuyệt bút này, Chu Văn Sơn đã ghi danh vào bảng vàng thể tùy bút hiện đại Việt Nam, bên cạnh các nhà văn danh tiếng Nguyễn Tuân, Hoàng Phủ Ngọc Tường.
***
Mỗi phận người là một bí ẩn của vũ trụ. Mỗi một nghệ sĩ càng là mỗi bí ẩn nhân lên, bởi không chỉ bí ẩn ở con người tiểu sử mà còn bí ẩn ở những tác phẩm họ đẻ ra. Đương nhiên, Chu Văn Sơn là một bí ẩn như vậy, một bí ẩn có khả năng vẫy gọi, đối thoại và đồng điệu.
Vậy là, cả trong đời sống lẫn văn chương, cả trong NCPB lẫn giảng dạy, và cả trong sáng tác tùy bút, Chu Văn Sơn nhất quán trong vai một kẻ lụy vì Cái Đẹp. Đã có lụy thì có khổ, khổ lụy. Nhưng khác với những thứ lụy khác, lụy Đẹp, lụy vì Cái Đẹp chỉ còn là niềm hoan lạc.
Hà Nội, tháng Ba, 2019
VG