Văn học với đời sống

27/12
8:53 AM 2018

CHỦ ĐỀ TIỂU THUYẾT “MÙA KHÁT” LÀ GÌ ? - NGUYỄN VIỆT CHIẾN

Có người hỏi tôi, chủ đề tiểu thuyết ‘Mùa khát’ là gì? Tôi cho rằng ‘Mùa khát’ chính là chủ đề trọng tâm xuyên suốt tác phẩm tiểu thuyết này. Đó là cơn khát của con người, của tình người mong được sống trong hòa bình, yên lành với khát vọng về tình yêu khi đi qua sa mạc hận thù, chết chóc của chiến tranh.

   Đó là cơn khát của con người trong thời hậu chiến với mơ ước thoát khỏi nghèo đói và được sống trong hạnh phúc, trong tự do với khát vọng về một xã hội công bằng. Vậy là sau bốn mùa xuân, hạ, thu, đông con người lại có thêm một mùa nữa gọi là mùa khát với những khát vọng về tình yêu, về quyền sống còn, về hòa bình và tự do.
     Cuốn tiểu thuyết ‘Mùa khát’ của tôi nói về cuộc đời thăng trầm của một nhà báo, nhà thơ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đầy cam go của ngày hôm nay và trước đó từng là người lính đi qua chiến tranh. Nhân vật chính của tiểu thuyết là nhà báo, nhà thơ Vũ Văn đã nếm trải nỗi đau tận cùng trong bi kịch của chữ khi anh bị trù dập, truy bức sau những bài báo phanh phui sự thật trong một vụ án tham nhũng lớn gây bức xúc xã hội những năm ấy. Chính vì những bài báo chống tiêu cực ấy, Vũ Văn cùng một nhà báo đồng nghiệp và vị tướng công an chỉ huy chuyên án điều tra vụ tham nhũng bị họ "điều tra ngược" lại nhằm cố tình lật ngược lại vụ án và sự kiện đó là " bi kịch chữ" đau đớn và chua xót nhất mà một người cầm bút như anh phải nếm trải.
   Song song cùng với mạch truyện về nhà báo Vũ Văn, một điều quan trọng khác, qua tiểu thuyết ‘Mùa khát’, tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của hai người lính ở bên này chiến tuyến và ở phía bên kia chiến tuyến, từng đối mặt là kẻ thù của nhau trong rừng rậm Trường Sơn những năm chiến tranh 1969-1971. Một người lính là trung úy biệt kích quân đội Sài Gòn bị bắt trong phi vụ đột nhập, thám sát đường mòn Trường Sơn, bị tù ở một trại giam vùng núi cực Bắc, cho đến ngày xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, anh ta đã lập công với vai trò của một chiến binh trong một trận giáp chiến bất ngờ với một nhóm thám báo Trung Quốc trong vụ chúng đánh mìn một xe chở tù nhân.
    Xuyên suốt tiểu thuyết ‘Mùa khát’ là hệ hình cấu trúc mở của các chuyện tình cài đặt trong nhau, đan xen vào nhau, nối kết với nhau... nhằm mở ra và trình hiện một cách nhìn mới, một mỹ cảm mới của những lát cắt, những thời khắc đặc tả về tình người trong quá khứ chiến tranh và trong đời sống của con người đương đại. 
Đó là chuyện tình của nhân vật Hậu Aka với cô gái trọ ở xóm liều, rồi mối tình chim chuột của anh ta với cô hàng xóm, thậm chí cả chuyện mộng du ngủ với một bóng ma dẫn đến vụ chém người ở khu phố cổ khi Hậu Aka bị ngáo đá; tiếp đến là chuyện tình của anh ta với cô gái ở tiệm gội đầu và một nữ tù nhân không biết mặt trong trại giam với Hậu Aka.
   Trong ‘Mùa khát’ các chuyện tình chính là những điểm nhấn, là những ngẫu cảnh gợi cảm đầy sức sống của tính người, của bản năng người ngay cả trong những đêm tăm tối của cuộc đời. Đối với nhân vật nhà báo Vũ Văn, nó giống như một thứ ánh sáng để nâng đỡ và cứu rỗi con người dưới những đáy sâu khi anh gặp tai họa nghề nghiệp trong một vụ án báo chí chống tham nhũng. Và trước đó, trong những đêm dài chiến tranh đạn bom khốc liệt, giữa những lằn ranh sống - chết khôn lường, mối tình vụng trộm của mấy anh lính trẻ ở hậu phương trước ngày ra trận đã hằn lên trong ký ức như những kỷ niệm cuối cùng khi họ đi vào miền đạn bom chết chóc. Với không ít người lính, đấy là những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời mình. Không chỉ trong ít ngày ngắn ngủi ở hậu phương, sau đó khi dấn thân trên những nẻo đường trận mạc thì tình người, tình yêu, tình đồng loại, đồng đội, tình trai gái vẫn là mạch chảy chính của sức sống phồn sinh bên ngay vực thẳm của bạo lực chiến tranh và cái chết. Và chút tình người, tình yêu cuối cùng vụt cháy lên như những đốm lửa sống đầy khao khát trong tâm hồn mỗi người. 
Tôi đã dành một số chương với khắc họa khá sâu đậm về hai chuyện tình của nhân vật Nguyễn Nội là trung úy biệt kích của quân lực Sài Gòn trong hai phi vụ anh ta đột nhập vào đường mòn Trường Sơn. Chuyện tình thứ nhất diễn ra khi Nguyễn Nội cùng một nhóm nữ chiêu đãi viên chiến trường (gái điếm tình nguyện) bay đến cứ điểm Đồi thịt băm. Mối tình của anh ta với cô nữ chiêu đãi viên tóc vàng là câu chuyện bị thảm khi cô ta tử vong do bị ép chơi ma túy để phục vụ nhu cầu tình dục của lính tráng là những trang đau xót nhất trong ký ức chiến tranh của người lính phía bên kia chiến tuyến. Chuyện tình thứ hai diễn ra giữa viên trung úy biệt kích Sài Gòn với một nữ quân y sĩ Việt Cộng bị mắc bệnh trầm cảm hoang tưởng lại mở ra những trang đẹp nhất của tính người/tình người trong đêm dài chiến tranh. Sau này, họ đã gặp lại nhau và mối tình trong hang đá nơi chiến trường ngày trước đã kết nối hai số phận với nhau.
   Qua những trang viết này, qua các mối tình dọc những nẻo đường chiến tranh của những người lính (cả bên này chiến tuyến và bên kia chiến tuyến) dường như đã toát lên một thông điệp: Hãy tìm đến nhau với tình người và yêu nhau để quên đi cái chết tối tăm có thể đến bất kỳ lúc nào với mỗi người lính trong những tháng năm trận mạc khốc liệt.

    Tôi nghĩ, mỗi một cuốn sách ra đời đều có lý do của nó. Còn với tôi, tôi là một nhà thơ, tôi không định “tiểu thuyết hoá” cuộc đời mình, nhưng số phận lại buộc tôi phải cầm bút, ít nhất là để ghi chép lại và kể lại câu chuyện giầu chất bi tráng mà tôi “bất đắc dĩ” phải là một nhân vật trong cuộc. Thật ra, trong câu chuyện dài này, chất “bi” nhiều hơn “tráng”, nỗi buồn nhiều hơn niềm vui và nỗi mất mát, đắng cay nhiều hơn ngọt lành, may mắn. Thật ra, mọi thứ đều vô nghĩa, cả cuộc đời của tôi, cả cuộc đời các bạn và cuộc đời của những ai đã sinh ra làm người trên thế gian nhiều lo âu, đau khổ và bất trắc này. Vô nghĩa đến từng con chữ này khi tôi viết lại câu chuyện về một nhà báo chống tham nhũng bị bức hại. Vô nghĩa hết, chỉ trừ tình yêu đã biến cái vô nghĩa thành có nghĩa. Tình yêu ấy chính là niềm tin về gia đình, về bạn bè, niềm tin về cuộc sống vẫn còn những điều tốt lành, niềm tin về một lẽ phải thuộc về mình khi tôi từng đi qua chuỗi ngày vô nghĩa nhất để vượt lên mọi khổ đau, tuyệt vọng. Và, những ngày ấy, một người cầm bút như tôi đã chiến đấu vì tình yêu trong sáng ấy. 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *