Từ đời vào văn

19/5
7:13 PM 2017

TIỂU THUYẾT TOÀN CẦU TRONG THẾ KỶ XXI

Adam Kirsch * (Mỹ)-Trong khi Haruki Murakami khép mắt trước đời sống thực tiễn, cố gắng xóa bỏ mọi liên hệ với lịch sử, chính trị, thậm chí xóa bỏ cả bản sắc để tạo mặt bằng biến tác phẩm thành một tiểu thuyết toàn cầu, Roberto Bolaño buộc người đọc phải mở to đôi mắt chứng kiến thực tế tàn nhẫn, bạo lực khắp nơi trên thế giới. Dù bằng những phương pháp sáng tác khác nhau, cả hai đều góp phần định hướng cho việc viết một tác phẩm toàn cầu trong Thế kỷ XXI.

                                             Từ trái qua phải, , Haruki Murakami, Roberto Bolaño

Trong Sự sụp đổ của ngôn ngữ trong thời đại tiếng Anh (The Fall of Language in the Age of English), Minae Mizumura (1951), tiểu thuyết gia Nhật Bản nhận xét: “Các tác phẩm đại diện cho văn học Nhật ngày nay thật chẳng khác nào tác phẩm cải biên văn chương Mỹ. Nó không chỉ phớt lờ di sản văn học Nhật Bản mà còn chẳng buồn bận tâm tới sự thật rành rành là xã hội Nhật Bản và xã hội Hoa Kỳ hoàn toàn khác nhau”. Như nhiều nhà phê bình, Mizumura định nghĩa “Mỹ hóa” là sự trì trệ, thương mại hóa tác phẩm. Bà chê trách tiểu thuyết đương đại ngày càng giống các sản phẩm văn hóa toàn cầu, ví dụ phim bom tấn Hollywood, không đòi hỏi ngôn ngữ hay dịch thuật theo đúng nghĩa đen.

1. Đại diện phương Đông

Đại diện cho tác giả tiểu thuyết toàn cầu phương Đông có lẽ không ai khác ngoài Haruki Murakami (1949). Ông là điển hình của “tác giả Nhật Bản xuất sắc nhất quay lưng với văn học Nhật”. Năm 2009, Murakami xuất bản tiểu thuyết khổng lồ 1Q84 (1Q84). Chỉ trong một tháng, một triệu bản được bán ra. Các tác phẩm của Murakami cũng được dịch sang 50 ngôn ngữ. Bản thân nhà văn liên tục là ứng cử viên nặng ký của Nobel Văn học.

Murakami tự biết là nhà văn bị văn nghệ Nhật Bản bỏ rơi. “Ở Nhật Bản”, theo nhận định của tờ New York Times, “các nhà phê bình văn học truyền thống cho rằng tiểu thuyết của Murakami không phải tiểu thuyết của một nhà văn Nhật Bản”. Không thể phủ nhận Murakami bị ảnh hưởng bởi văn học và văn hóa phương Tây. Ông cũng thừa nhận không có hứng thú với văn chương Nhật Bản. Tuy nhiên, nếu khách quan nhìn nhận, rõ ràng, trong thế giới văn chương quốc tế, Murakami là một thành công rực rỡ.

Tất nhiên, không phải tất cả các nhà văn Nhật Bản đều đánh giá thấp Murakami. Trong buổi phỏng vấn của tờ Paris Review, Kenzaburo Oe (1935), nhà văn Nhật đoạt giải Nobel Văn học năm 1994 thẳng thắn “Murakami viết theo một phong cách Nhật Bản đơn giản và tường minh. Ông được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài, được đọc phổ biến tại Anh, Mỹ, Trung Quốc. Ông cũng tạo được chỗ đứng cho mình trong bối cảnh văn chương quốc tế theo cách mà tôi hay Yukio Mishima (Nhật Bản) không thể làm được”. Người đọc tiếng Anh chưa từng dễ dãi với tác giả nước ngoài. Thành công của Murakami là bằng chứng cho tài hoa vượt biên giới. Dù vô tình hay cố ý, Murakami đóng vai trò quan trọng trong việc là một thử nghiệm về tính thẩm mỹ và đạo đức của dự án văn học toàn cầu.

Trong tất cả các tác phẩm của Murakami, 1Q84 thích hợp để minh chứng cho thử nghiệm này hơn cả. Với khối lượng ba tập đồ sộ, toàn bộ câu chuyện diễn ra tại Tokyo, thủ đô Nhật Bản. Điểm thú vị của 1Q84 là “sự phát triển của tiểu thuyết bên trong một tiểu thuyết” có tên Nhộng không khí (Air Chrysalis) được phác thảo bởi Eriko Fukada, thiếu nữ 17 tuổi không có có khả năng viết. Eriko bị chứng khó đọc, bạn cô là người giúp cô hoàn thành bản thảo. Vì quá yêu thích tác phẩm, bạn của Eriko lén lút gửi nó cho nhà xuất bản. Đúng như nhận định của nhân vật biên tập viên Komatsu, Eriko hoàn toàn không có ý định viết nghiêm túc. Dẫu vậy, Nhộng không khí vẫn là câu chuyện đầy mê hoặc. Đó là lý do anh tuyển Tengo, một trong hai nhân vật chính của 1Q84, viết lại.

Tengo là một giáo viên dự bị ôm mộng văn chương. Ban đầu, anh từ chối vì không muốn bị dằn vặt bởi tội đạo văn. Song, rất nhanh, Tengo bị cuốn hút bởi Nhộng không khí. Nhờ cố gắng của anh, bản phác thảo sơ sài của Eriko trở thành tác phẩm bán chạy nhất. Qua những tình tiết này, Murakami thể hiện sự hoài nghi với nghề viết và ngành xuất bản. Trong mắt tác giả, Komatsu hệt một con buôn. Dù thế, Murakami không hề nghĩ độc giả sẽ cảm thấy bị xúc phạm khi đọc Nhộng không khí được viết lại bởi Tengo. Có lẽ ông cũng phần nào muốn nhắn nhủ dù khác về mặt hình thức, nội dung vẫn là thứ cuốn hút chung. Viết tiểu thuyết là sự nỗ lực của cả trí tưởng tượng (yếu tố nguyên thủy cấu thành sản phẩm sáng tạo) lẫn sự linh động của nhà văn (tâm huyết và kỹ thuật). Eriko và Tengo là hai người khác nhau nhưng, họ đều tài năng.

2. Từ bỏ cấu trúc đời sống xã hội

Mizumura từng nhận xét tiểu thuyết toàn cầu đương đại giống như phim Hollywood dù không điểm tên Murakami. Tuy nhiên, đúng như nhận định của bà, nhân vật trong 1Q84 hoàn toàn một chiều. Aomame, nữ nhân vật chính, hệt như nhân vật anh hùng (hoặc điệp viên) bước ra từ một cuốn truyện tranh hay bộ phim nào đó. Cô là nữ sát thủ có vẻ ngoài quyến rũ, mang nhiệm vụ giết những gã đàn ông bạo hành, lạm dụng phụ nữ. Vũ khí của cô là cây kim dài. Người giao nhiệm vụ cho Aomame là nhân vật được gọi là “Bà chủ”.

Cái rắc rối của 1Q84 nằm ở sự phát triển của tiểu thuyết nội tại Nhộng không khí. Phác thảo của Eriko là bản tường thuật về một thế giới song song với thực tại. Trong thế giới đó, con người chia sẻ không gian với sinh vật siêu nhiên được gọi là Little People (người tí hon). Những người tí hon này có thể dệt một loại kén trong không khí. Họ dùng nó để bao bọc bản sao con người (hoặc chính họ), sử dụng với mục đích bất chính. Murakami cố ý không diễn giải nhiều về chủng Little People. Nguồn gốc, quyền lực, mục đích của họ, tất cả đều rất mơ hồ. Nó dẫn 1Q84 vào lĩnh vực khoa học viễn tưởng song, tác giả dường như chỉ hứng thú với bầu không khí lạ lẫm, gợi cảm của nó chứ không có ý định tạo ra một không gian huyền thoại.

Thực tại thay thế, theo mô tả của Eriko, là bầu trời đêm có hai mặt trăng. Không lâu sau đó, Aomame và Tengo đều có thể thấy hai mặt trăng. Họ đi từ mơ hồ đến chắc chắn nhận ra mình đã bước vào thế giới của Nhộng không khí. Trên suốt hành trình, cả hai phải chiến đấu với thế lực siêu nhiên Little People và giáo phái của họ, Sakigake.

Trong 1Q84, Murakami dệt một khung cảnh văn hóa. Aomame bị hút vào Nhộng không khí khi cô đang ngồi trong taxi, nghe nhạc cổ điển của Séc. Sau đó, các nhân vật đọc và thảo luận về Chekhov (Nga), Proust (Pháp) George Orwell (Anh), nghe nhạc Nat King Cole (Mỹ), Vivaldi (Ý). Murakami ngụ ý Nhật Bản là một phần của phương Tây. Ông cũng nhấn mạnh sự cô lập và thiếu thốn tình cảm trong cuộc sống hiện đại. Cả Tengo lẫn Aomame đều là những người cô độc, ôm cảm giác cô đơn sâu sắc. Họ không có gia đình, cũng không có bằng hữu thật sự. Dù chăm chỉ và yêu công việc, những gì họ làm không liên quan đến nội tâm hay tính cách thật của mình.

Hầu hết các nhân vật trong 1Q84 đều có khoảng thời gian “sống ẩn dật” dài dặc. Nhịp điệu tiểu thuyết chậm rãi, thong thả. Chính trị, lịch sử, xã hội gần như không tồn tại trong 1Q84. Tokyo trong truyện là một thành phố ngoài thế giới. Trong khi hàng loạt sự kiện lớn xảy ra, hàng ngàn người mất mạng, chiến tranh, đào tẩu, chìm tàu, tai nạn máy bay, Aomame vẫn đơn giản xem tin tức trên TV hai lần một ngày. Dù thương cảm số phận bi thảm của các nạn nhân, cô vạch rõ chuyện đó không liên quan đến mình. Ở điểm tách rời khỏi thực tại này, Aomame giống hệt Eriko. Tất nhiên, các nhân vật có lý do để trở nên lãnh cảm. Murakami cố ý khắc sâu sự đơn độc của họ để, khi đến màn đoàn tụ, niềm hạnh phúc ào ạt vỡ bờ. Ông không phủ nhận địa điểm, cụ thể là Tokyo với các kiến trúc hạ tầng của nó, nhưng ngầm phủ nhận tầm quan trọng của địa điểm. Nhờ vậy, dù 1Q84 có được thiết lập tại Tokyo hay thành phố nào khác cũng không thành vấn đề. Bằng việc loại bỏ cấu trúc đời sống xã hội, tiếp cận phong cách văn xuôi tường minh, Murakami biến 1Q84 thành tác phẩm có thể dễ dàng dịch sang các ngôn ngữ khác, trở thành cuốn tiểu thuyết toàn cầu. Văn hóa, công nghệ, tâm lý nhân vật, tất cả đều nhằm mục đích tạo ra một lối sống hiện đại không gốc rễ sâu xa.

3. Đại diện phương Tây

Năm năm trước khi 1Q84 được xuất bản, một tác phẩm toàn cầu khác xuất hiện trong tiếng Tây Ban Nha, 2666 (2666) của Roberto Bolaño (1953-2003), nhà văn Chile. Giống như 1Q842666 hình như cũng là một năm nhưng ở tương lai xa. Nếu 2666 chính xác là một năm xác định, chúng ta có lẽ có nhiều thứ đáng để lo ngại. Đặc điểm nổi bật trong tác phẩm của Bolaño là tính khải huyền. Tương tự Murakami, Bolaño sử dụng các ẩn dụ, thông qua âm mưu và nhân vật viễn tưởng ám chỉ cảnh quan thế giới. Thời gian trong 2666 rất rộng, kéo dài từ Thảm sát Holocaust (thảm sát người Do Thái) thập niên 1940 đến vụ giết phụ nữ hàng loạt ở Mexico những năm 1990, kéo dài sang Thế kỷ XXI, tiếp tục bước vào tương lai chưa xác định. Cái ác tràn ngập trong 2666, biến thực tại thành thế giới đầy đe dọa. Nhân vật của Bolaño nhìn bầu trời đêm, tiên đoán một tương lai rùng rợn, không chỉ cuộc sống mà cả Trái đất cũng biến mất. Bolaño thể hiện nỗi sợ hãi bị trói buộc bởi quá khứ và không thể làm gì để ngăn chặn chuyện sẽ xảy ra trong nay mai.

Bằng cách nhấn mạnh nhân loại đang sống trong một thực tế tồi tệ, Bolaño nhấn chìm người đọc trong cảm giác nặng nề, ngột ngạt. Ở điểm này, ông và Murakami giống hệt nhau. “Đến bây giờ, tôi biết rằng viết là chuyện vô nghĩa hoặc nó chỉ có nghĩa khi ai đó chuẩn bị viết một kiệt tác. Hầu hết các nhà văn đều bị lừa dối hoặc chơi đùa”, với quan điểm sáng tác này, Bolaño gặp Murakami ở nhận định “nhà văn phải là người có trí sáng tạo mạnh mẽ kết hợp kỹ thuật viết cao”. Dù vậy, giữa họ vẫn có sự khác biệt. Trong khi Murakami, bằng thái độ thờ ơ của Aomame, cho thấy sự trung lập của Nhật Bản, tách rời thế giới khỏi cuộc sống thường nhật, Bolaño ôm trọn tất cả.

Nửa đầu cuộc đời, từ 1953-1977, Bolaño sống ở Mỹ Latinh (Chile và Mexico), không ngừng lao đầu vào các sự kiện chính trị. Ông bị cầm tù ở Chile vào năm 1973, cũng từng tham gia cuộc đảo chính của Augusto Pinochet (cựu tổng thống Chile). Sau 1977, Bolaño sống lưu vong tại Châu Âu. 2666 phản ánh sâu sắc nhận thức của Bolaño. Ông nhận định thế giới đang bị chia rẽ thành nhiều khu vực và dễ bị tổn thương. Mọi con đường chúng ta đi đều dẫn đến thảm họa vào năm 2666.

4. Định hình vai trò công dân toàn cầu

Như những gì Bolaño viết trong 2666, từ 1990 – 2000, Châu Âu phát triển trong hòa bình. Tuy nhiên, ông không quên thiên đường Châu Âu này chỉ vừa được tạo ra sau hai thế chiến đẫm máu. Nó chỉ như khoảng lặng trước cơn giông, che giấu sự thèm khát bạo lực của con người. Điều này trở nên rõ ràng hơn khi hai nhân vật là nhà phê bình, Espinoza (Tây Ban Nha) và Pelletier (Pháp), trò chuyện về tam giác tình yêu của họ, ngầm đồng ý cùng chia sẻ một phụ nữ. Tài xế taxi, một người Pakistan, không chịu nổi buột miệng chửi thành tiếng. Espinoza và Pelletier nổi điên, đánh người lái xe thừa sống thiếu chết. Dù thoải mái với chuyện yêu đương chung chạ, Châu Âu không hề khoan dung với người nước ngoài, Bolaño chỉ ra.

Bolaño qua đời vào năm 2003, 2666 được xuất bản vào năm 2004, gồm năm chương. Thành phố tưởng tượng Santa Teresa lấy nguyên mẫu từ Ciudad Juarez, thành phố ở Mexico. Trong Santa Teresa là sự ra đời của nền kinh tế toàn cầu cùng mọi khía cạnh mâu thuẫn đạo đức của nó. Chính phủ tham nhũng, băng đảng ma túy, giết người vô tội vạ, người nghèo ngày càng túng bấn. Bolaño cũng để người đọc nhìn vào Santa Teresa từ xa trước khi cuốn họ vào vòng bạo lực của nó. Ông kể nhiều câu chuyện khác nhau, từ kẻ theo đuôi thần tượng đến người nhập cư, kẻ giết người, cuối cùng đưa các vụ giết người lên làm trọng tâm. Bolaño dành cả hàng trăm trang để tường thuật các vụ án, miêu tả chi tiết việc tìm thấy xác nạn nhân, tình trạng thương tích, tình tiết điều tra, giải quyết. Sự căng thẳng, ám ảnh từ những chủ đề hãm hiếp, tra tấn, giết chóc liên tục lôi kéo sự chú ý của người đọc.

Toàn bộ các vụ giết người trong 2666 đều dựa vào thực tế bạo lực ở Ciudad Juarez. Từ 1993-2005, ước tính có khoảng 370 phụ nữ bị giết. Nó chính xác là những gì Aomame nghe thấy trong mục tin tức trên TV nhưng thản nhiên bỏ qua. Bolaño, trái lại, buộc người đọc phải nhìn vào thực tế kinh khủng này. Với trường hợp của Bolaño, tiểu thuyết toàn cầu là công cụ để định hình vai trò cần phải có nếu muốn là một công dân toàn cầu. Nó buộc người đọc phải quan tâm tới thực tế bạo lực và bất công trên thế giới.

---------------                                                                                                                                            

Lược dịch theo Lithub.com

(*) là nhà thơ và nhà phê bình, tác giả của ba tập thơ, một tiểu sử, thường xuyên đóng góp bài viết trên các tạp chí The New Yorker, The New York Review of Books, Foreign Policy.

Vũ Nam

Nguồn Văn nghệ số 20/2017

 

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *