Từ đời vào văn

29/6
7:26 AM 2017

“TỰ DO THÔNG ĐIỆP CỦA MỌI THÔNG ĐIỆP”

(Mùi, tập thơ của Hoàng Vũ Thuật, Nxb Hội Nhà văn, 2014).Năm 2010, Hoàng Vũ Thuật trình làng tập thơ với một cái tên rất ấn tượng, rất thị giác: Màu (Nxb Lao động). Đây là một cách thi sĩ muốn nhận diện tôi/ màu gì giữa gương mặt cõi người.

                                                            Nhà thơ Hoàng Vũ Thuật

 Quý II năm 2014, nhà thơ với trữ lượng sống, trữ lượng viết vạm vỡ này lại cho ra mắt bạn đọc thi tập thứ 12 với một cái tên cũng rất ấn tượng, và lần này là rất khứu giác: Mùi (Nxb Hội Nhà văn). Trong Tuỳ viên thi thoại, Viên Mai có viết rằng: “Làm thơ cũng giống với nấu rượu. Thơ và rượu đều có mùi”. Bàng bạc mà vấn vít, quyện bện trong Mùi là một mùi tự do, chính xác hơn là một nỗi khao khát được hít ngửi mùi tự do, một khao khát giản dị chân thành, tất yếu, hiển nhiên tựa như lá hút ánh sáng nhựa truyền lên cây, tựa như nước từ chỗ cao xuống thấp/ khát cần uống đói cần ăn (Tự do). 
Tự do tư tưởng là sức sống của linh hồn. Từng trang Mùi cứ lần lượt chậm rãi kể sự thật, vẽ nên khuôn mặt sự thật bằng ngôn ngữ nghệ thuật, do vậy, hàm lượng sự thật trong đây được cô nén, giàu có hơn bất cứ mớ dữ kiện thực tế nào. Viết thơ là một cách thế khả dĩ để nhà thơ can dự vào cuộc đời bằng lập trường công dân, bằng tâm thế, tư cách trí thức, kẻ sĩ. Tác giả Mùi đã nỗ lực gọi tên và kiến giải tính chất không bình thường của thực tại, lặn xuống đáy sâu linh hồn nhân loại, khơi vẫy những đối thoại để cùng đồng loài tiệm tiến đến con đường khai phóng: Thế gian này sẽ còn trống nhiều chiếc ghế/ lại thừa hàng trăm chiếc ghế khác (Chiếc ghế bỏ trống). Ở đó loài chim bị chém ngang tiếng hót/ vặt trụi lông/ thiêu trên bếp than vàng rực/ ở đó chim không có quyền bay vào trời rộng/ bơi giữa hồ xanh trong/ chim chỉ biết mua vui yến tiệc (Trước nhà thờ Đức Bà Paris). Bay theo linh giấc mơ nước/ trôi mãi quanh thành cổ/ dấu binh mã về đâu/ bụi mù xám xịt/ sao loài người/ mê ngủ/ hoài thai cùng đảo điên (Ngày mới). Không chiếc thang nào giúp tôi vượt nổi tường rào/ chắn ngang mặt/ để đến với ý tưởng khác (Chim sâu). Chẳng thứ gì vĩnh cửu/ chúa trên cao mấy lần đổi ngôi/ niết bàn hư hư ảo ảo/ mình ta là thật/ hơn mọi sự thật (Mòn mỏi). Buổi chợ đông rì rào/ tôi nghe/ máu xưa chảy phía tây biên ải/ người lính nằm nơi đảo xa/ Tổ quốc dang đôi cánh bay qua ngàn chảo lửa/ sự thật cồn cào từng viên đá lát dưới chân (Hà Tiên)…
“Lịch sử của thế giới chính là tiến trình của ý thức tự do” (Voltaire). “Tự do của mỗi cá nhân không phải là sự ban cho của nền văn minh nhân loại. Đó là cái gì cao quý nhất trước khi có sự khai hoá” (Sigmund Freud). Tác giả Mùi đã phát huy triệt để quyền tự do tâm hồn, tự do tư tưởng của mình để suy tư và phát ngôn, nhằm đấu tranh cho tự do của đồng loài. Thế giới này bày ra như một cuốn sách không trang cuối tục tĩu và thánh thiện đắm say và chán chường. Đằng sau bức họa gương mặt thế giới mà tác giả nỗ lực vẽ là sinh động bức chân dung tự họa của thi sĩ. Đôi mắt đen láy sau cốc rượu vang (Chiếc ghế bỏ trống). Khôi nguyên trái tim ứa ra vệt son tươi rói (Cầu Mirabeau). Ta/ cây lặng im/ bóng dưới nước/ một màu cây (Trà đạo)…
Phải tự do trong tư tưởng thì người nghệ sĩ mới có khả năng vươn mình ra khỏi khuôn sáo để bay vào chân trời sáng tạo. Tôi nhai nhạt nhẽo cuốn sách ngược nội dung/ thuộc làu mĩ từ nằm ngoài chân lí/ chữ nghĩa nhảy dây rười rượi màu son/ ngôn ngữ sắp hàng thẳng tắp biện bày đan lưới (Hai ngày không tôi). Anh đã tin với niềm tin thật thà/ tự do chui ra hai tay áo/ nghiêng mái nhà/ hòn đá cất lên âm thanh núi cao/ sỏi đứng bên nhau hát/ những bài ca con đường// Chân trời nào không tìm kiếm tự do (Người).
Một khi sở hữu tự do, anh biết anh đang tồn tại (Cuống rốn).

HOÀNG ĐĂNG KHOA chọn và giới thiệu (Nguồn: Văn nghệ Quân đội)

***

HÀ TIÊN

Lược đồi mồi chải trên tóc
rẽ đôi mái đen
óng 
mượt 
che phủ đường cong sáng láng 
chiếc trâm cài linh thiêng

Tôi yêu đất nước này như em thánh thiện
trong vòng tay mỗi sớm mỗi chiều
bao nhiêu bài thơ tôi 
viết
bao nhiêu bài ca tôi 
hát
bèo bọt trước ngàn con sóng

Buổi chợ đông rì rào
tôi nghe 
 máu xưa chảy phía tây biên ải
người lính nằm nơi đảo xa
Tổ quốc dang đôi cánh bay qua ngàn chảo lửa
sự thật cồn cào từng viên đá lát dưới chân

Tôi yêu đất nước này như giọt mưa thu 
rớt xuống lăng Mạc Cửu 
không yên 
 mặt trời chín ửng 
đôi má

Tôi yêu những dòng sông chảy ngược
ngọn tàu bay thơm hương châu thổ
em hái về bỏ quên 
trước gương soi thấy mình khác lạ 
 nắng đỏ hay là 
nụ hôn

Tôi yêu đất nước này bằng trái tim gió 
tràn trề 
 giọng hò đổ mồ hôi ẩn khuất dọc bờ sú vẹt 
hai phía mênh mông 
câu vọng cổ buồn
rơi 
ngực biển

Như tiếng thở 
mỗi khi gối lên nhau mà thở
hơi nóng hắt ra từ vòm Thạch Động ấm mềm.


CHÚ SÓC NHỎ CỦA TÔI

Đây đảo Tự do(*) đâu phải rừng dày
cây lưa thưa 
cây cũng không ra lá
tuyết tan chiều qua

Trú nơi nào 
hỡi sóc nhỏ

Cái đuôi mày xinh quá 
chiếc chổi tơ mịn màng
quất nóng lên ngực tao

Bộ lông nâu óng mượt 
đôi mắt tròn hạt dẻ
mày hay là cô bé

Có mày tao ấm lên

Có mày tao tin 
thế giới này thánh thiện
sẽ bớt đi phần ác trong mỗi con người
trong mỗi con người
sẽ bớt đi 
xấu xí

Tao vẫn còn miếng bánh 
không tiện vứt xuống đường
ăn cùng tao 
sóc nhé

Có mày tao ấm lên.

--------
(*) Đảo Liberty (tiếng Anh: Liberty Island có nghĩa Đảo Tự do) là một hòn đảo nhỏ không có cư dân nằm trong Bến cảng New York tại Hoa Kỳ, được biết đến nhiều nhất vì là vị trí của Tượng Nữ thần Tự do.

TỰ DO

Tự do như chữ viết có mắt có chân
bay lên xuyên tường rào xuyên núi xuyên đất
đến và đi không biên giới

Tự do vang trong ngôi nhà ấm áp tiếng cười trẻ thơ
nước từ chỗ cao xuống thấp
khát cần uống đói cần ăn

Lá hút ánh sáng nhựa truyền lên cây
hiển nhiên khí trời
môi soi vào môi tóc soi vào tóc

Là giọt máu của anh và tôi
là bóng từ bi hiện ra khuya khoắt
là vòng tay người yêu dấu

Chữ có khi thay
nước có ngày cạn
máu có lúc khô

Tự do thông điệp của mọi thông điệp 
giản dị chân thành cuộc gặp không định trước
người nằm xuống tự do đứng lên.

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *