“SỐ PHẬN BUỘC TÔI PHẢI CẦM BÚT”
Cuốn sách đã phản ánh hiện thực của chiến tranh, hiện thực của xã hội, hiện thực của thân phận con người để qua đó làm bừng lên khát vọng cháy bỏng về tự do, tình yêu, nhân văn. Cuộc đời thăng trầm của một nhà báo luôn đấu tranh cho lẽ phải, số phận của những người lính ở cả hai chiến tuyến trong và sau chiến tranh, hay những nhân vật nghệ sĩ, giang hồ, đĩ điếm đều được người viết khắc họa chân thực, sâu sắc bằng cách kể tự nhiên, cuốn hút. Tiểu thuyết này được xem như một cuốn tự truyện của Nguyễn Việt Chiến khi người đọc thấy được rất rõ hình bóng của tác giả qua những trang sách nhiều cảm xúc. Tuy nhiên tác giả cũng chia sẻ: “Đây không hẳn là tự truyện nhưng là cuốn sách quan trọng nhất của cuộc đời tôi. Mùa khát chính là chủ đề của cuốn tiểu thuyết. Tôi gửi vào đó những khát vọng của con người và mang tính người nhất. Tôi không tiểu thuyết hóa cuộc đời mình. Nhưng số phận đã buộc tôi phải cầm bút”.
Tiểu thuyết Mùa khát được viết với nhiều lớp lang. Đó là sự đan xen, kết hợp của hiện tại và quá khứ, của lịch sử và đời sống, của tình yêu và thân phận. Mà ở đó, con người dù rơi vào hoàn cảnh khốn cùng nhất, tăm tối nhất vẫn khát khao vùng lên, tìm ánh sáng của tự do, của sự thật và chân lí.
Nhà văn Văn Giá nhận định: Nhà văn và tác phẩm là sự độc lập để người đọc có thể hình dung. Điều đó làm nên sức sống cho tác phẩm. Mùa khát của Nguyễn Việt Chiến mang đến cái nhìn của con người, cái nhìn của đời sống như bản chất của chính nó. Ở đây không có định kiến về chiến tuyến, bên này bên kia, hay phán xét, định giá. Mọi thứ như nó vẫn là và nhà văn đã để cho chúng ta tự định vị mọi điều từ những câu chuyện mà ông đưa ra.
Trong tiểu thuyết, tác giả luôn chú trọng sắp xếp, thiết kế cấu trúc không gian tiểu thuyết và thời gian tiểu thuyết theo những mạch truyện ngược chiều nhau nhưng cộng hưởng với nhau. Và ông cũng cố gắng giữ được vẻ đẹp hài hòa trong cấu trúc tiểu thuyết để người đọc có thể nắm bắt được cốt truyện và những tầng ẩn ngữ của hệ ý tưởng và tư tưởng nhân văn mà nhà văn muốn truyền tải.
Về cuốn sách này, nhà nghiên cứu La Khắc Hòa phát biểu: Mùa khát đặt ra ba vấn đề. Thứ nhất là, nó mang phong cách tự truyện nên đầy ắp chất thơ và những tư liệu. Thứ hai, không khí, không gian mà tác giả tạo ra là thứ ám ảnh với nhân vật cũng như với người đọc. Thứ ba, tiểu thuyết được triển khai theo một sơ đồ truyện kể có nguồn cội từ văn học dân gian, đã thành cổ mẫu chi phối toàn bộ văn học viết, nhưng hiếm gặp trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Đó là hành trình phủ định mọi cái chết để sự sống được tái sinh.
Bằng tất cả những trải nghiệm và khao khát của mình, Nguyễn Việt Chiến đã đem đến một Mùa khát, không để khẳng định điều gì mà để đặt ra cho chúng ta những vấn đề của con người.
HOÀI PHƯƠNG
(Ảnh: Hoàng Xuân Tuyền)