Ống kính phê bình

28/1
5:53 PM 2017

NHÀ THƠ YẾN LAN QUA MỘT GÓC NHÌN GẦN (1916 – 1995) CHÙM THƠ TỨ TUYỆT

Vũ Quần Phương-Yến Lan làm thơ từ chặng đầu của phong trào Thơ Mới, 1937. Khi ấy ở Bình Định có nhóm bạn trẻ làm thơ khá nổi. Họ kết thân với nhau, gọi là Bàn Thành tứ hữu, cái tên toàn chữ Hán, chắc người nghĩ ra danh xưng này là Quách Tấn, người chuyên làm thơ luật Đường. Quách Tấn cao tuổi nhất trong nhóm, sinh năm 1910. Hàn Mặc Tử sinh 1912, Yến Lan 1916, ít tuổi nhất là Chế Lan Viên 1920.

                                                                          Nhà thơ Yến Lan

THƠ YẾN LAN

Mùa chim di cư

Tặng Phùng Quán

 

Mùa chim di cư, mồng két ra đi

Chiều thị trấn khói nhoà mây tiễn

Thoảng nghe tự đàn chim rơi một tiếng

Cái nghẹn ngào mắt kẹt giữa chia ly.

 

Rượu mơ uống ở chùa Hương

 

Chua ngọt chạm đầu lưỡi

Chát đắng ẩn trong men

Chén rượu trên bến Đục

Sóng sánh tiếng chuông thiền.

 

Chị đi...

Nhớ về chị Bốn khi chị đi lấy chồng

Khế chua chị nấu lá mồng tơi

Em ước cùng ăn đến trọn đời

Tang mẹ mãn rồi, bà mối giục

Chị đi bát đũa cũng mồ côi.

 

Nợ

 

Nhà không vườn, không gác, không sân

Tôi nợ đời rau trái tôi ăn

Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát

Nợ em cài bên cửa một vầng trăng.

 

Xuân muộn

 

Vụng sắm cành đào không kịp tết

Ra giêng chợt hé một vài bông

Xuân người lã tả bay đi hết

Ngoảnh lại xuân ta mới chớm hồng.

 

Chèo

 

Vò rối tơ, rồi gỡ rối tơ

Gỡ không ra mối lại đem vò

Nàng Vân giả dại, nàng Vân dại

Vân dại nên đời cũng ngẩn ngơ

 

Cầm chân em cầm chân hoa

 

Em đến xin hồng, hồng mới nụ

Hôm nay hồng nở bóng em xa

Cầm em bữa trước em không ở

Giờ biết làm sao cầm được hoa.

 

Nhà xưa

 

Mái ngói - mũi - hài rêu mốc xanh

Ngẩn ngơ đứng đó một cây quỳnh

Người xây phố mới quanh theo chợ

Hoa nán thềm xưa hẳn đợi mình.

 

Lữ thứ

 

Muốn bẻ cành hoa biết tặng ai

Hương còn ngan ngát, sắc chưa phai

Nhà xa, quán khách không nơi cắm

Đâu nỡ mang theo bước lạc loài.

 

Mưa Bình Định

 

Thiên nhiên hào phóng đến ngông cuồng

Mưa suốt mùa mưa chẳng chịu dừng

Khác thể phần em sao tằn tiện

Một đời mắt lệ chỉ rưng rưng.

 

Nhường

 

Cũng lên tuổi lão, có nhường ai

Nhường chỗ in thơ, chốn gửi bài

Nhường bậc ghếch chân, lưng ghế tựa

Nhường đường quét sẵn khỏi vương gai.

 

Không đèn

 

Mấy đêm thị trấn chẳng lên đèn

Ngõ cụt mưa dầm, tối nhá nhem

Muốn giở liêu trai ra đọc lại

Sợ nhầm cội liễu tượng hình em.

 

Vô tình mà hữu tình

Gửi Quách Tấn

Nhớ bạn nhiều hơn da diết nhớ

Lại đành không tiện, viết thư thăm

Ngại trao tâm sự cho tờ giấy

Đè nặng thêm tay kẻ nhận cầm.

 

Mừng bạn có nhà

Gửi Chế Lan Viên

Tuổi sáu mươi hai có cửa nhà

Có vườn nắng trải ngõ sương hoa

Theo thơ đời mãi làm chân khách

Làm chủ giờ thêm bận với thơ.

 

Đi qua nhà 24 Cột Cờ

Nhớ Xuân Diệu

Sấu rụng, cây già đứng ngẩn ngơ

Cửa xanh lá sách khép phòng thơ

Người đi - còn có kho tình tứ

Vương tới đời sau những mối tơ.

 

Tàu ngang quê cũ

 

Khói quyện đầu ô, nửa xóm nhoà

Tàu dừng đổ khách, sắp rời ga

Đồng hương kẻ xuống, người ra đón

Mình suốt đời đi chửa tới nhà.

 

Qua bến My Lăng

 

Thăm quê về lại bến trăng xưa

Còn tưởng đêm nay đứng gọi đò

Chưa kịp nhớ ra lòng có hẹn

Chèo ai cập bến đã vang khua

 

Hoạ mi trong lồng

Tặng Quang Dũng

Tàu điện xa dần phía chợ Mơ

Phòng văn được phút lặng không ngờ

Hoạ mi ai nhốt sau lồng trúc

Vọng tiếng rừng sang góp với thơ.

 

Sợ lỗi hẹn

 

Gió đuổi nhau trong cây lá rì rào

Đang cười nhạo tuổi già dậy muộn

Muốn theo trẻ đuổi chuồn bắt bướm

Lại sợ lỗi giờ hẹn khách chiêm bao.

 

Không đề

 

Hút mực bao lần bút cứ vơi

Năm trang giấy nháp chửa nên lời

Câu thơ tiễn biệt sao mà khó

Hẳn lắm chia ly suốt một đời.

 

Đọc Trang Tử

 

Trưa đọc Nam Hoa Kinh

Tối nằm không hoá bướm

Mừng mình chủ được mình

Dậy thổi nồi khoai sớm

 

 

ĐẶC SẮC YẾN LAN

VŨ QUẦN PHƯƠNG

Y

 

ến Lan làm thơ từ chặng đầu của phong trào Thơ Mới, 1937. Khi ấy ở Bình Định có nhóm bạn trẻ làm thơ khá nổi. Họ kết thân với nhau, gọi là Bàn Thành tứ hữu, cái tên toàn chữ Hán, chắc người nghĩ ra danh xưng này là Quách Tấn, người chuyên làm thơ luật Đường. Quách Tấn cao tuổi nhất trong nhóm, sinh năm 1910. Hàn Mặc Tử sinh 1912, Yến Lan 1916, ít tuổi nhất là Chế Lan Viên 1920. Đất Bình Định không lớn, nhưng ảnh hưởng của nhóm thơ này, đặc biệt là Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, vào nền thơ Việt hiện đại lại không nhỏ.

Với Yến Lan, đóng góp vào giai đoạn thơ trước 1945, thường được nhắc đến ở đơn vị bài, bài Bến My Lăng. Bài thơ được Hoài Thanh tuyển in vào tập Thi nhân Việt nam xuất bản năm 1942 và có mặt trong tập thơ đầu của ông, tập Những ngọn đèn xuất bản năm 1957. My Lăng là một bến đò trong tưởng tượng. Ông lái đò, hẳn là đò ngang, lại có phong thái một ông đạo sĩ, lúc câu cá, lúc đọc sách, uống rượu, ngắm trăng, thổi tiêu và say ngủ giữa trời trăng trong tiếng gọi đò của khách quá giang. Ông khách gọi đò trong cái đêm trăng mung lung ấy, cũng đặc biệt: một chàng kỵ mã, nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly. Tiếng gọi đò hối hả, khẩn thiết làm run rẩy cả ngàn trăng cũng chỉ vì chàng sợ trăng vàng rơi khuất lối. Tình huống ấy, nhân vật ấy đúng là một cơn mơ trong cổ tích. Nó lãng mạn, nó huyền ảo, và giàu sức gợi thẩm mỹ vào cõi mộng của người đọc. Không nên tìm ý nghĩa hiện thực hay tư tưởng tác động xã hội của bài thơ này. Không tìm, vì nó không có. Không có vì nó không thực, nhưng nó đủ lý do để tồn tại. Đó là thơ, là chức năng của mộng ảo đối với đời thực của con người.

Nhiều nhà phê bình nhận xét: thơ Yến Lan không có câu non lép. Tôi nghĩ đó là một nhận xét đúng. Đúng từ những bài viết ở chặng đầu, trước Cách mạng, đến suốt cả đời thơ ông. Bài, thì khi hay, khi xoàng nhưng câu, bao giờ cũng kỹ càng, cẩn trọng. Yến Lan đầu tư công sức vào đơn vị câu. Ông chọn chữ, đổi sắc thái các chất liệu thơ bằng các động từ, ông tác động chất liệu này lên chất liệu kia một cách khác biệt, tạo nên bối cảnh thơ kỳ lạ từ các chi tiết quen. Xin lấy một ví dụ ngẫu nhiên, từ bài Bình Định 1935:

Cây lặng lẽ gượng làm bầy hải đảo

Thuyền bồ câu nghiêng buồm trắng trôi ven

Tăm chiêu mộ nổi trên dòng nước Đạo

Rượu ân tình - Bình Định - xứ lên men

Thơ tả gì? Tả cây, tả thuyền, tả dòng sông. Ờ mà dòng sông hay dòng rượu?. Bình Định có rượu Bầu Đá nổi tiếng. Sông mà sớm chiều nổi tăm (tăm chiêu mộ) thì là sông rượu rồi. Mà nếu chưa phải rượu thì ở câu thứ tư nó cũng thành rượu vì cả Bình Định này là xứ lên men. Cây như đảo, thuyền như chim, sông như rượu. Nhưng ông không dùng chữ như dễ dãi như tôi vừa dùng. Ông miêu tả bằng cách cho cây gượng làm bầy hải đảo. Chữ bầy cũng là một dấu vết lao động. Ghép thuyền với bồ câu và cho nghiêng cánh. Đấy là phép đan cài tung trên hứng dưới khá tỉ mỉ của Yến Lan. Ông làm mới câu vì ông vốn ham chi tiết. Mỗi câu miêu tả một chi tiết, ngang cấp về ý tưởng ngang cấp về tình cảm. Bài thơ thường bị kéo dài và rất dễ bằng phẳng. Bằng phẳng vì nội lực các câu thơ vốn bằng nhau. Để tránh đơn điệu, ông kỳ hóa chất liệu, sáng tạo chữ, đôi khi cao hơn, sáng tạo cảm giác, tạo nên câu thơ lạ mang cái hay đột xuất giữa mạch thơ đang thường thường bậc trung của toàn bài, trong bài Bình Đinh 1935 nói trên, bỗng vụt lên:

Trời Bình Định có thương Em lẻ chiếc

Em nằm thương xanh biếc của trời buồn

Nhưng sao phải ham chi tiết, ham kể, ham tả. Trước hết là do tạng cảm xúc của từng nhà thơ. Riêng với Yến Lan, tạng mê chi tiết ấy ngay trong thơ trước Cách mạng đã có. Sau này ở chặng thơ viết từ các cuộc đi thực tế sau cuộc đấu tranh tư tưởng Nhân Văn giai phẩm, lại càng đậm, tính ghi chép đời sống khá rõ, chắc ông cũng thấy thế nên có bài ông ghi là bút ký thơ. Bài thơ khi ấy, như một báo cáo thu hoăch thực tế. Kể nhiều để thấy thu hoăch nhiều, để thấy cuộc sống mới đã tràn vào tâm hồn nhà thơ đầy chật và phong phú như thế nào. Đây cũng là một kiểu đánh giá thơ hồi ấy. Yến Lan, thương điểu kinh cung, ông hạn chế bộc lộ riêng tư để chuyển tải đời sống mới:

Những hồi kẻng vang lừng thôn hợp tác

Những mái nhà ngói đỏ cả lùm tre

Bè gỗ thuyền câu kín giàn mặt nước

Chở nụ cười quê lên giàn dáo công trường

Là một nhà thơ tài năng, ông biết sở đoản của lối thơ kể việc nên dựa vào sở trường của mình, ông nâng cấp nó. Ông đầu tư công sức vào câu để lạ hóa, để kỳ hóa nó. Đó là một sáng kiến, một ưu điểm nữa, khi nền thơ chúng ta đang dễ dãi về câu (Lục cục lào cào Anh cuốc em cuốc Đá lở đất nhào Nào anh bên trai Nào em bên nữ Ta thi nhau thử Ai tài hơn ai). Nhưng sa vào câu mà quên mất bài thì lại là nhược điểm. Yến Lan đây đó cũng vấp nhược điểm ấy. Tôi coi đấy như sự trả giá để có những thành tựu mà ông đạt được: những Mùa xuân lên cao, Theo gió xuân lên biên giới, Bài ca hợp tác thôn tôi... Ở những bài thơ này, câu thơ không chỉ tinh xảo trong miêu tả thực tế mà ông đã ảo hóa chúng ngay trong khâu thu nhận nghĩa là cảm xúc ông đã nhập chúng vào thế giới thẩm mỹ mơ mộng của tâm hồn. Chi tiết là hiện thực (chỗ xuất phát) nhưng tác động vào bạn đọc (chỗ đến) lại do yếu tố phi thực. Trong bài Mùa xuân lên cao, đoạn đầu ông tạo ấn tượng, rất thực mà cũng rất gợi:

Mới nghe đã sợ

Những tên chẳng hiền

Trái Hút, Mậu A, Ngòi Hóp

Tên như tên của hang beo hốc cọp

Bóng ma theo gót thày then

Sâu quảng sùi lên

Biệt kích còn moi sào huyệt

Lưỡi lê chọc tiết

Chặn đường thổ phỉ cướp xe

Đoạn giữa, một cơn say trùng điệp:

Ta qua những làng

Máng rủ suối sang

Chàm ngâm tím vại

Trâu kéo gỗ về sông Yên Bái

Bến Âu Lâu thóc trẩy sáng đò

Ta đứng trên những nương ngô

Phấn bay giếng nước

Giàn su quả dày

Vườn cam quả sây

Cam hay chim nở

Cam hay em nhỏ

Trên cành múa lay

Cam hay má đỏ

Tay sờ mát tay

Đoạn cuối, thực ảo biến hóa tài tình, dào dạt:

Tay ai dắt ngựa ra phiên tết

Năm cũ người Mèo mai trẩy hết

Năm mới về theo những điệu khèn

(...) Ta mang miền ngược về thành phố

Miền ngược nằm trong những búp đào.

Bài thơ viết tháng giêng năm 1958, ngay sau cuộc đấu tranh tư tưởng mà đối với Yến Lan không phải không nặng nề. Có được mạch cảm xúc thênh thênh thơ mộng ấy là một bản lĩnh thi sĩ, một biểu hiện tài năng đáng khâm phục. Bài thơ hay trong ý, trong tình, trong nhịp điệu. Câu thơ dài ngắn xuống lên như tiếng reo, tiếng hát hòa quyện ngoại cảnh với hồn người, tung tẩy xa rộng, thênh thang, đầy chủ động.

Bài ca Hợp tác thôn tôi là một nhập cuộc tiêu biểu của nhà thơ, rộng hơn của người trí thức với bà con cày cuốc chân lấm tay bùn. Chúng ta từng khâm phục cụ Tam Nguyên Nguyễn Khuyến đã bấm ngón trên bàn tay tiến sĩ tính liệu với bà con lam lũ thôn Bùi:

Quanh năm làm ruộng vẫn chân thua

Chiêm mất đằng chiêm mùa mất mùa

Phần thuế quan thu, phần trả nợ

Nửa công đứa ở, nửa thuê bò

Nay thấy Yến Lan Lấn nước chân chiêm, ngã mềm chân hóa Ông sử dụng lời ăn tiếng nói nông dân, ông nhìn làng xóm ruộng đồng bằng cái nhìn của người cùng hai sương một nắng:

Tre khép chuồng bèo - trâu nhai bóng mát

Ta đi nhổ cói dệt chiếu ta ngồi

Rót ấm chè tươi mời đón thêm người

Ta bàn chuyện đan nia, phất quạt.

Bút pháp mạch thơ này, tôi có cảm giác nó không dính dáng với Bến My lăng mộng ảo mà có lẽ nó là bước phát triển của khuynh hướng hiện thực từ Lại về tỉnh nhỏ. Lại về tỉnh nhỏ viết năm 1956, nó là một nhịp lạ tài hoa giữa giàn thơ ca khi ấy. Lạ, trong cách cảm nhận thực tại: cảm vào lõi của hiện thực, nắm bắt được cả phần hồn hư ảo của hiện thực. Lạ, trong thể hiện: một ngôn ngữ sáng rõ, rành mạch, mà lại giàu sức gợi, đẫn tưởng tượng người đọc đi rất xa. Âm điệu cũng tạo nên nội dung, cái cuộc sống cũ kỹ, ngưng đọng, chỏng chơ, rơi rụng của tỉnh lẻ thời Pháp thuộc hiện ró chỉ trong tám chữ rơi trên bốn bậc thơ này:

Tỉnh nhỏ

Cô em

Nằm xem

kiếm hiệp

Cuộc sống mới sau ngày giải phóng Miền Bắc, ở đoạn sau bài thơ, được tác giả đặc tả với khá nhiều chi tiết, tuy tỷ trọng ấn tượng của cái mới chưa đậm đặc bằng khi tả cuộc sống cũ. Nhưng trong toàn thể: cảm xúc bài thơ tươi mới lắm và câu thơ kết bài trí tuệ như một biểu tượng:

Mặt trời không muốn lặn

Mặt trời len vào mắt con người

Sau ngày thống nhất đất nước, Yến Lan về sống với quê nhà Bình Định. Thơ ông có một bước chuyển. Một bước chuyển có tính tổng kết, ngẫm nghĩ lại đời người. Ông không làm thơ dài. Không kể và tả chuyện ngoài đời nữa mà nói lòng mình. Thơ như viết cho mình. Nói thật, nói hết những nông nỗi dâu bể đời người mình đã trải. Ông tìm về cách nói cổ điển, hàm súc, đôi khi ước lệ trong thi pháp thơ Đường tứ tuyệt. Cảm xúc phóng khoáng, ung dung, thoáng chút ngậm ngùi năm tháng và nỗi cô đơn của tuổi già:

Tàu ngang quê cũ

Khói quyện đầu ô, nửa xóm nhòa

Tàu dừng đổ khách, sắp rời ga

Đồng hương kẻ xuống, người ra đón

Mình suốt đời đi chửa tới nhà

 

Sinh nhật 1989

Năm nay sinh nhật chẳng ra thơ

Xót bạn, mong con, ốm dật dờ

Đón khách những toan ra mở cổng

Giật mình con nhện đã giăng tơ

 

Chèo

Vò rối tơ rồi, gỡ rối tơ

Gỡ không ra mối lại đem vò

Nàng Vân giả dại, nàng Van dại

Vân dại nên đời cũng ngẩn ngơ

Trong thời đất nước cắt chia, nhà thơ Yến Lan xa quê Bình Định, ra sống ở Hà Nội, nhiều năm là cán bộ biên tập thơ của nhà xuất bản Văn học, khi ấy là nhà xuất bản chủ lực trong việc giới thiệu thơ. Lứa chúng tôi đều được ông biên tập cho những tập thơ đầu. Ông sửa chữa góp ý tận tình, tỉ mỉ. Có người nghĩ ông kỹ tính? Tôi nhớ tập thơ đầu tiên của Phạm Tiến Duật được ông biên tập, Duật có nói trước với ông, nếu cần sửa đổi gì ông cứ bàn với tôi. Duật vào chiến trường, ông đưa tôi xem cách sửa của ông với bài Công việc hôm nay. Ông thấy câu thơ Duật ở bài này lòng thòng văn xuôi quá[1], ông thu gọn lại một số câu làm mẫu và bảo tôi sửa tiếp. Tôi nghe, về hì hụi làm. Được nửa chừng thấy bài thơ mang dáng dấp khác. Bớt lòng thòng nhưng hình như mất đi cái vẻ lôi thôi rất văn xuôi của ngày thường đời sống. Tôi thưa lại với ông. Ông bảo để xem. Hôm sau ông đồng ý để nguyên như cũ. Và không chỉ với bài này, mà với cả tập, giúp cho chất thơ mang nguyên cát bụi chiến trường do Duật khới xướng được nhanh chóng đến với mọi người. Ông ít nói, ngay cả khi chúng tôi hỏi về kỷ niệm hồi Thơ Mới, ông trả lời rất tóm tắt như muốn khép lại những chuyện đã qua. Hôm nay, ngày ông tròn tăm tuổi, chúng tôi lại muốn biết thêm để nghĩ thêm về những gì ông đã trải, đã viết và chưa viết hết. Chúng tôi nhớ ông. Chúng tôi biết ơn ông.

29 - 2 - 2016
V.Q.P.

 

 

 

 

 

NHÀ THƠ YẾN LAN
QUA MỘT GÓC NHÌN GẦN

LÂM BÍCH THỦY

K

 

hi còn tại thế, cha tôi có tâm sự: "Là thi sĩ, cái chết về thể xác không đáng sợ, chỉ sợ mình mất đi trong lòng người". Tuy biết Ban lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức lễ kỷ niệm cho cha, song những gì chúng tôi thấy hôm nay nói lên rằng: Trên trần thế vẫn còn các đồng nghiệp thế hệ trẻ, người yêu thơ Yến Lan nhớ đến ông, nhớ đến Bến My Lăng và những vần thơ ăm ắp tình người, mà cha để lại cho đời: Điều đó thể hiện đoạn văn phản hồi trên mạng sau:

"Về An Nhơn mới thấy, bàng bạc cảnh vật - lòng người là hình bóng Yến Lan. Nhất là ở những bến nước dọc bờ sông Côn ở An Nhơn, người đa cảm một chút rất dễ nhận ra nơi nào cũng là... bến My Lăng, và một bến sông nào trong tâm tưởng cũng là bến My Lăng! Có lẽ "cái bóng" của ông quá lớn đối với mảnh đất này, bên cạnh những vị vua, những nhà yêu nước hoạt động trên mảnh đất này)

Cuộc đời của mỗi con người may, rủi đều do số phận; nó giống như những đóa hoa trên cùng một cội; song không phải hoa nào cũng hứng được sương và ánh sáng như nhau. Đời Yến Lan từ khi lọt lòng 1916 đến khi từ giả cõi đời 1998 đã gặp quá nhiều rủi ro, thua thiệt:

Quê ngoại bên kia bãi cát vàng

Mẹ tôi về lỡ chuyến đò ngang

Cơn đau trở dạ không giường chiếu

Tôi lọt lòng ra giữa bãi trăng

(Quê ngoại)

Là con út trong 6 anh chị em. Cuộc sống gia đình chỉ dựa vào bàn tay giỏi giang của mẹ. Lên 6 tuổi thì mẹ mất, các anh chị đi làm xa; cha xin làm thủ từ trong ngôi đền thờ Quan Thánh. Cuộc sống của hai cha con chỉ dựa vào cây thị:

Ôi thị, thay phần mẹ dưỡng nuôi;

Nhành khô thường sưởi tuổi mồ côi,

Quả, ra chợ đổi lành thân áo,

Bóng phủ rèm trưa, lá: chiếu ngồi.

Ít lâu sau cha lấy vợ kế, nhà càng túng bấn. Gánh nặng trên đôi vai gầy, bé nhỏ của Yến Lan dường như trĩu xuống mà tiền bán thị chả thấm vào đâu nữa:

"Giá một quả cam bằng mẹt thị/Trồng chi bóng mát hỡi cha xưa."

Và tuổi thơ cha trải dài năm tháng trong ngôi chùa Ông như một định mệnh:

Tuổi thơ một đời cây thị

Chiều lung linh theo tiếng chuông chùa

Mẹ chết sớm, chị đi phu

Quần áo rách túm bằng giây chuối

Cơ rô bích chuồn nằm đêm cha nuối

Muốn nuôi con cha lại bám đời con

Trong những đêm dài canh bạc tưởng trống trơn

Láng giềng giàu cấm làm bạn lứa

Nhiều hôm no tuổi, no hờn

Ở đây đọng một nỗi buồn lưu ly

Biết đi đâu? Biết mong gì?

Tuổi thơ ơi! tuổi thơ

Ta có em hay không có bao giờ...

(Tuổi thơ)

Song cũng từ môi trường ấy đã tạo nên trong cha một thi sĩ đầy bản lĩnh và một nhân cách lớn bằng cả đức, tài và tầm. Ông cùng Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Quách Tấn họp nên "Tứ Hữu Bàn Thành". Cả bốn người, mỗi người mỗi vẻ, bằng văn chương của mình góp phần làm rạng danh cho đất Bình Định thành câu danh ngôn vang mãi đến ngàn năm "Đất võ trời văn". Nhưng trong thực tế, khi nhắc đến tên Yến Lan chỉ còn có cái "Bến My Lăng" mà thôi

Ai đã từng sống và biết Yến Lan chắc không quên mảnh đời cơ khổ mà thanh bạch của nhà thơ. Ông không chọn cho mình cách sống bon chen, song cũng không nản lòng trước nghịch cảnh bạc bẻo của đời, ông sống thủy chung với bạn, nhân nghĩa với đời. Ông lẳng lặng làm việc, lẳng lặng vượt khó không than thở, tự mình hàn vết thương đau:

Ứa nhựa hàn vết đau

Tĩnh yên cành gió quật

Quả đu đủ góc ao

Lặng dâng đời quả ngọt

(Đu Đủ)

Lúc non trẻ, ông đã tự lập; nên khi trưởng thành, ông luôn trăn trở với bao thăng trầm của xã hội trong chiến tranh nước nhà bị chia cắt. Bản thân ông phải vận động sao cho phù hợp với lẽ sống mới. Hơn ai hết với tâm hồn nhạy cảm của người nghệ sĩ đã quen tự lập, ông mạnh mẽ đón lấy ngọn gió thời đại. Cảm hứng mới đem lại diện mạo mới cho thơ ông, làm cho thơ ngày càng bay bỗng. Nhạc sĩ, nhà thơ tài hoa Văn Cao đã viết:

"Từ một người bình dị Yến Lan đang trở thành một người muốn thúc đẩy một sức gì đang làm trì trệ cuộc sống của chúng ta. Tôi thấy ở anh một sự chuyển biến, một sự mở ra có sức lực..." - trích lời tựa T/P "Tôi Đến Tôi yêu"

Là con cháu, chúng tôi cũng cảm nhận được từ những vần thơ lưu của nhà thơ đều toát lên nhân cách sống của con người. Dù hoàn cảnh nào cũng đều hướng về cái vô thường, giản dị và thiện chí. Con người với con người là một thực thể xã hội, với muôn vàng quan hệ chồng chéo:

Nhà không vườn, không gác, không sân

Tôi nợ đời rau trái tôi ăn

Nợ hàng xóm trưa hè bóng mát

Nợ em cài bên cửa một vầng trăng.

(Nợ)

Trong cuộc sống, ông sống theo qui luật của nước "nước chảy vào chỗ trũng", trước sau như một, thủy chung, sẻ chia. Với bạn bè là tình cảm yêu thương, chan hòa nâng đỡ; những ký gạo giúp nhà thơ Quang Dũng trong thời kỳ tem phiếu, khó khăn vất vã. Và chắc chắn hình ảnh một mình Yến Lan đi sau linh cữu cụ Phan Khôi đến nơi an nghĩ cuối cùng trong ngày cuối đông vào thời khốc liệt nhất của văn nghệ sĩ trong cái gọi là "Nhân Văn Giai Phẩm" với "nghĩa tử là nghĩa tận". Còn trong đời thơ, ông không may mắn như bạn cùng thời. Những tác phẩm có thể làm nên tên tuổi đưa ông lên vị trí cao hơn trong làng văn thì bị thất lạc như 2 tập thơ "Giếng loạn, Bánh xe luân hồi" (viết về Đạo Phật). Không bị mất thì cũng bị người khác đứng tên như vở kịch thơ đầu tiên của nền Văn học Việt Nam "Bóng Giai nhân".

Trong những năm cuối đời, ông nhỏ nhẹ với hai con gái lớn: "Là phận gái trong gia đình này các con chịu thiệt thòi nhiều. Nhưng các con có quyền tự hào về ba vì suốt đời ba đã phấn đấu là người làm thơ khiêm tốn và biết tự trọng; điều đó còn quí hơn vàng bạc châu báu..."

Vâng, chúng tôi rất tự hào về cha mình. Bởi vì hai đức tính này nghe thì rất bình thường, nhưng đã mấy ai làm được, nhất là vào những thời điểm mà chân giá trị đích thực của con người chưa được đặt đúng vị trí.

Trong bản in lần đầu của Thi nhân Việt Nam xuất bản năm 1942, tác giả Hoài Thanh nhận định mấy dòng về thơ Yến Lan như sau: "...Xem thơ Yến Lan tôi mơ màng như đi trong mây mù. Khi đầu thì cũng hay hay, nhưng dần lâu cơ hồ ngạt thở..." Thi nhân Việt Nam là tác phẩm kinh điển đúc kết phong trào Thơ mới được nhìn nhận bởi đôi mắt của hai nhà phê bình tầm cỡ, nhưng cũng chỉ thấy "cơ hồ ngạt thở". Rõ ràng thơ Yến Lan không phải một sớm một chiều mà hiểu được chân giá trị.

Nhà thơ Quách Tấn khi đọc "Lời tựa thơ Yến Lan" của Chế Lan Viên, mà rằng: "Con tôi có đọc thơ và tựa cho tôi nghe. Song chỉ nghe qua một vài lần thì không thể nhận chân được giá trị. Chế nói đại lược về mối tình lúc nhỏ giữa Chế và Yến chớ không nêu những nét độc đáo trong thơ của Yến Lan. Còn ai hiểu thơ của Yến Lan bằng Chế Lan Viên?! Nhưng nay Chế đã qua đời (1989). Cái hay cái đẹp cái kỳ trong thơ Yến Lan biết nhờ ai đưa ra cho kẻ hậu học, thấy rõ và đúng để mà phân thưởng hay để mà làm gương; không lẽ tác giả tự làm lấy! Nhưng nghĩ lại không ngại gì. Tố Như tiền bối có câu:

Bất tri tam bách dư niên hậu

Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như.

Nghĩa là:

Sau ba trăm năm nữa trên trần thế

Biết sẽ là ai khóc Tố Như.

Nhưng chưa đầy trăm năm mà đã có biết bao nhiêu người khóc Tố Như thì lo gì thơ Yến Lan sẽ không có người giải thích thấu đáo...

"Thơ Yến Lan làm thời kháng chiến chống Pháp (1945 - 1954) tôi có trong tủ sách gia đình trên vài chục bài nhưng tôi chỉ nhớ 4 câu mà tôi cho là tuyệt tác:

Đèn chong gác hẹp sầu nhân bản

Cháy lụn guồng tim lạnh bút thơ

Xuống thang mặt trắng bơ phờ

Vơ vào thế sự còn ngờ chim bao.

(Trong "Bóng ngày qua" -
Quách Tấn sưu tầm và biên soan) - 20/2/1990)

Đối với Yến Lan cũng chẳng phải đợi lâu; Nhà nghiên cứu văn học hiện đại–Khổng Đức đã giải mã được thơ Yến Lan chỉ cần thông qua bài thơ "Bến My Lăng": "Nắm được nguồn phát tích của bài Bến My Lăng là như có trong tay một chìa khóa để đi vào vườn thơ, đời thơ của Yến Lan. Thật vậy, dòng thơ Yến Lan từ nguồn suối vô thức My Lăng mà tỏa ra mọi nẻo: sông nước, bến bãi, đất quê hương, tỉnh nhỏ, quê mẹ, quê ngoại, tình vợ con, tình bạn bè...

Tất cả đều mang tính chất lung linh, lấp lánh, hư mà thật, thật mà hư... nhưng rất thắm thiết nồng nàn. Hay nói như nhà thơ Chế Lan Viên: "Thơ phải nhìn rõ trong bóng tối", thì nhà thơ Yến Lan là người đã có con mắt kỳ ảo thấy được bóng tối đó, nó là vô thức vậy."

Thật vậy, ít ai ngờ, có bao nhiêu suối tình và xuân trong thơ Yến Lan đã âm thầm chảy không ngừng nghĩ, bền bỉ, dạt dào cho tình yêu quê hương và mùa xuân của nhân loại trong thơ ông. Sức sáng tạo của Yến lan, trải rộng ở nhiều thể loại: Thơ, Kịch thơ, truyện ngắn, truyện thơ... và trải dài từ trước 1945 đến khi nhà thơ qua đời 1998. Điều đó được nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà Văn Việt Nam khẳng định mấy dòng sau đây:

"Tài năng của Yến Lan sớm nảy nở và sớm được khẳng định. Truyện ngắn đầu tay của Yến Lan bút danh là Xuân Khai được thưởng giải cao của báo Thanh Nghệ Tỉnh khi Yến Lan chưa đầy hai mươi tuổi. Truyện ngắn của ông liên tục được giới thiệu trên các tờ Tiểu thuyết thứ Bảy, Tiểu thuyết thứ Năm và nhiều tờ báo khác. Yến Lan viết cải lương, viết kịch và thành lập đội kịch mang tên ông. Đoàn kịch Yến Lan với vở "Bóng giai nhân" đã từng lưu diễn ở Huế, Hà Nội. Thanh Hóa..."

Lại nữa: Báo Phú Yên cũng đăng về Yến Lan:

"Ngay trong những ngày tháng 8/1945, Yến Lan là người sớm nhất trong lứa bạn cùng thời làm thơ phục vụ cách mạng tại địa phương. Ông đã viết Bình Định 1945Bình Định 1947 cùng nhiều ca dao, hò vè cổ động nhân dân đứng lên chống ngoại xâm. Trong khoảng thời gian tham gia kháng chiến, ông cùng với khoảng 16 nhà thơ khác tham gia soạn Cương lĩnh mặt trận Tổ quốc diễn ca để truyền bá trong nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chọn tác phẩm của Yến Lan. Cả đời thơ ông say mê sáng tạo, tích góp một giọng thơ riêng để làm giàu thêm đại dương thơ dân tộc. Thơ là lẽ sống của đời ông. Kí ức thơ có trong ông từ khi ông có trí khôn đến khi ông từ giả cõi đời làm nên một sức sáng tạo dồi dào qua bao thăng trầm của lịch sử và cuộc đời:

Ta viết cho đời thơ tuyệt cú

Bù vào đất chật những trường thiên

Quế hòe phóng ngọn trên đồng cỏ

Đọng sóng tầng cao những nét riêng

(Tự bạch - Tháng 7 - 1967)

Trong 100 năm qua, cha có hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, ông không để lại bất cứ hồi ký nào kể chuyện mình làm thơ, nhưng những vần thơ lưu của ông với những chi tiết đơn giản trong cuộc sống thực, hiện lên từ góc nhìn vừa cụ thể vừa chân thật khiến người đọc rung động cõi lòng:

"Tỉnh nhỏ/Đìu hiu/ Mặt trời ngủ giữa chiều

Trở mình trên mái rạ/... Áo vải tây vàng hai vai đã vá

Tỉnh nhỏ/ Cô em - nằm xem - kiếm hiệp/ Hàng rong - gặp hàng rong

liếc nhìn nhau qua mẹt bánh Anh khóa nghèo lên tỉnh/ Lá đơn cặp với cán ô...

Cảm hứng về tình yêu trong thơ Yến Lan là cái chất riêng khó gặp ở những phong cách thơ khác cùng thời. Tình yêu không dữ dội mà đằm thắm, thiết tha:

Vì với tình tôi phải nhẹ nhàng

Phải là ý ngọc, phải tim vàng

Phải là trọn vẹn là trong sáng

Là một bài thơ khắc chữ "nàng"

(Đồng nội hồn tôi)

Tình yêu làm nên chất sống trên đời, nếu đánh mất nó thì là đánh mất ý nghĩa của cuộc đời. Vậy mà tình yêu trong thơ ông thường dang dở, bị ngăn trở bởi giàu nghèo, và những trở lực về vật chất khiến người ta đau khổ bẻ bàng:

Thói thường đăng đối cuộc nhân duyên/ Cha mẹ em giàu dễ để yên

Cho một lứa đôi không xứng vế/ Dập ngay ngọn lửa mới vừa nhen...

Giận cái ngây thơ tự lúc đầu/ Thấy rằng tường dậu chẳng ngăn nhau

Ai hay rẽ thúy chia uyên ấy/ Còn bức thành cao giữa khó, giàu

(Gn nhà xa ngõ 1939)

Trong tình yêu, với tính cách hiền hòa, trầm lắng. Về mặt tâm lý, ông không thể hiện đòi hỏi, ham muốn quá mãnh liệt. Và ngay cả với nỗi buồn của sự chờ đợi:

Nắng chiều nay bặt tiếng xuân tiêu

Thôi hát cùng em điệu hát chiều

Thôi tiễn cùng em người lữ khách

Bạn về đợi bạn chốn đìu hiu

(Chiều)

Viết về tình yêu ông thường mượn hình ảnh ẩn dụ "Thuyền, bến và trăng". Bến đò, dòng sông đối với ông là hình ảnh thân quen đến nỗi có bến sông đã đi vào ký ức lòng người để rồi trở thành huyền thoại:

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,

Rượu hết rồi, ông lái chẳng buông câu.

Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,

Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Hình ảnh đó trở đi trở lại như một môtip trong ca dao, nhưng thơ ông vẫn rất mới; mới ở thể thơ, ở cảm hứng thơ: Không hoảng loạn như Hàn Mặc Tử, không đắm say, cuồng nhiệt như Xuân Diệu, không kỳ bí như Chế Lan Viên. Yến Lan cứ nhẹ nhàng, từ tốn, giản dị như cuộc sống. Mà cuộc sống vẫn luôn vận động, là niềm tự hào được sống, được là tinh hoa và được liên đới với bao kiếp người:

Tôi đang sống vì có người đã chết,

Hồn kết tinh bằng bao nhớ thương xưa.

Đời lớn mau và mạnh như bẹ dừa,

Tôi là cả tinh hoa muôn thế kỷ -

Sống phút sống của hàng ngàn thi sĩ,

Mơ giờ mơ của bao cửa không gian.

Mơ hồn xuân, như đã mở thiên đàng

Tôi sống khỏe và hoa Hồn độ nở.

"Những giọt bông hường"

Và qua thơ, Yến Lan đã thổi hồn cho cảnh vật của quê hương Bình Định:

Ôi Bình Định mây chia trời cách biệt

Nhúng bâng khuâng trong giá lạnh sương hoa

Nhà ngơ ngẩn, những tường vôi keo kiết

Nam quách sầu, Đông phố quạnh, Tây môn xa

Nhưng nỗi buồn của người nô lệ thì hiện rõ trong thơ Yến Lan đến nhói lòng

Mái tóc hoa râm rũ xuống mày,

Trán buồn như núi ẩn sau mây

Từng ô chữ ngắn trong pho sách

Sao khiến thầy buông tiếng thở dài?

....................................................

Tôi biết thầy lo chuyện nước non.

Lòng phơi như ánh mặt trăng tròn

Mỗi khi nhắc đến người buôn tẩu

Tâm sự trào lên ngọn bút son

Và Xoáy tận tâm can con người:

Nhánh tòng bá có đau vì xứ sở

Chớ quặn mình thêm nức nở hồn tôi

Không được sống xin cho cùng được thở

Vạn lý tình trong gió ngọt xa xôi"

(Bình Định 1935)

Vẫn giọng thơ nhẹ nhàng mà thấm thía, tác giả cảm nhận sâu sắc một tương lai đang chờ đón cuộc trở về của những đứa con đã lỡ bỏ làng ra đi. Những hình ảnh trên quê hương biểu hiện một sức sống mới căng trào. Tất cả đang mở ra đầy sức sống:

Buồng phổi mới ngực phồng thân áo xám.

Trăng mát đường về hội nghị cơ quan

Ôi Bình Định từ những ngày tháng Tám

Bao đứa con xiêu lạc trở về làng.

Chiều đại hội ráng lồng trên biểu ngữ,

Đời căng buồm về xứ sở tự do.

Đường Cách mạng thơm từng trang lịch sử...,

(Bình Định 1947)

Nhà thơ Anh Chi đã đánh giá thơ Yến Lan: "Yến Lan là nhà thơ tả thực rất tinh, sâu và có hiệu quả thơ, khiến độc giả rung động bởi được hiểu đời thật và thắm thía thương đời. Có thể nói viết câu thơ tả thực mà làm cho người đọc rung động như Yến Lan là rất khó và rất hiếm

Nghe trên đàng quạnh hiu/Cổ xe bò nặng nhọc

Người trên xe trằn trọc/Giữa những tiếng rơm kêu

Còn Nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Bao nhìn nhận:

"Năm 20 tuổi nhà thơ Yến Lan đã có những câu thơ điêu luyện, tài hoa, những câu thơ có thể xếp vào lọai đặc sắc:

"Trống xa mái ngẫn ngơ thơ đá chạm/ Chiều bồ câu cánh ủ khắp viên trang/ Sầu tam giác buồm cô về lặng nghỉ/ Nhịp hoãn hòa đến vỗ đảo xa khơi". Đó là những tìm tòi táo bạo, phát hiện tân kỳ vừa kết hợp nhuần nhị tính dân tộc và phong cách hiện đại, vừa mang vẻ đẹp phương Đông truyền thống kết hợp thủ pháp nghệ thuật phương Tây...".

Vị trí của Yến Lan lớn, nhỏ đến đâu trong thi đàn nước nhà, điều đó còn chờ sự lắng đọng của nhận thức, phẩm bình và thời gian; nhưng có điều dễ thấy ở Yến Lan: Ông là một thi tài thật sự đặc sắc!

Nhà thơ Trúc Thông, một tác giả cách tân thơ ở Việt Nam hiện nay, nhận xét về thơ tứ tuyệt của Yến Lan đầy cảm phục: "Trong số lưa thưa bậc hảo hán của thơ tứ tuyệt Việt Nam hiện đại, Yến Lan thuộc loại "bố già". Một "bố già" hiền lành. Không cân quắc, ngang tàng, vang động. Nhưng vẫn đầy cốt cách trong cung cách âm thầm...".

Hay một người bạn vong niên, cùng tham gia Cách mạng với Yến Lan;

Anh Cao Kế từng dạy triết học Trường Đại học Qui Nhơn:

"Một tài hoa thật sự đáng ghi nhận ở đây là vào thập niên năm 1945, 46, 47 cũng có nhiều nhà thơ yêu nước nhưng viết không hay chỉ là những câu văn vần tuyên truyền cho cách mạng, nhưng năm 1947, Yến Lan đã viết bài "Bình Định 1947". Một bài thơ mà nội dung phục vụ cách mạng kịp thời và về phương diện nghệ thuật tài hoa thì ai cũng phải công nhận là một bài thơ rất hay; các hình tượng thơ như:

"tin hỏa tốc bạc thếp đèn kéo quân"

"lửa mài gươm sáng rực xóm Lò Rèn"

"Quân lên đường chân đất bước như ru"

"Cha mẹ phá đường, bà cháu tản cư"

"Trai Bình Định ôm bom vào Tú Thủy,"

"Ngự đèo Nhong hay canh bãi Vân Sơn".

"Gái quạt trấu cũng hóa thành Dũng sĩ,"

"Cầu Ba Di đẩy dựng những toa goòng."

Là những hình tượng thơ giàu sức gợi cảm. Những tên đất, tên làng, tên núi, tên sông như xóm Lò Rèn, Tú Thủy, cầu Bà Di, đèo Nhong, Bãi Vân Sơn sẽ sống mãi với lịch sử chống Pháp của Liên Khu Năm cùng tên tuổi Yến Lan.

Tôn vinh Yến Lan như một bậc thầy trong thơ ca thì nhiều lắm, trong khuôn khổ một bài báo tôi khó nói ra hết.

Dẫu giờ đây ông không còn nhưng qua những bài viết của đồng nghiệp ở nhiều thế hệ khác nhau cũng như công chúng yêu thơ Yến Lan, người đọc dễ nhận ra vì sao độc giả vẫn nhớ đến ông,

"Hơn cả một đời thơ của mình, cái mà nhà thơ Yến Lan để lại cho mọi người là đạo đức, cách sống, tình cảm của ông đối với người, quê hương và dân tộc". Những vần thơ chân thực, trang trọng lại ngọt ngào và giàu chất trữ tình của Yến Lan không để lại một chút mùi giáo điều, lên gân nào, chỉ thấy thơ ông tình yêu con người, quê hương khi ông hoà trộn những tình cảm cao quí đó vào nhau.

"Với sự đóng góp của Yến Lan suốt gần trọn một thế kỷ dâng hiến cho đời biết bao khúc nhạc lòng mà quê hương ông dường như cố tình hờ hững. Điều đó cho thấy trong suốt một thời gian dài, tên tuổi và sự nghiệp thơ văn của Yến Lan dường như bị lãng quên... Phải chăng đó là sự bất công hay nói như Chế Lan Viên "Có nhiều lí do. Nhưng thơ là cái đẹp lặng im, đi lầm lũi trong im lặng" [110, tr.10] thế nên thi sĩ ấy như một kiếp tằm, rút ruột nhả cho đời những sợi tơ óng ánh để rồi mình lặng im hóa kiếp chẳng ai hay, chỉ biết rằng mình hoàn thành nhiệm vụ "trả nợ dâu" và thanh thản! Còn cả đời ông không chức sắc gì to lớn, không giải thưởng đỉnh cao tột bậc, không tượng đài, không tên đường".

(Nguồn Webdulich)

Có lẽ bài thơ Xuân muộn mà ông viết cách đây hơn 40 năm đang vận vào ông chăng:

Vụng sắm cành đào không kịp tết

Ra giêng mới hé một vài bông

Xuân người lã tã bay đi hết

Ngoảnh lại xuân ta mới chớm hồng.

L.B.T.

 

 

Nguồn: Tạp chí Thơ

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

[1] Cc tác chiến báo sang tin cui cùng

V s máy bay rơi trong ngày và tàu chiến cháy

Nha khí tượng báo tin cơn bão tan

B nông nghip báo tình hình v cy

Trong nhng t trình th tướng ký đọc trong đêm

Còn có vic hoàn thành b thông s đầu tiên

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *