HỘI THẢO “TÁC PHẨM HAY – ĐÍCH ĐẾN VÀ GIẢI PHÁP”
MAI NAM THẮNG - Được sự ủy quyền của Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam, trong 2 ngày 6 và 7-9-2018 tại tỉnh Thái Nguyên, Liên chi hội Nhà văn Việt Nam khu vực phía Bắc đã tổ chức Hội thảo “Tác phẩm hay – Đích đến và giải pháp”. Đây là hoạt động trong Kế hoạch công tác năm 2018 của Hội Nhà văn Việt Nam khóa IX. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội liên hiệp VHNT Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đã trực tiếp chỉ đạo và kết luận Hội thảo. Nhà thơ Trần Đăng Khoa, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trực tiếp tham gia điều hành Hội thảo cùng Liên Chi hội. Đến dự Hội thảo có Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Thái Nguyên, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Cục Chính trị Quân khu I, lãnh đạo các Hội VHNT của 24 tỉnh khu vực phía Bắc và hơn 120 Nhà văn thuộc Liên Chi hội Nhà văn Việt Nam khu vực phía Bắc.
Đoàn Chủ toạ và Thư ký Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, nhà thơ Trần Đăng Khoa nhiệt liệt chào mừng các nhà văn thuộc Liên Chi hội Nhà văn Việt Nam khu vực phía Bắc đã về tham gia Hội thảo và cảm ơn sự có mặt của các vị khách quý là đại diện lãnh đạo Đảng, chính quyền và các ngành của địa phương. Đây là một kỳ sinh hoạt chuyên môn đề cập một vấn đề không mới nhưng luôn luôn thời sự, bởi “tác phẩm hay” luôn luôn là khát vọng của những người sáng tác và là nhu cầu của công chúng bạn đọc. Hơn thế nữa, phấn đấu để có những tác phẩm văn học hay là đòi hỏi của nhân dân và đất nước đối với các nhà văn. Tuy nhiên, “tác phẩm hay” luôn là một bí mật đầy bí hiểm. Đấy là một bài toán không dễ tìm ra được lời giải. Vì vậy mới có cuộc hội thảo này.
Ban tổ chức Hội thảo đã nhận được 21 bản tham luận của các đại biểu thuộc Liên Chi hội Nhà văn Việt Nam khu vực phía Bắc. Sau bài phát biểu có tính dẫn luận của nhà văn Đình Kính – Liên Chi hội trưởng Liên Chi Hội Nhà văn Việt Nam khu vực phía Bắc – đã có 11 bản tham luận được trình bày và nhiều ý kiến phát biểu trao đổi trực tiếp tại Hội trường. Các tham luận và ý kiến phát biểu đề cập nhiều nội dung, khía cạnh cụ thể, xoay quanh chủ đề “Tác phẩm hay – Đích đến và giải pháp”, như: Thế nào là một tác phẩm hay? (Nhà thơ Ánh Tuyết); Đôi điều về văn chương thời đổi mới (Nhà văn Bùi Như Lan); Để có tác phẩm hay (Nhà văn Đức Hậu); Một vài suy nghĩ về viết văn hay (nhà thơ Lê Hà Ngân); Bản sắc vùng miền tạo dấu ấn cho tác phẩm văn học (Nhà thơ Lò Cao Nhum); Khai thác thế mạnh vùng, miền để nâng cao chất lượng sáng tác (Nhà phê bình Lộc Bích Kiệm); Nhà văn tài năng bản lĩnh và những yếu tố bên ngoài khác là cơ sở tạo nên tác phẩm đỉnh cao (Nhà văn Ngyễn Đình Minh); Làm thế nào để có tác phẩm hay? (Nhà văn Tống Ngọc Hân); Giải pháp nào là thực sự có hiệu lực? (Nhà thơ Trần Nhuận Minh); Để có những tác phẩm nghiên cứu-phê bình về văn học dân tộc thiểu số hay và hấp dẫn (PGS, TS Trần Thị Việt Trung) v.v...
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu kết luận
Phát biểu kết luận Hội thảo, Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: Cuộc hội thảo là một sinh hoạt nghề nghiệp hết sức cần thiết và những vấn đề được trao đổi trong cuộc Hội thảo chủ đề “Tác phẩm hay – Đích đến và giải pháp” là rất bổ ích. Tất cả các tham luận và ý kiến phát biểu đã gặp nhau trên rất nhiều vấn đề. Trước hết, làm thế nào để có tác phẩm hay không chỉ là ham muốn của người sáng tác mà còn là trách nhiệm của nhà văn với bạn đọc; Bởi vì nhà văn chỉ có thể tồn tại trong công chúng, nên phải viết cho công chúng và vì công chúng. Điểm gặp nhau thứ hai là tất cả tham luận và ý kiến phát biểu đều nhất trí cho rằng: Muốn có tác phẩm hay thì phải có nhà văn hay; Muốn có tác phẩm lớn thì phải có nhà văn lớn; Nhà văn phải có nhân cách lớn thì mới thành danh. Như vậy, tài năng là điều kiện vô cùng quan trọng để làm nên tác phẩm hay, nhưng khi nào thì tài năng được coi là tất cả? Bởi trong thực tế không phải lúc nào cứ có tài năng là có tác phẩm hay. Vậy thì, nhà văn trước hết phải là nhà nhân văn. Nghĩa là, văn học nghệ thuật chỉ thực sự là VHNT khi nó “thặng dư” tính người. Nhà văn nếu chỉ viết vì mình, cho mình thì không bao giờ có tác phẩm lớn. Nhà văn lớn phải có khả năng khái quát con người và thời đại một cách nghệ thuật. Đồng thời nhà văn lớn phải gửi gắm vào tác phẩm một tư tưởng, một triết học; phải từng trải, sống nhiều và lao động nghệ thuật một cách “cùng kiệt”, bản lĩnh, nhân văn. Chỉ có như vậy thì tác phẩm mới “thặng dư” tính người và đạt đến sự toàn bích.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh phát biểu tham luận
Nhân bàn về những giải pháp để có tác phẩm hay, Nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định Hội Nhà văn Việt Nam là tổ chức bảo hộ quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm của nhà văn, chăm lo hỗ trợ sáng tác cho hội viên của Hội. Thực tế nhiều sự việc cụ thể trong đời sống văn học nước nhà mấy năm gần đây càng ghi nhận và chứng minh điều đó. Tuy nhiên nhà thơ Chủ tịch Hội cũng lưu ý rằng: Tự do sáng tác là một phạm trù lịch sử, bị chi phối bởi các điều kiện kinh tế-chính trị-xã hội trong từng giai đoạn lịch sử. Cao hơn quyền tự do sáng tác của nhà văn là sự ổn định và phát triển của đất nước và lợi ích của dân tộc, của nhân dân!
Ảnh kèm bài: CẦM SƠN