Văn học với đời sống

9/10
10:58 AM 2018

CÓ NHỮNG THAY ĐỔI TẠO NÊN ĐỨT GÃY VĂN HÓA

Hoàng Đăng Khoa- VĂN NGHỆ QUÂN ĐỘI phỏng vấn GS.TS.NGND.Trần Đình Sử. Một ngày Hà Nội tháng chín, khi heo may theo thầy cô giáo và học sinh vào năm học mới, hương mùa thu nưng nức dậy khắp phố xá, sân trường, tại nhà riêng ở địa chỉ 22 Nguyễn Huy Tự, GS.TS.NGNDTrần Đình Sử đã tiếp chuyện phóng viên VNQĐ.

Với chất giọng Huế khoẻ khoắn, hào sảng, ông chia sẻ chân thành, thẳng thắn quan điểm cá nhân về một vài câu chuyện liên quan đến các từ khóa “cải cách”, “cải tiến” đang nóng dư luận cả nước.

 - Trước thềm năm học mới 2018-2019, dư luận cả nước xôn xao về cách đánh vần trong bộ sách Tiếng Việt lớp 1 công nghệ giáo dục của GS. Hồ Ngọc Đại và nhà giáo Phạm Toàn. Bạn đọc Văn nghệ Quân đội muốn nghe ý kiến của ông về câu chuyện đánh vần mà nhiều người gọi là “lạ” này…
+ GS. Hồ Ngọc Đại và nhà giáo Phạm Toàn là những nhà giáo đáng kính, có hoài bão và có triết lí giáo dục tiên tiến. Các ông coi giáo dục là làm cho con trẻ được tự phát triển, dạy học là tạo ra các hệ thống việc để cho học sinh làm, qua đó mà hình thành tri thức, tức là “thầy thiết kế, trò thi công”, như thế gọi là công nghệ giáo dục. Học trò tự lớn lên trong các thiết kế của thầy. Đó là tư tưởng giáo dục mới. Nhưng khi thực hiện vẫn có những bất cập, ví dụ như trong học vần. Mọi người đều biết trẻ em lớp 1 đến trường để học chữ, học đọc, học viết, tiến đến đọc thông, viết thạo, có điều kiện để học các kiến thức khác và học lên. Để học đọc và viết các em phải học chữ. Khi học chữ thì đánh vần theo chữ cái. Ví dụ, c(xê)-a-ca là ca, ch(xê hát)-i-chi-nặng-chị là chị. Đây là cách đọc truyền thống, trong quá trình đánh vần, thứ tự các con chữ được nhắc đến theo trật tự viết, giúp nhớ được cách viết một chữ. Sách giáo khoa của GS. Hồ Ngọc Đại chủ trương phân biệt cách đọc theo ngữ âm học, phân biệt cách đọc âm (có trước, là vật thật) với chữ, tên con chữ (vật thay thế, có sau), và học đánh vần theo âm đọc, không đọc theo tên chữ, ví dụ đọc c(cờ)-a-ca, c(cờ)-i-ki, hai chữ c và k đều cùng một âm, sau đó mới dạy luật chính tả, gặp i thì viết k(cờ)-i-ki, không được viết là “ci”. Như thế học sinh lớp 1 phải học thêm nguyên âm, phụ âm, âm chính, âm đệm, vật thật, vật thay thế… khá nặng nề. Đó là kiến thức ngữ âm sinh viên văn khoa năm thứ nhất mới học. Chính vì đọc theo âm vị mà nhiều người gọi đây là cách đánh vần lạ. Thực ra cách đọc đó không lạ, vì từ lâu người ta đã biết phân biệt âm đọc của chữ và tên chữ cái, nhưng vì học chữ để viết nên người ta đánh vần theo chữ, còn GS. Hồ Ngọc Đại tách ra, để học sinh nhận thức âm đọc và chữ viết. Giải pháp đó có khoa học không, cần thiết đến mức nào, đang có ý kiến khác nhau...
Tuy nhiên, vấn đề của sách giáo khoa công nghệ giáo dục không chỉ là chỗ ấy, mà còn ở khía cạnh khác. Tính từ năm 2000 đến gần đây, sách giáo khoa của GS. Hồ Ngọc Đại được Bộ Giáo dục và Đào tạo sử dụng đại trà mà chưa qua thẩm định, được sử dụng song song với sách giáo khoa năm 2000, đều vi phạm Luật Giáo dục quy định cả nước một chương trình một sách giáo khoa và sách giáo khoa trước khi lưu hành phải qua Hội đồng thẩm định. Mãi gần đây, năm 2017, sách của GS. Hồ Ngọc Đại mới chính thức được Hội đồng thẩm định quốc gia thẩm định, và phải sửa nhiều lỗi. Hiện tượng mượn danh “thí điểm”, “thực nghiệm” để lách luật của bộ sách công nghệ giáo dục được báo mạng nêu lên.

- Từ bao giờ, các nhà ngôn ngữ học đã đồng thanh chỉ ra, rằng chữ Quốc ngữ, bên cạnh những ưu việt của nó thì tồn tại một vài hạn chế, chẳng hạn như cùng một âm “cờ” nhưng có đến ba kí tự để ghi, gồm “c”, “k” và “q”, hay cùng một âm “dờ” mà khi thì viết là “d” lúc thì lại viết là “gi”… Cá nhân tôi nghĩ, việc GS. Hồ Ngọc Đại chủ trương cải tiến cách đánh vần cũng như việc PGS.TS. Bùi Hiền đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt là đều xuất phát từ động cơ muốn khắc phục những bất cập, bất tiện của chữ Quốc ngữ nói trên. So với ý tưởng chủ quan duy ý chí, đại vĩ mô, bất khả thi của PGS.TS. Bùi Hiền thì việc triển khai ý tưởng của GS. Hồ Ngọc Đại đâu đến mức phải khiến dư luận dậy sóng như chúng ta đã thấy, thưa ông?
+ Nhiều người đánh đồng việc đề xuất cải cách chữ Quốc ngữ của PGS.TS. Bùi Hiền và việc cải cách lối dạy học đánh vần của GS. Hồ Ngọc Đại là không đúng. Đây là hai chuyện khác nhau.
Về chữ Quốc ngữ, lúc đầu do các giáo sĩ phương Tây chế tạo, theo GS. Phan Ngọc, cốt để cho người Tây đọc chữ Quốc ngữ không đọc nhầm. Ví dụ theo tiếng Việt, người Việt có thể đọc “ca”, “cô”, “cu”, “cư”, “cơ”, “cê”, “ci” mà không nhầm, nhưng người Pháp gặp chữ “ce”, “ci” họ lại đọc thành “xa”, “xi”, vì thế họ đổi thành “ka”, “ki”. Người Việt đọc “go”, “gu”, “gi”, “ge” không thành vấn đề, nhưng nếu viết “ge”, “gi” thì người Pháp sẽ đọc thành “gie”, “gi(ji)” và thế là phải thêm chữ “h” vào, thành “ghe”, “ghi”. Còn có những lí do khác nữa cho các trường hợp “bất hợp lí” khác. Cho nên dẫn đến có những chỗ “bất cập” như anh vừa nêu. Từ đầu thế kỉ XX đến nay, đã có nhiều ý kiến đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ, nhưng đều không thành. Theo tôi đó là vì chữ viết nước nào cũng đều có những bất hợp lí do lịch sử để lại, nhưng người ta đã quen thuộc, trở thành nếp văn hoá, nếu đổi thay sẽ tạo nên đứt gãy văn hoá. Chữ Quốc ngữ của ta đang là một thứ chữ ghi âm rất tiện dụng, ghi được một hệ thống âm đọc thống nhất trong cả nước, người vùng miền nào cũng đọc được. Nó có hệ thống nguyên âm và dấu thanh tiếng Hà Nội, lại có bộ phụ âm tiếng bắc miền Trung, phân biệt tr/ch, s/x, n/l, vùng nào đọc cũng hiểu. Nó tuy có một số khuyết điểm, song ảnh hưởng bất tiện không đáng kể, cho nên nói chung không cần phải cải tiến nữa. Có chăng chỉ là tiểu tiết, như có lúc y dài được viết thành i ngắn như một số nơi hiện nay.
PGS.TS. Bùi Hiền có thể có thiện chí muốn góp tiếng nói vào việc cải tiến chữ viết tiếng Việt. Song những gì ông đã làm, như Viện Ngôn ngữ học đã chính thức cho biết, thể hiện một sự thiếu hiểu biết về nhiều mặt, đề xuất một phương án thiếu tầm nhìn văn hoá, chẳng những chưa khắc phục được bất tiện mà còn tạo ra vô vàn bất tiện khác, lại được một cơ quan truyền thông giới thiệu vô lối (lẽ ra phải là một cơ quan có thẩm quyền, như Viện Ngôn ngữ học chẳng hạn), gây nên bức xúc dư luận. Trong đời sống xã hội, mọi người đều có quyền đề xuất ý kiến của mình một cách chính đáng. Nhưng việc giới thiệu, lăng xê một phương án thiếu tính khả thi đã khiến dư luận dậy sóng như anh nói, vì các nhà chuyên môn không ai muốn mất thì giờ để thảo luận những đề xuất dưới mức khoa học như vậy.
Sách giáo khoa của GS. Hồ Ngọc Đại là một phương án dạy học, đã thực nghiệm nhiều năm. Người ta cần thảo luận về nó, tán thành hoặc không. Còn việc dậy sóng dư luận có thể có những nguyên nhân mà chúng ta, những kẻ làm văn chương, tạm thời chưa biết hết được.

Tôi nghĩ, phản ứng này của dư luận có xuất phát xa là căn tính của người Việt thích ổn định, chuộng thói quen, dị ứng với những gì được cho là trái khoáy, nghịch giác quan, và có xuất phát gần là tâm thế hoài nghi, định kiến, ác cảm với những “cải cách”, “cải tiến” chóng mặt của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông có cho là như thế không?
+ Có những nguyên nhân như anh đã nêu. Người dân Việt Nam thích ổn định, nhưng họ đang mong muốn thay đổi căn bản rất nhiều điều, họ không muốn trì trệ, không muốn cái gì cũng vẫn như cũ, bởi họ biết so sánh nước mình với các nước trên thế giới. Người ta không muốn những thay đổi bề ngoài, những thay đổi không đem đến hiệu quả thực sự, chỉ mang lại những lo âu tốn kém. Quả là ngành giáo dục cải cách hơi dày. Năm 1989-1992 một vụ, năm 1993-1996 một vụ, năm 1998-2000 một vụ, năm 2013 VNEN (viết tắt của cụm từ Viet Nam Escuela Nueva, tức mô hình trường học mới tại Việt Nam - PV) một vụ, và rồi từ năm 2015 đến nay đang làm một vụ khác toàn diện và triệt để hơn. Các “vụ” ấy được làm gần nhau quá, nhưng phần nhiều thiếu chuẩn bị dài hạn, thiếu nghiên cứu giáo dục sâu sắc (kiểu tư duy ngắn hạn thường thấy ở nước ta, nói là làm, chứ không chuẩn bị sâu xa gì), cho nên vừa làm xong đã thấy không ưng ý, muốn làm lại. Chẳng hạn năm 2000 tôi đùng một cái được giao nhiệm vụ soạn thảo chương trình ngữ văn THPT, không hề được báo trước để dốc tâm chuẩn bị nghiên cứu rộng sâu về chương trình, tìm hiểu các chương trình nước ngoài để tham khảo. Bộ thấy tôi có vẻ có khả năng soạn thảo chương trình, thế là giao cho tôi. May là tôi tự mình có quan tâm vấn đề này, ít nhiều có tích luỹ, tôi phải làm hết sức mình có để có chương trình hiện hành ngữ văn THPT. Dự án VNEN của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện cũng rất đột ngột, đùng một cái, thấy đem thí điểm liền. Nó là dự án làm vội, một ví dụ về mất nhiều hơn được. Không phải ngẫu nhiên mà nhiều địa phương đề nghị chấm dứt VNEN, GS.TSKH. Nguyễn Xuân Hãn, chuyên gia giáo dục Đại học quốc gia Hà Nội cũng kêu gọi dừng dự án này. Song song với VNEN là việc đưa chương trình công nghệ giáo dục ra đại trà mà không thông qua thẩm định, sửa chữa. Tôi nghe nói GS. Hồ Ngọc Đại vì sợ người khác không hiểu, sửa sai sách của mình, từng cấm, không cho bất cứ biên tập viên nào được thò bút biên tập sách của ông. Có thể đó là lí do khiến sách của ông đến nay vẫn còn có lỗi.
  

Nếu đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền mà được thông qua, thì toàn dân Việt Nam đang thoát nạn mù chữ lại mù chữ trở lại.
Toàn bộ sách báo hơn một trăm năm qua không thể đọc được, muốn đọc phải học lại chữ cũ, hoặc lại phải phiên dịch theo chữ viết mới mới đọc được. Thế là cắt đứt các mối liên hệ với văn hoá mà người Việt đã tích luỹ được trong hơn một thế kỉ. Người Việt ở các nước trên thế giới đều phải học lại tiếng Việt.
Toàn bộ giấy tờ công văn, luật pháp, nghị quyết... đều phải viết lại theo chữ mới. Muốn làm được việc đó lại phải tốn kém không biết bao nhiêu là tiền. Lại phải viết lại toàn bộ sách giáo khoa, các văn kiện theo chữ mới, cả nước đều phải làm chứng minh thư, hộ khẩu mới, khắc dấu lại, các sứ quán Việt Nam trên thế giới phải thay đổi chữ viết.
Tóm lại là làm hại công quỹ, thì giờ, công sức một cách vô ích.

     TRẦN ĐÌNH SỬ

 

Có người cho rằng, Bộ nào cũng tồn tại nhiều bất cập bất ổn nhưng Bộ Giáo dục và Đào tạo lại là Bộ hứng chịu nhiều soi xét nhất, nhiều búa rìu dư luận nhất, điều này là không công bằng. Tôi lại nghĩ, điều này là hợp tình hợp lẽ, bởi “giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu”, chất lượng sản phẩm của Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định đến thành bại của tất cả các Bộ còn lại. Không thể chạy theo dư luận, nhưng sau mỗi “bão” dư luận thì Bộ Giáo dục và Đào tạo lẽ ra nên thận trọng hơn trước việc trình xuất dự đồ “cải cách”, “cải tiến” tiếp theo của mình, thưa ông?
+ Bộ nào cũng có vấn đề, không riêng gì Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tôi nghĩ các ông Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng muốn đổi thay nhiều. Nhưng con người mà họ có chỉ có thế. Vẫn những con người ấy, cung cách ấy, vẫn lối làm dự án ấy, nay thay đổi chút ít vị trí, trước anh bên ấy, tôi bên này, nay tôi sang bên ấy… thì rất khó có thể có đột phá nhiều. Tất nhiên tôi tin là lần cải cách này có khác trước, nhưng ta không thể tự túm tóc ta mà nâng mình cao lên được.

- Giữa bão dư luận về đề xuất cải tiến chữ viết tiếng Việt của PGS.TS. Bùi Hiền, khi làm khách mời của chương trình “Cà phê sáng” trên kênh VTV3, TS. Đoàn Hương cho rằng đây là câu chuyện học thuật, hãy để cho các nhà khoa học ngôn ngữ lên tiếng, một bộ phận quần chúng không có chuyên môn không nên lên facebook “ném đá”… Phát ngôn này của TS. Đoàn Hương đến lượt mình lại bị “ném đá” dữ dội. Ông bình luận thế nào về ý kiến của TS. Đoàn Hương, và về văn hoá facebook hiện thời?
+ Tôi nghĩ, facebook là một nơi công cộng, nhiều tai mắt, mỗi người có cái biết của họ và họ cũng biết nhau cả đấy, cho nên nhiều khi không tránh khỏi cọ xát. Ở đó, những đề xuất dỏm mà làm ra thông thái, những lời huênh hoang dạy đời, mục hạ vô nhân rất dễ gây phản cảm.

- Theo quan sát của ông, ngôn ngữ đời sống sinh hoạt, nhất là đời sống sinh hoạt của giới trẻ, đang có sự vận động, thay đổi như thế nào?
+ Ngôn ngữ đời sống luôn thay đổi theo thời cuộc, thể hiện rõ nhất trong giới trẻ. Chúng ta biết Cách mạng tháng Tám đã thay đổi ngôn ngữ, Kháng chiến lại thay đổi, đến Cải cách ruộng đất, chỉnh huấn thay đổi. Từ thời hội nhập đến nay, với internet, ngôn ngữ đời sống càng thay đổi rất lớn. Giới trẻ ít tuổi dễ bị hút vào những gì thời thượng, chạy theo phong trào. Phong trào thay đổi họ cũng thay đổi. Nhưng giới trẻ có học không ít người đã rất sâu sắc. Nghe họ nói ta thấy một cách sinh động thời cuộc đang thay đổi.

- Sự thay đổi này của ngôn ngữ đời sống sinh hoạt phản ánh những thay đổi về điệu hồn, về tâm thế sống của con người thời hiện tại như thế nào, thưa ông?
+ Ngôn ngữ đời sống luôn tương ứng với nhân cách và tâm hồn. Ngôn ngữ là biểu đạt của nhân cách và tâm hồn. Thời hiện tại không còn là thời hào hùng, đồng ca. Bây giờ không còn là thời của tiếng nói chung, một kẻ xướng muôn tiếng hoạ. Bây giờ là thời của ưu tư, hoài nghi, tư duy độc lập, thời của ngôn ngữ sỗ sàng. Văn chương cũng do đó mà có nhiều tiếng nói rất khác lạ.

- Ngôn ngữ, văn chương cũng như mọi sự vật, hiện tượng khác đều phải luôn vận động, thay đổi để tồn tại, bất chấp mọi kháng cự. Là một chuyên gia hàng đầu về lí luận văn học, theo ông, ở Việt Nam, cần phải đổi mới tư duy lí luận văn học như thế nào để tương thích với sự vận động, nới giãn đường biên của thực tiễn ngôn ngữ và văn chương Việt Nam?
 + Để thích ứng với thời đại có nhiều tiếng nói khác biệt như hiện tại, đòi hỏi không phải một lí thuyết văn chương thống nhất, mà phải chấp nhận có rất nhiều lí thuyết, nhiều quan niệm về văn học. Các thứ lí thuyết văn chương quy phạm thống nhất truớc đây nay đã mờ nhạt. Chỉ một vấn đề đặc trưng văn học cũng đã thay đổi. Phạm vi văn chương rộng rãi hơn, các đòi hỏi khắt khe về văn chương ít sức ràng buộc hơn. Phê bình văn học phải khoan dung hơn, đối thoại hơn.

- Được biết, cuốn sách ông vừa công bố có tên là Môn ngữ văn và dạy học ngữ văn trong trường phổ thông. Xin chúc mừng ông. Ông có thể nói đôi lời về cuốn sách mới nhất này của mình?
+ Cảm ơn anh quan tâm. Đây chỉ là cuốn sách tập hợp các bài viết của tôi về bộ môn ngữ văn và dạy học ngữ văn. Tôi viết dạy ngữ văn là dạy đọc viết nói nghe, tăng cường tính tự chủ của học sinh, coi đọc văn là khâu đột phá của dạy học văn, chống đọc chép, những điều mà chương trình mới của môn ngữ văn đang hướng tới. Trước đây nói tới dạy văn là người ta nghĩ ngay tới những bài bình giảng văn học thật réo rắt, mê li của những thầy cô tài hoa vừa cảm thụ tốt vừa có lời dạy hoa mĩ, sâu sắc. Học sinh cứ há hốc mồm mà nuốt từng lời, như là bị thôi miên. Thầy cô có tài văn là rất quý hiếm, song lối dạy học thôi miên lại không phải là lí tưởng. Ai cũng biết văn học viết cho từng người đọc cụ thể đọc. Chỉ những ai trực tiếp đọc văn mới cảm thấy được văn. Lối dạy văn như là đọc hộ cho học trò biến họ thành người đọc thụ động, đọc vay mượn, rời thầy ra là không đọc được văn. Tài của thầy cô phải thể hiện ở việc tổ chức cho học sinh biết tự đọc hiểu văn, hăng hái phát biểu khám phá bài văn, chứ không phải chỉ ghi nhiều để rồi học thuộc mà tự mình không lớn lên được.

- Là người từng tham gia biên soạn hoặc chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn bậc THCS và THPT, với tinh thần phản tư, ông có thể chỉ ra một vài bất cập của bộ sách này hiện hành?
+ Sách giáo khoa Ngữ văn hiện hành có rất nhiều ưu điểm so với sách trước đó. Tuy nhiên, nó cũng không tránh khỏi khiếm khuyết. Nó chưa thật sự kích thích, tạo điều kiện cho học sinh tự học, chưa tổ chức tốt cho học sinh hoạt động để kiến tạo kiến thức. Cách bố trí bài học theo tuần còn cứng nhắc, chưa linh hoạt cho giáo viên. Nội dung vẫn còn nặng. Có những bài văn chưa thật hay…

- Đưa môn ngữ văn trong nhà trường gần với đời sống hơn, để học sinh yêu thích môn học này hơn, quả đang là một bài toán không dễ giải, thưa ông?
+ Làm cho học sinh yêu thích môn học là một ước mơ lớn của các thầy cô giáo và của những người soạn sách giáo khoa. Khó nhất là làm sao sách phải đúng mà lại hay, hấp dẫn, dễ dạy và dễ học, thầy cô thích mà trò cũng thích. Khó nhất là chọn được các bài văn thật hay đủ loại truyện, thơ, kịch, kí, tản văn, nghị luận, thông tin… mà lại vừa sức. Thứ nữa là nêu được các vấn đề gây hứng thú cho học sinh để các em tham gia bàn luận. Môn ngữ văn tự nó gắn với con người, gắn với bản thân mỗi trò nên nó gắn với cuộc sống. Nói vậy nhưng gắn với cuộc sống cũng không dễ.
- Trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trò chuyện với VNQĐ !
 

Nguồn: Văn nghệ Quân đội

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *