LỄ TƯỞNG NIỆM 50 NĂM NGÀY NHÀ VĂN, NHÀ BÁO DƯƠNG THỊ XUÂN QUÝ HI SINH
TUYÊN HÓA – Sáng 8-3-2019, tại Trụ sở Hội Nhà văn VN (Hà Nội) đã tổ chức Lễ tưởng niệm 50 năm ngày nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý hi sinh (8-3-1969 / 8-3-2019). Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn VN; Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn VN; Cùng đại diện gia đình Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý và đông đảo đồng nghiệp, công chúng ở Hà Nội, Khu 5... đã đến dự.
Nhà báo, Nhà văn, Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19-4-1941 tại Hà Nội, nguyên quán thôn Phú Thịnh, xã Mễ Sở, huyện Văn Giang-Hưng Yên. Đầu năm 1968, đang là Phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam, chị xung phong vào chiến trường làm phóng viên tại Mặt trận Trung Trung Bộ. Ngày 8-3-1969, chị hi sinh trong một trận chống càn tại thôn 2, xã Xuyên Tân, huyện Duy Xuyên – Quảng Nam. Các tác phẩm văn xuôi của Dương Thị Xuân Quý (Chỗ đứng-1968; Hoa rừng-1970; Nhật ký chiến trường – 2007) đã được tái bản nhiều lần. Năm 2007, Dương Thị Xuân Quý được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT.
Đại diện gia đình Liệt sĩ Dương Thị Xuân Quý và lãnh đạo Hội Nhà văn VN thắp hương tưởng niệm
Phát biểu khai mạc buổi lễ, Nhà thơ Hữu Thỉnh ca ngợi Dương Thị Xuân Quý sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng và yêu nước, có 5 vị tiền bối đã được nhiều TP lớn ở nước ta đặt tên đường; tiêu biểu như: Ông nội Dương Trọng Phổ và bác ruột Dương Bá Trạc là những người sáng lập phong trào Đông Kinh Nghĩa thục, đều bị thực dân Pháp bắt đi đày Côn Đảo từ năm 1909. Bố đẻ là nhà giáo Dương Tụ Quán, người tham gia sáng lập 2 ấn phẩm văn chương nổi tiếng trước cách mạng tháng 8-1945 là “Văn học tạp chí” và “Tri tân”. Bác ruột là Nhà văn hóa danh tiếng Dương Quảng Hàm. Anh con bác ruột là danh họa Dương Bích Liên nổi tiếng... Truyền thống gia đình kết hợp với lý tưởng của thời đại đã hun đúc nên những phẩm chất cao đẹp của nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý, thôi thúc chị xung phong ra mặt trận trong những năm chiến tranh cứu nước ác liệt. Vào mặt trận, những cơn đói quay quắt, những trận sốt rét rã người, những chuyến gùi gạo đứt hơi, những trận B52 vùi dập... dường như đối với Dương Thị Xuân Quý chưa phải là chiến tranh. Mà chiến tranh đối với chi phải là giáp mặt với quân thù, đối mặt với cái chết... Vì thế chị đã trực tiếp đi thực tế tại những nơi khó khăn ác liệt nhất, trực tiếp cùng quân và dân chống càn, phá vây... và chị đã ngã xuống trong tư thế của người chiến sĩ... Cuộc đời của chị dừng lại ở tuổi 28, nhưng tên tuổi,sự nghiệp chị đã đi vào ký ức người đọc như một trong những tên tuổi sáng chói nhất của thế hệ các nhà văn chống Mỹ cứu nước. Chị xứng đáng là bông “Hoa rừng” tươi thắm mãi với thời gian...
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu khai mạc
Tiếp sau lời phát biểu khai mạc của nhà thơ Hữu Thỉnh, các nhà văn, nhà thơ: Trần Đăng Khoa, Le Thành Nghị, Ngô Thảo, Phan Thị Thanh Nhàn, Tôn Phương Lan, Nguyễn Thế Khoa, Hoàng Thị Minh Khanh, Thanh Thảo, Đặng Hiển, Bùi Minh Quốc (chồng của Dương Thị Xuân Quý, tác giả “Bài thơ hạnh phúc” nổi tiếng viết sau ngày chị hi sinh) đã đọc tham luận và phát biểu ý kiến đánh giá về văn nghiệp, cuộc đời, những phẩm chất cao quý và tâm thế thời đại của nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý. Đặc biệt, bản tham luận của nhà văn Ngô Thảo có nhiều luận điểm hết sức sâu sắc. Nhà văn Ngô Thảo viết: “Chỗ đứng là tên của một truyện ngắn Dương Thị Xuân Quý viết những năm đầu. Hy sinh ở tuổi 28 , nhìn rộng ra phía trước, trong nền văn học kháng chiến, đó là tuổi của Trần Đăng người văn nghệ binh thứ nhất hy sinh ở chiến trường- (Cáo phó báo Vệ quốc quân), Tân Sắc- Thôi Hữu, Lê Anh Xuân. Kỷ niệm quý báu về những cuộc đời ngắn ngủi ấy, mãi mãi nhắc nhở hậu thế bài học về cuộc sống, cách sống, lối sống, và đặc biệt, chỗ đứng của nhà văn trong lòng cộng đồng dân tộc. Và nhờ vậy, những người như sao băng bay qua bầu trời ấy, ánh sáng còn tham gia mãi vào cuộc sống hôm nay và mai sau không chỉ bằng những tác phẩm viết bằng tâm sức, tài năng và dòng nhiệt huyết của tuổi trẻ, mà quan trọng hơn là cách chọn chỗ đứng của mình....
... Năm tháng qua đi, có dịp nhìn lại, chúng ta nhận ra, trong cái thời ngỡ là khó khăn và ngây thơ đó lại đã tồn tại một nét đẹp mà xã hội thời nào cũng ước mơ: một cuộc sống có lý tưởng và mỗi con người có ý thức hoàn thiện mình để xứng với lý tưởng đó. Tuổi trẻ sẵn sàng đi tới bất cứ nơi đâu Tổ quốc cần, làm tất cả những công việc được phân công. Đó cũng là sự chuẩn bị về tinh thần, tư tưởng và lối sống cho cả một thế hệ, để khi cuộc kháng chiến mới phải bắt đầu, dù tương quan lực lượng là bất cân xứng, khi phía trước, đối phương là một quốc gia giàu mạnh nhất thời đó, thì khí thế chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn, thống nhất đất nước bùng lên mãnh liệt. Hiện thực đó đã kịp thời được nhà văn ghi nhận bằng truyện ký và nhật ký viết trực tiếp từ những vùng đất lửa mà chị từng có mặt. Đêm yên tĩnh viết về làng quê ngoại ô thành phố Vinh một đêm không có bom đạn từ máy bay Mỹ hiếm hoi, vì có mưa bão. Nhưng cuộc sống vẫn sôi động, lao lực với biết bao công việc chống chọi với mưa bão và chuẩn bị sẵn sàng cho ngày chiến đấu mới. Những trang viết đó, thể hiện rất rõ, vị trí- chỗ đứng của người cầm bút: luôn có mặt ở những nơi quyết liệt, sôi động nhất. Và không khó hiểu, khi Chị đã quyết định xin đi chiến trường lúc con gái lớn Dương Hương Ly mới 16 tháng tuổi và chồng là nhà thơ Bùi Minh Quốc đã đi chiến trường trước đó. (...) Để có những trang viết về nhân dân và đất nước những năm tháng chiến tranh các Anh Chị đã trả bằng chính cuộc đời trẻ tuổi giàu lý tưởng của mình. Cao hơn cả trang viết, đó chính là sự xác định vị trí người cầm bút, vị trí nhà văn trong cuộc đấu tranh giành độc lập- thống nhất cho Đất nước, cho Dân tộc. Nhờ đó mà Văn học và nhà văn Việt Nam đã từng có một vị trí vinh dự trong lòng dân tộc và đất nước. Các nhà văn Chu Cẩm Phong, Nguyễn Thi, nhà thơ Lê Anh Xuân đã được Nhà nước tuyên dương Anh hùng. Tiếp tục đề nghị tuyên dương Anh hùng cho nhà văn liệt sỹ Dương Thị Xuân Quý là một việc Hội nhà văn cần tiến hành”...
Nhà thơ Bùi Minh Quốc thay mặt gia đình phát biểu cảm ơn lãnh đạo Hội Nhà văn, các cơ quan, đơn vị và công chúng văn học
Đề nghị trên đây đã được nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định trong lời tổng kết buổi lễ. Theo đó, Hội Nhà văn Việt Nam đã từng khởi động từ nhiều năm trước và sẽ tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan, đơn vị để tiến hành các thủ tục đề nghị Nhà nước truy tặng liệt sĩ, nhà văn, nhà báo Dương Thị Xuân Quý danh hiệu cao quý “Anh hùng LLVT Nhân dân”.
Bài: TUYÊN HÓA
Ảnh: HỮU ĐỐ