Từ đời vào văn

13/6
7:15 AM 2017

TIẾNG NÓI NHÀ VĂN: SÁCH CỦA DÂN CÀY

Y PHƯƠNG - Slấn Nông nằm ở chót cái đuôi nọc nạch cánh đồng Nà Ghẹo. Nó thuộc thẻo đất của hai làng Hiếu Lễ và Tà Than. Từ xa, trông ngôi đền vuông vắn, nhỏ bé như một hộp đựng trà. Hộp trà bé tí, nó đặt bên dưới những ngọn đồi cỏ guột.

Cỏ tốt tươi bùng nhùng như chăn bông, áo tơi, nón lá chít tóe tòe loe... Không gian nơi đây vắng lặng đến ghê người. Bởi ở đó không tiện đường giao thông, hầu như cả năm chẳng có người và trâu bò đi lại.

Ngôi đền ngồi xù xì, lam nham, xô lệch, trông như lão nông trăm tuổi. Lão nông từ đời thuở nào, nay đã rụng mất hết răng. Hai hàm miệng trống trếnh tuềnh toàng như vòm hang bỏ hoang. Lão chỉ còn có độ một gian nhà hai mái nông toen toẻn. Trong đền có nhõn một bát hương cổ, đặt trên gò đất đắp. Bát hương ấy có từ thời Vua Minh Mạng. Hàng trăm năm qua, bát hương vẫn còn sáng bóng màu da lươn như mới, không hề biến màu. Chân hương ngả nghiêng chông chà đồng loạt lên mốc như tẩm bột. Còn sáu cây cột ngoàm được làm bằng gỗ nghiến đã mốc mùi mưa nắng. Ba mặt trát đất kín mít, không chừa một khoảng trống nhỏ nào cho trăng chui qua. Mái lợp ngói máng. Miếng dương chồng đè lên miếng âm. Viên ngói nào cũng to dày bằng ba bàn tay người lớn. Người ta nhìn ngỡ mái ngói, ngỡ ai đang phơi bột cà phê dưới bóng râm. Mặt trước ngôi đền hướng về phía chính Tây. Nơi mặt trời hàng ngày tụt xuống dãy núi, rồi mất hút. Từ đây, ngài tha hồ phóng tầm mắt bao quát khắp cánh đồng hai làng Tà Than, Hiếu Lễ.

Tiền nhân làng tôi đã chọn một vị trí cực kì đắc địa cho ngôi đền an vị. Bên trái có suối thanh long mang tên Nà Gẹo. Con suối nhỏ ngày đêm róc rách chảy về làng Phja Hoong. Bên phải có núi bạch hổ mang tên Bo Thang. Nơi đây quanh năm xùm xòa hoa lá và gió. Thanh long không bao giờ khô cạn. Bạch hổ không bao giờ hết xanh mát mắt. Nơi ấy hội tụ đủ khí âm dương. Hương trời và hoa đất giao hòa cùng một điểm. Người xưa đã thử đặt một quả trứng lên trên đầu cây gậy. Trứng đứng im không đổ. Thế nên, ở hai làng này, thời nào cũng bình an vô sự. Cho dù chinh chiến loạn lạc đã từng chà qua sát lại, từng làm nhàu nát cả mấy con đường cái quan hàng huyện hàng xã. Người nào sinh ra từ hai làng này, ai cũng to cao, hồng hào, khỏe mạnh. Tính tình ôn hòa, thương yêu nhường nhịn như con một cha nhà một nóc.

Hồi chưa có phong trào hợp tác xã nông nghiệp, trước những năm năm mươi, sáu mươi của thế kỉ XX. Cứ đến mùa xuân, dân hai làng Hiếu Lễ, Tà Than lại tổ chức lễ tế Thần nông linh đình. Người làng ngả bốn năm chú lợn tạ, vài trăm con gà vịt, đồ xôi ngũ sắc, đun nấu ba ngày ba đêm đến toét cả con mắt vì khói lửa. Có đến hàng trăm cặp bánh dày bánh chưng nặng như chì, dâng lên tạ lễ đền Thần nông, đồng thời trả ơn trời đất đã cho dân hai làng mùa màng tươi tốt năm qua. Cầu đêm mưa ngày nắng ráo cho năm tới thóc lúa đầy bồ.

Hầu như năm nào cha tôi cũng được dân hai làng mời đứng ra làm chủ lễ. Đèn nến thắp liên tục từ giờ thìn ngày hôm trước, đến chính ngọ hai ngày hôm sau. Pháo nổ đì đùng râm ran vọng vào vách núi. Phèng la, não bạt, trống cái, trống con, ầm vang cả một vùng. Cha tôi mặc áo “lài”, đội mũ miện, có thêu rồng chầu hổ phục. Chính giữa mũ miện đặt một chiếc gương nhỏ bằng đầu ngón tay cái, trên đó có vẽ hình lưỡng nghi bát quái. Lúc này trông cha tôi như một người hoàn toàn khác. Cụ hồng hào đỏ đắn từ trời nào bước xuống, chứ nhất quyết chẳng phải cha của mình.
 

 
 

Cha bắt đầu hít thu nạp không khí thanh sạch từ mây nước trên trời, từ cây cỏ trên đồng, từ ánh sáng trên cao tỏa xuống. Cha tôi hít vào đầy một bụng thiên nhiên rồi người lầm rầm niệm chú. Mật ngữ thánh thần từ từ mở ra. Khi nào thấy cha tôi vẩy tay cành lá bưởi dầm trong bát nước thơm, tẩy uế xong là bắt đầu đám nhạc công cầm dùi nổi nhạc. Tùng. Cheng. Tùng. Cheng. Tùng cheng. Tùng cheng. Tù rùng cheng cheng… ba hồi chín tiếng. Đó là tín hiệu giao kết, nối thông thiên địa. Lập tức có một con đường trắng đục như sữa, lờ mờ liền hiện trong vô thức. Con đường lửng lơ vòng quanh ngôi đền như một dải lụa bạch. Trên dải lụa bạch bỗng có tiếng người già ho. Tiếng ngựa dậm chân hí hét. Tiếng trâu bò mài sừng kột kạt. Tiếng lợn cọ máng cám lăn lông lốc. Tiếng gà đập cánh eeo óóc gáy. Tiếng trẻ con  nheo nhéo đòi ăn cơm nguội. Tất tần tật đều nôn nóng bận rộn cho bữa chiều. Rồi bỗng có cả tiếng cậy miệng hòm lạch cạch. Tôi thấy những cánh tay nhì nhào đang chọn giống má ngô thóc, yến mạch, khoai sắn, dâu tằm, hạt chàm lá xanh, chàm lá tía, các loại cây lấy thuốc. Mỗi thứ một vốc. Giống má được chọn rất kĩ nên hạt to, mẩy đều, sáng đẹp, bày là là như sạp hàng xén.

Cha tôi chầm chậm đọc sách mo bằng lời văn Tày cổ. Cứ hết một đoạn thơ là đến một đoạn nhạc trầm hùng. Giọng cha tôi sang sảng ấm nóng trên nền nhạc bập bung mờ ảo. Bớ bà con hai làng Hiếu Lễ, Tà Than, hãy lắng nghe đây. Hỡi các người. Hãy ghi nhớ lấy công đức của ngài Thần nông. Trước kia, cách nay năm ngàn năm, loài người còn ăn lông ở lỗ, đói ăn bệnh tật triền miên. Nhờ có ngài Thần nông đây truyền dạy nghề trồng lúa nước, trồng bông dệt vải, nên muôn con dân mới có cơm ăn áo mặc, biết chọn cây cỏ dùng làm thuốc thang chữa bệnh. Tùng… cheng… cốống… cốố… reng… eng. Chính ngài đã sáng chế ra chiếc cày thân cong, cái bừa có mười hai chiếc răng, ngày nay dân ta vẫn dùng để làm đất. Tùng… cheng… tù rùng… cheng. Ngài Thần nông đây chính là ông tổ năm đời của đức Vua Lạc Long Quân kính quý. Tùng… cheng… tù rùng cheng… Nhất bái! H…ư…n…g! Nhị bái! H…ư…n…g! Tam bái! H…ư…n…g!
Cứ thế. Đều đặn, hết chương này sang chương khác. Sách kể về nỗi khốn khó muôn đời của dân cày. Dân cày dù sinh sống ở đâu, sắc tộc nào, tính tình cũng lành hiền như đất. Xương thịt rắn chắc như sắt, chí bền như đá. Sinh ra dân cày cần cù siêng năng là vậy. Chân tay không hề nghỉ ngơi là vậy, mà sao cả đời họ vẫn đói vẫn rét triền miên. Kể đến đấy, cuốn sách chìm xuống nặng trịch. Một nỗi u buồn xám xịt thoáng lên không gian ngôi đền. Cuốn sách nhàu như khuôn mặt tiền nhân trên tay cha tôi. Hình như sách cũng thút thít khóc. Sách thương cho bao số phận dân cày. Sách cũng rầu lòng bởi dân cày cả tin nhẹ dạ. Bảo gì nghe đấy. Cha tôi bèn nhẹ nhàng đặt sách xuống chiếu. Để mươi phút cho sách nằm. Sách thở lấy hơi, rồi bình thản đi tiếp.

Sách mo của cha tôi được làm bằng thứ giấy gì mà ngày nay không đâu có. Bìa được làm từ thứ giấy bồi, dày thô như da bò, nâu bóng như cánh dán. Giấy viết thì đùng đục màu cháo lòng, thô nhám như giấy ráp, nhưng đặc biệt dai. Dùng qua mười sáu đời thày tào mà không bay mất một chữ. Hễ bay mất chữ nào cha tôi điền lại chữ ấy, giấy liền hút hết mực. Trang sách lại khô roong. Mỗi con chữ được bố cục trông đẹp như một bức tranh thủy mặc. Chữ nào cũng phong trần nhưng có thế đứng vững vàng bàn thạch. Người biết và người không biết chữ đều tỏ lòng kính trọng. Đấy là lời thánh hiền.

Nhưng. Chẳng hiểu sao, vài ba chục năm trở lại đây, không còn cảnh cúng tế tùng cheng ở đó nữa. Ngôi đền Thần nông ngày nào, nay cũng đã biến mất tăm dạng. Thay vào ngôi đền linh thiêng là một bãi trống trơn xanh rờn toàn cỏ là cỏ. Hoang dại đến tê dại cả con mắt nhìn. Dân quanh đây dùng để chăn thả trâu bò rồi. Người hai làng Tà Than, Hiếu Lễ khi gặp nhau trong chợ, vẫn cười cười nói nói. Người nọ vỗ vai người kia tỏ lòng thân thiện. Nhưng bắt đầu cảm thấy cái tình với nhau nhàn nhạt mất rồi. Ít có ai nhắc lại một thời tế lễ Thần nông đông vui hơn tết. Người dân hai làng được cùng chung mâm bát. Cùng chung chéo chén rượu ngô trong bữa liên hoan mãn cuộc tế lễ. Cùng thi nhau lày cỏ. Cùng san sẻ vui buồn.  Xong việc, dẫu rằng ai về nhà nấy. Phút chia tay còn nghoảnh lại, dặn với theo chầm chậm đi đường may mắn bạn nhé.

Ngày nay, trên khắp nước mình, đâu đâu cũng rùng rùng tổ chức các lễ hội dân gian truyền thống. Nhắc đến chuyện này, cay lên sống mũi tôi như xát ớt. Liệu còn có ai, người nào để tâm huy động dân hai làng dựng lại ngôi đền Thần nông. Để con cháu đời đời tưởng nhớ công đức ngài đã dày công dạy dân mình làm ra hạt gạo. Đừng mang tiếng vô ơn, kẻo rồi chết không nhắm được mắt.
 Y.P
 
Nguồn: Văn nghệ Quân đội 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *