GỬI EM Ở CUỐI SÔNG HỒNG-TỪ THƠ ĐẾN NHẠC
Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt 5 (2017) được trao cho 18 tác giả gồm: Nhạc sĩ Doãn Nho, GS. TS. NSND Lê Ngọc Canh (Lý Lai Anh), NSND Chu Thúy Quỳnh, TS Trần Đình Ngôn, Soạn giả sân khấu Nguyễn Thế Khoán (Mịch Quang), GS. NSND –Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Bằng, PGS – nhạc sĩ Triệu Đạt Hiền (Chu Minh), Nhà văn Nguyễn Xuân Thiều (Xuân Thiều); nhạc sĩ Hoàng Phi Hồng (Hoàng Hà, Cẩm La); Nhà văn Trần Hữu Mai (Hữu Mai); Nhà thơ Xuân Quỳnh, Nhạc sĩ Đinh Ngọc Liên, Nhà thơ Thu Bồn, Nhà nghiên cứu Van hóa dân gian Ninh Viết Giao, Nhà điêu khắc Tạ Quang Bạo, NSND Trần Bảng, Nhà nhiếp ảnh Lương Nghĩa Dũng và Nhạc sĩ Thuận Yến.
Nhạc sĩ Thuận Yến được vinh danh với các ca khúc nổi tiếng, những bài hát “đi cùng năm tháng” được nhiều người yêu thích: Gửi em ở cuối sông Hồng, Con gái mẹ đã thành chiến sĩ, Vầng trăng Ba Đình, Chia tay hoàng hôn, Người về thăm quê. Chùm ca khúc này là những ca khúc lãng mạn cách mạng viết về tình yêu của những người lính với đất nước, quê hương, với Bác Hồ kính yêu. Bài hát Gửi em ở cuối sông Hồng được nhạc sĩ viết trên nền bài thơ cùng tên của nhà thơ Dương Soái. Sinh thời nhạc sĩ Thuận Yến có lần kể rằng, trong một chuyến công tác lên biên giới sau cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phia Bắc, năm 1980 ông đã gặp vợ chồng một chiến sĩ. Vợ quê Thái Bình, chồng đang chốt ở biên giới Bát Xát, thượng nguồn sông Hồng. Người con gái trẻ kể với nhạc sĩ rằng, anh chị vừa cưới nhau được ít ngày thì chiến tranh nổ ra, chồng chị được lệnh lên đường lên biên giới chiến đấu... Và chị đã lặn lội lên biên giới gặp chồng. Nghe chuyện, nhạc sĩ Thuận Yến rất xúc động, ông bảo ông muốn viết một bài hát về chuyện tình của người lính trẻ này lắm nhưng chưa viết được. Phải đến khi gặp bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng của Dương Soái thì câu chuyện tình yêu trong chiến tranh kia mới ra đời.
Bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng được Dương Soái viết trong những ngày đầu chiến tranh chống quân xâm lược trên biên giới phía Bắc. Khi ấy, ông là phóng viên của Đài phát thanh Hoàng Liên Sơn (nay tách thành hai tỉnh Lào Cai và Yên Bái) , được cử lên mặt trận ngay trong tháng 2/1979 và tận mắt chứng kiến cảnh chiến tranh khốc liệt, tinh thần chiến đấu dũng cảm, ngoan cường của bộ đội ta; đặc biệt là các chiến sĩ chặn giữ chốt. Vào một ngày, lúc tạm yên tiếng súng, dưới mái một ngôi nhà lá ở Phố Lu, trong tâm trạng của một người lính nơi chiến trận, Dương Soái đã viết bài thơ tràn đầy cảm xúc nhớ thương gửi người yêu ở hậu phương. Bài thơ được in trên tờ tạp chí của Hội Văn học - Nghệ thuật Hoàng Liên Sơn, sau đó Tuần báo Văn nghệ Hội nhà văn Việt Nam in lại. Dương Soái sinh năm 1950 ở Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, nhưng sống nhiều năm ở vùng biên cương và “gắn bó máu thịt” với miền đất Lào Cai như câu thơ ông viết:
Những thơ ngây đâu còn ở chúng mình
Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi Lao Cai trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng, anh giữ ngọn nguồn sông
(Gửi em ở cuối sông Hồng)
Bài thơ Gửi em ở cuối sông Hồng của Dương Soái không chỉ được nhạc sĩ Thuận Yến phổ nhạc thành ca khúc, thành “Giai điệu tự hào” mà còn được giọng ca vàng các cặp đôi ca sĩ nổi tiếng như: Thu Hiền – Trung Đức, Trọng Tấn - Thanh Hoa, Trọng Tấn – Anh Thơ, Việt Hoàn – Anh Thơ... chắp cánh cho bay cao, bay xa. Bài hát gồm hai lời, với giọng ca nam nữ mang một âm hưởng vừa sâu lắng vừa trữ tình, nhưng cũng rất giàu chất chiến đấu:
Anh ở biên cương nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Ở nơi anh đầu nguồn con nước, lắng phù sa in bóng đôi bờ.
Anh ở biên cương, biết rằng em năm ngóng tháng chờ,
Cứ chiều chiều ra sông mà gánh nước,
Nên ngày ngày cùng bạn bè trên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thỏa lòng em mong.
Em ở phương xa, nghe đài báo gió mùa đông bắc,
Em thương anh nơi chiến hào gặp rét.
Mà em thương anh... chiều nay đang đứng gác,
Lo canh giữ đất trời, áo ấm có lạnh không,
Hỡi anh yêu, người chiến sĩ biên thùy !
Có gì đâu tấm lòng người chiến sĩ,
Có tình yêu (bốn mùa sưởi ấm).
(Dù gió mưa), (dù mùa đông),
(Vì rằng em) luôn ở bên anh (2)
2.
Em ở phương xa, nơi con sông Hồng chảy về với biển,
Ở trên anh đầu nguồn biên giới, cuối dòng sông nơi ấy quê nhà.
Em ở phương xa, cách mười sông ba núi bốn đèo,
Cứ chiều chiều ra sông mà gánh nước
Đem lòng mình gửi về miền biên giới.
Sao chẳng nói nên lời nhưng nặng tình yêu thương.
Anh ở biên cương sương lạnh giá biết mùa đông tới.
Nơi quê hương em bước vào vụ mới.
Rằng anh thương em, đồng quê chưa cấy hết,
Tay em ngập dưới bùn, lúa cấy thẳng hàng không,
Hỡi em yêu ở cuối sông Hồng !
Thấy dòng sông sóng ngầu lên sắc đỏ
Biết là anh nhớ về em đó
(Là chiến công), (là niềm tin),
Là tình yêu em gửi cho anh.
Anh gửi cho em
Em gửi cho anh
Anh gửi cho em
Là tình yêu... ta gửi... cho nhau...
Theo nhà thơ Dương Soái, mới đầu nhạc sĩ Thuận Yến viết Gửi em ở cuối sông Hồng đơn ca theo bài thơ gốc của Dương Soái. Nhưng NSƯT Thanh Hương, vợ nhạc sĩ Thuận Yến đã khuyên ông nên viết song ca cho ca sĩ có “đất” để giao lưu và Thuận Yến đã biến Gửi em ở cuối sông Hồng thành bài song ca nam nữ 2/3 gồm lời 1, lời 2 như hiện nay.
Năm 1999, nhân Kỷ niệm 55 năm thành lập QĐND Việt Nam, ca khúc Gửi em ở cuối sông Hồng ra đời, ca khúc đã được Bộ Tư lệnh Biên phòng trao giải thưởng Bài hát được các chiến sĩ bộ đội biên phòng bình chọn là hay nhất. Trước đó, năm 1994 bài hát đã được tặng Giải thưởng Bộ quốc phòng
Nhạc sĩ - Đại tá Thuận Yến, tên thật là Đoàn Hữu Công sinh ngày 15 tháng 8 năm 1932 tại Quảng Nam, mất ngày 24 tháng 5 năm 2014 tại Hà Nội. Ông nhập ngũ từ năm 1953, tham gia chiến đấu tại mặt trận Bắc Tây Nguyên. Tại đây, ông đã viết những ca khúc đầu tay như "Hò dân công" hay "Thi đua sản xuất”. Năm 1961, ông được cử ra Bắc học tại Trường âm nhạc Việt Nam. Năm 1965, ông xung phong đi chiến trường B cùng với đoàn Văn công Quân Giải phóng Trị Thiên. Ông quyết định chọn bút danh Thuận Yên, ghép từ các chữ Duy Thuận (quê cha) và Duy Yên (quê mẹ). Khi gửi tác phẩm về Hà Nội, phát thanh viên của Đài Tiếng nói Việt Nam đọc là Thuận Yến. Thế là thành bút danh Thuận Yến ! Ông được phong hàm Đại tá quân đội, từng giữ cương vị Trưởng đoàn Văn công Quân khu 2, Trưởng đoàn Văn công Tổng cục Kinh tế (Bộ Quốc phòng), Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam
Nhạc sĩ Thuận Yến đã sáng tác chừng 500 bài hát; trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng thể hiện tình yêu quê hương, đất nước; đặc biệt là những ca khúc viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, về những người Mẹ, về những người chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam như: Vầng trăng Ba Đình (Giải nhất ca khúc của Bộ Văn hóa năm 1987), Gửi em ở cuối sông Hồng, Màu hoa đỏ ( Giải thưởng Bộ Quốc phòng năm 1994), Chia tay hoàng hôn ( Giải bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Đài Tiếng nói Việt Nam); Bác Hồ một tình yêu bao la, Người về thăm quê, Miền Trung nhớ Bác, Con gái mẹ đã thành chiến sĩ... (Giải thưởng nhà nước về Văn học – nghệ thuật năm 2001)
Với những ca khúc vượt thời gian và “đi cùng năm tháng” cùng những cống hiến lớn trong hoạt động âm nhạc suốt cả cuộc đời, nhạc sĩ – đại tá Thuận Yến đã vinh dự được Chủ tịch nước truy tặng phần thưởng cao quý: Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – Nghệ thuật đợt 5 (2016) mới rồi.
GỬI EM Ở CUỐI SÔNG HỒNG
Anh ở Lào Cai
Nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt
Tháng Hai, mùa này con nước
Lắng phù sa in bóng đôi bờ
Biết là em năm ngóng, tháng chờ
Thường gánh thùng ra sông kín nước
Nên ngày ngày cùng bạn bè lên chốt
Anh lại xuống sông Hồng cho thoả nỗi em mong
Đài báo gió mùa, em thương ở đầu sông
Đỉnh đồi cao chiến hào gặp rét
Biết mùa màng đồng quê chưa cấy hết
Tay em ngập dưới bùn, lúa có thẳng hàng không?
Giá chúng mình còn cái thuở dung dăng...
Anh thả lá thuyền xuôi về dưới ấy
Em ra sông chắc em sẽ thấy
Chỉ nỗi nhớ chúng mình đủ ấm mọi mùa đông.
Những thơ ngây đâu còn ở chúng mình
Khi Tổ quốc trao anh lên tuyến đầu chặn giặc
Khi Lao Cai trong anh đã trở thành máu thịt
Đạn lên nòng, anh giữ ngọn nguồn sông
Nỗi nhớ cho em chưa viết được đôi dòng
Đạn quân thù cuồng điên bắn vào thị xã
Xe tăng thù nghiến mặt sông yên ả
Nhịp cầu thù chặt đứt chờ mong
Bão lửa này mang sức mạnh hờn căm
Phá cầu thù, xé vụn xe tăng giặc
Giữa dòng sông nghìn xác thù ngã gục
Máu giặc loang ố cả một vùng
Thì hỡi em yêu ở cuối sông Hồng
Nếu gặp dòng sông ngầu lên sắc đỏ
Là niềm thương anh gửi về em đó
Qua màu nước sông Hồng, em hiểu chiến công anh.
Lào Cai, 2 năm 1979
DƯƠNG SOÁI
(Rút trong tập Trông về Việt Bắc 1945 -2015– Gia Dũng tuyển chọn,
Nxb Thông tin và Truyền thông, 2015, tr.1241)
Nguồn Văn nghệ số 23/2017