VĂN HỌC TRÊN DẶM ĐƯỜNG XA
Trong chiều dài đó, lịch sử ghi nhận rất nhiều tác gia và tác phẩm tiêu biều thuộc các trường phái khác nhau của từng giai đoạn phát triển văn học. Các nhà nghiên cứu nhận định: trong lịch sử văn học Nhật Bản chưa bao giờ có trường hợp một hình thức, phong cách hay một quan niệm thẩm mỹ có ảnh hưởng trong một thời kỳ lại không được kế tục bởi một hình thức mới hơn ở thời kỳ tiếp theo. Có thể lấy ví dụ về hai tác gia có tác phẩm khá phổ biến ở Việt Nam – Natsume Sõseki và Haruki Murakami.
Natsume Sõseki (1867-1916) – nhà văn cận-hiện đại lớn, được dư luận đánh giá là "một trong ba trụ cột của văn học hiện đại Nhật Bản", cùng Mori Ōgai (1862-1922) và Akutagawa Ryunosuke (1892-1927). Ông tên thật là Natsume Kinnosuke, sinh tại Edo chỉ một năm trước khi sự kiện Minh Trị Duy tân được khởi xướng (1868). Sau này, khi sáng tác thơ bằng chữ Hán theo thể haiku, ông dùng biệt hiệu Sōseki, thể hiện tâm nguyện thay đổi mạnh mẽ thực tại. Cùng Mori Ōgai và Masaoka Shiki, Haruki Murakami kiên trì thực hiện tâm nguyện, trở thành nhà văn tiên phong trong phong trào đấu tranh chống chủ nghĩa tự nhiên (shizeshugi) Nhật Bản, một khuynh hướng đang ở giai đoạn suy thoái, bằng nỗ lực sáng tạo những tác phẩm văn chương và lập nên phái tâm lý cao sang, gọi là Dư dụ phái (yoyūha), với những tác phẩm đọc một lần rồi thì lời văn nằm lại mãi trong lòng mọi người. Di sản sáng tác của Sōseki rất đồ sộ, đa dạng và đặc sắc, bao gồm nhiều tiểu thuyết, truyện ngắn kỳ ảo, thơ haiku và các tiểu luận văn chương. Dấu ấn văn chương và tư tưởng của ông in đậm lên các tác phẩm của nhiều nhà văn lớn ở Nhật Bản sau này, trong đó có Haruki Murakami.
Ở thời đại sau, sinh năm 1949 tại Kyoto, Haruki Murakami cũng nhanh chóng nổi bật trên văn đàn Nhật Bản và thế giới. Vào năm 2006, Murakami trở thành người thứ sáu giành Giải thưởng Franz Kafka của Cộng hòa Séc cho tác phẩm “Kafka bên bờ biển”. Hai người nhận giải Kafka trước Murakami là Harold Pinter và Elfriede Jelinek đều đã đoạt giải Nobel Văn học. Bản thân Murakami cũng đã được đánh giá là ứng cử viên nặng ký cho giải Nobel.
Dù ở hai thế hệ khác nhau, thời thế đã nhiều đổi thay, nhưng giữa Haruki Murakami và Haruki Murakami vẫn có mối liên hệ đồng điệu về văn chương. Cả Sōseki và Murakami đều am hiểu sâu sắc văn học phương Tây và có thời gian định cư ở Anh (Sōseki) hoặc ở Mỹ (Murakami), nhưng họ không quay lưng với văn học Nhật. Natsume Sōseki và Haruki Murakami được xếp vào danh sách mười tác gia trụ cột của văn học Nhật Bản hiện đại. Murakami không phủ nhận việc đọc những tác phẩm của Franz Kafka là một sự khởi đầu cho nghiệp văn của ông. Nhưng, trong sâu thẳm, những sáng tác của ông thẫm đẫm tinh thần văn chương và tư tưởng của những người tiền nhiệm, trong đó rất gần với Natsume Sōseki, mặc dù Murakami nằm ngoài Dư dụ phái và không thuộc khuynh hướng sáng tác nào, có những dấu ấn cá nhân riêng mà vẫn mang chất tâm lý cao sang. Bởi Murakami, cũng như Sōseki, giữ được tinh thần cái mới không thay thế mà bổ sung cho cái cũ thay vì loại bỏ cái cũ trong truyền thống văn học Nhật Bản, nhưng ở thời đại mình các ông đã đổi mới các hình thức văn học và các giá trị thẩm mỹ trở thành khác biệt và đa dạng hơn, và góp phần vào việc chuyên trở vai trò của triết học chứ không xem như triết học, điểm khác biệt căn bản giữa văn học Nhật Bản và văn học Trung Quốc, trong quá khứ cũng như hiện tại.
Ở Nhật Bản, mỗi người dân trong đời mình ít nhất đọc một lần một tác phẩm của Natsume Sōseki. Văn chương của Sõseki được ví như chiếc chìa khóa để nắm bắt linh hồn của thời kỳ Minh Trị và nhìn sâu vào đất nước Nhật Bản đang hiện đại hóa nhanh chóng nhưng đầy bối rối trước những biến động không ngừng dưới ánh sáng của văn minh phương Tây. Tác phẩm “Sanshirõ” – tiểu thuyết thứ tư, sau “Tôi là con mèo”, “Cuộc nổi loạn ngoạn mục”, “Gối đầu lên cỏ”, được chuyển ngữ sang tiếng Việt năm 2016 – thể hiện mọi nghi ngờ, hứng thú và hoang đường của thời Minh Trị, đồng thời là chân dung hoàn hảo nhất về lớp trẻ Nhật Bản trong giai đoạn giao thời với hình ảnh kiêu ngạo ngây thơ nhưng tinh tế, sâu sắc qua nhân vật chính Sanshirõ. Chàng trai hai mươi ba tuổi rời quê lên Tokyo học đại học, trong thời kỳ giao thoa, Sanshirõ trải nghiệm, chọn lựa giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại, giữa tình yêu lãng mạn và thực tế cuộc đời. Với sự hài hước, ý tưởng tinh tế, Sōseki đã đưa “Sasshirõ” lên hàng tiểu thuyết của thời đại.
Tiểu thuyết “Rừng Na-uy” của Haruki Murakami được xem là gần gụi nhất với tiểu thuyết “Sanshirõ” của Natsume Sōseki về nhiều khía cạnh văn chương và tư tưởng. Từ “Rừng Na-uy”, người đọc khám phá nỗi buồn Nhật Bản thời hiện đại trong sự ưu tư, cô đơn đến tuyệt vọng nơi những người mới lớn để đi tìm nơi trú ngụ duy nhất là tình yêu. Cuộc tình tay ba giữa các nhân vật Naoko-Toru-Midori dưới ngòi bút của Murakami đã lay động hàng chục triệu độc giả trên toàn thế giới, đưa “Rừng Na-uy” lên hàng tuyệt đỉnh trong văn nghiệp của Murakami. Murakami được đánh giá là đại biểu tác giả tiểu thuyết toàn cầu duy nhất của châu Á. Ở Việt Nam, tác phẩm của Haruki Murakami được dịch và lưu hành rộng rãi, các tiểu thuyết: “Rừng Na-uy”, “Biên niên ký chim vặn dây cót”, “Phía Nam biên giới, Phía Tây mặt trời”, “Kafka bên bờ biển”, “Người tình Sputnik”, “Ngầm”, “Xứ sở diệu kỳ tàn bạo và chốn tận cùng thế giới”, “Nhảy Nhảy Nhảy”, “1Q84” (trọn bộ 3 tập), nhiều truyện ngắn, nghiên cứu và phê bình.
Sự đồng điệu giữa Murakami và Sōseki là luôn hòa cùng nhịp đập của thời đại. Thông qua tác phẩm của mình, các ông giúp độc giả nắm bắt được cảm giác trống rỗng về linh hồn của những con người cùng thế hệ và khám phá ra những tác động tiêu cực của tâm lý hướng về công việc của người Nhật Bản. Điều đó cũng khẳng định, Sōseki và Murrakami cùng chung sức, với nỗ lực của riêng mình, góp phần giữ vững truyền thống hướng tâm của nền văn học Nhật Bản, khác với các nền văn học có khuynh hướng ly tâm. Qua văn chương, Sōseki và Murakami cho thấy khả năng dung nạp và tích tụ nhiều tầng từ đời sống hiện thực và đời sống văn học, biến những kiến văn thành những vấn đề có tính triết học, có thể ví như công việc mài thỏi mực tàu rắn chắc thành thứ mực đen nhuyễn, đặc sánh, rồi dùng ngọn bút lông mềm mại vẽ lên loại giấy dó những hình loang ra, đậm nhạt, thực ảo, có những khoảng rỗng đầy ma mị, ẩn núp nỗi buồn đau bởi sự thiếu vắng lý tưởng trong thời tư bản phát triển, chứ không phải là thứ triết học cứng đanh như thỏi mực tàu nằm im trong hộp.
Sự kế tục và làm mới mình, cũng là làm mới truyền thống, ở trường hợp của cặp Natsume Sōseki và Haruki Murakami, như những viên gạch xây nền móng vững chãi cho tòa nhà thu nạp nhiều trào lưu và khuynh hướng sáng tác cùng các thành viên sáng tạo nên những tác phẩm văn chương trong lịch sử văn học Nhật Bản. Sự hình thành cùng với sự kế tục các trào lưu, khuynh hướng sáng tác, qua các giai đoạn phát triển khác nhau, tạo nên cuộc hành trình dài lâu, không bị đứt đoạn, từ đó xuất hiện những cá nhân tác giả danh tiếng không chỉ ở trong phạm vi quốc gia mà lan tỏa rất xa với những tác phẩm văn học để đời. Trong danh sách tác gia và tác phẩm nổi tiếng của Nhật Bản từ cổ đến hiện đại đều có tên Natsume Sōseki và Haruki Murakami. Cùng thời Natsume Sōseki có Santo Kyoden (1761–1816), Jippensha Ikku (1765–1831), Kyokutei Bakin (1767–1848), Mori Ōgai (1862–1922), Ozaki Koyo (1867–1903), Izumi Kyoka (1873–1939), Noguchi Yonejiro (1875-1947). Ở thời hiện đại, nổi lên hai Murakami (Haruki,1949-, và Ryu,1952–) và một Banana (Yoshimoto,1964–). Giải Nobel văn học đầu tiên của Nhật Bản (và thứ ba của châu Á) trao cho văn hào Kawabata Yasunari năm 1968, đúng dịp kỷ niệm 100 năm hiện đại hóa nước Nhật nói chung và hiện đại hóa văn học Nhật Bản nói riêng, tính từ cuộc cải cách Minh Trị. Nhà văn Ōe Kenzaburo (1935-) mang về cho nước Nhật giải Nobel văn chương thứ hai vào năm 1994. Những tên tuổi nổi danh này không đi một mình mà cùng đi trên con đường chung, cùng khuynh hướng và cùng nền văn học, tạo nên bản sắc của văn học Nhật Bản, đúng như câu nói của ai đó: muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa phải đi cùng nhiều người (!). Sự nỗ lực riêng lẻ, tách rời, vẫn có thể đưa một vài cá nhân lên đỉnh cao vinh quang, nhưng sự chói sáng ấy giống như ngôi sao băng không bền lâu, không vươn xa.
Nền văn học Nhật Bản, cũng như các nền văn học lớn khác, đã thực hiện cuộc hành trình bền bỉ khuynh hướng hướng tâm, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, cương quyết loại bỏ những cái cũ lỗi thời, những cái mới không hợp thời, tạo dựng những giá trị mới, đích thực, có tác dụng thức tỉnh lương tri, làm động lực thúc đẩy tiến bộ xã hội, không phải bằng những triết lý khô cứng mà biến những khái niệm triết học trừu tượng thành những tình cảm mang tính nhân văn, nhân bản sâu đậm dưới ánh sáng của nghệ thuật thể loại. Cuộc hành trình ấy đã, đang và còn đi xa…
Nguồn Văn nghệ số 24/2017