Từ đời vào văn

27/6
5:46 PM 2017

DIỄN TỪ NHẬN GIẢI NOBEL VĂN HỌC CỦA NHÀ VĂN PHÁP ALBERT CAMUS

Albert Camus (1913 - 1960) là nhà văn Pháp có ảnh hưởng rộng rãi và sâu sắc đến đời sống trí tuệ của Châu Âu giai đoạn sau Thế chiến II, được trao giải Nobel vì những đóng góp to lớn trong văn học, góp phần soi rọi giá trị của lương tâm con người.

                                               Nhà văn Albert Camus

 Đề tài trong sáng tác của ông là sự tha hóa và tồn tại phi lí của đời người, kêu gọi con người tìm lối thoát trong tinh thần và hành động tranh đấu chống bất công. Ông cũng là đại diện tiêu biểu của kịch phi lí. Ông nhận giải Nobel văn học năm 1957.

 

DIỄN TỪ (1)

 

Thưa quý vị trong Hoàng gia, thưa quý Ông, quý Bà,

Khi nhận giải thưởng cao quý được quý Viện Hàn lâm tự do trao cho, tôi càng thấy biết ơn sâu sắc khi nhận thức rõ rằng giải thưởng đó là quá tầm của tôi. Ai ai cũng vậy, nhất hạng là các nghệ sĩ, đều mong muốn được công nhận. Tôi cũng thế. Nhưng khi được tin về quyết định của quý Viện, tôi đã không có điều kiện để so sánh tiếng dội của nó tới giá trị thực của tôi. Làm sao một người còn tương đối trẻ, trong tay chỉ có những nỗi hoài nghi và một sự nghiệp còn chưa hoàn thiện, người chỉ quen sống trong đơn độc công việc hay trong ẩn náu bạn bè, làm sao anh ta lại không khỏi bàng hoàng khi nhận được quyết định ngay tức khắc đưa anh ta từ một kẻ sống đơn độc, sống thu mình, được ra trước công chúng giữa ánh sáng chói lòa. Thử hỏi anh ta có lòng nào đón nhận vinh quang ấy trong khi ở Châu Âu có các nhà văn khác và là những nhà văn lớn vẫn đang bị bóp miệng ngay trong lúc quê hương họ đang gặp bất hạnh triền miên?

Tôi đã từng biết đến cú sốc và trạng thái rối bời trong lòng như thế. Để lấy lại yên tĩnh trong lòng, tôi buộc phải thích ứng với một số phận quá ưu đãi đến vậy. Và biết rằng thành tựu cá nhân mình không thể xứng với phần thưởng đó, tôi đã không còn cách nào khác ngoài việc viện dẫn những gì đã nâng đỡ tôi trong suốt cuộc đời và trong những hoàn cảnh trái ngược nhất, đó là: tư tưởng về nghệ thuật của mình và về vai trò của nhà văn. Với lòng tri ân và trong sự thân tình, tôi xin phép trình bày quan điểm đó một cách giản dị nhất.

 Cá nhân tôi không thể sống thiếu nghệ thuật mà mình làm ra. Nhưng tôi chưa bao giờ đặt nó lên trên hết thảy. Trái lại, sở dĩ nó cần thiết cho tôi là bởi vì nghệ thuật đó không tách rời khỏi bất kì ai, và nó giúp tôi sống tự nhiên thế này ngang bằng với tất cả mọi người. Tôi không thấy việc sáng tạo nghệ thuật như là một thú vui trong cô đơn. Nó là một phương tiện làm mủi lòng đại đa số con người bằng cách trao cho họ một hình ảnh thiên vị nói lên những niềm vui và những nỗi đau người. Vì thế mà nghệ thuật không cho phép người nghệ sĩ tự tách mình ra; nghệ thuật đặt anh ta vào khuôn phép của cái chân lí khiêm nhường nhất và phổ quát nhất. Và thường khi có ai đó đi chọn con đường nghệ thuật vì thấy mình khác người thì sẽ sớm hiểu rằng anh ta chỉ nuôi dưỡng được nghệ thuật và cái riêng của mình một khi thú nhận là anh ta giống mọi người. Người nghệ sĩ phải tự rèn luyện mình trong sự giao lưu không ngừng với mọi kẻ khác, cái vị trí luôn luôn ở giữa, một bên là cái đẹp anh ta không thể thiếu và bên kia là cái cộng đồng anh ta không thể dứt bỏ. Vì thế mà người nghệ sĩ chân chính không khinh thường cái gì hết; họ buộc mình phải hiểu thay vì phán xét. Và nếu trong cuộc thế này họ phải chọn một lập trường, thì đó chỉ thể là lập trường của một xã hội, nói lối đại ngôn theo Nietzsche, nơi sẽ ngự trị không phải là một vị quan tòa mà là một nhà sáng tạo bằng chân tay hoặc bằng trí óc.

Đồng thời, vai trò của nhà văn cũng không được tách khỏi những nhiệm vụ khó khăn. Phải định nghĩa về vai trò nhà văn, ngày nay anh ta không thể là kẻ phục vụ những con người làm nên lịch sử, mà anh ta phải phục vụ những con người tuân thủ lịch sử. Nếu không, anh ta sẽ bị cô độc và bị tước mất nghệ thuật. Toàn bộ các đạo quân triệu triệu người của nền chuyên chế cũng không dứt nổi anh ta ra khỏi nỗi cô đơn, thậm chí ngay cả khi nhà văn thuận tình nhập vào theo bước chân những đạo quân ấy. Trong khi đó, sự lặng câm của một tù nhân vô danh, bị bỏ rơi trong nhục mạ ở tít chân trời lại đủ để kéo nhà văn ra khỏi chốn lưu đầy, mỗi khi đang sống giữa những đặc quyền tự do, nhưng nếu như ít ra anh ta đủ sức không quên đi sự lặng câm kia và, bằng phương tiện nghệ thuật, nhà văn tiếp sức cho kẻ tù nhân nọ để cái lặng câm của anh ta thành ra tiếng vang xa.

Không cá nhân nào trong chúng ta đủ lớn để thực hiện sứ mệnh đó. Nhưng trong mọi hoàn cảnh đời mình, dù chưa có tiếng tăm hay tạm thời nổi tiếng, dù bị vứt trong gông xiềng chuyên chế hay đã có chút tự do thể hiện, nhà văn có thể bắt gặp lại tình cảm của cái cộng đồng sống sẽ biện minh cho anh ta, với điều kiện duy nhất là nhà văn cố hết sức chấp nhận thực hiện hai gánh nặng làm nên sự cao quý của nghề văn là: phụng sự chân lí và phụng sự tự do. Do chỗ cái nghiệp nhà văn là tập hợp sao cho được nhiều con người nhất, cái nghiệp ấy cũng không cho nhà văn thích nghi với dối trá và nô dịch, những thứ ngự trị ở đâu thì lại làm đẻ ra những nỗi cô đơn. Cho dù cá nhân chúng ta có què quặt tới mức nào, thì sự cao quý của nghiệp văn vẫn luôn luôn đâm rễ vào hai cam kết khó giữ là: khước từ nói dối những gì ta biết, và cưỡng lại sự áp bức.

 Hơn hai mươi năm sống trong một lịch sử điên loạn, chết không được cứu vớt, sống như tất cả mọi người cùng tuổi với tôi trong những cơn co quắp của thời đại, tôi đã được nâng đỡ bằng cái tình cảm kín đáo rằng viết văn là một vinh dự bởi vì hành động này ràng buộc tôi và bó buộc tôi không chỉ vào một việc viết. Hành động này đặc biệt bó buộc bản thân tôi cùng với mọi con người đã trải qua cùng một thời lịch sử ấy phải chia sẻ với nhau một nỗi đau hi vọng. Những con người sinh ra khi bắt đầu Thế chiến I này, những kẻ bước vào tuổi 20 khi Hitler lên cầm quyền và khi diễn ra những vụ án cách mạng đầu tiên, những con người sau đó còn phải hoàn thiện nền giáo dục của mình bằng cách đương đầu với chiến tranh Tây Ban Nha, với Thế chiến II, với hệ thống những trại tập trung, với cái Châu Âu của nhục hình và giam cầm, những con người ấy giờ đây đang phải nuôi con cái họ và nuôi dưỡng các tác phẩm của họ trong một thế giới bị nạn hủy diệt hạt nhân đe dọa. Tôi thiết nghĩ không ai có thể đòi hỏi họ lạc quan cho được. Và tôi cũng đồng ý trong khi vẫn không ngừng đấu tranh chống lại sự nhầm lẫn những người vì quá thất vọng đã đòi quyền được ô nhục và đổ xô đi vào những con đường hư vô thời mới. Nhưng vẫn còn phần lớn những con người trong chúng ta, ở nước tôi và ở Châu Âu, đã từ chối cái tư tưởng hư vô ấy và bắt đầu cuộc kiếm tìm cái gì là giá trị chính đáng. Họ đã phải tự rèn luyện một nghệ thuật sống trong thời thảm họa, để được sinh ra một lần nữa và sau đó đối mặt chống lại cái bản năng hủy diệt đang hoành hành trong lịch sử của chúng ta.

Dĩ nhiên là mỗi thế hệ đều tưởng mình có nghĩa vụ xây dựng lại thế giới. Có điều là thế hệ của tôi lại biết rằng nó sẽ không xây dựng lại được thế giới ấy. Nhưng nhiệm vụ thế hệ tôi lại to tát hơn, đó là ngăn chặn một thế giới đang bị tàn phá. Thừa hưởng một lịch sử đồi bại, thời kì pha trộn những cuộc cách mạng thất bại, những kĩ thuật đang trở thành điên rồ, những thần linh đã chết và những hệ tư tưởng kiệt sức, thời kì của những quyền lực tầm thường đủ sức hủy diệt nhưng không có sức thuyết phục ai, thời kì trí tuệ tự hạ mình đến mức chỉ để phục vụ cho thù hận và áp bức, cái thế hệ này của tôi, từ những phủ định của chính mình, đã phải dựng xây lại ngay trong bản thân mình và xung quanh mình một chút giá trị gì còn lại đủ để tạo thành niềm kiêu hãnh sống và niềm kiêu hãnh chết. Đứng trước một thế giới bị đe dọa tan rã, nơi có nguy cơ các tòa án dị giáo lớn định thiết lập vĩnh viễn những vương quốc diệt vong, thế hệ của tôi hiểu rằng trong cuộc chạy đua hết sức với thời gian nó sẽ phải nhanh chóng lập lại nền hòa bình giữa các quốc gia sao cho đó không phải là một nền hòa bình của sự phục tùng, thế hệ tôi sẽ phải một lần nữa hòa giải được lao động chân tay và lao động trí óc, nó sẽ phải cùng mọi người xây dựng lại cây cầu liên kết con người. Không chắc gì họ có thể hoàn thành được nhiệm vụ mênh mông to tát đó, nhưng chắc chắn là, khắp nơi trên thế giới, thế hệ này đã chấp nhận hai lần thách thức chân lí và tự do, và nếu có phải chết nó cũng biết chết mà không hề oán hận cuộc thách đố ấy. Chính thế hệ này đáng được chào đón và khích lệ ở khắp nơi nó đang hiện diện, và nhất là ở nơi nào nó đang hi sinh. Bất kể thế nào, tôi tin rằng quý vị cũng hết sức đồng tình với tôi rằng tôi muốn tặng lại họ niềm vinh dự quý vị đã trao cho tôi.

Đồng thời, sau khi đã nói tới sự cao quý của nghề viết văn, tôi muốn đặt nhà văn vào đúng chỗ của họ, chẳng có danh hiệu nào khác hơn là những danh hiệu họ từng chia sẻ với các bạn chiến đấu của mình, dễ tổn thương nhưng cứng đầu cứng cổ, bất công nhưng say mê công lí, xây dựng sự nghiệp trước mắt mọi người mà không hổ thẹn, không kiêu ngạo với ai, không ngừng giằng xé giữa nỗi đau và cái đẹp, để cuối cùng lao vào cuộc thể hiện một nghĩa vụ kép ấy là cố công bướng bỉnh sáng tạo dựng xây ngay trong cái guồng quay hủy diệt của lịch sử. Sau tất cả những điều đó nào ai là người còn định đòi hỏi ở họ những giải pháp có sẵn và những luân lí sáo rỗng? Chân lí là cái bí hiểm, khó nắm bắt, luôn luôn đòi hỏi ta phải chinh phục lấy. Tự do là cái nguy hiểm, khó sống tuy là đầy hứng khởi. Chúng ta phải hướng theo hai mục đích này, vất vả nhưng quả quyết, mặc dù biết trước những sự nản lòng trên con đường dài đến thế. Vì vậy có nhà văn nào với đầy đủ ý thức dám rao giảng đạo đức suông? Về phần mình, tôi phải nói lại một lần nữa, tôi chẳng là gì cả trong toàn bộ những chuyện như thế. Tôi chưa bao giờ khước từ ánh sáng, niềm vui sống, và cuộc đời tôi trưởng thành trong tự do. Song dù cho nỗi nhớ tiếc đó đủ sức lí giải những sự nhầm lẫn và sai lầm của tôi, nó vẫn giúp tôi hiểu rõ hơn nghề của mình, nó đang giúp tôi dù mù quáng nhưng đứng vững được bên cạnh những con người lặng câm kia, những con người trong đời này chỉ chịu trụ đỡ cho cái cuộc sống có được nhờ hồi tưởng hoặc nhớ những cuộc trở về ngắn ngủi hạnh phúc tự do.

Trở lại như thế với con người thực của tôi, với những giới hạn, với những món nợ, với niềm tin khó khăn của mình, tôi thấy mình mạnh mồm hơn để cuối cùng được bày tỏ với quý vị về tầm vóc và sự độ lượng cùng niềm vinh dự quý vị đã dành cho tôi, càng mạnh mồm hơn để thưa với quý vị rằng tôi xin nhận vinh dự đó như một sự vinh danh tới tất cả những ai đã trải qua cùng một cuộc chiến đấu ấy mà không nhận được một sự ưu ái nào, trái lại chỉ nhận lấy những bất hạnh và tai ương. Cuối cùng, từ trong sâu thẳm lòng mình, tôi xin cám ơn quý vị và xin hứa công khai bày tỏ lòng biết ơn, trước sau vẫn là một lời hứa thủy chung xưa cũ, mà người nghệ sĩ chân chính hàng ngày trong im lặng vẫn tự hứa với lòng mình.

...................

Đông Tây dịch từ nguyên bản tiếng Pháp

Phạm Toàn hiệu đính

(Nguồn: http://nobelprize.org)-Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây

(Văn hóa Nghệ An)

 

 

 

 

 

 


(1) A. Camus đọc trong tiệc chiêu đãi giải thưởng Nobel ngày 10/12/1957 tại Tòa Thị chính Stockholm.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *