CHỈ VÌ MỘT CHỮ THƯƠNG
Qua được cơn “Pháp nạn” lại tới cơn “Mỹ nạn”, Bác Hồ lại đứt ruột thương đất nước mình bị chia cắt, “Một nửa mình còn trong lửa nước sôi” (thơ Tố Hữu). Tình thương ấy, cho tới ngày Bác mất, bỗng trở thành “Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương” như nhan đề bài thơ nổi tiếng của Việt Phương.
Tôi còn nhớ, ngày hôm trước lễ truy điệu Bác Hồ ở quảng trường Ba Đình, chúng tôi, những sinh viên Đại học Tổng hợp vừa tốt nghiệp, xếp hàng từ sáng sớm tận vườn hoa Hàng Đậu chờ tới lượt vào viếng Bác. Dòng người thăm thẳm cứ im lặng chờ, im lặng di chuyển vô cùng chậm chạp như thế để hướng tới quảng trường Ba Đình. Buổi trưa, chúng tôi mỗi người ăn một chiếc bành mỳ không nhân, uống nước trong những thùng nước miễn phí được ban tổ chức đặt trên đường phố. Mãi tới tối mịt, chúng tôi mới vào tới Hội trường Ba Đình, nơi đang quàn thi hài Bác. Cũng chính trong ngày hôm đó, chúng tôi được đọc bài thơ Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương của nhà thơ Việt Phương, một người chúng tôi đã quen vì đã từng nghe ông diễn thuyết nhiều lần từ khi còn nhỏ:
… Trời đổ mưa, đi viếng Bác, đồng bào chờ, bị ướt
Bác thương đồng bào, con biết Bác không vui…
Đúng là hôm đó, trời đã chuyển sang thu, và Hà Nội có mưa. Nhưng không ai nghĩ về trời mưa, vì nước mắt những người dân đi viếng Bác còn tuôn nhiều hơn cả trời mưa. Đúng là như vậy. Một lần nữa, chữ THƯƠNG lại nổi lên ở hàng đầu. Bác thương đồng bào, và đồng bào thương Bác. Một tình cảm tự nhiên, chân thành, từ cả hai phía, dù bấy giờ Bác đã mất:
… Đêm nay nghìn vạn chúng con xếp thành hàng đi viếng Bác
Ôi làm sao nguôi được nhớ thương này
Chúng con đi cho cả người vắng mặt
Người chưa sinh người đã khuất cũng về đây
Việt Nam đau cả lòng người dạ đất
Sao mùa thu như nước mắt trời mây…
(Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương)
Buổi sáng hôm sau, chúng tôi lại tụ về quảng trường Ba Đình dự lễ tang Bác Hồ. Hàng vạn người trên quảng trường đã bật khóc khi Tổng bí thư Lê Duẩn đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tới đoạn kết: “Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng…”. Những em bé dự lễ tang hôm đó cũng khóc, vì Bác Hồ không quên để lại tình thương yêu cho các cháu nhi đồng, vì cha mẹ chúng, anh chị chúng khóc.
Trong đời, tôi chưa được dự một đám tang nào có nhiều người khóc đến như thế. Những giọt nước mắt ấy là chân thành, là tình thương yêu giành cho người mình yêu thương. Không phải khóc một lãnh tụ, mà khóc một người thân trong gia đình. Di chúc của Bác Hồ cũng là di chúc của một người trong gia đình để lại cho những người thân trong gia đình. Có điều, gia đình đây là Việt Nam, người thân đây là đồng bào, là nhân dân Việt Nam. Bác Hồ không quên một ai, dù không thể nhắc tên ai trong mấy chục triệu người, nhưng tình thân yêu của Bác đã trùm lên hết thảy.
Ở đời, chỉ sống vì một chữ THƯƠNG, và còn lại cũng một chữ THƯƠNG.
Khi một người có tình thương lớn lao, mãnh liệt và bao dung, thì tình thương ấy lan tỏa, bao trùm, gần như tới được mọi kiếp người:
… Bác không bằng lòng gọi trận đánh chết nhiều người là "đánh đẹp"
Con xóa chữ "đẹp" đi như xóa sự cạn hẹp trong lòng con…
(Muôn vàn tình thân yêu trùm lên khắp quê hương)
Vì một lẽ giản dị: “Mà tình thương mênh mông ôm hết mọi linh hồn”
Tôi trích dẫn hơi nhiều bài thơ của Việt Phương, vì theo tôi, đó là bài thơ hay nhất có thể đại diện cho tấm lòng người Việt Nam thương tiếc trước sự ra đi của Bác Hồ. Lúc bấy giờ, chỉ có tình yêu thương không phân biệt, một tình yêu thương bao trùm, nhỏ nhoi như giọt nước mắt một đứa trẻ, và lớn lao như nước mắt của đồng bào cả nước. Nhà thơ, định danh mình ở cách dùng chữ. Với chữ dùng “đồng bào” trong bài thơ khóc Bác Hồ, Việt Phương đã chính xác tới tận cùng khi muốn bày tỏ tình thương yêu của người Việt. Với người Việt, mỗi khi cất lên hai tiếng “đồng bào” là đã tràn ngập tình thương yêu rồi.
Năm mươi năm đã qua, từ ngày Bác Hồ đặt bút chính thức viết Bản Di chúc, cái ngày mà Bác linh cảm cuộc ra đi của mình đã tới gần. Ngày ấy, chiến tranh tàn khốc cả hai miền Nam-Bắc. Ngày ấy, lớp thanh niên chúng tôi sôi sục chờ ra trận. Ngày ấy, chưa ai dám nghĩ cuộc chiến tranh sẽ kéo dài bao năm nữa, bao giờ mới kết thúc. Nhưng cũng chính ngày ấy, Di chúc của Bác Hồ đã khẳng quyết: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn”…
Bây giờ, người ta hay nói đến cụm từ “truyền cảm hứng”, nhưng Di chúc của Bác Hồ là “truyền niềm tin”, ngay trong những ngày tháng khó khăn ác liệt nhất của cuộc chiến đấu. Có cảm giác, Bác Hồ đã cân nhắc từng chữ khi viết bản Di chúc này, và Bác đã viết nó từng đoạn từng đoạn, trong nhiều năm, nhiều ngày. Người ta chỉ viết những điều tâm huyết nhất của đời mình khi đối tượng mà người ta hướng tới là những người thương yêu nhất. Bác thương yêu đồng bào, thương yêu toàn dân Việt Nam, thương yêu cả bầu bạn thế giới, nhưng có lẽ đối tượng được Bác Hồ lo lắng nhất đến đời sống chính là giai cấp nông dân Việt Nam. Vì thế, trong Di chúc (bản gốc), Bác đã đề nghị sau khi Thống nhất đất nước thì Nhà nước nên miễn thuế một năm cho nông dân. Bấy giờ, toàn bộ nông dân miền Bắc đều đã vào hợp tác xã. Nói miễn thuế cho HTX, chính là miễn thuế cho nông dân. Vì hơn ai hết, Bác Hồ biết nông dân không chỉ là lực lượng chủ lực quân của Cách mạng, nông dân còn chịu nhiều hy sinh nhất, chịu nhiều gian khổ thiếu thốn nhất, và đã thể hiện cao nhất lòng yêu nước và tinh thần xả thân vì nước. Miễn thuế một năm cho nông dân chưa phải đã giải quyết được đời sống cho họ, nhưng chứng tỏ Đảng và nhà nước không bao giờ quên công ơn của nông dân trong cả hai cuộc kháng chiến trường kỳ. Phải yêu thương người nông dân tới độ nào, thông cảm với những khổ đau của họ tới độ nào mới viết được những dòng Di chúc thấm đẫm nước mắt như thế.
Bây giờ đang tiến trình công nghiệp hóa, nhưng nông dân vẫn là lực lượng đông đảo nhất trong xã hội, nếu kể số lượng nông dân đã tham gia và trở thành công nhân công nghiệp, thì số lượng ấy là áp đảo. Thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thực chất nhất là phải chăm lo cho đời sống của nông dân, kể cả cho công nhân công nghiệp, vì hầu hết họ xuất thân từ nông thôn.
Tình yêu thương bao giờ cũng có từ hai phía, nếu tính có hai đối tượng để thực hiện tình yêu thương ấy. Bác Hồ đã suốt đời yêu thương đồng bào, yêu thương nhân dân Việt Nam, cho tới hơi thở cuối. Từ phía đồng bào, phía nhân dân, tình yêu thương đối với Bác Hồ cũng là tình yêu thương chân thành nhất, như yêu thương một người cực kỳ thân yêu trong gia đình mình. Và khi cả Bác Hồ và nhân dân cùng hướng tình yêu thương của mình về Tổ quốc Việt Nam, thì đất nước này mãi mãi sống trong trái tim mỗi con dân Việt Nam yêu nước. Chiến tranh rồi đi qua, đạn bom thôi gầm thét, thì nói như một đoạn trong tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga Aleksei Tolstoi, tiểu thuyết Con đường đau khổ (1943), thì chỉ tình yêu thương là còn lại, bất diệt.
Cái quí nhất trong cuộc đời, chính là một chữ THƯƠNG ấy.
Nguồn: Báo Văn Nghệ