Tác phẩm và dư luận

1/7
8:49 AM 2017

CÀNH TRE RUN RẨY-TRUYỆN NGẮN CỦA NGUYỄN CÔNG TIẾN

Ngôi nhà hai tầng được sơn đỏ loè loẹt, nằm thấp thoáng sau những tán lá của một thân sồi cổ thụ. Nó đứng gần như lẻ loi bên đường Ziegler, ngoại ô thành phố. Nhà này luôn kín cổng cao tường. Ban ngày, nó như thiêm thiếp ngủ, đêm đến sáng những ánh đèn sau khung cửa sổ được dán giấy màu đỏ.

Dân trong thành phố quen gọi nó là khu nhà đỏ. Ngôi nhà được dựng lên nhằm thoả mãn ước mơ tiêu tiền của khách làng chơi. Bà chủ ngôi nhà, nghe đâu xuất thân từ một người nghèo khó.

Ngày mới kinh doanh, nhà này đã có vấn đề. Dân quanh vùng kéo đến đứng kín khoảnh sân trước cửa. Người ta đòi bà chủ phải hạ ngay lá cờ đang ngạo nghễ tung bay trên nóc nhà xuống, người ta bảo: “Cờ treo chỗ nào đó, nhưng không phải chỗ này, chỗ uế tạp này!”. Số là, theo định kỳ hàng năm, nhà Quốc hội trên Berlin lại hạ cờ xuống để thay lá cờ đã bị bạc mầu. Họ đưa lá cờ cũ ra bán đấu giá công khai. Bà chủ nhà đỏ đã thắng thầu. Rinh cờ về hôm trước, ngay hôm sau, bà cho treo lá cờ trên nóc ngôi nhà hai tầng. Không được! “đó là sự sỉ nhục lá cờ Đức, sỉ nhục nước Đức” - đám đông reo hò, họ luôn là những người có quyền đại diện cho chân lý (?). Bà chủ nhà khoác trên người tấm sa tanh mầu hồng ngọc, đủng đỉnh bước ra cự lại: “Các ông, các bà hãy đưa cho tôi xem: điều luật nào cấm treo cờ trên nóc nhà thổ?”. Mọi người im lặng, chẳng ai đưa ra được cái gì. Bà lại đủng đỉnh đi vào... Cãi vậy, nhưng để yên phận làm ăn, bà cũng cho vệ sĩ hạ cờ, rồi đưa nó vào trịnh trọng treo trong quầy bar. Chuyện có vậy, nhưng đã làm khu nhà đỏ của bà nổi đình nổi đám một dạo.

 

Lạnh quá không ngủ được, ông Ngạc nằm thao thức nghe tiếng tuyết trên mái nhà xô xuống, rơi lộp bộp dưới sân. Trở dậy khoác vội tấm áo dạ sờn cũ lên người, quơ vài tờ báo trên bàn rồi bật lửa. Ông ném mớ giấy đang cháy vào lò sưởi, nhẩn nha tiếp thêm những miếng bìa các tông đã được ông cắt nhỏ từ hồi chiều. Đêm nào cũng vậy, trước khi đi ngủ, ông đã lấy sẵn hai can nước nóng cho vào trong chăn rồi chui vào giữa nằm. Sự ấm áp cũng chỉ ở lại với ông đến quá nửa đêm. Sau đó là những giây phút bập bùng suy tư trước ngọn lửa leo lét trong lò... Khi đăng ký ở lại Đức, trong túi ông còn lại gần một nghìn Mác - chẵn một tháng lương phiên dịch. Ở lại là đúng! Ông lấy vợ muộn, bây giờ vào cái tuổi “tri thiên mệnh”, về biết làm gì ra tấm ra món để nuôi ba đứa nhỏ. Ở đây, mỗi tháng ông chỉ cần tiết kiệm một, hai trăm gửi về, bốn mẹ con tiêu nhoè. Rồi lại còn ngôi nhà, nhất định ông phải có một ngôi nhà riêng, gắng làm vài ba năm là được. Ông mới nhận được thư của anh bạn, về từ năm chín mươi. Anh ta viết: Đút túi được năm nghìn “Đô”, về mua được ngôi nhà lớn mặt phố ở Nam Định. Giờ, mấy mẹ con nhà nó vẫn lụp xụp trong căn phòng cấp bốn của cơ quan, nghĩ xót ruột lắm! Phải làm gì đó đi Ngạc ơi! Ông luôn tự nhủ như vậy. Nhưng ông chẳng làm được việc gì, ngoài việc nhận đi dịch thuê cho người ta. Cánh sinh viên mới ra trường, vừa buôn thuốc lá, vừa đi dịch nhoay nhoáy, kiếm bộn tiền tươi thóc thật. Khổ cho ông, là phiên dịch kỳ cựu, ông chẳng làm thế được. Tính ông vừa cả nể, vừa thương người, ai có thì đưa, không có thì ông giúp thật lòng, chẳng phải lăn tăn gì. Vậy nên ông mới khốn khổ - sau khi cóp nhóp được tí tiền gửi về, tới mùa đông, đâu có dư được đồng nào để mua than đốt sưởi.

Tết giáng sinh năm ấy không có tuyết, trời buốt cắt da cắt thịt. Chỉ còn một ngày nữa là đóng cửa chợ, ông Ngạc cố động viên mình ra ngoài uống một cái gì đó. Gió lạnh làm ông không dám thở sâu, mới đi bộ được chừng dăm phút, ông đã có cảm giác tê hết dái tai và đầu mũi. Ông thích một li Punsch nóng pha với Whiskey để lấy khí thế cho con đường phía trước. Quầy uống đông nghẹt, người ta đàn, hát, cười nói ầm ĩ. Tìm mãi, cuối cùng cũng có một chỗ trống. Vừa kết thúc lời chúc giáng sinh vui vẻ tới mọi người, thì một bà cao lớn đứng đối diện, ngó hẳn vào mặt ông:

- Hallo Ngạc! Mày còn sống đấy hả?

Ông Ngạc nhìn lên, phải khó khăn lắm ông mới nhận ra, người đàn bà có mái tóc vàng mặt bự son phấn ấy là Maria Bachaus. Cách đây mấy năm, cô ta làm bí thư ban chấp hành đoàn thanh niên nhà máy, kiêm việc chăm sóc đội lao động của ông. Hầu như ngày nào họ cũng làm việc với nhau. Sau mỗi cuộc liên hoan, hay lễ lạt, cô ta lại kéo ông ngạc ra dịch cho vài lời, rồi ôm nhau nhảy nhót tưng bừng. Ông còn biết, Maria uống hầu như không bao giờ biết say và có một giọng cười rất hoang hoải, không lẫn vào đâu được.

Họ ôm nhau thân thiết trong tiếng cười vui chúc tụng của mọi người xung quanh.

Sau lễ giáng sinh, ông Ngạc nhận được điện thoại của Maria. Ông vui lắm, cô ta giữ lời hứa và đã kiếm được một việc làm gì đó, giúp ông có thêm thu nhập. Đây rồi, nhà số 07 có cây sồi cổ thụ đứng bên đường Ziegler. Giống cây này chịu lạnh cũng khoẻ, sắp qua đông rồi mà nhiều lá vàng chưa chịu rụng. Những cành nhánh khẳng khiu trần trụi, tưởng như đã khô cứng trong giá lạnh, nhưng nhìn kỹ ở mỗi mắt nhỏ, người ta đã thấy lộc nhú lên những chồi non biêng biếc. Một đôi chim cu đang gù nhau tít trên cao. Sau khu nhà là một cánh đồng trải rộng mênh mông. Hạt được gieo trước mùa đông, ra giêng hai ấm áp, mầm bắt đầu vươn cao. Biển lúa mạch phơi một mầu xanh mạ non, chạy tít tắp tới tận chân làng Karena. Nắng rải vàng ươm khắp cánh đồng... Cánh cổng căn nhà đóng im ỉm, ai đã vẽ lên đó hình mũi tên xuyên qua trái tim bằng một chiếc bút dạ. Ông Ngạc ấn chuông, nói là có hẹn với bà Bachaus. Tiếng ổ điện sè sè mở cổng. Phải qua một lần cửa nữa, ông mới vào đến trong nhà. Ông Ngạc giật mình khi thấy trước mặt là cả một thế giới “không thể tả nổi”: Ánh đèn mờ ảo; tiếng nhạc xập xình; trước quầy bar là các cô gái ăn mặc Sexy các kiểu, họ quấn lấy những gã đàn ông lực lưỡng, có hình xăm chạy dọc cánh tay. Một cô trong chiếc váy ngắn hở cả khe mông, dẫn ông tới trước cửa một căn phòng rồi gõ cửa. Ông Ngạc bước vào cất tiếng chào... Căn phòng sáng sủa, đồ đạc bày biện ngăn nắp, sau bàn làm việc treo một bức tranh các lực sĩ thể hình, cơ bắp cuồn cuộn. Trên bàn ngập những giấy tờ. Maria chào lại nhưng không ngẩng lên. Cô đặt bút, ký những nét cuối cùng lên văn bản, rồi đứng dậy bắt tay ông Ngạc:

- Tốt lắm! Mày vẫn giữ được phong cách làm việc đúng giờ của người Đức.

- Cái gì tốt thì giữ, cái gì xấu thì phải bỏ.

- Ví dụ?

- Ở đây này, mày làm gì ở đây vậy?

Maria hai tay chống nạnh:

- Sếp-nữ doanh nhân Maria Bachaus - chủ khu nhà thoả mãn ước mơ tiêu tiền của cánh đàn ông ngu xuẩn.

Nói đoạn, cô ta gí ngón tay trỏ vào bộ ngực lép kẹp của ông Ngạc:

- Và mày sẽ là một thằng ngốc tiếp theo.

 Cô xoa đầu ông, rồi cất tiếng cười khơ khớ giòn tan đầy tự mãn. Ông Ngạc hơi khó chịu! Có lẽ cảm thấy được điều đó, Maria ôm lấy vai ông nói nhẹ nhàng:

- Đùa tí thôi, có việc cho mày đây.

Cô xoè cả mười đầu ngón tay ra, những chiếc móng dài và nhọn như móng diều hâu được sơn mầu Boóc đô đậm, sáng lấp lánh dưới ánh đèn.

- Mày làm được chứ? Hoá ra đây là công việc mà Maria đã tìm cho ông. Vấn đề là ở chỗ: Cô ta không muốn nhân viên của mình xin ra ngoài nhiều. Ra ngoài rất phức tạp và mỗi lần như vậy, đều phải cắt cử vệ sĩ đi theo. Hôm ở chợ tết giáng sinh, ông đã kể cho cô ta biết rằng, sở lao động giới thiệu cho ông đi học nghề làm móng. Sở dĩ như vậy, vì trước đó ông đã nói với người ta rằng, xưa ông đã từng làm gia công đồ trang sức vàng bạc. Vậy là ông được đi học chuyển nghề, sau ba tháng, ông được cấp bằng tốt nghiệp hẳn hoi. Nhưng khi đi xin việc, chẳng đâu người ta nhận. Một lão già châu Á cà khổ làm nghề móng, chắc là điều không thể tưởng tượng được trong giới các bà các cô người Đức.

Đích thân Maria đặt mua giúp ông đồ nghề. Cũng chẳng hết mấy tiền. Những gì phức tạp nặng nề thì gửi lại chỗ cô ta, còn tất cả thu gọn trong một chiếc cặp da để ông xách theo người. Ông nhớ mãi cái ngày hôm ấy, sau gần ba tiếng miệt mài đến tê tay, bộ móng đầu tiên ông làm cho Maria đã thuyết phục được ngay mọi người. Biết Maria chung thân với mầu Boóc đô, để khỏi nhàm chán, ông đã phun sơn, kết hợp hai mảng đen và mận chín cho đầu móng, tạo cảm giác sang trọng quyền quý. Nước Gel bóng cuối cùng được nướng trong đèn UV và một ít dầu chăm sóc da, làm mười đầu ngón tay Maria sáng ngời lấp lánh dưới ánh điện. Sau khi được ông mát xa nhẹ, cô chìa hai bàn tay cho mọi người xem, miệng không ngớt thán phục:

- Thật tuyệt vời! Đẹp thiên thần!

Chờ ông Ngạc đóng nắp chiếc cặp da xong, Maria đưa cho ông một trăm Mác:

- Cầm cả lấy và cảm ơn mày nhé! Làm cho chúng nó, giá cả do mày quyết định, nhưng mỗi một khách, mày phải nộp cho tao mười đồng tiền chỗ. OK?

Ông Ngạc mừng lắm, run run lóng ngóng bắt tay tạm biệt Maria. Ông thực sự xúc động, không ngờ cô ta đã giúp ông một nơi kiếm tiền quá tốt. Ông làm việc vào ban ngày là chính, ban đêm các cô gái còn bận tiếp khách. Trong họ, chỉ có một cô 28 tuổi làm quản lý, còn lại đều rất trẻ. Đa phần các cô gái đến từ Đông Âu, vài ba cô người Phi châu và Thái Lan. Họ giao tiếp bằng tiếng Đức còn rất ngọng nghịu. Những ngày đầu, họ trêu ông dữ lắm. Cô Daniela cao gần mét tám, ngồi trước bàn làm móng. Cô mặc chiếc quần soóc ngắn cũn cỡn, hai đùi trắng lốp, xoắn vào nhau như đôi trăn gió rồi kẹp chặt đầu gối ông lại. Cũng có những cô thản nhiên thả bộ ngực căng tròn, gần như trần trụi của mình ra đầy khiêu khích... Ông Ngạc phải cố hết sức để chế ngự một con người khác trong ông đang khởi dậy. Đã có lúc ông định đến lại nơi này vào buổi tối, nhưng ông lại sợ Maria! Maria có nghĩ khác về ông không, nếu ông làm như vậy? Sở dĩ cô ấy giúp ông, vì ông là Ngạc - một gã nhà quê thật như đếm - của ngày xưa mà cô đã biết. Còn, nếu ông lại là một trong những thằng ngốc, mơ ước được đến đây tiêu tiền thì...             

 Làm được một thời gian khá lâu, các cô mới biết được tên ông. Nhưng chẳng rõ ai đã khởi xướng, họ cứ gọi ông là: Uncle Sam. Sau, rút ngắn lại, họ chỉ gọi ông là Uncle một cách thân mật. Cũng phải khá lâu sau đó, ông Ngạc mới thấy cô gái người Thái Lan làm lịch hẹn. Cô gái chắc cũng chạc tuổi con bé lớn nhà ông, dáng bé nhỏ, nước da đen giòn nom rất có duyên. Cô không trang điểm, đôi mắt hơi có quầng thâm. Lúc ấy, cô khoác chiếc váy dài mầu xanh lá cây, điểm những chùm hoa Thanh lương trà li ti mầu trắng. Tiếng Đức nhát gừng, cô nói với ông là muốn làm “phom” móng nhọn, còn riêng hai ngón áp út, cô thích ông vẽ cho hình lá tre và một cái búp nhỏ. Làm được một lúc, ông Ngạc bắt chuyện:

- Bên Thái Lan có nhiều tre không?

- Không nhiều, nhưng trước cửa nhà cháu có một bụi tre to.

- Cháu là con thứ mấy trong nhà?

- Thứ nhất.

- Bố mẹ làm nghề gì?

- Là nông dân mà.

- Chú từ đâu đến?

- Chú đến từ Việt Nam.

 Cô gái bỗng giật mình làm ông mài chệch khoé móng, cái giũa mới khá sắc, khía một đường vào da tay, máu thấm dần ra, rồi nở thành giọt...

Xoan người Long An, cô sang Liên Xô lao động, chưa đầy một năm thì xảy ra cuộc cách mạng long trời lở đất. Vỡ trận, nhà máy đóng cửa. Bạn bè trôi dạt mỗi người một phương. Biết có đường dây đưa người qua Đức, cô và mấy người cùng nộp tiền và giao phó số mệnh mình cho kẻ môi giới. Không ngờ, sang tới Tiệp, sau khi thu hộ chiếu và các giấy tờ tuỳ thân, chúng giữ cô lại... Mấy tháng sau, khi kiếm được người con gái khác, chúng mới thả cho cô đi. Sang tới Đức, bọn trong đường dây bên ấy giấu cô trong xe, nói là đưa đi nhập trại tị nạn, không ngờ chúng lại bán cô vào đây. Còn hộ chiếu của cô thì bị chúng lấy mất, cho thuê kiếm lời. Bà chủ Maria đã dúi cho cô tấm hộ chiếu Thái Lan và khoác lên cô một lý lịch hoàn toàn xa lạ.

Hôm ấy, ngồi dưới quầy bar và trong nước mắt, Xoan đã kể lại toàn bộ câu chuyện của mình cho ông Ngạc nghe. Ông Ngạc im lặng, xoay xoay ly Gin trong tay, mắt ông vằn đỏ. Đúng là Xoan bằng tuổi đứa con gái lớn của ông. Ông không tưởng tượng nổi, nếu con gái ông bị rơi vào hoàn cảnh này thì ông ra sao. Ông sẽ phát điên? Hay ông sẽ rút dao đi tìm, để xả quân bất lương ra hàng trăm mảnh? Xoan lấy khăn giấy thấm nước mắt, chờ bình tâm trở lại, cô xin phép ông lên lầu.

Ông Ngạc không ngại, ông gặp Maria và nói thẳng rằng, Xoan là đồng hương và cô ấy có một hoàn cảnh đáng thương, cần được giúp đỡ. Từ đấy trở đi, khi không tiếp khách, Xoan hay quanh quẩn chỗ ông làm. Cô rất thích được ông nhờ một việc gì đó. Tháng sau, làm lại móng, Xoan thích thay đổi mẫu vẽ cho khác mắt một chút, nhưng riêng hai ngón áp út, cô vẫn giữ mẫu nhành tre. Đoán được tâm trạng của Xoan, ông Ngạc hỏi:

- Cháu nhớ nhà lắm hả?

- Nhớ lắm chú! Ba con mơ ước, sau này con sẽ đem tiền về. Ba con sẽ xây một ngôi nhà nhỏ, có sân có vườn và xung quanh là hàng rào cây cắt tỉa thiệt đẹp. Con đi lao động bên Liên Xô, ba má và các em con trông lắm đó chú. Chẳng hiểu sao, đêm nằm con rất hay chơm bao thấy khóm tre trước cổng.

 Hoá ra, mơ về một ngôi nhà đích thực, do chính tay mình xây dựng lên, là mẫu số chung của biết bao con người, đâu phải của riêng ông. Cảnh đời ở nhà thuê của bố ông diễn ra mãi, ông lạ gì. Tuy còn xa vời, nhưng nếu trời cho ông thời gian và sức lực, ông sẽ làm được...

Chờ ông bôi dầu chăm sóc da cho ngón cuối cùng xong, Xoan ngập ngừng hạ giọng:

- Chú ơi! Chú có thể cứu con ra khỏi đây không chú?

Không phải bây giờ Xoan nói ra thì ông mới nghĩ tới điều này. Bữa trước, ông đã đắn đo hỏi Maria, cô ta đanh giọng ngay với ông: “Mày biết tao đã phải mua nó bao nhiêu không? Ngần ấy thời gian, chưa đủ tiền son phấn nhé. Nếu mày còn nhắc lại chuyện này, hãy ra khỏi đây!”

Ông bảo Xoan:

- Cứ từ từ để chú tính. Quan trọng là cháu đừng làm mất lòng bà chủ. Bà ấy cũng không không phải là người quá tệ đâu.

Thế rồi Xoan bị ốm. Cô chuyên bị sốt về buổi chiều, kêu ngăm ngăm đau bụng. Đặc biệt rất đau khi quan hệ. Maria vẫn bắt cô tiếp khách. Bà ta dạy các cô gái ở đây rằng: “Với khách, chúng mày không có từ “không”, chỉ có từ “vâng ạ”! Xoan là một trong số các cô gái mà Maria tuyển dụng chui. Các cô này không có chế độ bảo hiểm sức khoẻ. Bệnh của Xoan ngày một nặng. Ông Ngạc tới hỏi bác sĩ quen, xưa làm trong phòng khám của xí nghiệp. Bác sĩ phỏng đoán, có thể Xoan bị viêm nhiễm đường sinh dục. Thời gian càng kéo dài, những cơn sốt và đau hành hạ càng nặng, cô nằm bệt luôn không tiếp được khách. Lúc ấy, Maria mới gọi ông Ngạc đến rồi cho Xoan đi.

Ông Ngạc dọn qua loa cái giường trong phòng ngủ, rồi dìu Xoan đi nằm. Ông đặt tay lên trán, con bé vẫn hầm hập sốt. Phải ăn cái gì vào bụng đã rồi mới uống thuốc, nghĩ vậy ông quay ra đặt nồi cháo. Mãi tối, bác sĩ Heimann tốt bụng mới đến tận nơi thăm khám cho Xoan. Ông ta đưa cho ông Ngạc ba tệp thuốc, kèm mảnh giấy nhỏ hướng dẫn cách sử dụng. Cất tai nghe vào cặp xong, ông quay sang hỏi ông Ngạc:

- Ông ở căn hộ khủng khiếp này bao lâu rồi?

- Ngay sau khi xí nghiệp giải tán.

- Nếu không có sự thay đổi ấy, chắc chúng ta có cuộc sống không đến nỗi tồi.

Bắt tay tạm biệt, ông bảo: “Có vấn đề gì cứ gọi nhé, đừng ngại”. Phải là người thương cảm lắm, ông bác sĩ mới dám nhận điều trị kiểu này. Nhìn đồ đạc và cách ăn ở là ông đã biết hoàn cảnh khốn khó của hai người. Cả dãy nhà đã xuống cấp nặng, không có người ở. Chỉ mình ông thuê căn hộ hai phòng tít trên tầng bốn, vào những đêm mưa gió tơi bời, quả là khủng khiếp thật.

Xoan khá dần, cô đã bắt đầu vào bếp giúp ông nấu nướng, lau chùi dọn dẹp. Quần áo thì vẫn phải giặt bằng tay. Yên tâm nhất là ông đã mua được tạ than, phòng khách lúc nào cũng ấm áp. Ông bảo Xoan khiêng chiếc giường sang, ông sẽ ngủ trên đi văng. Tạm vậy, rồi tính sau. Đi đâu về, thấy Xoan lúi húi trong bếp, ông cứ ngỡ đứa con lớn đang ở bên mình. Ngẫm cũng vui! Ban ngày ông vẫn đến làm móng chỗ Maria theo lịch hẹn. Tối về, trước khi đi ngủ, ông kể cho Xoan nghe tác phẩm bất hủ “Faust” của Goethe. Cô không ngờ, thành phố mình đang sống, ngày xưa Goethe đã từng đặt chân và không cầm được nước mắt khi Gretchen phải giết đứa con đang còn đỏ hỏn... Nghĩ lại thân phận mình, Xoan nói với ông Ngạc: “Con nghiệm ra rồi chú ơi, đã là con người, bất kể bao giờ và ở đâu cũng đều có những người thống khổ. Thống khổ tới mức tận cùng, để họ giống nhau như được sao chép từ một bản gốc vậy”. Ông Ngạc bỏ kính xuống bàn, nhìn Xoan thông cảm. Làm gì có khái niệm công bằng, những người thiện lại hay lâm cảnh khốn khó, còn kẻ ác lại hay được hưởng xa hoa. Ông cười bảo: “Cháu đã có một kết luận rất hay! Chính vì vậy, ông Mác mới hô hào những người như chú cháu mình phải đoàn kết lại”.

Ông Ngạc không có xe, mấy ngày liền, ông tìm người nhờ đưa Xoan đến trại tị nạn ở Halberstadt. Vào trại, cô mới có chế độ nuôi dưỡng, thuốc thang. Ở đây với ông, cô có thể bị bắt bất cứ lúc nào. Rồi còn lúc nhức đầu xổ mũi... Ông không biết rằng, mấy ngày qua, trong khu chợ tuần có nhiều người Việt làm ăn buôn bán, người ta rỉ tai nhau một tin đồn rằng: Ông Ngạc già nghiện đi nhà thổ và bây giờ đang “chăn” gái tại nhà. Ngửi thấy “hơi đồng”, thằng Sơn “gấu”- chuyên đánh hàng thuốc lá trên Mardeburg - bám ngay lấy, nó theo ông về nhà. Vừa bước chân vào cửa, liếc mắt nhìn Xoan, nó toét miệng ngay:

- Chết thật, chú để em nó ở đây, quá nguy hiểm! Chỉ cần bước chân ra khỏi cửa là cảnh sát túm liền. Cháu sẽ giúp chú đưa Xoan đi Halberstadt.

Nó gãi đầu vẻ ngượng ngập:

- Hì hì, cháu chỉ xin chú tí... xăng!

Đã lâu lắm, hôm ấy Xoan mới được ra ngoài. Vào đầu hè, nắng vàng trải dài trên cánh đồng đại mạch. Những bông hoa mào gà dại đỏ chói, đung đưa theo chiều gió. Trên cao, ngọn dương hình tháp vi vu như tiếng sáo chiều ai thổi. Mây trời lồng lộng, chẳng khác gì một buổi trưa ở quê nhà. Xoan để chân trần, rón rén đi dọc theo bờ cỏ xanh mượt, cô ngắt một bông cúc dại nhỏ như chiếc khuy áo, sung sướng cài lên mái tóc. Những ngón tay trắng gầy của Xoan, được chú Ngạc vẽ móng cho sáng nay, đang tươi mầu xuân sắc.

Sơn “gấu” đến, ông Ngạc xách chiếc túi du lịch xẹp lép cho Xoan ra. Đó là tất cả những gì mà cô đã kiếm được trong mấy năm qua, để thoả mãn ước mơ xây một căn nhà cho ba má. Xoan ôm lấy ông Ngạc, khóc thút thít như đứa trẻ nhỏ. Xe lăn bánh, cô quay kính xuống, ông Ngạc với theo: “Nhập trại xong, khi nào có điều kiện về thăm chú nhé”. Ông đứng nhìn theo cho đến khi chiếc xe rẽ sang một lối khác. Thoáng một nỗi buồn cô quạnh, giờ ông lại trở về một mình trong căn nhà “khủng khiếp”.

Nhưng Sơn “gấu” không đưa Xoan đi Halberstadt, nó đem cô về thẳng nhà, cách đấy hơn một giờ xe chạy. Căn hộ hai phòng hắn thuê nằm trên tầng ba của khu nhà cổ. Để Xoan ở nhà, hắn bỏ đi mãi tới gần chiều mới xách về một túi thức ăn. Hắn bảo: “Ăn xong thì đi nhập trại”. Đang đói, cô ăn uống một cách ngon lành. Xoan không thể ngờ, đồ ăn đã bị tẩm thuốc mê! Quá nửa đêm tỉnh dậy, thấy mình trần truồng trong tay thằng khốn nạn, cô hét lên trong sợ hãi, rồi vùng chạy ra ngoài... Xoan bỏ ăn. Thằng Sơn “gấu” nhốt cô trong phòng ngủ. Lúc thì doạ ném cô cho lũ giang hồ, lúc dụ dỗ ngon ngọt: “Ở đây với anh ít bữa, sẽ có tiền, sau này nếu thích, anh đưa đi nhập trại”. Biết không thể thoát được tay thằng ma cô, Xoan đành phải cắn răng chịu đựng... Tháng sau, Sơn “gấu” ép cô phải đi khách. Ngày còn ở Việt Nam, đã từng chăn dắt gái mại dâm, nên khi bắt được Xoan, hắn đã nghĩ ngay tới nghề cũ. Sơn “gấu” ngồi phòng ngoài thu tiền. Y mở băng “tươi mát” cho khách làng chơi giải trí. Khách vào đây, toàn các gã người Việt, đa phần là dân độc thân, họ thường đến vào cuối tuần. Cũng đủ các hạng người, đủ cách cư xử và không thiếu cả những người tỏ ra ái ngại cho hoàn cảnh của Xoan. Cảm thấy ai là người tử tế, cô vẫn nhờ nhắn giúp ông Ngạc tới, hy vọng ông sẽ cứu cô ra...

Sơn “gấu” buôn thuốc với cánh Ba Lan đã mấy năm nay. Đêm xuống, hắn mò mẫm như ma, sáng về ngủ vùi tới tận gần bữa cơm chiều. Cứ khoảng tuần một lần, cánh Ba Lan mang thuốc tới, họ ấn định giá cả, rồi để hắn tự lái xe đi giao cho các mối lẻ người Việt. Gần sáng hết hàng, hắn mang đủ tiền về nộp. Được hưởng khoản chênh lệch giá, mỗi đêm giao hàng như vậy, hắn đút túi tới vài ba nghìn. Hôm ấy là lần cuối cùng, Sơn “gấu” nói với cánh Ba Lan rằng, cần nhập một lượng hàng lớn. Mừng hú, bọn này chở sang đầy một xe khủng. Hắn mang đi giao hết hàng, rồi ẵm cả đống tiền lủi mất. Cánh Ba Lan giắt súng sau lưng, chia nhau đi truy lùng “tội phạm”. Tới nhà, thấy cửa bị khoá trái, họ phá cửa xông vào. Lúc ấy Xoan đang nằm co quắp trên đi văng. Chúng lôi cô vào phòng ngủ, đánh đập tàn nhẫn bắt khai ra nơi lẩn trốn của Sơn “gấu”... Khi cảnh sát tới nơi, Xoan chỉ còn thoi thóp thở.

*

Thấy ông Ngạc bước vào phòng bệnh, Xoan bật khóc nức nở. Thương Xoan quá, ông chỉ ngồi cầm tay cô mà lặng đi. Vừa thấm nước mắt cho cô, ông vừa nói trong ân hận:

- Lỗi tại chú! Vì chú tin nó cũng là người Việt, mà để cháu nên nông nỗi này.

Xoan thều thào nói trong nước mắt:

- Không chú ơi... số của con nó thế rồi, con phải chịu! Giờ con chỉ muốn trở về... bên ba má và các em thôi.

Bác sĩ nói cho ông Ngạc biết rằng, Xoan bị đánh dập gan, gãy xương sườn. Đã mổ và có chiều hướng ổn định tốt. Ông Ngạc đến trình bày với lãnh đạo bệnh viện về hoàn cảnh của Xoan. Người ta đồng ý sẽ làm hồ sơ, xin sở xã hội thanh toán cho mọi khoản.

Thấy Xoan tươi tỉnh, ăn uống được, ông Ngạc đã mừng. Nhưng đến chiều hôm ấy thì Xoan bị sốt, kêu bị đau âm ỉ vùng bụng. Gần như suốt đêm, cô không ngủ được. Sáng hôm sau, bác sĩ đưa đi chiếu chụp, lúc ấy mọi người mới biết là cô bị chảy máu trong - ổ bụng đã đầy máu. Phải mổ lại! Nghe được tin này, Xoan run lên bần bật. Ông Ngạc đến ngồi bên giường an ủi, cô nằm thiêm thiếp, mắt nhắm nghiền, những giọt nước mắt thấm dần trên gối. Cô nắm tay ông Ngạc, giọng ngắt quãng:

- Chú ơi... có khi nào con bị... chết ở đây không?

Lo lắm, nhưng ông Ngạc vẫn gạt đi, ông bảo:

- Ở đây là yên tâm rồi cháu ạ, các bác sĩ có đủ khả năng chữa bệnh cho cháu.

Xoan nhắm mắt, lặng thinh. Rồi có lẽ linh cảm thấy có điều gì bất ổn, Xoan trở nên thản nhiên lạ thường, cô nói với ông Ngạc:

- Tiền và một lá thơ, con đã bọc kỹ để dưới tấm nệm trong giường của chú. Con định bụng, chiều hôm ấy nhập trại xong, mới điện về báo chú biết. Nhưng không ngờ... Nếu trời không cho con sống nữa... chú làm ơn gởi về cho ba má con nghe chú. Con mang ơn chú nhiều!

Ông Ngạc lặng người đi, nhìn Xoan xót xa rồi khẽ gật đầu:

- Cháu yên tâm, chú hứa sẽ làm đúng lời cháu dặn. Đừng lo lắng quá, rồi sẽ ổn thôi cháu ạ.

Người ta đến để đưa Xoan đi gây mê. Cô còn kịp nói với ông câu cuối:

- Nếu con chết, chú bảo người ta đừng mang bao tay cho con nghe chú. Con muốn để vầy cho đẹp.

Chiếc cáng được đẩy đi. Ông Ngạc ứa nước mắt, nhìn theo bàn tay trắng xanh, gầy guộc của Xoan. Trên móng tay cô, có một nhành tre xanh đang run rẩy.

 

Nguồn Văn nghệ số 21/2017

 

Từ khóa
Chia sẻ

Tin khác

0 bình luận

Bình luận

Email sẽ không được công khai trên trang.
Điền đầy đủ các thông tin có *