Văn học với đời sống

23/2
7:52 PM 2019

TIỂU THUYẾT MÙA KHÁT: ÂM HƯỞNG TỪ CHIẾN TRANH ĐẾN KHÁT VỌNG HÒA BÌNH, TỰ DO

NGUYỄNVIỆT CHIẾN-Tôi nghĩ đặc trưng cơ bản nhất của người viết tiểu thuyết, trước hết anh phải là một người kể chuyện, và cuốn tiểu thuyết có hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách kể chuyện của anh có hay không, có hấp dẫn thuyết phục được người đọc hay không? Sau đó mới đến việc anh dùng thủ pháp gì:Cổ điển hay cách tân? Hiện đại hay hậu hiện đại? Đồng hiện hay phân mảnh? Tuyến tính hay phi tuyến tính? Truyện trong truyện hay truyện chồng truyện và truyện ngoài truyện?...

   Cuốn tiểu thuyết ‘Mùa khát’ của tôi nói về cuộc đời thăng trầm của một nhà báo, nhà thơ trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng đầy cam go của ngày hôm nay và trước đó từng là người lính đi qua chiến tranh. Nhân vật chính của tiểu thuyết là nhà báo, nhà thơ Vũ Văn đã nếm trải nỗi đau tận cùng trong bi kịch của chữ khi anh bị trù dập, truy bức sau những bài báo phanh phui sự thật trong một vụ án tham nhũng lớn gây bức xúc xã hội những năm ấy. Chính vì những bài báo chống tiêu cực ấy, Vũ Văn cùng một nhà báo đồng nghiệp và vị tướng công an chỉ huy chuyên án điều tra vụ tham nhũng bị họ "điều tra ngược" lại nhằm cố tình lật ngược lại vụ án và sự kiện đó là " bi kịch chữ" đau đớn và chua xót nhất mà một người cầm bút như anh phải nếm trải.

    Song song cùng với mạch truyện về nhà báo Vũ Văn, một điều quan trọng khác, qua tiểu thuyết ‘Mùa khát’, tôi muốn kể cho các bạn nghe câu chuyện về cuộc đời thăng trầm của hai người lính ở bên này chiến tuyến và ở phía bên kia chiến tuyến, từng đối mặt là kẻ thù của nhau trong rừng rậm Trường Sơn những năm chiến tranh 1969-1971. Một người lính là trung úy biệt kích quân đội Sài Gòn bị bắt trong phi vụ đột nhập, thám sát đường mòn Trường Sơn, bị tù ở một trại giam vùng núi cực Bắc, cho đến ngày xảy ra chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, anh ta đã lập công với vai trò của một chiến binh trong một trận giáp chiến bất ngờ với một nhóm thám báo Trung Quốc trong vụ chúng đánh mìn một xe chở tù nhân.
   Có người hỏi tôi, chủ đề tiểu thuyết ‘Mùa khát’ là gì? Tôi cho rằng ‘Mùa khát’ chính là chủ đề trọng tâm xuyên suốt tác phẩm tiểu thuyết này. Đó là cơn khát của con người, của tình người mong được sống trong hòa bình, yên lành với khát vọng về tình yêu khi đi qua sa mạc hận thù, chết chóc của chiến tranh. Đó là cơn khát của con người trong thời hậu chiến với mơ ước thoát khỏi nghèo đói và được sống trong hạnh phúc, trong tự do với khát vọng về một xã hội công bằng. Vậy là sau bốn mùa xuân, hạ, thu, đông con người lại có thêm một mùa nữa gọi là mùa khát với những khát vọng về tình yêu, về quyền sống còn, về hòa bình và tự do.

    Xuyên suốt tiểu thuyết ‘Mùa khát’ là hệ hình cấu trúc mở với các chuyện tình cài đặt trong nhau, đan xen vào nhau, nối kết với nhau... nhằm mở ra và trình hiện một cách nhìn mới, một mỹ cảm mới của những lát cắt, những thời khắc đặc tả về tình người trong quá khứ chiến tranh và trong đời sống của con người đương đại. 
Đó là chuyện tình của nhân vật Hậu Aka, một đối tượng xã hội đen với cô gái trọ ở xóm liều, rồi mối tình chim chuột của anh ta với cô hàng xóm, thậm chí cả chuyện mộng du ngủ với một bóng ma dẫn đến vụ chém người ở khu phố cổ khi Hậu Aka bị ngáo đá; tiếp đến là chuyện tình của anh ta với cô gái ở tiệm gội đầu và một nữ tù nhân không biết mặt trong trại giam với Hậu Aka.
    Trong ‘Mùa khát’, các chuyện tình chính là những điểm nhấn, là những ngẫu cảnh gợi cảm đầy sức sống của tính người, của bản năng người ngay cả trong những đêm tăm tối của cuộc đời. Đối với nhân vật nhà báo, nhà thơ Vũ Văn, nó giống như một thứ ánh sáng để nâng đỡ và cứu rỗi con người khi anh gặp tai họa nghề nghiệp trong một vụ án báo chí chống tham nhũng. Và trước đó, trong những đêm dài chiến tranh đạn bom khốc liệt, giữa những lằn ranh sống - chết khôn lường, mối tình vụng trộm của mấy anh lính trẻ ở hậu phương trước ngày ra trận đã hằn lên trong ký ức như những kỷ niệm cuối cùng khi họ đi vào miền đạn bom chết chóc. Và khi dấn thân trên những nẻo đường trận mạc thì tình người, tình yêu, tình đồng loại, đồng đội, tình trai gái vẫn là mạch chảy chính của sức sống phồn sinh bên ngay vực thẳm của bạo lực chiến tranh và cái chết.

 ‘Mùa khát’ cũng dành một số chương với khắc họa khá sâu đậm về hai chuyện tình của nhân vật Nguyễn Nội là trung úy biệt kích của quân lực Sài Gòn trong hai phi vụ anh ta đột nhập vào đường mòn Trường Sơn. Chuyện tình thứ nhất diễn ra khi Nguyễn Nội cùng một nhóm nữ chiêu đãi viên chiến trường (gái điếm tình nguyện) bay đến cứ điểm Đồi thịt băm. Mối tình của anh ta với cô nữ chiêu đãi viên tóc vàng bị tử vong khi lính Mỹ ép chơi ma túy để phục vụ nhu cầu tình dục của chúng là những trang bi thảm nhất trong ký ức chiến tranh của người lính Sài Gòn. Chuyện tình thứ hai diễn ra giữa viên trung úy biệt kích Sài Gòn với một nữ quân y sĩ Việt Cộng bị mắc bệnh trầm cảm hoang tưởng lại mở ra những trang đẹp nhất của tính người và tình người trong đêm dài chiến tranh. Sau này, họ đã gặp lại nhau và mối tình trong hang đá nơi chiến trường ngày trước đã kết nối hai số phận với nhau.
  Trong tiểu thuyết ‘Mùa khát’, tác giả luôn chú trọng sắp xếp, thiết kế cấu trúc không gian tiểu thuyết và thời gian tiểu thuyết theo những mạch truyện ngược chiều nhau nhưng cộng hưởng với nhau và cố gắng giữ được vẻ đẹp hài hòa trong cấu trúc tiểu thuyết để người đọc có thể nắm bắt được cốt truyện và những tầng ẩn ngữ của hệ ý tưởng và tư tưởng nhân văn mà nhà văn muốn chuyển tải.

     Sau khi tiểu thuyết Mùa khát của tôi được ấn hành, một số nhà văn có hỏi tôi: "Ông viết cuốn tiểu thuyết này theo thi pháp gì, có mới không?". Đây là một vấn đề khá thú vị. Tôi cho rằng tôi đã viết cuốn sách này theo những đặc điểm chính của thi pháp tiểu thuyết được diễn giải dưới đây. Tôi nghĩ đặc trưng cơ bản nhất của người viết tiểu thuyết, trước hết anh phải là một người kể chuyện, và cuốn tiểu thuyết có hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách kể chuyện của anh có hay không, có hấp dẫn thuyết phục được người đọc hay không? Sau đó mới đến việc anh dùng thủ pháp gì:Cổ điển hay cách tân? Hiện đại hay hậu hiện đại? Đồng hiện hay phân mảnh? Tuyến tính hay phi tuyến tính? Truyện trong truyện hay truyện chồng truyện và truyện ngoài truyện?...
   Có điều, các nhà viết tiểu thuyết của thời hiện đại nói chung không sao chép lối kể chuyện chủ yếu dựa vào hiện thực đời sống nhàm chán như các nhà tiểu thuyết cũ vẫn xem thường chiều sâu nội tâm của các nhân vật tiểu thuyết và không coi trọng các chiều kích mỹ cảm mang tính biểu đạt của ngôn ngữ tư tưởng.
Trong cuốn tiểu thuyết ‘Mùa khát’, điều tôi luôn chú trọng là sắp xếp, thiết kế cấu trúc không gian tiểu thuyết và thời gian tiểu thuyết theo những mạch truyện ngược chiều nhau nhưng cộng hưởng với nhau và cố gắng giữ được vẻ đẹp hài hòa trong cấu trúc tiểu thuyết để người đọc có thể nắm bắt được cốt truyện và những tầng ẩn ngữ của hệ ý tưởng và tư tưởng nhân văn mà nhà văn muốn chuyển tải.
   Cũng trong cuốn tiểu thuyết này, tôi vận dụng các kỹ thuật của truyện trong chuyện như sự dồn nén của truyện ngắn trong truyện vừa, sự bứt phá của truyện vừa trong truyện dài, và sự nối kết nhịp điệu của truyện dài trong tiểu thuyết. Tất cả nhằm mục đích để cốt truyện quyết định mạch truyện về số phận của mỗi nhân vật chứ không để cho số phận của mỗi nhân vật làm nên sự thăng trầm, biến đổi của cốt truyện.
  Nhận xét về tiểu thuyết ‘Mùa khát’,nhà phê bình văn học nổi tiếng, GS.TS La Khắc Hòa đã đặt ra ba vấn đề: “Thứ nhất: Nhìn trên bề mặt, MÙA KHÁT là cuốn "tự truyện". Nó là tự truyện của một một nhà thơ, nhà báo, nên tác phẩm đầy ắp chất thơ, đầy ắp tư liệu - tư liệu về một thời loạn lạc, loạn ngoài tiền phương, loạn ở cả hậu phương.
Thứ hai: Ngay từ "Tiết " đầu với tiêu đề "KẺ "NGÁO ĐÁ" VÀ VỤ ÁN GIAN NHÀ CÓ MA", tiểu thuyết đã tạo ra một bầu không khí đặc biệt: không khí ngột ngạt của một cái ngõ hẹp lúc nào cũng lảng vảng mùi xú uế, tởm lợm. Bầu không khí ấy ám vào các nhân vật, vào những chương sau của cuốn sách và vào kí ức của độc giả. 
Thứ ba: Tiểu thuyết được triển khai theo một sơ đồ truyện kể có nguồn cội từ văn học dân gian, đã thành cổ mẫu chi phối toàn bộ văn học viết, nhưng hiếm gặp trong văn xuôi Việt Nam đương đại. Viết truyện là để sáng tạo, lưu giữ và truyền đạt một thông tin nào đó. Mọi thông tin trong tác phẩm tự sự suy cho đến cùng hoàn toàn có thể khuôn vào ba loại: thông tin về một tiến trình, về một trạng thái, hoặc về một sự kiện. Ba loại hình thông tin này sẽ được gói vào ba mô hình truyện kể. Trong văn học Việt Nam, đa phần truyện kể là thông tin về tiến trình. Loại thông tin này thường được gói vào sơ đồ truyện kể: HÀNH TRÌNH PHỦ ĐỊNH MỌI CÁI CHẾT ĐỂ ĐẾN VỚI SỰ SỐNG ĐƯỢC TÁI SINH. 
"MÙA KHÁT" của Nguyễn Việt Chiến không thiếu sự kiện, nhưng chủ yếu vẫn là thông tin trạng thái. Thông tin này được chuyển tải bằng sơ đồ truyện kể LŨY TÍCH. Nó là HÀNH TRÌNH PHỦ ĐỊNH SỰ SỐNG ĐỂ TÌM TỚI CÁI CHẾT TÁI SINH. Phải chăng "KHÁT" MỘT CÁI CHẾT TÁI SINH là ý nghĩa tư tưởng quan trọng nhất mà lão cảm nhận được từ thiên tiểu thuyết của Nguyễn Việt Chiến. 
Nhưng một đời sống "thối" như thế, đời sống lúc nào cũng thoang thoảng mùi "cứt", thì ai mà sống được! Cho nên, KHÁT CÁI CHẾT TÁI SINH không phải là cái KHÁT riêng của nhà văn. Đây là cơ sở biến thiên tự truyện của Nguyễn Việt Chiến thành một sự kiện giao tiếp mang ý nghĩa xã hội”.

   Ở một bình diện khác, Nhà phê bình văn học Bùi Việt Thắng nhận định: “Nhân vật là cốt tử của tiểu thuyết. ‘Mùa khát’ nhiều nhân vật. Đặc điểm chung của các nhân vật, dù gốc gác nào, đẳng cấp nào, trình độ nào, phái tính nào cũng đều là những con người mang nhiều tính người nhất. Đều chung khát vọng tự do trong cuộc sống và tình yêu, dĩ nhiên màu sắc cũng rất khác nhau, đa dạng như chính sự đa dạng sinh học của tự nhiên. Có thể Nguyễn Việt Chiến không chủ đích phân chia nhân vật ra thành các cặp chính - phụ, tích cực - tiêu cực, tốt - xấu, chính diện - phản diện như cách chia truyền thống. Ông chú ý đến cái gọi là “chất người trong con người”.

 Mùa khát là cuộc giao duyên giữa ảo và thực, giữa hiện thực trần trụi và sự phiêu diêu của đời sống tâm linh (cảnh nhà báo/nhà thơ Vũ Văn gặp cụ Nguyễn Tiên Điền, rất đặc trưng). Có thể vì thế giới thực làm con người bội thực thông tin, nên đôi khi họ cần giải thoát, phiêu du, phiêu lưu ký để có thêm thông tin thẩm mỹ mới/lạ. Tất nhiên độ/phần thực trong Mùa khát vẫn chủ đạo, phần ảo chỉ như là gia vị, thêm vào, gây men, kích thích công chúng nghệ thuật “ăn ngon miệng”. Tôi nghĩ, nếu tác giả nghiêng về hay lạm dụng ảo thì có nghĩa là một cách né tránh, hoặc tự vệ có tính bản năng của nghề viết lách. Nhưng Nguyễn Việt Chiến, tôi thấy, vẫn hiên ngang đứng về/bảo vệ/tụng ca sự thật. Trong Mùa khát có giọng của bi kịch chữ. Giọng bi ai và thương cảm, tôi nghĩ, được chắt ra từ nước mắt, mồ hôi và thậm chí cả máu của nhà văn. Một người trước khi cầm bút đã cầm súng. Mỗi chữ được đánh đổi bằng cả tính mạng và danh dự. Nhà văn không rơi vào cảnh chưa đau đã kêu rên, chưa kịp buồn đã than vãn, chưa mất mát đã nuối tiếc. Bi ai và thương cảm nhưng vẫn rất điềm tĩnh, an nhiên, tự tại vì tin vào chính nghĩa và công lý.”

 

 

 


 

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *