Từ đời vào văn

3/6
8:38 AM 2017

KÝ ỨC TUỔI THƠ

Phạm Văn Thúy-Đời người, dường như không ai là không có những ký ức. Ký ức buồn. Ký ức vui. Và buồn vui hoà quyện. Không ngoại lệ! Tôi không nằm ngoài dòng chảy âm thầm đó. Thật tình, tôi biết ơn. Biết ơn ngàn lần những ký ức của tôi.

Bởi nó là “vỉa quặng” không những gợi mở cho ta hiểu thêm về những chuyện cười ra nước mắt của một thời đã qua, mà còn ẩn chứa bao điều sâu xa, thi vị.

Những ngày tuổi thơ, cắp sách đến trường, bạn học cùng lớp kêu tôi bằng cái tên đầy ẩn ý: Thằng hôi trâu! Mới nghe tức đầy bụng. Tôi chửi. Tôi la. Tôi đuổi đánh… bọn chúng. Bọn chúng càng chọc tức tôi nhiều hơn. Về nhà, nước mắt ngắn nước mắt dài, tôi hỏi mẹ sao chúng lại kêu con là thằng hôi trâu? Mẹ tôi ôm tôi vào lòng, ngùi ngùi bảo: Đi mà hỏi bố con!


Thời ấy vào những năm 1959 - 1963 của thế kỷ XX, phong trào thành lập hợp tác xã nông nghiệp trên miền Bắc xã hội chủ nghĩa nở rộ như hoa mùa xuân. Gia đình tôi là một trong những gia đình nghèo khó của xóm, nhưng là gia đình nông dân “cốt cán”. Bố tôi lại là đảng viên nên khi thành lập hợp tác xã nông nghiệp liên xóm (lấy tên hợp tác xã Hoàng Sơn Phú), ông được bà con bầu làm chủ nhiệm. Phải nói bố tôi là người tháo vát, năng nổ và nhạy bén, nhưng ông là người thuộc “nhóm máu” thành tích. Bố tôi biết lo cho bà con xã viên nên được mọi người quý mến. Ông lãnh đạo hợp tác xã mấy năm liên tục dẫn đầu các phong trào thi đua và đạt năng suất lúa cao nhất nhì trong các hợp tác xã nông nghiệp của xã Trực Cát, huyện Trực Ninh, vì thế hợp tác xã Hoàng Sơn Phú của bố tôi được chọn là “điểm” và, là “ngọn cờ đầu” của xã. Vinh dự đấy! Tự hào đấy! Nhưng có một nghịch lý ai cũng biết, thế mà không một ai dám kêu ca: Càng “điểm”, càng “ngọn cờ” thì càng khổ! Hễ có phong trào gì là cấp trên lại lấy hợp tác xã Hoàng Sơn Phú làm “điểm”, từ đó rút kinh nghiệm, nhân ra toàn xã. Ngày ấy hợp tác xã nông nghiệp có nhiều phong trào, như: Nuôi bèo hoa dâu, cấy lúa chăng dây thẳng hàng, trồng điền thanh ủ phân xanh… Và có một phong trào “nuôi lợn bằng phân trâu”, mà các cụ bảo xưa nay chưa từng thấy. Mới nghe ai cũng… ngỡ ngàng.

Tối hôm ấy cả nhà cơm nước xong, tôi vào nhà học bài. Ngoài sân bố tôi “kéo” điếu cày sòng sọc. Ông “bắn” hết “viên” này đến “viên” khác. Khói thuốc sộc vào nhà khét lẹt làm tôi mất tập trung. Bất ngờ bố tôi bảo mẹ tôi, bà phải ủng hộ tôi trong chuyện này. Mình là chủ nhiệm hợp tác xã, mình phải gương mẫu, phải đi đầu trong phong trào chăn nuôi này mới được. Mình không làm thì nói ai người ta nghe… Mẹ tôi cằn nhằn, từ trước tới nay, phong trào nào của hợp tác xã tôi cũng ủng hộ ông. Riêng phong trào này tôi thấy lạ lùng. Ai đời… nuôi lợn bằng phân trâu bao giờ! Bố tôi vỗ ống điếu bôm bốp, giọng dứt khoát: Tôi đã quyết! Vì phong trào chung, vì thành tích của hợp tác xã, tôi đã đăng ký thi đua với trên. Không nhiều lời, nhất định bà phải giúp tôi thực hiện bằng được công việc này. Sáng mai bà lên xã “tập huấn” về cách nuôi lợn mới, do cán bộ kỹ thuật chăn nuôi cấp trên xuống hướng dẫn… Mẹ tôi ậm ừ. Tôi nghe tiếng quạt mo trên tay bà phành phạch. Không biết bà xua muỗi hay xua những bí bức trong lòng.

Gọi là “tập huấn” về cách nuôi lợn bằng phân trâu, nhưng cũng chỉ có mấy người, trong đó có mẹ tôi. Về nhà mẹ tôi kể: Cán bộ nói cũng có lý. Chó ăn phân người, chó cũng béo tốt phổng phao. Chứng tỏ trong phân người có chất bổ dưỡng. Như vậy, nhất định trong phân trâu cũng có chất bổ. Bà con cho lợn ăn phân trâu vừa đỡ tốn cám, vừa tiết kiệm được chi phí chăn nuôi. Lợn chóng lớn. Một công lợi đôi ba việc… Kể xong bà thở dài bảo, lại khổ cái thân tao và mấy đứa chúng mày!

Ngày ấy nuôi lợn còn tự phát, thủ công và cổ truyền lắm, chưa có nhiều dấu ấn của khoa học kỹ thuật chăn nuôi. Giống lợn đa phần là lợn ỉ và Móng Cái. Nuôi bảy, tám tháng mới được bốn, năm chục ký lô là cùng. Thức ăn chủ yếu là bèo ta, khoai các loại và tấm cám gạo. Bèo và khoai được thái nhỏ cho vào nồi nấu chín rồi quậy đều với tấm cám, để nguội, đổ vào máng cho lợn ăn.

Nhà tôi đã có nồi đồng bảy để nấu cám, nhưng hơi nhỏ, nên hôm sau mẹ tôi đội một thúng thóc ra chợ bán rồi mua cái nồi mười bằng đồng thau, to đùng, nấu cho rộng rãi. Năm đó tôi chín tuổi. Là con trai cả, ngoài việc học hành ra tôi còn giúp mẹ đắc lực những việc vặt trong nhà, nhất là việc nấu cám lợn với phân trâu. Mẹ tôi trực tiếp cầm tay tôi, chỉ việc: Trước khi nấu đổ vào nồi một tô đầy phân trâu tươi, quậy đều, đun sôi cho bay bớt mùi hôi rồi cho khoai, bèo, tấm cám vào sau. Tôi thấy cách nấu cũng đơn giản, không khó khăn gì cả, chỉ phải cái mùi phân trâu bốc lên nồng nồng, hăng hắc, hôi hôi… xộc vào mũi rất khó chịu. Toàn thân tôi như được ướp mùi hôi của phân trâu, nên đi đến đâu cũng cũng không thể giấu ai được. Vì thế tôi mới có biệt danh “thằng hôi trâu”. Mỗi khi nấu, mấy nhà xung quanh hỏi mẹ tôi bác nấu gì mà bốc mùi hôi trâu nồng khét vậy? Mẹ tôi ậm ờ… nấu cám chớ còn nấu gì. Ngày đó chưa có khái niệm “ô nhiễm môi trường” nên không hề hấn gì. 

Bữa đầu tiên bố tôi trực tiếp cho lợn ăn cám nấu với phân trâu. Bốn chú lợn choai choai nghe mùi lạ, sục mõm xuống đáy máng sủi ùng ục, ùng ục. Chúng đảo thức ăn tung toé rồi giương đôi mắt đen nhánh nhìn bố mẹ tôi như dò hỏi. Mẹ tôi vỗ vỗ lưng chúng động viên: Ngoan nào! Ăn đi! Có thêm phân trâu bổ lắm đấy. Ăn nhiều chóng lớn nghe con… Chẳng biết chúng có hiểu gì không, chỉ thấy chúng ủn ỉn om sòm cả chuồng. Thấy thế bố tôi bảo, phải kiên trì, không được nản chí. Thấy thức ăn lạ chúng ủi đấy mà. Bà yên tâm, bỏ đói mấy bữa chúng sẽ ăn như điên cho mà xem. Quả vậy, lợn là giống phàm ăn, mấy bữa sau chúng ăn ngon lành như chẳng có chuyện gì xảy ra cả.

Ngại nhất là sáng nào tôi cũng phải dậy sớm để đi hốt phân trâu tươi, vì sáng sớm người ta dắt trâu đi làm đồng hay đi chăn thả, trâu có thói quen ỉa bậy trên đường đi. Gặp bãi phân nào còn nóng hổi tôi nhanh tay hốt vài tô đem về. Vô tình gặp ai, xấu hổ, tôi cúi mặt không dám nhìn lên. Thấy bất tiện, bố tôi nhận nuôi một con trâu của hợp tác xã. Ông bảo một công đôi việc, vừa tăng thu nhập vừa không phải đi hốt phân trâu.

Nhà tôi nuôi lợn theo phương pháp mới được vài tuần thì tiếng tăm lan khắp xã. Không biết bố tôi báo cáo “kết quả” với xã thế nào, mà mẹ tôi suốt ngày bận rộn phải tiếp hết “đoàn” này đến “đoàn” khác tới tham quan, học hỏi. Mấy ngày thành quen, mẹ tôi bị trở thành “hướng dẫn viên”, “thực hành viên” nấu cám lợn bằng phân trâu ngay trong bếp nhà mình một cách tỷ mỉ và thành thạo. Thấy thế, bố tôi vui lắm! Phấn khởi lắm! Ông động viên: Cuối năm hợp tác xã và nhà mình giật giải thi đua, tôi sẽ mua cho mẹ con bà mấy bộ quần áo mới… Mẹ tôi cười cười bảo, ông đừng như cánh bướm nha!

Nấu cám với phân trâu! Ngày ấy, đối với quê tôi là chuyện lạ. Không lạ sao được, bởi cổ kim, đông tây chưa từng thấy. Vì thế mới sinh ra những chuyện tếu táo, đồn thổi, góp phần làm dịu những giọt mồ hôi tảo tần của những người nông dân một nắng hai sương. Người ủng hộ có. Kẻ chê bai có. Thế mới là cuộc sống! Có người bảo ông chủ nhiệm làm trước, làng nước theo sau. Nhưng làm gì thì làm chứ nấu cám lợn với phân trâu thì tôi vái, nó sẽ làm uế tạp nhà bếp. Làm mất lòng ông Táo. Ông Táo giận, có mà quanh năm cơm sống cháo khê… Lại có người giề bỉu, còn lạ gì ông chủ nhiệm Hoàng Sơn Phú, chỉ vì thành tích và khen thưởng mà thôi. Nhà ông ấy chỉ còn thiếu cái giấy khen nuôi lợn bằng phân trâu… Có người xen vào, khen thưởng đâu chưa thấy, chỉ làm khổ vợ khổ con. Có người nói như đinh đóng cột, đấy rồi mà xem, không khéo lợn nhà chủ nhiệm sẽ thành mấy con cóc ghẻ trong chuồng, mới đẹp mặt… Họ còn đồn đại: lợn nhà chủ nhiệm cho ăn phân trâu, da dẻ bóng láng, lớn nhanh như thổi, trông đẹp như tranh. Mỗi tháng tăng cân mấy chục ký lô. Khi mổ lợn, thịt ngon lắm! Giá thịt chắc phải gấp đôi giá lợn thường. Nhà chủ nhiệm sắp giàu to. Bà con phải ráng mà học tập, làm theo…

Tuy chỉ là chuyện phiếm cho vui, nhưng mẹ tôi không thể bỏ ngoài tai. Mẹ tôi kể lại với bố tôi. Ông khoát tay, giọng đầy tự tin: Mặc kệ người ta. Việc mình, mình làm. Không nghe ai hết. Phải giữ vững “lập trường”. Không được nản chí. Mình phải tin vào việc mình làm chứ. Nhất định sẽ thành công. Bỏ cuộc giữa chừng, vừa mất uy tín vừa làm trò cười cho thiên hạ. Lần sau nói ai thèm nghe! Giọng mẹ tôi ỉu xìu, nuôi hết lứa này thôi ông nhé… Bố tôi lặng thinh, tay với chiếc điếu cày rít sòng sọc, phun khói đầy nhà.

Mấy tháng sau, để động viên khích lệ kịp thời phong trào chăn nuôi, bố tôi và dăm nhà nuôi lợn như bố tôi được xã tặng mỗi nhà một giấy khen: Vì đã có “thành tích” đi đầu trong phong trào chăn nuôi mới. Biết tin, ban chủ nhiệm hợp tác xã cùng mấy anh đội trưởng đội sản suất và bà con xóm ngõ đến chúc mừng. Bố tôi hả hê nói cười luôn miệng. Chẳng lẽ để họ đến mừng suông! Ông bảo mổ con chó của nhà tôi ra đánh chén. Rượu vào lời ra. Bố tôi chém tay vào không khí, thành tích là thành tích chung, nhưng không có tớ gương mẫu đi đầu thì làm gì có khen thưởng và bữa chén như ngày hôm nay… Mọi người vỗ tay bồm bộp. Bố tôi sướng rơn trong bụng. Ông nâng cốc chúc từng người. Có anh tán dương, chủ nhệm nói đúng quá chứ lị… Không có cái vụ nuôi lợn bằng kỹ thuật mới, bọn em làm gì được uống rệu và ăn sịt chó nhà chủ nhệm… Anh Hà, đội trưởng, láu lỉnh: Từ cái vụ nuôi lợn bằng phân trâu mà suy ra, phân trâu có thể nuôi được cả gà, cá, vịt ngan không chừng… Ông Quý - phó chủ nhiệm phẩy tay, chú bốc đồng vừa vừa thôi. Phân trâu làm sao mà nuôi được gà vịt? Anh Hà vội nói: Em không dám bốc đồng! Bác bình tĩnh. Để em nói hết ý đã. Này nhé! Ta gom phân trâu lại, ủ cho đến lúc sinh dòi nảy bọ. Lấy dòi bọ cho gà vịt ăn. Gà vịt có mà lớn nhanh như thổi… Mọi người gật gù, tán thưởng, chú Hà nói có lý, có lý… Thưởng, thưởng chú Hà một cốc rượu đầy… Ông Quý đột ngột hỏi bố tôi:

- Tôi hỏi thật ông nhá. Ai là người nghĩ ra cách nuôi lợn bằng phân trâu, ông có biết không?

Bố tôi ngớ người ra:

- Ờ… ờ… Tôi đâu có biết. Tôi có hỏi xã, xã bảo lên huyện mà hỏi.

Ông Quý hỏi:

- Thế ông có hỏi huyện không.

Giọng bố tôi ngà ngà, tưng tửng:

- Hỏi mà làm gì. Không chừng huyện lại bảo lên tỉnh. Tỉnh bảo lên Hà Nội. Phiền phức lắm! Lên Hà Nội… Hà Nội bảo ra nước ngoài mà hỏi thì rách việc. Hơi đâu!

Cả mâm cười nghiêng ngả. Có người nói, hãy chén no say cái đã. Trên bảo sao ta cứ thế mà làm, tìm hiểu cặn kẽ mà làm chi! Tôi cam đoan không có ai biết đâu mà hỏi. Chắc chỉ có trời biết, Phật biết mà thôi…

Tan tiệc rượu, mẹ tôi vừa dọn dẹp vừa càu nhàu, khen với chả thưởng! Tự dưng nhà mình mất toi con chó đốm…

Rồi một hôm cán bộ văn hoá xã dẫn đến nhà tôi một anh nhà báo. Nhà báo chụp ảnh và phỏng vấn bố mẹ tôi. Anh ta hỏi: Nhà ta nuôi lợn bằng phân trâu được mấy tháng rồi? Bố tôi bảo được hơn 6 tháng - Ông thấy phương pháp nuôi truyền thống và phương pháp nuôi mới có khác biệt gì không - Bố tôi cười cười, nói, khác chớ! Khác nhiều lắm, một đằng không cho ăn phân, một đằng cho ăn phân trâu - Theo cách nuôi mới, nhà ta tiết kiệm được bao nhiêu tấm cám so với cách nuôi truyền thống - Không đắn đo, bố tôi khẳng định, chả giấu gì nhà báo, tiết kiệm được khoảng 50 phần trăm tấm cám - Có nghĩa là… với số tấm cám trước đây nhà ta chỉ nuôi được hai con thì nay nuôi được bốn con? - Không cần suy nghĩ, bố tôi bảo, đúng thế, đúng thế - Vậy lợn nhà ta mỗi tháng tăng trọng được bao nhiêu ký lô - Bố tôi ngập ngừng giây lát. Rồi ông quả quyết, mỗi tháng tăng trọng được từ 15 - 18 ký lô. Nhà báo chiếu ánh mắt ngờ vực vào bốn con lợn tội nghiệp trong chuồng. Nhưng không thấy anh ta hỏi gì thêm. Bố tôi thở phào nhẹ nhõm.

Sau khi tiễn nhà báo, mẹ tôi cằn nhằn: Ông bốc phét vừa vừa thôi. Người ta nghe ông có mà đổ thóc giống ra xay đấy. Ông làm khổ vợ con thế là đủ rồi, đừng làm khổ những gia đình khác nữa… Bố tôi nghiêm giọng: Bà chớ có nói lung tung. Tôi làm vì thành tích của hợp tác xã và gia đình mình thôi. Tôi có làm cho riêng tôi đâu. Mẹ tôi bảo, vẫn biết thế, thành tích ai mà chả ham. Nhưng ông say thành tích đến nỗi không đoái hoài gì đến việc làm cực khổ của vợ con. Thành tích ấy tôi không thèm… Bố tôi vớ lấy điếu cày rít sòng sọc, khói thuốc lấn cấn bay trong không gian của ngôi nhà trống trải.

Bảy tháng sau, phân trong chuồng lợn nhà tôi đầy ắp, cũng là lúc bầy lợn đến kỳ xuất chuồng. Mẹ tôi tất tả gọi hết hàng giáp này đến hàng giáp khác, ai cũng lắc đầu. Họ bảo, người ta biết lợn nuôi bằng phân trâu, không ai mua, thịt của em ế à! Bà thông cảm. Mẹ tôi đành bán cho cửa hàng thương nghiệp. Tuy giá có rẻ hơn đôi chút, nhưng thế là còn may. Ấy vậy mà bố tôi còn đeo đẳng nuôi đến lứa thứ hai thì ông bỏ. Và, cả xã không còn thấy ai nuôi lợn bằng phân trâu nữa. Từ đó, cái gọi là “kỹ thuật chăn nuôi mới” tự biến mất. Nó lặng lẽ nhận “bản án” thanh lọc nghiêm khắc của thời gian. 

Để con cái tập trung vào việc học hành, bố tôi trả lại trâu cho hợp tác xã. Lúc này tôi mới hiểu tấm lòng của bố mẹ tôi, thương yêu chúng tôi biết nhường nào!

*

Cái gì phù phiếm và vô lối, trước sau rồi cũng lắng chìm theo dòng chảy thời gian, nhưng tiếng tăm nhà tôi nuôi lợn bằng phân trâu còn lâu mới lắng chìm trong lòng người ngày ấy. Nay tôi đã ngoài sáu mươi, thế mà, mỗi lần về thăm quê, mấy cụ cao niên trong xã còn nhắc lại chuyện xưa. Các cụ không có ý trách cứ, phê phán hay đổ lỗi cho ai cả - nhất là đối với bố tôi. Các cụ chỉ muốn nhắc nhở con cháu: Có một thời ông cha mình như thế, để cháu con làm việc gì cũng phải tỉnh táo… Chớ có giản đơn, cả tin đến mê mụ như cha ông một thuở.

Trước bàn thờ, tôi thành tâm thắp nén nhang xin phép bố mẹ được đưa bài viết này lên mặt báo. Trong khói hương trầm mặc, lời bố tôi như văng vẳng từ cõi xa xanh: Con hãy đưa lên báo để hôm nay và mai sau, biết và hiểu được, có một thời và có một lớp người như thế! Họ sống và làm việc hết mình, hồn nhiên và giản đơn vì công việc chung. Hồn nhiên và đơn giản đến ấu trĩ mà không hề hay biết. Đó cũng là thông điệp gửi cuộc sống, để cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn con ạ… 

Trong ngan ngát khói hương, lòng tôi bỗng rưng rưng!

Nguồn Văn nghệ số 16/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *