QUAY VỀ CHỐN XƯA-TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN MỸ NỮ
Trước khi gã đàn ông này đi xa và người phụ nữ đây lập gia đình. Yêu bấy nhiêu là đủ, mà có yêu nữa cũng chỉ là… bấy nhiêu. Thế thì xa nhé. Cho đẹp!
Họ vốn là hai kẻ thơ mộng ngút trời.
Xa, trong buổi trưa hai mươi bốn tháng mười hai và nụ hôn còn thơm cay hương rượu chanh Hà Nội. Ngày ấy, kiếm được một chai thế là giỏi. Họ đưa nhau vào một con suối có tên là suối Tiên. Hai người hai xe đạp cho đỡ mệt vì cả hai đều gầy mà đèo thì cao và dốc, lại chẳng thấp tí nào. Họ cùng nhớ lại và có một lần nào đó đã đôi co chút đỉnh. Về cái gì ư? Cũng chả có gì và cũng chẳng đáng gì! Thì cũng là vặt vãnh mấy món đồ đem theo, hôm ấy. Cái gã này bảo có một lon đồ hộp với hai ổ bánh mì. Nhưng người phụ nữ không chịu, một hai đoan quyết là chỉ có mì không với lại một ít đường. Đấy là thức ăn no, chứ đồ ăn vặt với lại mấy thứ quả chua chua, chẳng phải là ít đâu nhỉ? Gã đàn ông nói mà như hỏi, không quên, cái thói quen búng mấy đầu ngón tay. Người phụ nữ khẽ gật đầu, không quên, tì tay chống cằm. Sao chị có thể quên vì chính mình, đã đi mua các thứ ấy mà. ổi, xoài, chùm bồ quân, hai khúc mía, mấy củ khoai luộc, một nải chuối cơm. Các thứ, khiến cái túi xách nhỏ đầy ứ và chùm sắn nước phải buộc túm lại ở đòn dông xe.
Tất nhiên, chai rượu là của gã đàn ông đem theo, thêm nước uống và một con dao nhỏ để cắt gọt trái cây. Sẽ không có chai rượu này, nếu hôm đó không là Giáng sinh. Noel không Thánh ca, tiệc mừng Chúa chào đời lúc nửa đêm. Không một chỗ đứng, bên nhau, trong sân giáo đường với vai co rụt, tay núp giấu trong túi áo len vẫn xuýt xoa vì lạnh. Là Giáng sinh trưa với suối với tình nhân, những mặn nồng khăng khít sắp được hưởng nhận và cuộc chia ly liền kề. Noel vậy, tình yêu vậy mà không rượu không có chút cay để say? Hơi men chếnh choáng trong tình yêu chếnh choáng, cũng chẳng chết được ai. Vẫn, đời nhau chỉ để lướt qua thôi mà. Có trụ lại nổi đâu. Có trì níu được đâu mà đòi cột buộc? Thế nên, có một lần ngã nghiêng liểng xiểng bởi rượu, bởi chia lìa cũng chỉ là khắc hằn, thêm nữa, một dấu ấn của hân hoan cùng đau đớn.
Đầu tiên, gã đây tính mua chai Rhum “bà chằn”. Ai mà chẳng biết, đó chỉ là nước lã pha cồn cộng với hóa chất màu mè gì đấy. Và cái thứ này gã và đám bạn uống hoài. Cả cô nàng người yêu của gã cũng dăm lần được nếm mùi, bảo cảm giác lâng lâng. Hay! Nhưng đau đầu. Gã cười: Đầu đau có là gì. Tim đau mới sợ! Mà trái tim của hai con người này, từ lúc dính dáp vào nhau đã thường xuyên đau. Thêm thứ Rhum pha cồn và hóa chất, không khéo, cả đầu cũng nổ mà bao tử cũng bung. Nên đắn đo và ái ngại mãi, để rồi quyết lòng kiếm cho được chai rượu ngon. May là có được chai hương chanh Hà Nội của ông bác. Ông này vốn nghiện nặng nên có chút rượu nào đến nhà là bà vợ đem giấu hết và quên lửng đi. Thế là thằng cháu tìm cách lấy. Gã chẳng hề ân hận về hành vi trộm rượu và còn hỉ hả, kể lại với người yêu.
Họ khởi hành từ lúc trời mới hửng sáng. Cuối tháng mười hai hãy còn mùa đông nên lạnh. Đến suối Tiên còn rất sớm và dòng nước, cỏ cây như thể phủ một lớp sương nhẹ. Thiên nhiên biết thế nhưng thiết gì. Chỉ là cần thôi! Quăng xe, cởi trút áo xống, lăn kềnh vào nhau, ôm riết và yêu cuồng rồi vùi trong nhau, ngủ từng chặp ngắn. Yêu và ăn và nhấp từng ngụm rượu. Yêu không cần dè xẻn nhưng rượu, chắc phải là tiện tặn rồi. Sự ham hố trai trẻ khiến họ nhầm lẫn. Bởi, cứ tưởng ham yêu sẽ bớt ăn đỡ uống, chẳng hay yêu nhiều ăn dữ, uống cũng chẳng vừa. Thế là, mọi thứ cứ veo bớt dần và đồ ăn cho suất trưa mới đến là thảm chứ! Chẳng sao. Rượu cũng còn được dăm bảy ngụm, chuyền chai nhau nhấp đến tận hết, hôn nụ cuối rồi lầm lũi về. Cô gái của ngày ấy tức là người phụ nữ của bây giờ, đã khóc. Và có vẻ, cái gã đây cũng vậy. Vào xế chiều của ngày hai mươi bốn tháng mười hai, khi rời bỏ suối Tiên. Rượu đâu đủ để say nhưng nước mắt quá thừa, để khóc. Khi ấy, họ cùng trên tuổi đôi mươi, cùng dở dang đại học, cùng vô công rỗi nghề. Cùng thầy chẳng được, thợ không xong. Việc nông không rành việc phố lớ ngớ. Cùng nghẽn trăm bước tới, cùng chật vạn ngõ ra.
Bí bách lắm và bức bối. Một trăm cây số, tháng có tháng không, chàng trai ngày đó tức gã đàn ông bây giờ níu càng xe than vào thành phố, lẩn quẩn với người yêu mấy tiếng đồng hồ rồi ra bến lại níu càng xe, trở về quê. Lại đường cày, gốc mạ, làm cỏ, rải phân… với đôi tay thư sinh lóng ngóng vụng về. Lại những khuya đêm, miệng nhạt, vớ đại gói thuốc rê của cha, cuốn một điếu to đùng bập phà bắt cóp má. Má cóp, bụng thắc thẻo và tim vêu vao. Có cách gì bụng đói nhưng trái tim no đầy và cuộc tình yên ổn? Người yêu gã có lần đề nghị mình cưới rồi anh đưa em về quê sống. Gã cũng chẳng buồn phản đối, bởi, biết cô ấy nói cho có ấy mà. Thành phố không cho việc làm và nông thôn lại không biết làm, dù có việc. Họ lọt thỏm và mắc kẹt vào một thời điểm cực kỳ là gay cấn của thế hệ mình. Gã không thể chọn một cô thôn nữ đảm đang việc ruộng đồng để lấy làm vợ. Và người yêu gã, có quyền không để được lựa chồng? Họ không thể trong muôn vàn sự có thể bởi, chỉ một điều duy nhất: muốn sống vừa với sức mình và không muốn sống khác mình.
*
Một trưa của ngày hai mươi bốn tháng mười hai, đúng hai mươi bốn năm sau. Gã một mình trở lại suối Tiên bằng chiếc tắc xi bắt từ khách sạn. Nắng lấp lóa và nỗi nhớ lấp lóa. Qua ngần ấy tháng năm, trái tim vẫn lệch vêu trong khi dạ dày ứ ngập thức ăn và cuộc sống, tạm coi là êm phẳng. Gã không thích rượu nhưng hay uống, một mình. Vớ vào là say. Vẫn thi thoảng là những cuộc say quên trời quên đất và vui, bởi quên được một Giáng sinh trưa của thời trai trẻ. Suối, những hăm hở mặn nồng và rượu hương chanh Hà Nội. Cái vui đó, hẳn là vui bé mọn và thứ vui đó, gọi được chăng: thấp hèn. Khi tỉnh táo, gã luôn nhận ra đã có một người luôn đi cạnh gã, vào ra, tắm táp và ăn ngủ cùng. Một người làm gã hạnh phúc và khiến day dứt. Một người làm gã thoáng chốc sướng vui nhưng đày gã triền miên khốn đốn. Một người mắt to, môi thắm đỏ thanh xuân, thầm thì trong gã bao nhiêu là câu hỏi. Những tra vấn trói chặt gã, thường xuyên. Chỉ khi say, tất thảy những thứ đó đều biến mất. Rồi sớm mai, khi tỉnh dậy trong ngôi nhà gã bên giường ngủ của gã lại hiển hiện một dáng nằm…
Gã đi bộ vào suối với duy nhất một chai rượu nhỏ cất trong túi áo. Không lạ bởi có nhiều thay đổi. Chỉ lạ, không nỗi nhớ cồn cào mà nỗi nhớ mông mênh. Gã giật thót người. Thấy sợ cho thứ cảm xúc này, khi trở lại nơi đây. Hai mươi bốn năm ra đi, từ chính cái chỗ này với duy nhất một thứ đem theo là nỗi nhớ. Không hy vọng không chờ mong. Chỉ nỗi nhớ, đổi chuyển sắc màu và cung bậc theo thời gian và nơi chốn. Gã chọn một tảng đá dưới lùm cây nơi có dòng nước đục ngầu nhiều rác rưởi, đi qua. Rượu nhấp môi và mắt, loanh quanh dòm ngó. Sao nhiều cặp tình nhân đến thế? Họ yêu hiện đại nên nhanh. Ngày trước gã yêu cổ điển nên chậm. Nhanh, nên muốn rời nhau ra quá dễ. Và chậm, muốn đành đoạn nhau sao khó khổ trăm bề. Có một tên trẻ trẻ lại làm quen và xin được cùng uống. Gã hất mặt:
- Nói đi. Muốn uống hay cần? Cần, một giọt đây cũng không cho. Nhưng muốn, xin mời.
- Thế bác đang uống, là muốn hay cần?
- Có khi là thế này. Có lúc lại thế khác. Nhưng ngay giờ thì là cả hai.
Cậu nhỏ ngồi với gã suốt cả buổi sáng hai mươi bốn đó. Một chàng trai có khuôn mặt non tơ dù cho biết đã hai sáu tuổi, sắp lấy vợ và vừa hay người đó không thủy chung. Cậu ấy chỉ các cặp dấm dúi trong các bụi bờ, bảo: “Tụi này yêu kỳ. Bọn cháu không thế!”. Gã gật gù: “Biết đâu, đó là lý do cô ấy có người tình khác. Cũ, chẳng giống ai nên đâm ngại. Mới, như mọi người lại hóa hay!”. Cái anh chàng này rất được. Biết im nhiều hơn nói và nói nhiều hơn uống khiến gã thấy an tâm. Mường tượng, có một kẻ ba hoa liên hồi và uống liên miên rồi say bên cạnh mình, chắc là điên mất. Chừng về, chàng trai không cho gã gọi tắc xi và với cái xe gắn máy, cả hai có một chiều và tối hai mươi bốn nhiều kỷ niệm. Họ đi lễ ở một nhà thờ nhỏ xây chênh chếch sườn đồi. Núi, là tên của ngôi giáo đường này và gã có biết. Trước đây, không hay bằng bây giờ nhưng trông cũng ấn tượng. Có một cây cầu được bện bằng dây, đi qua một con suối nhỏ để đến cổng nhà thờ. Giờ, rất khác và rất đẹp. Giáo đường vẫn tựa vào núi nghiêng với đá, nhiều vô kể. Đá là lối lên, ngõ xuống. Là từng bậc cầu thang cao và thấp, thẳng và xuôi. Những ghềnh đá những tảng đá ở vị trí cao nhất rồi thấp dần và cuối cùng là Cung Thánh có mái vòm, tất nhiên, cũng bằng đá. Giáo dân thích ngồi đâu thì đó, đá la liệt cứ việc tùy nghi. Những chỗ ngồi vòng xoay bên cạnh cây, hoa, các tượng Thánh và nến. Hết thảy đều lung linh và ấm áp trong lễ đêm mừng Chúa ra đời.
Khi ca đoàn hát “Đêm thánh vô cùng” gã đàn ông bật khóc nức nở, khiến chàng trai mới quen ngẩn ngơ. Hai mươi bốn lần Giáng sinh và trong lễ đêm, cứ nghe đến bài này, gã đều thế! Khóc, để nhận ra trái tim mình bị đập dữ dội, nào bởi những cú đấm bạo tàn. Mà bởi những thánh thót vút cao. Những bay bổng, có khi lại làm xót xáy tâm hồn hơn vạn lần những trụi trần, thô ráp. Cái đau ngọt ngào ấy cái đau kinh hoàng, xiết xoáy. Sao em không trách tôi một lần sao em không rủa xả, sao em lầm lụi đạp xe đi? Nụ hôn cuối và cuộc yêu cuối đẫm thơm bờ môi và thân thể hương rượu chanh Hà Nội. Sau Thánh lễ chàng trai chở gã về chỗ nghỉ và nói, cháu không thể đi cùng bác hết đêm này. Cháu nhớ người yêu quá và cháu muốn gặp cô ấy ngay. Ngang sảnh, cô bé tiếp tân cho biết khách sạn có tổ chức réveillon ở phòng ăn cho mấy nhóm ngoại quốc và những khách du lịch Việt. Chân đã dợm bước vào lại muốn quay ra. Gã đâu lạ mấy cái kiểu tiệc tùng này và rất ghét. Nhưng đêm chưa qua hết, biết làm gì? Thôi thì vào nhâm nhi ly rượu nhìn mọi người ăn uống, nhảy múa và ồn ĩ chúc mừng. May ra, nhặt được một mẩu vụn vui vui gì đấy.
Gã gặp lại người đàn bà của đời mình, ở đó!
*
Họ chọn một góc phòng tiệc để điếng hồn, ngồi lại với nhau. Họ ủ tay nhau và nhận ra có bao ngón guộc gầy đang run lên, bần bật. Và mải miết và hun hút nhìn nhau. Cũng như gã, người phụ nữ này muốn trở về thành phố cũ vào tháng mười hai. Thích riêng mình trải qua ngày hai mươi bốn. Cũng không rõ lắm để làm gì? Nhưng bao tháng ngày đã qua và bao khát thèm, dồn tụ. Không trượt qua nổi không thể chuội đi, những thúc hối càng lúc càng dữ dội hơn và riết róng réo đòi. Người phụ nữ cũng đã phải rời bỏ nơi này và đi, sau gã sáu ngày và ba tháng. ở lại ư? Sao có thể, khi việc kết hôn đổ bể. Cái này gọi là thất hôn, chắc được? Thất tình dẫn tới thất hôn chứ còn thất nghiệp? Người đàn bà của đời ông, ung dung ngồi nhẩm tính: thất tình có một lần, thất hôn đúng ba lần và thất nghiệp, nhiều đến không tính nổi. Tự vì có nghề ngỗng gì đâu mà mất với lại còn nhưng việc làm, lụi xụi dăm bảy năm đầu rồi cũng tìm ra hướng đi. Gã đàn ông vẫn lặng câm không nói nổi một lời. Ông dẫn bà về phòng mình bằng cầu thang bộ và cứ níu chặt lấy tay người tình. Làm như không thế, bà sẽ vuột khỏi ông và biến mất. Suốt đêm còn lại, họ ở đó. Với bà ngồi trên giường và ông bệt cả thân mình dưới thảm, úp mặt vào khoảng đùi của người yêu và từng chặp, nấc lên.
Bà chưa hề lập gia đình, như gã đàn ông từng nghĩ.
Ông chưa hề kết hôn, như người phụ nữ hằng tin.
Họ đã là thế với người này, kẻ khác. Những ai ai đó vì nguyên cớ này lý do nọ đã lỡ vướng víu vào họ rồi bẽ bàng, chia tay. Họ cũng với nhau như vậy cho đến tận cuối đời. Đó, đã là một thề nguyện. Chúa nào chứng giám và pháp luật nào thực thi cho cái sự không lấy nhau đâu nhỉ? Và thế! Không Thượng đế không loài người. Họ và một cuộc yêu, chưa hề ngưng nghỉ cho tới lúc nhắm mắt xuôi tay. Có một viên sỏi người đàn ông đã nhặt được ở suối Tiên, ngày về. Và gọi đó vật chứng tình yêu.
Trước, yêu bấy nhiêu là đủ nên xa cho đẹp. Giờ, yêu thế cho hiền và để khỏi mất nhau. Hiền vần “h” nên sẽ là hơn là hay là những gì gì đó! Cũng đều là hướng cả về những điều tốt thôi mà. Giả như, sẽ không phải thất vọng và thất lạc nhau thêm nữa. Giả như, sẽ không bị phiền nhiễu và phiền lụy khi chung sống vợ chồng. Hai mươi bốn năm đã qua, quả là kinh khiếp nhưng mười năm vừa rồi, mới đến là tuyệt vời. Gã đàn ông giờ hấp dẫn trong sự khôn ngoan từng trải. Và người phụ nữ sắc sảo trong những điềm đạm, rất duyên. Một lần gặp lại mở ra những hẹn hò. Những mùa Giáng sinh quay về chốn cũ và trải qua với nhau một ngày của tháng mười hai. Họ không có ý định trở lại suối Tiên vì rất rõ, sao kiếm được một hương chanh Hà Nội giữa thời buổi bây giờ. Không lạ, khi không còn một thứ rượu của thời túng thiếu ngày xưa nhưng lạ, khi không giữ được một dòng suối nước đầy và trong xanh thơ đẹp, thuở nào. Ông cũng hết hẳn nhu cầu say và không cần nữa những ly rượu mạnh. Nhưng thèm muốn quá, những ngụm vang nhấm nháp cùng nhau.
Phải rồi, là rượu vang cho những trưa hai mươi bốn.
Nguồn Văn nghệ số 8/2014