Văn học với đời sống

14/9
8:03 AM 2018

ĐỂ CÓ NHỮNG TÁC PHẨM NGHIÊN CỨU PHÊ BÌNH VỀ VĂN HỌC DÂN TỘC THIỂU SỐ HAY VÀ HẤP DẪN – MỘT VÀI SUY NGHĨ VÀ GIẢI PHÁP

PGS.TS Trần Thị Việt Trung (Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Thái Nguyên). Văn học dân tộc thiểu số (DTTS) là một bộ phận khăng khít cấu thành của văn học Việt Nam (từ dân gian đến hiện đại). Trong đời sống văn học nước nhà giai đoạn hiện nay – bên cạnh đội ngũ sáng tác là người dân tộc Kinh còn có một đội ngũ các tác giả là người DTTS.

Lực lượng sáng tác này ngày càng đông đảo hơn, vì thế số lượng tác phẩm văn chương ngày càng nhiều hơn và chất lượng nghệ thuật cũng ngày càng cao hơn. Có thể khẳng định: văn học DTTS trong suốt hơn nửa thế kỷ qua đã bổ sung thêm một tiếng nói mới trong đời sống văn học Việt Nam với bao mầu sắc lạ, đậm đà bản sắc văn hóa các tộc người thiểu số (trên tất cả các phương diện: ngôn ngữ, chữ viết, nội dung phản ánh, nghệ thuật thể hiện…). Đã có nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu, lý luận phê bình là người DTTS được nhận những Giải thưởng cao về văn học của quốc gia và của khu vực Đông Nam Á. Chính vì vậy đã có khá nhiều các tác phẩm, tác giả văn học DTTS được người đọc trong và ngoài nước yêu quí, trân trọng, giành sự chú ý, quan tâm giới thiệu, nghiên cứu, phê bình – nhằm chỉ ra cái hay, cái đẹp, cái lạ, cái đặc sắc, trong các sáng tác của các nhà văn DTTS. Đồng thời, bản thân các nhà văn người DTTS với sự “tự ý thức” cao về tiếng nói văn chương của cộng đồng các dân tộc cũng đã tự hình thành nên một đội ngũ khá đông đảo các cây bút nghiên cứu, phê bình văn học của mình. Từ những năm 60 của thế kỷ trước, đặc biệt từ những năm sau Đổi Mới cho tới nay, đã xuất hiện nhiều cuốn sách cùng các bài nghiên cứu, phê bình về văn học DTTS của các tác giả là người dân tộc ít người được xuất bản, được in ấn, đăng tải trên các loại báo chí khác nhau. Có thể nhắc tới một loạt tên tuổi các nhà nghiên cứu, lý luận, phê bình DTTS có nhiều tác phẩm, bài viết về văn học DTTS như: Nhà thơ Nông Quốc Chấn (với 5 tác phẩm phê bình – tiểu luận); nhà lý luận phê bình dân tộc Nùng – Lâm Tiến (với 4 cuốn sách lý luận, phê bình); nhà nghiên cứu dân tộc Tày – Hoàng An (với 4 cuốn sách phê bình, tiểu luận); nhà thơ dân tộc Giáy – Lò Ngân Sủn (với 4 cuốn sách phê bình, tiểu luận); nhà thơ dân tộc H’mông – Mã A Lềnh (với 4 cuốn sách tiểu luận, phê bình); nhà thơ Inrasara (với 4 cuốn nghiên cứu, phê bình); nhà văn Hoàng Quảng Uyên (với 3 cuốn nghiên cứu, phê bình); nhà văn Lộc Bích Kiệm (với 3 cuốn sách nghiên cứu, phê bình)… Bên cạnh các cây bút nghiên cứu, phê bình người DTTS là một số nhà nghiên cứu, phê bình văn học người Kinh (chủ yếu là các nhà giáo, nhà khoa học trong các trường Đại học đóng tại khu vực miền núi (Việt Bắc, Tây Bắc, Tây Nguyên) và trong Viện Nghiên cứu Văn học) – vốn rất quan tâm và yêu quí bộ phận văn học đặc biệt này. Một số tác giả tiêu biểu có nhiều công trình, nhiều tác phẩm nghiên cứu, phê bình về văn học DTTS (thời kỳ hiện đại) như: GS Phong Lê, PGS.TS Phạm Quang Trung, PGS.TS Trần Thị Việt Trung, PGS.TS Đào Thủy Nguyên, PGS.TS Cao Thị Hảo, TS Phạm Duy Nghĩa, TS Nguyễn Kiến Thọ, TS Đỗ Thị Thu Huyền, PGS.TS Lê Thị Bích Hồng, TS Nguyễn Thị Hải Anh,…

Chỉ tính trong khoảng 30 năm từ sau Đổi Mới cho tới nay, đã xuất hiện hàng trăm cuốn sách và hàng ngàn bài viết nghiên cứu, phê bình về văn học các DTTS Việt Nam của các cây bút người DTTS và cả của người Kinh nữa. Trong số các công trình, các tác phẩm đó đã có những cuốn sách, những bài viết được bạn đọc và được giới nghiên cứu lý luận, phê bình đánh giá cao và đã được nhận những Giải thưởng về văn học của Hội Nhà văn Việt Nam, của Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương, của Ủy ban Toàn quốc các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, của Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam… trao tặng.

Tuy nhiên, có thể khách quan mà nói rằng: Trong suốt hơn nửa thế kỷ vận động và phát triển – văn học DTTS với hàng nghìn hội viên (Hội viên Hội Văn học nghệ thuật các DTTS Việt Nam), mỗi năm xuất bản hàng trăm tác phẩm văn chương (bao gồm các thể loại: thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tản văn, kịch bản sân khấu…), nhưng trong khi đó – số lượng các tác phẩm nghiên cứu phê bình về các sáng tác này còn rất khiêm tốn, nếu không nói là chưa tương xứng với tình hình sáng tác của Hội Văn học này. Có thể có nhiều lý do khách quan và chủ quan (như: có nhiều bạn đọc, nhiều nhà nghiên cứu phê bình có “tiếng tăm”, có uy tín của quốc gia ít có cơ hội tiếp cận và cũng chưa thực sự quan tâm đến các sáng tác của các nhà văn DTTS; bản thân các tác phẩm văn chương DTTS chưa thực sự xuất sắc, chưa đủ gây tiếng vang, tạo sức hút đối với bạn đọc, đối với dư luận xã hội,…). Hàng năm, số lượng các tác phẩm (công trình, cuốn sách) nghiên cứu phê bình về văn học DTTS chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay và trong số đó chất lượng tác phẩm cũng chưa thực sự đồng đều và ít có những tác phẩm xuất sắc, HAY:

Chúng tôi quan niệm: Tác phẩm nghiên cứu phê bình về văn học DTTS HAY – trước hết phải là tác phẩm được viết bằng cả sự yêu mến, trân trọng thực sự những sáng tác của các nhà văn DTTS; phải có sự am hiểu sâu sắc về con người, cuộc sống, môi trường thiên nhiên, đặc biệt là về bản sắc văn hóa tộc người – của đối tượng nghiên cứu. Có như vậy, nhà nghiên cứu, phê bình mới có thể cảm nhận được hết cái hay, cái đẹp, cái đặc sắc (cũng như những hạn chế) của các tác phẩm văn học DTTS; đồng thời mới có thể giải mã được các tín hiệu thẩm mĩ, các biểu tượng nghệ thuật trong các sáng tác của các cây bút dân tộc ít người này. Tác phẩm nghiên cứu, phê bình về văn học DTTS HAY – cần phải có cách tiếp cận mới, đảm bảo tính khoa học, tính hiện đại trong quá trình nghiên cứu tác phẩm văn chương – để có thể chỉ ra được cái đặc sắc, nét đặc trưng mang đậm bản sắc tộc người (tính truyền thống, giữ gìn, phát huy); chỉ ra được tính hiện đại cùng xu hướng vận động tất yếu của bộ phận văn học này. Hay nói một cách khác: muốn có một tác phẩm nghiên cứu phê bình về văn học dân tộc thiểu số HAY – nhà nghiên cứu phê bình cần phải có niềm đam mê thực sự đối với các sáng tác của các nhà văn DTTS; phải có sự am hiểu sâu sắc về cuộc sống, con người cùng các phong tục tập quán, ngôn ngữ, chữ viết, cách cảm, cách nghĩ, cách diễn đạt… của người DTTS; cần phải có cách tiếp cận mới với cái nhìn đa chiều, khách quan, khoa học và hiện đại; một tác phẩm HAY phải tạo được sức lan tỏa lớn khiến nhiều người biết đến và thấy được vẻ đẹp của các tác phẩm văn học DTTS; tạo ra sức hút đối với người đọc, để họ có thể tự tìm đến các sáng tác của các nhà văn miền núi, để đông đảo người đọc được thưởng thức “món ăn đặc sản” mang đậm hương vị núi rừng, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của họ. Một tác phẩm nghiên cứu phê bình HAY – phải là một tác phẩm ngoài việc phẩm bình, định giá, lý giải, khen chê… một cách khách quan – còn phải là một tác phẩm có giá trị định hướng cho văn học tiếp tục vận động và phát triển một cách lành mạnh và đúng hướng, phù hợp với nhu cầu của thời đại.

Với những suy nghĩ và quan niệm về một tác phẩm nghiên cứu phê bình về văn học DTTS HAY như vậy, chúng tôi có một số nhận xét về tình hình thực tiễn về số lượng và chất lượng tác phẩm nghiên cứu phê bình văn học DTTS nói chung hiện nay.

1. Về số lượng tác phẩm: Mặc dù đã có những hoạt động khá tích cực trong việc nghiên cứu, phê bình về văn học DTTS từ phía chính các nhà văn thuộc các dân tộc ít người và một số các nhà nghiên cứu phê bình trong các trường Đại học và Viện Văn học – nhưng số lượng các tác phẩm nghiên cứu phê bình về văn học DTTS còn rất khiêm tốn, nếu như không nói là còn ít ỏi, chưa tương xứng với số lượng tác phẩm văn học được xuất bản, in ấn hàng năm của bộ phận văn học này.

2. Về chất lượng tác phẩm: Với qui mô khác nhau (có công trình nghiên cứu hàng ngàn trang, có cuốn sách chỉ trên dưới 100 trang; có bài viết khoảng 15 đến 20 trang, nhưng cũng có bài chỉ 2 đến 3 trang…) – các tác phẩm nghiên cứu phê bình này có chất lượng không đồng đều. Có một số công trình nghiên cứu, phê bình được viết một cách công phu, nghiêm túc, khách quan và có tính khoa học cao – nhưng lại mang nặng tính “hàn lâm”, thiên về lý luận, đọc cảm thấy khá nặng nề bởi thiếu tính thực tiễn và thiếu chất tài hoa, nghệ sĩ. Có những tác phẩm lại thiên về lối cảm nhận trực giác, lối viết khá dễ dãi, hồn nhiên, chủ yếu là kể lại nội dung câu chuyện và phân tích, bình luận chung chung, đưa ra những nhận xét mang tính chủ quan, thiếu cơ sở lý thuyết, lý luận. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, đã xuất hiện một số tác phẩm nghiên cứu phê bình về văn học DTTS đã khắc phục được những nhược điểm trên. Đã xuất hiện một số tác phẩm nghiên cứu, phê bình về văn học DTTS vừa công phu, nghiêm túc, vừa có tính lý luận, vừa có tính thực tiễn; Tác giả của một số cuốn sách đó đã thể hiện rõ là người yêu quí, đam mê, tràn đầy nhiệt huyết với sự nghiệp văn học DTTS nói chung, với từng sáng tác của các tác giả văn học DTTS nói riêng; Bên cạnh đó – lại là người am hiểu sâu sắc về bản sắc văn hóa tộc người, về môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa; Là người có khả năng thẩm bình tài hoa và tinh tế, khả năng làm lan tỏa tới nhiều đối tượng bạn đọc khác khiến họ quan tâm, chú ý và hiểu hơn, yêu quí, trân trọng hơn các sáng tác đặc sắc của các nhà văn DTTS… Chính vì vậy, đã có một số tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình về văn học DTTS đã được nhận giải cao do: Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương,… trao tặng.

Nhưng số lượng các tác phẩm như vậy quả là ít ỏi, hiếm hoi – nếu so với số lượng các tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình về văn học Việt Nam nói chung trong những năm gần đây.

Để hướng tới việc: làm thế nào để có được ngày càng nhiều hơn những tác phẩm nghiên cứu, phê bình về văn học DTTS HAY trong thời gian tới – chúng tôi xin được đưa ra một số giải pháp cụ thể như sau:

1. Để có được những tác phẩm nghiên cứu, phê bình về văn học DTTS HAY – trước hết phải có nhiều “đối tượng nghiên cứu, phê bình HAY và đặc sắc. Trách nhiệm này lại thuộc về các nhà văn DTTS. Bởi phải có nhiều sáng tác HAY mới thu hút được sự chú ý của người đọc, mới là nguồn cảm hứng mãnh liệt cho các nhà nghiên cứu, lý luận phê bình nghiên cứu, sáng tạo. Vì vậy, việc phát triển, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực sáng tác, đầu tư xứng đáng cho người sáng tác… để họ có các điều kiện thuận lợi cho việc sáng tạo nên các tác phẩm HAY – lại thuộc trách nhiệm của các nhà quản lý, của Đảng và Nhà nước.

2. Cần phải có sự “vào cuộc” tích cực hơn của các cây bút nghiên cứu, phê bình có trình độ cao, có uy tín trong giới nghiên cứu, lý luận phê bình của đất nước trên tinh thần trách nhiệm đối với bộ phận văn học đặc biệt và đặc sắc này. Bên cạnh đó là sự tham gia tích cực của chính đội ngũ những người viết nghiên cứu, lý luận phê bình là người DTTS. Là “người trong cuộc”, những cây bút này sẽ hiểu sâu sắc, chính xác hơn về những sáng tác của các nhà văn DTTS; Họ có cách cảm nhận, cách lý giải hợp lý… các vấn đề (về nội dung và nghệ thuật) trong tác phẩm văn chương do người DTTS viết. Chính vì vậy, việc bồi dưỡng, nâng cao trình độ đối với họ để họ có thể trở thành “người phát ngôn” tư tưởng cho đời sống văn chương của cộng đồng các DTTS – là một việc làm cần thiết và cấp bách. Đây cũng là một yếu tố quan trọng để có thể có những tác phẩm nghiên cứu phê bình về văn học DTTS HAY – do chính những nhà lý luận phê bình người DTTS thực hiện.

3. Trong Chương trình dạy Văn ở trường Phổ Thông (các cấp học) – cần phải đưa những tác phẩm HAY do các tác giả người DTTS sáng tác. Bởi các lý do sau:

  •  

- Thứ hai – từ việc đưa tác phẩm văn học DTTS vào giảng dạy trong nhà trường Phổ Thông, khiến cho các thế hệ học sinh đều được tiếp cận, được biết đến bộ phận văn học đặc biệt này; khiến cho các nhà giáo, các nhà nghiên cứu, phê bình chú ý, quan tâm hơn đến việc tìm hiểu, lý giải, giảng dạy, đến việc nghiên cứu, phê bình các sáng tác của các nhà văn DTTS. Đây chính là phương pháp “kích cầu” hiệu quả nhất cho việc tăng cường tìm hiểu, nghiên cứu, viết về… văn học DTTS của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội. Từ đó, sẽ có nhiều bài viết, cuốn sách, công trình nghiên cứu, phê bình về văn học DTTS – trong đó cũng sẽ xuất hiện các bài, các tác phẩm HAY, đặc sắc.

  • Hàng năm – Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Văn học các DTTS Việt Nam cần phải quan tâm đặc biệt đến việc phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng những cây bút nghiên cứu lý luận phê bình (nhất là các cây bút nghiên cứu phê bình trẻ, có năng lực, năng khiếu nghiên cứu, phê bình văn học); Tổ chức các lớp tập huấn, các cuộc Hội nghị, Hội thảo… để các cây bút nghiên cứu, lý luận phê bình được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, học tập lẫn nhau… để họ có thể mạnh dạn hơn, nhiệt huyết hơn và học được nhiều cách thức, phương pháp nghiên cứu, phê bình khác nhau, bổ sung vào “hành trang” của mình, để có thể viết được những bài nghiên cứu phê bình, những công trình nghiên cứu phê bình về văn học DTTS HAY và MỚI, HẤP DẪN người đọc.
  • Cần phát động những cuộc thi, chấm giải - Giải thưởng riêng cho các tác phẩm nghiên cứu, lý luận phê bình về văn học DTTS 2 năm/ 1 lần, để tạo động lực cho các cây bút nghiên cứu phê bình tích cực nghiên cứu, sáng tạo, viết nên những cuốn sách có giá trị cao, HAY, HẤP DẪN người đọc. Qua đó, quảng bá (một cách đầy thuyết phục) về những nét đẹp, nét lạ, nét riêng… của bộ phận văn học đặc sắc này đến với đông đảo bạn đọc trong cả nước.

Tháng 8/ 2018

TTVT

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *