NHÀ VĂN VĂN LÊ: “CẢM HỨNG LỊCH SỬ LUÔN THÔI THÚC TÔI CẦM BÚT”
Nhà văn Văn, Lê
Và dù ở hình thức nào, tiểu thuyết, hay trường ca, kịch bản phim truyện và tài liệu, chất liệu sử thi, tráng ca cũng thấm đẫm từng trang viết, mang lại cho người đọc cái nhìn hai chiều, những trăn trở phía sau từng cuộc chiến. Đọc Văn Lê không thể vội vã, mà phải nhẩn nha nhặt nhạnh từng chi tiết đắt, từng khám phá dày công của người viết bởi ông luôn trăn trở tìm kiếm những sự thật chiến tranh ở nhiều góc cạnh khác nhau.
Nhà thơ Văn Lê tên thật là Lê Chí Thụy, sinh ngày 2.3.1949, quê ở Gia Thanh, Gia Viễn, Ninh Bình. Ông nhập ngũ 1966, vào chiến trường B2 năm 1967, về tạp chí Văn Nghệ Quân Giải Phóng năm 1974. Sau 1975, công tác ở tuần báo Văn Nghệ Giải Phóng rồi tuần báo Văn Nghệ, Hội Nhà văn Việt Nam. Năm 1977, ông tái ngũ chiến đấu ở Mặt trận 479, Campuchia, đến năm 1982 về công tác tại Hãng phim Giải Phóng cho tới năm 2010 nghỉ hưu. Ông đã xuất bản 3 tập thơ, 2 trường ca, 5 tập truyện, 12 tiểu thuyết và được phong Nghệ sĩ ưu tú của ngành điện ảnh.
Cho đến nay, Văn Lê đã có 12 tiểu thuyết, 5 tập truyện, hai trường ca, 3 tập thơ. Ông từng nhận tặng thưởng Văn học Bộ Quốc phòng với tiểu thuyết “Nếu anh còn được sống” (được dịch sang tiếng Hàn Quốc), tập trường ca “Những cánh đồng dưới lửa” (tập này nhận thêm giải Văn học quốc tế MeKong). Đặc biệt, tiểu thuyết “Mùa hè giá buốt” nhận giải B Văn học chiến tranh, cùng giải nhất Giải thưởng văn học nghệ thuật TPHCM 5 năm. Nói về cuốn tiểu thuyết này, nhà phê bình Ngô Thảo nhận xét: “Nếu viết về sự sòng phẳng trong chiến tranh thì chưa có cuốn nào vượt qua “Mùa hè giá buốt” cả”. Ngoài ra, tiểu thuyết “Phượng Hoàng” nhận giải A về văn học chiến tranh của Bộ Quốc phòng.
* Vì sao đề tài người lính với ông không bao giờ cạn, và viết về người lính dù ở góc độ nào, ông cũng tìm ra những nét riêng cho mỗi cuốn tiểu thuyết?
- Cũng giống như người nước ngoài hay tìm hiểu về dân tộc ta, vì sao một dân tộc đói nghèo như thế mà lại đánh đổ được nhiều kẻ thù xâm lược. Đó là sự thật có thể nói là thần bí của dân tộc, mà người ta chỉ có thể làm được mà không thể lý giải tỏ tường. Thứ hai, thực sự thì cảm hứng lịch sử luôn luôn thôi thúc, có thể nói là “o ép” tôi phải làm cái gì đó, như là lý giải, giãi bày, chia sẻ những suy nghĩ của mình đối với bạn đọc và những người khác. Chứ còn những ai có thể đồng cảm thì lại là chuyện khác nữa. Âu đó cũng là cách bày tỏ chính kiến của mình, đặc biệt là trước những vấn đề mang tính nhạy cảm của lịch sử.
* Trong những cuốn tiểu thuyết của mình, ông đánh giá cao những cuốn nào vừa mang tính nhạy cảm của lịch sử, vừa mang tính sâu sắc, nhân văn hơn cả?
- Những cuốn tiểu thuyết đả động đến chiến tranh đều mang một cách nhìn khác. Trong đó có 3 cuốn cơ bản nhất. Đầu tiên phải kể đến cuốn “Nếu như anh được sống” (Hàn Quốc vừa tái bản lần 3 thì chứng tỏ đối với bạn đọc Hàn Quốc có gì đó cuốn hút qua góc nhìn của người lính trong chiến tranh). Tiếp đến là cuốn “Mùa hè giá buốt” và “Phượng Hoàng” - chiến dịch khủng khiếp nhất ở vùng đất miền Trung Nam Bộ. Khi lên nhận giải, tôi đã phát biểu, rằng: Cho đến bây giờ, cho dù chiến tranh đã trôi qua 40 năm nhưng nhiều đêm nằm nhớ lại những gì đã xảy ra, tôi vẫn còn nghe văng vẳng ở đâu đó tiếng pháo bầy, tiếng bom rơi và tiếng rú của máy bay trực thăng xả đạn… khiến tôi giật mình không sao ngủ được. Chính vì thế, cuốn tiểu thuyết “Phượng Hoàng” xoay quanh vấn đề duy nhất: Phẩm hạnh. Khi chúng ta bị chà đạp, bị kẻ khác chùi chân lên người mình mà vẫn giữ được phẩm giá một cách kiêu hãnh thì đó chính là phẩm hạnh. Nhờ đó, chúng ta mới tích cóp được sức mạnh để lật ngược thế cờ. Chính phẩm hạnh đó được lưu trữ từ tổ tiên truyền đến người lính để họ giữ được danh dự, cốt cách con người, đi vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh một các điềm tĩnh và đầy tính nhân văn... Những người cầm bút như chúng tôi có một khát vọng là làm sao luôn có sức khỏe để viết được hết những gì mình trăn trở, để rồi một mai Diêm Vương có gửi thiệp cho mình thì mình có thể vui vẻ ra đi mà không nặng lòng.
* 40 năm trôi qua, trăn trở nào của ông vẫn chưa được viết ra?
- Tôi vẫn thường tự hỏi, mục đích của công cuộc chiến tranh giải phóng là gì, nếu không phải là thống nhất đất nước, là làm cho dân giàu nước mạnh, cả dân tộc thành một khối vững chắc? Nhưng những gì mình thấy càng ngày càng mỏng manh. Và nếu chúng ta không có cách làm cho cả xã hội biến thành sức mạnh, thì ngay cả chiến thắng, cùng những hy sinh, đổ máu trong chiến tranh cũng đều trở nên vô ích. Tôi khao khát mọi người bớt đi cái tôi, làm việc trước hết vì mình và mọi người, vì sức mạnh của một dân tộc, chứ không thì đất nước sẽ đi về đâu.
* Ngoài tiểu thuyết, ông còn có duyên làm phim tài liệu, viết kịch bản phim (giải nhất kịch bản phim truyện “Long Thành cầm giả ca”), làm thơ, viết trường ca…Tại sao ông có thể viết ở nhiều mảng như vậy?
- Tôi nghĩ đó là giời cho. Trong tập “Vé trở về”, có 5 bài thơ dài. Đầu tiên là “Vé trở về”, “Những người làm chủ biển Đông”, “Bài ca người ngụ cư”, “Quê hương của người lính” và “Gửi một nhà thơ Nam Dương”. Nhiều người cho là tôi “bị tổ tiên nhập” vì không nghĩ tôi viết được như vậy. Hiện tôi đã viết xong cuốn tiểu thuyết “Quả báo”, chỉ chờ in thôi. Ngoài ra, tôi còn ấp ủ viết một cuốn tiểu thuyết về chiến sĩ quân báo của ta đi sâu vào đất địch, hy sinh để cứu những đơn vị của bạn ở Campuchia để sau này họ thành lập mặt trận giải phóng Campuchia, với tựa đề “Cánh rừng có những hột máu bay”.
* “Quê hương của người lính” nói về cuộc chiến ở Lạng Sơn với những câu thơ hay: “Ôi Tổ quốc mến yêu, giống như một thứ bùa mê anh không sao hiểu được/ Có lẽ vì thế mà người khác lại sẵn sàng để chết/ Cho tình yêu, tín ngưỡng đến dại khờ/ Đến dị thường tiếng ai vang vọng trong sương/ Hóa thành ánh lửa dẫn đường anh đi…”. Nhờ đâu mà ông mải mê viết trường ca cũng như có những câu thơ chạm được tới tim người như vậy?
- Cái đơn giản là chẳng phải do tôi chạm được, mà là do đời sống chạm được vào mình. Nó còn hay ở chỗ do người đọc cảm đến đâu. Trong tập “Vé trở về” có 5 bài thơ dài. Vé trở về nói về người em gái đi tìm hài cốt anh trai hy sinh, trên đường đi gặp được người cha cũng đi tìm con. Bài thơ rất buồn, nhưng cũng rất riêng. Hay “Quê hương của người lính” khắc họa nỗi đau của người lính khi trở về đâu còn nhìn ra hồn quê của mình, bởi có cái gì đó tản mát, tan nát không nắm bắt được. Ngoài ra tôi cũng tâm đắc với cuốn “Thần thuyết của người chim”, một cuốn tiểu thuyết đặt lại những vấn đề lịch sử và lý giải một cách khác.
* Không chỉ viết về đời lính, ông cũng có những trang tiểu thuyết rất thú vị về chúa Nguyễn, trong cuốn tiểu thuyết “Mỹ nhân”.
- Thực ra, tôi đã phải hư cấu rất nhiều so với những dòng vẻn vẹn viết trong lịch sử thời ấy. Nhân vật Tống Thị và Thị Thừa được vẽ quá sơ sài vài nét. Tôi đã phải lục lại tất cả sử sách triều Nguyễn, nhưng cũng không tìm thêm được điều gì, nên mình phải lý giải dựa trên tính logic nhằm đưa ra thông điệp của cuốn tiểu thuyết thông qua hình tượng chúa Nguyễn Phúc Tần: Vua phải ra vua, chúa phải ra chúa, quan phải ra quan, dân phải ra dân. Ông từng nói: “Nước ta nhỏ, nhưng phải lớn về mặt đạo đức”, qua đó thấy được phần nào tư chất của ông.
* Nhiều năm sống ở miền Nam, ông có thể nhận chân ra sự giao thoa văn hóa ở hai miền Bắc Nam sau giải phóng?
- Sự giao thoa văn hóa bắt đầu từ thế kỷ 17, khi phong trào di dân từ Bắc Hà lớn mạnh, nhất là sau khi vua Gia Long thống nhất đất nước, làm cho văn hóa phương Nam trở nên đa dạng hơn. Ngay cả ở phương Nam cũng có nhiều tôn giáo, chính vì thế vấn đề về văn hóa cũng khoáng đạt hơn. Sau giải phóng, sự giao thoa văn hóa càng ngày càng trộn lẫn vào nhau. Đặc biệt ở Nam Bộ, lề thói trong các gia đình, giữa các miền quê còn giữ được nghiêm chỉnh. Hôm rồi tôi lên đây nằm viện, gặp ông già người Cà Mau, ông nóng tính, mắng cả y tá. Bà vợ hiền lành hơn, dặn chồng: “Đây là xứ của người ta, ông nhịn đi cho nó lành. Mai mốt mình về xứ mình mình sống chứ đâu ở xứ này”. Câu nói rất có ý nghĩa. Tôi cho là họ còn giữ nền nếp, lề thói rất hay. Có người nói ông sao bắt con cháu vào thăm mình nhiều thế, thì ông bảo, mình đẻ ra nhiều con, nó có hiếu thì đến thăm thôi. Tính cộng đồng, chòm xóm của người Nam Bộ vẫn còn rất khăng khít và chính nhờ đó mà họ là những người cuối cùng để bảo tồn văn hóa truyền thống tốt đẹp. Còn ở miền Bắc, nhiều khi nói một kiểu, làm một kiểu, nên giữ căn cốt của người xưa khó lắm.
* Bao nhiêu năm, máu nóng trong con người ông vẫn không hề thay đổi… Từ người khao khát tìm ra sự thật đằng sau những thước phim tài liệu, đến một trái tim khao khát viết ra những mặt trái của đời sống.
- Tính tôi nó vậy. Tôi cố gắng ghi chép lại bởi vì một ngày không ghi chép, trăm sự thành hoang vu. Suốt đời, tôi vẫn trăn trở, liệu có cách nào đó để dân tộc ta chiến thắng mà không nhất thiết phải chém giết, tương tàn? Tôi cảm giác mình nặng nợ rất nhiều với mảnh đất Nam Bộ này, đặc biệt với rất nhiều bạn bè, đồng đội đã mất. Ngày giải phóng mà chúng tôi cứ ôm nhau khóc, vì nhớ những đồng đội không về nữa. Cái khủng khiếp của chiến tranh là sự mất mát quá lớn. Có lẽ do con người chết nhiều quá, nhiều khi chết đơn giản quá, thành thử ra sau này người ta trở nên vô cảm với những cái đau, vô cảm với cái chết của người khác. Nhìn lại lịch sử, chúng ta phải có cái nhìn toàn diện, nhưng cái khó nhất là không sao thay đổi được lịch sử nữa. Vấn đề chính là thái độ của chúng ta đối với lịch sử nên thế nào mà thôi.
* Xin cảm ơn ông!
Nguồn: Báo Lao Động