“ẨN TRONG CÁI ĐẸP BAO LA NỖI ĐỜI”
“Ẩn trong cái đẹp bao la nỗi đời”. Đây là câu thơ trích trong bài “Vẻ đẹp buốt trời” của nhà thơ Nguyễn Thị Mai. Tên bài này được tác giả lấy làm tên tập thơ thứ mười hai của mình do nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 1018. Năm mươi mốt bài thơ trong tập với nhiều thể tài thơ khác nhau nhưng tất cả đều ẩn chứa “cái đẹp” và “nỗi đời” mà Nguyễn Thị Mai bộc bạch, sẻ chia với bạn bè và người đọc. “Cái đẹp” trong thơ của chị vẫn là vẻ đẹp có từ “Thời hoa gạo cháy” (1995), “Nón trắng sang đò”(1997), “Một khúc sông trăng” (2001) đến “Tần tảo gót khuya” (2005), “Tầm xuân mắt biếc” (2014)…và các tập thơ khác của chị. Đó là vẻ đẹp của thơ và tấm lòng của nhà thơ với đời, với người. Suốt dọc đường thơ của mình, Nguyễn Thị Mai vẫn thủy chung với thơ ca truyền thống Việt Nam: với những dòng thơ lục bát, thơ bốn chữ, năm chữ… nhuần nhị, vần điệu chỉn chu, lời thơ giản dị, gần gũi dễ hòa cảm với đông đảo bạn đọc. Về thơ lục bát, Nguyễn Thị Mai đã có cả một tập “Lục bát anh và em” (2010). Trong tập này, với 51 bài thì có tới 34 bài lục bát. Tuy chưa tạo thành một thương hiệu nhưng thơ lục bát của Nguyễn Thị Mai cũng đã có những dấu ấn riêng. Đó là chất lục bát hồn nhiên như ca dao, không có những kiểu cắt dòng thời thượng mà hầu hết đều là trên sáu, dưới tám. Sự đầu tư, chiu chắt tìm cách làm mới thơ là ở sự lập tứ, lựa chọn ngôn từ để có thể ôm chứa được thế giới tâm hồn của một nhà thơ đang sống và viết trong thời đại hiện nay. Bài “Vẻ đẹp buốt trời” trong tập này là một ví dụ: Khi cuộc sống đầy đủ về kinh tế thì có bao nhiêu nhu cầu hưởng thụ phong phú, đa dạng. Nhiều người đã “Rủ nhau nao nức đi chơi / Xem miền biên viễn tuyết rơi trắng rừng” nhưng ai có biết đâu: cái rét ở miền “biên viễn” đó cũng làm chạnh đau nhà thơ“Tuyết làm lụi cỏ, chết cây, chết vườn” và thương hơn các em đang tuổi non tơ đi học “Em thơ tím tái đến trường ngồi run”… Riêng sự suy nghĩ sâu sắc như thế đã làm cho những dòng lục bát của Nguyễn Thị Mai không giản đơn, dễ dãi và tạo được tứ thơ mới. Nguyễn Thị Mai đã có những dòng lục bát cảm động về mẹ, về chị gái về những người thân ở nhiều tập thơ, trong “Vẻ đẹp buốt trời”, Nguyễn Thị Mai lại gửi lòng mình vào những dòng lục bát quen thuộc khi viết về “Anh rể” “hiền hậu nhu mì” “Yên lòng cùng vợ sớm trưa / Bám vài mảnh ruộng nắng mưa trên đồng / Bơi thuyền vớt củi trên sông / Thồ hàng đỡ vợ gánh gồng thảnh thơi” (Anh rể)…Viết về anh rể nhưng chính là cảm thương, trân quý chị gái của mình với đức tính thủy chung, đảm đang, hiền hậu nơi miền quê yên bình, ân nghĩa. Nguyễn Thị Mai “Thăm người lục bát” và đã có những dòng lục bát xót xa, hoang vắng “Đường mới lạ xe cứ đi / Rỗng không, nhẹ tếch…rồi thì về đâu?” và một sự tự mình an nhiên: “Thôi người đừng khóc mai sau / Mai sau lục bát thương nhau sẽ còn” (Thăm người lục bát). Đây là một “nỗi đời” khi “Cựu chiến binh lên lão”: “Tình bằng nhớ nhớ quên quên / Tuổi làng lẫn với tuổi tên người làng / Nhọc nhằn quên hết vẻ vang / Giở trời mới nhớ đạn mang trong đầu” (Cựu chiến binh lên lão). Bài “Thương binh ngoài chính sách” tác giả viết tặng một người cụ thể: Anh Nguyễn Văn Mừng ở Lục Nam, Bắc Giang “Vết thương đủ lý, đủ tình / Mà không chứng nổi cho mình nỗi đau”… “Mỗi năm,tháng bảy nghĩa tình / Người như cây khuất. lặng thinh rừng già”, rồi xót xa “Lạt Thuồng, đồng đội đã xa /Cánh Đồng Chum biết nhưng mà ai tin” ( Thương binh ngoài chính sách) một sự bất công chịu đựng trong im lặng của nhiều người lính cũ. Không chỉ có lục bát, Nguyễn Thị Mai còn nói về những “nỗi đời” của con người trong đó nhiều hơn cả là “nỗi đời” của những người lính thời hậu chiến trong những bài thơ với những thể tài đa dạng khác. Trong “Chuyện của các anh”, tác giả được người trong cuộc kể cho nghe một câu chuyện về “Có một bát hương thờ chung đồng đội / Các anh thay nhau cất giữ tại nhà / Mỗi năm một lần vinh danh quân đội / Người đến lượt mình lại bưng bát hương ra” nhưng rồi “Người “đổi bát hương” đang ngày thưa vắng / Đến một ngày…đến một ngày…tất cả thành im lặng / Người cuối cùng sẽ đổi gác cho ai?”(Chuyện của các anh). Câu thơ ở cuối bài ngắt ra với những dấu chấm lửng và một dấu hỏi như xoáy vào người đọc “nỗi đời” day dứt… “Khóc chữ” lại là một tình huống thi ca độc đáo: Cựu chiến binh Nguyễn Đình Kiểm trợ lý chính trị sư đoàn sư đoàn 312 tham gia mặt trận Quảng Trị năm xưa từng nhận trách nhiệm viết thông tin về các đồng đội hy sinh đặt trong lọ thủy tinh nhỏ chôn cùng họ sau những trận đánh ác liệt. Năm 2017, đi tìm hài cốt đồng đội, anh lại được nhìn lại nét chữ của mình hồi nào và anh đã khóc: “Chữ đã nằm cùng đồng đội /Năm mươi năm dưới đất sâu / Anh nấc nghẹn trong nước mắt / Khóc chữ của mình năm xưa…”(Khóc chữ). Do lòng ham mê khao khát những vùng đất mới và vị trí công việc của mình mà Nguyễn Thị Mai đã đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người và cũng có được những câu chuyện đầy chất liệu cuộc sống đời thường dân dã. Nhiều bài thơ của Nguyễn Thị Mai có địa chỉ cụ thể. Cảm xúc của chị được thăng hoa từ chất men nặng “nỗi đời” của những con người thường khuất lấp trong cuộc sống bề bộn hàng ngày. Nguyễn Thị Mai không “nghĩ” ra thơ mà thơ Nguyễn Thị Mai bắt nguồn từ cảm xúc thực, từ cảm xúc thực đó, tác giả chưng cất, nghĩ suy lập tứ và dụng công trong việc tìm ngôn ngữ thế hiện để cho một bài thơ ra đời. Theo tôi, đó là con đường đi thuận của thơ, một “quy trình” sáng tạo thơ mà nhiều người đang theo đuổi. Đọc bài thơ “Nằm giường bộ đội” viết về lần đi công tác đêm ngủ lại đồn biên phòng Dào San, người đọc không chỉ cảm nhận được những bâng khuâng của một đêm “Nằm giường bộ đội đêm biên giới” với “sương rừng thả giọt khuya”, “ hiên ngoài run bước gió” của tác giả mà còn thấu hiểu những hi sinh thầm lặng của người lính biên phòng mà ít người biết: “Bên trong phòng lính đơn chăn gối / Bên ngoài cửa sổ đơn vầng trăng / Chỉ tiếng chim ngàn là đôi tiếng /Gọi nhau trên đỉnh Chùng Sùa Sằn” và tác giả chia sẻ một cách thật tinh tế “Có sợi tóc mềm vương lại gối / Xin gửi làm tin một đêm nằm” (Nằm giường bộ đội). Sự dung dị, chân thành của tác giả đã xao động nhiều con tim độc giả. Người lính có một vị trí đậm nét trong thơ Nguyễn Thị Mai. Ở các tập trước, ta đã bắt gặp hình ảnh trong thơ của chị là sự khâm phục, cảm mến đến “Vẻ đẹp buốt trời” người lính trong thơ Nguyễn Thị Mai là những người lính thời “hậu chiến”. Đó là người “anh rể” sau thời gian làm “lính xế” ở Trường Sơn lại về với vợ con yên ổn làm ăn, là “em trai” lặng thầm “ sống hiền lành, nhân hậu” khi mất, mọi người mới biết em đã từng là người lính “diệt phỉ Tây Nguyên xa xôi / Đã giữ cõi bờ phía Bắc / Khi lửa biên cương ngút trời”(Em trai) …Nguyễn Thị Mai còn có nhiều sự cảm thông sẻ chia về “nỗi đời”mà mà những người lính gặp phải trong đời thường sau khi rời quân ngũ và không ít lần với tư chất công dân, tác giả đã lên tiếng đòi sự công bằng cho những nhân vật của mình. Thơ Nguyễn Thị Mai gắn với đời sống là thế và ít nhiều có ích cho đời. Đó là điều thật đáng quý đối với một người cầm bút.
Nếu “Văn tức là người” thì thơ Nguyễn Thị Mai bộc lộ khá đầy đủ chân dung nhà thơ. Theo dõi hành trình thơ của Nguyễn Thị Mai từ tập “Thời hoa gạo cháy” và hơn mười tập thơ tiếp theo, người đọc có thể nhận ra một Nguyễn Thị Mai có tuổi thơ khổ nghèo : “Con đường có tuổi thơ tôi /Ngày mưa đi học áo tơi, chân trần…”(Con đường-Thời hoa gạo cháý). Vượt qua điều đó, Nguyễn Thị Mai học lên Đại học, Thạc sĩ, làm cô giáo, làm cán bộ Trung ương Hội Phụ nữ, thành nhà thơ…Trưởng thành, có vị trí xã hội, thơ Nguyễn Thị Mai vẫn hồn hậu, thủy chung với những gì mình đã tin yêu, trao gửi. Chị nhớ về Xóm Đạo Ngọc Lâm ngày xưa nơi có “hơn chục nóc nhà / Hơn chục cảnh đời lam lũ / Đàn ông lấm lem áo thợ / Đàn bà gồng gánh sớm hôm”. Nơi có người mẹ “Luộc khoai, bán bún…kiếm đồng nuôi con”, nơi xóm nghèo có tuổi hoa niên và những niềm thương khắc khoải: “Bây giờ xóm đạo là quê / Đêm đêm thương nhớ dội về trong tim” (Xóm đạo của tôi).Bên cạnh những bài thơ thương đời, thương người, “Vẻ đẹp buốt trời” của Nguyễn Thị Mai vẫn có những bài thơ kí thác tâm trạng một cách bóng gió, tế nhị là “nỗi đời” của chính tác giả. Không còn “tất tưởi mưu sinh / Nuôi con bến thực nuôi mình bến mơ”(Lục bát-em và anh) như cái thời “Tần tảo gót khuya” nữa nhưng những nỗi buồn xa vắng có khi chông chênh thì vẫn ẩn hiện đâu đó trong những vần thơ. Đó là có lúc nhà thơ tự thương mình: “Chẳng còn ai chúc ngợi ca / Thì mình mua lấy bó hoa tặng mình” (Ngày Nhà giáo Việt Nam) .Cũng có khi cảm thấy mình hụt hẫng: “Anh như vần vũ mưa giông / Quặn trời tưởng lụt. Rồi không thấy gì” (So sánh) và dẫu “ngày xưa mù mịt hẹn hò” vẫn trách cứ xa xôi: “Bây giờ một máy hai sim / Gọi tình sà sã mà tim hững hờ” (Ngày xưa- Bây giờ). Nguyễn Thị Mai đã nhiều lần nhỏ lệ trong đời và trong thơ. Chị khóc khi phải chia xa những người thân yêu và những cảnh đời éo le, cùng khổ của đồng loại. Đó là những giọt nước mắt cảm thương, sầu khổ. Đến “Vẻ đẹp buốt trời” ta gặp “Giọt lệ lung linh” và ẩn trong vẻ đẹp đó là “nỗi đời”. Bủa vây nhà thơ không phải là những sự tung hô, những lời tụng ca, những nhắn nhủ, hẹn hò… mà là một sự “không”. Bài thơ có 62 chữ thì có tới 6 chữ “không” và “chẳng”: “Giờ bước ra khỏi nhà / Không có ai tra hỏi / Giờ mỗi khi về tối / Cũng không người hỏi tra / Và dù có đi xa / Không có người gọi điện/ Vẫn phấn son trưng diện / Mà không ai nguýt lườm / Chẳng còn ai ghen tuông / Chẳng còn ai dạy dỗ / Ôi đã về đúng chỗ / Trong bảo tàng của mình / Qua giọt lệ lung linh / Thấy mình trôi thẳng đứng” (Giọt lệ lung linh). Đó là giọt lệ đẹp “lung linh” một vẻ đẹp mang “nỗi đời” khó giải thích. Chỉ có người trong cuộc mới cảm nhận được sự bằng lòng hay không bằng lòng mà thôi. Người đọc tin rằng: Một nhà thơ đã từng có “Thời hoa gạo cháy”, rồi “Nón trắng sang đò”, “Một khúc sông trăng” , có thời gian “Tần tảo gót khuya”, có “Bàn tay ấm giọt sương đông”, duyên dáng với “Tầm xuân mắt biếc”, cúng cỏi thách thức “Không xóa nổi lời hoa”…thì giọt lệ đó là giọt lệ bình yên, ngọt ngào, tạo nên một tư thế đẹp của nhà thơ trước cuộc đời và trước thi ca…Thành công của “Vẻ đẹp buốt trời” là một dự báo cho những điều tốt lành tiếp sau của nhà thơ.
Thanh Ứng